T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: LẠC BẦY

Tranh: Thanh Châu

Lạc bầy

Sáng Chủ nhật mở mắt nhìn cửa sổ thấy lờ mờ, ý nghĩ đầu tiên là xuống biển bơi; nhưng Hoá nghĩ lại “không lý đi một mình”; sau kết quả tú tài hai là phân tán hết, đám quen đứa nào cũng đi xa để học lên, biết đứa nào còn mà rủ. Bạn nối khố Lam, Ninh vô Sài Gòn; không lẽ kiếm Tứ, Trang bồ tụi nó; kỳ chết!

Hoá kéo mền trùm đầu, không phải muốn ngủ nướng; những ý nghĩ lộn xộn kéo tới, có cái xua đi cứ quay lại. Cỡ “tủi thân như bị bỏ rơi” là không có cửa …những ý nghĩ loại đó hoàn toàn vô lý với thằng con trai mười tám tuổi đã lãnh lương hãng này”.

Hãng có 3 kỹ sư Mỹ, quản lý và hơn chục nhân công người Việt. Chiều thứ Bảy cuối tháng ông Quản lý hành chánh phát lương cho phe ta.

– Cậu làm 3 tuần, 15 ngàn đây là lương nguyên tháng, thưởng luôn cho cậu. Học sinh mới cắt chỉ mà có cố gắng, không trục trặc gì… quan trọng.

Hoá đưa hai tay nhận xấp tiền, hai hàm răng như cười chưa kịp khép, suýt quên “cám ơn”, vừa lí nhí vừa thẫn thờ quay lưng bước ra khỏi phòng. Xấp tiền toàn giấy 500 màu xanh dương, có Trần Hưng Đạo một mặt, mặt kia là cánh buồm Hạ Long; cọ nhau lạo xạo trong tay. Một số tiền ngoài sức tưởng tượng, chưa từng cầm 1 tờ. Tính nhẩm số tiền ăn, ở, mua sắm mắc chịu và tiền phòng tiền cơm trả cho tháng tới, thấy còn khẳm, tha hồ. Ngợp! Hoá thấy làm như mình không xứng đáng cầm một số tiền lớn cỡ này.

Hồi tưởng những gì xảy ra trong những ngày làm việc vừa qua, Hoá tự cười “cũng xứng đáng chớ”. Biết, học và làm thêm thiệt nhiều thứ trong một thời gian ngắn. Lại có đứng chôn chân giữa suối nước xiết ngang bụng, lạnh cẳng muốn chết để trả lời anh du kích (ban ngày mà dám thả rong ra cầu xe lửa ngồi gác cây súng ốm dài thòng ngang đùi, thòng hai chân xuống nước; hỏi khơi khơi như cho có chuyện “thằng Mỹ hồi nãy đâu rồi?…cái máy đó là gì? Mày rà gì dưới đó?”).

Lương đã lãnh. Chỉ còn làm thêm chừng 1 tiếng. Đạp xe về nhà trọ lấy túi xách dồn đầy lúc sáng, ra bến xe; tối là Nha trang, là nhà, là ông nội, là xóm, là bạn bè. Cuối tuần đầu tiên về nhà, chiều nay lại đi. À mà bạn bè, từ nay làm gì còn đàn đúm rong chơi nữa!

***

Đôi giày da đế cao mũi dài nhọn mới toanh (không cột dây, da hai bên may thành đường gân chạy dọc ở giữa tới mũi – trong năm, mấy đứa con nhà giàu đã diện, kêu “giày Beatles”), sơ-mi quần tây không phải xanh trắng mà tẹc-gan xám, nin-phrăng lam là bằng chứng cho sự trưởng thành. Lại do mình lãnh lương, đặt may, mua; chứ không phải do tiền ông cho, hay mang bính của ai.

