T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN PHÚ YÊN: NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM – CHƯƠNG I

CHƯƠNG I

BỐI CẢNH LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN 1954-1975

                         Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh

                 (History is nothing more than a tableau of crimes and misfortunes)

                                                                                                                         Voltaire

I. NHỮNG DIỄN BIẾN TRƯỚC NGÀY CHIA CẮT ĐẤT NƯỚC

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ e ngại sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á nên đã giúp Pháp tái chiếm Việt Nam. Đó chính là tinh thần của bị vong lục NSC-64 ngày 27-2-1950 và NSC-124/2 ngày 25-6-1952 của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Năm 1946 Mỹ đưa tàu chở những nhóm lính Pháp đến Việt Nam kiểm soát nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn. Ngày 7-10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Đây là chiến dịch lớn nhất đến nay (chiến dịch Léa) trong chiến tranh Việt Pháp với 12.000 quân Pháp tấn công vào Việt Bắc để tiêu diệt chủ lực quân của Việt Minh và hòng bắt sống toàn thể nhân viên chính phủ lúc bấy giờ. Pháp thất bại trong việc bắt giữ các bộ trưởng, ngoại trừ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội và là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Văn Tố. Những năm 1940, đã có hàng trăm ngàn bộ đội chống Pháp. Cuối năm 1945, Việt Nam giải phóng quân trở thành lực lượng vũ trang lớn mạnh; tháng 9-1945 đổi thành Vệ quốc đoàn. Ngày 22-5-1946, Vệ quốc đoàn chính thức trở thành quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).

Năm 1949, Pháp tuy thừa nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập nhưng vẫn sử dụng lá bài Bảo Đại. Ngày 8-3-1949, Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký thỏa ước Elysées biến Việt Nam thành một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 7-2-1950, Hoa Kỳ và Anh cùng công nhận nước Việt Nam độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Bảo Đại. Phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ được thành lập ngay tại Sài Gòn từ tháng 2-1950 với đại biện lâm thời Edmund A. Guillion và chính thức được nâng lên hàng đại sứ vào tháng 6-1952 với vị đại sứ đầu tiên là ông Donald R.Heath, một nhà ngoại giao kỳ cựu.

Cuối năm 1950, sau khi bị đánh bại nặng nề ở Cao Bằng, ngày 6-12 Pháp bổ nhiệm tướng Jean De Lattre de Tassigny làm tổng tư lệnh quân đội kiêm Cao ủy Đông Dương để mong cứu vãn tình hình ngày càng nguy ngập. Đầu mùa thu năm 1952, tổng số lính Pháp bị tử trận, thương vong và mất tích tại Đông Dương lên đến hơn 90.000 người. Đến 7-5-1954 Điện Biên Phủ thất thủ, Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt gần 100 năm thống trị ở Đông Dương, nhường lại vai trò ở đây cho Mỹ. (Thật ra Mỹ đã dính líu sâu vào Việt Nam và Đông Nam Á trong 28 năm kể từ 1945 mà mười năm sau là cuộc chiến tranh thật sự). Tính đến năm 1954, Mỹ cung cấp cho Pháp 513 máy bay, 300 tàu chiến, 1.400 xe thiết giáp, 20.000 xe ôtô và nhiều phương tiện chiến tranh khác, chiếm đến 70% tổng chi phí cho chiến tranh ở Đông Dương (lên tới 7 tỉ USD). Ngày 16-6-1954, Bảo Đại ký sắc lệnh bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Mười ngày sau Ngô Đình Diệm từ Paris về nước chấp chính sau năm năm ở nước ngoài. Hiệp định phân chia Việt Nam làm hai miền Nam – Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Mỹ và Quốc gia Việt Nam từ chối ký hiệp định. Người Mỹ coi cuộc chiến tại Việt Nam là một phần của một cuộc xung đột toàn cầu mới chống lại chủ nghĩa cộng sản, trong khi VNDCCH xem cuộc chiến này là giai đoạn mới nhất của một cuộc đấu tranh giành độc lập(1). Ngày 12-5-1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower phát biểu: “Thế giới tự do không thể bỏ Đông Dương”. Walter Robertson, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Viễn Đông lúc đó, tuyên bố mục tiêu sự can thiệp của Mỹ là giữ Việt Nam trong hai năm để Mỹ huấn luyện 300.000 người Việt Nam nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản.

II. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ Ở MIỀN NAM

A/NỀN ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA

Ngày 1-10-1954, Eisenhower gửi thư cho Ngô Đình Diệm hứa sẽ chi viện. Ngày 8-11, Eisenhower cử tướng Lawton Collins sang Sài Gòn làm đại sứ đặc biệt có quyền hạn rộng rãi, lập phái đoàn quân sự Mỹ (MAAG) do tướng O’Daniel cầm đầu. Ngày 13-12-1954, tướng Ely của Pháp và tướng Collins ký hiệp ước qui định Mỹ thay thế Pháp về quân sự ở miền Nam Việt Nam. Năm 1955 Mỹ để Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, với sự giúp đỡ đắc lực của hồng y Spellman, giáo sư Buttinger và đại tá CIA Lansdale. Được Mỹ khuyến khích và hỗ trợ, Ngô Đình Diệm từ chối tổng tuyển cử vì điều này không có trong hiệp định mà chỉ có trong phụ lục ngày 21-7-1954 không có nước nào ký tên nên không có tính chất bắt buộc. Thay vào đó, ông cho trưng cầu ý dân ở miền Nam. Ngô Đình Diệm thắng với 98,2% số phiếu và trở thành tổng thống (TT) nền Đệ nhất Cộng hòa. Những số liệu chính thức của miền Nam biên soạn tháng 10-1955 cho thấy rằng những người di cư từ Bắc vào Nam bao gồm 676.348 người Công giáo (76,3% toàn bộ người miền Bắc di cư), 209.132 Phật giáo (23,5%), và 1.041 Tin Lành (0,2%)(2). TT Diệm đặt tên nước là Việt Nam Cộng hòa (VNCH), lấy Sài Gòn làm thủ đô. Đây là một thực thể chính trị và hành chính hợp pháp về mặt công pháp quốc tế và đương nhiên là một nước có chủ quyền. Từ đây Mỹ khởi đầu chiến lược nhằm chặn đứng sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.

Năm 1955, sau khi ra sức dẹp các tổ chức quân sự của Bình Xuyên và của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ở Nam bộ, TT Diệm tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở; nắm chắc bộ máy quân đội, cảnh sát; tiến hành quốc sách tố Cộng (từ mùa hè 1955, khoảng 50.000 đến 100.000 người bị đưa vào các trại giam, trong số này đa số không liên hệ gì với cộng sản); truy nã những người có dính líu đến Cộng sản, cách ly gia đình họ; gom dân vào các ấp chiến lược (một chương trình do sáng kiến của ông Thompson người Anh, cố vấn du kích chiến của Nhà Trắng, đã đưa 10 triệu dân vào 17.000 ấp chiến lược) để dễ bề kiểm soát. Để thanh lọc những người theo Cộng sản, TT Diệm ra sắc lệnh số 49 bỏ tù tất cả những người chống lại chế độ cộng hòa và luật 10/59 là đỉnh cao của quốc sách này, thiết lập ba tòa án quân sự đặc biệt ở Sài Gòn, Huế, Ban Mê Thuột chỉ xét xử ở hai mức tử hình và chung thân.  

Cùng với việc dựng nên chế độ, Mỹ yểm trợ thành lập quân đội VNCH, xây dựng khối SEATO (South East Asia Treaty Organization, gồm ba nước châu Á và năm nước phương Tây), làm công cụ để Mỹ bảo trợ cho miền Nam Việt Nam, đồng thời bảo vệ miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia. Đến năm 1958, Mỹ không chỉ trả tất cả chi phí quân đội mà còn trả 80% các chi tiêu của chính phủ TT Diệm nữa.

“Ngày 25-1-1963, Tổng thống Kennedy tuyên bố ông muốn biến Lào thành ‘một nước độc lập, hòa bình và không liên kết’. Averell Harriman, Thứ trưởng Ngoại giao về vấn đề chính trị, được coi là người có quyền hành nhất lúc đó tại Tòa Bạch Ốc, cho rằng phải trung lập hóa Lào để ngăn chận miền Bắc dùng đất Lào xâm nhập vào miền Nam. Ngày 16-5-1961, Hội nghị Quốc tế giải quyết vấn đề Lào được triệu tập tại Genève. Chính phủ Ngô Đình Diệm phản đối rất mạnh, nhưng Harriman cứ tiến tới. Ngày 23-7-1962, Hiệp ước Hòa bình tại Lào đã được ký kết, kết quả 666 cố vấn Mỹ và toàn bộ quân đội của VNCH phải rút khỏi Lào. Bắc Việt cũng cam kết như thế. Nhưng thực tế không như Harriman tuyên bố”.(3)

