T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NGUYỄN PHÚ YÊN: NHÌN LẠI…- CHƯƠNG XV: NHỮNG BÀI HÙNG CA TRONG NỀN TÂN NHẠC

CHƯƠNG XVI

NHỮNG BÀI HÙNG CA TRONG NỀN TÂN NHẠC

Bên cạnh các bài hát trữ tình về quê hương và đôi lứa, các nhạc sĩ cũng đã viết rất nhiều bài hùng ca để thể hiện những cảm xúc phấn chấn, lạc quan đầy hào khí của những thế hệ thanh niên trước những biến đổi của lịch sử đất nước. Những bài hùng ca ấy có thể tìm thấy trong các đề tài sử ca, thanh niên ca, kháng chiến ca, quốc ca và quân ca.

I.SỬ CA

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến chống ngoại xâm. Trong suốt cuộc trường chinh đó, những chiến công vẻ vang của các anh hùng dân tộc, những địa danh lịch sử đã tạo cho nhiều thế hệ người Việt niềm tự hào và hãnh diện. Ngay từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ đã có được nguồn cảm hứng mạnh mẽ về truyền thống đấu tranh của dân tộc. Những bài hát ngợi ca lịch sử đó được hình thành từ rất sớm, tồn tại qua nhiều năm tháng và còn đọng lại mãi trong trong tâm thức của người dân Việt. Những bài sử ca còn để hun đúc tinh thần yêu nước thương nòi cho nhiều thế hệ tương lai.

Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, các bộ chính sử của nước ta đều viết về truyền thuyết Lạc Long Quân kết hôn cùng Âu Cơ, sinh hạ được cái bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Năm mươi con theo cha xuống biển và năm mươi con theo mẹ lên rừng. Con trưởng của Lạc Long Quân được lên ngôi vua nước Văn Lang, trị vì tiếp nối đến 18 đời đều xưng là HùngVương. Tất cả thế hệ con dân Việt đều tôn kính các vua Hùng nên đã lập đền thờ Quốc Tổ.

Từ giai đoạn hình thành nền tân nhạc vào thập niên 1930, chúng ta đã có nhiều bài hát ngợi ca với âm điệu hùng tráng về công đức của các vị vua tổ tiên của nòi giống Việt:

Bốn nghìn năm văn hiến                    

Nước Nam khang cường

Là nhờ công đức Hùng Vương

Hoa gấm giang sơn này

Cùng chung đắp xây

Bao thời hùng uy vẻ vang.

Đời đời nhớ Hùng Vương

Đã vì quốc dân lập non nước này

Cho cháu con quây quần

Vẽ nên cơ đồ bền vững tới nay.

Việt Nam bao sáng tươi, thề cùng bền gan

Cương quyết xây nhà Nam

Đây cháu con Lạc Hồng từ Bắc chí Nam

Xin đoàn kết tâm đồng.

Non nước Việt Nam nhờ Hùng Vương

Quyết thắng muôn năm

Dòng giống khang cường.

(Thẩm Oánh, Hùng Vương)

1. Chúng ta cùng vui ca hát lên

Ta hát lên trước cảnh huy hoàng

Chúng ta cùng vui ca hát lên

Lễ tổ tiên người Văn Lang.

Ta hát lên khúc ca nhịp nhàng

Cùng với nhau lên tiếng vang

Chúng ta cùng nhau lên tiếng ca

Cho vẻ vang thêm nước non nhà.

2. Biết bao đời tiên vương nổi lên

Lo đấu tranh đắp lũy xây thành

Biết bao đời tiên vương nổi lên

Giữ núi sông trong thanh danh

Xây nước non với tôi trung thành.

Cùng khắc tên trên sử xanh

Hiến thân mình để lo cho quốc gia

Cho vẻ vang thêm nước non nhà.

(Ngô Ganh, Giỗ Hùng Vương)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuối thời Hùng Vương vua có con gái Mỵ Nương, nhan sắc xinh đẹp. Vua muốn tìm người xứng đáng để gả. Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: “Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?”. Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người Man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. Tục truyền Sơn Tinh Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau.

Câu chuyện trên được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nhuận (1914-2001) kể lại trong một bài hát được sáng tác năm 1947:

1. Trời sáng mơ hồ
Tiếng ai thét làm rung động giang sơn
Ấy khi Thủy Tinh lòng bát ngát
Tình duyên nguồn sầu hơn đòi cơn.
Ôi bao năm ước ao nay bời bời
Cũng vì một phút. Người lòng trắn triu

Vắng xa rồi xa xa ngùn ngụt.
Làn gió xào xạc sấm vang
Sóng trùng muôn đợt cùng dâng
Nước dâng tứ bề thuyền thấp thoáng
Miền xa mờ dần dần ngập dần.
Trời giông tố cứ giây thêm

Đồi xanh nối cao lên
Sóng khơi tung hoành trôi cuồn cuộn
Thần Sơn nhấc đỉnh đồi luôn
Vời vời ai ai lòng rộn rã lòng vui sa đà.
ĐK: Thôi thế thôi, thế thôi,

Nào ai mới thật chồng tôi?
Ôi chàng ôi thôi đừng làm chi

Nước non đầy vơi
Thôi thế thôi, thế thôi,

Lời ai ước hẹn cùng tôi
Ôi chàng ôi, thôi đừng gây thêm u hoài

Đau thương lòng tôi

Thôi thế thôi, thế thôi,

Nào ai mới thật chồng tôi.
Ôi chàng ôi, xin dằn ưu tư

Ôi chàng tiếc chi một kiếp hồng nhan

Mong manh mà thương tàn.
2. Buồn cánh chim trời
Núi xa nhắn làn mây lạnh miền xa
Nhớ thương hoa cỏ lời chiếp chiếp
Buồn kêu buồn lạc nhà chiều tà.
Ôi gian truân với đau sầu

Ngàn ngàn cũng vì một phút

Người lòng trắn triu

Vắng xa rồi xa xa ngùn ngụt.
Dòng nước lưng trời uốn khúc
Gió miền xa gợi sầu xưa
Cánh hoa lờ đờ vờn thấp thoáng
Về nơi trời sà sà đậm đà.
Trời giông tố cứ giây thêm

Đồi xanh nối cao lên
Sóng khơi tung hoành trôi cuồn cuộn
Thần Sơn nhấc đỉnh đồi luôn
Mờ mịt xa xôi buồn rộng rãi

Lời ai vang dài.

(vào ĐK)     

(Nguyễn Hữu Nhuận, Sơn Tinh Thủy Tinh)

Theo sử sách, hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị là hai vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của quân Đông Hán, lập ra một quốc gia tự chủ, kinh đô đặt tại Mê Linh. Năm Quý Mão (43), Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán ở Cấm Khê, thế yếu nên bị thua. Theo truyền thuyết, hai bà đã nhảy xuống sông Hát (Hát Môn, Hà Tây cũ) tự trầm mình để bảo toàn khí tiết:

Ngày xưa bên ta Hán tranh hùng

Cướp đất nước lòng dân oán thán khôn cùng

Giặc Tô tham lam ức dân lành

Áp bức giết người Thi Sách tấm gương hiền.

Dân Nam ơi nhớ lấy nhé

Danh Trưng Vương không bao giờ nhòa

Dân Nam ơi nhớ lấy nhé

Muôn năm không quên công Hai Bà.

(Đỗ Nhuận, Trưng Vương, 1939)

Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca
Thu về giang san cho lừng uy gái Nam
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang.
Nợ nước phó tay người nhi nữ
Tình riêng cứu nguy cho toàn dân
Một lòng trung trinh son sắt bền

Hát Giang sóng rền.
Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn
Xin ứng linh ban phúc

Cho giang san hòa bình
Trưng Nữ Vương, nước non còn đó
Giống Lạc Hồng

Quyết kiên lòng bồi đền non sông.
Hồn quốc gia mờ phai má đào
Nhà Việt lặng buồn, rầu rĩ, sầu đau
Xui lòng nhi nữ mưu phục thù
Mê Linh ngợp trời cờ Việt sắc phô.
Mang phấn son tô màu sơn hà
Lòng vì nước vì nhà
Cho Việt Nam muôn đời hùng cường
Nhờ ơn đức Trung Vương.

(Thẩm Oánh, Trưng Nữ Vương)

Hồ Lãng Bạc là tên gọi của Hồ Tây trước kia, diện tích rộng hơn nhiều so với hiện nay. Vì là thắng cảnh nên ngày xưa các bậc đế vương hay đến đây vui chơi, xây dựng cung điện. Đây cũng là nơi diễn ra các trận chiến ác liệt giữa quân của Hai Bà Trưng với quân của lão tướng Mã Viện trên vùng đất trũng thuộc vùng Lãng Bạc, nằm giữa sông Cầu và sông Đuống.

Nhạc sĩ Xuân Tùng đã nhớ về cảnh đẹp của hồ xưa để rồi liên tưởng đến cuộc chiến đấu của Hai Bà với quân thù. Bài hát được viết với giai điệu thiết tha trong điệu luân vũ nhẹ nhàng:

Thuyền bơi reo lướt

Trên hồ đầy nước trong
Bọt tung theo sóng kêu rạt rào
Buồm căng nặng gió

Mang thuyền đi lướt nhanh
Én nhào trên nước long lanh.
Bờ xa bát ngát ven trời mây sóng đưa
Thành cây xa tắp trong mây mờ
Hồ Tây đây chốn

Tranh hùng Trưng Nữ Vương
Khiến người như thấy bâng khuâng.
Nào sóng vỗ, thuyền đi lên

Có điều gì nhớ thương
Triền sóng tới, dồn tiến tiến

Ánh tà dương tráng vàng.
Nào én đến, vèo bay đi

Ngắm mình trong ánh gương
Tràn sóng tới, thuyền lả lướt

Lướt mình trên nước xanh.
Thề quyết chiến, liều xông lên

Thét hùng oai nữ vương
Ào gió thét, ầm sóng vỗ

Thế cùng không chút sờn
Hồ vẫn đấy, người xưa đâu

Sóng hùng ghi nữ anh
Buồm quyến gió, thuyền rẽ sóng

Dưới trời mây nước xanh.

(Xuân Tùng, Hồ Lãng Bạc)

Nếu giai điệu bài hát của Thẩm Oánh đầy tự hào thì bài hát của Hoàng Phú mang chất trầm tư, liên tưởng về hai dòng sông lịch sử Hát GiangBạch Đằng Giang với giai điệu êm đềm và nhịp luân vũ dịu nhẹ:

Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về bến nơi đâu
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi
Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi.
Ngày xưa kia nơi đây

Đã từng vang hình bóng
Đôi quần thoa đem máu đào

Hòa nước sông nhà.
Hồn linh thiêng sống trên

Muôn ngàn sóng
Những khi nào chiều vắng

Trầm đưa lên tiếng ca.
Thuyền ai lướt sóng trên dòng sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu
Có hay chăng ai trên dòng sông xanh
Tiếng ca thuở xưa như gợi tâm tình.
Chiều êm vắng nước sông mờ sâu
Con thuyền ai chèo đến nơi đâu
Sóng đưa mênh mông

Trên Bạch Đằng Giang
Trong gió khơi tiếng ca

Âm thầm dần lan.
Ngày xưa kia nơi đây

Đã từng vang hình bóng
Quân Trần Vương pha máu mình

Cùng máu quân thù
Thời oai linh khắc trên muôn ngàn sóng
Những khi nào chiều vắng

Trầm đưa lên tiếng ca.
Thuyền ai lướt sóng trên dòng sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu
Có hay chăng ai trên dòng mênh mông

Tiếng ca thuở xưa như giục tấm lòng.

(Hoàng Phú, Ngày xưa)

Mê Linh vốn là địa danh của một vùng đất cổ thuộc quận Giao Chỉ. Đây là quê hương của Hai Bà Trưng. Năm 40 sau khi đánh vị quan đô hộ của nhà Hán là Tô Định, hai bà đã lập ra một chính quyền độc lập và tự chủ đóng ngay trên quê hương của hai bà như Đại Nam quốc sử diễn ca đã viết: Dô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta. Ngày nay vết tích thành trì của hai bà vẫn còn tại làng Hạ Lôi. Địa danh Mê Linh gắn liền với tên tuổi anh hùng, bất khuất của Hai Bà Trưng.

Nhạc sĩ Văn Giảng đã ngợi ca công đức của hai bà trong một bài hát trầm hùng về quê hương Mê Linh:

Canh dài ta ngồi trong rừng cây

Vang âm hồn thiên thu

Trời vắng hồn lắng

Tiếng sơn hà trong gió hú

Ai thấy chăng xưa hùng cường

Ai thấy chăng nay xiềng cùm

Đằng đằng nặng hận thù.

Ai đắp non sông trường tồn

Ai kết lên dân tài hùng

Xua tan giặc Đông Hán

Xua tan giặc xâm lấn.

Ta cùng chung lòng mong ngày

Vang danh thơm dòng oai linh

Thề quyết rèn chí

Quét quân thù đang cướp nước.

Ta cháu con dân Việt hùng

Nơi Mê Linh ta trùng phùng

Đồng lòng nguyền vẫy vùng.

Ta chiến binh đang thề nguyền

Quanh ánh thiêng nung lòng bền

Gian nguy càng hăng chí

Xung phong chờ đến ngày.

Ai vì nước? Ai thề ước?

Ta xung phong nguyền dâng thân

Hiên ngang nguyện đấu tranh

Xua tan quân Đông Hán

Ai trung thành? Ai liều mình?

Thề hy sinh, thề tung hoành hiên ngang

Thề kiên trung chiến đấu, thề chiến thắng!

Canh dài ta ngồi mơ ngày

Đi xông pha giành non sông

Ngời chói bừng ánh

Sáng tươi hồng hăng chí nóng

Quanh ánh thiêng reo bùng bùng

Ta nắm tay ca trầm hùng

Hẹn ngày rạng Lạc Hồng.

Mơ xuất quân đi rập ràng

Mơ quét tan quân bạo tàn

Xua tan giặc Đông Hán

Xua tan giặc xâm lấn.

(Đêm Mê Linh, nhạc Văn Giảng, lời Võ Phương Tùng)        

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người yêu thích nguồn mỹ cảm về cái “hùng” xuyên suốt trong phần lớn tác phẩm của mình. Tuy nhiên trong một số bài ta thấy ông cũng khai thác mỹ cảm về cái “bi” cũng rất thành công. Ngay từ năm 1940, ông bắt đầu viết bài ca mang tính chất bi ai, nhịp điệu chậm rãi, gây xúc động người nghe khi nhớ đến bao lớp người hi sinh vì đất nước:

Trời mây u ám gió cuốn tả tơi hoa cỏ

Thời xưa lưu dấu âm vang nỉ non trong gió

Người xưa đâu tá có khóc những đêm lạnh lẽo

Người xưa đâu tá có khóc những khi trời chiều.

Tưởng nhớ tới bao khi

Ai kia cưỡi sóng Bạch Đằng

Tưởng nhớ tới bao khi

Ai kia nâng cao ngọn cờ Việt Nam…

Người xưa đâu tá hãy giúp

Thiếu niên dũng cảm

Người xưa đâu tá hãy giúp

Tấm lòng can đảm

Người xưa đâu tá hãy nổi

Gió mưa, lửa sóng

Người xưa đâu tá

Hãy giúp cho dân Lạc Hồng.

(Lưu Hữu Phước, Người xưa đâu tá)

Khoảng năm 19421943, trong một lần cắm trại tổ chức tại Mê Linh, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài hát Hát Giang trường hận với chất tưởng niệm, âm điệu chậm rãi, gợi nhớ công ơn và sự hy sinh của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của quân Đông Hán:

Đêm khuya âm u

Ai khóc than trong gió đàn

Sóng cuốn Trưng Nữ Vương

Gợi muôn ngàn bên nước tràn

Hồn ai đang thổn thức trên sông

Hồn quân Nam đang khóc non sông.

Sát khí ngất đất

Bao lớp thây muôn bóng huyền

Không gian như lắng nghe

Bao oan hồn đang xao xuyến

Xót thương hai Nữ hoàng tuẫn thân

Dù mạng vong lửa hờn chưa tan.

Làn sóng đang thét gào

Gió vang tiếng nguyền cùng gươm đao

Nguyện cùng sông đẫm máu

Tấm thân nát không nao.

Nhìn thấy quân Hán dày xéo

Sông núi nhà, dòng châu rơi

Khắp nước non mờ tối dưới trời.

Nào ai yêu nước nhà

Vì giống nòi vì hận thù

Làm sao đưa dân qua cơn đau khổ

Người Nam anh dũng

Quyết dâng đời sống cho non sông.

Liều mình vào tên khói cùng người thù

Ta quyết không đạp đất chung.

Trai hùng tráng lúc quốc biến xả thân

Lấy máu nóng cứu dân

Khỏi hồi nguy nan chí hiên ngang.

Bao năm công đức xây đắp

Nên non nước nhà

Ân đó ghi khắc trong tâm

Quốc dân không xóa nhòa

Vì đâu vua Trưng Nữ ra quân

Vì non sông tử tiết vong thân.

Nước cuốn réo rắt

Như thiết tha gọi quốc hồn

Thiên thu trên Hát giang

Vang tiếng lòng dân đau đớn

Khóc giang san phải hồi ngửa nghiêng

Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng.  

(Hát Giang trường hận, nhạc Lưu Hữu Phước,

lời Phan Mai)

Năm 1944, sau khi vào Nam bộ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng với người bạn Hồng Lực đã viết thêm lời bài hát và đổi tên thành Hồn tử sĩ không chỉ để tưởng nhớ bao hồn quân Nam chiến đấu dưới ngọn cờ của Hai Bà mà còn để chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình trong chiến đấu từ đời xưa đến nay. Âm điệu đoạn đầu trang nghiêm, rồi chuyển sang nhịp vừa:

Đêm khuya âm u

Ai khóc than trong sương mù

Gió rít qua lũy tre 

Như nghiến răng vương mối thù

Hồn ai kia đau xót chơi vơi

Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi.

Uất khí ngất đất

Bao lớp mây che kín trời

Sóng thét qua bãi lau

Như nhắc người xưa anh dũng

Đã hy sinh giữ gìn nước non

Lòng Bà Trưng vững bền sắt son.

Làn gió đưa sóng trào, 

Nước pha máu hồng rừng gươm đao

Cờ Bà Trưng lướt gió

Nước sông Hát cuốn mau.

Rền rĩ như có người

Thoáng nghe gió gọi từ xa xôi

Có tiếng loa rộn rã núi đồi.

Đến đây âm nhạc chuyển sang nhịp đi hùng tráng, lời ca rắn rỏi mang tính chất kêu gọi:

Nào ai yêu nước nhà
Vì giống nòi vì hận thù
Làm sao đưa dân qua cơn đau khổ
Người Nam anh dũng

Quyết dâng đời sống cho non sông.
Liều mình vào tên khói
Cùng người thù ta quyết

Không đạp đất chung.
Trai hùng tráng lúc quốc biến xả thân
Lấy máu nóng cứu dân

Khỏi hồi nguy nan, chí hiên ngang.

Nhịp điệu bài hát trở nên chậm rãi hơn, lời ca mang tính chất tưởng niệm:

Nhân dân đau thương

Ghi nhớ ơn của bao người

Chiến đấu dâng tấm thân

Cho nước nhà, cho giống nòi.

Nhìn gương xưa liệt sĩ nêu cao

Lòng sôi lên cương quyết noi theo.

Nước mắt rớt xuống

Bao xót thương bên nấm mồ

Khói bốc nghi ngút bay

Quyện lá cờ chưa khô máu 

Những con yêu thác vì nước non

Ngàn muôn năm Tổ quốc ghi ơn.

(Hồn tử sĩ, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Hồng Lực, 1944)

Sau này bài hát được cả hai miền Nam Bắc dùng giai điệu để làm khúc nhạc tưởng niệm những chiến sĩ đã bỏ mình vì đất nước trong những buổi lễ quốc gia.

Cùng với chủ đề hồn tử sĩ trên, khoảng thời gian này còn có bài hát nhạc sĩ Lương Ngọc Châu mang tính chất trang nghiêm, tưởng nhớ được viết với nhịp luân vũ:

Màn đêm buông mây

Mờ ám trong rừng khuya
Cùng vang âm bao hồn ai khóc than
Khi mưa gió gieo sầu đêm thẫm
Hồn thiêng ấy như thầm tiếc cơ đồ xưa
Từng bao phen cùng làm gương vẻ vang
Mưu hạnh phúc lừng uy núi sông.
Nhìn giang san lầm than đớn đau
Biết cho bao giờ non sông thoát nguy.
Cùng vang muôn lời xưa than trách
Ai còn đang trầm mê ngủ say.
Lo sao khỏi hổ cùng sông núi
Cháu con Tiên Rồng hùng anh thuở xưa.
Cầu xin đấng thiêng giúp oai cùng ta
Đắp xây quê hương
Cùng đem tâm trí, cùng đem thân xác
Cùng đem quốc gia thoát cơn suy đồi.
Hồn ai oán than hờn trách

Trong rừng hoang
Hồn liệt oanh anh hùng xưa khổ đau
Trông non nước suy đồi tan nát
Lầm than ấy bao giờ dứt cho hồn kia
Cười vui tươi trên ngàn mây sáng trong
Khi nhìn thấy đài vinh đắp xong.