Đánh bộ chỉnh tề xong, Hóa ra khỏi nhà “Dạ, ông cho cháu đi chơi”. Ông nội còn nằm, trong phòng ngủ nói vọng “đi trưa về, ăn ngoài tốn tiền”. “Dạ, trưa cháu ghé Tân Hoa Ký mua cải xào thịt bò”. ”Mi có tiền là phá hí!”.

Bên kia hàng rào ông Năm xích-lô nhìn qua, nói vói:

– Chà Woá! Bộ mày đi coi mắt dzợ hả? thủng thẳng tao chở, gấp chi mày.

– Thôi ông Năm, ông cà-phê đi.

– Mới đêm nào xém nữa tao khện mày cái đòn gánh khi mày mới chui cái đầu qua hàng rào mà bây giờ mày như Ông … có làm được việc cho người ta không mảy?

– Dạ, tui làm ngon ơ ông Năm, có ngày còn lủi vô sâu trong núi.  Làm được mới ở lại ba tuần chớ. Chiều nay đi.

– Ông mày chắc mừng dữ há? Mày vô núi làm gì trỏng?

– À, đo đất như kiểu đạc điền, còn đo nước sông suối.

– Gì ghê dzậy mảy! Cẩn thận nhe Woá. Mấy ổng ra thộp, mày tiêu đó mày.

Hoá nhớ tới chuyện anh du kích (sau mới biết lúc đó chú tài xế gốc Quảng vừa thoáng thấy đã biết tình hình, chỉ kịp lôi kỹ sư Mỹ luồn bụi chạy thoát lên đường cái). Chỉ nhớ lại mà trống ngực đập dồn. Nghe ông Năm lo, thấy thương ổng:

– Dạ. Cám ơn ông Năm. Có làm mới có lương. Giờ tui đi chơi đã.

– Mày giỏi đa Woá! Còn bày đặt hút thuốc nữa héng…gắng nghe mày.

Bà Huyện cách nhà Hoá một lô dừng chủi quét sân, đứng nghe. Hóa cúi đầu chào:

– Dạ thưa bà.

– Phải! Vậy là Cậu Hóa đã đi làm xa.

Sắc mặt bà lúc nào cũng hiền. Lúc trước bà kêu Hóa là cháu. Từ lúc bà nội mất, bà Huyện thôi qua nhà chơi.

– Dạ cháu làm trong Ba ngòi.

– Vậy rồi cậu ăn ở làm sao, có đàng hoàng không?

– Dạ cũng đàng hoàng.

– Lương bổng có khá không mà áo áo quần quần, thuốc men rồi!

– Dạ cũng khá. Cháu hút cho vui với người ta.

– Bây giờ cậu tính đi đâu mà sớm vậy?

– Dạ cũng lòng vòng kiếm mấy người bạn.

– Vậy đi đi. Rán tuần nào cũng về.

-Dạ.

Ông Năm còn nói theo:

– Woá! Chiều tao chở mày ra bến!

– Dạ, ông Năm.

Bây giờ đi đâu? Ngồi quán một mình thì nhìn “du khách” quá. Tới nhà ai thì sường sượng thế nào. Hay xuống biển ngồi làm cảnh! Hồi nãy cứ mang áo quần thường, xỏ dép, đạp xe thì đi đâu cũng tự nhiên.

Đường Trần Bình Trọng vừa đất vừa đá, đất mưa trôi lòi toàn mặt đá; gót giày Hoá gõ lốp cốp như đi trên sàn gạch bông. Đi ngang qua nhà mấy thằng bạn, nhìn lạ như nhà ai. Đường sá, ngã ba ngã tư..cũng khang khác. Mới một thời gian mà trừ hàng xóm, thành phố làm như thay đổi. Đi học bị đổi trường đổi lớp cũng không thấy lạc lõng cỡ này.

Mùi nước mắm pha nước tôm xông ra từ nhà bán “bánh bèo cạy” làm Hoá chậm bước, nhớ mình chưa ăn gì. Trong sân nhà đó, dưới tàn hai cây vú sữa, bà chủ giở nắp chồng xửng tre, hơi nước sôi trắng pha mùi bột gạo chua, toát ra từ mấy cái trẹt lao xao đầy những chén bánh bèo trắng ngần, nhìn kỹ còn lúm đồng tiền; chết cái dạ dày thằng nhỏ rồi mạ ơi.