Tháng 11-1963, tướng Dương Văn Minh đảo chính, lật đổ Diệm – Nhu với sự đồng ý của CIA và đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge. Sau cái chết của J. F. Kennedy, Johnson lên làm TT Mỹ. Ông ta tin rằng chìa khóa thành công trong chiến tranh Việt Nam là làm cho lãnh đạo VNDCCH sợ rằng Mỹ sẽ can thiệp bằng cách leo thang chiến tranh Việt Nam. Cũng chính trong năm này, cảnh giác với một quan chức Mỹ về việc Mỹ dấn sâu vào chiến tranh Việt Nam, Thủ tướng Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev nói: “Nếu các ngài muốn, hãy cứ đi mà chiến đấu trong rừng rậm Việt Nam. Người Pháp đã chiến đấu ở đó 7 năm và cuối cùng vẫn phải ra đi. Có lẽ người Mỹ sẽ trụ lại được ở đó lâu hơn một chút nhưng rồi họ cũng sẽ phải ra đi thôi”. (4)

Để củng cố chế độ, TT Ngô Đình Diệm tự thấy mình phải tìm kiếm những giá trị tinh thần nào đó để làm nền tảng cho quốc sách chống Cộng. Chúng ta biết Ngô Đình Nhu – cố vấn chính trị của Ngô Đình Diệm, là một người Thiên Chúa giáo từng du học ở nước ngoài – đã cùng với một số linh mục như Bửu Dưỡng, Nguyễn Văn Thích, Lý Văn Lập…hình thành một chủ thuyết vừa mang tính triết lý vừa mang tính chính trị, gọi là chủ nghĩa cần lao nhân vị, dựa trên triết thuyết le personalisme (chủ nghĩa nhân vị) của Emmanuel Mounier (1905-1950) và Jacques Maritain (1882-1973) – những trí thức Thiên Chúa giáo Pháp.

Chủ nghĩa nhân vị là một hệ thống triết học, đồng thời là một chủ thuyết về đạo đức và xã hội, đặt cơ sở trên giá trị tuyệt đối của con người, trên sự cao cả và tôn trọng nhân phẩm. Theo đó, khi nói con người là nói đến ý thức, đồng thời con người được xem trước hết như một chủ thể và là một chủ thể tinh thần. Quyền con người dựa trên ý tưởng có một phẩm giá nổi trội của con người mà ta không thể mua bán hoặc chối bỏ, đó chính là quyền của nhân vị. Vì lý do này, từ con người có ý nghĩa khác với từ cá nhân để chỉ một thành viên trong xã hội, hay trên lĩnh vực sinh học, là một nhất thể có sự sống. Nhà xã hội học nhìn xã hội như một tập hợp các cá nhân, còn nhà triết học nhìn thấy ở đó như một quần thể các nhân phẩm. Nhân phẩm là một hình thế tâm lý cá nhân của con người, trong đó có tính tình, tính cách, lịch sử cá nhân…- tất cả những gì làm nhân phẩm là một nhất thể luôn khác biệt với người khác, đó là một nhân vị. Theo quan điểm đạo lý, chúng ta đều là những con người đồng nhất, nhưng theo quan điểm tâm lý chúng ta là những nhân phẩm rất khác nhau. Vấn đề nhân phẩm là vấn đề tâm lý. Trong cách tiếp cận theo tâm lý học, cần phải hiểu tính riêng biệt của mỗi con người. Chúng ta là sản phẩm của quá khứ, của những liên hệ với điều kiện môi trường và xã hội chung quanh. Điều chúng ta trở thành, với tư cách là nhân phẩm, tùy thuộc vào nhiều điều mà chúng ta đã sống và đã trải nghiệm. Nhận biết nhân phẩm chính là khám phá một phức hợp hoàn toàn duy nhất. Con người phải được xem như một cứu cánh nội tại và không bao giờ là một phương tiện; nếu nhìn nhận ngược lại tức là vô luân.

