T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN PHÚ YÊN: NHÌN LẠI ÂM NHẠC MIỀN NAM – CHƯƠNG V – DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN TRỮ TÌNH (IV)

CHƯƠNG V

DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN TRỮ TÌNH

IV.  NHỮNG CA KHÚC VIẾT VỀ THẾ GIỚI MỘNG MƠ

1. Khát vọng lãng du

Âm nhạc lãng mạn còn ngợi ca kiếp sống lang bạt, giang hồ với hình ảnh con người phóng túng, xa rời những ràng buộc, hệ lụy của cuộc sống thực tế. Họ say sưa trong từng bước chân đi, say sưa với tiếng đàn và lời ca trên bước đường muôn dặm, say sưa kiếp sống của người lãng du. Họ luôn mang dáng vẻ của một người sắp ra đi với khát vọng khám phá những thế giới xa lạ đầy quyến rũ, tươi đẹp có thể đem lại cho họ niềm vui sống.

Chiều nay mưa rơi

Ướt vai người dưới quán vắng

Chàng niên thiếu

Miền xa thân dầm sương

Đời phiêu lưu

Mang máu giang hồ đi bốn phương

Chí lớn say sưa cuộc đời mưa nắng…

(Hoàng Trọng, lời Quách Đàm, Chiều tha hương, 1951)

Ra đi khắp nơi xa vời

Gió bốn phương

Kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi

Người đi khúc nhạc chơi vơi

Rắc khắp nơi kìa rắc khắp trời

Vang vang khúc nhạc yêu đời…

(Đỗ Nhuận, Đoàn lữ nhạc)

Túi đàn chân bước đi lên đường 
Kìa nơi xa xôi đợi chờ bao mến thương. 
Nhịp theo tiếng đàn 
Tiếng hát vang vang lừng 
Ta mang vui tươi tô đời thắm tưng bừng. 
Kìa là núi rừng với cánh lúa nơi đồng quê 
Với sức sống tráng hùng lòng ta say mê. 
Nhịp theo tiếng đàn 
Tiếng hát vang vang lừng 
Ta mang yêu đương reo về khắp bốn phương.

(Canh Thân, Túi đàn)

Không chỉ ra đi là thoát ly cuộc sống tù túng nhưng ra đi để tìm một phương trời xa lạ, một nơi thần tiên để nương náu:

Đi với tôi đến chân trời xa

Trăng nước êm, một trời đầy hoa

Bạn của Hằng Nga và vô cùng thanh thú

Lắng tai nghe nhạc réo lững lờ.

Đi với tôi đến chân trời xa

Đây suối mơ là nhạc của ta

Tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa

Gót chân thêm nhịp bước thần tiên…

Ϲầm taу ta hát, hát khúc ca уêu đời

Cho người vui. Với tình ta chan chứa bao la

Trong bước đi trên đường đời
Ô kìa chàng thi sĩ đang miên man

Đi tìm bao vần thơ
Ô kìa nàng ca sĩ đang saу sưa

Cung đàn cho đời mơ…

(Canh Thân, Đi với tôi đến chốn trời xa)

Ra đi không chỉ là trường hợp riêng lẻ, đôi khi những người cùng chí hướng tụ tập với nhau thành một cộng đồng tươi trẻ đầy sinh khí:

Đoàn người tưng bừng về trong sương gió

Hồn như đám mây trắng lững lờ

Giang hồ không bờ không bến

Đẹp như kiếp Bôhêmiên.

Ánh dương lên một đoàn thanh niên

Giục nhau đi từ khi nắng sớm

Lúc gió chiều về trong tiếng tiêu

Bóng ai còn in trên đường dài.

