T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhiên Minh: …”TƯỚNG VỀ HƯU” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Hình Poster quảng cáo Phim TƯỚNG VỀ HƯU

Ảnh: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/

Nhiên Minh:

SỰ THẬT VỀ NHÂN VẬT ÔNG THUẤN VÀ NHÂN VẬT CÔ THỦY TRONG “TƯỚNG VỀ HƯU” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Nhắc đến ông là nhắc đến truyện ngắn “Tướng về hưu” và một số tác phẩm khác như “Những người thợ xẻ”, “Muối của rừng”, “Chảy đi sông ơi”, “Con gái thủy thần”…

Sự xuất hiện của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được ông Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, gọi là “cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp”. Ông còn nhấn mạnh: “Chúng ta có thể nói: văn của ông (NHT) là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật”.

Vậy, đó là sự thật nào? Tên của nó là gì?

Vâng, có rất nhiều bài viết về Nguyễn Huy Thiệp, hầu như tất cả đều thừa nhận giá trị văn chương của TƯỚNG VỀ HƯU nói riêng và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói chung. Một ngòi bút xuất sắc, mở ra một giai đoạn mới của Văn Học Việt Nam. Bài viết của tôi chỉ là góp thêm một tiếng nói với tư cách bạn đọc thông thường, về tác phẩm TƯỚNG VỀ HƯU của Nguyễn Huy Thiệp.

Câu chuyện kể lại những sự việc có thể vẫn diễn ra đâu đó trong đời sống thường ngày. Những con người cũng rất bình thường, ta có thể đã từng gặp họ. Một vị tướng về hưu, một người vợ bị lẫn, anh con trai nhu nhược, cô con dâu khôn khéo, hai bố con người giúp việc hiền lành, những người họ hàng khó chịu… Tôi chú ý nhất là hai nhân vật chính, họ dường như đối lập nhau: Vị tướng và người con dâu.

Nhân vật vị tướng về hưu được kể có tính cách ôn hòa, trầm tĩnh, giàu lòng yêu thương. Nhưng tâm hồn ông rạn nứt. Ông cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Ông buồn vì cô đơn. Đau đớn vì chứng kiến những tấn trò đời nghịch chướng: Ông là tướng trong quân đội nhưng ở nhà thì ông gần như là cái bóng. Con trai ông nhu nhược, lụy vợ và chẳng biết làm gì khi vợ ngoại tình. Các cháu nội đi học suốt ngày, cũng không gần gũi ông là mấy. Mọi việc trong ngoài đều do cô con dâu điều khiển. Cô này lại quá thực dụng, lạnh lùng, thiếu tình người. Người họ hàng thì tham lam, lúc nào cũng xu nịnh, nhờ vả, kiếm chác mỗi khi có dịp. Người giúp việc chăm chỉ thật thà thì ông cũng không giúp được gì cho họ. Cuối cùng, chỉ có kí ức ở chiến trường xưa khiến ông thấy vui. Ông trở về với đồng đội và hi sinh ở chốt biên phòng. Tôi sẽ nói tiếp về ông ở phần sau.

Còn cô con dâu có vẻ là nhân vật khiến nhiều người bất bình nhất. Có lẽ vì vậy mà khi dựng thành phim, người ta cường điệu nhân vật này nhiều lên. Chị ta không những lạnh lùng, độc ác mà còn giả dối, lăng loàn. Trong phim, cũng không có chi tiết cô Thủy cảm thấy có lỗi với chồng con khi nhận ra bộ mặt hèn mọn, bỉ ổi của Khổng. Diễn viên đóng vai Thủy rất đẹp, nhưng cách cười nói, con mắt liếc khiến ai cũng dễ dàng nhận ra vẻ ghê gớm, khắc nghiệt, vô cảm của ả. Với cha chồng thì cô khó chịu, mỉa mai, bóng gió. Với chú bên chồng thì chị ta tính toán lỹ lưỡng, cho vay cũng bắt phải ký cược, hỗn xược, khinh ra mặt. Thậm chí còn lợi dụng chuyện vay mượn để mua rẻ nửa cái ao thừa kế của ông Bổng. Chị ta không coi cả nhà ra gì, ôm ấp tình nhân trước mắt người mẹ chồng bị lẫn đến nỗi bà… phát điên (?), té ao rồi uất quá mà chết (?).

