T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: CHA GIÀ CON MỌN

Cõi Người Ta (3) – Tranh: THANH CHÂU

Lần đó sang Cali họp mặt bạn bè trường xưa xóm cũ, tôi gặp lại người bạn cũ ở Sài Gòn thời còn đi học, vui buồn lẫn lộn thăm hỏi nhau. Mừng cho anh vẫn tràn đầy nhiệt huyết chống cộng như ngày nào tóc xanh chí lớn, nay tráng sĩ bạch đầu nhưng anh vẫn chưa chịu bị hướng thiên, vẫn năng nổ xuống đường chống cộng, tổ chức tiệc gây quỹ ủng hộ phong trào 8406 trong nước. Anh cho tôi xem ảnh anh từng theo đoàn lưu dân lên tận Hoa Thịnh Đốn, vào luôn Nhà Trắng để đấu tranh vụ gì đó, tôi quên rồi. Nhưng có thấy cả Nam Lộc, Trúc Hồ trong những tấm ảnh ở Nhà Trắng… Buồn cho anh vừa lập gia đình thêm lần nữa, có đứa con mới sanh được vài tháng trong khi hai đứa con với người vợ trước đã trưởng thành. Nhiều chuyện khác nữa nhưng riêng chuyện này tôi ám ảnh vì anh đã ngoài năm mươi tuổi. Tôi hình dung con anh ra trường trung học thì anh đã là ông già bảy mươi, không biết ông già tám mươi có còn sống để thấy con anh tốt nghiệp đại học, con anh lập gia đình, thấy mặt những đứa cháu của anh…

   Rồi thì lúc nhớ lúc quên chuyện cha già con mọn vì tôi rất muốn biết người đàn ông lớn tuổi nghĩ gì khi quyết định sinh con trong hoàn cảnh quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Một cậu nhóc có con với bạn gái còn trong trường trung học coi vậy lại dễ hiểu vì đơn giản chỉ là tuổi trẻ dại khờ, vậy đầu bạc vì đâu?

   Câu hỏi trở lại trong tôi hôm nghe ông già người Lào trong hãng trả lời một người bạn trẻ câu hỏi, “Ông định làm gì sau khi về hưu?” Không ngờ ông ấy trả lời, “Tôi về quê tôi bên Lào, lấy vợ sinh con và sống tới hết đời ở quê tôi, không qua Mỹ nữa…” Rõ ràng là một dự tính mà ông đã suy nghĩ trong nhiều năm lầm lũi đi làm bên Mỹ này. Có rõ ràng thì mơ hồ không hiểu trong tôi vẫn là ông nghĩ gì về việc lấy vợ sinh con ở tuổi về hưu? Hình như bên Việt nam hiện thời, đàn ông sáu mươi tuổi là đủ tuổi nghỉ hưu, về vườn. Nhưng bên Mỹ, chính phủ đã đẩy tuổi hưu của đàn ông lên sáu mươi bảy. Không cần nhìn đâu xa khỏi những người làm chung trong hãng, có người qua đời khi chưa tới tuổi về hưu, thường là những người có bệnh trong người như gan, thận, phổi, bệnh về tim mạch…nhiều người khác về hưu vài năm đã nghe tin qua đời. Cứ mỗi lần nghe tin ông đó, bà đó mới về hưu mấy năm đã lên bàn thờ. Tôi lại nghĩ đến người bạn chống cộng trọn đời của tôi không biết sao rồi bên Cali, con anh ấy được mấy tuổi rồi? Tôi nhớ ông Lào làm chung hãng đã về Lào trước dịch covid-19, không biết đã lấy được vợ chưa, có con chưa, hay ông đã theo nàng Corona về Vũ Hán bên Tàu.

   Cho tới hôm tôi chở ông bạn ghé chợ mua thùng bia cho rẻ hơn mua ở cây xăng. Cũng lại là một ông già, chợ rẻ hơn vài đồng nhưng không có chỗ đậu xe, xếp hàng chờ trả tiền mệt xỉu, nhưng già là bệnh của trời, ai rồi cũng tới lúc tính toán kiểu người già nên tôi chiều ông bạn như để dành cho mình. Lúc ngồi chờ ngoài cửa chợ, bên cạnh chợ là cửa tiệm bán đủ thứ phục vụ ngành neo. Tôi ngứa mắt đến muốn xuống xe làm cho ông già nọ một trận vì quá nguy hiểm cho cháu bé mới biết đi chập chững. Tuổi đó thì biết gì nguy hiểm nên cháu bé cứ đi lung tung giữa những chiếc xe đang đậu, bên ngoài hàng xe đậu là đường xe chạy. Khu chợ nên xe đông, người Việt ở Dallas thường đi xe lớn vì ở vùng đồng trống nhiều như Texas mới biết gió lốc ngoài xa lộ khủng khiếp như thế nào, mấy cái xe nhỏ nhỏ gặp cuồng phong thì như chiếc lá bay. Trong khi những bà, cô đi chợ lại nhỏ con nên ngồi trong xe như cóc ngồi đáy giếng thì làm sao thấy cháu bé?