Đoàn người đi vượt rừng qua núi

Bước chân vui qua miền xa xôi

Kìa là đoàn người Việt Nam gieo thắm tươi…

(Lê Vy, lời Phạm Duy & Mai Hạnh,Con đường vui, 1951)

Phạm Duy cảm thấy niềm vui được sống tại nơi đồng quê, nên với bài hát này ngoài tính chất hiện thực còn có thêm cả chất trữ tình nữa:

Kìa đoàn người đi hiên ngang

Qua đồng mênh mông

Người bàng hoàng đưa câu ca

Theo nhịp chân không

Có những lúc reo mừng

Với tiếng hát mơ mộng

Của từng đoàn nông phu vui sống

Có những lúc tươi cười

Với tiếng hát cô hàng

Tan chợ chiều trên đường về cô thôn…

(Phạm Duy, Đường về quê, 1947)

Ra đi như một kẻ giang hồ nhưng trong lòng bao giờ cũng vọng tưởng, mơ trở về cố hương để tìm lại những dáng xưa yêu kiều đã chìm khuất sau bước lãng du:

Chiều xưa, có ai qua

Bến sông Hồng mộng mơ

Dìu dặt đôi lời hò

Còn vương vấn nhớ nhung

Chiều đó, khách tha phương

Đã qua một chiều vui

Rồi đi, chưa hết yên vui vội xa…

Đò ơi! Kiếp phiêu lưu

Giống con đò giạt trôi

Chiều chiều, ta mơ nhìn

Về nơi cũ bến xưa

Gặp gỡ, phút yêu đương

Sớm gieo sầu biệt ly

Rồi đi, thương nhớ ai nơi đò xưa.

(Đào Thừa Liệt, Bến đò xưa)

Kiếp giang hồ đây đó biết đâu là bến bờ
Bến xưa còn hay lời ước phai mờ. 
Mấy thu thuyền xa bến, nước trôi lời ước nguyền
Cố nhân ngơ ngác chờ hình bóng thuyền mơ.
Dòng sông vẫn êm đềm còn in bóng thuyền xưa
Bóng thuyền vô tình lờ lững xuôi dòng. 
Đò đi khách se lòng, càng xa vắng càng mong
Khách còn qua đò còn nhớ bóng mơ.

(Nguyễn Thiện Tơ, Qua bến năm xưa, 1949)

Đường về man mác sầu tình thương bao la

Xa bóng quê làng xưa đâu bóng ai ven sông

Thoáng bên rèm xưa mắt hoen lệ sầu thương.

Đành nghẹn trong tiếng cười cầm tay chia ly

Duyên kiếp ta chờ nhau…

(Nhật Bằng & Đan Thọ, Bóng quê xưa)

Chiều nay sương gió

Lữ khách dừng chân quán xưa

Mơ màng nghe tiếng chuông chiều

Vương về bên quán tiêu điều

Vầng trăng hoen úa

Như lá vàng rơi cuối thu

Lững lờ soi mấy hàng cây

U sầu đang ngắm trời mây…

(Hoàng Trọng, Dừng bước giang hồ)

Ta luyến lưu một kiếp giang hồ

Dù rằng cuộc sống vô bờ

Tim nồng tràn máu vô tư.

A ha ha! Suối in hình chiếc xe tàng

Đêm nao đập vỡ cây đàn

Giận đời nào ai mắt xanh.

Vó câu bấp bênh

Trên đường gian nan

Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn.

Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng

Môi ai say sưa hé mấy cung đàn

Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.

Vui ca lên đi trong chiếc xe già

Sau khi men say lắng mấy tơ đàn

Hồn ta vụt lướt lên trời xanh lam.

(Trọng Khương, Bánh xe lãng tử)

Có ai biết chăng chuyện tình cờ 
Có ai đoán đâu nào mà ngờ 
Vào một đêm trăng sáng 
Hồn nhạc thơ lai láng 

Thiết tha êm đềm mơ hồ. 
Áng mây cuốn tâm hồn dịu dàng 
Thiết tha với cung đàn nhịp nhàng 
Dìu hồn ta đi tới 

Miền thần tiên thanh thú 
Sắc hương huy hoàng nên thơ. 
Hào quang bốn phương huy hoàng 
Bầy tiên nữ đang khoe mình với cung đàn.