(Lương Ngọc Châu, Hồn Cồ Việt)

Sông Bạch Đằng là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam: trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, tướng giặc là Hoằng Thao bị giết chết; trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược; trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông, giết chết tướng giặc là Toa Đô và bắt sống tướng Ô Mã Nhi (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba). 

        Nhiều bài hát của nhiều tác giả đã ngợi ca chiến công lừng lẫy trên dòng sông này:

Bạch Ðằng Giang sông ơi
Cùng ta réo lên chiêu anh hùng xưa
Theo tiếng sóng bên kia vừa tung bay
Tà giáp theo gương thần chập chờn
Trên sông thiêng đỏ máu ai kia
Ðã vung kiếm báu lên trời ghi hú vang
Bên ngàn núi sông chiêu hồn nước non.
Kìa Hoằng Thao đem bao quân sang
Quyết thâu giang sơn nhà Nam
Trên sóng biếc Ngô Quyền phá tan
Quân Tàu thoát nơi nguy nan
Bạch Ðằng Giang
Sông ơi là mồ chôn quân Nam Hán
Dân trong nước nhớ ơn đời đời
Nhớ ơn anh hùng cứu nước khơi vùng tối tăm.

(Ngô Quyền, khuyết danh)

Trong số các bài hát viết về sông Bạch Đằng, bài của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mang đậm chất hùng ca với giai điệu mạnh mẽ trong đoạn mở đầu với cung sol trưởng:

Đây Bạch Đằng Giang

Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng

Nam Bắc Trung.
Trên trời cao muôn sắc đua chen bóng ô
Dưới đáy dòng nước ánh sáng

Vẩn vơ nhấp nhô
Hàng cây cao soi bóng

Gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất

Trong gió cảm xiết bao.

Đến đây tác giả cho nhịp điệu chậm lại, giai điệu nhẹ nhàng khêu gợi tình cảm xót xa chạy trên cung sol thứ:

Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân

Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần.

Vào điệp khúc, tác giả trở lại giai điệu hùng tráng chạy trên cung sol trưởng như đoạn mở đầu:

Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng

Để cho nòi giống soi chung.

Lời 2 của bài hát lập lại cấu trúc như trên như để ôn lại những trang lịch sử oai hùng với ca từ đầy tự hào:

Trên dòng sông

Muôn bóng gợi trong trí ta
Biết mấy thành tích

Biết mấy gắng công thiết tha
Kìa quân Ngô Tiên Chúa

Chém giết quân Tàu man
Kìa quân Trần Quốc Tuấn

Đánh thắng quân Thoát Hoan.
Nay đã bao lâu còn đâu nữa rồi
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối
Người nay có hay đã vì chúng ta
Người hùng anh xưa giữ nước non nhà.
Dòng nước trắng xóa

Dưới trời quang đãng.
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng

Để cho nòi giống soi chung.

(Bạch Đằng Giang, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Lưu Hữu Phước, 1940)

Với nhạc sĩ Hoàng Quý thời ấy, dòng sông đã đem lại cho ông những giai điệu tươi vui, phơi phới của cảm xúc trẻ trung, nồng nàn:

Trên sông Bạch Ðằng, quân Nam ầm reo
Sóng nước vang đưa

Bao con thuyền mành trôi theo
Cờ bay gươm tuốt ra, quân vùng lên
Làm cho đuổi tan hết quân Nguyên
Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng
Thì anh em ta vui ca rằng
Con sông Bạch Đằng

Nước trôi triền miên
Có biết đâu bao năm qua

Là mồ quân Nguyên
Còn ai thương nhớ xưa quân nhà Nam

Làm cho quân Nguyên hết khoe khoang
Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng
Thì anh em ta vui chiến thắng.

(Hoàng Quý, Trên sông Bạch Ðằng)

Đinh Bộ Lĩnh người ở động Hoa Lư, nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Năm 944, khi Ngô Quyền qua đời, trong nước nhiều sứ quân nổi lên, tranh giành cát cứ ở nhiều nơi. Cuối cùng chỉ có 12 thế lực mạnh tranh chấp, lịch sử gọi là loạn 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh hơn người vì là con nhà võ, thông minh, có chí lớn nên tập hợp lực lượng dẹp tan các sứ quân, thống nhất đất nước vào năm 967. Năm sau Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Nhạc sĩ Hoàng Quý đã có bài hát ngợi ca người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh với âm điệu hào sảng, thanh thoát:

1. Ta cùng nhau đi thăm nơi hùng xưa
Oai linh đứng muôn đời

Giữa nơi sông cùng núi
Và sân đá tường rêu

Dãi gan sương cùng mưa.
Ngàn bông lau reo đưa

Theo chiều gió phất phới
Hay bóng cờ năm xưa còn đâu đây
Kìa bao tiếng trâu xa

Còn vọng trong khói mơ
Dè chừng như tiếng loa trong rừng cây.
Hoa Lư ơi non lau còn trong sương gió
Ðến muôn đời mà không dứt lời ca
Với tiếng gió Hoa Lư ơi!
Với tiếng gió Hoa Lư ơi!
Muôn năm còn trong sương gió
Ðứng oai hùng cùng với nước nhà.

2. Đây ngàn năm xưa

Đinh vương còn thơ

Vang ca hát trên đường

Tiến quân không lùi bước

Và theo gió cờ lau phất phơ

Trong chiều đưa.

Giục quân reo xông pha

Tiếng hò hét chiến thắng

Bao khác thường khi Vương còn thơ ngây

Rồi thu quét non sông và gồm bao sứ quân

Vào một tay khiến oai bước ngàn thu.

Hoa Lư ơi muôn năm đời sau vang nhắc

Đến nơi này một di tích hùng anh

Tiếng gió thét bông lau reo

Tiếng gió thét bông lau reo

Muôn năm đời sau vang nhắc

Đấng oai hùng vì nước gắng mình.

(Hoàng Quý, Bóng cờ lau)

Trần Quốc Toản xuất thân là quý tộc họ Trần, có tước vị là Hoài Văn hầu. Ông ra đời năm 1267 giữa lúc mà cả nước đang bừng bừng khí thế chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai. Năm 1282 vua Trần tổ chức một cuộc họp quân sự cao cấp tại Bình Than, Trần Quốc Toản muốn được tham dự nhưng vì mới 15 tuổi nên không được mời. Lúc ấy đang buồn bực, lại được Thượng hoàng Trần Thánh Tông ban cho quả cam nên Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam mà không hay. Sau đó ông chiêu mộ được một đạo quân cả ngàn người sát cánh cùng quân của triều đình chống giặc. Trong trận kịch chiến ở sông Như Nguyệt năm 1285, Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh, lúc ấy ông mới 18 tuổi. Nhạc sĩ Ngô Ganh đã viết bài hát ca ngợi khí phách tuổi trẻ ấy:

Trần Quốc Toản trang anh hùng tí hon

Danh tiếng lừng sáng ngời sử Việt Nam

Trần Quốc Toản trang anh hùng tuổi non

Hăng hái cầm binh đánh nát tan quân thù.

Nêu cao tấm lòng hy sinh

Cho ta noi gương hùng thiếu nhi xưa

Thân còn bé, chí người lớn, tuổi còn non

Cứu được nước sáng danh

Cho giống nòi Việt Nam.

(Ngô Ganh, Trần Quốc Toản)

Trần Bình Trọng gốc người họ Lê, dòng dõi Lê Hoàn, rất giỏi võ nghệ. Ông là một danh tướng nhà Trần, có công lớn hộ giá bảo vệ cho Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông trong cuộc chiến với quân Nguyên Mông vào năm 1285. Ông hy sinh khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc, chẳng may bị giặc bắt được. Tướng giặc tìm mọi cách dọa nạt, dụ dỗ nhưng ông kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”. Không thể khuất phục được ông, quân Nguyên buộc phải giết ông vào năm 1285, Năm đó, ông mới 26 tuổi:

Đời nhà Trần nước ta

Có tướng Trần Bình Trọng

Một vị hùng anh

Thác với hồn trắng trong

Trận giặc thua bị quân Nguyên bắt sống đi

Ngàn lời chuộc mua tướng có coi ra gì!

“Ta thà làm ma nước Nam”

Lời Trần Bình Trọng

“Còn hơn làm vương đất Bắc”

Lời Trần Bình Trọng vang thét lên.

“Đây đầu ta hãy chém đi kìa loài bạo tặc

Đời ta nguyện không nhơ nhuốc

Chịu đầu hàng giặc”- gương sáng ngời.

(Trần Bình Trọng, khuyết danh)    

Cuối năm 1284, để đối phó với dã tâm xâm lược của đế quốc Nguyên Mông, triều đình nhà Trần đã cho mời các bô lão về dự cuộc họp mặt tại cung điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để thống nhất ý chí và tập hợp sức mạnh của toàn dân để chống giặc. Các vị bô lão đã đồng lòng dõng dạc đứng lên thề quyết chiến. Hội nghị Diên Hồng biểu hiện ý chí sắt đá, ý thức sức mạnh trí tuệ của toàn dân trước quân thù.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã vẽ lại bức tranh sinh động của thời khắc lịch sử đó trong bài hát kể chuyện sau đây:

Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuôn dày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu.
Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân
Hỡi đâu tứ dân!

Đến đây bài hát chuyển sang âm điệu trầm hùng, phấn khởi, nhịp điệu nhanh và rộn ràng hơn:

Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
Ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang

Chiếu ban truyền bốn phương
Theo gió bay khắp miền sông núi réo đời.
Lòng dân Lạc Hồng

Nhìn non nước yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao chí lớn
Giống anh hùng đua sức tráng cường.
Ta lên đường lòng mong tâu đến long nhan
Dòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân!
Đường còn dài. Hờn vương trên quan tái
Xa xa trông áng mây đầu non đoài.
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Đoạt thành trì toan xéo dày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
Ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la.

Đây là đoạn cao trào của bài hát: các bô lão thay mặt cho toàn dân khẳng khái hô vang lời quyết tâm chiến đấu chống quân thù:

Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?

Quyết chiến!
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?

Quyết chiến!
Quyết chiến luôn. Cứu nước nhà.

Nối chí dân hùng anh.
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?

Hy sinh!
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?

Hy sinh!
Thề liều thân cho sông núi.

Muôn năm lừng uy!

(Hội nghị Diên Hồng, nhạc: Lưu Hữu Phước, lời Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, 1944)

Chu Văn An quê ở làng Quang Liệt, nay là xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh TrìHà Nội. Ông là một nho sĩ uyên thâm, chính trực, đức độ, từng đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở bên kia sông Tô Lịch. Vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời ông làm Tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông sau này. Đến đời Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí LinhHải Dương), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất, 1370. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng cho đời sau. Một bài hát bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ ông:

Đời nhà Trần có ông Chu Văn An

Là bậc cao hiền

Người một đời sống nêu gương

Thanh cao lợi danh màng chi

Làm sớ mà dâng vua Dụ Tôn

Đòi chém bảy quan nịnh thần đi.

Chu Văn An, Chu Văn An

Trung trực lạ thường

Làm quan là nêu gương công minh

Làm sư rèn đúc bao tâm hồn

Bền soi gương sáng

Chu Văn An, Chu Văn An

Người làng Cung Hoàng nghìn đời danh vang.

(Ngô Ganh, Chu Văn An)

Chi Lăng là một trong những cửa ải ở vùng biên giới đông bắc nước ta, là nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt chống quân xâm lăng. Năm 981 Lê Hoàn đánh nhau với quân Tống, bảo vệ được nền độc lập của nước Đại Cồ Việt. Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn quyết chiến với quân Minh, buộc quân xâm lược phải rút về nước và công nhận nền độc lập của nước Đại Việt. Chi Lăng đã trở thành địa danh oai hùng và là niềm kiêu hãnh của dân tộc ta.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại một lần nữa ngợi ca vùng đất thiêng liêng này. Mở đầu là tiếng hò reo hòa vang trong tiếng trống:

Chi Lăng, Chi Lăng!

Tiếng ai hò reo vang trời
Chi Lăng, Chi Lăng!

Bóng ai tranh hùng muôn đời.

Tiếp đó âm điệu theo bước nhịp đi hùng tráng:

Trời âm u, gió tung, rú lên rít lên ào ào
Rừng thông rên xiết

Dường như khóc dưới luồng bão.
Lời ai nỉ non trong mây.

Hồn ai thở than nơi này
Lời gió hay lời reo ngàn quân sĩ đã chết
Hồn gió hay hồn ai còn thương tiếc

Trời lung lay, sấm vang,

Sét vang nổi lên ầm ầm
Đồi non, thung lũng đều long lở

Dưới hồi sấm
Lời ai? Phải chăng thần thánh?
Hồn ai? Phải chăng hùng anh.
Vì nước tuốt gươm đột xông
Làm cho rõ giống Tiên Rồng.
Hồi nhớ tới vó câu khập khễnh

Lướt qua làn khói giáp chiến.
Hồi nhớ tới bóng muôn cờ xí

Phất tung hùng vĩ quyết tiến!
Vì nước tuốt gươm xông pha
Lòng trung, cứu dân lầm than
Đồng hát khúc anh hùng ca
Bền gan kết tâm cường tráng.
Khuất Nam, bình Bắc, oai hùng luôn tiến
Trống chiêng vang rền.
Hồi chiêng khua thúc quân,

Tiếng loa thét lên long trời
Hùng binh say máu, gầm như sóng

Cố tràn tới. Cờ Nam phất lên oai nghi
Nhà Nam vẻ vang một thì
Triều Lý, binh hùng ta liều thân

Sống quyết chiến!
Đồng tiến tuôn giày lên tàn quân Tống.
Thù muôn năm, Liễu Thăng kéo quân

Tiến qua biên thùy
Ngựa phi như sóng, vượt khe suối,

Lướt rừng núi.
Ngờ đâu tiếng loa vừa báo
Lê tướng chước thâm tài cao
Đồng ứng phá tan giặc Minh
Hùng anh, múa tít gươm linh.
Hồi nhớ… vang rền.

(Ải Chi Lăng, nhạc Lưu Hữu Phước,  lời Mai Văn Bộ,

Lưu Hữu  Phước, 1942)

Lam Sơn là tên một ngọn đồi thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là quê hương của Lê Lợi – vị anh hùng kiệt xuất đã đứng lên đánh đổ ách đô hộ của quân Minh, khôi phục vị thế hùng cường của nước Đại Việt. Chính vùng đất thiêng này đã gợi nhiều cảm xúc cho các nhạc sĩ viết nhiều bài ngợi ca. Đây là một hành khúc vui tươi của nhạc sĩ Hoàng Quý:

1. Vùng non cao ngất khí thiêng
Tưng bừng một sáng mùa xuân mới
Tiếng reo vang theo cùng hơi gió dần xa vời

Vừng ô lên sương tan mờ trong mây núi
Bóng quân đi theo tiếng chiêng oai hùng rơi.
ĐK. Nước non Lam Sơn! Nước non Lam Sơn!
Bóng cờ bay phất phới. Khắp nơi cờ vàng
Khắp nơi cờ vàng. Muôn hồn quân Nam.
2. Hồi chiêng khua gió núi đưa
Vang lừng một sáng mùa xuân tới

Vó câu đi nhịp nhàng

Trong sóng người trên đường
Vừng ô lên sương tan dần trong tia nắng
Khắp non sông bao tiếng ca tơ lòng vương.

(vào ĐK)

3. Ngàn quân reo trống thúc vang

Trên đường một sáng mùa xuân ấm

Phút giây qua muôn cờ xa khuất hàng cây mờ

Còn đâu đây êm êm từng trong khe lá

Tiếng ca rơi theo tiếng chiêng âm thầm đưa.

(vào ĐK)

(Hoàng Quý, Nước non Lam Sơn)

Trong khi đó nhạc sĩ Thanh Thoại viết những giai điệu trầm hùng, gợi nhớ những tháng ngày lịch sử đấu tranh của tổ tiên:

Màn đêm buông rơi, lộng tiếng gió thét 
Muôn bóng quân đang dồn bước 
Về đây đêm nay, cùng cất tiếng hát 
Thề chung giết tan quân thù.  
(ĐK) Nơi đây bao đấng hùng anh
Đem thân chiến đấu vì dân
Hùng cường ngày xưa noi dấu

Ngày mai thề quyết lên đường.
Lửa lên bùng lên, lửa cháy bùng cháy 
Như giục lòng ta bền gan cùng nhau 
Sá chi nguy nan, liều mình

Cứu nước non nhà. 
Ngồi trong Lam Sơn 
Quanh ánh lửa thiêng nung lòng tranh đấu 
Giờ đây chúng ta quyết tâm một lòng

Nguyện diệt tà quốc tham tàn. 
2. Ngày mai ra đi vì nước quyết chiến 
Ta đánh cho tan giặc Minh  
Còn đang xâm lăng, dày xéo đất nước 
Còn gieo biết bao căm hờn.
(vào ĐK)
3. Cầm tay ta ca nhạc khúc chiến thắng 
Mơ bóng quân Nam dồn bước 
Ngày mai vinh quang về với đất nước 
Toàn dân hát khúc khải hoàn.

(vào ĐK)

(Thanh Thoại, Đêm Lam Sơn)

Lê Lai là một tướng lĩnh tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, ông được coi là một anh hùng, một tấm gương trung nghĩa với sự kiện nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là cải trang thành Lê Lợi và bị quân Minh giết chết. Bài hát ca ngợi gương hy sinh của ông:

Đoàn quân xâm lăng dồn dập cùng đi

Gây đao binh, vây kín núi Chí Linh
Quân dân ta tuy hao mòn

Tiến không lui quyết sống còn
Cùng nhau tung hoành một phen liều chết.
Lê Lai quyết liều mình

Nguyền một lòng vì dân hy sinh
Đem thân cho giặc xé, chết không nề
Máu Việt dâng cho non sông.
Kìa gương hy sinh muôn đời

Toàn dân ta noi theo

Cương quyết lúc biến nguy.
Khoác áo vua, quyết không hàng

Đánh giết tan bao quân Tàu
Toàn dân nước Nam ghi lòng ơn sâu.

(Văn Giảng, Gương sáng Lê Lai)

Nguyễn Trãi là con trai của Nguyễn Phi Khanh, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội, chào đời năm 1380, đỗ Thái học sinh năm 1400, làm Ngự sử Đại phu. Năm 1407, khi quân Minh xâm lược nước Việt, Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt giải về Tàu, cả anh em Nguyễn Trãi đi theo đưa tiễn. Đến ải Nam Quan, Phi Khanh khuyên hai con trở về giúp vua cứu nước. Nghe lời cha, Nguyễn Trãi đi theo Lê Lợi tụ nghĩa ở Lam Sơn chống quân Minh giành lại độc lập cho nước nhà. Ông làm quan dưới đời hai vua Lê Thái Tổ (1428-1433) và Lê Thái Tông (1433-1442). Năm 1442 ông bị vu oan giá họa nên bị triều đình tru di nhưng may mắn có người vợ lẽ nên trốn thoát được.

Câu chuyện lịch sử trên được nhạc sĩ Văn Giảng ghi lại trong một bài hát như một truyện ca lich sử. Mở đầu bài hát giai điệu mang tính chất kể lể nhẹ nhàng:  

1. Ôi Nam Quan! Ôi Nam Quan! 
Nơi gió gào sông núi rền vang niềm hờn oán 
Đâu anh linh?

Đâu anh linh, đâu bao đời cường? 
Đây Nam Quan, người đày cùm

Phi Khanh anh hung. 
Máu dân tràn tuôn, muôn lầm than 
Nghìn xót thương, nhìn đớn đau 
Tấm thân già đây ước mưu thù chung. 
Ngờ đâu quân Minh lộng cường quyền

Đày đi xa vời quê hương 
Thôi hết mơ đi ca hát nhịp nhàng. 