Trên cơ sở triết lý này, ông Nhu khi về nước đã thêm vào ý niệm về cần lao làm vế thứ hai trong học thuyết của ông rồi cho phổ biến trên tuần báo Xã Hội do ông chủ trương (sau đó còn tiếp tục trên tạp chí Quê Hương). Tuy nhiên học thuyết này không phát sinh từ thực tiễn lịch sử nên không phù hợp với hiện trạng xã hội, từ đó không có được một sử quan nhất quán để vận dụng vào điều kiện của xã hội lúc bấy giờ. Thực tế vì tham vọng củng cố quyền lực của gia đình, ông Nhu đã đi ngược lại những gì mà ông đã học được từ chủ nghĩa nhân vị khi còn ở La Mã. Năm 1953, nhờ sự yểm trợ của khối Thiên Chúa giáo La Mã và Hoa Kỳ, ông Nhu quyết định năng động hóa chủ thuyết của mình bằng cách xin phép Thủ tướng Bửu Lộc thành lập một lực lượng thợ thuyền lấy tên là Tổng liên đoàn Lao công dựa theo mô thức tổ chức và lãnh đạo của lực lượng thợ thuyền Thiên Chúa giáo Pháp và tháng 9-1953 tổ chức hội nghị đại đoàn kết đòi hỏi hòa bình cho Việt Nam. Song song hai việc này, ông Nhu bí mật hoạt động cho ra đời đảng Cần lao nhân vị. Tuy vậy không ai thấy cương lĩnh, nội quy của đảng như thế nào, song qua những bài báo trên tuần báo Xã Hội và qua những bài giảng tại Trung tâm Nhân vị ở Vĩnh Long sau đó, người ta thấy học thuyết của ông Nhu là một thứ tư tưởng pha trộn và chắp vá từ giáo lý Thiên Chúa giáo, chủ nghĩa nhân vị của E. Mounier, thuyết nhân ái của Khổng Tử cộng thêm một ít nét của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa duy linh chống Cộng… Vào những năm đầu của chế độ TT Diệm, tại miền Nam đi đâu cũng nghe nói đến thuyết nhân vị nhưng sau đó thuyết này lại chìm vào quên lãng. Đảng Cần lao nhân vị đã biến thể thành đảng Cần lao Công giáo tiếp tục hiện diện ở miền Nam.

Tiến trình hoạt động của đảng Cần lao nhân vị có thể gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1953 khi Ngô Đình Nhu bí mật khai sinh đảng này với cấp lãnh đạo trung ương là người ngoài Công giáo như Trần Văn Đỗ, Huỳnh Kim Hữu, Trần Chánh Thành…, có lẽ ông Nhu muốn lập một tổ chức như các đảng Dân chủ xã hội Thiên Chúa giáo châu Âu. Sở dĩ ông Nhu muốn kết nạp người ngoài Công giáo vào đảng vì nghĩ rằng khối Công giáo bấy giờ không có những nhân vật chính trị tên tuổi. Giai đoạn 2 kể từ năm 1955 khi ông Diệm đã chấp chánh và củng cố được quyền lực nên ông Nhu kết nạp người Công giáo làm nòng cốt vì bấy giờ hầu hết người Công giáo di cư và Công giáo miền Trung đã là hậu thuẫn vững chắc của chế độ TT Diệm. Giai đoạn 3 từ cuối năm 1957 khi hai ông Diệm Nhu tin rằng chế độ đã vững chãi nên cần phải có một chủ lực trung kiên để đi đến việc Công giáo hóa miền Nam – mục đích tối hậu của nhà Ngô. Đảng lấy yếu tố tôn giáo làm cơ sở cho mọi chính sách, vì vậy đảng viên gồm toàn tu sĩ và giáo dân. Từ đó những đảng viên không Công giáo bắt đầu bỏ đảng, nhiều nhân vật nổi tiếng cũng xa lánh rồi chống đối nhà Ngô.

Đảng Cần lao nhân vị trở nên nguy hiểm vì cho tôn giáo của mình là độc tôn nên kỳ thị các tôn giáo khác (về mặt nhân văn) và độc tài, khống chế sinh hoạt quốc gia (về mặt chính trị). Với tham vọng đó, đảng Cần lao nhân vị biến thành đảng Cần lao Công giáo, trao cho một số chức sắc trong hàng giáo phẩm những đặc quyền siêu chính phủ. Trong chín năm cầm quyền của TT Diệm, đảng Cần lao Công giáo đã được hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Vì vậy TT Diệm đã đưa người Công giáo vào giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ, quốc hội, các tỉnh miền Trung và cao nguyên. Tuy là người yêu nước thương dân nhưng TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu đã tự gieo mầm mống suy yếu bằng chế độ gia đình trị, bằng kỳ thị tôn giáo, óc bè phái và như vậy dễ đi đến cáo chung.