Nắm tay múa theo điệu nhịp nhàng 
Nhắp say chén men rượu nồng nàn 
Bầu trời trong thanh mát 
Ngàn người vang câu hát 

Dưới hoa muôn màu huy hoàng. 
Có ai biết chăng chuyện tình cờ 
Có ai đoán đâu nào mà ngờ 
Chuyện thần tiên giây phút 
Chìm dần trong mây khói 

Vấn vương tâm hồn trong mơ. 

(Văn Phụng, Giấc mộng viễn du) 

Người ra đi giong ruổi trên bước đường lãng du nếu đôi khi lỡ quên lời hẹn ước, chắc sẽ có người bạn lòng nhắc nhở hãy trở về bên người thân chung sức xây dựng quê hương:

Hỡi người xa núi sông
Chưa về tắm nắng mai hồng
Xa kiếp sống bềnh bồng.
Thời gian êm êm lướt nhanh
Ngày xanh cho anh mấy lần
Vì bao gian lao chớ nài
Hẹn nhau đi tới ngày mai.

Hỡi người tôi mến yêu
Say đời nắng sớm mưa chiều
Yêu nước non trời mây.

Dừng lại đây cho ta còn thấy
Màu khăn tay đưa nhau ngày ấy
Người ra đi hẹn với tang bồng
Một sớm nắng mai hương nồng
Về chung say đắp non sông…

(Lâm Tuyền & Nguyễn Văn Đông, Nhắn người viễn xứ)

2.  Những giấc mơ tiên

Người nghệ sĩ lãng mạn còn mơ ước sự thoát ly cuộc đời trần gian, muốn thoát tục để đi tìm thế giới mộng tưởng. Cũng như chủ nghĩa lãng mạn ở phương Tây, các nghệ sĩ Việt Nam cũng mê đắm thế giới thần tiên, thế giới mơ ước thường rất đậm nét trong văn chương phương Đông: giấc mộng Nam Kha – giấc mộng hoàng lương trong thế giới của Trang Tử. Một bài hát ru hồn về thế giới êm đẹp đó với nhịp điệu luân vũ dịu dàng:

Trăng êm ái ánh lan gần xa

Sương gió lướt rung ngàn hoa

Trong ánh trăng ngà lấp lánh

Bóng ai nơi cung Hằng

Êm êm tiếng ai ca

Nhịp bước thướt tha tà áo mơ màng.

Hòa cùng sáo ngân vang

Lòng tràn ngập ý thơ

Ta im lắng mơ mơ dáng tiên nga

Chập chờn bóng hoa lòng

Tràn đầy ước mơ say

Say dáng yêu kiều

Nồng hương làn tóc biếc.

Ôi bao giấc mơ tàn

Vì trăng khuất sau đám mây còn đâu.

(Dương Thiệu Tước, Mơ tiên)

Mời nàng tiên bay xuống đây

Và đưa lối lên cung Hằng

Ta muốn xa nước non này

Hồn vương vấn say gió trăng.

Rồi cùng nhau trong cõi mây

Ta trông xuống giang sơn này

Lòng tan hết bao mơ màng

Ta muốn quên trên tầng mây…

(Thẩm Oánh, Trên mây)

Thế giới cõi tiên cũng đầy quyến rũ làm nhiều nhạc sĩ đắm say:

Kìa nàng tiên trắng lướt

Cùng làn mây xuống trần gian

Cùng ta ca múa khúc

Nhạc ngày xuân trong vườn lan

Tà xiêm óng ánh

Lướt mình theo với bao cung đàn

Giọng êm như tiếng phím

Nhẹ ngân trong đêm mờ màng.