Tôi thấy bộ phim có điều gì đó rất xúc phạm. Xúc phạm nhân vật và xúc phạm tác giả Nguyễn Huy Thiệp.

Trong truyện, Nguyễn Huy Thiệp xây dựng nhân vật Thủy chân thật, khách quan hơn. Thủy không trơ trẽn như thế. Quan hệ giữa Thủy và Khổng chỉ ở mức độ như ông Thuấn nói: “Thằng Khổng sang chơi từ chập tối. Nó với vợ mày cứ rúc rích với nhau, bây giờ chưa về, chướng quá”.

Những câu nói tưởng như lạnh lùng, vô cảm của Thủy, thật ra không nhiều ác ý như nhiều người phê phán và bộ phim suy diễn:

“Cha tôi cho mỗi người trong nhà 4 mét vải lính. Ông Cơ và cả cô Lài cũng thế. Tôi cười: “ Cha bình quân!” Cha tôi bảo: “Đấy là lẽ sống”. Vợ tôi bảo: “Cả nhà mặc đồng phục thì thành doanh trại”.

Tôi tin là cô ấy vô tư và nói đúng! Ai đời thời buổi nhà biệt thự, nuôi chó bẹc giê mà cả nhà mặc vải lính?

Khi bà Thuấn có những triệu chứng chẳng lành, bằng con mắt của bác sỹ, cô nói với chồng: “Mẹ già rồi”. Theo tôi, đôi khi đó là lời an ủi. Nếu là bạn, bạn có khi bạn khó tìm lời dễ nghe hơn. “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ…” Đó không hẳn là câu nói hay, nhưng có thể cảm thông, y bác sĩ thì họ hiểu điều gì là vô ích. Tôi chỉ hơi kinh hãi khi cô ấy chuẩn bị vải trắng và gọi thợ mộc quá sớm. Hay có lẽ vì công việc của cô chứng kiến quá nhiều cái chết và nỗi đau đớn của bệnh nhân đến độ cô thấy nó bình thường? Tôi từng thấy rất nhiều y bác sĩ không bộc lộ cảm xúc gì rõ rệt trong cơn nguy khốn của bệnh nhân. Họ làm việc như một cái máy.

Nhưng nếu Thủy không tốt, không được lòng người thì sao có được những người giúp việc thân tín như hai cha con cô Lài. Họ chăm sóc bà Thuấn bằng tình cảm chân thật và gắn bó, gần gũi với gia đình chủ như người nhà vậy. Khi đồng đội ông Thuấn về thăm nhà ông Thuấn, nhân viếng cụ bà, họ khen vườn cây, ao cá, chuồng lợn, chuồng gà, biệt thự. Cha chồng bảo “Con tôi làm đấy”. Chồng bảo “Đấy là vợ cháu”. Còn Thủy lại bảo “Cô Lài chứ!”. Rõ ràng Thủy rất thấu hiểu công lao của người làm công.

Một tay Thủy quản lý, sắp xếp, hoàn tất việc lớn việc nhỏ, chu đáo, ổn thỏa, tốt đẹp. Là một bác sĩ, chứng tỏ cô rất bận rộn. Vậy mà, ngoài công việc ở bệnh viện, cô còn biết “tính toán” kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hãy xem gia đình họ tính cỗ làm ma cho bà cụ. Người chú tính toán 40 bàn, cô bảo 30 bàn, trong khi chồng cô “tính toán” 10 bàn. Cuối cùng 30 bàn, không thiếu không thừa!

Đối với “ông chú đánh xe bò, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa”, thử hỏi nếu ta cho người ấy vay, có nên bắt họ ký cược không? Phê phán ông chú thì Thủy cũng chỉ nói riêng với chồng: “Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ”. Chẳng phải nhân vật ông Bổng đến cả làng còn gọi ông ta là “đồ chó”, vợ gọi ông ta là “đồ đểu”, con trai gọi ông ta là “đồ khốn nạn”, chỉ có bà cụ lẫn mới gọi ông ta là “người” hay sao? (Người lẫn có nói được đúng lòng mình?)

