T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN PHÚ YÊN: NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM – LỜI NGỎ

LỜI NGỎ

Do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị văn hóa mà cha ông để lại, trong đó có những giá trị âm nhạc. Theo thời gian những giai điệu dịu dàng đó sống dậy sưởi ấm những con tim, những tâm hồn biết hoài niệm. Bỏ lại đằng sau những vướng bận buổi giao thời, bước qua những lời phê phán hoặc chê bai, rũ bỏ tâm lý thù hận, phân ly nhất thời thì đó là lúc người ta nhận ra giá trị vàng son bắt đầu lấp lánh. Những trang sách, những dòng nhạc bắt đầu hồi sinh và bừng lên như những đóa sen thơm ngát.

Những dòng chữ của cuốn sách này bắt đầu khởi đi từ trong bầu khí của một xã hội biết lắng nghe cái đẹp trong những giai điệu vang lên từ trong quá khứ. Thử chắp nối những mảng hồi ức, những lóe sáng của hoài niệm, một thế giới quá vãng của tâm tình đã được phục dựng khiêm tốn, thầm lặng dù chưa hoàn chỉnh, dù chỉ là những nét phác họa nhưng có thể nhìn vào đó để thấy lại những tình tự thân yêu làm nên thế giới tâm hồn của một thế hệ đã qua.

Khi đọc một cuốn sách nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nền tân nhạc Việt Nam đã xuất bản, chúng tôi thấy các tác giả đã để lại một khoảng trống rất lớn khi nhận diện về một giai đoạn của nền âm nhạc của chúng ta hoặc chỉ đề cập một phần nhỏ bé và thiên lệch. Để bổ sung cho sự khiếm khuyết ấy, chúng tôi đã liều lĩnh nhận lấy một công việc đáng ra là phải của một tập thể hơn là của một cá nhân, để nhìn lại di sản âm nhạc của chúng ta bằng những trang viết tổng quan về các hoạt động, các khuynh hướng và phong trào âm nhạc đã từng hiện diện. Với sự liều lĩnh có chút đam mê đó, chúng tôi ước mong bạn đọc xem đây như là một viên gạch trong hàng ngàn viên gạch để xây dựng lại ngôi nhà di sản mà các thế hệ sau cần biết tới. Mong có sự chung tay trong nỗ lực bảo tồn một giá trị tinh thần mà cha ông đã dày công xây dựng được để ai đó có thể bổ sung vào công trình nghiên cứu lịch sử âm nhạcViệt Nam sau này.

Khi chúng tôi nhắc lại thời điểm chia cắt đất nước, điều này có nghĩa đó chỉ là con số xác định một mốc giới lịch sử phân chia hai miền làm hai quốc gia, chỉ là tạm thời về mặt thể chế chính trị, không có nghĩa là một sự đứt gãy văn hóa với những giai đoạn trước đó. Nói khác đi, đối với chúng ta- những thế hệ nối tiếp cha ông- vẫn duy trì tính liên tục lịch sử về mặt văn hóa. Có nghĩa văn hóa dân tộc, nền nghệ thuật mà tổ tiên, cha ông ta đã xây dựng bao đời sau này vẫn được tiếp nhận, bảo lưu và chợt nhận ra một di sản sáng giá cần để lại cho đời sau. Do đó độc giả tìm thấy trong tập sách này chúng tôi vẫn nói đến từ bước khởi đầu cho đến những thành tựu của nền tân nhạc Việt Nam qua mấy chục năm tồn tại. Những giá trị sáng tạo của bao lớp nghệ sĩ tiên phong được tôn trọng và phát triển, vẫn được tiếp tục hiện diện trong đời sống tinh thần của chúng ta. Do đó dòng ca khúc lãng mạn trong nền tân nhạc vẫn được quan tâm, được biểu diễn trong sinh hoạt ca nhạc và giữ vai trò đặc biệt trong tâm thức những người yêu nhạc.

Ngoài những giá trị nghệ thuật từ thời tiền chiến, trong hoàn cảnh và bầu khí mới, các khuynh hướng sáng tác âm nhạc, các phong trào, hoạt động âm nhạc được phát triển rực rỡ. Âm nhạc của chúng ta chính là tiếng lòng của người dân trước hoàn cảnh xã hội, trước biến cố nhân sinh được tự do bày tỏ, khi tươi vui, khi ngậm ngùi,… nhưng đều là tiếng nói của con tim chân thực, của một giai đoạn lịch sử.

George Jellinek, giám đốc âm nhạc Đài phát thanh WQXR của thành phố New York, đã từng nói: “The history of a people is found in its songs” (Lịch sử của một dân tộc được tìm thấy trong các bài hát của họ). Thật vậy, những giai điệu biểu lộ tình cảm, tư tưởng trong các bài ca được viết ở trên đất nước chúng ta đều mang trọn vẹn tâm tình chân thực, đầy tính nhân văn với cá tính sáng tạo đặc thù và phong phú. Độc giả sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được bước vào vườn hoa âm nhạc đầy những kỳ hoa dị thảo, tuy chúng có những số phận khác nhau nhưng vẫn muôn màu muôn vẻ, luôn tỏa đầy hương thơm và chói lòa màu sắc.

