T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: GIỌNG NÓI TRONG TIM

Tranh: Diễm Hạ

Những ngày Hưng còn nhỏ, thỉnh thoảng ba vẫn thường dẫn cậu bé đến thăm ông cụ Hoàng ở một biệt thự vùng Bà Chiểu. Trong khi Hưng nằm ngửa ngoài sân cỏ vật lộn với con chó nhỏ, hoặc đuổi theo cặp ngỗng bên ao nước, hoặc dạo khắp kính cẩn trước những kệ sách gỗ nâu ngắm những gáy sách da khổng lồ đang ngồi nghiêm trang nhìn các thế hệ mới lớn, hai người lớn nói chuyện với nhau khề khà suốt cả buổi chiều, có khi nuốt cả buổi tối ngủ gà ngủ gật của Hưng. Câu chuyện thường xoay quanh những kỷ niệm về Nguyễn Thái Học, những trận đánh họ được tham dự dưới lá cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Pháp và Việt Minh. Phía trên cao hai bên tường, là hai chân dung phóng lớn của cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học với những vầng trán ưu tư và đôi mắt sâu thẳm bỏng cháy nhiệt tâm nhìn vào những ngày sắp tới của dân tộc. Khi trở về, với cậu bé, ngôi biệt thự đã trở thành lâu đài của những thần thoại bi tráng và hào hùng được bao quanh bên ngoài là sân cỏ của thế giới loài vật và trẻ con, còn ở trong là những pho sách kềnh càng quốc sử và thế giới sử.

Phảng phất trong làn gió chiều lật nhẹ tấm màn cửa sổ, là giọng nói thì thầm của cụ Hoàng mang theo tiếng kèn của ngày xung trận Yên Bái, tiếng gào thét của gió rừng Thái Nguyên và cả những trận xung phong đẫm máu giữa người quốc gia và cộng sản.

“Những người đã chết, một đôi khi tôi nghe được họ hỏi tôi, những người còn sống sót, này chú Hoàng, chú đang làm gì thế, nước mắt tôi lại ứa ra. Đảng đã chia năm xẻ bảy. Tôi chẳng đang làm gì cả, viết báo cũng chẳng viết nữa…”

Ba Hưng cho biết, ông cụ Hoàng đã từng học Chấn Võ học hiệu ở bên Nhật, từng là một sĩ quan trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng, từng viết báo ở Quảng Châu, Hà Nội, Sài Gòn, nhưng bây giờ đã gác súng, gác bút. Các con đang ở bên Pháp cả. Đôi khi Hưng nhớ lại cử chỉ nào đó ông cụ hay làm, như vuốt đầu Hưng và nói: “Cháu còn quá nhỏ để hiểu lịch sử. Tới khi hiểu được, chỉ sợ lại không dám bước vào. Đừng như thế nhé. Hãy nghĩ một cách đơn giản. Lịch sử là một trò chơi nghiêm chỉnh để trở thành đàn ông. Là một men rượu mạnh hiếm có trên đời khi đã nhắp vào dù là chút phần ngàn của giọt, cháu sẽ ngây ngất say suốt đời và cảm thấy những ngày tháng khác đều trở nên vô nghĩa. Đàn bà, danh lợi, than ôi, còn nhạt hơn cả một lon bia…”

Năm 75 đến, ba Hưng đi cải tạo như mọi sĩ quan khác. Ngày tháng đến trường của cậu bé trở nên lạnh lùng hơn, như có chút gì của gió Đông chen vào bước nhỏ và cả lời nói học trò với nhau, làm họ dè dặt hơn. Mùa xuân đến rồi đi, nhưng vị đắng trên lưỡi vẫn chưa tan. Nhà Hưng ở Chợ Lớn giữa một khu phố Tàu. Lần lượt nhiều người biến mất đi, từng ngôi nhà trong phố bị khóa lại và niêm phong. Không ai muốn tìm hiểu lý do của những biến đổi chung quanh, vì cả những biến đổi áp đặt trên đời họ, họ còn chưa kiểm soát được. Đôi khi Hưng chợt nhớ tới lâu đài của ông cụ Hoàng, cậu lo ngại cho ông cụ, lo cho những kệ sách khổng lồ và cả con chó, cặp ngỗng và sân cỏ. Ngực cậu hơi nhói lên khi hình dung đến những đôi dép râu giẫm lên những lá cỏ mềm mại. Và hai khung hình nghiêm trang của cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học sẽ bị giật ra một cách thô bạo. Lúc đó, cậu nhắm mắt lại ngăn những giọt nước mắt sắp ứa ra và lẩm bẩm: “Nguyện xin cho tất cả mọi người được bình an”.

