T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Rồi cũng qua

 

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Tôi là một đứa con gái bất hạnh, chào đời trong sự lạnh nhạt của cha và sự hất hủi của mẹ. Theo lời Cô -là chị ruột của Bố- lúc mang thai tôi, Mẹ rất vui mừng vì có những triệu chứng khác xa với năm người chị của tôi -điều mà người ta thường bảo là đổi đầu con- lại thêm ông thày bói nổi tiếng quả quyết rằng đứa bé thứ sáu này nhất định là con trai. Bố háo hức chờ đợi. Mẹ nâng niu, cẩn thận trong từng cử động, từng bước đi.

Ngày Mẹ chuyển bụng, Bố đưa Mẹ đến bệnh viện bằng tất cả sự nôn nao, sung sướng. Năm đứa con gái trước lọt lòng mẹ một cách nhanh chóng dễ dàng, nhưng lần này “thằng quý tử” của Bố hành Mẹ vật vã. Bố cứ chắc lưỡi liên tục. Lo thì có lo nhưng gương mặt Bố không dấu được niềm vui đang chực chờ òa vỡ “đúng là con trai có khác, lì lợm, phá phách. Ra nhanh lên, không thì Bố tẩn một trận cho biết thân thằng cu tý của Bố”. Cô ngồi bên cạnh, cảm thấy xúc động với những lời thì thầm đầy hạnh phúc của đứa em trai. “Tội nghiệp, biết bao năm nó đã đếm từng đứa con ra đời để chờ đợi một thằng con trai”.

Bố đứng rồi ngồi, ngồi rồi đứng cho đến lúc cô y tá bước ra hỏi:

-Ai là thân nhân của bà Trần thị Hoa

Bố đứng dậy, ưỡn ngực chờ đợi tin vui.

-Bà sinh xong rồi. Con gái !!!!

-Con … gái???

Mặt Bố tái xanh, đôi mắt sững sờ. Bố nhìn Cô không chớp mắt. Cái nhìn chứa đựng câu hỏi “tại sao???”. Vài phút nặng nề trôi qua, Bố quay bước, đi thẳng ra cửa, mặc cho Cô thảng thốt chạy theo, không ngừng gọi tên Bố.

Suốt một tuần lễ Bố không trở về. Suốt một tuần lễ Mẹ khóc vùi trong căn phòng kín mít tối tăm. Mặc cho Cô dỗ dành, khuyên lơn, năn nỉ, Mẹ bỏ ăn, bỏ uống. Chỉ tội cho đứa bé mới chào đời khát sữa, khóc khan cả cổ họng mà vẫn không được Mẹ đoái hoài. Cô một mình chăm chút đứa cháu bất hạnh. Ngày đêm, Cô thúc giục “đặt tên cho nó đi để còn làm khai sinh”. Mẹ bảo chờ Bố trở về. Một tháng. Hai tháng … Bố vẫn biệt tăm. Tháng thứ ba, khi Cô nhắc lại, Mẹ lạnh lùng bảo:

-Đặt nó tên Hợi

Cô há hốc miệng:

-Sao lại thế? Năm đứa kia là Mỹ Lan, Phong Lan, Kiều Lan, Ngọc Lan, Tuyết Lan, sao nó không là gì …. Lan mà lại …. tội nó quá, em ạ!!!!

Mẹ quay đi với câu nói rành rọt:

-Nó tuổi hợi, cứ đặt là Hợi cho giản tiện.

Mẹ giận Bố. Mẹ hận Bố. Đứa con gái bất hạnh hứng trọn sự trả đũa của Mẹ bằng cái tên xấu xí mà nó phải mang cho đến hết cuộc đời.

Đó là “lịch sử cay đắng” của tên Hợi. Trương thị Hợi. Tên của tôi.

Khi tôi được bốn tuổi thì Bố trở về. Bố nhìn tôi bằng đôi mắt lạ lẫm. Tôi chui tọt vào lòng Cô nhìn Bố như một người xa lạ.

