T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: TU CHỢ

Khung Cửa Hẹp – Tranh: HOÀNG THANH TÂM

Một hôm, bác Năm bán gánh chè ngang qua nhà tôi ban trưa. Mẹ tôi đang quét lá dưới gốc cây mảng cầu cổ thụ bên hông nhà, lá gom lại cả đống, tôi lo việc hốt lá. Mẹ tôi nói với bác Năm vừa tới ngõ, “Trời nắng quá chị Năm ơi, chị nghé nghỉ chân, uống ly nước rồi hãy đi bán tiếp…”

   Hai người ngồi uống nước dừa do chị tôi làm, bưng ra. Bác Năm là người bán gánh tầm thường trong khu xóm nhưng ai ai cũng tôn trọng bà già tóc trắng, gương mặt rất phúc hậu. Bác từ tốn và khiêm nhường nhất xóm, tốt bụng với trẻ nhỏ. Bằng chứng là ai, hầu như ai cũng khen bác có mái tóc đẹp như mây, bác chỉ khiêm nhường đáp, “cực quá mà, nên tóc tôi bạc sớm…” Ai cũng khen bác Năm nấu chè ăn phát ghiền, đi đâu xa mấy cũng nhớ, mong về ăn chè bác Năm… “Ừ, thì… kiếm cơm sống qua ngày thôi, chứ có hơn ai.” Đám trẻ chúng tôi thấy gánh chè thường bu ra ăn, nhưng đứa không tiền sẽ không bỏ đi chỗ khác mà đứng nhìn. Thế là bác Năm bán cho những đứa có tiền mua xong, bác thường múc cho đứa không tiền chén chè miễn phí. Nhưng con người từ nhỏ đã biết sĩ diện, không bỏ đi khi trong túi không tiền nghĩa là muốn ăn, thèm lắm. Nhưng khi được bác Năm cho không thì lại từ chối vì ăn xong sẽ bị những đứa khác chọc ghẹo. Vậy là qua lại đôi lời, bác cứ nói ăn đi, bác Năm cho con đó, không tính tiền. Đứa được cho cứ “dạ thôi” vài lần rồi cũng đón chén chè. Để khi bác Năm đi rồi nó cũng còn đường chống đỡ với chọc ghẹo là tại bác Năm ép nó ăn chứ nó đâu muốn!

   Nếu tôi chưa từng là đứa nhỏ không tiền thì đâu nhớ tới bây giờ. Kỷ niệm với bác Năm chè thời thơ dại là nguyên nhân, lý do nhiều khi tôi mua một cây kem cho con tôi, cháu tôi xin khi chúng nghe tiếng nhạc của xe bán kem tới trước nhà là đủ, nhưng sao tôi mua luôn cho những đứa trẻ đứng nhìn, chả biết chúng con nhà ai, chúng trắng hay đen, vàng hay đỏ cũng không thành vấn đề. Nhìn đám trẻ ăn kem những trưa hè có vẻ ngon hơn thực chất ngon của kem tới vài lần vì thái độ trân trọng cây kem, sự cẩn thận hết sức để cây kem không rơi xuống đất. Rồi tận hưởng sự thơm ngon, mát lạnh của cây kem giữa trưa hè nóng bức làm bừng lên ánh mắt vô tư của trẻ nhỏ. Tôi thích cái cảm giác xài tiền đúng đắn hiếm hoi trong đời vì thường là xài tiền hoang phí, chẳng ra đâu nhiều hơn. Thích hoài niệm nhớ về bác Năm của ngày xưa, nhớ xóm làng quê trong ký ức xa mù…

   Nói tới bác Năm chè, những bà bạn thường gặp mẹ tôi ngoài chùa hay cùng đi chợ. Họ thường nói không thấy bác Năm chè đi chùa. Tuy còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ người nói bác không tin trời phật nên không đi chùa, người khác nói bác đi bán cả ngày nên không rảnh đi chùa, người nói bác sợ chỗ đông người… Ý người nói ra không thiện tâm vì ngầm khi dễ hơn là thông cảm, nghĩ chung quy lại là chê bai bác Năm nghèo nên bác ngại đi chùa vì bề ngoài không bằng ai, tiền cúng dường cũng khiêm tốn… Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã lờ mờ hiểu câu “miệng đời” mà đôi khi nghe mẹ tôi ta thán với ông trời, với mấy bà bạn trong xóm. Riêng với bác Năm, ai nói tốt hay nói xấu về bác Năm chè thì mẹ tôi đều từ trước cũng như sau, mẹ tôi luôn nói bác ấy là người tu chợ.