Vài tháng sau đó, cậu tình cờ gặp cụ Hoàng ngồi trước cửa tiệm chạp phô Tàu. Cụ đã trở thành một ông cụ Trung Hoa chính cống với bộ đồ cài nút bằng giây, thêm bộ râu bạc mới để. Hình ảnh đó thật lạ lùng, nhưng cậu làm sao quên được con người đã bước ra từ hào quang của những liệt sĩ đang nằm nghiêm nghị trên đồi Hoàng Hoa Cương. Chính ông cụ chào Hưng trước và dẫn lên lầu ngồi.

“Bây giờ thì gọi bác là A Xây nhé. Chủ nhà này là một người bạn làm chung hồi ở Quãng Châu, để cho bác xài giấy của một người anh xa xôi nào đó đã vượt biên. Thỉnh thoảng cháu cứ giả vờ mua đồ rồi lên chơi với bác. Có thể là đôi khi bác cũng cần tới cháu để giúp một việc gì đó. Đừng ngại nhé, đơn giản thôi…”

“Cháu không ngại gì cả. Chỉ sợ Bác không cho cháu làm việc. Cháu đã lo ngại cho Bác nhiều lắm…”

“Đúng vậy. Bây giờ thì chưa đâu. Chỉ vì cái năm 75 vớ vẩn này, bác mới lên cơn thèm cái men rượu hung hiểm này”

Hưng kể cho ông cụ nghe về ba cậu và các bạn của ông đã kéo nhau vào trại cải tạo, hoàn cảnh của các gia đình đó và cả ý định của mẹ Hưng muốn cậu con duy nhất vượt biên. Ông cụ hơi nhíu mày lại:

– Nếu cứ vào trại cải tạo và vượt biên cả thì ai ở lại làm việc. Ở ngoài đã quá nhiều rồi. Đủ để mở 100 trường Chấn Võ học hiệu ở bên Mỹ. Bác tin rằng mấy tên bạn và đàn em bác đang lo việc mở trường đấy. Có tên mời bác đi vượt biên, nhưng bác từ chối ngay. Có hạnh phúc nào hơn là nhìn tận mặt quân thù mà chiến đấu”.

Ông cụ được dành riêng một căn phòng trên lầu. Những người trong nhà, kể cả bạn ông, đều nói chuyện với ông cụ bằng tiếng Tàu. Ai cũng tin ông là người Tàu, dĩ nhiên trừ bạn ông ra. Họ tôn trọng cụ đặc biệt vì bạn ông nói rằng cụ Hoàng (tức A Xây) là vị ân nhân mấy phen cứu mạng bạn ông trong những trận đánh nào đó ở mạn Nam Sông Dương Tử.

Hưng thường giả vờ mua đồ để đến thăm ông cụ. Và sau khi nhìn quanh quẩn ngoài đường không chút bóng dáng ngờ vực, cậu nhanh chóng bước lên lầu nói với cô bé Tàu bán hàng là lên đánh cờ tướng với A Xây. Tất nhiên là bàn cờ chỉ bày ra để đi mấy nước vớ vẩn thôi, còn thì họ nói chuyện về thời cuộc.