Đến đây bước vào điệp khúc, âm điệu trở nên hùng tráng, mạnh mẽ:

“Ta tiến, ta tiến, ta tiến theo người 
Đem tấm gương sáng băng ánh soi đời 
Trông đường xa, trông đèo cao, trông rừng húy

Theo cờ bay, chân dồn bước, bền tâm chí 
Sông núi Nam, Minh còn gieo hận,

Quyết chiến thắng. 
Ta tuốt gươm vang lừng reo cùng: ai thi gan 
Nơi sa trường, say sưa ước cái chết vinh quang 
Xua quân thù, đem xương máu xây đắp nhà Nam. 

Bài hát trở lại lời 2, kể lại lời dặn dò của vị cha già và lời nguyền làm theo lời cha của Nguyễn Trãi:

2. Ôi ly tan! Ôi ly tan! 
Con quyết nguyền không bước rời

Cha già hờn oán. Con ơi con!

Đây Nam Quan con nghe lời truyền 
Cha đi thôi, tìm đường về con tung gươm vàng. 
Nước non tàn nguy

Khóc lầm than rền xót thương 
Chờ đón cơ đứng lên vời binh

Quyết mưu thù chung 
Lạy cha con xin nguyền đời đời

Làm theo bao lời thiết tha 
Khi bóng cha lan theo bóng chiều tà. 
(vào ĐK)

(Nam Quan hận khúc, nhạc Văn Giảng, lời Hồ Đình Phương)

Trong khi đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng đã nhắc đến câu chuyện này trong vở ca kịch Nguyễn Trãi – Nguyễn Phi Khanh viết năm 1940-1941:

Chim kêu não nùng vang trong nương xanh

Dường như thương nhớ mong

Ai hoài lời chim vang

Rừng hoang (tu hú ù)

Chim than (tu hú ù, tu hú ù)

(Tu hú ù) vang trên ngàn xa.

(Tu hú ù) hiu hắt bên rừng

(tu hú ù, tu hú ù)

Chim ơi có người hôm nay bơ vơ

Lần đi theo bóng non sông mờ

Vì đất nước còn mong chờ. Chim ơi

Có người lênh đênh phương xa

Vì nước non nhà.

(Đỗ Nhuận, Chim than)

Trong lịch sử, sông Gianh là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) thời Trịnh Nguyễn phân tranh với xung đột vũ trang giữa hai họ gần nửa thế kỷ (1627-1672). Đèo Ngang gắn với huyền thoại “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1558, Nguyễn Hoàng – một danh tướng thời Lê, con thứ của Nguyễn Kim – sợ bị Trịnh Kiểm mưu hại, đã xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa, mở đầu thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này. Việc lấy sông Gianh phân chia ranh giới gây nên nỗi đau thương cho dân tộc Việt. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nói lên sự buồn thương này trong bài hát này:

1. Trên sông chơi vơi,

Gió đưa hiu hắt từ phương xa vờị
Lan theo cơn gió, bấp bênh trôi

Máu ai pha hồng dòng song.
Vang theo hơi gió. Tiếng của ai

Thầm khóc trên lưng sóng
Thôi nhắc nhở chi khi Bắc Nam đoạn tình,

Tàn sát sinh linh
Ôi sông Gianh! Hồn mi than khóc?

Lòng mi đau đớn? Dòng mi căm hờn?
Vì đâu bao năm Nam Bắc tranh hùng bạo tàn

Nên nước non đành chịu mờ ám
Ôi sông Gianh? Lòng mi tủi chăng?

Hồn mi hổ chăng? Dạ có buồn chăng?
Chưa xóa mất những cơ tương tàn

Chưa thấy ngày vẻ vang.
2. Trên sông xa xa,

Khói lam nương bóng mây bay là đà
Vươn theo hơi khóị bóng ai mờ lướt

Trên sương chiều đìu hiu
Không gian u tối sát khí

Dâng ngàn lớp che sông núi
Ôi xấu hổ thay, gương giết nhau một nhà

Ngàn kiếp không phai.
Ôi sông Gianh! Hồn mi nên sánh

Cùng con sông Hát, cùng con sông Ðằng.
Vì đâu mi đang phân rẽ phân dòng Lạc Hồng

Xui ghét nhau người cùng nòi giống
Ôi sông Gianh! Lòng mi vẫn xanh

Lòng mi hiểm sâu, dạ chứa hờn đau?

Mi hối tiếc những khi tương tàn

Mi khóc thời dở dang.
Ôi sông Gianh hồn mi than khóc

Lòng mi đau đớn lòng mi căm hờn. (3)(Lưu Hữu Phước, Hờn sông Gianh)

Quang Trung là niên hiệu của Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế để có danh nghĩa chính thức xuất quân tiến ra Bắc vào cuối năm 1788. Bấy giờ Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 20 vạn quân Thanh tiến vào chiếm đóng Thăng Long. Đại quân của Quang Trung tới Nghệ An thì dừng tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân, số quân lên đến 10 vạn và đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại, trong khi đó cánh quân khác bất ngờ đánh đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành gò Đống Đa. Tôn Sĩ Nghị nghe tin, cuống cuồng bỏ chạy. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây Sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều. Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị chặn đánh, tơi tả chạy về. Như vậy, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh.

Quang Trung là niềm kiêu hãnh về tài thao lược kiệt xuất, về khí phách hiên ngang của con người xả thân cứu nước. Hình ảnh đó gợi lên cảm xúc để các nhạc sĩ viết lên nhiều bài hát ngợi ca đầy chất hào hùng:

Ðức Quang Trung anh hùng Việt Nam

Đánh quân Xiêm vượt qua Rạch Gầm

Rồi hàng vạn quân Thanhh

Rộn rịp vào Thăng Long

Dân Việt hùng chiến,

Quân Thanh chết đầy sông.
Nhị Hà trôi đầy xác,

Máu hồng thắm dòng sông
Thăng Long cờ phất phới

Nhân dân Việt hát khải hoàn ca.
Ðức Quang Trung anh hùng Việt Nam

Giết xâm lăng đời vui an lành 

Ðời người vì quốc dân,

Nguyền một lòng canh tân

Cho nhà Việt Nam tương lai thoát lầm than.
(Văn Giảng,Quang Trung hùng ca)

1. Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi

Tìm về thăm chốn

Non nước thiêng trang hùng ghi

Cố bước bước bước bước

Trên đường thơm gió mát

Ta đi đi đi đi thăm gò xưa chất thây

Ðống Ða còn chốn đây,

Nhắc xương đầy máu xây.

Ngàn tiếng khóc tiếng rít lên

Còn vướng vất giáo, mác, tên

Mấy ai qua mà lòng khôn ngây.

ÐK: Cùng thăm nơi xưa

Ai là người không bái sùng

Dòng máu ái quốc

Lưu truyền trong bao đấng hùng

Ngày ngàn quân Thanh chết

Dưới toán quân Việt Nam

Thề quyết phấn đấu đồng tâm hy sinh

Làm sao cho hơn thời xưa.

Rồi cất sức sống ngày mai

Máu đào đồng bào kết hòa cùng màu quốc kỳ.

2. Lời đoàn quân trước

Trong gió rung bao cờ bay

Còn rền theo trống chiêng

Lắng khua trong chiều nay

Hỡi dũng sĩ ái quốc ngại gì bao nguy khó

Giữ đất nước thống nhất

Bao người đang ngóng ta.

Tiến quân hành khúc ca.

Thét vang rừng núi xa

Giục chiến sĩ cất bước mau

Từng toán trước đến toán sau

Nối nhau đi cuộc hành binh qua.

(vào ĐK)

(Văn Cao, Gò Đống Đa)

Sau khi vào miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có viết trường ca Máu hồng sử xanh, gồm nhiều bài sử ca trong đó có bài ca ngợi chiến thắng của vua Quang Trung. Đoạn đầu âm nhạc chậm rãi trang nghiêm:

Ai phá tan quân Sầm Nghi Đống

Đất Đống Đa chôn vạn quân thù

Ai phá tan binh đoàn giặc Thanh

Đất Hạ Hồi còn vọng hồi chiêng.

Tiếp đó là âm điệu dồn dập, tiết tấu nhanh hơn:

Giặc nhà Thanh đây Tôn Sĩ Nghị

Giặc nhà Thanh đây Sầm Nghi Đống

Giặc tràn qua khắp bờ sông Nhị

Giặc tràn qua vây chặt thành Thăng Long.

Mười vạn quân do ngài Quang Bình
Ào ào đi ngăn đoàn quân tiến
Ào ào đi đến miền Tam Điệp
Đợi mồng năm tiêu diệt sạch quân Thanh.

Này bập bùng nhịp trống

Bồi giọng chiêng

Vó ngựa hùng anh vó ngựa dồn nhanh 

Vó ngựa tàn canh vó ngựa lừng danh

Rung rinh kinh thành.

Nhằm Lục Đầu mà tiến nhìn về Lạng Giang

Hướng về Hải Dương Bắc Bình Đại Vương

Chiếm Hạ Hồi nhanh đánh Ngọc Hồi luôn

Quân Thanh tan tành.

Ngàn quân Tàu vượt cầu như nước tràn

Hàng ngàn hàng ngàn quân Tàu

Vượt cầu trong gió ngàn

Ngàn quân Tàu sập cầu tô thắm màu

Nhị Hà Nhị Hà nước về đỏ ngầu

Thây chất tràn.

Nào ngờ đâu bao mộng tan tành

Vạn giặc Thanh như là mây khói

Và giờ đây nước Việt yên lành

Ngàn đời sau Bắc Bình còn vang danh.

Đoạn kết bài trở lại âm điệu trang nghiêm, chậm rãi để tưởng niệm:

Ai nhớ chăng Quang Bình anh dũng

Đất Đống Đa chôn vạn quân thù.

Ai phá tan binh đoàn giặc Thanh

Đất Hạ Hồi còn vọng hồi chiêng.

(Hoàng Thi Thơ, Quang Trung đại phá quân Thanh)

Nhìn lại các giai đoạn chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, ta nhận thấy kinh đô Thăng Long luôn chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử, mỗi địa danh mang đầy dấu tích oanh liệt của những anh hùng luôn đứng lên để giữ yên bờ cõi. Đây là khúc ngợi ca vùng đất thiêng, kinh đô nước Việt:

1. Cùng ngước mắt về phương

Thăng Long thành cao đứng
Trông khói sương chiều ám trên dòng sông
Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó!
Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông.
Tháp đây! Gươm Thần đâu dưới nước biếc
Có chăng! Bao ngươì bao nhiêu luyến tiếc
Này phường này phố cũ. Này đường về Ô xưa!
Bóng xưa ngàn năm hồ phai khi tàn mơ.
ĐK: Thăng Long! Thành xưa!
Thăng Long, ngày nào cờ khoe sắc phấp phới
Loa vang xa chiêng thu không

Tiếng bát ngát trong trống thành
Bao năm qua các chốn cũ

Vẫn lấp lánh dáng tinh anh.
Thăng Long thành
Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long!

Ơi Thăng Long ngày nay
Dân trí sống yên vui chờ gió mới theo về
Bao ánh sáng tương lai từ khắp chốn theo về.
Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long!

Ơi Thăng Long ngày mai
Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng
Ngời trang sử cũ: Thăng Long!

Thăng Long! Thăng Long thành.

2. Cùng tiến bước về phương

Thăng Long thành cao đứng
Những toán quân về đánh tan ngoại xâm
Cột cờ còn kia! Cột cờ còn đó!
Khắp nơi dồn theo lời tươi vui chờ ta.
Chúng ta muôn ngàn năm yêu sông suối
Khói mây trên thành đô yêu dấu ấy
Này phường này phố cũ, này đường về Ô xưa!
Nắng mai hồng lên đàn chim vang lời ca.

(vào ĐK)

(Văn Cao, Thăng Long hành khúc ca)

Những bài sử ca đã góp phần khắc họa hình ảnh của các anh hùng lịch sử, niềm tự hào về dân tộc và khêu gợi lòng yêu nước của mọi tầng lớp dân chúng, nhất là vào thập niên 1940-1950 khi đất nước còn đang chiến đấu giành lại độc lập cho nước nhà. Nền tân nhạc đang ở giai đoạn hình thành nhưng đã đóng góp những giai điệu hào hùng trong cuộc chiến đấu này.

II.THANH NIÊN CA

Có những bài hát với âm điệu vui tươi, phấn khởi khiến cho lòng người phơi phới, con tim rộn rã, biết yêu đời, yêu người. Để gọi những bài hát ấy, có thể mượn danh từ của nhạc sĩ Phạm Duy: thanh niên ca. Đó là bài hát dành cho thanh niên, nói lên tâm trạng, chí khí và ước vọng của thanh niên. Một dung mạo khác của âm nhạc miền Nam sử dụng, thừa hưởng các sáng tác của những nhạc sĩ ra đời từ khi nền tân nhạc hình thành và được tiếp nối sau đó. Đây cũng là niềm cảm hứng bất tuyệt để những nhạc sĩ trẻ tuổi muốn giãi bày tình cảm trong sáng trong cuộc sống dẫu còn nhiều nghịch cảnh và khó khăn trước tình hình đất nước chưa sạch bóng quân thù. Niềm yêu đời, yêu cuộc sống đã đưa họ tiến về phía trước với dáng vẻ hiên ngang của người thanh niên:

Còn gì vui hơn bước đường thanh niên
Ðường rắc toàn hương như là cỏ tiên
Hãy say sưa mà quên hết buồn đi
Gắng công lên đời đúc rèn tâm trí
Thanh niên ơi!
Dắt nhau lên đường cùng vui vang hát
Sánh vai cùng đi thanh niên ơi!
Ngắm trông phương trời đừng lùi bước
Và chớ phân ly…

(Thẩm Oánh, Thanh niên ơi)

Cờ bay lay hồn trai hờn mang

Vai kề mơ bình minh tươi sáng…

Phút say quên, thanh niên hát vang

Dập dập dồn thanh niên trên đường xa

Bước ra biên cương sánh chí hùng cường

Dập dập dồn thanh niên đem đầu xanh cứu nước

Tung bay khói lướt trùng dương…

(Văn Giảng, Thanh niên, thanh niên)

Nhưng không phải chỉ có những chàng trai, trong lớp tuổi thanh xuân còn có những cô gái cũng góp sức xây dựng cuộc đời:

Trông hoa xuân thắm tươi trên muôn cành

Lòng niên thiếu chan chứa hương xuân

Reo lên trong nắng mới trong vui mới

Vì chị em, ấy Hoa của đời.

ĐK: Này chị em khắp nước Nam

Dịu dàng như những đóa hoa,

Như những đóa hoa

Tô điểm thêm cho sơn hà.

Hồn thanh xuân khuyến khích ta

Nào chị em cất tiếng ca cùng cất tiếng ca,

Vui vẻ thêm cho nước non nhà

Sao cho cả thảy hăng hái cố gắng luôn,

Dù ngàn chông gai cùng nhau vui sống.

Làm sao cho khắp nước Nam

Đều rền vang tiếng hát ca, vang tiếng hát ca

Lòng vui tươi chiếu bao la…

(Thiếu nữ Việt Nam, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, 1942)

Xuân thắm hoa lòng,

Trong gió thanh hương nồng

Nắng tưng bừng vờn áng yêu đào

Trong muôn tiếng ca, tiếng sơn hà thúc hối ta

Kìa đằng xa nguồn sống thanh cao

Sông núi đúc nên tâm hồn sắt son.

Quyết tâm nguyện đi giúp nước non

Đoàn ta bước mau cho đời ta càng cao

Bền gan tiếp giúp bao người lầm than

Đoàn ta bước mau cho đời ta càng cao

Mưa gió không hề sờn gan đá vàng

ĐK: Vui ca vang cùng tiến lên trên đường đời

Lời nguyền ước ghi nhớ chăm lo trau dồi

Vì quê hương giúp nhân dân cùng đoàn kết

Dắt tay nhau,

Nhìn gương giống nòi luyện chí cao…

(Việt nữ gọi đàn, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Mai Văn Bộ,

Lưu Hữu Phước, 1943)

Sương trên cành còn thắm sắc mai
Hoa đua cười chào đón gió vui
Non nước bình minh

Uống ngàn muôn tia sáng.
Chim líu lo cười vang trời
Tung cánh bay chuyền khắp nơi
Ong bướm say màu nắng tươi
Trên đường rộng xa khơi…
Nào, nào thanh niên

Đường rộng còn chờ chân bước
Hồn mạnh, lòng dặn, chân kiên.
Cất tiếng lên ca lên anh em

Cho người đời chút thú êm đềm
Lòng nguyền giúp ích muôn người.

(Nguyễn Hữu Ba, Quãng đường mai)

Nhạc sĩ Hùng Lân cũng cất tiếng kêu gọi thanh niên:

Anh nghe chăng cung kèn rạng đông
Ðang uy linh lừng vang trên không
Ðang thiết tha hùng hồn

Khơi chí gan Lạc Hồng
Cháy lên nhuộm trên ánh hồng.
(Anh nghe chăng… ánh hồng)
Lời 1:
Ði! Đi đi thôi, tiến cho đến nơi sáng ngời
Quyết sống những phút

Tung hoành dọc ngang thật vẻ vang
Mang thân nam nhi

Hãy đem chí thi với đời
Ðường hoàng lẫm liệt

Dù sao cũng cứ hiên ngang.
ĐK:
Thanh niên Việt Nam, sao mai trời Nam
Ðường gai bon gót,

Bạo mà đi ta cứ bạo mà đi
Tương lai chờ ta, vinh quang đợi ta
Dầm sương dãi nắng,

Không khi nào nhục chí nam nhi.
Lời 2:
Ði! Anh em ơi, nước non nhắn bao tiếng mời
Nắng mới phấn chí

Chim đàn cùng ca nhịp bước ta
Ra tay tu mi, nước non chấn động tới trời
Bụi đường ghi tạc vết chân tráng sĩ đi qua.

(Hùng Lân, Rạng đông)

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngợi ca tuổi trẻ với hình ảnh bình minh đem lại niềm tin yêu, sự phấn chấn và tuổi trẻ hiểu rằng phải đem sức thanh xuân để cống hiến cho cuộc đời:

Trời bình minh đem tươi sáng cho tuổi xanh
Lừng trong sương ta im nghe gió thơm lành
Ðang reo vang muôn đời thanh niên

Hãy xứng danh đây con Rồng cháu Tiên.
Kìa cỏ cây như say giấc mơ triền miên
Và lòng ta hôm nay quên hết ưu phiền
Giơ tay lên ca ngợi thanh niên
Hát, hát lên cho tấm lòng vững bền.
Chiều nao bên làng cũ, cô thôn nữ yêu kiều
Yêu anh tóc xanh màu,

Yêu tài trai rực rỡ đồng sâu.

Nhịp điệu hùng tráng xuyên suốt cả bài hát nhưng khi vào đoạn 2, tác giả dùng nhiều liên ba để tạo nét mới lạ như thúc giục người trai hăng hái lên đường:

Thanh niên, thanh niên hoa thơm tuổi thơ
Tương lai, tương lai đang mong chờ ta
Vai ta gánh sơn hà, tay ta giữ quê nhà
Lòng rộn ràng say sưa như xuân mới.
Vui lên, vui lên ca vang ngàn phương
Sao cho nơi nơi không mang sầu thương
Thanh niên chí kiêu hùng,

Gieo sức sống tưng bừng
Cùng hợp lực ta xây ngày mai sáng tươi.

(Phạm Đình Chương, Bài ca tuổi trẻ)

Đây thanh niên, sức mạnh vô cùng
Muôn nhát búa, phá tan xiềng xích
Đây thanh niên dũng cảm vô cùng
Tung ngục tù tiến lên.

Một đoàn người tươi trẻ, gái cùng trai
Ðang say sưa tranh đấu cho ngày mai
Muôn bước tiến nhịp hùng cường
Muôn tiếng thét điệu quật cường
Ði miên man tới phương trời tươi sáng.
Cả đoàn người hăm hở quyết xung phong
Ðang say sưa ôm ấp sâu trong lòng
Một lý tưởng: phụng thờ nước
Một ý chí: bảo toàn nhà
Một phong trào tuổi trẻ đứng vùng lên.

Lòng ta là sắc hồng tươi thắm
Của bầu trời đỏ rực lửa đấu tranh
Hồn ta là ánh vàng tươi sáng
Của sao mai chiếu rọi ánh bình minh.