Sau này, lớn lên tôi mới được Cô kể lại, khi biết tôi là con gái, Bố buồn và giận lắm, ông bắt đầu bê tha, trác táng. Sau đó, Bố có một người vợ khác -mà mục đích chính là để tìm một đứa con trai- nhưng cuối cùng thì hai đứa con của Bố và bà vợ sau cũng là con gái. Bây giờ thì Bố tin là không phải do lỗi của Mẹ. Bố trở về xin lỗi Mẹ, nhưng Bố lại quên đứa con gái vì thành kiến cổ hũ của Bố mà phải gánh lấy phần thua thiệt.

Khi bước vào tuổi dậy thì, tôi mới cảm nhận trọn vẹn sự thua thiệt và bất hạnh của mình. Trong gia đình. Tôi như một con sen phải gánh hết mọi việc từ nhỏ đến lớn. Bạn trai của các chị đến nhà thì:

-Hợi rót nước cho khách!

-Hợi, lấy cho tao đôi giày!

-Đói bụng quá, nấu cho tô mì coi Hợi.

Có lần người bạn trai của chị Kiều Lan tò mò:

-Hợi … là gì cuả Lan?

Thắc mắc cũng phải, làm sao con bé Hợi xấu xí này là em của chị Kiều Lan xinh đẹp, mỹ miều:

-Ờ! thì nó…

Hất mặt về phía anh ta, tôi trả lời bằng giọng đốp chát:

-Là con sen trong nhà này được không? Có đụng chạm gì đến anh không ….?

Nghĩ tôi là con sen thật nên anh chàng chọc ghẹo:

-Đâu có gì … thấy tên … ngồ ngộ nên hỏi cho vui.

Chị Kiều Lan nói một cách vô tư như vẫn thường hay nói với các chị tôi:

-Đừng chọc giận, nó kêu ột ột bây giờ.

-Kiều Lan!!! Con nói cái gì vậy?

Cô tình cờ bước vào nhà, nghe được câu nói của chị Kiều Lan, Cô đã hỏi lại một cách giận dữ.

Trong số bạn bè nhốn nháo của các chị có anh Lân là chững chạc và tế nhị nhất. Anh thường hay phụ giúp tôi khi tôi phải chạy ngược, chạy xuôi để làm những việc mà các chị sai biểu trong những buổi tiệc tùng, sinh nhật. Thoạt đầu, tôi cũng chẳng ưa gì anh, bởi trong mắt tôi, anh và những người con trai khác là đám thanh niên ham mê bóng sắc, họ đến nhà tôi chỉ để ve vãn, tán tỉnh những người chị xinh đẹp của tôi mà thôi chứ chẳng tốt lành gì. Nghĩ như thế nên lúc đầu tôi rất lạnh nhạt và khó chịu mỗi khi anh nhanh nhẹn giúp tôi bưng những mâm thức ăn hoặc nước uống nặng trĩu, nhưng chưa bao giờ anh tỏ vẻ phiền lòng trước thái độ cộc lốc, thiếu thân thiện của tôi.

Ngày lễ hỏi của chị Kiều Lan, giữa lúc đang chuẩn bị trà nước để đãi khách thì tôi vướng phải sợi dây điện của cây quạt máy đang đặt giữa nhà. Mất thăng bằng nên chiếc mâm trên tay tôi rơi xuống đất, những chiếc ly vỡ toang, nước văng tung tóe, bắn vào vạt áo của chị Kiều Lan. Chị không nói một lời, nhưng ánh mắt của Mẹ và các chị nhìn tôi như một lời kết tội khe khắt. Nỗi lo sợ và xấu hổ làm tôi luống cuống không biết phải làm gì. Anh Lân lẹ làng gom những mảnh ly vỡ, lấy khăn lau chùi sạch sẽ. Vào nhà trong, anh Lân còn đùa để giảm bớt bầu không khí căng thẳng:

-Hà hà! Vậy là đám cưới của Kiều Lan sẽ dùng toàn ly mới.

Cô tôi nói thêm:

-Đám hỏi của chị Kiều Lan mà Bé Bảy run như vậy, tới đám hỏi của Bé Bảy thì còn run cỡ nào.

Trong gia đình, chỉ có Cô không gọi tên thật của tôi mà gọi bằng Bé Bảy. Chị Phong Lan đứng gần đó cười rất “ngây thơ”.

-Bộ cô nghĩ sẽ có người cưới con Hợi hả?

Anh Lân quay sang hỏi:

-Sao không?