B/NỀN ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA

Sau khi hai anh em ông Diệm Nhu bị lật đổ ngày 1-11-1963 (và bị bắn chết ngày hôm sau), đảng Cần lao Công giáo bị thất thế song đảng viên vẫn tìm mọi cách để phục hồi vai trò của mình. Sau ba năm rối ren vì các tướng tá tranh giành địa vị, quyền lực, từ nội các quân sự sang chính phủ dân sự, năm 1966 nền Đệ nhị Cộng hòa được hình thành dưới sự lãnh đạo của TT Nguyễn Văn Thiệu. Lực lượng hậu thuẫn cho chính quyền mới cũng chính là người Công giáo và đảng viên đảng Cần lao Công giáo. Theo Đỗ Mậu (5), giúp việc cho TT Thiệu là bốn người Công giáo được gọi là “tứ trụ triều đình”, đó là cố vấn an ninh tình báo kiêm cố vấn quân sự Đặng Văn Quang, cố vấn kinh tài Nguyễn Cao Thăng rồi Nguyễn Văn Ngân, cố vấn chính trị linh mục Cao Văn Luận, cố vấn tình báo chiến lược Huỳnh Văn Trọng. Ngoài ra còn có linh mục Bửu Dưỡng, cố vấn bí mật đặc trách văn hóa giáo dục cho chính quyền TT Thiệu, người được Mỹ giúp đỡ thành lập Đại học Minh Đức. Một giám mục nổi tiếng khác là Nguyễn Văn Thuận (gọi ông Diệm bằng cậu ruột) có tham vọng xây dựng khối Thiên Chúa giáo thành một lực lượng để nắm quyền ở miền Nam. Bên cạnh các nhân vật này là một số người khác như linh mục Nhuận và nhóm Nguyễn Đức Xích chuyên theo dõi các đảng phái, tôn giáo và thành phần đối lập. Ngoài ra TT Thiệu cũng nắm lấy Thượng viện thông qua ba, bốn liên danh Công giáo giữ các chức chủ tịch, phó chủ tịch và nắm Hạ viện với đa số là người Công giáo, đặc biệt với khối Độc lập gồm toàn thành phần Cần lao Công giáo. Với một quốc hội như thế, Thiệu đã dễ dàng thông qua các dự luật như luật báo chí, luật ủy quyền, hợp thức hóa cuộc bầu cử tổng thống độc diễn…

TT Nguyễn Văn Thiệu không chỉ gây ảnh hưởng trên ngành lập pháp mà cả trong ngành hành pháp, cho giữ chức bộ trưởng những tay chân trung thành với nhà Ngô như Cao Văn Tường, Trần Chánh Thành, Trần Văn Lắm, Vương Văn Bắc, Ngô Khắc Tỉnh… Về phía quân đội, TT Thiệu dàn xếp chức vụ cao cấp cho Cao Văn Viên (tổng tham mưu trưởng), Đồng Văn Khuyến (tổng tham mưu phó), Trần Văn Trung (Tổng cục Chiến tranh chính trị), Bùi Đình Đạm (Nha Động viên)… Ở các quân đoàn, sư đoàn vẫn là tướng tá Cần lao hoặc chế độ cũ như Ngô Du, Phạm Quốc Thuần, Đỗ Cao Trí, Trần Văn Minh, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Toàn, Lữ Lan… Phía công an có Nguyễn Mâu, Nguyễn Khắc Bình…

Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng không bao lâu, nhất là sau ba lần đi Sài Gòn (tháng 10-1965, tháng 7 và 10-1966), Kissinger đã phải thừa nhận: “Tôi đã nhận thấy ngay chúng ta đã tham gia một cuộc chiến tranh mà chúng ta không biết làm thế nào để chiến thắng mà cũng không biết làm thế nào để kết thúc”. (6) Sau đó, trên tập san Foreign Affairs, Kissinger đã rút ra kết luận: “Nguyên tắc chủ yếu của chiến tranh du kích là khi người ta không thua là thắng, trong khi đối với quân đội chính qui, không giành được thắng lợi là thua”.(7)

Johnson quyết định không ra tranh cử năm 1968. Richard Nixon lên làm tổng thống với lời hứa sẽ chấm dứt được chiến tranh Việt Nam, khẳng định lại mục đích như vị tổng thống tiền nhiệm là không để miền Nam rơi vào tay Cộng sản, tuy nhiên điều đó không thể bảo đảm được nếu không tiếp tục theo đuổi chiến tranh. Nixon đề ra chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, tuyên bố có một kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh.

Johnson đã từng bàn đến chuyện thương thuyết sau vụ tấn công Tết Mậu Thân. Ngày 13-3-1968 cuộc nói chuyện tại Paris đổ vỡ do chính quyền VNCH từ chối thương thuyết. Tháng 10-1968, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, Hubert Humphrey kêu gọi thương thuyết, Nixon thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu nhưng ông này không chịu. Trong khi đó Hà Nội đòi Mỹ rút quân, còn Mỹ thì đòi Hà Nội đưa quân trở lại miền Bắc: cuộc thương thuyết thất bại.

Thời gian này, sinh viên Mỹ bắt đầu biểu tình phản đối. Phong trào phản chiến bắt đầu với việc tự thiêu của Norman Morrison ngày 2-11-1965 trước Lầu Năm Góc ở Washington D.C. Đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh ở khắp các bang ở Mỹ, Ngày 15-11-1969, bốn năm sau đó, một cuộc tuần hành 250.000 người diễn ra ở đại lộ số 5 trung tâm New York, chỉ cách quảng trường Times Square vài dãy phố. Cùng lúc là hàng loạt các cuộc xuống đường ở nhiều thành phố lớn tại cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ (8). Ở Đại học Kent (bang Ohio), bốn sinh viên bị giết và chín người khác bị thương ngày 4-5-1970 (9). 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam (10).

