T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH

              IMG_2004

Hoa Súng – Tranh: Mai Tâm

 

Trước khi vào bài thơ:

Chàng trai lỡ vận vào rừng U Minh làm nghề bắt ong (ăn ông) gặp một người con gái đứng bên cây hoa sứ (cùi). Hai người quen và mến nhau. Nhưng hỡi ôi, chàng phát hiện ra nàng bị bệnh nan y: bệnh CÙI. Chàng bỏ trốn về Long Xuyên.

Nhưng nỗi nhớ HƯƠNG RỪNG, chàng lén trở về. Khi bị phát hiện, giữa đêm chàng ăn ong xuôi dòng trốn đi.

Và đây là đoạn cuối của CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH:

[…Trên thềm nhà, trong bóng mát, hình dáng của Hoàng Mai với đôi mắt và mớ tóc trùm kín trong chiếc khăn. Chiếc tay áo của nàng lòng thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng … ] (HƯƠNG RỪNG- Sơn Nam) (1)

@. Cảm thương người con gái, NL xin đổi chữ CÙI bằng chữ MẪU ĐƠN ( nôm na: Mẹ thằng cùi )

Xin mời các bạn đi vào bài thơ.

 

CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH

 

 ANH HÙNG LỠ VẬN

U Minh tràm đước, cóc kèn (*)

Anh hùng lỡ vận lên rừng bắt ong

Bắt sao trúng phải nỗi buồn

Cảm thương phận bạc

Lệ tuôn lưng tròng!

 

Dõi theo con nước lớn ròng

Bỏ đi trốn bậu

mà lòng xốn xang

Nước mắt sao cứ chảy hai hàng?

Chèo ghe lướt tới,

mà lòng quay lui!

 

Rạch sông muôn nẻo ngược xuôi

Cố quên nẻo ấy

dáng người bên hoa

Mắt xưa giờ chắc lệ nhòa

Gặp nhau chi hở?

Để cho thảm sầu!

 

“MẪU ĐƠN” HOÀNG MAI

Bên sông tựa nhánh bần xiêu

Lặng êm đêm lạnh

đìu hiu bên trời

Sương rơi thấm lạnh vai người

Vạc kêu tiếng khổ

buồn rơi đoạn lòng!

 

Mắt ơi !

thôi chớ hoài trông!

Làm sao giữ được một dòng nước xuôi?

 

Về thôi?

Ừ hãy về thôi!

Trăm năm cũng vẫn một đời cô liêu!

 

Về thôi!

Trời ửng bóng nhiều

Ngàn chim ríu rít

như trêu lòng người!

 

Về thôi!

Người chẳng đến rồi!

Gặp chi?

rồi để cả đôi phải sầu!

 

Hoa xưa nay có còn đâu!

Còn màu lá úa

Còn đau tình này!

 

Nguyên Lạc         

 8/2017

————————————————————————————————————–

(*) Cây cóc kèn: Derris trifoliata rất phổ biến trong những vùng ngập mặn, rừng sác, rừng ngập mặn. là loại cây bò trường thuộc họ Fabaceae.

(1) Sơn Nam: http://vietmessenger.com/books/?author=son%20nam

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search