Chị Mỹ Lan giả vờ tròn mắt:

-Ai vậy? Anh biết hả?

Anh Lân nghiêm giọng:

-Anh không biết, nhưng anh tin rằng mỗi người con gái đều có một ngày vui nhất trong cuộc đời mình.

-Hừ! đẹp cỡ em mà còn chưa biết có hay không, cỡ con Hợi thì … đó là chuyện khó tin mà không có thật.

-Sao Mỹ Lan nói vậy … có thấy là quá tàn nhẫn với em của mình không?

-Nè, nè!! chuyện có gì đâu mà ầm ỉ vậy anh! Sự thật là sự thật mà.

Tiếng cười của chị Mỹ Lan như xoáy vào tai nhưng tôi vẫn bình thản như không phải chuyện của mình. Đau đớn. Oán hận. Buồn tủi. Những chữ đó hầu như không có trong tự điển của cuộc đời tôi, kể từ khi tôi tự nói với tôi “mình không thuộc về gia đình “Ngũ Long Công Chúa”. Và tôi đã tự bảo vệ mình bởi một thành trì được xây bằng sự chai đá, lạnh lùng và xa cách -dù có đôi lúc tôi cảm nhận được rằng đó là chỉ là sự đánh lừa chính mình.

Từ hôm ấy, câu nói của anh Lân cứ lảng vảng trong ý nghĩ của tôi “mỗi người con gái đều có một ngày vui nhất trong cuộc đời mình”. Có thật là tôi sẽ có ngày đó không? Này mắt, này môi, này vóc dáng, này thân thể …. tôi nhìn mãi cái bóng dáng trong gương rồi tự hỏi “bàn tay khéo léo” của thượng đế mà người đời vẫn thường ca tụng, sao lại có những “giây phút xuất thần” để tạo ra một tác phẩm vụng về đến thô kệch như thế này? Tôi không giống Bố cũng không giống Mẹ. Đến nỗi có lần bà ngoại nhìn tôi rồi thắc mắc:

-Con nhỏ này nó giống ai vậy kìa?

Rồi một giả thuyết được đặt ra:

-Hay nó là đứa con bị tráo?

Mẹ tôi bắt đầu bị lung lay với giả thuyết đó.

-Ùa! Bữa đó con như sắp chết trong mười bốn tiếng đồng hồ lăn lộn với những cơn đau bụng kinh hồn. Khi sinh xong, con đâu còn biết gì, nếu có ai bế con mình đem đi đổi thì cũng không biết!!! Ừa! Biết đâu. Chứ ông thày bói quả quyết con sinh con trai. Mà con thấy kỳ này mình có bầu cũng khác như mấy lần trước, không thèm chua, không bị ói mửa. Cái thai nó cũng mạnh hơn, nó đạp lung tung như đá banh vậy!!! Chắc là….!!!

Những lời nói cay nghiệt đó như một dấu ấn không thể bôi xóa trong đầu óc của tôi và cũng từ đó, tôi biết rõ ràng vị trí của mình trong gia đình. Cô đã ôm tôi bằng vòng tay âu yếm, an ủi tôi bằng những giọt nước mắt long lanh:

-Chắc tại Mẹ con còn giận Bố nên nói vậy.

Năm tôi hai mươi tuổi Cô phải trải qua một cuộc giải phẫu vì căn bệnh trầm trọng. Khi Bố vào bệnh viện thăm Cô -lúc ấy tôi đang săn sóc cho Cô. Cô gọi tôi đến gần, vén tóc tôi lên và nói với Bố:

-Em nhìn cái dấu xếp ở vành tai của Bé Bảy nè. Có giống của em không? Chưa hết, còn ngón út bên chân trái của nó vảnh ra phía ngoài y hệt chân em? Đừng tin những lời vợ em nói mà hất hủi nó tội nghiệp.