Mà ông Bổng có coi cô là thành viên của gia tộc đâu:

” Ông Bổng hỏi tôi: “Nhà này ai chủ trì kinh tế?” Tôi bảo: “Vợ cháu”. Ông Bổng bảo: “Không được con ơi, khác máu tanh lòng…”

Chẳng phải ông ta sỗ sàng, ghét Thủy ra mặt:

“ Ông Bổng bảo: “ Chị Thủy luộc cho tôi con gà, nấu hộ nồi xôi”. Vợ tôi hỏi: “Mấy cân gạo hả chú?” Ông Bổng bảo: “Mẹ mày, sao hôm nay cứ ngọt xớt thế? Ba cân!”.

Vậy mà khi ông ta cầm bốn ngàn tiền ma chay, người chồng định đòi lại, Thủy lại cho luôn: “Thôi coi như trả công. Lão ấy tốt nhưng nghèo”. Không biết câu này có in sai sót chỗ nào không, chứ lẽ ra Thủy phải nói “Lão ấy không tốt nhưng nghèo”.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến nhân vật Kim Chi, chị em bạn dâu của Thủy. Khác với những người đàn bà cay nghiệt khác, chính Thủy là người “cứu” Kim Chi thoát khỏi tình thế ngượng ngùng, xấu hổ trước mặt những người đàn ông. Kim Chi có thai trước khi cưới. Thủy bảo: “Chuyện ấy là thường. Bây giờ làm gì còn có trinh nữ. Con làm ở bệnh viện con biết”. Để Kim Chi đỡ khổ tâm, Thủy đánh trống lảng bằng cách kêu gọi mọi người đi ăn gà hầm tâm sen… Khi Kim Chi bồng con đến thăm ngày tết, Thủy mừng tuổi một nghìn. Một nghìn chắc là cũng nhiều lắm, vì ông Bổng lo cỗ bàn mấy chục mâm là cầm bốn nghìn. Kiểu gì cũng đều thấy Thủy rộng lượng hơn người chồng. Từ cách “tính toán” bàn cỗ đến cách ứng xử với họ hàng.

Nếu Thủy sai lầm, yếu đuối trong tình cảm lãng mạn thì một phần lỗi do chồng cô. Vợ chồng cô rõ ràng là có khoảng cách. Cô thích thơ, anh thì không. Cô thông minh khéo léo, anh thì “cổ hủ, đầy bất trắc và thô vụng”. Nhất là khi biết Khổng quyến rũ vợ mình, ngay trong nhà mình, mà anh ta phản ứng thật đáng thất vọng: “Dắt xe máy ra đường, phóng lang thang khắp phố cho kỳ hết xăng”. Có thể hiểu lý do khiến cô dễ sa ngã. Nhưng may cô đã kịp nhận ra Khổng là kẻ chẳng ra gì. Mà với người chồng như thế không biết cô có hạnh phúc không nhỉ?

Rõ ràng Thủy có nhiều điểm tốt hơn là tính xấu. Một cô con dâu giỏi giang! Thay vì khách quan hơn, cảm thông hơn, thì nhiều chuyên gia, độc giả và đạo diễn phim lại cho cô lên đoạn đầu đài.

Phân tích tính cách cô Thủy, để đánh giá đúng mức hơn về nhân vật ông tướng về hưu. Trước đây tôi chỉ nghe nói “Tướng về hưu” là một tác phẩm lớn, được tặng giải thưởng, lâu lắm rồi quên đi, tôi cũng ít có thời gian để đọc sách. Nó cũng đi vào dĩ vãng. Cho đến khi nhà văn mất, thì “Tướng về hưu” sống lại, người ta tìm hiểu, mổ xẻ nó như khi nó mới ra đời. Lần này, tôi mới thật sự đọc trọn vẹn “Tướng về hưu” và suy ngẫm kỹ để viết có trách nhiệm hơn về nó. Nhân vật tướng về hưu, ông ấy có phải là nhân vật hoàn hảo, đầy bi kịch như nhiều nhà phê bình đã nhận định? Tôi đã bất ngờ khi đọc câu chuyện.