– Hoá! Hoá!

Một người đứng dậy trong đám đàn bà đang ngồi lúp xúp, nạy, nhai, húp bánh bèo nước chấm: Trang.

– Ủa! Trang!…

Hoá ngưng kịp trong miệng một câu gì đó lọng cọng vô duyên vì bất ngờ. Trang đã ra tới sát bên:

– Sao mà bảnh tỏn vầy cậu Tú! Ông đi đâu đây?

– Ờ thì lang thang chơi… tui đi làm rồi, trong Ba ngòi.

– Vậy sao! Gì lẹ vậy, biết ông không đi Saigon mà sao không thấy đâu. Mừng quá Hoá, vô đây vô đây… ăn bánh bèo luôn..

Trang quay mặt nhìn người bạn đang ngưng ăn nhìn ra:

– Bạn Trang đó, không sao.

– Thôi Trang trở vô tự nhiên đi.

Trang níu tay áo Hoá, Hoá lại càng ngại:

– Trang đã có thư Ninh chưa? Chắc hắn nhớ bồ dữ.

– Chưa, không biết sao trễ. Vô ăn nói chuyện luôn.

Hoá nhìn Trang: má bồ hôi ửng hồng, miệng láng mỡ hành, ngấn cổ lẵn, từng vồng vun như chưa nuốt xong. Đói, không khí nồng mùi hấp dẫn dạ dày làm cánh mũi Hoá run, một hồi mới nói khi giải quyết xong ngụm nước miếng:

– Thôi…tuần sau tui về, sẽ tới nhà…Trang vô kẻo bạn chờ.

Hoá xoay bước. Trang với theo:

– Nhớ nhe Hoá. Mình buồn quá!

Hoá nhìn lui, cười vô lối, vẫy tay “nào giờ bạn bè giỡn hớt không ngại, giờ bồ hắn đi xa, sao thấy lúng túng!”.

Hoá đi nhanh về chợ Xóm mới, “phải ghé ki-ốt trước chợ, lùa tô hoành thánh mì”. Hoá nhớ bạn bè, từng đứa. Hoá nghĩ tới tâm trạng Trang “có việc vàn gì đâu mà không cùng ngồi lại với Trang, rồi về nhà Trang ôn chuyện cũ này kia. Thằng Ninh sao kỳ, bồ bịch gì mà không thư từ. Còn Tứ giờ này ở đâu? Vì sao Tứ Lam nghỉ chơi!”.

Hoá vòng qua hông chợ nhìn vô tiệm mẹ Tứ, cũng là nhà Tứ dọn ra ở sau này, khi cho ông Denis thuê nhà trong xóm. Dĩ nhiên chỉ thoáng thấy mẹ Tứ ngồi bán. Thấy mình thèm một khung cảnh, một không khí ngay lập tức, Hoá quay ra, đi về nhà cũ của Tứ, nơi tập tụ cho cả đám trước và cả sau khi ông Denis thuê.

Trên hiên, ông Herman, là bạn học cũ của ông Denis từ Sài Gòn thỉnh thoảng ra chơi, đang ngồi xích đu hút thuốc một mình, reo giữa chừng khói:

– Chúa ơi, Huar! … Có phải đúng là anh không?

– Vâng, sao không là tôi. Sao Mr. Herman ngồi một mình ở đây?

– Họ còn ngủ, John và Richard. Tối hôm qua chúng tôi uống tới bò; ra đây không gặp được Denis buồn quá tôi nốc, không ra khách sạn mà ngủ lại ở phòng Denis. Oh! Anh biết là Denis và Angela rời thành phố rồi chứ?

Hóa thấy hụt hẫng, đó là hai người mà Hóa muốn gặp:

– Họ đã đi thật sao Mr. Herman!

