T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: THỜI GIAN, Ý THỨC VÀ CỎ MAY

clip_image002

Tôi có một thói tật, không biết xấu hay tốt? Nhưng dù có xấu hay tốt thì đó là thói tật của tôi, chẳng phải của ai khác, không vơ lấy của người làm của ta, rồi tí tởn khoe mẽ, rồi cà đu đánh tráo, tô phết lên lớp son lòe loẹt.

Thói tật ấy, càng có tuổi, nó cứ lù lù hiện về, đứng ngay trước mắt: Đó là nỗi nhớ không hình dạng về mùi khói ám trên mái tóc hoe đỏ của cô bạn gái hồi tiểu học. Mùi khói kết thành hình nhân, hiện rõ một Cỏ May có giọng hát doãi dài, mênh mang trên sông Hậu và Những Tối Thứ Bảy trên giảng đường lớn. Nàng còn hay mất mà đến 40 năm qua tôi mãi tìm kiếm trong mộng? Nàng ở đâu? Và, bạn tôi, Trương Cương Thanh, cái nhịp cầu bắc qua bờ Cỏ May kia giờ ở đâu?

Cái thứ nhớ nhung mắc dịch ấy nó làm khổ tôi. Khổ bởi không chịu đựng nổi sự “dằn xóc” trong lòng, nên phải đứng lên. Đứng lên và mò về phía tủ sách lục tìm quyển album cũ nát. Album đâu chưa thấy, bỗng rớt ra vài mẫu bìa tạp chí văn học. Tôi sững sờ nhìn xuống nền đất, tưởng chừng như đó là thịt da từ người tôi rớt ra!

Trước kia, cha tôi và tôi có thói quen đọc sách báo. Thời đó, trong tủ sách gia đình, hầu như không thiếu một loại tạp chí văn học nào: từ Chỉ Đạo, Sáng Tạo, Văn Nghệ, Hiện Đại đến Bách Khoa, Văn, Văn Học, Tiếng Nói, Nghệ Thuật, Thời Tập, Khởi Hành… cho đến Thời Nay, Phổ Thông, Điện Ảnh… chiếm đầy một gian rộng. Vậy, nhưng bây giờ chỉ còn lại vài mẫu bìa, vài cuốn tạp chí sờn rách, long gáy. Thời khắc kinh hoàng đó đã đổ ập xuống đầu mọi người. Nhưng khốn nạn nhất là chữ nghĩa của nhân loại, của dân tộc đã bị xóa sạch: Tịch thu và đốt. Chữ nghĩa cháy bùng lên ngùn ngụt nỗi hờn tủi, than oán. Cảnh “phần thư” một cách dã man kia được lặp lại có ý thức, chủ đích. Và nay, những chủ nhân của chúng thì thảng thốt kêu lên “hồn ở đâu bây giờ”!

Sáng, đang ngồi dưới gốc mận già, màu nắng rớt xuống mặt bàn đá. Màu vàng trong suốt buổi tinh mơ phủ lên những lá bắp non xanh biếc dễ thường gợi nhớ đến một thời khắc trong khoảng thời gian đã trôi qua, đã biến mất. Màu nắng sao giống với màu nắng ở vườn mận bên bờ sông Hậu khiến tôi chạnh lòng. Chạnh lòng và đứng lên. Đứng lên và lại mò vào tủ sách cũ (một thói tật xấu) chỉ còn lơ thơ vài ba cuốn. Thấy chúng y hệt những người sống sót sau thảm cảnh tru di tam tộc thuở xưa. Thò tay cầm một cuốn. Mở ra, bỗng thấy cô bạn cũ khép mình trong trang báo vàng ố. Vẫn nụ cười học trò. Vẫn ánh mắt của cô bé con nhìn hút về chốn xa xôi. Tôi đã chết lịm trong đôi mắt và nụ cười đó. Tôi chết điếng bởi những ca từ và âm thanh từ đáy lòng nàng “…Gió rung mờ suối biếc ý thơ phiêu diêu. Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng mạch tương lai láng. Dáng tiên nga giấc mơ nghê thường lỡ làng. Ngọc lan giọng ướp men thơ…”. Không phải ngọc lan giòng suối tơ vương mà ngọc lan tơ vương sông Hậu. Tơ đứt, dây chùng. Có nhau rồi mất nhau. Nồng nàn và lạnh buốt, ngập ngừng trong truyện Buổi sáng mát mẻ, tôi viết như một tự truyện để tự đánh lừa mình.