Kìa vầng trăng sáng

Chiếu nhẹ muôn sắc chốn thần tiên

Ngàn hoa như đắm đuối

Cùng tiên say giấc triền miên

Trời xanh trong sáng

Gió nhẹ phất uốn rung mây tàn

Hằng Nga tiên nữ

Đắm mình say trong giấc mơ vàng…

(Trần Nhật Bằng, Nàng tiên trắng)

Lá đào rơi rắc lối thiên thai 
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi 
Nửa năm tiên cảnh một bước trần ai 
Ước cũ duyên thừa có thế thôi. 
Ðá mòn rêu nhạt nước chảy huê trôi 
Cái hạc bay lên vút tận trời 
Trời đất từ nay xa cách mãi 
Cửa động đầu non đường lối cũ 
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

(Võ Đức Thu, thơ Tản Đà, Tống biệt)

Thế giới gần gũi nhất là thế giới trên cung trăng, vốn hấp dẫn cả trẻ em lẫn người lớn. Cung trăng cho người nghệ sĩ một thế giới tưởng tượng, ở đó cảnh vật cũng như chị Hằng bao giờ cũng tuyệt đẹp:

Xa! Chị Hằng Nga

Núp bóng sau bao lùm tre xanh

Ta cùng nhau ta múa

Hát ca đón chào chị ấy.

Trên trời bao la

Tươi sáng kia sao vàng lấp lánh

Đây chị Hằng Nga

Chiếu ánh vàng giữa bầu trời xanh.

Ánh trăng mờ mờ chiếu qua

Chiếu soi vào lòng chúng ta

Khiến thêm đời càng thiết tha

Nắm tay đồng lòng múa ca…

(Minh Ký, lời Mộng Lan, Chị Hằng, 1953)

Còn đây là câu chuyện tình Trung Hoa đã gợi bao cảm hứng cho nhạc sĩ. Bài hát Gấm vàng là một trong những bài hát của vở kịch Khói Lửa Cảo Kinh. Hình như chỉ có bản nhạc được phổ biến, còn vở kịch cũng chưa bao giờ lên sân khấu. Vở kịch này nguyên thủy là một vở kịch thơ, tác giả là Vũ Hân. Đó là câu chuyện U Vương – Bao Tự. U Vương, vua nhà Chu, say đắm Bao Tự; mà Bao Tự lúc nào cũng buồn, không bao giờ cười. Một hôm, thấy Bao Tự có vẻ vui khi nghe tiếng xé lụa, nhà vua ra lệnh tập trung các thứ vải quý như gấm, lụa để các cung nữ vừa múa hát vừa xé gấm xé lụa… nhưng người đẹp Bao Tự vẫn không cười. Bài hát Gấm vàng thuộc đoạn này trong vở kịch. Giai nhân trong câu hát chính là Bao Tự vậy:

Gấm vàng một cuốn gấm vàng

Óng a óng ánh

Như tóc nàng Quỳnh Tiên.

Nàng Quỳnh Tiên

Đàn trong động Đào Nguyên

Hằng đêm nàng lên múa hát

Trên miền Thiên Thai.

Tóc quên cài nàng say sưa múa hát

Gió dẫn đường

Đưa tóc lạc xuống trần gian.

Người đời cắt tóc dệt gấm vàng

Dâng lên chín bệ

May áo choàng giai nhân.

Gấm ái, gấm ân, gấm của sông Ngân

Gấm tan nghìn mảnh

Giai nhân không cười.

Tung gấm lên khơi

Tung bướm lên khơi 
Cánh vàng lấp lánh chập chờn rơi. 
Rơi trên mình cô áo xanh áo đỏ 
Uốn lả lơi nhịp nhàng

Bướm đậu trên ngàn 
Trên ngàn tơ liễu biếc

Mỹ nhân đưa mắt ngắm 
Bướm thẹn đôi cánh rung rinh. 