– Không có hợp đồng cho niên khóa tới thì không có lý do để họ ở lại suốt kỳ nghỉ hè. Để tôi lấy cà phê. Trông anh đã đến lúc cà phê thuốc lá. And booze?

– Mr. Herman, ông không sai lắm đâu. Tôi đã đi làm, người ta kêu nhậu thì tôi phải tập nốc.  Hôm nay về nghỉ cuối tuần thăm ông nội tôi.

– Tuyệt vời, tuyệt vời! Chúc mừng anh. Một lúc thôi, tôi sẽ mang cà phê. Chúng ta sẽ nói chuyện. Chắc chắn là vậy.

Hoá ngạc nhiên trước sự vồn vã của ông Herman. Vẫn biết là bạn của ông Denis, ông Denis là dân dạy học chí nguyện còn ông này làm gì? Cũng nên dè dặt.

Hóa nhìn quanh. Những chỗ có lúc Lam, Tứ, Ninh, Trang thường ngồi; khi đôi ba khi cả bọn 5, 6; thỉnh thoảng có Tiến hoặc ai đó. Sau khi mẹ Tứ cho nhóm ông Denis thuê nhà thì ông ấy có nhã ý  giúp mỗi tuần 3 tiếng thực tập đàm thoại Anh văn mà cả bọn rất thích. Thỉnh thoảng Miss. Angela cũng tham gia giúp. Hóa muốn gặp để cám ơn họ. Không phải chỉ trung học đã kết thúc mà lớp Anh văn bán chính thức ở nhà ông Denis cũng rã đám. Cũng nhờ họ mà Hoá xin việc được với hãng kỹ thuật Mỹ.

Nhẩm lại chỉ còn Trang ở đây. Mình dù chưa xa hẳn nhưng cũng đã xa. Mấy thằng kia thì đã vô Sài gòn. Tứ đang ở đâu? Tiến thì chắc đã trong mật khu, Đồng Bò? Không chừng cùng căn cứ với anh chàng du kích cầu xe lửa.

Ông Herman bưng khay cà phê ra, có lon sữa. Ông nói:

– Một trong những thói quen tôi có ở Việt Nam mà không ân hận là uống cà phê với sữa đặc. Tôi không chắc là sau này thành phố nơi tôi ở có loại sữa này. Vấn đề lớn, lớn thật đấy. “big problem! man” Huar có nghĩ vậy không!

Hóa nói:

– Mr. Herman, còn tôi thì bắt đầu ghiền uống cà phê hàng ngày, mà không phải chỉ một lần, lại uống bằng ly to chứ không phải cái tách nhỏ. Ông không tưởng tượng được tim tôi đập nhanh thế nào khi cố uống hết ly lần đầu.

– Huar, tại sao anh phải uống như thế! Phải có thói quen Americano mới được.

– Tôi không để bị mất mặt trước kỹ sư người Mỹ mới gặp.

– À ra thế, tôi nghĩ là tôi hiểu. Hút thuốc đi Huar.

– Cám ơn, tôi có thuốc của tôi.

– Thế công việc của anh là gì, Huar?

– Một loại công nhân kỹ thuật: đi đo đất, đo nước trên và dưới mặt đất, tính toán, vẽ đồ thị.

– Huar, anh đang đùa? Thật vậy sao! Chúa ơi! Sao lại lạ lùng thế này. Chính đó là nghề của tôi. Bắt tay cái đi, Mr. Huar!

Ông Herman nói tiếp:

– Đúng ra là thế này. Nói thế này mới chính xác, tôi là chuyên viên biên tập tài liệu, báo cáo kỹ thuật. Ở Sài gòn tôi đang biên tập rất nhiều giấy tờ, báo cáo liên quan đến thủy lợi, thủy tính, trắc lượng là những cái mà anh nói anh đang làm.

– Tôi không hiểu. Thế mấy kỹ sư người Mỹ, nói tiếng Anh đàng hoàng thì làm gì? Bộ họ không viết được à?