Với tấm lòng của một người yêu nhạc muốn gìn giữ những giá trị âm nhạc một thời, chúng tôi mong độc giả lượng thứ cho những thiếu sót trong quá trình tìm lại tài liệu hoặc do ký ức không trọn vẹn. Mong được các bậc thức giả góp ý để chúng tôi có thể hoàn chỉnh tập sách nếu có điều kiện xuất hiện trong tương lai.

NGUYỄN PHÚ YÊN

GIỚI THIỆU của TV&BH

TẬP I

MỤC LỤC

   LỜI NGỎ

CHƯƠNG I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA MIỀN NAM

                       GIAI ĐOẠN 1954-1975                      

          I. Những diễn biến trước ngày chia cắt đất nước.

         II. Tình hình chính trị ở miền Nam.

             1. Chế độ Đệ nhất Cộng hòa.

             2. Chế độ Đệ nhị Cộng hòa.

CHƯƠNG II. ĐỜI SỐNG VĂN HÓA – VĂN NGHỆ Ở MIỀN NAM

            I. Vài nét về giáo dục. 

           II. Về hoạt động văn nghệ và âm nhạc.

               1. Báo chí văn nghệ.

               2. Hoạt động biểu diễn âm nhạc.

                    a)  Các lò đào tạo của các nhạc sĩ.

                    b)  Các nhóm nhạc và ban nhạc.

               3. Về hoạt động sáng tác âm nhạc.

CHƯƠNG III. TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNg TÂY VÀ Ở VIỆT NAM

A. TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNG TÂY.

               I. Văn chương lãng mạn.

                    1. Khái quát.

                    2. Định nghĩa.

                    3. Những chủ đề chính. 

                         a) Sự khẳng định và thăng hoa cái tôi.

               b) Nỗi buồn lãng mạn.  

                         c) Tình yêu thiên nhiên.

                         d) Sự hoài niệm quá khứ. 

                         e) Thế giới đường xa xứ lạ. 

                         g) Sự hư ảo, quái dị, siêu nhiên.

                         h) Sự siêu phàm. 

                          i) Sự dấn thân.  

                          k) Đêm tối.  

               II. Hội họa lãng mạn.  

   III. Âm nhạc lãng mạn.

B. TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở VIỆT NAM.

                I. Khái quát.

               II. Văn chương lãng mạn.

              III. Hội họa lãng mạn.

              IV. Âm nhạc lãng mạn.

                 1. Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.

                   – Nhóm Myosotis.

                   – Nhóm Tricéa.

                   – Nhóm Phạm Đăng Hinh.

                   – Nhóm Đồng Vọng. 

                   – Nhóm Nam Định.

                   – Nhóm Tổng hội Sinh viên.

                 2. Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.

                 3. Nội dung, chủ đề của dòng ca khúc lãng mạn.

CHƯƠNG IV. DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN CÁCH MẠNG

            I.  Hình ảnh người trai đi chiến đấu.

           II. Tình quân dân trong lòng dân tộc.

III. Hình ảnh quê hương trong kháng chiến.

CHƯƠNG V. DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN TRỮ TÌNH

           I. Những ca khúc về tình yêu đôi lứa.

               1. Hình ảnh người thiếu nữ.

               2. Nỗi buồn trong tình yêu.

                    a) Nỗi buồn nhẹ nhàng.

                    b) Giây phút chia ly.

                    c) Sự hoài niệm, tiếc nuối.

                    d ) Mong chắp cánh uyên ương.