(Dương Minh Ninh, lời Vũ Hân, Gấm vàng)

Bên cạnh thế giới cõi tiên đó, các nhạc sĩ còn khai thác những hình tượng nghệ thuật từ trong truyện kể dân gian và trong truyền thuyết. Thật vậy chủ đề mộng mơ trong dòng nhạc lãng mạn trữ tình thật phong phú có thể làm thăng hoa tâm hồn con người qua những cung đàn muôn điệu.                                

oOo

Dòng ca khúc lãng mạn trữ tình từ khi mới hình thành đã có vị trí xứng đáng do giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của nó, đã tác động và khơi nguồn sáng tác cho nhiều lớp nhạc sĩ kế tiếp chọn lựa khuynh hướng này. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bên cạnh nhiều khuynh hướng âm nhạc khác ra đời, âm nhạc lãng mạn trữ tình vẫn không bị đánh mất giá trị và vai trò của nó. Âm nhạc lãng mạn vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều tâm hồn lớp thanh niên lớn lên giữa hoàn cảnh lịch sử có nhiều biến chuyển. Nó còn có đời sống lâu dài và trở thành một phần di sản nghệ thuật quý báu của nền tân nhạc Việt Nam.

_________

CHÚ THÍCH:

(1) Tiếng hát những ngày chưa chiến tranh, in trong tập Nhạc tiền chiến, Kẻ Sĩ xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.7.

(2) Theo các tác giả cuốn Âm nhạc mới Việt Nam – tiến trình và thành tựu, bài hát đầu tiên của tân nhạc là bài Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu xuất hiện vào năm 1930. Cần phải xác định tiêu chí khi khẳng định bài hát đầu tiên, đó là bài hát phải được phổ biến rộng rãi, ít nhất bắt đần từ một cộng đồng nào đó hoặc được công bố bằng văn bản. Bài của Đinh Nhu chỉ được một số bạn tù truyền khẩu, sau này được ký âm mới phổ biến. Nhạc sĩ Lê Thương cho biết từ năm 1933-1934, hai nghệ sĩ Tư Chơi (Huỳnh Hữu Trung) và Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) đã đề xướng phong trào ‘bài hát ta điệu Tây”. Tiếp đó năm 1938 nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc hô hào phát triển tân nhạc rồi sau đó báo Ngày Nay đăng bài hát Kiếp hoa của ông. Đó là hai thời điểm cần lưu ý. Song trước đó một số bài hát được trình diễn từ năm 1935 thì cũng phải được nhắc đến. Trong khi đó theo nhạc sĩ Tô Vũ, một tu sĩ Công giáo đã viết thánh ca bằng tiếng Việt đầu tiên từ năm 1911. Vị tu sĩ đó là linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt (1877-1956), người sáng tác thánh ca theo ký âm pháp Tây phương, trong đó có bài Nửa đêm mừng Chúa ra đời. Đây có thể là thời điểm hình thành nền tân nhạc VN.

(3) Hương quê- mười ca khúc của cố nhạc sĩ Hoàng Quý, Sài Gòn, 1974, tr. 5.

(4) Nhạc tiền chiến, Đổ Kim Bảng tuyển chọn, Kẻ Sĩ xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.8.

(5) Nhạc tiền chiến, Đổ Kim Bảng tuyển chọn, Kẻ Sĩ xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.70.

GIỚI THIỆU của TV&BH

TẬP I

MỤC LỤC

   LỜI NGỎ

CHƯƠNG I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA MIỀN NAM

                       GIAI ĐOẠN 1954-1975                      

          I. Những diễn biến trước ngày chia cắt đất nước.

         II. Tình hình chính trị ở miền Nam.

             1. Chế độ Đệ nhất Cộng hòa.

             2. Chế độ Đệ nhị Cộng hòa.

CHƯƠNG II. ĐỜI SỐNG VĂN HÓA – VĂN NGHỆ Ở MIỀN NAM

            I. Vài nét về giáo dục. 

           II. Về hoạt động văn nghệ và âm nhạc.

               1. Báo chí văn nghệ.

               2. Hoạt động biểu diễn âm nhạc.

                    a)  Các lò đào tạo của các nhạc sĩ.

                    b)  Các nhóm nhạc và ban nhạc.

               3. Về hoạt động sáng tác âm nhạc.

CHƯƠNG III. TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNg TÂY VÀ Ở VIỆT NAM

A. TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNG TÂY.

               I. Văn chương lãng mạn.

                    1. Khái quát.

                    2. Định nghĩa.

