T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Rác, chuyện bây giờ mới kể

Rác thải ùn ứ, tràn lan gây ô nhiễm môi trường ở các làng chài xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ).

Ảnh: Minh Hoàng.

    Rác thì lúc nào cũng có. Có thừa thì có thải. Ở những vùng cận sông lạch suối nguồn thường là là hũ chứa vô tận cho rác. Rác nặng thì đắm xuống, nhẹ thì nổi lềnh bềnh, dập dềnh theo con nước. Ngày nay, từ thành phố đến nông thôn đều  có công trình vệ sinh công cộng đi thu gom rác, thì bến sông, bờ bãi có sạch sẽ đi nhiều. Nhà nhà, người người cũng ý thức vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Thu gom rác từ các hộ gia đình, làng, xã sẽ tích tụ ở đâu?

Tôi về Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có nhà máy xử lý rác. Câu chuyện về rác ở Sa Huỳnh là một vấn đề nóng, tin ‘hot’ cho các tờ báo địa phương, đài Voa…bàn chuyện, tán sự.

Dân Sa Huỳnh kháo nhau “trường trung học thì bác, bãi rác thì nhận!”. Tại sao lại như vậy?

Tôi hỏi lân la về câu chuyện này.

“ Cho chúng nó học hành, biết nhiều chuyện sau này chúng về cỡi lên đầu mình hay sao?”

Lời nói này tôi nhớ chuyện gia đình mình. Em tôi bây giờ đã trưởng thành, tóc đã chớm bạc. Sự nghiệp học hành của nó được đánh đổi bằng một ngôi nhà.

“ Chứng lý lịch nhập học cho nó, sau này nó về cỡi lên đầu tao sao. Muốn được học thì dỡ nhà, tao chứng cho!”

Số là nhà tôi và ít hộ ở khu đất đó chính quyền địa phương dự định sẽ xây trụ sở xã. Gia đình tôi bị tước đoạt chỗ ở thô bạo như vậy!.

Vẫn khu đất đó có ngôi nhà ký ức tuổi thơ tôi, bây giờ là khách sạn Sa Huỳnh, là quán cà phê. Sự đời là những ngôi sao đổi ngôi, là vật đổi sao dời. Má tôi vẫn luôn an ủi lòng mình bằng câu nói: “Người đời của dời”. Nhưng mỗi lần đi ngang qua khu đất cũ, lòng tôi râm ran một nỗi niềm xa lắc.

Hơn hai nươi năm về trước, địa phận Sa Huỳnh dự định sẽ có một trường trung học. Nhưng không hiểu vì lý do gì lại chuyển dời đi nơi khác. Đến bây giờ, người dân nơi này luôn tiếc rẻ mãi vì để mất một dịp may. Nơi nào có ngôi trường trung học thì nơi đó bộ mặt xã hội nổi bật, dân trí phát triển và cụ thể nhất là con em các hộ nghèo có điều kiện ăn học. Não trạng, tầm nhìn của kẻ cầm quyền của một thời. Ôi! Ký ức thường là những nỗi buồn khó quên.

Nói đến Sa Huỳnh, ta thường nghĩ đến ở nơi đây có một nền văn hóa xa xưa. Nền văn hóa Sa Huỳnh, nơi đã từng sinh sống của người cổ đại, đồi Ma Vương, những di chỉ mà các nhà khảo cổ đã từng khai quật.

Thời hiện đại có đồng muối Tân Diêm nức tiếng cả nước vì hạt muối to, trắng mịn. Chạy dọc theo ven biển nhiều thắng cảnh có bãi tắm biển, nghỉ mát tuyệt đẹp. Mùa nghỉ hè có nhiều đoàn du lịch về đây vùng vẫy dưới làn nước trong xanh, phơi mình với bãi cát vàng trải rộng như Hóc Mó, Châu Me, Bù Nú rồi cùng thưởng thức những món ăn đặc sản như cua huỳnh đế, mắm nhum ít nơi nào có.

  “Ngó ra ngoài bãi cát vàng

 Bãi bao nhiêu cát dạ em thương chàng bấy nhiêu”

Nói rộng ra là như vậy, nhưng địa danh Sa Huỳnh (Thạch By, Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) chỉ là một thị trấn nhỏ, một làng nằm ven bên bờ sông, gối đầu lên núi đồi trùng điệp, chuyên sống bằng nghề đánh cá, nơi đất chật người đông. Đi sâu vào thôn làng mới cảm nhận được cảnh sống chật chội, chen chúc nhau. Những con đường chằng chịt như mạng nhện, người không quen dễ bị lạc .Người Sa Huỳnh sống rất hòa hợp, một khối đoàn kết, thân thiện.

Lại câu chuyện về rác.

Có một điều nghịch lý là vài địa phương lại chọn nơi đồi cao, sườn núi làm nơi tập kết rác, là đầu nguồn nước. Mùa mưa mọi chất bẩn sẽ theo dòng nước chảy đi. Có phải vì nơi đó thưa dân cư, ít tốn kém khi di dời, gặp trường hợp phải bồi thường đất thổ cư?

Bãi rác Sa huỳnh tồn đọng 9 năm, 22 tấn nằm trên sườn đồi, luôn âm ỉ, tiềm ẩn những điều bất ổn cho môi trường nông thôn, cho ngôi làng nằm phía dưới nó, ngọn gió nam Lào mang theo mùi hắt vào làng xóm, nó thành vấn nạn.

Nhà máy xử lý rác dựng xây ba năm, kinh phí 52 tỉ, đang  đi vào hoạt động. Nó nằm trên ngọn đồi, trên con đường ngoằn nghoèo chạy men theo triền đồi, con đường tráng nhựa trông rất bài bản, hoành tráng.

Bãi rác Sa Huỳnh sao bây giờ mới kể?

Con đường cao tốc bắc nam chạy dọc theo sườn núi. Có đường tất sẽ có làng, có điện, có quán cà phê, có nhà hàng ăn nhậu và đất nơi đó sẽ trở thành thứ vàng xám. Bãi rác Sa Huỳnh nằm cạnh bên đó. Rác cụ thể, sinh động ngay mọi sinh hoạt, sức khỏe của người dân, nó tồn đọng ngày này sang tháng khác, họ không nổi sùng lên mới lạ.

Người dân đòi di dời nhà máy đi nơi khác, chính quyền sẽ xử lý ra sao?  Chính quyền chọn dân hay các nhà đầu tư? Trước mắt chính quyền hứa là sẽ di dời (!). Một nhà máy xử lý rác quy mô, đầu tư bài bản mà không lường trước sự đồng tình hay phản ứng tiêu cực của người dân, để lại hậu quả  không đáng có.

Làng quê không yên tĩnh.

Sau đêm 2/9/ 2018, trên con đường cao tốc bắc nam, nơi bãi rác đã có một trận đàn áp thật sự của cấp chính quyền với người dân. Cấp chính quyền đã đối mặt với nhân dân, họ chọn nhà máy hơn dân, họ đã huy động đội cơ động công an bằng dùi cui, gậy gộc đã đánh đập không thương tiếc với đồng bào mình. Đội cơ động đó là ai? Là chính con em mình. Than ơi! Đất bằng sóng dậy.

Bãi rác Sa Huỳnh còn đổ nhiều máu và nước mắt.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search