T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: TÔ THÙY YÊN VÀ BÀI THƠ TRƯỜNG SA HÀNH

Nhà thơ TÔ THÙY YÊN và thủ bút (ảnh: Người Việt)

Nói về thể thơ bảy chữ, thì các nhà thơ trong hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975), họ sử dụng nhiều lắm. Cả lúc họ di tản ra nước ngoài, thì dường như, thể thơ này, cùng với thơ lục bát, vẫn luôn là thể thơ thông dụng.

Nhưng viết thơ bảy chữ mà kiên định, mà chắc tay, mà lão luyện, thì phải kể Tô Thùy Yên ở thứ hạng đầu. Và bài Trường Sa Hành dưới đây, là một bài thơ bảy chữ tuyệt cú, tuyệt hay, như tôi vừa nói ở trên.

Nhắc tới Tô Thùy Yên, là phải nhắc tới những bài thơ làm nên tên tuổi của ông, đó là các bài thơ như: Ta Về; Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai, Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ; Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tàu; Chiều Trên Phá Tam Giang; Thắp Tạ; và Trường Sa Hành.

TRƯỜNG SA HÀNH

Phạm Ngọc Lư viết Biên Cương Hành, sáu mươi sáu câu, năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai, tại Tuy Hòa, thì Tô Thùy Yên, viết Trường Sa Hành, sáu mươi tư câu, vào tháng 03.1974, tức hai tháng sau khi giặc phương bắc xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước Việt Nam (19.01.1974) và bảy mươi tư anh hùng đã phải ngã xuống, hy sinh tính mạng để bảo vệ lãnh thổ quê hương, Tổ Quốc dấu yêu.

**

Toujours il y eut cette clameur
Toujours il y eut cette fureur
(Saint John Perse)

Lúc nào cũng tiếng ồn ã ấy
Lúc nào cũng nỗi hãi hùng ấy

1.
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Nếu như Phạm Ngọc Lư mở đầu Biên Cương Hành bằng câu, biên cương biên cương chào biên cương, thể hiện một tâm trạng choáng ngợp nhưng khá bình thản, thì lời chào của Tô Thùy Yên với Trường Sa dường, thốc tháo hơn, kiểu như câu chào cũng là câu buột miệng kêu lên, vì sóng nước nơi đây, khiến ông có cảm giác chóng mặt như khi đã lỡ uống nhiều rượu làm cho say chuếnh choáng: Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!

Và nếu như phải đến khổ thơ thứ ba trong bài Biên Cương Hành, Phạm Ngọc Lư, với tư cách một thầy giáo, mới thốt lên từ buồn, thì ngay từ câu thứ hai trong khổ thơ thứ nhứt của bài Trường Sa Hành, Tô Thùy Yên, với tư cách một người lính ra đảo để thi hành công vụ, đã chịu không nổi, mà buột lên lời than: Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Trắng này là trắng trời hay trắng nước? Trắng này là trắng sóng hay trắng mây? Trắng này là trắng bóng người hay trắng bóng của ma?

Hay đó là màu trắng của dải khăn tang, bao quanh đảo như thắt quanh vòng đầu của người mang tang chế?

Có thể trắng là một trong những thứ ấy, mà cũng có thể là tất cả các nghĩa trắng ấy cộng lại, mới khiến cho nỗi sầu lừng lững đến vây bủa tứ bề.

Cả hòn đảo, giờ đây chỉ có khoảng mươi lính thú. Lính thú là cái từ của ngày xưa, chỉ những người lính chuyên làm nhiệm vụ canh giữ biên cương, biên giới. Mười người mà đủ mười đều là dân phố thị, lạ lẫm sóng nước, nên bị say suốt: Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

**

2.
Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Ra đảo, sóng đảo làm say đã chớ, mà còn đúng vào mùa đông bắc nữa. Gió mùa đông bắc hay còn gọi là gió bấc, lạnh: Khiến cả lòng ta cũng rách tưa. Nghĩa là đừng nói tới mặt mũi, tóc tai, quần áo, bơ phờ, mà đến cả trong lòng lính đảo cũng bị xé thành nhiều mảnh, rách bươm, rất te tua.

Một trong những điều khiến tôi nể lắm nhà thơ Tô Thùy Yên, ấy là ngôn ngữ thơ của ông. Nhiều, phong phú, giàu có, chuyện ấy đã đành, gần như các nhà thơ nổi tiếng, trước hết, họ đều phải là những kho chữ, kho từ, riêng ông Tô Thùy Yên, ổng còn có cái hay nữa là sáng tạo từ ngữ.

