T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Cây Cảnh, Thú Chơi Tao Nhã

Một Đời Cây – Tranh: THANH CHÂU

Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen

( Nguyễn Du)

      Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó.  Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay, con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.

   Trò chơi nào cũng có cái giá của nó, khó phân biệt trò chơi này cao hay thấp, thanh sạch cao thượng hay ô trọc tầm thường, tôi thì thích chơi cây cảnh. Cây thường cho hơn là nhận, chỉ cúc cung phụng sự cho người.

   Trồng người trăm năm, trồng cây phải kỳ công  mươi năm mới tạm  là chơi được. Thú chơi cây cảnh là chơi cái thời gian, chơi cái chờ đợi, tỉ mẩn, học lấy chữ nhẫn của người xưa, chắt bóp từng chút một của thời gian như lão già keo kiệt quý cái qũy thời gian ít ỏi của mình mà tận hưởng cho hết cái vốn trời cho. Thời gian càng dài cây càng quý (người thì chọn tuổi trẻ, chơi cây ưu ái cỗi già), nó như sống với mình suốt chặng đường, ta như gửi gắm vào đó bao nỗi niềm.

Trong vườn nhà tôi có mươi chậu. Có cây coi được, tàm tạm nhưng tựu trung chưa có cây nào là cây tri kỷ, bởi ở đó có cái đẹp, cái góc cạnh của đời thường, chưa đủ tuổi già để ngộ ra sức trẻ của cây?

Chơi cây, nhất là những cây bonsai, cây đặt trong chậu nhỏ, nhỏ bé nhưng đó là bé “hạt tiêu” đầy nét cổ kính, rêu phong mà có người ví như những câu thơ haiku, với chỉ có mười bảy âm tiết mà đã diễn tả đa dạng, súc tích, ẩn tàng một tình cảm hay trạng thái tinh thần dồi dào.

Chọn cây như chọn mặt để gửi vàng nên không phải cây nào cũng đạt đến độ ưng ý hết mức, để hết tâm huyết vào đó. Có những chi cành mà mỗi lần cắt tỉa lại phân vân, đắn đo mãi, nên thế này hay như thế khác. Nó như nỗi buồn niềm vui mà có nhà thơ đã viết:

“ Đôi khi nỗi buồn vui của ta như bánh tráng tròn vành vạnh

Bẻ chỗ nào cũng thấy phân vân.”

Những người được sống với rừng, hay có điều kiện  được gần rừng, đêm nằm nghe cây nẩy mầm tách hạt,  mỗi buổi sáng thức dậy, mở cửa ra là nghe được, cảm được không gian tươi tắn, yên tĩnh chảy ùa vào, gờn gợn chất sống mãnh liệt mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho ta cái thần hồn, cái đẹp, cái của kho vô tận của mình riêng.

 Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng một lần ngộ được nó, chỉ một thoáng thôi. Đó là một buổi sáng, tinh khiết và trong trẻo.

“Sáng nay ra đường chưa gặp ai

Gặp đóa súng hồng

Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy.

Rồi bất ngờ:

Nhà thơ đi rồi còn quay lại hỏi:

Hoa súng hồng, hoa súng hồng mày có phải hoa không?”

Sinh thời, cụ Cao Bá Quát mê cây, nhất là mai. Cụ viết: “Nhất sinh đề thủ bái hoa mai”. Nhà thơ kiêu hãnh mà suốt đời chỉ trọng mỗi loài mai.

Có nhiều thế chơi cây. Có người theo quan niệm phong thủy, thuyết âm dương ngũ hành là chọn chi cành theo số dương 3,5,7 hoặc 9 số của sự hưng thịnh, của sự phát triển, của lẽ tồn sinh. Tam đa, ngũ phúc, thất hiền hay cửu trùng. Nhưng trong các con số người ta ít khi dùng số 9 vì ngại số đó đã đạt ở độ viên mãn, điểm đỉnh của đường parabol, thường thì dùng số bảy. Số bảy là biểu tượng của trời, đất và con người, tượng trưng cho tổng thể không gian và tổng thể thời gian. Suy rộng ra, chơi cây cảnh là hội nhập vào trò chơi của tạo hóa, của dịch, của nguyên khí âm dương. Thế của tam đa là gì, có phải là thế của trời, đất và của con người chăng. Thế của nam tính và nữ tính, có trai có gái có tính giao rồi từ đó mới nẩy sinh bao điều!