Tôi hối tiếc vì sự ngu dại tuổi trẻ để mất nàng. Và, cạnh nàng, tôi cũng cảm thấy hối tiếc vì những sách vở một đời tôi yêu quý bị ngọn lửa khốn nạn, từ những bộ óc khốn nạn năm nào thiêu rụi không thương tiếc. Đốt rụi sạch sành sanh. Chúng tịch thu và cho vào lò lửa, nhóm bếp, thậm chí làm cả cái công việc dơ bẩn khó coi. Đúng là khốn nạn cho chữ nghĩa, khốn nạn đến với những thằng người khốn nạn!

Khép tấm hình của em vào quyển sách, sẽ sàng đưa lên ngăn, một tờ báo nhoài ra. Ý Thức. Một sự trùng hợp đến lạ kỳ. Cả hai đều xảy ra cách đây hơn 40 năm, nhưng hình như mới tinh khôi, như mới hôm qua đây thôi.

Ý Thức, giai phẩm Xuân Tân Hợi gộp thành 2 số 7 & 8, phát hành ngày 15.1.1971, bìa vẽ cô gái cầm đóa hồng ấp vào ngực (tôi không tài nào đọc nổi tên người họa sĩ vẽ bìa ký nguệch ngoạc). Khuôn mặt sao giống như em của tôi? Trang trong có đầy đủ chữ ký của cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Yến dưới dòng chữ “Bản của anh N.Lệ Uyên, ngày 13.1.1971”; sau đó là chữ ký to tướng của Huỳnh Hữu Ủy đè lên chữ ký nhỏ bé của chủ bút Nguyên Minh, rồi lần lượt tới Nguyễn Ban, Nguyễn Lệ Tuân, Trần Nhựt Tân, Cao Hữu Huấn, Thế Thủy, Hồ Nguyên Hãn và cuối cùng là Trần Hoài Thư. Nhìn những chữ ký, tức khắc đầu óc tôi nhoài về chốn cũ, về thời gian đã qua, nhớ lại buổi chiều ngày 13.1.1971 tại nhà riêng của cô chủ nhiệm gần cầu Calmette. Tất cả ngồi vòng tròn dưới sàn, giữa là chai rượu Napoléon và những dĩa nem, bì cuốn. Mọi người nâng cốc chúc mừng nhau, chúc mừng Ý Thức, rồi xúm nhau đánh giá chặng đường ngắn 6 số Ý Thức đã phát hành, nhìn nhận những việc đã làm được và chưa được của tờ báo kể từ khi di chuyển tòa soạn từ Phan Rang vào Sài Gòn. Người to tiếng nhất vẫn là Huỳnh Hữu Ủy luôn mặc đồ trận và đeo ancine Bộ Tổng Tham Mưu. Người ít nói nhất là Cao Hữu Huấn và Trần Hoài Thư. Với Huấn thì tôi có thể tin sự kiệm lời của anh, nhưng với Thư thì mới là sự lạ. Ngoài đời anh ăn nói vung xít mẹt, sống vung vít, bất cần. Cái sự bất cần ấy anh mang cả vào trong những truyện ngắn của mình. Vậy mà giữa vòng thân hữu, trong bữa tiệc nghèo chiều cuối năm của Ý Thức, anh ngồi im, chỉ thỉnh thoảng mới lên tiếng, như để mọi người thấy rằng anh vẫn ngồi đấy, vẫn có mặt?