(Thanh niên ca, nhạc Phạm Duy, thơ Ðào Duy Kỳ)

Hình ảnh đoàn người ra đi với lòng yêu nước nung nấu như giục bao lớp thanh niên cùng lên đường bảo vệ non sông:

Đường lên non thì cao, tình yêu nước nung nấu
Giọt sương hay hạt châu, dòng sông in ngàn sao
Lấy trời làm màn đất rừng làm giường
Thay đèn bằng màu ánh trăng.
Nhìn sông Ngân mộng say, nhìn con suối êm ái
Đường Ngưu Lang là mây, đường ta đi là đây
Gió ngàn là hồn, suối rừng là đàn
Ta hòa nhịp đời muôn phương…

(Xuân Tiên, Đường lên non)

Đôi khi cũng chỉ là giai điệu ghi lại cảm xúc tươi vui, rộn ràng trong cuộc sống cùng với thiên nhiên, nhạc sĩ Hoàng Quý dùng hình tượng của đàn chim bay trên trời cao để thể hiện hình ảnh thế hệ của ông cũng lên đường đi khắp đó đây để biết yêu quê hương mình:

Tiếng chim vang lừng gọi đàn trong sương sớm
Vang trong trời xa như giục lòng trong gió sương
Ngang mây thiết tha lời ca còn dư vang
Trông chim bay dần xa

Vui theo đàn như nhắn sang.
Thanh niên ơi đi lên

Trên con đường đầy tia nắng sớm
Ði đi thôi đi lên vui tươi cười vang hát ca.
Non sông thân yêu

Đón gót bước chân nhịp nhàng
Rộn đều với tiếng hát nức tâm hồn
Muôn chim vui ca khắp chốn gió lá hoa
Bao hương thơm đón tiếng gót bước lên đường
Ði đi thôi đi lên

Vui tươi cười trong sương gió nắng
Ði thăm qua non sông,

Đi cho lòng tha thiết yêu.

(Hoàng Quý, Tiếng chim gọi đàn)

Thế là từng đoàn người, lớp trước nối tiếp lớp sau, bỏ lại sau lưng những buồn thương để rồi dấn bước ra đi:

Đi lớp lớp đi lớp lớp người đi
Theo tiếng gió đưa tiếng hát gần xa
Đoàn người ra đi hôm mai trong hoa nắng
Nỗi vui mang theo qua đêm vắng
Nỗi buồn chìm vào ngày tháng

Không còn vương.
Xa thấp thoáng xa thấp thoáng từ xa
Chân bước bước đi cuốn những lời ca
Lời ca đưa chân ta đi trên muôn lối
Vút cao bay lên theo mây khói
Lắng trầm vào lòng rừng núi hay muôn loài…

(Xuân Tiên, Nguồn sống bao la)

Vậy là không chỉ bạn bè mà còn cả nhiều lớp thanh niên cùng lý tưởng biết ra đi để xây dựng ngày mai tươi sáng cho quê hương. Ra đi không phải trên con đường bằng phẳng mà đôi khi cũng gặp nhiều gian khó; dù vậy người thanh niên phải biết vượt đèo cao núi sâu, qua bao hiểm nguy, gai góc để đi tới trong niềm vui được thấy trời tự do: 

Đèo cao (dô ta) thì mặc đèo cao (dô ta)

Nhưng lòng yêu nước (dô ta) còn cao hơn đèo

(Dô ta dô ta là hò dô ta dô ta).

Anh em (dô ta) hăng hái hò reo (dô ta)

Vượt sông vượt núi (dô ta) vượt bao nhiêu đèo

(Dô ta dô ta là hò dô ta dô ta).

(Phạm Duy, Hò leo đèo)

1. Vượt đồi vượt nương. Dô!

Ði qua rừng hoang. Dô!
Hò đèo hò vang. Dô!

Men suối băng ngàn. Dô!

Sương rơi mênh mang. Dô!

Lấp che cây cành. Dô!

Chim muông trong hang. Dô! Líu lo kêu đàn.
ĐK: Nào cùng leo qua đồi núi cao.

Bao nhiêu gai góc đời 

Ðang giơ tay đón mời, mời đoàn ta đi tới.
Vượt rừng sâu lên đỉnh núi cao.

Trông bao la khắp trời

Anh em ta hát cười. Ðời tự do thắm tươi.
2. Vượt đèo cùng leo. Ơ dô!

Anh em hò reo. Ơ dô!
Rừng trầm hòa theo. Ơ dô!

Tiếng hát lên đèo. Ơ dô!
Chân đi cheo leo. Ơ dô!

Sống trong hiểm nghèo. Ơ dô!
Gương xanh trong veo. Ơ dô!

Vẫn trôi yêu kiều.

(vào ĐK)
3. Vượt hoài rừng hoang. Dô dô!

Ði trên đỉnh non. Dô dô!
Đường về bản thôn. Dô dô!

Suối dốc chân dồn. Dô dô!
Vun ngô trong nương. Dô dô!

Hát vui cô Mường. Dô dô!

Tay ôm cơm lam. Dô dô!

Biếu anh lên đàng.

(vào ĐK)
(Phạm Đình Chương, Hò leo núi)

Bước chân lên đường của lớp thanh niên mang theo niềm vui yêu đời với từng nhịp đàn và tiếng hát. Không chỉ vượt đèo vượt núi, bạn trẻ còn vượt sông, vượt biển miễn là có chí khí và ước mơ:

Đoàn tàu đi xông lướt gió qua ngàn sóng
Tiếng ca lừng vang ôm biết bao nhiêu oai hùng
Đoàn người đi theo gió kiếp sương hải hồ
Đi sống với bao tình nước
Gió mát trăng ngàn soi sáng
Từ Đại dương mưa gió thét reo ầm ĩ
Bắc dương mờ tan trôi xiết bao nhiêu con tàu
Đoàn người đi ôm chí sống nơi trùng dương
Tay quyết nắm tay lèo lái

Đến chốn mơ ngàn thét gào…
(Võ Đức Thu, Đoàn người trên biển cả)

Bạn cùng ta, nắm tay múa ca
Cho đời bừng sống dưới màn sương đông
Máu hồng thêm hăng bên lửa đêm bập bùng.
Tùng tùng tinh tùng, bình bùng binh bùng
Tang tình tang tình tính. Ta người chiến binh
Ra đời chiến chinh hiến thân vì nước
Muôn đời thề ước vang tiếng hùng anh
Nước biếc rừng xanh

Trong bốn phương tung hoành.
Rừng càng giá, thân này nào sá

Sương khuya lạnh lùng
Lửa càng bùng cháy nung hờn núi sông…
(Nguyễn Hữu Ba, Lửa rừng đêm)

Thanh niên Việt Nam bước lên như bao anh hùng
Của ngày lịch sử đã khơi nguồn anh dũng
Thanh niên Việt Nam bước lên, ta vẫy vùng
Lòng còn bừng reo ý hùng.
Kìa là đoàn người thanh niên
Nhào mình vào đời hy sinh
Hy sinh, thanh niên hy sinh cho dân.
Vui đi trong gian lao,

Say mê trong binh đao
Lửa hờn quật cường

Thanh niên muôn năm nêu cao.
Ðoàn trai đang lên là ta
Cùng nhau đi trên đường xa
Nhịp đều một nhịp oai nghiêm
Lời thề một lời linh thiêng
Thanh niên Việt Nam quyết tiến 
Thanh niên! Thống nhất, thống nhất!
Thanh niên! Hy sinh, hy sinh!
Thanh niên hiên ngang ra đi với đời.
Thanh niên! Quyết chiến, quyết chiến!
Thanh niên! Quyết thắng, quyết thắng! 
Thanh niên muôn năm nêu cao giống nòi.

(Phạm Duy, Thanh niên quyết tiến, 1947)

Một bài hát mang tính chất giáo dục dành cho lứa tuổi học sinh nhiều thế hệ như một hành khúc trong trẻo không thể không nhắc đến:

Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập
Học sinh nề chi tuổi xanh chung sức phấn đấu
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên.
ĐK1: Học sinh là mầm sống của ngày mai
Nung đúc tâm hồn để noi chí lớn
Theo các thanh niên sống vì giống nòi
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi.
ĐK 2:
Học sinh là người mới của Việt Nam
Đã thoát ra một thời xưa tối ám
Đem sức thanh tân chống mọi suy tàn
Học sinh làm sáng đời dân Việt Nam.
ĐK 3:
Học sinh vào đời chiến thủ ngày nay
Nung đúc can tràng để binh lý chí
Trong lúc nước Nam ước mộ anh tài
Học sinh bền chí lập công từ đây.

(Lê Thương, Học sinh hành khúc)

1. Ánh mặt trời bừng lên sáng tươi

Ngàn tia nắng soi đời niên thiếu

Một cuộc đời say sưa

Trong trang sách soi đường

Cho thanh niên tới phương trời sáng tươi.

ĐK: Đi lên thanh niên!

Đón tương lai huy hoàng với sách đèn

Bầu trời đẹp bao la chờ đợi người tinh hoa

Với cuộc đời tràn đầy tương lai.

2. Bước lên đường ta vui hát vang

Đời niên thiếu huy hoàng nắng mới

Nền cộng hòa vui tươi

Trong gió mát thanh bình

Ta say sưa xây đắp ngày sáng tươi.

(vào ĐK)

(Vân Thanh, Học sinh tiến khúc)

Học sinh Việt Nam tương lai quốc gia

Luôn quyết tâm nêu sáng danh quê nhà

Bằng vui đời bút nghiên,

Bằng đêm ngày gắng siêng

Rèn luyện trí đức để dành mai sau.

Quyết tiến luôn học sinh nào

Sông núi đang vui chờ ta gánh

Quyết tiến luôn học sinh nào

Đừng bao giờ lãng phí ngày xanh.

(Minh Truyền, Học sinh ca)

Nhưng để lên đường, người thanh niên phải có sức khỏe vững vàng. Đó là ước mong và tâm nguyện của lớp trẻ. Năm 1946, nhạc sĩ Hùng Lân đã viết một bài hát hưởng ứng mang tên Khỏe vì nước. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và trở thành bài hát chính cho phong trào thể dục thể thao. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, nhân ngày hội khỏe đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thanh niên và tự vệ Hà Nội đã trình diễn bài thể dục đồng diễn trên nền bài Khỏe vì nước:

Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia
Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới

Hùng mạnh trong năm giới
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.
Khỏe vì nước chí khí cương kiên
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên
Trong khốn nguy can trường

Sống thác ta coi thường
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm.
Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ
Mang máu anh hùng

Ta đừng làm nhơ máu anh hùng
Trai đất Việt phải nêu đèn sáng

Thế giới soi chung.
Dân sinh yếu nhược lôi ta đến đường vong quốc
Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc
Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần
Cho dân trí quật cường và hưng phấn
Nghìn đời không mờ ánh duy tân.

(Hùng Lân, Khỏe vì nước)

Trên tất cả, không chỉ người thanh niên mà cả toàn dân đều khắc ghi trong tim hình ảnh trọn vẹn bờ cõi đất nước Việt Nam luôn thống nhất cả ba miền vì trong đó muôn dân Việt đều cùng một giòng dõi Rồng Tiên, cùng cất tiếng hát hào hùng:

Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung

Sáng trưng Á Ðông
Bốn ngàn năm đó

Văn hóa xây đắp bao kỳ công
Người Việt Nam cân quắc bao anh hùng
Từng phen nức danh dưới trời Á Ðông.
Ai ơi đừng phân chia Nam Bắc Trung
Một nhà Việt Nam.

Nam Bắc Trung chung giòng
Dân con Việt Nam hằng mong
Bền tâm cố xây nhà Việt Nam.
Nam Quan cho đến Cà Mau
Là nhà Việt Nam non nước tươi một màu
Yên vui anh trước em sau
Ðừng có xa nhau mà lòng tan nát đau.
Khăng khăng thề tay nắm tay
Cùng khao khát say ánh vinh quang

Sáng soi ngợp trời
Nhà Việt từ đây

Trung Nam Bắc cùng một lòng mừng vui.

(Thẩm Oánh, Nhà Việt Nam)  

Việt Nam ta ô Việt Nam ta như đóa hoa xinh
Ô Việt Nam nhỏ bé quê hương đẹp mỹ miều.
Việt Nam ta ô Việt Nam ta như đóa hoa xinh
Ô Việt Nam nhỏ bé quê hương đẹp yêu kiều.
Việt Nam ta ô Việt Nam ta như đóa hoa xinh
Hoa là hoa trên núi trên sông và trên đồng.
Việt Nam ta ô Việt Nam ta như đóa hoa xinh
Hoa là hoa trên gấm trên nhung đẹp mê hồn.
Ta yêu hoa tha thiết hoa ơi

Như yêu người yêu dấu
Cho dù không còn hơi cuối.
Ta yêu hoa khi chết chưa thôi

Nhưng ta nguyện giữ gìn
Để ta được yêu muôn đời…
(Hoàng Thi Thơ, Việt Nam như đóa hoa xinh)

Những giai điệu sôi nổi của bao lớp thanh niên còn được tiếp nối mạnh mẽ hơn, hùng tráng hơn trong những bài hát như tiếng kèn tập họp, kêu gọi thanh niên lên đường:

1. Nào anh em ta

Cùng nhau xông pha lên đàng

Kiếm nguồn tươi sáng.
Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông
Từ nay ra sức anh tài.
Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng
Ta người Việt Nam. Nhìn tương lai huy hoàng
Đoàn ta bước lên đàng

Cùng hiên ngang hát vang.
2. Nhìn non sông ta trời mây bao la muôn đời
Tâm hồn phơi phới
Mau nhìn hoàn cầu, khá trông năm châu
Cùng nhau tung chí anh hào.
Đoàn ta đi mau lòng trai không nao, lên đàng
Ta người Việt Nam. Nhìn non sông tưng bừng
Đoàn ta hát vang lừng nào tung bay chí trai.
3. Kìa gương trung kiên truyền lưu muôn năm
Lên đàng kết đoàn hùng tráng
Danh lừng Bạch Đằng, tiếng vang Chi Lăng
Đống tâm noi dấu anh hùng.
Ngày xưa ai đem tài cho quê hương bao lần
Khuông phò nhà Nam. Đoàn ta ghi trong lòng

Đời hy sinh anh hùng. Nhìn non sông thẳng xông.

(Lên đàng, Lưu Hữu Phước & Huỳnh Văn Tiểng, 1944)

Tuy là một bài hành khúc nhưng tác giả chỉ dùng thang âm ngũ cung, rất gần gũi với âm hưởng dân gian. Đó cũng là tiếng kèn xung trận của bao lớp thanh niên để từ đó khai sinh những bài kháng chiến ca trong giai đoạn chống Pháp, trong đó có những bài sau đó đã trở thành quốc ca của hai miền và những bài quân ca sau thời gian đất nước phân ly.

III.KHÁNG CHIẾN CA      

Nền tân nhạc Việt Nam ra đời giữa lúc đất nước đang chống giặc ngọai xâm, những chàng trai đất Việt một lòng vì non sông lên đường cứu nước. Các nhạc sĩ của thời điểm ấy phần lớn là lớp thanh niên đầy nhiệt huyết, họ cũng đứng trong hàng ngũ những người kháng chiến. Do đó nguồn cảm hứng nghệ thuật của họ đều liên quan đến vận mệnh đất nước và lòng yêu nước sâu sắc của bao thế hệ thanh niên. Những bài hát lãng mạn cách mạng là khúc dạo đầu cho những tình cảm hào hùng trong các nhịp điệu oai hùng được đẩy lên thành những bài ca thúc giục mạnh mẽ, hùng tráng vang lên trên mọi nẻo đường kháng chiến.

Nếu lấy một tên tuổi làm dấu gạch nối giữa những bài thanh niên ca phấn chấn, lạc quan đầy hào khí và những bài kháng chiến ca yêu nước, chúng ta liên tưởng đến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Trong khi các tác giả cùng thời tìm vào cảm hứng lãng mạn trữ tình thì Lưu Hữu Phước vẫn gắn bó mật thiết với cảm hứng hùng tráng từ những hành khúc viết cho lứa tuổi thanh niên hoạt động trong những phong trào tập thể theo từng giai đoạn lịch sử và cuộc chiến đấu của dân tộc. Trước hoàn cảnh lịch sử nước nhà, ông kêu gọi bỏ việc học hành để lên đường cứu nước:

Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu
Xếp bút nghiên coi thường công danh

Như phù vân
Sơn hà xao xuyến tiến ta tiến
Một lòng yêu non sông, vì dân ta liều thân.
Thấy đoàn ta tiến tới, nước non chào mời
Hèn thay đời nhàn cư, hèn thay vui yêu đương
Lúc quê hương cần người
Dứt làn tơ vương, giã trường lên yên
Hồn Việt Nam hùng thiêng

Từ ngàn xưa bừng chuyển
Kêu ta lên đường cứu quốc gia.

(Xếp bút nghiên, nhạc Lưu Hữu Phước,

lời Huỳnh Văn Tiểng, 1943)

Trong số những người lên đường, ông không quên lứa tuổi kế thừa, đó là lớp thiếu niên sẵn sàng nối tiếp ước vọng của lớp cha anh:

Thiếu sinh Việt Nam tiến lên họp đoàn
Trong đời mới, đi đầu gieo nguồn sống
Hồn non sông hướng đưa trẻ Việt Nam
Bầu nhiệt huyết đã hẹn thề phút thành công.
Tâm hồn trẻ thơ đẹp quá trăng rằm
Đời người sáng quắc ánh thiều còn thua
Trên làn trán ngọc khí thiêng gieo mầm
Dồn trong tâm huyết sức mạnh ngàn xưa.
Thiếu sinh! Thiếu sinh!
Chân bền chân, gan bền gan không nhụt chí.
Tương lai tổ quốc ở tay chúng mình
Nhiệm vụ thiêng ấy lo trọn hết tình
Thiếu sinh! Thiếu sinh!
Tia bình minh khơi lửa thiêng gây hùng khí
Trời Việt rạng sáng lung linh uy cường
Thiếu sinh đất Việt hùng liệt bốn phương.

(Lưu Hữu Phước, Thiếu sinh Việt Nam)

Tuy nhiên lớp người đi xung kích cứu nước vẫn là lực lượng thanh niên. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gắn bó với hoạt động học sinh, sinh viên rất tích cực. Từ quê hương Ô Môn, Cần Thơ, ông lên Sài Gòn học Trường Petrus Ký, kết bạn với Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ thành lập nhóm Hoàng Mai Lưu. Nhóm tham gia phong trào Câu lạc bộ học sinh (Scola Club,1940) với hàng trăm hội viên học sinh. Năm 1937 Lưu Hữu Phước viết bài Non sông gấm vóc nhưng mới chỉ là bản phác thảo, chưa thành bài hát. Năm 1939 khi triệu tập đại hội học sinh tại hội quán Hội Nam kỳ Đức trí Thể dục (SAMIPIC), Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài hát đầu tay để làm bài ca chính thức của câu lạc bộ là LaMarche des Etudiants (Hành khúc sinh viên) với lời ca bằng tiếng Pháp do Mai Văn Bộ viết:

Étudiants! Du sol l’appel tenace

Pressant et fort, retentit dans l’espace

Des côtes d’Annam aux ruines d’Angkor

À travers les monts, du sud jusqu’au nord

Une voix monte ravie:

Servir la chère Patrie!

Toujours sans reproche et sans peur

Pour rendre l’avenir meilleur

La joie, la ferveur, la jeunesse

Sont pleines de fermes promesses.

Điệp khúc:

Te servir, chère Indochine,

Avec cœur et discipline,

C’est notre but, c’est notre loi

Et rien n’ébranle notre foi!

Tạm dịch:

Nào sinh viên ơi!

Từ mặt đất nghe tiếng gọi bền bỉ

Như thôi thúc mạnh mẽ

Âm vang trong không gian

Từ bờ biển An Nam

Cho đến những phế tích Angkor

Qua bao đồi núi, từ Nam ra Bắc

Một tiếng nói vang lên đầy mê say:

Hãy phụng sự Tổ quốc thân yêu!

Không trách móc, không sợ hãi

Để có một tương lai tốt đẹp hơn

Niềm vui, sự nhiệt tình và tuổi trẻ

Luôn tràn đầy lời hứa hẹn vững chắc.

Điệp khúc:

Ta phục vụ Người, hỡi Đông Dương yêu quý,

Với lòng dũng cảm và kỷ luật

Đấy là mục đích, là pháp lệnh

Và không gì lay chuyển nổi niềm tin của chúng ta.

Sau khi ra Hà Nội học Trường đại học Y Dược, vào tháng 4-1941, ông cùng nhóm Hoàng Mai Lưu đặt lại lời ca tiếng Việt bài La Marche des Etudiants để trở thành bài hát Tiếng gọi thanh niên dành cho lớp thanh niên:

Nào anh em ơi, tiến lên đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng nhau ta đi sá gì thân sống

Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên

Thù kia chưa trả xong thì ta luôn cố bền

Lầm than bao năm ta đau khổ biết mấy

Vàng đá gấm vóc loài muông thú cướp lấy

Loài nó hút lấy máu đào chúng ta

Làm ta gian nan, cửa nhà tan rã.

Bầu máu nhắc tới đó càng thêm nóng sôi

Ta quyết thề phá tan quân dã man rồi.