          II. Những ca khúc ca ngợi thiên nhiên.

                1. Thiên nhiên tươi đẹp.

                2. Thiên nhiên buồn bã.

          III. Những ca khúc ca ngợi quê hương.

                1. Vui cảnh đồng quê.

                2. Thương nhớ đồng quê.

                3. Ngợi ca người mẹ.

                4. Cảnh đẹp đất nước.

          IV. Những ca khúc về thế giới mộng mơ.

                1. Khát vọng lãng du.

                2. Những giấc mơ tiên.

CHƯƠNG VI. TÌNH CA QUÊ HƯƠNG              

             I. Nỗi lòng người đi.

                1. Niềm luyến tiếc

                2. Nhớ về quê cũ

                3. Giấc mơ hồi hương

            II. Nắng đẹp miền Nam.

                1. Thanh bình ca.

                2. Lối về xóm nhỏ.

                3. Tình thắm duyên quê.

                4. Mùa hợp tấu.

          III. Quê hương bốn mùa.

                1. Xuân đã về.

                2. Khúc ca mùa hè.

                3. Khúc thu ca.

                4. Mưa mùa đông.

          IV. Đất nước mến yêu.

                1. Miền Bắc xa vời.

                2. Miền Trung thương nhớ.

                3. Miền Nam đô hội.

CHƯƠNG VII. TÌNH CA ĐÔI LỨA                 

  I. Tình đầu.

 II. Tình qua bốn mùa.

III. Tình sầu.

IV. Tình nhớ.

 V. Tình xa.

VI. Tình lỡ.

VII. Tình đau.

VIII. Tình bơ vơ.

TẬP II

MỤC LỤC

CHƯƠNG VIII.   CHO NGƯỜI VÀO CUỘC CHIẾN 

             I. Giai đoạn 1 (1955-1960)

            II. Giai đoạn 2 (1960-1975)

                     1. Mấy tháng quân trường.    

                 2.Tình đồng đội.

                     3. Trên bốn vùng chiến thuật.

                     4. Anh tiền tuyến em hậu phương.

                     5. Xuân này con không về.

                     6. Một mai giã từ vũ khí.

                     7. Đêm nguyện cầu.

CHƯƠNG IX. PHONG TRÀO DU CA            

                I.  Sự hình thành phong trào Du ca.

               II. Tổ chức phong trào Du ca.

III. Nội dung ca khúc phong trào Du ca.

1. Nhận diện quê hương.

                     2. Tuổi trẻ chúng tôi.

                     3. Đoàn ta ra đi.

                     4. Mơ ước hòa bình.  

CHƯƠNG X. PHẠM DUY: TÂM CA & ĐẠO CA    

               i. Mười bài Tâm ca.

              ii. Mười bài Đạo ca.     

CHƯƠNG XI. NHẠC PHẢN CHIẾN

                I. Vài nét về khuynh hướng phản chiến.              

               II. Phản chiến trong âm nhạc miền Nam.

              III. Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

   IV. Nhạc phản chiến của Miên Đức Thắng.

CHƯƠNG XII. NHẠC TRẺ                         

                I. Các ban nhạc trẻ. 

               II. Hoạt động biểu diễn.

   III. Phổ biến bài nhạc gốc và phóng tác lời ca nhạc trẻ phương Tây.

        IV. Sáng tác mới của nhạc trẻ miền Nam.

CHƯƠNG XIII. NHẠC SINH VIÊN TRANH ĐẤU

     I. Quá trình hình thành và phát triển của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

                      1. Giai đoạn 1965-1969.

             2. Giai đoạn từ 1970 đến 1975.

     II. Nội dung ca khúc của nhạc sinh viên tranh đấu.

             1. Cuộc đấu tranh trực diện trên đường phố.

             2. Khêu gợi lòng nhân ái và tình tự dân tộc.

             3. Ca ngợi truyền thống oai hùng của dân tộc.

             4. Niềm hy vọng và mơ ước hòa bình.

     III.  Dấu ấn của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

CHƯƠNG XIV. NHẠC THIẾU NHI VÀ   NHẠC CỘNG  ĐỒNG

        I. Nhạc thiếu nhi.

              1. Bài hát ca ngợi tuổi thơ.

2. Bài hát về yêu thương gia đình, trường lớp, thầy cô.

             3. Bài hát về quê hương, đất nước.

             4. Bài hát mừng Trung thu.

             5. Bài hát vui chơi tập thể.

 II. Nhạc sinh hoạt cộng đồng.

             1. Vui họp mặt.

             2. Vui cắm trại.

             3. Bài ca sinh hoạt tôn giáo.

4. Bài ca sinh hoạt Hướng đạo.

CHƯƠNG XV. TRUYỆN CA và TRƯỜNG CA

     I.  Truyện ca.

                     1. Trầu cau.

                     2. Thiên thai.

                     3. Trương Chi.

                     4. Chú Cuội.

                     5. Ngưu Lang – Chức Nữ.

                     6. Trác Văn Quân.

                     7. Thiếu phụ Nam Xương.

                     8. Hoa thủy tiên.

                     9. Huyền Trân Công Chúa.

                   10. Lòng mẹ Việt Nam.

                   11. Nàng Bân.

                   12. Chuyện tình Lan và Điệp.

      II. Trường ca.

                    1. Lịch sử loài người.

                    2. Trường ca Sông Lô.

                    3. Hòn Vọng Phu.

                    4. Hội Trùng dương.

                    5. Con đường cái quan.

                    6. Mẹ Việt Nam. 

CHƯƠNG XVI.   NHỮNG BÀI HÙNG CA TRONG NỀN TÂN NHẠC

I. Sử ca.

II. Thanh niên ca.

III. Kháng chiến ca. 

IV. Quốc ca.

V.  Quân ca.

* LỜI KẾT.                                                              

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.                                    

* MỤC LỤC.                                                          

Bài Mới Nhất
Search