Ông chủ bút Nguyên Minh, có tật ngồi lắng nghe và nhổ râu cằm, mặc dù anh không bao giờ có râu cằm, cười tủm tỉm. Mãi sau anh mới hào hứng theo sự hào hứng của anh em, nói về những cải cách sắp tới của tờ báo: Cải cách đầu tiên là thay đổi khổ báo, thay vì chữ nhựt như bấy lâu nay thì đến số tân niên sẽ thành khổ vuông (do tôi đề nghị). Tôi nhớ lời Trần Nhật Tân: “Tròn méo chi cũng xong. Cái cần là nội dung. Đó là điều then chốt”. Lại nổ ra tranh luận. Ý Thức phải thêm nhiều chuyên mục: hội họa, phê bình văn học, triết học. Anh nào cũng ra sức chứng minh những đề nghị cải cách của mình đối với tờ báo là chính xác, khả thi. Cô chủ nhiệm lôi ra chai Napoléon thứ hai. Vừa uống vừa tranh luận, cãi nhau như thời trẻ con. Tôi không nhớ là ai đã thốt lên: “Các vị lật qua bìa 4, có chủ trương hẳn hoi rồi, tranh luận mà làm gì…”. Mọi người xoay tờ Ý Thức số xuân. Bìa 4 hiện ra giòng chữ: “Một thay đổi táo bạo hình thức lẫn nội dung. Đáp đúng nỗ lực phấn đấu cho hoài bão văn học nghê thuật dân tộc”. Số 7 & 8 của Ý Thức coi như là số cuối cùng của thời kỳ in typo và khổ chữ nhật, để, sau đó từ số Tân niên trở đi, Ý Thức in offset trên khổ vuông cho tới ngày tan hàng rã đám, quy tụ đông đảo các cây bút trẻ trong cả nước, gây sự chú ý khá đặc biệt trên văn đàn, nhất là loạt bài khảo luận của Huỳnh Hữu Ủy về tranh dân gian, mộc bản…

Không khí làm việc ở tòa soạn Ý Thức mới lạ: cô chủ nhiệm, DS Nguyễn Thị Yến cả năm không thấy mặt, chỉ có chủ bút Nguyên Minh hết bắt cóc người này ngồi sửa morrasse tới người khác, bất kể bạn văn nào ghé thăm tòa soạn, có dư chút thì giờ, đều có thể đọc, trả lời thư độc giả, chữa bài, mang báo tới nhà phát hành Nam Cường, tới trạm hàng không ở chỗ ga xe lửa cũ đầu đường Phạm Ngũ Lão, hay ra bến xe Pétrus Ký… Đôi lúc anh cũng hào sảng chi cho vài chai la-ve, kéo nhau lên La Pagode ngồi phòng lạnh uống cà phê, tán dóc và ngắm em gái Sài Gòn.