Rất nhiều khi Hưng tới, cô bé Tàu cho biết cụ A Xây đã đi – cụ có quyền dùng xe đạp và Honda của chủ nhà – đi từ sáng chưa về, như thể một tên thanh niên xài phí sức khỏe và thời gian của mình. Thế là cậu phải ngồi nói chuyện lai rai với A Muối – tên cô bé – cho đúng thủ tục ngoại giao. Trong khi ngồi nói chuyện như vậy, cậu chỉ sợ cụ Hoàng sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà này nữa vì lý do nào đó. Và từ ngày mai, cậu sẽ đánh cờ tướng với ai, sẽ nói chuyện với ai. Cậu bé tự nhủ, hẳn là mình sẽ câm cả đời vậy. A Muối kể là ông cụ A Xây và ba cô bé ưa kể chuyện cổ tích dù cô bé cứ ngáp lên ngáp xuống. Hưng lơ đãng hỏi:

– Chuyện cổ tích gì nhỉ?

– Đại khái như chuyện trong khi A Xây về Hà Nội thì ông già tui đưa quân về Trùng Khánh, hay là những cuộc ám sát hai ông tham dự ở Thượng Hải chẳng hạn.

Cậu kể lại cho cụ Hoàng nghe và cẩn thận nói là chữ “cổ tích” cô bé dùng không chính xác. Ông cụ chỉ xoăn xoăn bộ râu:

– Nó không hiểu tiếng Việt lắm. Nhưng ngay cả người mình cũng lắm tên thường ưa lầm lẫn như vậy.

Có một lần, cậu đã sơ xuất chiếu bí ông cụ. Thường thì cậu hay giả vờ thua để làm cụ hào hứng. Nhưng lần này, cụ ngẩn người ra nhìn ván cờ suốt 10 phút đồng hồ rồi thở dài:

– Theo luật thì ông tướng không được rời khỏi cung, hễ quân chết cả, rồi Tướng cũng chết theeo. Bác chợt nhớ tới ván cờ chính trị, dân mình đang tham dự. Bao nhiêu ông Tướng rời nước ra đi nhỉ. Thế hệ Bác đã chơi một ván cờ thật tồi. Xe mã còn cả thế mà thua. Không hề gì lịch sử sẽ ở trong tay thế hệ trẻ các cháu thôi.

– Thưa Bác, ván cờ sắp tới tụi nó sẽ thua Bác cháu mình đấy. Tuy nhiên mình còn mất rất nhiều thời gian.

– Sẽ nhanh thôi cháu ạ. Bác không tin là lâu. Bác và anh em đã làm khá nhiều việc rồi. Chỉ cần tổ chức và thống nhất lại các lực lượng chống cộng mà thôi. Hai năm rồi, đủ thời giờ để tin nhau hơn. Không biết anh em Hải Ngoại đã làm được gì…

Một lần đến, chàng gặp cụ đang nói chuyện với một cô bé Việt Nam cở tuổi cậu. Họ tin nhau lời giới thiệu của cụ Hoàng: “Nói chung, tụi bay đều là con của những người đã từng làm việc với Bác”. Tuy nhiên, cậu đâm ghen với Sương – tên cô bé – khi biết cha cô còn lẫn trốn ở Sài Gòn, nhất là thời gian sau, khi biết được cô biết là một hộp thư sống của cụ Hoàng với nhóm của bố cô bé. Sương có một khuôn mặt ngây thơ hơn là công việc bất thường đó. Hưng thấy cô bé dễ thương và mỗi lần đến với cụ Hoàng, cậu đều mong gặp được “cô-bé-cũng-thích-nghe-chuyện-cổ-tích”. Đôi khi Hưng bị cắn rứt, chuyện lớn chưa lo được, cả đến nhân một việc nhỏ trong chuyện lớn đó cũng chưa được, lại thêm một bậc tâm mơ nữa. Nhưng những lần gặp gỡ ít ỏi đó luôn luôn làm Hưng hạnh phúc.