Vung gươm lên, ta quyết đi đến cùng

Vung gươm lên, ta thề đem hết lòng

Tiến lên đồng tiến, sá chi đời sống

Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

(Tiếng gọi thanh niên, nhạc Lưu Hữu Phước,

lời Hoàng Mai Lưu)

Cuối năm 1941, để trở thành bài hát chính thức của Tổng hội Sinh viên Đông Dương, Ủy ban soạn phần lời cho bản nhạc này được thành lập gồm các sinh viên Đặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Thành Nguyên, Phan Thanh Hòa, Hoàng Xuân Nhị có nhiệm vụ sửa và viết thêm lời ca. Bài hát mang tên Sinh viên Hành khúc hoặc Tiếng gọi sinh viên. Chiều ngày 15-3-1942, Tổng hội Sinh viên tổ chức một buổi ca hát để lấy tiền giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện được dùng làm nơi thực tập cho các sinh viên Khoa Y dược. Dịp này, Tổng hội Sinh viên muốn ra mắt bài hát chính thức này. Bài hát xuất bản năm 1943 nhưng rồi bị Pháp cấm, có 3 lời ca:

1. Này sinh viên ơi đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối
Kìa non sông nước xưa,

Truyền muôn năm chớ quên
Nào anh em Bắc Nam cùng nhau ta kết đoàn.
Hồn thanh xuân như gương trong sáng
Đừng tiếc máu nóng tài xin ráng.
Thời khó thế khó khó làm yếu ta
Dù muôn chông gai vững lòng chi sá
Đường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương
Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.
ĐK: Sinh viên ơi mau tiến lên dưới cờ
Anh em ơi quật cường nay đến giờ
Tiến lên cùng tiến gió tung nguồn sống
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng.

2. Này sinh viên ơi dấu xưa vết còn chưa xóa
Hùng cường trời Nam ghi trên bảng vàng bia đá
Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn
Bình bao phen Tống Nguyên từng ca câu khải hoàn
Hồ Tây tranh phong oai son phấn
Lừng tiếng Sát Thát Trần Quốc Tuấn
Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam
Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám
Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên
Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền.
(vào ĐK)3. Này sinh viên ơi muốn đi đến ngày tươi sáng
Hành trình còn xa chúng ta phải cùng nhau gắng
Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông
Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng
Là sinh viên vun cây văn hóa
Từ trước sẵn có nhiều hoa lá
Đời mới kiến thiết đáp lòng những ai
Hằng mong ta ra vững cầm tay lái
Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
(vào ĐK)(Lưu Hữu Phước, Tiếng gọi sinh viên)

Sau đó để đáp ứng lời kêu gọi chung cho toàn lực lượng thanh niên trong giai đoạn mới, bài hát đã được nhóm Hoàng Mai Lưu sửa đổi lời ca lần nữa vào tháng 4-1945. Đây được xem là bài ca của tổ chức Thanh niên Tiền Phong:

Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng
Đồng lòng cùng đi đi đi sá gì thân sống

Nhìn non sông nát tan thù nung tâm chí cao
Nhìn muôn dân khóc than,

Hờn sôi trong máu đào.
Liều thân xông pha ta tranh đấu
Cờ nghĩa phất phới vàng pha máu.
Cùng tiến quét hết những loài dã man
Hầu đem quê hương thoát vòng u ám
Thề quyết lấy máu nóng mà rửa oán chung
Muôn thuở vì núi sông nêu tiếng anh hùng.
Anh em ơi mau tiến lên dưới cờ
Anh em ơi quật cường nay đến giờ
Tiến lên cùng tiến gió tung nguồn sống
Cháy trong lòng ta ngàn mớ lửa hồng.

(Tiếng gọi thanh niên, nhạc Lưu Hữu Phước,

lời Hoàng Mai Lưu)

Với khí thế chiến đấu hăng say, trong hàng ngũ thanh niên tiền phong đã xuất hiện các cảm tử quân – tên gọi những chiến sĩ Vệ quốc Đoàn, dân quân tự vệ chiến đấu trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, dám hy sinh thân mình để thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm. Đây là các bài ngợi ca những chiến sĩ ấy:

Tiến lên đường tới sa trường
Ta xứng danh là cảm tử quân
Tiến lên đường tới sa trường
Trong súng gươm chúng ta coi thường.
A! Ta nguyện đồng tâm giết tan quân thù
Tươi cười xông pha ở nơi chiến khu
Ta cùng nhau tiến khó khăn không lùi
Da ngựa bọc thây lòng ta vẫn vui.
Tiến lên đường tới sa trường
Ta xứng danh là cảm tử quân
Tiến lên đường tới sa trường
Trong súng gươm chúng ta coi thường.

(Hoàng Quý, Cảm tử quân)

Anh em trong đoàn quân du kích

Cùng vác súng lên nào
Đi lên đi lên xuyên qua rừng qua núi
Trong mây mù đêm tối vượt suối băng ngàn.
Giặc tiến tới đây súng kia cùng nhau cướp lấy
Nhằm cùng nhau bắn mấy viên là mấy quân thù
Đi lên xung phong ta hợp cùng dân chúng
Cướp lấy phần chiến thắng giải phóng giống nòi.

(Đỗ Nhuận, Du kích ca)

Vì nước suốt canh thâu

Trong đêm tàn chân lần đi

Núp sau muôn bóng mờ ta xông pha

Lướt qua sông qua hố

Qua giông tố mưa gió ầm ĩ

Ta nguyện thề quân tham giết không tha.

Này hỡi lũ đế quốc run lên, run lên đi

Chúng bay đã gần ngày bại vong

Trong tối toán quân đi âm thầm bổ vây 

Âm thầm đi giăng lưới quanh muôn bóng.

Mòn mỏi ánh sao lu soi bơ phờ trong rừng xa

Thoảng nghe bao tiếng rừng trong thâm u

Tiếng muôn hồn oan ức bay trong gió

Theo giúp đoàn ta

Đi diệt thù, giết tiêu tan lũ quân thù.

(Lưu Hữu Phước, Đoàn quân du kích)

Ðoàn quân du kích tiến
Khắp nơi tung hoành, ta đi lên, sức vô hình
Loài giặc nghe thấy run mình

Ðoàn quân du kích tiến
Giữ yên sao vàng ta xung phong

Giữ ruộng đồng kẻ một lòng cùng núi sông.
Cướp súng giặc, giết giặc!

Ðánh úp thù, giết thù!
Ðoàn quân du kích

Chiến đấu ngay bằng gươm giáo 

Cướp súng giặc, giết giặc!

Ðánh úp thù, giết thù!
Ðoàn quân du kích khiến Tây mất hồn.

(Phạm Duy, Dân quân du kích, Việt Bắc, 1947)

Trong đội ngũ các nhạc sĩ sáng tác xuất sắc trong giai đoạn này là nhạc sĩ Văn Cao. Ngoài các bài hát theo khuynh hướng trữ tình nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong giai đoạn đầu của lịch sử tân nhạc Việt, Văn Cao còn sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Gò Đống Đa, Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang, Thăng Long hành khúc caTiến quân caTiến về Hà Nội, Chiến sĩ Việt Minh sau này đổi thành Chiến sĩ Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Công nhân Việt Nam…, vì vậy ông cũng đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến. Những bài hùng ca của ông thường lấy cảm hứng từ những chiến công của bộ đội trong kháng chiến chống Pháp như Trường ca Sông Lô, Bắc Sơn:

Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió
Ðau lòng bao năm sống lầm than đây đó
Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng.
Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ
Rồi vùng đồi núi nhớ bao nhiêu hận thù
Dân quân du kích cách mạng bừng mùa thu
Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu.
ÐK: Bắc Sơn! Ðây hố sâu mồ chôn
Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn
Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương
Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn.
Giặc Pháp tàn ác dày xéo
Từng xác ngập đất máu xương
Nhà đốt, cầm giáo cầm súng
Dân quân vùng ra sa trường.
Bắc Sơn! Nơi đó sa trường xưa
Bắc Sơn! Ðây núi rừng chiến khu!…

(Văn Cao, Bắc Sơn)

Sau bài Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao còn viết tiếp bài hát ca ngợi các chiến sĩ Việt Nam:

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường
Quân xung phong,

Nước Nam đang chờ mong tay ngươi
Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời.
Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang

Bên trời điệu kèn rộn ràng
Là trang nam nhi quyết chiến sa trường

Sống thác coi thường.

Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai.

Bừng nghe dư âm mênh mông
Khúc anh hùng ca reo nơi biên cương
Bao chiến mã lên đường
Giục lòng dân quân thi can trường
Nguyền tranh đấu cho giống nòi
Hận thù bao năm căm lòng đất nước tan tác
Xương máu đang khơi ngòi
Tiếng than nơi nơi, tháng năm dần trôi.
Thề phục quốc! Tiến lên Việt Nam!
Lập quyền dân! Tiến lên Việt Nam!
Ðài hạnh phúc đắp xây tự do
Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm.

(Văn Cao, Chiến sĩ Việt Nam, 1945)

Trong giai đoạn kháng chiến, nhạc sĩ Phạm Duy là người viết mạnh, viết khỏe. Các sáng tác của ông rất phong phú, dễ đi sâu vào lòng quần chúng. Bước đầu ông viết những bài hùng ca với hình ảnh mang tính chất cổ điển như tráng sĩ, gươm đao, cung kiếm hay là chinh phu, chinh phụ, chiến bào, chiến y… như trong các bài Chinh phụ ca, Gươm tráng sĩ, Đường ra biên ải… Năm 1946 toàn quốc nổi ra cuộc kháng chiến chống Pháp lần 2, ông gia nhập Đoàn Văn nghệ giải phóng của Phạm Văn Đôn. Bài hát ông sáng tác lúc ấy như sau:

Một mùa thu năm xưa

Cách mạng tiến ra đất Việt

Bừng ngàn tiếng

Thanh niên tung gông phá xiềng
Ðoàn người trai ra đi,

Miệng hô lớn: ”Quyết chiến”
”Quyết chiến”… chân oai nghiêm đều tiến.
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ
Phất cờ hồng nhuộm máu

Đấu tranh cho muôn kiếp sầu
Ðoàn người bao gian lao vì non nước:

”Quyết chiến”,”Quyết chiến”

Lúc chưa phai tuổi xanh.

Tuổi xanh như lúa mai, đời thanh niên sáng tươi
Thuở nay chinh chiến chờ đợi người
Về đây tay nắm tay, đài gươm ta đắp xây

Miệng hô câu hát vang trời mây. 
Cùng đi, đem máu lên đỏ ngọn cờ 
Cùng đi, đem sức trai đổ xuống bờ

Bờ ruộng xanh, tôi cùng anh

Ta tranh hùng chờ ngày hòa bình
Ðời màu hồng, nồng nàn sống vui tuổi xanh.

Ðường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta, ta cứ cày đợi ngày
Ngày mai bao ấm no

Diệt xong quân Pháp kia
Cười vang ta hát câu Tự Do.

(Phạm Duy, Nhạc tuổi xanh)

Phạm Duy nói đến sự hân hoan của tuổi trẻ giai đoạn ấy khi cần phải xóa bỏ phố phường, biệt ly đời gấm hoa để về đồng quê xây lại kháng chiến:

Từ phố phường rời ra thôn quê
Anh em ta quyết chí về đồng hoang
Đem máu căm hờn về đồi nương
Dưới thôn ta xây hầm,

Lập bao chiến khu vững bền.
Đồng ruộng kia ta gieo hạt thù
Để mọc lên ngàn muôn cánh lúa
Vượt đồi cao, đồng xa,

Vượt núi, núi non
Nơi cô thôn, ta xây cánh đồng kháng chiến.
Từng đồi khoai, bụi sắn, nhạc lên oai hùng
Reo ca vang, bàn tay thanh niên.
Cùng đón chờ ngày vui vinh quang
Anh em ta sống với gió với trăng ngàn.
Đồng quê bát ngát
Nuôi toàn quốc đấu tranh muôn năm.
Đất cày thơm gió lên
Nghe nhịp sống tiến bao thanh niên.

(Phạm Duy, Về đồng hoang)

Nhờ cuộc kháng chiến người thanh niên mở rộng tầm mắt, thấy được cảnh đẹp của quê hương, của non sông gấm vóc:

Ðường Lạng Sơn âm u,

Gà bình minh kêu lơ thơ
Rừng êm ái thức giấc trong sương mờ
Ðồi núi bâng khuâng vươn vai
Vừa mới tan cơn mê say
Chợt nghe thấy tiếng chim hót vang trời.
Biên khu ù u! Biên khu ù u!
Tia vàng son xuyên qua lau mờ
Về trên suối khói lên làn mơ
Nắng trôi về, xuôi biết bao thương nhớ
Biên khu ù u! Biên khu ù u!
Nghe đồi nương khuyên nhau mong chờ
Người lên chốn đất thiêng rừng xa
Sống thanh bình cuộc đời khoai sắn ngô.
Ðồi nương xanh, xanh núi xanh lơ
Rừng cây xanh, xanh lá bên hoa
Màu áo chàm phất phơ trong mây mờ.
Nhà sàn cao tuy mái thô sơ

Người dừng chân bên suối nên thơ
Mùa đông tới lửa vui bếp lò…

(Phạm Duy, Rừng Lạng Sơn)

Trong thời gian hoạt động trong Ðoàn Văn nghệ Giải phóng, Phạm Duy có soạn bài hát nói lên nỗi vui của người thanh niên đi làm công tác văn nghệ trong kháng chiến:

Hướng về ngàn phương dạt dào ánh sáng
Ôi thiên nhiên huy hoàng

Cho người tràn ngập tâm hồn
Yêu nhân gian trong ngặt nghèo

Vươn sức sống
Ta đi trên đường mênh mông.
Tơ tình vừa rung theo cơn bão sống
Nước mắt hoen như ngày nhân loại

Ra đời vui xuân.
Ðàn nhịp trầm hùng, thơ ngâm dũng mãnh 
Ta biết ta kiêu hùng cùng thời gian.
Ôi dĩ vãng trầm luân
Những nỗi sầu vang nỗi lòng yếu đuối
Của cuộc đời u uất không lời…

(Phạm Duy, Đàn nhịp trầm hùng)

Một bài hát ông viết để hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc trong giai đoạn này:

Anh có cây súng kia thì tôi có bàn tay thợ

Anh có cây cuốc này thì tôi có một cây đàn

Anh giết bao thực dân thì tôi cướp bao súng đạn

Anh có bông lúa vàng thì tôi có ngàn lời ca…

(Phạm Duy, Thi đua ái quốc)

Mặt khác, với thể hành khúc ông còn soạn một bài hát cho công tác địch vận:

Ngọn trào quay súng giết quân thực dân
Anh em ta mau lên đường

Về miền đất đai tự do
Ôi hiên ngang những anh hùng chiến sĩ
Coi khinh quân thù đã phá nhà tù đi
Về đây trong thi đua

Chiến công oai hùng một mùa
Về đây nghe rừng sâu

Hú hồn quân Pháp gian ác
Về đây ta hát vang trên đường

Quật cường huy hoàng
Về đây chia với nhau hạnh phúc. 
Quay súng, quay súng! Giết quân thực dân
Quay đầu gươm giết quân tham tàn
Việt Nam! Việt Nam!
Quốc gia tưng bừng đang đón chờ đàn con…

(Phạm Duy, Ngọn trào quay súng, Bắc Giang, 1947) 

Trong khi đó ở miền Nam có chiến khu An Phú Đông, nằm ngay sát trung tâm Sài Gòn. Vùng đất An Phú Đông-Thạnh Lộc và các xã lân cận là vùng có điều kiện thuận tiện để xây dựng phong trào kháng chiến. Chính vì vậy, nơi đây trở thành một trong những địa bàn hoạt động trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Những hình ảnh chiến đấu được nhạc sĩ Lê Bình vẽ lại sinh động:

1. Bên hàng dừa cao dòng sông mờ soi bóng
Nhớ những chiến binh trầm thây trên máu hồng
Cây tàn, nhà hoang, đường xưa ngập xương máu
Muôn thây bấp bênh giữa dòng trôi đến đâu.
Hôm nay ai nghe gió rú gọi hồn về
Ôi bao anh linh khuất bóng còn lời thề
Vươn lên mây cao khí uất tràn tràn đầy
Nghe dân quân Nam vẫn thét rền nơi đây.
ĐK: Đây An Phú Đông! Ôi! An Phú Đông
Ngày nào quân đi reo vang hùng dũng
Đây An Phú Đông! Ôi! An Phú Đông
Muôn đời uy linh sống với núi sông.
2. Sa trường là đây, ngàn cây còn vương máu
Tiếng súng vẳng xa từ đâu như thét gào
Con đò thường đưa đoàn quân qua muôn sóng
Hôm nay bến xưa vẫn còn ghi chiến công
Nơi đây dân quê sát cánh cùng thề nguyền
Xung phong đi lên thoát gót giày cường quyền
Nơi đây chôn thây chiến sĩ dòng Lạc Hồng
Khi nghe muôn dân hát khúc “Hờn non sông”.
(vào ĐK)

(Lê Bình, An Phú Đông)

Những bài hát hùng tráng vẫn tiếp tục được sáng tác bởi các nhạc sĩ đã đi vào cuộc chiến đấu hoặc trở thành chiến binh đứng trong hàng lớp những người cầm súng, đó là những bài quân ca một thời oanh liệt.

IV.QUỐC CA

Giữa năm 1944, Văn Cao hoạt động yêu nước tại Hải Phòng. Cuối năm 1944, Văn Cao về công tác tại báo Độc Lập đóng ở Bát Tràng, ngoại thành Hà Nội. Thời gian này ông gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh và sáng tác một ca khúc cho Mặt trận, vì anh em du kích ở Việt Bắc chỉ có mấy bài hát thanh niên thôi. Văn Cao bắt tay viết ca khúc đó chỉ vào một đêm tại căn gác số 171 phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi viết xong phần nhạc, Văn Cao đưa cho người bạn tên Đỗ Hữu Ích viết lời, hai người cùng xem lại và thế là hoàn thành bài hát, họ đặt tên cho tác phẩm là Tiến quân ca. Ban đầu bài hát có tính chất trang nghiêm, nhịp điệu chậm rãi, là một bài chính ca, được in trên báo Độc Lập tháng 111944. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Bài hát có hai lời như sau: 

Lời 1:

Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng đằng xa chen khúc quân hành ca.

Đường vinh quang xây xác quân thù

Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu.

Thề phanh thây uống máu quân thù

Tiến mau ra sa trường. Tiến lên!

Cùng thét lên!

Chí trai là đây nơi ước nguyền!

Lời 2:

Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phất phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than.

Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới

Đứng đều lên gông xích ta đập tan.

Dù thây tan xương nát khôn sờn

Gắng hy sinh đời ta tươi thắm hơn

Từ bao lâu ta nuốt căm hờn

Vũ trang đâu lên đường!

Hỡi ai lòng chớ quên!

Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên.

(Tiến quân ca, nhạc Văn Cao & lời Đỗ Hữu Ích, 1944)

Ngày 13-8-1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, chính phủ lâm thời đã chọn bài hát này làm quốc ca, được hát trong cuộc tuần hành ngày 17-8-1945. Trong khóa họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946, Tiến quân ca mới được chính thức chọn làm quốc ca. Lúc này bản quốc ca được nhiều nhạc sĩ và tác giả chỉnh sửa một số lời mới so với bản gốc, phần nhạc cũng có sửa đổi ở ô nhịp đầu tiên của bài hát (Văn Cao ban đầu viết 3 phách, nhưng cuối cùng bị sửa lại còn một phách rưỡi), nhịp điệu nhanh và hùng tráng hơn để trở thành một hành khúc. Ở câu đầu bài hát, hai chữ Việt Minh được đổi thành Việt Nam. Câu cuối bài hát được đổi thành Nước non Việt Nam ta vững bền. Câu này nguyên văn trước đó Văn Cao viết là Non sông ViệtNam ta vững bền, sau đó một quan chức văn hóa cao cấp sửa hai chữ đầu tiên thành Nước non. Tuy vậy Văn Cao thích hai chữ Non sông hơn là Nước non.

Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính quyền Nhật tuyên bố “trao trả độc lập” cho Việt Nam. Chính phủ Đế quốc Việt Nam được thành lập (từ tháng 3 đến tháng 8-1945), tuyên bố độc lập và Nội các Trần Trọng Kim quyết định chọn quốc thiều là bài Đăng đàn cung – một bài trong nhạc lễ của triều Nguyễn. Từ năm 1948, Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân của Quốc gia Việt Nam (1948-1955) lại chọn bài hát Tiếng gọi sinh viên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca và đổi tên là Tiếng gọi công dân, có sửa đổi một số lời ca. Vào tháng 3-1956, Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng Hòa khai mạc, một trong những nhiệm vụ của Quốc hội là chọn quốc kỳ và quốc ca. Bài hát này được tiếp tục chọn làm quốc ca:

Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền
Dù cho thây phơi trên gươm giáo
Thù nước lấy máu đào đem báo
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy
Người công dân luôn vững bền tâm trí
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
Công dân ơi mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm giống Lạc Hồng!