– Đa số viết sai chính tả, sai văn phạm, cú pháp không mạch lạc vì các kỹ sư tại chỗ, họ chú trọng trình bày kỹ thuật. Phải có những người biết kỹ thuật nhưng lại chuyên về Anh văn để đọc, sửa chữa, biên tập, tổng hợp lại thì tài liệu, báo cáo mới phổ biến thông suốt được.

– À tôi hiểu rồi. Mấy thằng bạn tôi nhờ lính Mỹ thuê nhà làm bài tập giùm toàn bị thầy gạch đỏ, cho zero.

– Đâu phải nói leo lẻo là viết đâu ra đó. Nhiều lúc mấy chả viết rất đầy đủ, mà đọc không dễ; nhất là khi mấy người cùng đóng góp vô một tài liệu chung. Họ quên là còn có những người đọc không thông suốt kỹ thuật mà lại quyết định ngân sách, phê chuẩn.

Hai ly cà phê đã cạn.

– Nói chuyện với ông thật bổ ích, Mr. Herman ạ.

– Hay tôi viết vài chữ để lại rồi mình đi chơi, Huar?

– Cám ơn ông, ông khỏi bận tâm vì tôi.

– Không đâu! Những lần trước mình gặp nhưng không trò chuyện dù tôi nhìn đám bạn anh thì rất mến. Mình chắc không có dịp gặp lại.

– Thú thật là tôi cần đi ăn sáng.

– Tôi cũng cần ăn sáng. Đợi tôi một chốc Huar.

– Hay lắm. Ông cứ thong thả. Tôi cũng muốn ngồi thêm vài phút. Có lẽ đây là lần cuối tôi ngồi ở hiên này. Ông không biết đâu, chúng tôi đã cùng nhau ngồi ở đây suốt một thế kỷ.

– Romantic!  How Lovely! But Mr. Huar, coi chừng nó sẽ dìm anh chết đấy!

– Tôi không hiểu!

– Buồn cười là tôi đã trải qua sự thay đổi như anh chục năm trước mà tôi cũng không hiểu. The damn thing never let me off.

– Cái gì vậy, tôi không hiểu.

  • No big deal! Không có gì ghê gớm đâu; anh cứ ngồi đấy mà kéo thế kỷ của bọn anh lại. Tôi sẽ ra rồi mình đi.

***

Hai người im lặng quất 2 tô bánh canh cua trong nhấp nháy. Thấy Herman tần ngần đặt muỗng xuống, Hoá kêu thêm 1 tô nữa cho ông ta; Herman đưa hai tay đón tô cháo, vui ra mặt.

– Thật tuyệt vời…tôi chưa bao giờ ăn một loại soup ngon như vầy. It’s so rich! It smells so good!

Hoá quay qua nói với hai vợ chồng quán cóc 1 bàn 4 ghế thấp:

– Ông Mỹ khen cháo ngon quá trời.

Bà ấy cười toe toét.

Herman kêu:

– Tôi cần bia…Let’s go somewhere!

Bà ấy nghe được chữ “bia”, lật đật bước vô trong nhà đem ra hai lon bia Ham, nhìn Herman:

– Bia…yes, yes hev

– Yes, yes… number one!. Thank you m’am.

Hóa hỏi ông chủ:

– Mình có gì làm mồi không chú?

Ông ấy quay đi “làm gì có, đây đâu phải quán nhậu”. Bà vợ bước nhanh theo, vô nhà trước ông chồng. Rạng rỡ trở ra, bà một tay ôm keo dưa cải muối tay kia cặp thêm 2 lon “cứ uống đi chú, còn nhiều”.

Bữa sáng chuyển qua lai rai; Herman nhấm nháp từng miếng dưa cải sau mỗi ngụm bia “what on earth!” “Cái gì mà ngon vậy trời! Bà chủ quán “trời đất! Tưởng mình chú biết ăn”.