Nhiều người nói bi kịch của ông Thuấn là bi kịch của người lính thất vọng trước sự suy đồi của đạo đức, sự lũng đoạn của cơ chế thị trường…vv… Không hẳn thế, dường như sự đổ vỡ tâm hồn bắt đầu từ chính bản thân ông mới đúng.

Ông vốn là một người tốt, được trui rèn trong lý tưởng và đạo đức cách mạng. Lấy vợ không do tình yêu. Nhưng ông có tình người. Hay còn gọi là tình yêu giai cấp. Ông thương cha con ông Cơ theo cách mà ngày xưa ông thương thân ông. Tuổi thơ ông vất vả. Thấy họ vất vả, ông muốn làm việc ngoài vườn phụ đỡ một tay:

Ông bảo: “Ông Cơ và cô Lài vất vả quá. Họ làm không hết việc, cha muốn giúp họ được không?” Nhưng cô con dâu lại bảo: “Cha là tướng, về hưu cha vẫn là tướng. Cha là chỉ huy. Cha mà làm lính thì dễ loạn cờ”.

Người ta chê đó là câu nói châm biếm mỉa mai về cái bóng bù nhìn của vị tướng về hưu. Nhưng tôi thấy cô Thủy có lý. Thật vậy, nhà có người giúp việc, ai lại để cha mình làm vườn?

Cô Thủy nghĩ ra cách để ông vừa làm việc, vừa thư giãn, thậm chí vừa “kiếm tiền”: nuôi vẹt! Nhưng hình như câu nói nào, việc làm nào của cô Thủy cũng bị bạn đọc lên án. Còn vị tướng trong truyện thì tức giận vì phải “kiếm tiền”! Ô hay, nuôi vẹt cũng là một cách lao động lương thiện, làm ra sản phẩm của cải mà!

Chi tiết ông phát cho mỗi người trong nhà 4 mét vải lính cũng cho thấy ông là người quá cứng nhắc. Ông cho rằng: “Đấy là lẽ sống!” . Nghĩa là lý tưởng chiến đấu của ông là lẽ sống, là cao đẹp, đúng đắn. Nhưng ông vận dụng nó như trong trường hợp này thì lại chẳng có ý nghĩa gì cả, thậm chí khôi hài.

Cô con dâu lấy nhau thai làm thức ăn cho chó làm ông đau đớn, kinh hãi. Việc này thật khó chấp nhận (cho phép phá thai còn kinh hãi hơn). Tôi nghe người ta nói nhau thai ngày xưa thường được chôn đi. Nhưng thực tế ở các bệnh viện họ sẽ làm gì với lượng nhau thai sản phụ thì có trời mới biết. Hình như người ta không hề bỏ đi. Dù sao đây cũng là một ca khó về đề tài đạo đức, nhân tính…

Quên mất, chúng ta đang nói về ông Thuấn cơ! Ông kinh hãi trước việc làm của con dâu mà ông cho là mất nhân tính. Nhưng ông im lặng! Thật khác với tính cách của một người yêu dân yêu nước, bất bình với cái ác cái xấu mà đi đánh giặc!

Về tư tưởng, một cách vô thức, ông đã thay đổi một vài quan điểm cốt lõi của người lính cụ Hồ tự bao giờ:

“Cha tôi không thích văn học. Văn chương nghệ thuật bây giờ đọc rất khó vào”.

Nguyễn Huy Thiệp đang nói về nền văn học nào vậy?:

“Trước khi lên xe, cha tôi lấy trong ba lô quyển vở học sinh. Ông đưa cho tôi. Ông bảo: “Trong này cha có ghi chép ít điều, con đọc thử xem”. Cái Mi, cái Vi chào ông. Cái Mi hỏi: ông ra trận hả ông?” Cha tôi bảo: “ừ”. Cái Vi hỏi: “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?” Cha tôi chửi: “ Mẹ mày! Láo!”.