Hai cháu có tin vào hồn thiêng sông núi không. Bác tin là có đấy. Trên đời nếu có những kẻ bị quỷ ám như các cháu đang nhìn thấy, tất nhiên là phải có những người đang bị cái đẹp của Chân Thiện Mỹ dẫn dắt. Các cháu phải là những người bị hồn thiêng sông núi dẫn dắt…

– Vâng, thực sự thì cháu không ăn ngon, ngủ không yên, cứ bước ra đường thấy dân mình nheo nhóc khổ đau là người cứ muốn điên lên. Hẳn là phải có cái gì như hồn nước…

Sương thích nghe hơn là nói, có lẽ là do thói quen làm việc, cậu bé nghĩ thế. Hưng còn nhớ một lần vào đầu năm 78, ông cụ đã hào hứng nói với cậy và Sương:

– Thế là sắp xong rồi. Bác đã lo xong thống nhất các hệ phái Việt quốc, ông già con Muối đã nối được các đường giây anh em Trung Hoa. Đại Việt và Nhân Vị Cần lao, ông già con Sương đã bắt tay lại dài từ Quảng Nam tới Cần Thơ. Hòa Hảo, Cao Đài và các linh mục dòng Tên hoàn toàn sẵn sàng. Còn cảnh sát đặc biệt và quân nhân chưa quen với tổ chức bí mật nên hơi chậm. Rồi sẽ xong thôi. Rừng núi chiến khu cũng chuẩn bị rồi, chỉ cần một hội nghị Diên Hồng là phất cờ thôi. Chắc là ở Hải Ngoại, việc thống nhất các lực lượng chống cộng đã hoàn tất từ đời nào rồi. Ở ngoài thì làm việc dễ hơn… Riêng bác cảm thấy ở đây thì hạnh phúc hơn. Bác sẽ đau khổ lắm, nếu bây giờ bị bệnh liệt giường nằm nhìn người khác làm việc. Tới ngày nào đó mỗi phường có một chi bộ thì kể như xong.

– Cháu mong được bác giao cho một việc gì dễ làm.

– Khoan đã, rồi sẽ có lắm việc. Bây giờ thì chờ mấy ông già tụi tao lo việc thống nhất đã, mình phải đi từng bước. Rồi sẽ gởi cháu theo một khóa huấn luyện…

Vào năm đó của Sài Gòn, những tin đồn đến dồn dập. Người ta nói là tướng Ngô Quang Trưởng đã nhảy dù xuống miền Tây, tướng Bùi Thế Lân đã dẫn lính về Pleiku. Ông cụ vẫn lạnh lùng với những tin đồn như vậy. Lần đó, chàng bắt gặp ông cụ ngồi thừ ra, xoăn xoăn bộ râu bạc lưa thưa.

Thế là thêm một thằng em bị bắt ở Long Khánh. Cháu không thể hiểu được những lúc này bác đau khổ thế nào…

Chàng quay sang nhìn Sương, người mang tin dữ, đôi mắt cô bé rươm rướm nước mắt. Căn phòng chìm đi trong yên lặng. Chàng muốn an ủi hai người, nhưng không biết nói lên lời nào cả. Vả lại, lời nào có thể an ủi được khi nhìn thấy bạn mình sắp chết và có thể là đã chết rồi.

Vài hôm sau đó, khi Hưng đạp xe từ trường về, Sương từ một ngõ nào đó chờ sẵn phóng lên đi song song với chàng, giọng khàn đi:

– Anh đừng bao giờ ghé thăm ông cụ nữa nhé. Có vài đơn vị ở Sài Gòn đã bể. Ông cụ và ông chủ người Tàu đã tìm chỗ khác để ở. Thế thôi. Có gì cần, ông cụ sẽ nhắn anh.

– Sương có cần Hưng giúp đỡ gì không?

– Không cần gì cả. Chỉ tiếc là anh không có dịp nghe chuyện cổ tích nữa.