Sau sự cố với nhà thơ Lâm Chương tại tòa soạn 666 Phan Thanh Giản, Thái Ngọc San nhảy rừng, Chủ bút lại phải “nhất bộ nhất bái” ra tận Nha Trang kéo cho bằng được Lê Ký Thương vào ngồi thư ký toà soạn. Lâm Chương nay định cư ở Hoa Kỳ, viết khỏe cả thơ lẫn truyện. Nhưng Thái Ngọc San thì đã bước qua thế giới bên kia. Không rõ anh có gặp các cụ Mác-Lê dưới đó hay không và nói gì với họ sau khi bỏ đảng; có điều sau ngày 30.4 anh được biên chế vào hội nhà văn Huế, có thời gian ở tòa soạn Sông Hương với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng rồi anh cũng bỏ cái hội “Ghét nhau chung chiếu không ngồi/ Chung chăn không đắp chung nồi không ăn/ Chỉ riêng cái hội nhà văn/ Ghét nhau như chó cũng lăn lưng vào” để làm đại lý phát hành báo chí khu vực cố đô. Năm 2005 tôi ra Huế thăm Viêm Tịnh, mới hay Thái Ngọc San bị tai nạn xe cộ ngay trước nhà Viêm Tịnh và qua đời ở bệnh viện Huế trước đó không lâu. Tôi đứng ngay chỗ anh ngã xuống và lâm râm nhắc lại thời Ý Thức, nhắc lại thằng tôi mỗi trưa chở anh qua quán cơm sinh viên ở ĐHKH đường Cộng Hòa để tránh quân cảnh, cảnh sát (TNS trốn quân dịch, còn tôi đang vừa mãn Thủ Đức). Nhắc chút chuyện cũ để người trong và ngoài cuộc hiểu được tấm lòng của Lâm Chương cũng như Thái Ngọc San ở thời khắc đó và sau này!

Nếu so với Việt, Sông Hương ở đầu ngoài, Khai Phá ở phía Nam thì có lẽ Ý Thức (khởi đầu từ khúc giữa miền Trung) là tờ báo văn nghệ (do những người viết trẻ chủ trương) sống lâu nhất. Và, tuy chưa đi trọn con đường đã hứa với độc giả (do thời cuộc) nhưng cũng đã góp một phần nhỏ để xây dựng một nền văn học nghệ thuật nhân bản, luôn hướng về cái mới trên nền tảng dân tộc.

Với biết bao số Ý Thứ từ quay ronéo cho tới in typo rồi offset tôi có đủ, nhưng nay chỉ còn giữ vỏn vẹn một số duy nhất: số Xuân Tân Hợi năm 1971. Tôi giữ nó như giữ của báu. Ngay trang đầu là bài thơ của Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc) bài Niềm Tin Chưa Mất:

…Bởi còn những đêm giới nghiêm

Người mẹ đẻ rơi bên vệ đường

Đến nhà thương bằng xe tuần cảnh

Mẹ con còn cuống rốn nối liền nhau

Rồi đến Trần Nhựt Tân với bài Hãy Trả Triết Gia Lại Cho Thi Sĩ. Và đủ cả mặt anh hào: Trần Hữu Lục, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Lê Ký Thương, Trần Hoài Thư… Tôi đọc Như Ân Thánh Sủng của Thư trong số này và bỗng nhớ đến sông nước Hậu Giang, nhớ đến em, Cỏ May một thời, nay tôi đánh mất. Truyện mở đầu: “Phải làn khói sương mờ, mà anh nhận ra em. Em dịu dàng em sầu muộn. Đôi mắt em mờ ẩn sau tấm màn mỏng, anh thấy được những giọt lệ ràn rụa, chảy xuống má, và đầu em cúi xuống một lúc lâu. Chiếc khăn màu lam khẽ lay động…”. Đó là Quỳnh của Trần Hoài Thư. Quỳnh đã trở thành sư nữ và Thư đã mất nàng.

Còn tôi, em không thành gì cả, nhưng tôi cũng để vuột mất, chỉ còn giữ được số báo này đã có lần tôi và em chụm đầu lại cùng đọc.

40 năm. Rất xa và rất gần.

Duy nhất chỉ có Nguyên Minh là không chịu đầu hàng, anh vẫn miệt mài với Ý Thức bằng Ý Thức bản thảo, và giờ này là Quán Văn, một mẫu người không làm báo thì không thể sống nổi. Làm báo văn nghệ với anh như hơi thở, cuộc sống, giống với Trần Hoài Thư ở xứ người. Hai người, hai tính cách khác nhau nhưng lại có chung một niềm đam mê mãnh liệt: Làm sách báo cho thiên hạ đọc chơi!

Nguyễn Lệ Uyên

 

(Tháng 2 năm 2011)

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search