Ông còn có một số sai phạm, diễn ra nhiều lần, nhiều năm:

“ Cha tôi thường bỏ thư viết vào phong bì đựng công văn bằng giấy cứng, cỡ 20×30, trên có in chữ Bộ Quốc Phòng, rồi đưa cho người nhờ vả mang đi. Sau ba tháng, hết sạch loại phong bì ấy. Ông làm phong bì bằng giấy bìa học sinh cũng to cỡ 20×30. Một năm sau, ông cho thư vào phong bì bình thường vẫn bán ở quầy bưu điện…”

Chẳng phải ông đã dựa vào chức vụ và uy tín cá nhân để biến việc riêng thành việc công? Chẳng phải đó là biểu hiện của nạn ô dù, tham nhũng? Chính cô Thủy mới là người rạch ròi, thẳng thắn và có… đạo đức cách mạng trong sáng, đúng đắn nhất:

“Vợ tôi bảo: Đừng mừng… họ chỉ nhờ vả. Cha ạ, cha đừng làm gì quá sức”.

Nhân vật ông Thuấn có phần giống như nhân vật Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Vị tướng này cả đời gắn với súng đạn chiến tranh. Hẳn là ông nhuần nhuyễn chính trị và tư tưởng. Chẳng phải niềm tự hào của người lính như ông là chiến đấu vì lý tưởng giải phóng đất nước, giải phóng giai cấp, giải phóng người nghèo hay sao? Có không, một thiên đường bình đẳng, khi xã hội loài người luôn có sự chênh lệch, khác nhau về năng lực, môi trường, hoàn cảnh? Cha con ông Cơ thật hiền lương, nhưng họ sẽ là chủ nhân hay người làm vườn khi họ không đủ tri thức và tiềm năng gì. Có công bằng không, khi kẻ bất lương vay mượn, chịu ơn người khác mà còn lu loa như ông Bổng: “Quân trí thức khốn nạn! Rẻ dân lao động!”.

Chiến thắng rồi ta thấy người nghèo vẫn hoàn nghèo, người có công chiến đấu và gia đình của họ thì giàu lên! Thử hỏi gia đình ông tướng về hưu có khác gì địa chủ ngày xưa?

Vậy, tên gọi cho bi kịch của ông Thuấn thật ra là gì? Chẳng phải là sự đổ vỡ niềm tin! Lý tưởng bị lung lay! Nguyễn Huy Thiệp nghĩ gì khi kết thúc truyện để cho vị tướng hi sinh ở chốt biên phòng? Vâng, cuộc chiến của ông, lý tưởng của ông nên là ở đó, chống kẻ xâm lăng đích thực!

Như vậy, nếu văn học trước 1975 là dòng văn học minh họa, chỉ tuyên truyền, ca ngợi một chiều thì nội dung truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp quả là một cơn bão bất ngờ như các nhà chuyên môn đã khẳng định. Mặt trái của xã hội được phơi bày.

Chính vì vậy, thủ pháp nghệ thuật trong truyện cũng trở nên khác lạ. Tác giả có lối viết cộc lốc, khô khan. Thuần về kể. Không tả, không bình luận, không triết lý, không cảm xúc. Tại sao? Hãy để cho độc giả tự thẩm thấu, tự đi tìm điều gì ẩn chứa trong câu chuyện và lối kể chuyện rất kiệm lời thật khôn ngoan ấy.

Tóm lại, “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp là một tác phẩm xuất sắc và táo bạo. Truyện phản ánh một hiện thực, một quy luật mà trước kia nhiều người không chấp nhận và đến nay nhiều người còn né tránh. Chúng ta không thể trách họ. Vì họ sinh ra trong không khí thấm đẫm tinh thần cách mạng sôi sục. Chiến thắng rồi, sự thật dần được mở ra.

Nhiên Minh

(Nguồn: VHNT FANPAGE)

Bài Mới Nhất
Search