Xuống câu thứ ba, ông viết: Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn. “Hề” trong câu, như một phụ từ, trợ từ, thường xuất hiện trong các bài thơ xưa, hoặc thơ nay, viết theo lối cổ phong. Nó không mang nghĩa gì cụ thể, nhưng khi tác giả thêm nó vào, và khi người đọc, đọc lên, nghe như tiếng cảm thán, nghe như là tiếng than.

Ông hỏi han ai? Ông không hỏi han người, vì có người đâu mà hỏi han. Chỉ có bốn bề hiu quạnh, vắng lặng, trống trải, nên ông đành hỏi hiu quạnh vậy. Và vì xem hiu quạnh như một đối tượng để trò chuyện, nên ông đã viết hoa như viết hoa tên người vậy đó – Hiu Quạnh. Nhân cách hóa cho tính từ này chưa đủ, ông còn thêm cho nó đặc điểm – Lớn. Đối tượng mà ông hỏi han, giờ đây, nó có tên là Hiu Quạnh Lớn. Thế mà, Hiu Quạnh Lớn lại coi thường ổng quá thể, chẳng thèm ban cho một tiếng: Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.

**

3.
Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Trường Sa, hòn đảo mà lần đầu tiên trong đời, tác giả đặt chân đến. Nó hiện ra trong mắt tác giả với tất cả vẻ hoang sơ, hoang vắng. Nó vắng lặng tới mức, dường, ở đây, hồn ma quỷ cũng chẳng tới lui.

Cây cối, cỏ hoa, loại nào loại nấy cũng lần đầu tiên biết, cứ như còn sót lại từ thời kỳ nguyên thủy vậy. Nó xanh đó nhưng là cái xanh của rờn rợn. Nó xanh đó mà nó chẳng nô đùa. Nó xanh đó mà nó chẳng bướm chẳng ong, hồn nhiên, thơ trẻ. Nó giống như miếng đắp xanh phủ lên thân người, mà người nào người nấy, giờ đây, chẳng ai nói gì, chỉ một màu im phăng phắc.

**

4.
Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Từ đất liền ra tới đảo Trường Sa là một khoảng cách dài, một phần tư chiều dài của đất nước Việt Nam chớ có ít đâu. Ra được đến Trường Sa, chẳng biết nên cười hay nên khóc, chỉ thấy mình như đang tự hành hạ mình, như đang tự mình bạo lực với chính mình. Tự dập vùi mình. Khiêng vác thì khòm hết cả lưng, giống hệt tội đồ xưa nhẫn nhục.


**

5.
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Nếu Trường Sa được Tô Thùy Yên đặt tên là Hiu Quạnh Lớn, nghĩa là lớn đến vô hạn, nghĩa là lớn đến vô cùng, thì tác giả lại thấy mình rất là hữu hạn. Nên khi hỏi chuyện Hiu Quạnh Lớn, thì Hiu Quạnh Lớn bèn làm ngơ. Vì vậy, Tô Thùy Yên thấy tủi thân, khi lúc này, ông nhìn ra sự nhỏ nhoi của mình.

Tủi thân nhưng khóc chẳng được bao nhiêu vì lệ người không đủ nhiều. Thời may, ngoài kia, trùng dương mưa. Chắc là trời đang cử mưa xuống để mà khóc thay cho người đây mà. Khóc thay cho tang chế của người Việt Nam, mới cách đây chừng hai tháng.

**

6.
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Gió và gió. Gió mùa Đông Bắc ở nơi đây mới khắc nghiệt làm sao. Gió khiến một bờ của đảo bị xói lở, và bờ bên kia, thì gió bù đắp, đẩy phù sa đến bồi. Riêng đám cây thì bật gốc. Tác giả nhìn cây, hỏi cây mà như hỏi thầm chính mình, chẳng biết, chúng có hối hận, khi ra đời mà đã chẳng chọn đúng nơi.

Có ra đời nào mà chọn được nơi đâu. Kể cả con người. Thế mới biết, tất cả, từ mệnh nước đến mệnh người, gần như, đều đã được sắp đặt sẵn.

**

7.
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Cũng có những lúc, tác giả nghe lòng mình không trào lên những cơn sóng cuộn, nghe lòng mình không gió thổi, mù sa. Ông nhìn đời, nhìn đảo bình lặng hơn, và thấy ra: Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng / Những cụm rong óng ả bập bềnh.