    Người đàn ông đã ngoài sáu mươi, tóc bạc trắng, dáng người nhỏ con nên cần ăn mặc tươm tất một chút cho dễ nhìn thì ông lại nhếch nhác, luộm thuộm; tóc không cắt cũng chẳng chải đầu như bằng chứng sống cho câu: đầu bù tóc rối. Râu lưa thưa nhưng không cạo như những cái lông heo còn sót trên giò heo trong chợ bán. Ông cứ đứng ngoài cửa tiệm bán đồ neo hút thuốc như tàu hoả, thở khói mịt mù chẳng kể người qua lại né tránh làn khói kém văn minh trong thời hiện đại. Ông cũng mặc kệ trên cửa ra vào tiệm bán đồ neo có bảng ghi rõ là hút thuốc cách 25 feet. Ông rít hết điếu thuốc trên môi thì quát đứa bé, ngoắc nó trở vào. Nó chưa bao giờ làm theo lệnh ông lấy một lần cho vui, và ông cũng không có thời giờ để nhắc lại yêu cầu với đứa bé mới biết đi vì ông đã lại bận châm lửa điếu thuốc mới khác.

   Cứ như thế đến người phụ nữ chừng năm mươi tuổi, cô đi chợ ra với cái xe chợ nhiều túi ny lon. Đồ chất vào xe cô xong, cô thấy đứa bé cứ len lỏi quanh xe cô. Cô nắm tay đứa bé dắt vào khoảng trống giữa cửa tiệm bán đồ neo và chỗ đậu xe. Cô hỏi: Con ai mà không có người trông chừng, nguy hiểm quá vậy nè? Ông già lên tiếng, đúng hơn là lên cơn vì mắc gì mà chửi cho người phụ nữa kia một trận. Người phụ nữ chịu không nổi những lời lẽ khó nghe do phát âm không bằng tục tĩu của ông ta nên cô nhún vai phân trần với những người chứng kiến và bỏ lên xe để rời đi. Cô không quên quan sát thật kỹ đứa bé vì cô ngồi trong cái xe to lớn Toyota Sequoia thì chắc chắn là cô không thấy nó vì nó còn thấp hơn cả cái bánh xe của cô.

   Tới người đàn ông trẻ nhìn rất ngầu vì anh ta cao to, cắt tóc sát da đầu hai bên thái dương, trên đỉnh đầu chừa cái bờm ngựa dựng đứng từ trán ra sau ót, anh mặc áo thun ba lỗ nên thấy hết hình xăm trên hai cánh tay và cả ngực anh ta. Nhìn anh ta thôi đã muốn tránh xa nhưng không ngờ anh lại hiền hoà như Phật bà khi đứa bé ôm chân anh. Anh thả luôn thùng bia xanh to nhất xuống đất để chơi với nó một chút. Anh cũng lên tiếng hỏi: Con ai mà để đi lung tung, nguy hiểm quá!

   Tôi ước muốn ông già… Chửi đi, chửi thật tục vào, anh chàng này mà đấm cho một đấm thì ông sẽ được thấy ông bà ông vải. Và đúng như thế, ông ấy chửi người ta dễ như người khác nói lời xin lỗi hay cảm ơn với người khác. Gặp đúng anh Gấu thứ thiệt, tóm cổ ông ta một tay, một tay cung nắm đấm như Mike Tyson, thấy ớn luôn. Anh ấy nói gằn giọng, “Ông già quá rồi! Im miệng ông đi. Tôi giộng cho ông một giộng là chết mẹ ông luôn bây giờ! Ông coi con nít kiểu gì mà để nó đi lung tung vậy. Chợ cuối tuần đông xe ra, xe vô nối đuôi, ai mà thấy nó? Ông muốn người ta cán chết nó hả?”

   Người phụ nữ trẻ đi cùng anh ta đã can ngăn, lôi anh đi. Anh xách thùng bia ba mươi chai một tay dễ dàng hơn tôi với ông bạn cùng nhau khiêng khi chợ hết thùng nhỏ phải mua thùng lớn. Tôi nghĩ đến cú đấm của anh mà ớn lạnh vì cơ bắp cuồn cuộn, nếu không có người phụ nữ trẻ đi cùng đã can ngăn anh ta thì ngày này năm sau chắc chắn là đám giỗ ông già nọ.