– Herman, tôi hân hạnh là ông muốn nói chuyện nhưng tôi sợ tôi sẽ không hiểu hết những gì ông sẽ nói vì nó có vẻ phức tạp. Anh văn của tôi còn yếu.

– Kỹ sư Mỹ trả lương tháng cho anh để anh lội suối thì tôi bao anh chầu nhậu để có người nghe. Ôi, nói giỡn vậy thôi, don’t be mad! Lúc này mặt anh trông không khác ông chú quán hồi nãy. Bia vào là mình hiểu nhau ngay, ha ha ha…hình như mình đang uống bia của ổng… và ăn món đồ chua của bà.

Hóa không muốn nói thêm để nại cớ “mãi tới giờ tôi mới biết chữ produce trong biển quảng cáo Korean Produces không phải động từ mà là danh từ có nghĩa riêng chứ không phải người ta viết sai chữ products”, ” nghe loáng thoáng chữ “junk foods” thì cứ tưởng họ nói rau cỏ như rau muống, rau khoai mà mình nhét lấy no chứ đâu ngờ họ nói mấy thứ mà mình nghĩ là bổ béo như hamburger, fries.

Đang cười Herman chợt nghiêm nghị:

– Huar, anh ghét, anh chống cộng phải không?

Bất ngờ vì mình mới vừa hết dè dặt, Hóa nhìn thẳng mặt Herman để đoán ông ta muốn dẫn mình tới đâu, có gì quan trọng nguy hiểm cho mình không. Chịu thua! Dễ gì biết. Dĩ nhiên câu trả lời là:

– Yes, tôi chống Cộng.

– Vì sao?

– Vì tôi ghét.

– Họ đã làm gì anh mà anh ghét?

Nhất thời Hoá bí. Nhưng rõ là Herman đang thách đố, để làm gì thì chưa biết. Hoá bị kích thích để tranh luận nên không cần biết đích sẽ tới:

– Cá nhân một học sinh như tôi thì ông nói đúng nhưng cả nước đều ghét.

– Sao anh biết cả nước?

– Chính quyền quốc gia nói vậy. Đặt họ ra ngoài vòng pháp luật.

– Một lúc nào đó chính quyền bắt tay thân thiện với họ thì anh lại thích họ à!

Lại bí. Chợt sực nhớ.

– Tôi ghét họ vì ông tôi ghét họ.

– Ông ấy có nói vì sao không?

– À… là một lão nông ông tôi chỉ cay đắng “một đám tây học bội thực, ăn nói giỏi, chiêu dụ một đám thường dân nhẹ dạ, khiển một đám cùng đinh bất mãn làm chuyện độc ác tàn nhẫn”; ông sợ họ đến bỏ của chạy lấy người”.

– A ha, anh vận dụng tới ông của anh thì tôi thua; anh có thể an ủi ông ấy “chúng tôi ở trong lòng cái tây học ấy mà cũng không ngờ được cái hậu quả”.

Hoá đang chưa vừa lòng với một kết cục kiểu đó, suy nghĩ một cách trả đũa. Herman đột nhiên nói:

– Này Huar, Tôi người Đông Đức, from East Germany. Vâng, thưa bạn Huar, tôi đến từ Cộng hòa Dân chủ Đức!

Nhất thời Hoá chưa hiểu, không biết nói gì; nhưng thấy sợ, nghĩ cách rút lui. Herman nói tiếp, tu bia, lại nói với giọng trầm, chậm…

Chúng tôi sống những ngày sung sướng tuyệt vời, quàng khăn xanh JP Thanh thiếu niên Tiền phong. Ngoài học trường tụi tôi sinh hoạt tập thể: ca hát, nhảy múa thâu đêm suốt sáng. Đi về không xin phép cha mẹ.

Thậm chí lén bù khú bia rượu. Mùa hè đi cắm trại rừng, hồ, biển; tuần này qua tuần khác. Tập sống, ăn nói để luôn hãnh tiến, hăng hái chuẩn bị xây dựng một xã hội Đức mới, một thiên đường. Đối với tụi trẻ chúng tôi, sống như đang sống đã là thiên đường, khi lớn lên mà mục đích là toàn dân được sống như tụi tôi thì cũng sẽ đạt được thôi.