Bố nhìn tai tôi rồi nhìn bàn chân tôi trân trối. Tôi quay đi khi thoáng thấy nét xúc động trên mặt Bố -bởi tôi vốn ghét những ai ban bố cho tôi cái nhìn thương hại. Từ đó, trong mắt Bố đã có cái nhìn dịu dàng hơn. Nhưng trong mắt Mẹ vẫn là sự hoài nghi, thất vọng. Có lẽ Mẹ vẫn mong muốn Cô tôi đừng bao giờ nói ra điều đó để mọi người hoặc chính bản thân Mẹ đều nghĩ rằng, Mẹ đã sinh được một đứa con trai nhưng chỉ vì có người đánh tráo nên Mẹ phải mất đứa con trai đó. Có lần tôi hỏi Cô:

-Mẹ con có thấy cái tai và ngón chân giống Bố của con không?

Cô thở dài:

-Cô không biết … có thể có mà cũng có thể không.

Cũng đúng, có bao giờ mẹ gần gũi, chăm sóc hay âu yếm tôi đâu. Tôi gần như là con của Cô chứ không phải là con của Mẹ.

Những ngày tháng kế tiếp anh Lân thường hay trò chuyện với tôi. Rất khéo léo và tế nhị anh đã giúp tôi dần dần vơi được một ít mặc cảm. Có lần anh nói với tôi:

-Sau này Bé Bảy sướng lắm đó.

Tôi ngạc nhiên:

-Sao anh biết?

Anh vỗ nhẹ lên bàn tay tôi:

-Bàn tay của Bé Bảy đẹp lắm. Coi nè, ngón tay dài và thon không có gúc ở mắc tay. Người ta gọi là bàn tay búp măng đó.

Lần đầu tiên có người nhìn thấy một nét đẹp hiếm hoi nơi tôi. Câu khen ngợi thành thật, không giả dối gây cho tôi một niềm tin và sự yêu đời. Đôi lúc tôi bắt gặp ánh mắt tràn đầy yêu thương anh Lân dành cho tôi. Đã có những đợt sóng ngầm xôn xao trong trái tim tôi, nhưng tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng, anh Lân chỉ xem tôi như một đứa em đáng tội nghiệp.

Năm tôi hai mươi lăm tuổi, Bố bệnh nặng. Lúc ở bệnh viện Bố nhắn cả gia đình vào gặp Bố. Trước mặt Mẹ và các chị, Bố nói với tôi:

-Bố hối hận là đã gây đau khổ cho Mẹ. Bố mong con sẽ thay Bố săn sóc Mẹ. Các chị con rồi sẽ lấy chồng, Bố chỉ trông cậy vào con. Con sẽ ở vậy để nuôi Mẹ cho đến ngày Mẹ theo Bố.

Ánh mắt của mọi người đổ dồn về phía tôi. Bố đã tin rằng tôi là con ruột của Bố nhưng Bố vẫn bất công đối với tôi cho đến giây phút cuối. Tôi nuốt nước mắt ngược vào tim:

-Con nghĩ là … con sẽ không có được cái diễm phúc chăm sóc Mẹ đâu. Bố không biết chứ từ bé đến lớn, có bao giờ Mẹ muốn gần gũi con đâu thì làm sao Mẹ sống với con được. Có lẽ Bố chọn chị Kiều Lan là đúng nhất, Mẹ thương chị Kiều Lan nhất nhà mà.

Những ánh mắt nhìn nhau ái ngại, Bố tôi mếu máo:

-Nhưng con có biết, vì con mà Bố có lỗi với Mẹ không?

Tôi mím môi:

-Cuối cùng thì Bố đã nói ra điều con không dám nghĩ. Nhưng con xin thưa với Bố, Bố Mẹ đã tạo ra con chứ con hề không van xin Bố Mẹ để được sinh ra trên cõi đời này. Như vậy, con đâu có lỗi gì trong việc làm rất nhẫn tâm của Bố? Con cũng biết tại sao Bố chọn con. Sao Bố không nói rõ hơn là tại vì con xấu xí quá nên sẽ không có người con trai nào dám rước con về làm vợ ….

Bố bật khóc. Chị Kiều Lan nhìn tôi giận dữ:

-Mày tự hiểu thì được rồi, sao lại nói ra làm đau lòng Bố.