Khi nhìn cô bé phóng xe sang một ngã rẽ khác, chàng cảm thấy câu nói có chút gì vô tình xúc phạm. Ôi, chuyện cổ tích của cụ Hoàng không có những hoàng tử và công chúa, không có những nàng tiên với chiếc gậy thần kỳ diệu, nhưng đầy những cạm bẫy hiểm nguy và cả hạnh phúc. Chàng thèm được nhắp men rượu mạnh đó, dù thịt da có tan vào tro bụi. Chàng thèm được lao vào trận chiến đấu dù sẽ có lúc chàng phải lết về để chết gục trên sân cỏ trẻ thơ kia, mà trong lâu đài còn thăm thẳn cái nhìn cũa cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học vào suốt tận cõi của thời gian. Sách vở cầm chỉ thêm nặng tay. Làm cái gì đây nhỉ. Thêm một ngày hoang phí trong đời là thêm một lần đau khổ trên vai. Đã bao nhiêu ngày rồi, chàng chưa làm được gì cả. Hưng tin là, với tuổi 17 của chàng bấy giờ, quá nhỏ để làm được chuyện gì, nhưng đã quá lớn để có thể ngồi yên nhìn dân tộc đang đau khổ nổi trôi.

Một thời gian sau, Hưng được một người bạn đưa vào làm việc ở một nhóm Phục quốc ở quận Tư. Chàng chỉ mới học về Cương lĩnh và các kỹ thuật hoạt động bí mất. Được một tuần, thì đơn vị bể, người bạn bị bắt, chàng phải vể Biên Hòa ở với ông bác một thời gian, khi mọi chuyện yên ổn, mới dám về với mẹ. Bà phải gấp rút tính chuyện vượt biên cho con.

Từ sáng đến tối, Hưng đạp xe lang thang khắp đuờng phố Sài Gòn, chỉ mong lúc nào đó tình cờ gặp được cụ Hoàng và Sương. Những buổi trưa nắng đổ xuống đầu hừng hực, nhưng lòng chàng còn cháy bỏng hơn bao nhiêu lần thế nữa. Từng người bạn ra đi và đến Mỹ, thư từ rời rạc dần và mất tăm. Chàng tin là họ đã vào một trường Chấn Võ nào đó. Nhưng Hưng hoàn toàn không muốn ra đi trong lúc cụ Hoàng còn ở đây. Chàng tưởng tượng khi gặp ông cụ đang đạp xe ở một ngã đường nào đó, chàng sẽ phóng ào ào đuổi theo và níu vai áo lại:

– A Xây, nếu A Xây không kiếm được việc cho cháu làm ở đây, cháu xin phép A Xây để vượt biên tìm việc.

Nếu như ông cụ buông ra một tràng tiếng Tàu để trả lời, hẳn mà chàng muốn ôm mặt mà khóc được. Mặc kệ cho những người ngoài phố và cột đèn đứng nghe. Có điều gì khác nhau giữa người ngoài phố và cột đèn không, nếu không ai hiểu được tiếng khóc của Hưng.

Thế nhưng, do tình cờ, chàng đã gặp không phải ông cụ mà là bé Sương. Cô bé lấy mũi xe húc vào xe Hưng. Chàng quay lại. Họ cười với nhau.

– Chào cô bé.

– Chào từ giã anh nhé – cô bé cười bí mật – Sương đang tìm cách qua Mỹ để làm vài việc cho ông cụ và ông già.

– Tiếc quá nhỉ. Tôi muốn làm việc có cô bên cạnh đấy.

Chàng nói nghiêm trang như thể một ông Chủ Tịch Mặt Trận nói với cô Thư Ký đang có việc làm. Cô bé cười dòn tan quay ngược mũi xe lại và biến mất vào bóng đêm. Những ngày của chàng trở nên dài hơn. Chàng muốn bước vào thế giới của cụ Hoàng và Sương. Tới lúc đó, chàng nghĩ, mình chỉ cần ăn một buổi mỗi ngày, và thức 24 giờ mỗi ngày làm việc. Khi nào mệt thì ngủ chừng ba tiếng thôi. Ngủ nhiều hơn nữa là có tội với cụ Hoàng, và ăn nhiều hơn nữa là có tội với chính ba của chàng. Thế nhưng, trong vài năm sau đó, chàng vẫn chưa tìm ra việc làm. Có lúc, Hưng nghĩ là tự mình phải tìm bạn và tổ chức lấy một phong trào. Chỉ cần mỗi phường có một tổ vài người. Khi giờ hẹn đến, nhóm vài người trẻ đó sẽ bắn tên công an khu vực. Nếu các tỉnh đều liên kết được như vậy, kể như xong hai phần ba công việc. Chàng tự nhủ: “Mình phải làm việc trong tinh thần như thể là tất cả những người lớn tuổi hơn mình đều đã bỏ cuộc, để tập mình có một khả năng hoạt động độc lập. Cuộc cách mạng nào bao giờ cũng bắt đầu một người hoặc vài người cả, bao giờ cũng vậy. Lịch sử thuộc về những kẻ dám bắt đầu từ số không”.