Tụi này trái gái thân nhau còn hơn anh chị em. Chắc anh biết cái kỳ diệu, cái tò mò, cái hiếu động tuổi ấy. Chắc anh chỉ ngầm trải qua những xung động đó; nhìn những lúc bọn anh đến đàm thoại với Denis, tôi thấy cái chừng mực đến buồn cười, lẫn thương mến đám trẻ các anh. Tụi tôi thì tha hồ chung đụng anh bạn ơi. Ở tuổi rạo rực đó mà, hôn hít thoải mái.

Anh có bạn gái chưa, Huar? Chắc chưa! Tuổi trẻ ở đây cư xử với nhau như người lớn, nói sao nhỉ -già trước tuổi. Văn hóa các anh dằn nén nên biết yêu đương thơ mộng hay yêu thiệt trước khi cùng nhau hoang ngoài da vô tội vạ. Huar ơi, tôi vẫn nhớ như in lần đầu luồn tay vô ngực con gái, tôi thì run cả người mà nó cười sằng sặc.

Đầu hè năm đó cha mẹ tôi xin giấy phép kêu tôi qua Tây Đức thăm ông bà ngoại hai tuần. Tôi tiếc cái vụ cắm trại nên đi rất miễn cưỡng, chỉ mong qua mau cho xong.

Vừa về đến khu chúng cư, từ những cửa sổ của mấy tầng trong cao ốc nhà tôi và cao ốc đối diện, bạn trai, bạn gái, bồ ruột, ngóc đầu rân vang “thằng Herman về!” “Herman về!”. Tụi nó chạy rần rần trong các cầu thang; khoảnh đất giữa hai đơn vị nhà tập thể thành chỗ liên hoan vui mừng. Tụi nó mừng tới mức tôi áy náy, thấy mình không xứng được đón như vậy.

Đến khi vô leo lên nhà, gặp những người lớn hàng xóm, họ chào và nhìn như muốn nói gì thêm. Rồi ba má cũng có vẻ như vậy. Tôi trễ phép mấy ngày nhưng cha mẹ tin lời tôi nói không mua được vé tàu. Đoàn đội cũng tin thế. Ngày ấy qua vùng Tây xin được phép là đi, thiếu niên càng dễ; người ta ít đi nên chuyện tàu xe khó khăn ai cũng thông cảm.

Vậy mà anh tin không Huar? Hè đó tuy vẫn chơi bời sinh hoạt như thường nhưng tôi rất đau khổ. Chỉ hai tháng mà tôi già thêm hơn tuổi. Tôi nghiệm ra vì sao tụi nó mừng đón tới mức đó. Tôi hiểu cái ngần ngại muốn nói gì của mấy người lớn. Tôi hiểu tôi muốn gì cho đời tôi.

Khoảng bốn tuần nữa đi học lại, tôi nói với ba tôi:

– Ba xin giấy cho con đi thăm ông bà, con nhớ.

Má tôi đứng ở bếp nhìn qua:

– Con mới đi về mà, để sang năm; tốn kém Herman à…

Ba ngồi ở bàn ăn, mắt không rời tờ báo:

– Chắc không được đâu, đi 2 lần trong 3 tháng là vấn đề đấy!

Cả hai tháng phân vân dồn lại thành một câu mà chính tôi cũng không ngờ mình thốt ra:

– Ba, má! con đã hiểu ra. Con muốn qua ở lại với ông bà ngoại luôn. Vài năm nữa lớn không còn cơ hội…

Má tôi buông dao, nhào tới, một tay bịt miệng tôi một tay bịt miệng mình; mắt nhòe nước; hai tay buông miệng ra bà ôm chặt tôi, khóc nức trong im lặng. Ba tôi ra khóa cửa, đến ôm hai chúng tôi:

– Herman con, ba má tưởng đã mất con cho họ rồi! Nhiều lần ba má muốn nói chuyện với con mà không dám. Sợ con báo với đoàn đội. Lần rồi con trễ, người ta đồn con đã trốn đi.