Giọng tôi đanh lại, mọi uất ức tràn ra như nước lũ:

-Vậy chứ mấy mươi năm nay có ai nghĩ đến nỗi đau của em không? Các chị đã xinh đẹp mà lại còn được thêm cái tên quý phái. Còn em, xấu xí đã đành mà còn phải mang tên của một con vật thấp hèn. Các chị đã không tội nghiệp cho em mà còn chế nhạo em. Các chị có biết là mỗi tiếng cười của chị là hàng ngàn mũi tên đâm vào trái tim em không. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu các chị mang cái tên nghiệt ngã đó các chị có thể ngẩng mặt với đời không? Thưa Bố … xin lỗi, con không thể nghe lời Bố. Và con nói thật, con từ chối lời yêu cầu của Bố mà lòng con không chút hối hận….

Tôi chạy bay ra khỏi bệnh viện, ngồi bệt xuống lòng đường, vùi mặt vào cánh tay khoanh tròn khóc nức nở. Tôi tưởng mình sẽ hả hê lắm khi tuôn ra được hết mọi uất ức trong lòng, nhưng cuối cùng thì … tôi lại giận tôi … Tại sao không kềm giữ lòng mình. Tại sao tôi lại nói những câu đáng lẽ không nên nói. Tôi trách Bố tàn nhẫn nhưng hình như trong câu nói của tôi cũng chứa đựng sự tàn nhẫn không kém “con từ chối lời yêu cầu của Bố mà lòng con không chút hối hận”. Tôi vừa khóc vừa đấm ngực mình “Con sai rồi, con sai rồi, Bố ơi!!”

Bố tôi qua đời ngay ngày hôm sau.

Mọi người trong gia đình không ai nói với tôi một lời, nhưng trong những mảnh khăn tang dành cho các con không có phần của tôi. Đó là lời kết tội nặng nề nhất. Chị Phong Lan và Tuyết Lan đã vượt biên từ bốn năm trước và hiện đang sống ở Na Uy, nên khăn tang của hai chị được vắt ngang trên nắp quan tài. Còn tôi. Tôi đã bị tước đoạt quyền làm con từ khi từ chối sự phó thác của Bố. Tôi cố gắng không để rơi một giọt nước mắt. Tôi cố gắng thản nhiên, bất cần đời trong khi mọi người cũng tỏ thái độ bằng cách xem như không có mặt tôi trong tang lễ này.

Lần đầu tiên trong đời tôi có được hai ngày yên tĩnh không ai réo gọi tên tôi để sai biểu. Tôi ngồi lặng lẽ ở góc nhà nhìn mãi vào khuôn ảnh của Bố. Từ bé đến lớn, chưa bao giờ tôi dám nhìn thẳng vào mắt Bố và Bố cũng chưa bao giờ gọi tôi đến gần để vuốt ve trìu mến. Biết bao lần tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy những cử chỉ âu yếm mà Bố dành cho chị Tuyết Lan là đứa con Bố yêu thương nhất nhà. Sự buồn tủi và mặc cảm đã tạo ra một khoảng vô hình trong tình phụ tử ngày càng đẩy tôi xa cách Bố hơn.

Buổi sáng, khi mọi người chuẩn bị để đưa Bố ra nghĩa trang tôi vẫn còn nằm co ro ở góc nhà sau hai ngày không ăn uống và hai đêm thức trắng. Tôi giật mình tỉnh giấc vì cảm giác những sợi tóc trên đầu bị xiết chặt. Tôi mở mắt và thấy Mẹ đang cột khăn tang lên đầu tôi. Có phải Bố xui Mẹ quyết định “tha tội bất hiếu” cho tôi vào phút cuối? Tôi nhìn mẹ, gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng và những sợi tóc bạc lòa xòa trên chiếc trán hằn những nếp nhăn làm se lòng tôi. Lời anh Lân nói hôm qua như vang lên trong tiềm thức “anh biết Bé Bảy, miệng cứng nhưng lòng mềm”.

Chuyện trôi qua đã gần hai mươi năm. Mẹ tôi giờ đã già lắm rồi. Các chị tôi đã an bề gia thất và họ đang ở xa tôi nửa vòng trái đất. Tất cả những buồn đau đã nằm yên trong quá khứ. Nụ cười hay nước mắt, niềm vui hay nỗi buồn, tất cả rồi cũng qua, nên giờ đây tôi rất bình an mà “ở vậy để nuôi Mẹ cho đến ngày Mẹ theo Bố” như ước ao của Bố []

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search