Nay người ta ít chơi theo lối cũ mà chọn cái thế tự nhiên, nhi nhiên, theo chu kỳ phát triển, cây được lột xác, bất chấp luật lệ nào. Chi cành nào cũng được miễn là nó đạt tiêu chí cổ, kỳ, mỹ là được. Nhìn vào cây ta cảm cái kỳ kỳ, ngộ ngộ, cái thâm u bí hiểm như đang sống giữa thiên nhiên, giữa bao la đất trời. Nhưng theo thế ngẫu nhiên này nếu không có cái óc thẩm mỹ, một tay chơi “cao tay ấn” rất dễ sa ngã vào rối rắm, bùng nhùng trông giống như những con lươn nằm chung trong rổ.

Càng chơi lâu tôi càng ngẫm ra một điều là cây cũng giống như người vậy. Cây có đời sống động vật, người có đời sống thực vật. Khi con người gặp hoàn cảnh phải sống đời sống thực vật, tức là phải được người khác chăm sóc, dìu đỡ từng chút một trong sinh hoạt đời thường. Mỗi buổi sáng, khi cái bụng đói tức là nó đang đòi hỏi, đang réo rắt, đang sục sôi nhưng không có cách nào biểu lộ ra ngoài bằng hành vi của mình. Và cây cũng vậy, mỗi cây là cả một nhà máy đang hoạt động, để cho cái nhà máy đó hoạt động bình thường thì cần đầu tư chăm sóc nó. Mai, lan, tùng, cúc đó là những giống cây ưa nũng nịu, dỗi hờn. Nó cũng biết “giả đau ốm” để được ưu ái, chăm sóc riêng tư, cũng biết tránh yêu đương cận huyết, cảnh báo nguy hiểm để được sinh tồn.

Tâm linh cây và  theo các nhà  khoa học đều chứng minh rõ ràng, thực vật cũng có tâm thức. Bằng chứng là nếu các bạn cho cây nghe nhạc cổ điển hay ballad, cây sẽ phát triển nhanh và tươi tốt hơn. Cũng trong cùng một điều kiện chăm sóc và cùng thời điểm, nếu bạn cho cây nghe nhạc rock hoặc nhạc kích động, cây sẽ héo tàn và chết. Vậy nên khoa học đã nhận định, thực vật không phải vô tri như chúng ta thường nghĩ. Đặc biệt, cây càng sống lâu năm, tâm thức sẽ càng lớn, càng linh mẫn.

 Còn có giống cây dân dã như những gia đình đông con, bật bựa lây lất nhưng có sức sống mãnh liệt, ví như sanh, sung, cây đa, cây đề. Cái giống cây ném vào bờ rào làm phên dậu, làm bóng mát, che nắng bụi bặm thời gian, tạo không gian tĩnh mịch, sâu lắng u trầm cho ngôi nhà và có khi sau đó làm củi đốt. Những giống cây như thế bây giờ lại làm nên chuyện, có người bỗng trở nên có của ăn của để nhờ cây sanh, duối bứng được ở mé rừng nào đó. Có người cả đời chưa hề biết tiền trăm, tiền triệu bỗng dưng lại được nài nỉ đưa đẩy đẩy đưa vào tay chục triệu, thậm chí  có tiền tỉ để được sở hữu cho bằng được cái cây trồng làm hàng rào, bờ dậu kia!

Giá cả của cây cảnh cũng tùy thuộc vào tâm lý, thẩm mỹ người bán lẫn người mua, bởi nó là “vô giá”, giá trị của cây lắm lúc trên trời dưới đất, hễ ưng ý rồi dù mấy cũng cố nài nỉ cho được, và người bán cứ thế bốc giá lên.  Đôi lúc người bán được một nhưng lời đồn đãi thành mười thành trăm, giá bốc lên cao chất ngất cũng là trong giới chơi cây cảnh với nhau. Giá cả lúc thăng lúc trầm và người chơi cũng phải biết chờ đợi.

  Trên cộng đồng cư dân mạng đang xôn xao tin đồn  600 ha rừng ở đất Bình Thuận có nguy cơ xoá sổ để  xây hồ chứa nước, làm  thuỷ lợi. Như vậy hàng hàng  gỗ quý sẽ bị bứng trốc gốc, hàng tỉ cây bonsai được mẹ thiên nhiên tác tạo sẽ là củi đun cho các bà nội trợ.  Tiếng chim kêu, vượn hú rồi dần sẽ mai một. Mai là bạn cũ, hạc là người quen chỉ còn lại trong trang sách cũ!

    Hàng tỷ sinh vật  600 ha trong rừng ở tỉnh Bình Thuận  đang kêu gào vì chúng biết chúng sắp bị giết, hàng triệu cây xanh đang khóc. Khi ta tàn phá thiên nhiên, sẽ đến một ngày sẽ phải  trả giá bằng sinh mạng của chính mình, không có tai nạn nào khắc nghiệt hơn khi thiên nhiên nổi giận.

Nguyễn Thanh Sơn

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search