Nhưng Hưng vẫn chưa tiến hành được điều gì, mẹ chàng đã xô chàng lên một chiếc ghe. Hưng không thấy chút gì là vui hay buồn, nào ai biết được những ngày sắp tới của mình thế nào. Chàng cảm thấy ân hận khi nghĩ tới ông cụ Hoàng với chòm râu bạc lưa thưa ngụy trang lặn lội hết ngày này qua ngày kia. “Thật ra thì ông cụ đang tìm việc cho mình đấy, mà tìm chưa ra thôi. Thế mà mình đã bỏ đi rồi”. Khi bước lên đảo, chàng hy vọng một cách mong manh sẽ gặp lại Sương. Hẳn là cô bé đã qua trước chàng lâu lắm rồi. Làm cách nào gặp được nhỉ. Nhưng nếu gặp được, dám cô bé sẽ chế giễu mình. “Chắc là cậu đã chán nghe A Xây kể chuyện cổ tích”. Và ngày sau đó, sẽ ôm mình khóc đấy. Hoặc là có thể gặp nhau ở một thành phố Mỹ nào, cô bé sẽ nói qua màng nước mắt: “Lại thêm mấy năm rồi, chỉ thương cho A Xây chưa tìm được việc cho anh làm”. Hưng vẫn không gặp được cô bé trên đảo, nàng đã qua từ năm nào rồi đấy.

Chàng mong mỏi sẽ gặp được một đường dây tuyển sinh cho trường Chấn Võ học hiệu, nhưng vẫn không thấy. Ở đây người ta có vẻ lạnh nhạt với điều đó. Chàng lao mình vào tất cả những việc thiện nguyện có thể làm được, mình không thể ở yên quá năm phút được. Người chàng có thể nổ tung lên vì đau khổ. Khi Hưng bước vào thư viện, chàng phám khá qua báo chí Hải ngoại là sự thống nhất các lực lượng phục quốc Hải ngoại vẫn chưa đến một phần mười con đường. Trong khi đó, ở quốc nội, A Xây đã nối tay với biết bao nhiêu tổ chức ở các thành phố lớn mặt cho biết bao nhiêu thiếu thốn và hiểm nguy. Hàng loạt người đi tù, hàng loạt đơn vị tan ra, rồi lại tìm cách kết hợp lại. Hưng còn nhớ một lần, ông cụ đã nói giọng thì thầm như kinh sợ chính những tư tưởng của mìn: “Trước tiên là phải thống nhất lại để đánh tan tụi nó ra. Sau đó có thể sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Sợ là anh em sẽ chia năm xẻ bày vì cách thức xây dựng kinh tế hậu chiến nào đó. Điều đó sẽ xảy ra và tiên liệu được. Phải chấp nhận thôi. Lúc bấy giờ, ai sẽ có thể trở thành một Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh? Bác tin là có những tên Sứ Quân chỉ mang nổi tâm hồn của một tên giặc cỏ. Công việc của bác cháu mình chỉ là chuẩn bị cho vị Vạn Thắng Vương đó”. Bây giờ chàng chỉ cần một công việc đơn giản nhất thôi cũng đủ để an ổn tâm hồn, chẳng hạn như đánh xe ngựa cho Vạn Thắng Vương. Than ôi, thất nghiệp gần nửa đời người rồi. Nhưng không, may mà có được một tuần lễ làm việc nghiêm chỉnh đàng hoàng hạnh phúc.