– Con xin lỗi đã làm ba má lo lắng. Hai tuần bên ấy mở mắt con. Về đây con quan sát, suy nghĩ, đau lòng lắm nhưng rồi con nhận ra là con trốn đi là điều ba má mong muốn.

Suýt nữa cả hai rống lên, vòng tay họ chặt muốn nghẹn thở.

Thế là xin, thế là có giấy phép, không biết tốn bao nhiêu; thế là ông bà vùng Tây, thế là Tây Bá linh… thế là… thế là Hợp chủng quốc, là thế giới… và giờ ký hợp đồng nhận việc để tới đây cho biết, cuộc sống tự do đầy đặn cho một đời người.

– Uống đi, anh hiểu tôi chứ Huar?

Hình như tôi đã rườm rà về xã hội, có tự do hay mất tự do… anh nghe mệt, sorry! Tôi chỉ muốn chia sẻ cái tình cảm, cái vô thức bầy đàn; tự mình tách ra hay bị bỏ rơi; khổ cái là khoản này tôi lại rối ren, nói với anh sợ anh đã buồn càng buồn thêm, coi chừng nó sẽ dìm anh chết đấy. Trước, mỗi lần nhìn đám các anh, tôi thờ người nhớ đám tôi; hôm nay nhìn một mình anh tìm về hiên cũ, ngồi sững đó, tôi không nín được.

Cho tôi nói thêm một câu để anh biết mà né: Có nhiều đêm, không biết mơ hay tỉnh, miệng thốt “quay về”. Tôi đi xa thì ở nhà ba má tôi được bạn, hàng xóm tôi “chăm sóc” hàng ngày; tôi mà về thăm sẽ có đứa bạn Stasi kèm sát phải không. Mọi sự đã thay đổi. Nghĩ tới “về” là phi lý. Ah, tôi nhớ rồi, tôi nói hoàn cảnh xã hội ở nhà là muốn làm rõ nó tệ đến thế thì tại sao thốt nhiên lại bật miệng “quay về”; nhiều khi ngay lúc đang làm việc, hay lúc tôi đang sung sướng với đời sống tự do, thành đạt hiện tại; why! Why! Tâm tư bất giác?

– Sorry Huar, tôi nói nhiều quá! Dzô!

– Dzô…Tôi không hiểu hết nhưng tôi nghĩ nhờ ông nói bằng một tiếng Anh đơn giản, tôi hiểu được đại ý; tôi ngợ là tự tôi sẽ khám phá ra kích thước của nó.

– Tôi chắc chắn là thế. Hoàn cảnh chúng ta có khác. Huar! Chuyến này tôi không gặp Denis nhưng tôi đã gặp anh. Anh còn lại đây một mình như tôi ra đi một mình. Tôi rối rắm không đặt tên được cho tình cảm của mình, hy vọng anh khá hơn, các anh còn cơ hội.

– Mình chia tay?

– Đã đến lúc tôi về chào mấy ông kia để ra phi trường.

Hoá trả tiền bánh canh, Herman thanh toán bia. Bà chủ quán nhìn hai người ôm nhau, chắc bà nghĩ hai người đã xỉn.

Hóa vừa bước đi vừa cố không nghĩ tới những câu, những chữ, nghe Herman mà không chắc hiểu. Lạ là: câu nào hiểu chữ có khi lại không hiểu ý, ngược lại không hiểu chữ thì có khi như hiểu ý. Đã lây cái rối ren của Herman rồi đây.

“Chết cha!” nhà Trang kia rồi. Hóa quày quả đổi hướng, rẽ đường về hướng tiệm Tân Hoa Ký. “Hai hay ba ngấn trắng ngần???”. Vừa bước đi vừa cố không nghĩ vẩn vơ./.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search