T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN PHÚ YÊN: NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM – TẬP I (trọn tập PDF)

Xin Bấm Vào Đây:

NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM – TẬP I (trọn tập PDF)

GIỚI THIỆU

TV&BH: Tác Phẩm NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM của nhạc sĩ NGUYỄN PHÚ YÊN

Chúng tôi đã cho tạm ngưng chuyên mục DÒNG NHẠC KỶ NIỆM* để dành đất (và thì giờ) giới thiệu tập I NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM (NLANMN) của nhạc sĩ NGUYỄN PHÚ YÊN, một người đã từng sinh hoạt trong giới sinh viên học sinh và tuổi trẻ miền Nam qua những năm tháng sôi động nhất của cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Những năm tháng ấy đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong tâm khảm người trong cuộc và chúng đã được thể hiện qua các hình thức văn học nghệ thuật, mà loại hình âm nhạc là một phần không thể không nhắc đến khi nói về những năm tháng sôi động ấy.

Di sản âm nhạc của miền Nam, sau ngày chiến tranh chấm dứt, đã có lúc tưởng chừng như sẽ bị mất đi cùng với sự sụp đổ của chế độ qua các hình thức đốt sách, cấm hát, cấm nghe nhạc cũ của miền Nam với cái tên gọi đầy tính kỳ thị: NHẠC VÀNG. Nhưng lịch sử đã chứng minh, một nền văn hóa cao hơn luôn tìm cách vượt thắng sự áp bức đầy tính bạo lực của một nền văn hóa thấp hơn mình. Kết quả, như  nhạc sĩ NPY đã viết: “Bỏ lại đằng sau những vướng bận buổi giao thời, bước qua những lời phê phán hoặc chê bai, rũ bỏ tâm lý thù hận, phân ly nhất thời thì đó là lúc người ta nhận ra giá trị vàng son bắt đầu lấp lánh. Những trang sách, những dòng nhạc bắt đầu hồi sinh và bừng lên như những đóa sen thơm ngát.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta đã nhìn thấy được sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa nhân bản dù chỉ mới chỉ có hơn 20 năm gầy dựng. Dù vậy, giá trị của nền văn hóa ấy đã chứng tỏ miền Nam đã đi đúng đường trong việc xây dựng con người, trong đó, vai trò của âm nhạc đã có những đóng góp đáng kể.

Thế nên, việc nhìn lại sự hình thành của âm nhạc trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy là cần thiết và phải là nhiệm vụ của thế hệ đã sống (và chết) với từng âm thanh quen thuộc của một thời chưa xa lắm.

Như tác giả đã trình bày trong LỜI NGỎ mở đầu cho tập sách, ông biết mình đã chạm tay vào một công việc lẽ ra phải của một nhóm người cùng chung sức thực hiện, nhưng vì không thể chờ đợi được, không còn lựa chọn nào khác nên ông đã mạnh dạn thử làm, và mong rằng những khiếm khuyết – chắc chắn sẽ có – được mọi người cùng chung tay góp ý, sửa chữa. Nói cách khác, gần 1000 trang sách của NS/NPY chỉ là một bước khởi đầu, một khởi đầu cần thiết, trước khi quá muộn, nếu không muốn nói “cũng đã hơi muộn rồi đấy!”.

Nhìn tổng quát qua 16 chương sách, tác giả đã mở đầu bằng những khái quát lịch sử, văn hóa trong nước và ngoài nước của âm nhạc miền Nam, những khái quát cần thiết giúp người đọc bây giờ (và các thế hệ tương lai) biết rõ vì đâu có một nền âm nhạc mang những đặc thù không thể lầm lẫn với những giai đoạn lịch sử nào khác của nước nhà như sẽ được vạch ra ở những chương kế tiếp. Độc giả sẽ được tác giả dẫn dắt đi từ thời kỳ lãng mạn đến hiện thực, từ hòa bình cho đến chiến tranh, từ riêng đến chung, từ “người vào cuộc chiến” đến những người “phản đối chiến tranh”, từ khuynh hướng thưởng ngoạn thấp (?)  cho đến  khuynh hướng thưởng ngoạn cao (?) và nhiều những khía cạnh đa dạng khác của một nền âm nhạc được may mắn tồn tại trong một chế độ biết tôn trọng những quyền tự do căn bản của người dân, dù vẫn còn nhiều hạn chế vì tình trạng chiến tranh không cho phép làm khác nếu chế độ ấy muốn giữ cho đất nước còn được tồn tại.

Cũng như trước đây, chúng tôi đã sẵn sàng giới thiệu và lưu trữ chương trình bất hủ “70 NĂM TÌNH CA TRONG TÂN NHẠC VIỆT NAM” của nhà báo Hoài Nam, và kế tiếp đó là 4 tập biên soạn “NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT” cũng của anh Hoài Nam thực hiện trong thời gian gần 7 năm; và không thể không kể đến tập ÂM NHẠC CỦA MỘT THỜI của nhà văn Lê Hữu; đến nay chúng tôi rất hân hạnh lại được cùng sát cánh với nhạc sĩ NGUYỄN PHÚ YÊN để gởi đến độc giả một công trình khảo cứu được biên soạn nghiêm túc, khách quan và quan trọng nhất, bằng một tấm lòng muốn giúp các thế hệ mai sau có một cái nhìn chính xác, đứng đắn về một nền âm nhạc chẳng may đã từng bị bạo lực bức tử, thậm chí xuyên tạc, bóp méo.

Lẽ dĩ nhiên, tác giả, từ góc độ riêng của mình được tạo bởi những tình cờ của số phận và lịch sử, đôi khi có thể có cái nhìn khác với những người khác về một giai đoạn nào đó của lịch sử hình thành nên nền âm nhạc miền Nam. Xét cho cùng, đó là một khác biệt cần thiết để chúng ta cùng nghiêm túc, hòa nhã thảo luận. Mục đích là để tìm ra một cách nhìn đúng nhất, phù hợp với sự việc xẩy ra trong một giai đoạn nhất định. Đúng và Sai đôi khi chỉ cách nhau có một sợi chỉ mong manh nếu được nhìn bằng con mắt “phe ta phe địch”. Điều quan trọng – với chúng tôi – việc gì cần phải làm thì phải được làm trước khi thời gian của chúng ta không còn nữa.

Hai tập sách NLANMN của nhạc sĩ NPY sẽ được giới thiệu trong chuyên mục ÂM NHẠC MIỀN NAM của trang mạng Văn Học và Đời Sống TV&BH dưới hình thức các chương sách riêng lẻ, đăng từng kỳ cứ 2 hay 3 ngày một lần cập nhật chương mới. Ở cuối mỗi chương sẽ có phần MỤC LỤC và các đường dẫn của từng chương sách (đã đăng tải) được hiển thị để độc giả dễ tham khảo.

Sau khi hoàn tất phần giới thiệu mỗi chương của từng tập, chúng tôi sẽ có bản PDF của tập đó. Độc giả có thể tải về máy để tham khảo như những quyển e-book khác của trang TV&BH.

Như đã thưa ở trên, chúng tôi luôn mong được đón nhận những ý kiến sửa sai, góp ý của tất cả quý độc giả. Chắc chắn anh NPY sẽ rất hoan hỉ được sửa chữa những sai sót của mình, nếu có, do nhờ được độc giả chỉ dẫn. Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về:

t.vanbanhuu@yahoo.com

Rất mong được sự đón nhận của quý độc giả trong cũng như ngoài nước.

T.Vấn

*Sau Tập I NLANMN, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu từng kỳ tập II NLANMN của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên.

Bài Mới Nhất
Search