Cũng trong năm1956, Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa khai mạc, một trong những nhiệm vụ của Quốc hội là chọn quốc kỳ và quốc ca. Một số nhạc sĩ đã tham dự cuộc thi tuyển sáng tác quốc ca, như Phạm Duy với bài Chào mừng Việt Nam, Hùng Lân dự thi với hai bài: Nhân dân Cách mạng Việt NamViệt Nam minh châu trời Đông, Ngô Duy Linh với bài Một Trời Sao, Ngọc Bích và Thanh Nam với bài Suy tôn Ngô Tổng thống.

Sau đây là hai bài hát dự thi:

Chào mừng nền Cộng hòa Việt Nam

Chào Dân chủ mới

Chiếu nguồn ánh sáng mọi nơi.

Chào muôn năm bao anh hùng chiến sĩ

Chào bao thanh niên anh dũng hy sinh

Chào mừng anh em! Chào mừng Đoàn kết!

Lấy ý chí quốc gia xây đời văn minh.

Chào mừng nhân dân! Chào mừng thế giới!

Quyết chiến đấu xây đời tự do đẹp tươi.

Hoan hô Độc lập! Hoan hô Hòa bình!

Bông hoa Á châu, đây dân Việt Nam.

Hoan hô nụ cười! Hoan hô cuộc đời!

Vui tranh đấu không quên bao tình người.

(Phạm Duy, Chào mừng Việt Nam)

Năm 1944, Hùng Lân sáng tác bài hát Việt Nam minh châu trời Đông lúc 22 tuổi, được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc trong năm đó. Tác phẩm này sau được Quốc Dân Đảng dùng làm đảng ca từ năm 1945:

Việt Nam minh châu trời Đông

Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng

Non sông như gấm hoa

Uy linh một phương

Xây vinh quang ngất cao bên

Thái Bình Dương

Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi

Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời

Máu ai còn vương cỏ hoa

Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.

Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước

Hy sinh tâm huyết mong báo đền ơn nước

Dù thân này tan tành

Gói da ngựa cũng cam

Thề trọn niềm trung thành

Với sơn hà nước Nam.

(Hùng Lân, Việt Nam minh châu trời Đông)

Ủy ban chọn quốc ca trong Quốc hội rất khó khăn để chọn lựa và cuối cùng quyết định giữ lại bài Tiếng gọi công dân của Lưu Hữu Phước làm quốc ca của nước Việt Nam Cộng Hòa cho đến năm 1975.

V.QUÂN CA

Trong không khí chiến đấu của toàn dân, cả nước vang lên những hành khúc rộn ràng vang lên như thúc giục lòng người, nhiều nhất là những bài kháng chiến ca. Bên cạnh đó còn có những hành khúc vang lên từ lực lượng dự bị của bộ đội là các thiếu sinh quân. Bài hát dành cho lớp thiếu niên này là hành khúc của các lớp thiếu sinh quân:

Nhìn ngàn đám mây che mịt mùng rợp trời
Nhìn lớp lớp sóng trào từ muôn phương xa vời
Nhìn gió lốc cuốn bay mưa tuôn rơi
Đã giăng ngàn giông tố khắp nơi nơi
Cùng một lời thét vang trời Nam cùng một lời
Chúng ta nhìn gương người hào hùng ngàn đời
Cùng tiến đi nhanh chân ra sa trường
Chúng ta đi gìn giữ quê hương.
Đầy trời tiếng reo hò hòa cùng tiếng súng rền
Đoàn quân anh hùng liều mình xông pha tên đạn
Hồn nước thấm nhuần màu cờ máu ánh vàng
Cờ bay trong vinh quang trong tươi sáng.
Thề vì non sông, học sinh Trần Quốc Tuấn
Xua sài lang giữ yên biên thùy.
Thề vì tự do nào đoàn ta đi lên
Ngàn thuở nêu cao lá quốc kỳ.
Tiến, tiến, tiến theo lời non nước quyết tiến
Kề vai chen vai ta cùng đi trên đường dài
Tiến, tiến, tiến theo lời non nước quyết tiến
Gai góc chi sờn tấm lòng trai.
Tiến, tiến, tiến theo lời non nước quyết tiến
Đoàn quân anh linh ta thề phanh thây bạo tàn
Tiến, tiến, tiến theo lời non nước quyết tiến
Hi sinh cho Tổ quốc Việt Nam.

(Lưu Hữu Phước, Hành khúc Lục quân Trần Quốc Tuấn, 1946)

Đoàn thiếu sinh quân
Vượt đường chông gai và theo chí lớn
Khắp trời Việt, muôn dân đang cùng nhau reo hò
Quyết đi lên, nhịp nhàng

Theo chân toàn dân kháng chiến
Vang tiếng hò: Thiếu Niên, ta đi lên!
Đoàn chúng em đi
Đồng lòng em đi và em quyết thắng
Không phân biệt em Kinh

Hay là em Mán, Mường
Thái hay Đê, em là Việt Nam

Vùng lên chiến đấu
Khi căm thù dâng lên.
Đoàn ta vui tươi đi trong nắng vàng
Hồn ta vươn lên như ánh chiêu dương
Thiếu sinh quân! Thiếu sinh quân!
Như hoa mùa xuân đang tắm nắng vàng
Thiếu sinh quân! Thiếu sinh quân!
Đây măng mọc lên trong vườn hận thù
Còn vang dư âm oán thù bao lũ giặc
Giục ta đi lên thiếu sinh Việt Nam.

(Phạm Duy, Thiếu sinh quân)

Ngay từ năm 1945 tại chiến khu Mây Tào, Phạm Duy viết bài Xuất quân. Ở giai đoạn này, các bài hùng ca của ông có nhịp điệu hùng dũng nhưng ca từ vẫn mang đậm chất cổ điển:

Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm

Theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu.
Ði là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam.

Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha
Ngàn lời chính khí đưa, ầm ầm tiếng thét hòa
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa.
Hồn say khi máu xương rơi tràn ngập biên khu
Oán thù khắp nơi, từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa.

Ở bài hát sau đây, hình ảnh trong ca từ không chỉ mang tính chất cổ điển mà còn mang chất siêu thực khi tác giả vẽ nên một đoàn quân ma đi trong rừng chiều:

Mờ trong bóng chiều

Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng

Lạnh lùng theo trống dồn
Trên khu đồi hoang im trong chiều buông.
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang
Hồn quật cường nguyện

Mang đến phút chiến thắng
Sầu hận đời lấp tan.
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.
Rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh
Ơi người chiến sĩ vô danh…

(Phạm Duy, Chiến sĩ vô danh)

Bước đầu đi kháng chiến, trong một số bài hát Phạm Duy vẫn còn sử dụng hình ảnh ước lệ, cổ điển của chiến tranh thời xưa như gươm giáo, mài kiếm dưới trăng, sa trường, chiến y, xác không đầu, cánh tay rụng rời; còn âm nhạc với tiết tấu đan xen khi hùng tráng, khi ngâm ngợi:

Giờ đây xương máu đã phơi đầy đồng 
Giờ đây máu hồng đã nhuốm non sông. 
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú 
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên 
Đi lang thang, tiếng cười vang rú 
Xác không đầu nào kia. 
Cười lên tiếng máu xé tan canh trường 
Nợ nần máu xương, ai đã trả xong! 
Lá rụng tơi bời đoàn quân tiến qua làng 
Từng thanh kiếm đứt ngang 
Từng lớp áo rách mướp 
Từng cánh tay rụng rời 
Qua làn mây trắng đoàn quân tiến qua làng 
Ầm rung tiếng sa trường 
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng. 
Ai nghe không tiếng cười vang the thé 
Tiếng người la, những tiếng dồn dập xa 
Ai lang thang, tiếng cười lên chới với 
Xác không đầu mà vui. 
Người đi chiến đấu, xác rơi ngoài đồng 
Nợ nần máu xương, ai nấy trả xong!

(Phạm Duy, Nợ xương máu)

Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng
Bàn tay xinh ai nhuốm máu hồng
Và nhuốm mầu non sông.
Gươm tung lên như gió như mưa
Như muôn nghìn đấng linh hồn xưa
Như bao năm lòng dân đợi chờ
Chuyển sức chàng trai tráng gươm đưa.
Ôi nhớ tới hồi thanh kiếm múa
Sức oai linh trừ hết quân thù
Đầu rơi trong muôn tiếng réo hò
Ghi dấu cùng ngàn thu
Đến nay gươm thần chưa hết bén
Ta mong chờ ai người nâng kiếm lên.

(Phạm Duy, Gươm tráng sĩ)

Từ niềm say mê của tuổi xuân Phạm Duy sáng tác liên tục trên đường kháng chiến, trong đó có nhiều bài hát dành cho Vệ quốc quân. Ông đã miêu tả hình ảnh của lớp lớp thanh niên những ngày phấn khởi lên đường:

Một đoàn người trai hiên ngang 
Ðeo trên vai nợ máu xương
Vui ra đi không buồn nhớ thương
Một nụ cười tươi trên môi, mắt sáng quắc
Ðang âm thầm hẹn cùng

Non nước đi muôn phương.
Một rừng cờ phấp phới 
Một màu vàng chiêu dương
Và một nền vinh quang bằng máu
Một trời Việt yêu dấu
Một trời Việt mênh mang
Giục đoàn người lên đường hiên ngang…

(Phạm Duy, Khởi hành)

Việt Bắc (ứ ư), Việt Bắc (ứ ư)
Chốn đây rừng rú (ú u),

Chốn đây rừng núi (ý y)
Chốn đây chiều sương âm u
Chốn đây toàn dân biên khu
Theo Cha già tiến ra một mùa Thu…
Rừng còn mịt mùng đang chờ loài giặc đến
Núi rừng chập chùng lên sẽ là mồ thực dân.

(Phạm Duy, Việt Bắc)

Ra biên cương! Ra biên cương! 
Thiết tha lòng gái 
Hôm nay nâng khăn hồng 
Đưa chân anh hùng ngàn phương. 
Ra biên cương! Ra biên cương! 
Khói hôn hoàng xuống men rừng 
Qua con sông khuất ngàn nẻo thương 
Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước 
Hiu hiu, lá rơi lối mòn tuyết sương 
Sao băng trên vòm, mong qua đêm buồn 
Là ánh nắng đến, sáng soi tâm hồn

Người ngàn trùng quên niềm son phấn 
Biên ải như đuốc thiêng 
Ôi non nước linh truyền, ôi tiếng hát câu nguyền. 
Đời gai chông xin thề lưu luyến 
Biên ải xin hiến thân thấm thoát đã bao lần 
Bao người đi đền nợ máu xương. 
Người đi không về, 
Chắc rằng có người nhớ hương khói chiêu hồn 
Hiu hắt những chiều trận vong 
Đời vui thái bình cũng vì bao đời lính 
Tiếng hát công thành 
Thương nhớ những người tòng chinh.

(Phạm Duy, Đường ra biên ải)

Trong chiến dịch biên giới năm 1947, ông soạn một hành khúc mang tên của một địa chiến là Bông Lau:

Bông Lau, Bông Lau rừng xanh pha máu

Hương thơm sơn khê toàn dân ghi dấu

Khi quân ta tiến ra vung tay gươm chói lòa…

Bông Lau, Bông Lau, rừng xanh pha máu
Biên cương lưu danh nghìn đời về sau
Khi quân ta tiến ra là quân Pháp một đi không về…

(Phạm Duy, Bông Lau)

Năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao đã viết bài hùng ca mô tả không khí oai hùng khi đoàn quân trở về Hà Nội:

Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui

Lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố
Trùng trùng say trong câu hát

Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây.
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh.
Chúng ta ươm lại hoa

Sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu.
Những bông hoa ngày mai

Đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…
(Văn Cao, Tiến về Hà Nội)

Vệ quốc quân ngày mỗi phát triển với những binh đoàn chiến đấu, mạnh mẽ hơn cả là các chiến sĩ lục quân. Những bài hát xuất hiện như lời thúc giục đoàn quân tiến tới, tiếp bước cha ông bao đời chống quân giặc trong lịch sử để bảo vệ bờ cõi, non sông:

Dồn trong đêm vắng

Ngàn tiếng đồng loa vang lừng 
Đầu người lô nhô

Sát theo bờ núi sông hò reo 
Thây tan trong khói mây 
Tiến quân! Tiến quân theo! 
Nơi chốn sa trường

Dân Nam hồn thúc oai vang đời. 
Việt Nam hận đời đời 
Diệt quân Nguyên, quân lướt tới

Thây kề thây. 
Máu tuôn rơi theo mộ đường 
Mây nước chập chùng đi về đâu?
(Việt Nam hận đời đời… đi về đâu?)
Nhìn trong hơi gió

Thoảng bóng quân Nam lướt đi 
Thề cùng diệt tan giống tham tàn

Thúc quân vùng lên! 
Nơi đây đất nước Nam

Biết bao đấng anh linh 
Xác thân thay cùng

Cố tâm đền núi sông ơn nhà.

(Văn Giảng, Thúc quân)

Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng
Liều thân sống tranh đấu

Giữ gìn non sông
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Máu anh hùng ngàn đời

Nhuộm thắm núi sông.
Quyết tiến ta hát vang reo hò
Lòng cương quyết

Tranh đấu cho ngày tự do
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Bước anh hùng rạng danh

Nòi giống Tiên Rồng.
ĐK: Vết oai hùng ngàn xưa nay còn lưu dấu
Trên sử xanh nước Việt ngàn đời hùng anh
Chí quật cường toàn dân hy sinh tranh đấu
Khắp núi sông hùng mạnh nòi giống Tiên Rồng.
ĐK: Khúc khải hoàn cùng nhau ta đồng ca hát

Bao vẻ vang nước Việt ngàn trời rền vang

Ánh huy hoàng đời đời Việt Nam tươi sáng

Khắp sơn hà toàn dân đồng cất tiếng ca.

(Võ Đức Thu, Quyết tiến)

Một bài quân ca dành cho lực lượng lục quân này của một nhạc sĩ ở miền Trung từng tham gia kháng chiến. Bài hát với hình ảnh đoàn chiến binh oai hùng xông pha ra sa trường trong một tiết tấu mạnh mẽ:

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn 
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang 
Đi đi đi lời thề nguyền

Tung gươm thiêng thi gan tài 
Đời hùng cường quyết chiến đấu

Đoàn quân ra đi. 
Đây đoàn quân ra đi nhịp nhàng mang theo
Thiên hùng ca thắm tươi trời Nam bốn phương 
Ta anh hùng muôn quân phá tan cường binh 
Chí tang bồng mang theo khắp nơi tung hoành. 
Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng 
Nhịp trời mây đoàn quân cất bước đi mau 
Nơi biên cương muôn quân theo

Loa thét vang quyết chiến thắng

Thề một lòng chung sức

Xây Việt Nam quang vinh. 
Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha 
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù 
Đoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương 
Ta anh hùng đời đời Lục quân Việt Nam. 
Xa nhìn thấp thoáng trong mây 
Muôn bóng quân Nam chập chùng

Xây thành vinh quang tiến lên

Muôn đời Lục quân Việt Nam.

(Văn Giảng, Lục quân Việt Nam)

Trong đội quân non trẻ của đất nước, chúng ta chưa có đầy đủ các binh chủng. Tuy nhiên bước đầu do nhu cầu chiến đấu, thời đó còn sử dụng ngựa rất nhiều trong việc chuyển tải vũ khí, đạn dược, sau đó phát triển mạnh mẽ thành những đơn vị kỵ binh để hành quân trong các trận chiến ở vùng đồi núi, nơi mà đường sá không thuận tiện:

Dưới ánh ô vàng rầm rầm đoàn hùng binh

Ta tiến, cuốn gió cát
Vó câu rập rền, trùng trùng cờ hồng

Lấp lánh bay trong oai nghiêm.
Trên đường tranh đấu bao lần ghi dấu

Quyết đắc thắng, thanh thế vang lừng non nước
Quân thù gian ác mong lòng xâm chiếm

Sơn hà Nam quốc là toàn bại vong.
Trống thúc lương tâm, kèn kêu nung chí
Ngắm bước vinh quang, tiền đồ còn dài
Hàng ngũ quân ta còn nhiều người tài
Dày đạp chông gai mở lối tương lai.
Núi sông đất Việt tăng vẻ huy hoàng

Oai thế Nam quốc lừng xa bốn phương.
Cố tiến! Dồn bước! Vùng lên!
Ta hăng hái trải sang nghìn trùng

Đoàn ngựa chiến ta băng đường rừng.
Đồi ruộng băng qua

Gò nổng xông pha, nào kể bao xa
Ta cương quyết phòng thủ quê hương

Giữ gìn thanh danh
Tinh thần thượng võ luôn tươi sáng

Ngàn thu của người Việt Nam.

(Nguyễn Minh Triết, Kỵ binh Việt Nam)

Nhạc sĩ Lê Yên tham gia kháng chiến chống Pháp, trong thời kỳ đầu ông sáng tác bài hát khắc họa hình ảnh những kỵ binh anh dũng với nhịp điệu tươi vui, hùng tráng:

Ngựa phi ngựa phi đường xa
Tiến trên đường cát trắng trắng xóa
Tiến trên đường nắng chói chói lóa
Cánh đồng lúa in sát chân trời mây mây xanh lam.

Ngựa phi ngựa phi vượt lên

Tiến lên đường chiến đấu cố gắng
         Hát lên lời “Quyết chiến! Quyết thắng!”

Giành cơm áo xây đắp cho tự do vững bền.
Ghìm từ từ ngọn đồi dốc chiều từ từ
Suối chân đèo nước chảy lừ lừ
Cờ tung gió bay vượt lên phất phới.

Đồi chập chùng sườn đồi vó ngựa ngập ngừng
Tiến trên đường thoáng rộng tưng bừng
Đàn chim trắng đang tự do vẫy vùng.

Đèo cao ta mau vượt phăng phăng
Qua núi rừng băng băng

Có sá chi suối sâu đèo cao
Giật cương ta cho ngựa ta phi

Ta cho ngựa ta lao
Lao mình trong nắng mưa dãi dầu.

Giật cương nào phi thật mau
Quyết phen này chí khí chiến đấu
Thắng quân thù cố chấp khát máu
Đền nợ nước

Xây đắp cho ngày mai thêm vinh quang.

Vượt lên đi, vượt gian lao
Vượt lên đập tan mọi mưu mô
Vượt gian lao vượt lên đi
Dựng xây hòa bình ngàn muôn năm.

(Lê Yên, Kỵ binh Việt Nam, 1945)

Nhạc sĩ Văn Cao từng mơ ước rằng trong tương lai ta sẽ có hải quân và không quân. Niềm mơ ước đó thúc giục nhạc sĩ hình dung hai binh chủng cũng oai hùng trong trí tưởng của mình. Đây là hình ảnh của chiến sĩ hải quân:

1. Toán chiến sĩ hải quân ra khơi hôm nay 
Bờ nước Nam gió khơi nồng máu say 
Ra đi không vương thê nhi 
Miền Bắc núi tuyết rét mướt 
Quen vui trong muôn phân ly 
Sống trên ngàn trùng sóng. 
Thân phơi trên Nam Băng Dương 
Nước xanh hồn Thái Bình Dương.
ÐK: Ra khơi sóng vang dạt dào 
Mênh mông sóng va thân tàu 
Nghe âm vang ù ù át tiếng máy rầm rầm 
Quân ca theo trầm trầm, tàu nhấp nhô. 
Mờ xa mây núi dần xa mây núi 
Ði không quên bến bờ chờ.
Ra đi trùng dương bát ngát 
Ngày về Tổ quốc ghi công. 
2. Hướng tới ánh hải đăng

Soi trong đêm sương 
Ðoàn chúng ta chí tang bồng bốn phương 
Thi gan trong cơn phong ba 
Tàu thét khói lướt gió tiến 
Khi trăng trên boong in phơi 
Giấc mơ người ngàn ngàn bến 
Xông pha chung quên đau thương 
Với gia đình lớn trùng dương. 
(trở lại ÐK) 
3. Quyết chiến thắng

Thủy binh ngăn quân xâm lăng 
Hồn Yết Kiêu, máu sông Ðằng nhớ chăng? 
Say men năm châu tha phương 
Ðời khát máu, khát gió mới 
Tay tung bao thây yêu thương 
Xuống chôn vùi mồ cá! 
Hy sinh sao nêu cao gương 
Nước Nam miền Thái Bình Dương. 
(trở lại ÐK)

(Văn Cao, Chiến sĩ Hải quân, 1945)

Và đây là hình ảnh chiến sĩ không quân tung hoành vượt trên mây xanh với ước nguyện quyết chiến để bảo vệ bờ cõi. Dù lực lượng hồi ấy còn non trẻ, chưa thể hình thành binh chủng không quân nhưng bài hát đem lại niềm tự hào cho các chiến binh cầm súng để giành lại độc lập cho nước nhà:

Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới

Quyết chiến đấu
Ðã chiếm chiến công ngang trời
Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới

Quyết chiến thắng
Ði không lo gì xác rơi.
Lúc đất nước muốn

Bao người con thân yêu ra đi
Hối tiếc tấm thân làm chi
Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió

Quyết chiến thắng
Nhớ lấy phút giây từ ly.
Ta là đàn chim bay trên cao xanh
Khi nhìn qua khói những kinh thành xa
Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh
Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng.
Ðây đó hồn nước ơi!
Không quân Việt Nam lướt trên ngàn mây gió
U u u u u u…
Ôi phi công danh tiếng muôn đời
Nhìn xa phi trường Việt Nam
Không quân ra đi cánh bay rợp trời.