Chỉ vậy thôi, chỉ được trong dăm, ba khoảnh khắc vậy thôi, chớ cái sầu ấy mà, nền tảng sầu ấy mà, nó đã hình thành ngay từ ở khổ thơ thứ nhứt, nghĩa là, nó đã ăn sâu vào tâm hồn ông rồi, dễ gì mà bứng được nó đi. Nên chút bình lặng ấy cũng sớm phôi pha, và ông vẫn lại nhìn ra, dưới đáy biển: Như những tầng buồn lay động mãi / Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Chữ thơ rất đẹp và vẻ đẹp của thơ cũng rất tự nhiên. Không gò bó, không ép khuôn, không gượng gạo, các bạn đọc lại nhé, một lần nữa, cả khổ thơ này, để thấy: Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng / Những cụm rong óng ả bập bềnh / Như những tầng buồn lay động mãi / Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

**

8.
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Gió thì là gió mùa đông bắc. Mưa thì là khóc trắng trùng dương. Và cả nắng cũng thế, nắng đến mức: Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Một trong những điểm để dễ dàng nhận ra tài thơ của một nhà thơ, đó chính là nhìn vào các thủ pháp nghệ thuật mà nhà thơ đó đã sử dụng và xem sự sử dụng ấy có mang lại tác dụng như ý của tác giả hay không.

Ở đây, ở khổ thơ thứ tám này, biện pháp nghệ thuật mà Tô Thùy Yên đã sử dụng đó chính là biện pháp so sánh: mặt trời rã ra, mà tưởng là biển rưng rưng lệ; loài chim quần đảo trên bầu trời, mà tưởng vầng khói đen đang bốc cao ngọn; tiếng kêu và màu sắc của lũ quạ bay mà tưởng như Trường Sa bị cháy; và ta thì cứ ngỡ phỏng hết cả thịt da.

Tác giả so sánh nhằm mục đích cho người đọc nhận ra một sự thực, Hiu Quạnh Lớn là như thế đó!

**

9.
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Thơ Tô Thùy Yên chính là đây chớ còn đâu nữa. Những giọng thơ mà, chỉ vừa mới đọc thơ lên, ta sẽ nhận ra ngay; ồ, đó chính là giọng thơ Du Tử Lê; ồ, đó chính là giọng thơ Vũ Hoàng Chương; ồ, đó chính là giọng thơ Thanh Tâm Tuyền; ồ, đó chính là giọng thơ Tô Thùy Yên.

Giọng Tô Thùy Yên, kiểu như, giang sơn đã định hình một cõi. Ai hùng cứ nơi đâu thì mặc nhưng khi tiếng thơ của Tô Thùy Yên đã cất lên ở cõi riêng của ổng rồi, thì tốt nhất, là các giọng còn lại chung quanh, nên lui gót. Vì sao ư? Vì ở lại, sẽ kém màu, chớ sao.

Đảo hoang mà, chỉ biển và trời vây quanh, nên không chỉ cây cối đâu, mà cả con người xíu xiu là ta, cũng cứ ngỡ như mình đang ở thời tiền sử, không chút gì biểu hiện sự hiện đại hay tiến bộ đã đi qua nhiều ngàn năm của con người: Ta ngồi bên đống lửa man rợ / Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi.

Tuy thấy mình man rợ, tuy thấy mình tóc râu dài rậm rạp như thời ăn lông ở lỗ, nhưng tâm hồn, dẫu sao, cũng vẫn còn chút ít, để biết ngậm ngùi và để biết thương thân: Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp / Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Thơ hay đến thế thì thôi!

**

10.
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Quây quần bên nhau chỉ mươi người, nếu cho rằng, mỗi người là một tỉnh lỵ thì mười tỉnh lỵ này cũng chẳng đủ cho một miền Nam sung túc, hùng cường như đã từng có, nên nơi đây, nơi đảo Trường Sa, Hiu Quạnh Lớn vẫn mãi là Hiu Quạnh Lớn.

Thế nên: Chú em hãy hát, hát thật lớn / Những điệu vui, bất kể điệu nào / Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ.

Nhắc đến bữa cơm chiều, lại nhớ tới: giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, của Phạm Hữu Quang.