Chàng kinh ngạc đọc đi đọc lại những câu thơ và dòng nhạc rất phổ biến ở hải ngoại. Làm thế nào người ta có thể viết một cách dâm đãng thế nhỉ. Chàng còn đủ ngây thơ để hiểu lầm chữ dâm đãng như là xa lạ với những đau khổ của dân tộc. Họ không thể nào nhớ được là họ còn đang có những người bạn đang ở tù, còn những người bạn đang chiến đấu. Chàng thèm sau này gặp lại cụ Hoàng ở Sài Gòn, cụ sẽ vuốt đầu chàng như ngày còn bé với một câu nói khen ngợi: “Cháu khá lắm. Cháu đã không dâm đãng lắm vậy”. Nhưng bao giờ nhỉ. Và mình phải bắt đầu công việc như thế nào.

Chàng thèm được gặp cô bé ở một nơi nào đó trên đất Mỹ. Ít nhất thì cũng có một người con gái cũng đã nghe kể chuyện cổ tích như chàng. Nàng đang ở đâu nhỉ, hỡi vầng trán ngây thơ và nghịch ngợm đó. Nàng đã gặp được những người cần gặp chưa. Nếu cô bé ôm chàng và khóc, cho biết là ở đó không hề có trường nào giống như Chấn Võ học hiệu của cụ Phan Bội Châu ngày xưa, thì mình phải làm gì nhỉ và nói gì nhỉ, cho ra vẻ là người có thể cứu mạng cả chính đời nàng nữa. Nhưng làm thế nào gặp lại nàng giữa nước Mỹ mênh mông. Hẳn là mình sẽ lang thang khắp các ngả tư, dạo khắp các ông viên, đi cùng các trạm Metro hết đêm rồi ngày để tìm nàng vậy. Nhưng biết nàng có mơ hồ chờ mình không, hay là cũng đang chuẩn bị môi trường Chấn Võ một cách đơn độc để khỏi phụ lòng cụ Hoàng và cha nàng. Hẳn là nàng cô đơn lắm. Lạy trời, đừng có một tên kỹ sư điện tử nào mang xe hơi tới dụ dỗ nàng. Rồi em sẽ đi vào lịch sử, nhưng bằng chính tay của ta. Chàng nghĩ đến ngày sau qua Mỹ, sợ phải mất tám giờ mỗi ngày cho cuộc sống. Làm thế nào có thể dành toàn bộ cuộc đời mình cho việc phục quốc nhỉ. Trong 8 giờ, đã có hàng trăm anh em bị bắt ở nước nhà kia mà.

Ôi, men rượu kia, dù chỉ mới nhắp được có một tuần lễ, đã quay quắt cả một đời. Sẽ tới một lúc chàng nổi điên lên nếu hàng ngày chỉ dành được có vài phút để nhớ tới cụ Hoàng và ba chàng, mỗi khi cầm lên tờ báo và nhai vội mẩu bánh,để đọc những bản tin về Việt Nam. Chàng tin và hy vọng, chàng sẽ mất ngủ suốt cả đời, nếu thực sự là có hồn thiêng sông núi. Nếu không, thì tại sao ở đây, mình đã chảy nước mắt bao nhiêu lần. Nhưng dĩ nhiên, chàng biết, không phải là với ai, hồn thiêng sông núi cũng ám được. Lúc đó, mình làm thế nào nhỉ?

Chàng mơ hồ nghe từng trận gió thời gian, xô về hơi lạnh của hư vô,chín năm rồi đấy, thoang thoảng giọng nói của cụ Hoàng lẫn trong tiếng kèn ngày xung trận Yên Bái, không, chàng còn thấy cả đôi mắt sâu thẳm của Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học từ trên tường nhìn xuống ông cụ và cậu bé năm xưa:

“Những người đã chết, một đôi khi tôi nghe được họ hỏi tôi – Kỳ lạ thật, bây giờ lại vẳng theo giọng nói của thằng bạn tù của mình nữa – này kẻ sống sót, này thằng nhóc, cậu đang làm gì thế”.

Phan Tấn Hải

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search