Chiến tranh đã làm Nixon mệt mỏi nên có lần vào ngày 25-4-1972, Nixon từng nảy ra ý kiến ném bom nguyên tử xuống Bắc Việt Nam. Theo CNN, chi tiết này được tiết lộ ngày 28-2-2002 khi Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ công bố cuốn băng dài 500 giờ về các cuộc thảo luận của Nixon trong sáu tháng đầu năm 1972. Câu nói chính xác của Nixon: “Tôi thiên về lựa chọn dùng một quả bom nguyên tử”. Cố vấn an ninh Kissinger trả lời: “Theo tôi, điều đó sẽ là quá mức”. Trong buổi thảo luận vào tháng 6-1972, Nixon thẳng thừng nói với cố vấn Charles Colson: “Chúng tôi muốn phá hủy cái nơi quái quỷ đó… Miền Bắc Việt Nam phải được tái thiết trật tự. Đây là lúc phải làm và đó là điều lẽ ra phải làm từ lâu”. Song điều đó không xảy ra và Nixon chỉ còn ra lệnh tiến hành leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Sau bầu cử năm 1972, Kissinger xem lại thỏa thuận về thương thuyết mà ông ta đã soạn trước. Việc xem xét này bị phản đối và Kissinger đe dọa lại sẽ ném bom miền Bắc nếu điều kiện mới mà ông đưa ra không thực hiện được. Giáo sư John Mc Alister – Đại học Princeton và Stanford, chuyên gia cố vấn Thượng viện Mỹ, từng có mặt ở miền Nam Việt Nam – đã sớm báo trước cho nước Mỹ rằng chiến tranh mà Mỹ đang can dự vào Đông Dương là vô vọng, không thể thắng nổi một xã hội nông thôn có thể chế truyền thống đặc biệt, được vũ trang bằng một chủ nghĩa yêu nước sâu sắc và mãnh liệt. Từ sau hiệp định Paris 1973, Quốc hội Hoa Kỳ lại mạnh tay cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự khiến cho miền Nam phải sụp đổ mau chóng hơn cả kế hoạch dự liệu của các chiến lược gia Hà Nội.

Tổng chi phí quân sự của riêng Mỹ tại cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ 1965-1975 là 111 tỷ đôla, quy đổi theo thời gian năm 2008 thì bằng 686 tỷ đôla. Cao điểm của cuộc chiến là năm 1968, chi phí quân sự của Mỹ vào cuộc chiến tại Việt Nam bằng 2,3% GDP của Mỹ (11).

Nói tóm lại, các hoạt động chính trị của cả hai chế độ TT Diệm và TT Thiệu đã không tạo được sự đoàn kết mạnh mẽ để đương đầu với chủ nghĩa cộng sản. Cùng với việc Mỹ cắt giảm viện trợ vào đầu năm 1975 và sự triệt thoái của quân đội Mỹ thì sự sụp đổ của chế độ miền Nam vào ngày 30-4-1975 là điều có thể dự đoán được.

CHÚ THÍCH

(1) Mitchell K.Hall, The Vietnam War, Pearson Education, 2007, tr. 3. (Trích:American viewed the struggle in Vietnam as part of a new global conflict against communism, while the Vietnamese saw the war against the United States as the latest phase of a long fight for independence). Dẫn theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam#cite_note-Chi_vien-69.

(2) Peter Hansen – Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa Miền Nam, 1954-1959. Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, issue 3, Fall 2009. http://www.talawas.org/?p=19371.

(3) Lữ Giang, Khi Mỹ vẽ lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam, https://www.danchimviet.info/khi-my-ve-lai-lich-su-cuoc-chien-vn/10/2017/6840/

(4) Bruce Kennedy, Việt Nam cuộc chiến không quên, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2001, tr. 11.

(5) Hoành Linh Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong, NXB CAND, Hà Nội, 1995, tr. 331.

(6) Kissinger, Những năm tháng ở Nhà Trắng, hồi ký, trích dẫn theo Mai Văn Bộ, Từ Genève đến Paris, NXB Trẻ, TP.HCM, 2002, tr. 224.

(7) Hoành Linh Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong, NXB CAND, Hà Nội, 1995, tr. 224.

(8) Bruce Shapico, Salon News, 2-5-2001.

(9) http://www.sggp.org.vn/hosotulieu/nam2005/thang4/45576/

(10) BáoSài Gòn Giải Phóng, Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”,15-4-2005.