Không nhớ nhà sao được, ngay cả khi, Trường Sa là biển đảo của quê hương mình. Lúc Hiu Quạnh Lớn đã trùm lấp lên mọi thứ, thấy ra mình mới nhỏ bé làm sao, thấy mình nhớ nhà biết là bao nhiêu, nhớ đến mức, chỉ muốn cúi mặt xuống mà giấu đi đôi dòng lệ rớt: Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

**

11.
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Trường Sa là biển đảo quê hương, vậy mà vì thiếu vắng bóng người, vậy mà vì Hiu Quạnh Lớn quá, nên khiến tác giả ngỡ như, đây là trời viễn xứ.

Có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn viễn xứ. Có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn nhớ nhà đến quay quắt, xót xa.

Nhớ đến muốn hét lên, từng cơn, từng lúc. Nhớ như ai đang bức tử mình trong những nỗi canh khuya. Nhớ như tay ta cầm xé chính mảnh đời, rồi tung hết lên trời mây đỏ.

**

12.
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Chỉ mươi người trong một Lớn Quạnh Hiu, thế nên, tinh tú giờ đây cũng thành bạn, cho ông tâm sự chuyện mình trong mỗi tối, khuya, đêm. Ngủ không được vì thao thức nhớ nhà, ông thấy ông, đầu óc sáng trưng như bãi sao trời đang nở rộ.

**

13.
Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Cô đơn không chỉ vì Trường Sa là một Hiu Quạnh Lớn mà cô đơn còn vì khoảng cách giữa đảo và đất liền là một khoảng cách quá lớn lao.

Cô đơn còn là chính lúc không liên lạc được với đất liền, chỉ nghe thấy những tín hiệu trùng khi gọi. Những tín hiệu trùng, lặp đi lặp lại, như con chim động giấc, bật giọng khóc cô đơn.

Ai gọi giùm ta cánh cửa Vô Biên.

Ai mở giùm ta khoảng cách trùng vây bốn phía.

**

14.
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên

Cô đơn có thể khiến con người ta phát điên. Phát điên giữa nắng trời chói chang, khiến tóc sầu nung đỏ, và chúng vỡ giòn ra như tiếng nứt tuổi hoa niên, tuổi của những chàng trai trẻ phơi phới thanh xuân, tuổi đẹp nhứt của một đời người hữu hạn.

**

15.
Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

Tác giả thấy thương mình, thương cả bãi ven quanh, nơi có những hàng cây gầy sụp, bởi sóng đánh vào khiến bung rễ tồn sinh.

Rồi ông nhắn với cây, hay cũng có thể, ông đang tự nhủ với chính mình, thôi thì hãy: Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã / Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.


**

16.
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, nỗi cô đơn cũng giống loài san hô kia, tủa thêm cành nhánh. Những nỗi buồn, những nỗi sầu, cứ tiếp nối, mãn khai. Và thời gian như kết đá, và ta.

Và ta lấy niềm tịch mịch, u hoài trên đá mốc meo kia mà tạc thành bia tưởng niệm.

Tưởng niệm Người cùng với nỗi cô đơn!

******

Nếu ai đó hỏi tôi, một trong những nhà thơ tiêu biểu nhứt của nền văn học hai mươi năm tại miền Nam (1954-1975) là những ai, thì chắc chắn, với tôi, khi kể, tên của ông Đinh Thành Tiên, tức nhà thơ Tô Thùy Yên, sẽ nằm trước hết, ở những vị trí đầu tiên.

Tống Biệt Hành của Thâm Tâm có nỗi buồn của sự chia ly. Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư có màu sắc chiến tranh đau khổ, ghê rợn. Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên, thì lại thấy ra cái nhỏ bé, cái hữu hạn của con người, trước cái mênh mông Hiu Quạnh Lớn của thiên nhiên, của đất trời, của biển khơi hoang dã; thấy ra được nỗi cô đơn cùng cực của con người khi vắng bóng đồng loại.

Bài Hành nào cũng được viết từ tim óc. Hành nào cũng tuân thủ sự thực, không tô vẽ, không giảm tăng, nên, Hành nào, cũng hay. Và cũng không có hay nhứt, hay nhì, mà chỉ có, mỗi bài thơ được viết theo thể Hành là nỗi niềm, là tự sự của một người thơ, khi họ đặt chính họ vào trong hoàn cảnh sáng tác.

Trường Sa Hành là một bài thơ biểu dương; biểu dương trước hết cho những hy sinh, cho những chiến đấu vì Tổ Quốc, quê hương; biểu dương sau đó cho sự can đảm đối diện, cho sự can đảm nhận chịu nỗi cô đơn trong kiếp người thống khổ:

Biểu dương – hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người.
(Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai)

Sài Gòn 13.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search