U u u u u u…
Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi.
Đàn chim dù bay ngàn phương cũng về
Ðể rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời
Cùng ngàn kiếp chim
Đoàn ta càng đi càng xa
Quyết khi về đem lại đây

Chiến công dù thân mồ quên lấp chìm.

        (Văn Cao, Không quân Việt Nam)

Cùng với bài quốc ca, các bài hát Lục quân Việt Nam của Văn Giảng, Chiến sĩ Hải quânKhông quân Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao sau này cũng đã trở thành bài hát chính thức của các binh chủng của quân đội miền Nam.

Bên cạnh những bài hành khúc của người chiến sĩ, còn có những bài hùng ca giãi bày tình cảm thương mến dành cho những người trai ra đi vì sông núi, những người con thân yêu vì đất nước mà phải xếp bút nghiên lên đường:

Có những người anh tôi chưa biết tên 
Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên 
Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến 
Quên tình yêu riêng xông pha chiến tuyến. 
Có những người anh tôi quen đã lâu 
Năm tháng kề nhau chia bao khổ đau 
Thôn quê xa vắng hôm nào biệt ly 
Không ngại ngùng đi trong ánh nắng đào… 
Anh hỡi người trai đi trong gió sương 
Lưu luyến gì không khi xa cố hương 
Non sông hoa gấm đang chờ nơi anh 
Mang về vinh quang tự do no ấm. 
Ðâu những mùa xuân hoa khoe sắc tươi 
Ðâu những mùa thu nghe lá úa rơi 
Yêu sông yêu núi tươi cười ra đi 
Anh là người tôi thương mến muôn đời.

(Võ Ðức Hảo, Có những người anh)

Và khi trở về, họ được người dân đón mừng với biết bao thương mến đầy vơi, với bao lời hỏi han, chia sẻ:

Anh về Thủ đô nước Nam tự do 
Chút quà mừng anh chiến binh đường xa 
Là muôn tấm lòng thương yêu các anh 
Ðã hy sinh vì giống nòi. 

Anh về Thủ đô biết bao là vui 
Ðã để lại đây mến thương đầy vơi 
Người dân nước Việt thương yêu đón anh 
Ðón anh trai hùng bước qua… 

Anh về Thủ đô chúng tôi chờ mong 
Với vạn niềm tin với muôn tình thương 
Ðiểm tô phố phường người trai áo xanh 
Phố hoa pha màu lá rừng. 
Anh về Thủ đô ấm êm lòng tôi 
Ðứng lại gần nhau nói câu chuyện vui 
Chuyện hai chúng minh gặp nhau chốn đây 
Lúc quân dân cùng nắm tay.  

(Y Vân, Anh về Thủ đô)

Tác giả Minh Duy vốn là sinh viên Trường đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau khi dự lễ đón đoàn quân chiến thắng trở về vào đầu thập niên 1960, với niềm xúc động trước hình ảnh đoàn quân oai hùng, ông trở về gác trọ và sáng tác ngay một bài hát rồi đem đến Đài Phát thanh Quân đội Sài Gòn. Nhạc sĩ Đan Thọ đã đón nhận, cho tập dượt và phát thanh bản nhạc này chỉ sau một tuần lễ:


Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng
Cùng nhau hòa câu hát thành công 
Lớp lớp xanh phai màu thấy phất phơ ngang đầu 
Màu cờ tung bay trước gió. 
Kìa đoàn quân chiến thắng trở về với xóm làng 
Thành công còn ghi nơi đầu súng 
Những tấm gương kiêu hùng 

Thấp thoáng vui trong lòng 
Bầu trời Thủ đô đón mừng. 
Thủ đô ơi Thủ đô, đoàn quân ta đã về đây 
Tiếng reo vang vang dậy một trời 
Lớp lớp tinh kỳ bay phất phới 
Thủ đô ơi Thủ đô, đoàn quân ta đã về đây
Sau bao nhiêu ngày luôn ước mơ 
Ngày chiến thắng quay về chốn xưa… 
(Minh Duy, Bài ca chiến thắng)

Giai đoạn 1972-1974, nhạc sĩ Anh Việt Thu hợp tác với hãng Đĩa hát Việt Nam thực hiện một số băng nhạc cổ vũ tín hiệu hòa bình. Khi làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh Quân Đội, ông viết một bài hùng ca với nhịp điệu hùng dũng: 

Trên đầu súng ta đi Tổ quốc đã vươn mình

Trên lưỡi lê căm hờn hờn căm như triều sóng

Ôi xôn xao chiêng trống hối thúc

Đã giục giã khắp chốn rộn ràng

Ôi lửa thiêng dậy bập bùng

Tay đốt lửa tay vung kiếm.

Trên đầu súng xâm lăng

Xiềng xích với bạo tàn

Trên lưỡi lê nô lệ cùm gông phải gục ngã

Tay nâng niu cây súng súng thép

Với đạn đồng mới đã lên nòng

Và những loạt đạn đồng vàng

Vun lúa trổ tràn đồng sâu.

Cho quê hương ta rạng ngời

Cho yêu thương cao vời vợi

Cho quê hương ta những đóa tuổi xuân

Để mai đây nghe nắng dậy hòa bình

Ðể ông cha còn nắm đất phủ mình

Ôi quê hương ta nước Việt Nam

Từ đó dâng lên nhà máy với công trường

Những xí nghiệp, ngôi trường

Nhà thương và hầm mỏ

Ôi bao la thăm thẳm bát ngát

Cánh đồng vàng với lũy tre xanh

Và tiếng ê a đầu làng

Là kinh nguyện cầu cho người gục xuống.

(Anh Việt Thu, Trên đầu súng ta đi)

oOo

Nhìn lại ca nhạc trong thời gian chiến tranh, chúng ta nghe phần lớn những bài hát bày tỏ tâm trạng đau buồn của người dân trải qua những thảm cảnh lâu dài, điều đó là tình cảm tất yếu không tránh khỏi. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn mãi những bài hát tự hào về lịch sử, về lớp thanh niên yêu nước sẵn sàng lên đường chống giặc ngoại xâm trong kháng chiến chống Pháp, trong bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Đó là những âm điệu hào hùng luôn gây niềm phấn chấn cho một dân tộc trải qua những cuộc chiến dằng dai khiến đất nước điêu linh. Những bài hùng ca luôn là niềm tin yêu mãnh liệt trong cuộc sống của bao thế hệ thanh niên trót sinh ra trong chiến tranh, đóng góp xứng đáng vào di sản âm nhạc của đất nước ta.

LỜI KẾT

Âm nhạc là tiếng kêu của con người, đôi khi là bản phác thảo của số phận con người. Sức truyền cảm của những giai điệu có thể là lực hấp dẫn cuốn hút những trái tim để rồi lưu giữ trong tâm hồn mỗi người. Nó có một vị trí quan trọng trong đời sống tình cảm của con người, một nhu cầu thực thụ trong đời sống tinh thần của một cá nhân, một xã hội, một cộng đồng. Con người được giao cảm với thế giới âm nhạc qua những giai điệu bài hát có thể gợi lên những niềm vui, nỗi buồn, những nhịp đập của hoan ca hay bi ca trong trái tim chúng ta. Âm nhạc cho ta biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, của tình ái, của cuộc sống đời thường hay thế giới mộng tưởng. Thế giới âm nhạc với cung bậc âm thanh là đôi cánh diệu kỳ nâng tâm hồn con người bay lên cao. Âm nhạc đủ sức làm lòng người buồn bã nhưng cũng đủ sức làm phấn khởi tinh thần của nhiều thế hệ. Âm nhạc trung thành với cuộc sống thực tại nhưng đôi khi cũng từ thực tại bay bổng thành những giấc mơ tươi đẹp về cuộc sống. Người nhạc sĩ hát cho chính mình, cho bạn bè, cho lứa đôi, cho quê hương, cho thân phận. Đó là lời ru buồn bã của người mẹ trong đêm khuya, là tiếng reo vui của con suối trên bước đường giang hồ, là tiếng gầm thét của thác nguồn vang dội vào vách núi, là màu mây trắng lững lờ trên bầu trời xanh lơ của quê hương, là tiếng rì rào của ruộng lúa xanh um bên đường, là nhịp chèo khoan thai trên dòng sông lặng lờ trong một chiều buồn, là tiếng buồn nỉ non khi người tình xa vắng, là tiếng gào thét làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong lòng người nhiệt thành và say mê trong trái tim của những chàng trai thế hệ… Tất cả âm thanh đó có thể tìm thấy trong các bài hát của chúng ta.

Âm nhạc của giai đoạn vừa qua cho ta hình dung được cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống trên quê hương Việt Nam, cho ta hiểu được thế giới tâm hồn của người Việt qua biểu hiện tác phẩm của người nghệ sĩ được bay bổng tự do trong niềm sáng tạo. Từ những trang sách trên đây, ta có thể nhận ra được một phác họa tổng quan về một giai đoạn lịch sử âm nhạc của Việt Nam. Thời kỳ đó được phát triển dựa trên những tính chất thiết yếu và được thể hiện như thế nào.

Trước hết, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ở đây đều có tính liên tục lịch sử. Những giá trị nghệ thuật cận đại có từ trước đều được chúng ta bảo lưu, kế thừa và phát triển. Mọi khuynh hướng nghệ thuật âm nhạc của bao thế hệ cha anh đều được đón nhận, gìn giữ với tình cảm trân trọng. Không hề có một sự đứt gãy, một sự phủ nhận quá khứ nào. Các tác giả được quần chúng yêu thích bao giờ cũng được ghi nhớ với những giá trị tinh thần họ để lại cho đời. Những giá trị đó như là nền tảng để những thế hệ sau tiếp tục bồi đắp, phát triển nguồn mỹ cảm; đồng thời với tinh thần khai phóng, họ dễ dàng tiếp nhận những trào lưu tư tưởng và nghệ thuật mới lạ để làm giàu cho tinh thần, miễn là phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc. Chính nhờ vậy mà người nghệ sĩ có thể tạo một thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ với những phong cách riêng, cá tính sáng tạo riêng để làm giàu có, phong phú và đa dạng cho sáng tạo và sinh hoạt âm nhạc chúng ta. Mặt khác, người nghệ sĩ được tự do có chính kiến riêng, có thể thiên về khuynh hướng này hoặc khuynh hướng khác mà không hề ai có quyền phê phán. Bởi vậy dù có khác biệt trong quan điểm, trong tính cách, họ vẫn có thể ở bên nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng sinh hoạt bên nhau để mang lại cái đẹp cho đời. Họ được chọn lựa con đường nghệ thuật riêng của chính mình. Tác phẩm của họ có thể mang màu sắc dân gian hay hiện đại, lãng mạn cách mạng hay lãng mạn trữ tình, chiến đấu hay phản chiến, hiện thực hay viễn mơ… tùy theo sở thích, sở trường, tâm lý cá nhân. Nhưng dù chọn con đường nào họ đều được tự do sáng tạo, không hề bị bó buộc, câu thúc hoặc bị áp lực phải theo một đường lối quy định nào đó. Tác phẩm âm nhạc không hề bị dẫn dắt theo một hệ quy chiếu chính trị hay quan điểm lịch sử nào cả.

Âm nhạc chúng ta bàn đến ở đây còn mang tính nhân bản, có nghĩa lấy con người làm cứu cánh. Với nguồn ảnh hưởng của triết thuyết mới được du nhập từ phương Tây, người nhạc sĩ luôn nhìn tha nhân như một hữu thể hiện sinh, vì vậy con người ở đây là con người của cá nhân có số phận, con người biết thương yêu, biết đau buồn hay hạnh phúc được thể hiện bằng những giai điệu rung lên tự trái tim mình. Âm nhạc như thế phục vụ cho con người, không vì một tập thể nào, một chính đảng nào, một lợi ích nào ngoài tâm tình biết hiến dâng cho đời của người nghệ sĩ. Thế giới âm nhạc của họ hướng tới mọi con người đang sống trong cùng một cộng đồng, biết ngợi ca cái hay, cái đẹp để con người nâng đôi cánh tâm hồn bay về thế giới thanh cao, về thế giới chân thiện mỹ, lấy cái đẹp của nghệ thuật để cứu rỗi tâm hồn.  

Âm nhạc của chúng ta mang rõ rệt nhất tính hiện thực. Người nhạc sĩ luôn bị ràng buộc với hiện thực trước mắt, luôn gắn bó với xã hội, với quê hương mình đang sống. Họ là chứng nhân thời đại đáng tin cậy. Từ đó họ nhận ra hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, họ chia sẻ với biết bao cảm xúc của người trong cuộc. Người ra đi từ miền Bắc mang nỗi buồn phân ly, từ đó vọng lên những giai điệu buồn thương, tiếc nhớ về một quãng đời đã qua nơi cố hương cùng với biết bao kỷ niệm êm đềm một thời quá vãng. Họ luôn nhớ về mảnh đất xưa, nơi chôn nhau cắt rốn hoặc trải qua những đoạn đời thơ mộng. Song khi cảm xúc nguôi ngoai họ sẽ hòa nhập với cuộc sống trên quê hương mới sau khi cuộc chiến đi qua. Quê hương sẽ không còn cảnh điêu tàn vì khói lửa, mọi người bên nhau trọn niềm tin yêu, chung sức xây dựng cuộc sống mới trong khung cảnh thái hòa của đất nước. Âm nhạc lúc này cho ta nghe được tiếng reo hò, tiếng thương yêu của những tâm hồn biết hướng về một nẻo đường tương lai tươi sáng mà họ đã chọn lựa. Họ ca ngợi quê hương tươi đẹp qua những giai điệu tươi vui, rộn rã khi được đi qua mọi miền đất nước. Họ ca ngợi tình yêu qua lời ca vọng lên từ cõi lòng sâu kín khi được sống cuộc đời ấm êm. Mọi sắc thái tình cảm được gieo trên những cung bậc yêu thương bất tận.

Nhưng rồi không lâu sau đó người Việt lại rơi vào một thảm cảnh mới, tai ương lại đổ lên đầu họ. Bao khổ đau lại chất chồng vì chiến tranh lại trở về, khốc liệt hơn, bi thảm hơn, ai oán hơn. Bao con người ngã xuống trên quê hương, bao dòng máu đỏ trôi thành sông, bao xương trắng chất thành núi. Tiếng lòng thổn thức, trầm uất, đau đớn dài tận thiên thu vang lên dưới bao góc trời khói lửa tang thương được nhiều nhạc sĩ tài hoa thể hiện trọn vẹn trong nhiều bài ca chân thật của họ. Ta tìm thấy họ trong hình ảnh những chàng trai của thế hệ sinh ra trong chiến tranh bị cuốn vào những trận chiến đấu khốc liệt. Ở đây ta không nghe thấy lời ca mang âm hưởng của hận thù tàn bạo, của căm hờn sục sôi mà là tiếng lòng của những chàng trai phải xếp bút nghiên, rời quê nhà đi bảo vệ non sông trên khắp mọi miền đất nước. Họ rời mái trường cũ, đứng chung hàng ngũ cùng lớp trai thế hệ, vai súng vai đàn để giữ yên cuộc sống cho người dân. Đôi khi hoàn cảnh chiến tranh kéo dài trên đất nước khiến tâm hồn họ chùng xuống. Những trận chiến hung tàn, khốc liệt làm buồn lòng họ, những lúc đó những giai điệu phản chiến vang lên. Họ ước mong sao cho hết chiến tranh, hết cảnh điêu tàn, họ sẽ giã từ vũ khí, trả nợ tang bồng, mong có được ngày hòa bình để về lại quê xưa sống cuộc đời ấm êm bên người thân và gia đình.

Bên cạnh những dòng nhạc đó, ta còn thấy bao lớp trẻ đem sức mình đi xây dựng quê hương từ trong điêu tàn vì lửa đạn. Họ cất cao tiếng hát thanh xuân với niềm tin rực sáng, họ đến với đồng bào với cả nhiệt tình để xây một mái tranh quê, một giếng nước cho làng xóm, sửa lại lớp học xiêu vẹo cho đàn em thơ đến trường… Đó là thành quả của công tác xã hội mà người thanh niên tự đặt ra cho mình, ở đó luôn vang lên tiếng hát tập thể, của cộng đồng những người du ca biết yêu quê hương. Âm nhạc như thế đâu chỉ là tiếng lòng buồn bã của cảnh tang thương, của chết chóc mà còn là niềm vui rộn rã lan tỏa trong lòng thế hệ qua những hành khúc tươi sáng, yêu đời mà họ viết nên từ trong cuộc sống trước mắt.

Âm nhạc còn có mặt trên mọi nẻo đường, trong các sinh hoạt tập thể, cộng đồng đem lại sinh khí cho cuộc sống. Ở đó các lứa tuổi từ thiếu niên đến thanh niên cùng nhau được học kỹ năng sống trong các hội đoàn, ở đó họ không ngừng cất lên tiếng hát vui tươi, sinh động. Những bài ca rộn rã như thúc giục mọi trái tim biết yêu cuộc đời, yêu quê hương đất nước. Đó còn là những bài sử ca oai hùng nói lên niềm tự hào về lịch sử dân tộc, những tấm gương anh hùng qua các thời đại luôn là bài giáo dục sâu sắc cho bao thế hệ thanh niên. Đó còn là những hành khúc của bao lớp thanh niên từ những ngày kháng chiến chống Pháp cho đến những khúc quân hành của bao người trai đi vào cuộc chiến gìn giữ quê hương sau này.

Chính từ trong môi trường sáng tạo tự do, những nhạc sĩ của nền âm nhạc chúng ta có được điều kiện để viết nên những giai điệu từ những rung động chân thành của con tim, của cảm xúc dâng trào trước những đề tài không hạn chế. Và đề tài muôn thuở của người nghệ sĩ chính là tình yêu đôi lứa, một nguồn cảm xúc bất tận. Ở đó ta tìm thấy những tình cảm say đắm của yêu thương, những niềm vui của tình yêu trọn vẹn hay những nỗi buồn của tình yêu dang dở. Mọi sắc thái của tình yêu được bày tỏ trọn vẹn của biết bao thế hệ nhạc sĩ đã làm cho nền âm nhạc chúng ta phong phú và đa dạng. Và như thế ta có một nền âm nhạc với đông đảo các nhạc sĩ sáng tác với một khối lượng những bài tình ca đồ sộ lên đến hàng chục ngàn bài hát. Bên cạnh đó có biết bao ban nhạc, nhóm nhac với nhiều nhạc công và ca sĩ nhiều thế hệ liên tục lớp này đến lớp khác mang lại lời ca, tiếng hát làm đẹp cuộc sống trong suốt hai mươi năm dài chiến tranh trên dải đất đầy thương mến của chúng ta.

Cùng với các bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc đã giữ một vai trò lớn trong đời sống tinh thần của người dân Việt và đã để lại cho các thế hệ sau một di sản có giá trị trong lịch sử nghệ thuật văn hóa của dân tộc ta.

– HẾT-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. SÁCH:

– Viện Sử học, Việt Nam, những sự kiện 1945-1975, hai tập, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1975-1976.

– Lưu Văn Lợi – Nguyễn Hồng Thạch, Pháp tái chiếm Đông Dương  & chiến tranh lạnh, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2002.

– Mai Văn Bộ, Từ Genève đến Paris, NXB Trẻ, TP.HCM, 2002.

– Nguyễn Hữu Đức, Việt Nam – những cuộc chiến chống xâm  lăng trong lịch sử, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2001.