(9) http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam#cite_note-H.E1.BB.93_Khang-8

(10) Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, NXB CAND, Hà Nội, 2003, tr. 887 và 899.

(11) Stephen Daggett, CRS Report for Congress. Costs of Major U.S. War. Dẫn theo Lạc Văn – Tính chính đáng của các bên trong cuộc chiến tại Việt Nam 1945- 1975.http://www.x-cafevn.org/node/91.

GIỚI THIỆU của TV&BH

TẬP I

MỤC LỤC

   LỜI NGỎ

CHƯƠNG I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA MIỀN NAM

                       GIAI ĐOẠN 1954-1975                      

          I. Những diễn biến trước ngày chia cắt đất nước.

         II. Tình hình chính trị ở miền Nam.

             1. Chế độ Đệ nhất Cộng hòa.

             2. Chế độ Đệ nhị Cộng hòa.

CHƯƠNG II. ĐỜI SỐNG VĂN HÓA – VĂN NGHỆ Ở MIỀN NAM

            I. Vài nét về giáo dục. 

           II. Về hoạt động văn nghệ và âm nhạc.

               1. Báo chí văn nghệ.

               2. Hoạt động biểu diễn âm nhạc.

                    a)  Các lò đào tạo của các nhạc sĩ.

                    b)  Các nhóm nhạc và ban nhạc.

               3. Về hoạt động sáng tác âm nhạc.

CHƯƠNG III. TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNg TÂY VÀ Ở VIỆT NAM

A. TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNG TÂY.

               I. Văn chương lãng mạn.

                    1. Khái quát.

                    2. Định nghĩa.

                    3. Những chủ đề chính. 

                         a) Sự khẳng định và thăng hoa cái tôi.

               b) Nỗi buồn lãng mạn.  

                         c) Tình yêu thiên nhiên.

                         d) Sự hoài niệm quá khứ. 

                         e) Thế giới đường xa xứ lạ. 

                         g) Sự hư ảo, quái dị, siêu nhiên.

                         h) Sự siêu phàm. 

                          i) Sự dấn thân.  

                          k) Đêm tối.  

               II. Hội họa lãng mạn.  

   III. Âm nhạc lãng mạn.

B. TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở VIỆT NAM.

                I. Khái quát.

               II. Văn chương lãng mạn.

              III. Hội họa lãng mạn.

              IV. Âm nhạc lãng mạn.

                 1. Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.

                   – Nhóm Myosotis.

                   – Nhóm Tricéa.

                   – Nhóm Phạm Đăng Hinh.

                   – Nhóm Đồng Vọng. 

                   – Nhóm Nam Định.

                   – Nhóm Tổng hội Sinh viên.

                 2. Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.

                 3. Nội dung, chủ đề của dòng ca khúc lãng mạn.

CHƯƠNG IV. DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN CÁCH MẠNG

            I.  Hình ảnh người trai đi chiến đấu.

           II. Tình quân dân trong lòng dân tộc.

III. Hình ảnh quê hương trong kháng chiến.

CHƯƠNG V. DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN TRỮ TÌNH

           I. Những ca khúc về tình yêu đôi lứa.

               1. Hình ảnh người thiếu nữ.

               2. Nỗi buồn trong tình yêu.

                    a) Nỗi buồn nhẹ nhàng.

                    b) Giây phút chia ly.

                    c) Sự hoài niệm, tiếc nuối.

                    d ) Mong chắp cánh uyên ương.