                    3. Những chủ đề chính. 

                         a) Sự khẳng định và thăng hoa cái tôi.

               b) Nỗi buồn lãng mạn.  

                         c) Tình yêu thiên nhiên.

                         d) Sự hoài niệm quá khứ. 

                         e) Thế giới đường xa xứ lạ. 

                         g) Sự hư ảo, quái dị, siêu nhiên.

                         h) Sự siêu phàm. 

                          i) Sự dấn thân.  

                          k) Đêm tối.  

               II. Hội họa lãng mạn.  

   III. Âm nhạc lãng mạn.

B. TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở VIỆT NAM.

                I. Khái quát.

               II. Văn chương lãng mạn.

              III. Hội họa lãng mạn.

              IV. Âm nhạc lãng mạn.

                 1. Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.

                   – Nhóm Myosotis.

                   – Nhóm Tricéa.

                   – Nhóm Phạm Đăng Hinh.

                   – Nhóm Đồng Vọng. 

                   – Nhóm Nam Định.

                   – Nhóm Tổng hội Sinh viên.

                 2. Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.

                 3. Nội dung, chủ đề của dòng ca khúc lãng mạn.

CHƯƠNG IV. DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN CÁCH MẠNG

            I.  Hình ảnh người trai đi chiến đấu.

           II. Tình quân dân trong lòng dân tộc.

III. Hình ảnh quê hương trong kháng chiến.

CHƯƠNG V. DÒNG CA KHÚC LÃNG MẠN TRỮ TÌNH

           I. Những ca khúc về tình yêu đôi lứa.

               1. Hình ảnh người thiếu nữ.

               2. Nỗi buồn trong tình yêu.

                    a) Nỗi buồn nhẹ nhàng.

                    b) Giây phút chia ly.

                    c) Sự hoài niệm, tiếc nuối.

                    d ) Mong chắp cánh uyên ương.

          II. Những ca khúc ca ngợi thiên nhiên.

                1. Thiên nhiên tươi đẹp.

                2. Thiên nhiên buồn bã.

          III. Những ca khúc ca ngợi quê hương.

                1. Vui cảnh đồng quê.

                2. Thương nhớ đồng quê.

                3. Ngợi ca người mẹ.

                4. Cảnh đẹp đất nước.

          IV. Những ca khúc về thế giới mộng mơ.

                1. Khát vọng lãng du.

                2. Những giấc mơ tiên.

CHƯƠNG VI. TÌNH CA QUÊ HƯƠNG              

             I. Nỗi lòng người đi.

                1. Niềm luyến tiếc

                2. Nhớ về quê cũ

                3. Giấc mơ hồi hương

            II. Nắng đẹp miền Nam.

                1. Thanh bình ca.

                2. Lối về xóm nhỏ.

                3. Tình thắm duyên quê.

                4. Mùa hợp tấu.

          III. Quê hương bốn mùa.

                1. Xuân đã về.

                2. Khúc ca mùa hè.

                3. Khúc thu ca.

                4. Mưa mùa đông.

          IV. Đất nước mến yêu.

                1. Miền Bắc xa vời.

                2. Miền Trung thương nhớ.

                3. Miền Nam đô hội.

CHƯƠNG VII. TÌNH CA ĐÔI LỨA                 

  I. Tình đầu.

 II. Tình qua bốn mùa.

III. Tình sầu.

IV. Tình nhớ.

 V. Tình xa.

VI. Tình lỡ.

VII. Tình đau.

VIII. Tình bơ vơ.

TẬP II

MỤC LỤC

CHƯƠNG VIII.   CHO NGƯỜI VÀO CUỘC CHIẾN 

             I. Giai đoạn 1 (1955-1960)

            II. Giai đoạn 2 (1960-1975)

                     1. Mấy tháng quân trường.    

                 2.Tình đồng đội.