– Giôdep A. Amtơ, Lời phán quyết về Việt Nam, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1985.

– Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2003.

– Nhiều tác giả, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 20,  những vấn đề lịch sử – văn hóa, NXB Trẻ, TP.HCM, 2000.

– Nguyễn Quang Lê, Từ lịch sử Việt Nam nhìn ra thế giới, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội, 2001.

– Nhiều tác giả, Việt Nam – cuộc chiến không quên, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2001.

– Trần Thái Bình, Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2001.

– Hoành Linh Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1995.

– Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí văn hóa  TP. Hồ Chí Minh, bốn tập, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1998.

– Nguyễn Văn Tuấn, Chất độc da cam, dioxin & hệ quả,  NXB Trẻ, TP.HCM, 2004.

– Lý Chánh Trung, Đối diện với chiến tranh, NXB Trẻ, TP.HCM, 2000.

– Hồ Hữu Nhựt, Lịch sử giáo dục Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh  (1698 – 1998), NXB Trẻ, TP.HCM, 1999.

– Nhiều tác giả, Lược sử Đoàn & phong trào thanh niên TP. Hồ Chí Minh (1954-1975), NXB Trẻ, TP.HCM, 2001.

– Thành Đoàn Huế, Những sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh đô thị của thanh niên sinh viên học sinh Huế (1954-1975), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Huế xuất bản, Huế, 1989.

– Nguyễn Văn Lục, Hai mươi năm miền Nam 1955-1975, NXB Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ, 2010.

– Trần Hữu Tá, Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB TP Hồ Chí Minh, 2000.

– Nhiều tác giả, Theo nhịp khúc lên đàng, NXB Trẻ, TP.HCM, 2000.

– Nhiều tác giả, Chúng ta đã đứng dậy, tập 2 (1969-1975), NXB Trẻ, TP.HCM, 2014.

– Nhiều tác giả, Nhân sĩ-trí thức Sài Gòn-Gia Định đồng hành cùng dân tộc (giai đoạn 1954-1975), 2 tập, UBMTTQ TP.HCM xb, 2013.

– Huỳnh Văn Tiểng, Bùi Đức Tịnh, Hoàng Mai Luu & các ca khúc trong  phong trào âm nhạc cách mạng, NXB Trẻ, TP.HCM, 2002.

– Huỳnh Văn Tiểng, Xếp bút nghiên lên đàng, NXB Trẻ, TP.HCM, 2002.

– Nhiều tác giả, Từ xếp bút nghiên lên đàng đến xuống đường dậy mà đi, NXB Trẻ, 2010.

– Huỳnh Ngọc Trảng, Cao Tự Thanh, Sưu tập về Nguyễn Thái Bình, Sở Văn hóa-thông tin Long An xuất bản, 1984.

– Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam, NXB Trí Đăng, Sài Gòn, 1973.

– Lê Văn Nuôi, Sài Gòn, dậy mà đi (ký), NXB Trẻ & báo Tuổi Trẻ, TP.HCM, 2000.

– Lê Thanh Văn, Thỏ chống hùm, NXB Trẻ, TP.HCM, 1997.

– Võ Quê, Lửa đường phố, bản thảo, 2002.

– Lữ Phương, Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư  tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1981.

– Nhiều tác giả, Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa- tư tưởng, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1980.

– Phong Hiền, Chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam, NXB Thông Tin Lý Luận, Hà Nội, 1984.

– Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên,  Âm nhạc mới Việt Nam – tiến trình và thành tựu,  Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2000.

– V.A. Vakh’ramêep, Lý thuyết âm nhạc cơ bản, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1982.

– Nguyễn Thị Nhung, Hình thức âm nhạc, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1997.

– Tống Ngọc Hạp, Danh từ âm nhạc, NXB Minh Tân, Paris, 1954.

– Nhiều tác giả, Almanach – những nền văn minh thế giới, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.

– Đỗ Huy, Mỹ học- khoa học về các quan hệ thẩm mỹ, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2001.

– Nguyễn Hào Hải, Một số học thuyết triết học phương Tây hiện đại, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2001.

– Trần Thiện Đạo, Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc, NXB Văn Học, Hà Nội, 2001. 

– Huỳnh Như Phương, Những nguồn cảm hứng trong văn học, NXB Văn Nghệ, TP.HCM, 2008.

– Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, NXB Văn Học, Hà Nội, 2005.

– Nguyễn Tiến Dũng, Chủ nghĩa hiện sinh: lịch sử, sự hiện diện ở Việt Nam, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006.

– Phạm Minh Lăng, S. Freud & tâm phân học, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000.

– Dương Viết Á, Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2000.

– Nhiều tác giả, Về đặc trưng của nội dung âm nhạc, NXB Văn Hóa, Hà Nội,   1985.

– Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam (1945- 1975), tập 2, NXB Đại Học & THCN, Hà Nội, 1983.

– Nguyễn Vy Khanh, Văn học miền Nam 1954-1975, Nguyễn Publishings, Toronto, 2016.

– Phan Cự Đệ, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945), NXB Văn Học,  2002.

– Đỗ Đức Dục, Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương Tây, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1981.

– Hoàng Ngọc Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, NXB Văn Nghệ, 2002.

– Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1942.

– Hoàng Tố Mai (chủ biên), Di sản văn học lãng mạn – những cách đọc khác, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2017.

– Trần Mai Châu, Thơ Pháp thế kỷ XIX, NXB Trẻ, TP.HCM, 2003.

– Ramon Guthrie, George E. Diller, French literature and thought since the revolution, Harcourt, Brace Company Inc., USA, 1942.

– Paul Foulquié, L’existentialisme, Presses Universitaires de France, 1947.

– Encyclopédie de la Pléiade, Histoire des littératures II, Bruges, 1956.

– Claude Rostand, La musique allemande, NXB PUF, Paris, 1967.

– Kurt Pahlen, La grande aventure de la musique, bản dịch tiếng Pháp của Annie Mesritz, Collection Marabout, 1947.

– Nhiều tác giả, Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn Học, 1998.

– Nguyễn Trọng Văn, Phạm Duy đã chết như thế nào, Văn Mới xuất bản, Sài Gòn, 1971.

– Nhiều tác giả, Tiếng hát những người đi tới, NXB Trẻ, báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ hợp tác xuất bản, TP.HCM, 1993.

– Nhiều tác giả, Tuyển tập thơ nhạc họa Việt, NXB Trẻ, TP.HCM, 1998.

– Nhiều tác giả, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên và những ngày đầu của tân nhạc Việt Nam, NXB Trẻ, TP.HCM, 2000.

– Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Việt Nam, Hội NSVN xb, Hà Nội, 2007.

– Nhiều tác giả, Tiếng hát Việt Nam (1930-1963), NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1975.

– Nhiều tác giả, 50 năm miền Nam ca hát, NXB Văn Nghệ & Hội Âm nhạc TP.HCM, 1996.

– Nhiều tác giả, Hát cho đồng bào tôi nghe, Hội Sinh viên sáng tác, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, 1970.

– Nhiều tác giả, Đồng bào ta cùng hát, Hội Sinh viên sáng tác, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, 1971.

– Tôn Thất Lập – Nguyễn Phú Yên, Tiếng ca giữ nước, Hội Sinh viên sáng tác, Tổng hội Sinh viên Huế, 1970.

– Nhiều tác giả, Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2001.

– Nhiều tác giả, Trịnh Công Sơn cát bụi lộng lẫy, NXB Thuận Hóa – Tạp chí Sông Hương, Huế, 2001.

– Nhiều tác giả, Trịnh Công Sơn một người thơ ca một cõi đi về, NXB Âm Nhạc, Hà Nội, 2001.

– Nhiều  tác giả, Trịnh Công Sơn – cuộc đời âm nhạc thơ & suy tưởng, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

– John C. Schaper, Trịnh Công Sơn Bob Dylan – như trăng và nguyệt?,  NXB Trẻ, TP.HCM, 2012.

– Trịnh Công Sơn, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB Âm Nhạc, Hà Nội, 1995.

– Trần Văn Khê, Hồi ký, năm tập, NXB Trẻ, TP.HCM, 2001.

– Trần Văn Khê, Trần Văn Khê & âm nhạc dân tộc, NXB Trẻ, TP.HCM, 2000.

– Trần Văn Khê, Văn hóa với âm nhạc dân tộc, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000.

– Trần Văn Khê, Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy-Khê, Phương Nam Book, TP.HCM, 2013.

– Phạm Duy, Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, NXB Trẻ, TP.HCM, 2006.

– Phạm Duy, Kỷ vật chúng ta, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sài Gòn, 1971.

– Nhiều tác giả, Tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, NXB Văn Học, 2010.

– Jason Gibbs, Rock Hà Nội & Rumba Cửu Long, NXB Tri Thức, 2008.

– Trương Quang Lục, Ca khúc vượt thời gian, tập 1&2, NXB Trẻ, TP.HCM, 2003.

– Nhiều tác giả, Tuyển tập 100 ca khúc tiền chiến, NXB Trẻ, TP.HCM, 2001.

– Đỗ Kim Bảng tuyển chọn, Nhạc tiền chiến, NXB Kẻ Sĩ, Sài Gòn, 1970.

Tập nhạc Lưu Hữu Phước, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, 1976

– Trần Văn Bùi, Nhạc hồng, 20 bài hát dành cho thiếu nhi & học đường, Hướng Dương xuất bản, Sài Gòn, 1972.

– Nhiều tác giả, Sử ca Việt Nam, NXB Thanh Niên, TP.HCM, 2008.

– Hoàng Trọng, Một đời còn lại (tuyển tập ca khúc gồm 116 bài), bản vi tính do nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô, con trai đầu của nhạc sĩ Hoàng Trọng, chép lại và lưu giữ, 2005.

– Nhiều tác giả, Tuyển tập 101 ca khúc tiền chiến và lãng mạn, NXB Văn Hóa Thông Tin, TP.HCM, 2005.

Thiếu nhi ca, tuyển nhạc dành cho thiếu nhi, NXB Khai Hóa, Sài Gòn, 1971.

Hát từ đất mẹ, Văn Nghệ Quân Đội xb, Sài Gòn, 1969.

– Phạm Thế Mỹ, Trái tim Việt Nam, Đối Diện xb, Sài Gòn, 1971.

Ta đi trên dòng lịch sử, tập 3 Phong trào Du ca Việt Nam xb, Sài Gòn, 1971.

Hát cho những người sống sót, 12 nhạc sĩ du ca Việt Nam, Bút Nhạc xb, Sài Gòn, 1973.

Khi mùa dứt chiến chinh, Đoàn Du ca Đà Nẵng ấn hành, 1973.

14 khuôn mặt Du ca Việt Nam, Hiện Đại xb, Sài Gòn, 1973.

– Anh Việt Thu, Đường chúng ta đi, Kẻ Sĩ xb, Sài Gòn, 1972.

Những ca khúc một thời vang bóng, 1930-1950, NXB Hiện Đại, Sài Gòn, 1970.

– Lê Hữu, Âm nhạc của một thời, Tủ sách T.Vấn & Bạn hữu, ấn bản điện tử, 2017.

– Lê Thiên Minh Khoa, 9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2019.

 – Phan Trang Hy, Phạm Duy và lời ca lắng đọng, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2021.

  1. BÁO CHÍ:

– Một số tạp chí ở miền Nam trước năm 1975:

Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn, Văn Nghệ, Văn Học, Phổ Thông, Thời Nay,  Bách Khoa, Đối Diện, Đứng Dậy, Tin Văn, Việt, Hành Trình, Trình Bầy

–  Một số nhật báo và tạp chí trong nước sau năm 1975:

Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Thanh Niên, Văn Hóa & Thể Thao, Sông Hương, Kiến Thức Ngày Nay, Văn Học, Âm Nhạc, Nghiên Cứu Văn Hóa Nghệ Thuật…

– Bửu Nam, Trò chuyện với Trần Đình Sử…, tạp chí Sông Hương số 156, tháng 2-2002.

– Trần Đình Sử, Thơ mới và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình tiếng Việt, tạp chí Văn Học, số 6, tháng 11&12 -1993.

– Lê Huy Trâm, Ông Ninh – một hiện tượng văn hóa dân gian, tạp chí Văn Học, số 8, tháng 8 -1994.

– Vũ Tự Lân, Văn Cao – từ ca khúc lãng mạn đến ca khúc cách mạng, tạp chí Nghiên Cứu Văn Hóa Nghệ Thuật, số 6 (114), 1993.

– Jason Gibbs, Reform and tradition in early vietnamese popular song, www.vmdb.com.

– Jason Gibbs, The origins of vietnamese popular songs.

– Jason Gibbs, Nhạc tiền chiến: khởi đầu của ca khúc phổ thông Việt Nam, Nguyễn Trương Quý dịch, talawas, 3-2006.

– Eric Henry (University of North Carolina), Tan nhac: Notes toward a social history of vietnamese music in 20th century, Michigan Quartely Review, winter 2005, pp 135-147, www.umich.edu/~mqr/winter05.htm.

– Eric Henry, Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại, Phố Tịnh dịch, Southeast Rewiew of Asian Studies 27, 2005, www.talawas.org, 22-11-2005.

– Trần Hữu Thục, Đi vào thế giới ca từ Trịnh Công Sơn,

– Trần Hữu Thục, Tính chất hiện thực trong nhạc kháng chiến của Phạm Duy,  http://phamduy.com/vi/am-nhac/chu-de/khang-chien-ca/5248

– Lê Trương, Phong trào Tâm ca (1965), talawas, 20-10-2004.

– Lê Trương, Phân tích các phong trào văn nghệ tranh đấu tại miền Nam từ 1965 đến 1969, talawas,

III. CD-ROM:

– Encylopédie Hachette multimédia1999

– Encarta encyclopedia 2002

IV. CD, VCD, DVD:

– Nhiều đĩa nhạc của các hãng băng đĩa trong nước và hải ngoại.

V. WEBSITE:

– http://www.google.com – http://www.vi.wikipedia.org

– http://www.panvietnam.com – http://www.hoatieu.com

– http://www.encarta.msn.com – http://www.vietnamwar.net

– http://www.ac-rouen.fr/pedagogie/equipes/lettres/

– http://www.poetes.com – http://www.netcenter-vn.net

– http://www.vdc.vn – http://www.hue.vnn.vn

– http://www.giaidieu.net – http://www.vnet.org/suoinguon

– http://www.vnexpress.net – http://www.dongtay.com

– http://www.saigoncd.com – http://www.saigonmusic.net

– http://www.vietmusic.net – http://www.music.netnam.vn

– http://www.ingeb.org

– http://www.vietmusic.com/kickass.at/vietlyrics

– http://www.freevn.org/ – http://www.dactrung.com

– http: www.yeunhacvang.com – http: www.nghenhacvang.net

– http://www.vietnhac.org – http://dongnhacxua.com

– http://www.vietfun.com – http://www.phamduymusic.com

– http://www.freekaraoke.com – http://www.duongdemui.com

– http://www.tlnet.com.vn/music/nhacvn

– http://perso.club-internet.fr/nmchau/

– http://membres.lycos.fr/

– http://vtnhac.phapviet.com/tinhca/nhacaudio

– http://www.honque.com/phongvan/

– http://www.vietglobal.net

– http://www.allaboutlyrics.com

– http://phieudu.servequake.com/vietlyric/

– http://tapnhac.virtualave.net/cgi-bin/ubb/

– http://www.ngayhomqua.info – http://cwt.trannam.info

– http://www.cinet.vnnews.com – http://www.viet-e.com

– http://www.nhuhoa.virtualave.net

– http://www.digital-info/luanhoan/

– http://www.tapnhac.net/nhacsi

– http://www.vietatreasure.phapviet.com

– http://vhvn.com/music/hqb-viscii.html

– http://home.wanadoo.nl/nhac.duca

– http://www.vannghe.net

– http://www.thingsasian.com/goto-article

– http://www.suutap.com – http://www.vmdb.com

– http://www.amnhac.dongtay.com

– http://www.viettreasure.com/amnhac/tinhca

– http://www.lyricsearch.net – http://www.lyrics.astraweb.com

– http://www.lyrics.blueaudio.com/artists

– http://www.vietlyrics.com

– http://www.audiomusic.info/lyrics – http://vn-style.com/vim

– http://www.vietmedia.com/music

– http://www.vncentral.com/lyrics

– http://www.ksvn.com – http://www.evietonline.com/nhac

– http://www.lyricenter.com – https://dongnhacvang.com/

– https://chiasenhac.vn/ – https://www.nhaccuatui.com/

– https://mp3.zing.vn/ – https://www.dongnhacxua.com/

– https://lyric.tkaraoke.com/ – http://www.mediafire.com/

– http://amnhacmiennam.blogspot.com

MỤC LỤC TẬP 2

CHƯƠNG VIII.   CHO NGƯỜI VÀO CUỘC CHIẾN                 

             I. Giai đoạn 1 (1955-1960)

                II. Giai đoạn 2 (1960-1975)

                     1. Mấy tháng quân trường.    

                 2.Tình đồng đội.

                     3. Trên bốn vùng chiến thuật.

                     4. Anh tiền tuyến em hậu phương.

                     5. Xuân này con không về.

                     6. Một mai giã từ vũ khí.

                     7. Đêm nguyện cầu.

CHƯƠNG IX. PHONG TRÀO DU CA            

                I.  Sự hình thành phong trào Du ca.

               II. Tổ chức phong trào Du ca.

III. Nội dung ca khúc phong trào Du ca.

1. Nhận diện quê hương.

                     2. Tuổi trẻ chúng tôi.

                     3. Đoàn ta ra đi.

                     4. Mơ ước hòa bình.  

CHƯƠNG X. NHẠC PHẢN CHIẾN

                I. Vài nét về khuynh hướng phản chiến.              

               II. Phản chiến trong âm nhạc miền Nam.

              III. Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

   IV. Nhạc phản chiến của Miên Đức Thắng.

CHƯƠNG XI. NHẠC TRẺ                                  

                I. Các ban nhạc trẻ. 

               II. Hoạt động biểu diễn.

   III. Phổ biến bài nhạc gốc và phóng tác lời ca nhạc

         trẻ phương Tây.

   IV. Sáng tác mới của nhạc trẻ miền Nam.

CHƯƠNG XII. NHẠC SINH VIÊN TRANH ĐẤU

     I. Quá trình hình thành và phát triển của

         phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

             1. Giai đoạn 1965-1969.

             2. Giai đoạn từ 1970 đến 1975.

     II. Nội dung ca khúc của nhạc sinh viên tranh đấu.

             1. Cuộc đấu tranh trực diện trên đường phố.

             2. Khêu gợi lòng nhân ái và tình tự dân tộc.

             3. Ca ngợi truyền thống oai hùng của dân tộc.

             4. Niềm hy vọng và mơ ước hòa bình.

     III.  Dấu ấn của phong trào nhạc sinh viên tranh đấu.

CHƯƠNG XIII. NHẠC THIẾU NHI VÀ NHẠC CỘNG  ĐỒNG                 

        I. Nhạc thiếu nhi.

               1. Bài hát ca ngợi tuổi thơ.

2. Bài hát về yêu thương gia đình, trường lớp, thầy cô.

             3. Bài hát về quê hương, đất nước.

             4. Bài hát mừng Trung thu.

             5. Bài hát vui chơi tập thể.

 II. Nhạc sinh hoạt cộng đồng.

             1. Vui họp mặt.

             2. Vui cắm trại.

             3. Bài ca sinh hoạt tôn giáo.

4. Bài ca sinh hoạt Hướng đạo.

CHƯƠNG XIV. TRUYỆN CA và TRƯỜNG CA 

     I.  Truyện ca.

                     1. Trầu cau.

                     2. Thiên thai.

                     3. Trương Chi.

                     4. Chú Cuội.

                     5. Ngưu Lang – Chức Nữ.

                     6. Trác Văn Quân.

                     7. Thiếu phụ Nam Xương.

                     8. Hoa thủy tiên.

                     9. Huyền Trân Công Chúa.

                   10. Lòng mẹ Việt Nam.

                   11. Nàng Bân.

                   12. Chuyện tình Lan và Điệp.

      II. Trường ca.

                    1. Lịch sử loài người.

                    2. Trường ca Sông Lô.

                    3. Hòn Vọng Phu.

                    4. Hội Trùng dương.

                    5. Con đường cái quan.

                    6. Mẹ Việt Nam. 

CHƯƠNG XV.   NHỮNG BÀI HÙNG CA TRONG NỀN TÂN NHẠC      

I. Sử ca.

           II. Thanh niên ca.

          III. Kháng chiến ca. 

          IV. Quốc ca.

V.  Quân ca.

* LỜI KẾT.                                                              

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.                                    

* MỤC LỤC.                                                            

Bài Mới Nhất
Search