          II. Những ca khúc ca ngợi thiên nhiên.

                1. Thiên nhiên tươi đẹp.

                2. Thiên nhiên buồn bã.

          III. Những ca khúc ca ngợi quê hương.

                1. Vui cảnh đồng quê.

                2. Thương nhớ đồng quê.

                3. Ngợi ca người mẹ.

                4. Cảnh đẹp đất nước.

          IV. Những ca khúc về thế giới mộng mơ.

                1. Khát vọng lãng du.

                2. Những giấc mơ tiên.

CHƯƠNG VI. TÌNH CA QUÊ HƯƠNG              

             I. Nỗi lòng người đi.

                1. Niềm luyến tiếc

                2. Nhớ về quê cũ

                3. Giấc mơ hồi hương

            II. Nắng đẹp miền Nam.

                1. Thanh bình ca.

                2. Lối về xóm nhỏ.

                3. Tình thắm duyên quê.

                4. Mùa hợp tấu.

          III. Quê hương bốn mùa.

                1. Xuân đã về.

                2. Khúc ca mùa hè.

                3. Khúc thu ca.

                4. Mưa mùa đông.

          IV. Đất nước mến yêu.

                1. Miền Bắc xa vời.

                2. Miền Trung thương nhớ.

                3. Miền Nam đô hội.

CHƯƠNG VII. TÌNH CA ĐÔI LỨA                 

  I. Tình đầu.

 II. Tình qua bốn mùa.

III. Tình sầu.

IV. Tình nhớ.

 V. Tình xa.

VI. Tình lỡ.

VII. Tình đau.

VIII. Tình bơ vơ.

TẬP II

MỤC LỤC

CHƯƠNG VIII.   CHO NGƯỜI VÀO CUỘC CHIẾN 

             I. Giai đoạn 1 (1955-1960)

            II. Giai đoạn 2 (1960-1975)

                     1. Mấy tháng quân trường.    

                 2.Tình đồng đội.

                     3. Trên bốn vùng chiến thuật.

                     4. Anh tiền tuyến em hậu phương.

                     5. Xuân này con không về.

                     6. Một mai giã từ vũ khí.

                     7. Đêm nguyện cầu.

CHƯƠNG IX. PHONG TRÀO DU CA            

                I.  Sự hình thành phong trào Du ca.

               II. Tổ chức phong trào Du ca.

III. Nội dung ca khúc phong trào Du ca.

1. Nhận diện quê hương.

                     2. Tuổi trẻ chúng tôi.

                     3. Đoàn ta ra đi.

                     4. Mơ ước hòa bình.  

CHƯƠNG X. PHẠM DUY: TÂM CA & ĐẠO CA    

               i. Mười bài Tâm ca.

              ii. Mười bài Đạo ca.     

CHƯƠNG XI. NHẠC PHẢN CHIẾN

                I. Vài nét về khuynh hướng phản chiến.              

               II. Phản chiến trong âm nhạc miền Nam.

              III. Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

   IV. Nhạc phản chiến của Miên Đức Thắng.

CHƯƠNG XII. NHẠC TRẺ                         

                I. Các ban nhạc trẻ. 

               II. Hoạt động biểu diễn.

   III. Phổ biến bài nhạc gốc và phóng tác lời ca nhạc trẻ phương Tây.

        IV. Sáng tác mới của nhạc trẻ miền Nam.

CHƯƠNG XIII. NHẠC SINH VIÊN TRANH ĐẤU

     I. Quá trình hình thành và phát triển của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

                      1. Giai đoạn 1965-1969.

             2. Giai đoạn từ 1970 đến 1975.

     II. Nội dung ca khúc của nhạc sinh viên tranh đấu.

             1. Cuộc đấu tranh trực diện trên đường phố.

             2. Khêu gợi lòng nhân ái và tình tự dân tộc.

             3. Ca ngợi truyền thống oai hùng của dân tộc.

             4. Niềm hy vọng và mơ ước hòa bình.

     III.  Dấu ấn của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

CHƯƠNG XIV. NHẠC THIẾU NHI VÀ   NHẠC CỘNG  ĐỒNG

        I. Nhạc thiếu nhi.

              1. Bài hát ca ngợi tuổi thơ.

2. Bài hát về yêu thương gia đình, trường lớp, thầy cô.

             3. Bài hát về quê hương, đất nước.

             4. Bài hát mừng Trung thu.

             5. Bài hát vui chơi tập thể.

 II. Nhạc sinh hoạt cộng đồng.

             1. Vui họp mặt.

             2. Vui cắm trại.

             3. Bài ca sinh hoạt tôn giáo.

4. Bài ca sinh hoạt Hướng đạo.

CHƯƠNG XV. TRUYỆN CA và TRƯỜNG CA

     I.  Truyện ca.

                     1. Trầu cau.

                     2. Thiên thai.

                     3. Trương Chi.

                     4. Chú Cuội.

                     5. Ngưu Lang – Chức Nữ.

                     6. Trác Văn Quân.

                     7. Thiếu phụ Nam Xương.

                     8. Hoa thủy tiên.

                     9. Huyền Trân Công Chúa.

                   10. Lòng mẹ Việt Nam.

                   11. Nàng Bân.

                   12. Chuyện tình Lan và Điệp.

      II. Trường ca.

                    1. Lịch sử loài người.

                    2. Trường ca Sông Lô.

                    3. Hòn Vọng Phu.

                    4. Hội Trùng dương.

                    5. Con đường cái quan.

                    6. Mẹ Việt Nam. 

CHƯƠNG XVI.   NHỮNG BÀI HÙNG CA TRONG NỀN TÂN NHẠC

I. Sử ca.

II. Thanh niên ca.

III. Kháng chiến ca. 

IV. Quốc ca.

V.  Quân ca.

* LỜI KẾT.                                                              

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.                                    

* MỤC LỤC.                                                          

Bài Mới Nhất
Search