                     3. Trên bốn vùng chiến thuật.

                     4. Anh tiền tuyến em hậu phương.

                     5. Xuân này con không về.

                     6. Một mai giã từ vũ khí.

                     7. Đêm nguyện cầu.

CHƯƠNG IX. PHONG TRÀO DU CA            

                I.  Sự hình thành phong trào Du ca.

               II. Tổ chức phong trào Du ca.

III. Nội dung ca khúc phong trào Du ca.

1. Nhận diện quê hương.

                     2. Tuổi trẻ chúng tôi.

                     3. Đoàn ta ra đi.

                     4. Mơ ước hòa bình.  

CHƯƠNG X. PHẠM DUY: TÂM CA & ĐẠO CA    

               i. Mười bài Tâm ca.

              ii. Mười bài Đạo ca.     

CHƯƠNG XI. NHẠC PHẢN CHIẾN

                I. Vài nét về khuynh hướng phản chiến.              

               II. Phản chiến trong âm nhạc miền Nam.

              III. Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

   IV. Nhạc phản chiến của Miên Đức Thắng.

CHƯƠNG XII. NHẠC TRẺ                         

                I. Các ban nhạc trẻ. 

               II. Hoạt động biểu diễn.

   III. Phổ biến bài nhạc gốc và phóng tác lời ca nhạc trẻ phương Tây.

        IV. Sáng tác mới của nhạc trẻ miền Nam.

CHƯƠNG XIII. NHẠC SINH VIÊN TRANH ĐẤU

     I. Quá trình hình thành và phát triển của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

                      1. Giai đoạn 1965-1969.

             2. Giai đoạn từ 1970 đến 1975.

     II. Nội dung ca khúc của nhạc sinh viên tranh đấu.

             1. Cuộc đấu tranh trực diện trên đường phố.

             2. Khêu gợi lòng nhân ái và tình tự dân tộc.

             3. Ca ngợi truyền thống oai hùng của dân tộc.

             4. Niềm hy vọng và mơ ước hòa bình.

     III.  Dấu ấn của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

CHƯƠNG XIV. NHẠC THIẾU NHI VÀ   NHẠC CỘNG  ĐỒNG

        I. Nhạc thiếu nhi.

              1. Bài hát ca ngợi tuổi thơ.

2. Bài hát về yêu thương gia đình, trường lớp, thầy cô.

             3. Bài hát về quê hương, đất nước.

             4. Bài hát mừng Trung thu.

             5. Bài hát vui chơi tập thể.

 II. Nhạc sinh hoạt cộng đồng.

             1. Vui họp mặt.

             2. Vui cắm trại.

             3. Bài ca sinh hoạt tôn giáo.

4. Bài ca sinh hoạt Hướng đạo.

CHƯƠNG XV. TRUYỆN CA và TRƯỜNG CA

     I.  Truyện ca.

                     1. Trầu cau.

                     2. Thiên thai.

                     3. Trương Chi.

                     4. Chú Cuội.

                     5. Ngưu Lang – Chức Nữ.

                     6. Trác Văn Quân.

                     7. Thiếu phụ Nam Xương.

                     8. Hoa thủy tiên.

                     9. Huyền Trân Công Chúa.

                   10. Lòng mẹ Việt Nam.

                   11. Nàng Bân.

                   12. Chuyện tình Lan và Điệp.

      II. Trường ca.

                    1. Lịch sử loài người.

                    2. Trường ca Sông Lô.

                    3. Hòn Vọng Phu.

                    4. Hội Trùng dương.

                    5. Con đường cái quan.

                    6. Mẹ Việt Nam. 

CHƯƠNG XVI.   NHỮNG BÀI HÙNG CA TRONG NỀN TÂN NHẠC

I. Sử ca.

II. Thanh niên ca.

III. Kháng chiến ca. 

IV. Quốc ca.

V.  Quân ca.

* LỜI KẾT.                                                              

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.                                    

* MỤC LỤC.                                                          

Bài Mới Nhất
Search