   Hai người họ đi trong ánh mắt nhìn theo của biết bao người chứng kiến, chỉ riêng ông già lầm bầm chửi theo nhưng chửi thầm vì suýt ăn cú đấm dư sức theo ông bà. Ông ngồi phệt xuống đất, ôm đứa bé vào lòng, nhưng vẫn hút thuốc như tàu hoả, phà khói vào mặt nó tới con bé khó chịu thì vùng chạy. Nó len lỏi giữa hàng xe đậu, vừa đúng lúc ra tới đường xe chạy thì may một chiếc xe trờ tới nhưng thấy nó nhờ người lái là đàn ông, một người cao ráo. Người lái dừng xe gấp và bóp kèn inh ỏi… Đứa bé khóc thét lên vì sợ hãi. Vừa lúc mẹ nó trong tiệm bán đồ neo bước ra, cô trông thấy nên bỏ luôn xuống đất mấy túi ny lon mà cô vừa mua. Cô vội lao ra đường xe chạy để ẵm con cô vào, mặc người lái xe đang chửi rủa thậm tệ. Cô xực cho ông già một trận, “Anh coi con như vậy hả? Cái nón đậu trên đầu nó đâu rồi…?” Cái nón ‘đậu’ trên đầu thì tôi đã biết cô người vùng nào ở quê tôi! Chỉ bất ngờ là cô quá trẻ, không thể nào cô tới ba mươi tuổi. Cô có con mới biết đi là hợp lý, nhưng chồng cô… Tôi không hiểu nổi!

   Ông bạn tôi đã ra đến xe từ lâu, nhưng ngồi đợi tôi xem cho hết tấn trò đời. Ông cũng thở dài suy luận vì cả hai chúng tôi cùng không quen biết vợ chồng kia. Bạn tôi nói, “Bây giờ thiếu gì những ông già ở bên đây như rác nhưng về bên kia lại là vàng. Về cưới một cô vợ trẻ ở dưới quê, những cô gái nghèo ở vùng sâu vùng xa đến một chỗ ở, miếng ăn hằng ngày còn chật vật thì nhắm mắt lấy ông chồng già nhưng được qua Mỹ. Cuộc đời họ sẽ bắt đầu sau khi lão ấy chết chứ không phải sau khi lấy chồng. Và những lão già bất hạnh ấy đâu còn cách nào khác để giữ chân người vợ trẻ khi cô vợ có thẻ xanh ngoài việc sinh ra đứa con. Ông hiểu rồi chứ?”

   Đúng. Tôi hiểu ra hết rồi, đứa con là cái còng chân cô vợ trẻ chứ không thì cô ấy đã cao chạy xa bay ngay sau khi có thẻ xanh. Tôi cũng biết một ông già H.O ở địa phương vì tôi từng làm ăn với con của ông ta. Chính con ông nói với tôi, “Ba tui kỳ lắm chú ơi! Ông ấy không chơi với ai, không bạn bè, không tham gia Hội Cựu Tù Nhân nào hết… Một mình trồng cây kiểng, chơi một mình không chán như không chán đàn bà. Tui chưa tới năm mươi tuổi, một vợ hai con đã đủ nhức đầu, thấy đàn bà lo chạy cho xa. Vậy mà ba tui, cứ vài năm là ông ấy lại cưới một cô vợ mới. Tuổi của ba tui ngày càng cao lên nhưng vợ mà ông cưới thì tuổi ngày càng nhỏ xuống, người vợ mới nhất của ổng cưới hồi nào tui không hay luôn. Nghe nhỏ em tui kể, mới hai mươi chín tuổi, trong khi nhỏ em út của tui đã ba mươi. Tui cũng không hiểu là sao họ đồng ý vì ba tui đã quá già. Nhưng cứ vài năm là ông ấy làm giấy tờ ly dị hợp lệ cho người ta được ở lại Mỹ khi đã có thẻ xanh; rồi ổng về quê và mau chóng đưa qua một em mới mà tui phải gọi là dì…Bà, cô mới đúng, ông già tui cưới sáu bảy tám năm trước gì đó. Ổng bỏ rồi nhưng giữ lại đứa con, nay thằng nhóc bắt đầu đi học, về nhà giành đồ chơi với con tui, con tui giộng phù mỏ chú nó. Hồi thì ba tui đánh con ổng, không được giựt đồ chơi của cháu; hồi thì ổng đánh con tui, không được giựt đồ chơi của chú… Vợ chồng tui nhìn nhau, bụm miệng cười, lủi hết, để ổng nồi cơn, ổng đập luôn tụi tui…”

   Nghe cứ như một vở hài kịch trên sân khấu nhưng cười không nổi với cha già con mọn. Ai mà biết được lý do những người lớn tuổi còn sinh con? Họ nghĩ gì khi tuổi trời có hạn, bỏ lại con thơ trên cuộc đời này khi chưa trưởng thành đã mồ côi. Âu cũng là số phận nếu tin số phận. Âu cũng là nghiệp quả khi tin nghiệp quả báo ứng. Âu cũng là ích kỷ của người này là bất hạnh của người khác, chỉ vì chút niềm vui trong những năm cuối đời của người này mà để lại trần gian những mảnh đời người khác bơ vơ từ khi chưa biết gì…

Phan

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search