   Từ “tu chợ” với đứa trẻ như tôi làm sao hiểu được. Tôi chỉ biết trong xóm về những người Phật tử thường đi chùa, mặc áo xám và có pháp danh do sư cô trụ trì chùa đặt cho từ ngày người đó quy y, Phật tử không cần xuống tóc và chỉ cần ăn chay ngày rằm là đủ. Tôi biết hơn bạn bè trang lứa về những người tu tại gia. Nghĩa là tụng kinh gõ mõ mỗi ngày, ăn chay trường nhưng chỉ ở nhà, không đi chùa hay ít khi đi chùa thường như Phật tử. Họ thường là những người hiền lành và tốt bụng ví như lũ trẻ leo trèo hái trộm trái cây, hoặc bắn ná thì người tu tại gia không xua đuổi lũ trẻ một cách hưng dữ, hăm doạ như người thường mà dùng lời lẽ ôn nhu, khoan hoà, độ lượng… Giả như, các cháu đừng bắn ná, nhỡ trúng đầu chảy máu người khác, hay làm vỡ cửa kính nhà người khác; các cháu đừng leo trèo, nhỡ té ngã thành thương tật… Nhưng người tu tại gia khác người thường xua đuổi là bảo chúng tôi đợi, rồi lấy cù móc móc trái trên cao, phân phát cho trẻ nhỏ. Những người hiền này cũng ngăn cản trẻ nhỏ bắn chim bằng ná cao su, con chim nhỏ bé đâu có tội tình gì mà phải chết đau đớn. Chúng tôi thọc ổ kiến được ví như phá nhà người ta vậy… Tóm lại về những người ăn chay là tránh sát sanh, mưu cầu cuộc sống hài hoà giữa vạn vật. Họ không đủ sức cứu nhân độ thế nhưng khuyên nhủ bọn trẻ đừng làm việc ác thì họ không tiếc công sức bỏ ra.

   Tôi biết luôn cả người xuất gia đi tu là xuống tóc hay còn gọi là cạo đầu, từ đó ở trong chùa chứ không ở nhà như người tu tại gia. Kể ra tuổi nhỏ mà đã biết vậy là hơi nhiều, nhưng tu chợ là điều tôi không hiểu vì ngoài chợ có cái chùa nào đâu mà tu, có ai mặc áo xám bán cá bán tôm đâu, có ai xuống tóc cạo đầu, ăn chay trường mà chặt thịt heo ầm ầm ngoài chợ với dao lớn thớt dày đâu…? Tôi sẽ hỏi mẹ “tu chợ” là gì khi có cơ hội.

   Nhưng cơ hội đến không phải là mẹ vì đã mấy mươi năm xa nhà, xa quê, mẹ đã qua đời. Hôm tình cờ ngồi trò chuyện với người bạn bên Cali, cô ấy không cố tình nhưng chỉ để diễn giải ý cô muốn nói nên cô đã dùng từ “tu chợ”. Tôi căn cứ vào câu chuyện đang nói tới, căn cứ vào ý người bạn muốn nói gì qua chuyện đang nói mà dụng từ “tu chợ”. Đại khái câu chuyện mà chúng tôi đang nói tới là chuyện về một tổ chức, hội đoàn, nhỏ hơn là một nhóm người. Thoạt đầu cùng chí hướng nên tề tụ lại với nhau theo lẽ tự nhiên đồng hội đồng thuyền. Và cũng theo tự nhiên là hơn một người thì phải có người lãnh đạo như câu nói xưa, “tam nhân đồng hành nhất nhân vi sư.” Mới có ba người đi chung đường đã phải chọn người lãnh đạo vì chín người mười ý trong trời đất không thể đi cùng. Nhưng tâm lý con người thường không quan tâm việc làm chủ chính mình mà luôn tranh thủ làm lãnh đạo nên rách việc, việc gì cũng rách vì tâm lý con người thích làm lãnh đạo, bất luận mình có phù hợp hay không, tài trí cỡ nào? Không ai rảnh tự đánh giá mình vì toàn thời gian đã quá bận với việc đánh giá người khác. Và chủ quan là căn bệnh trầm kha của cõi trọc nên dễ hiểu lúc nào họ cũng là hơn người, họ mới xứng đáng làm lãnh đạo. Rồi thì mọi người không đánh giá cao về họ nên bầu ra lãnh đạo là người khác! Lúc ấy họ quên luôn nguyên tắc là có lãnh đạo thì phải theo sự chỉ đạo của lãnh đạo, không thể tự ý hành động. Cứ hình dung ra một tổ chức mà ai cũng làm theo ý riêng của mình thì còn gì là tổ chức, hội đoàn nào cũng tan rã, nhóm bạn hữu nào cũng thành thù địch với nhau vì tôi mới xứng đáng làm lãnh đạo…

   Từ câu chuyện thực tế, bạn tôi là người xứng đáng làm nhóm trưởng hay trưởng nhóm cũng đều không ăn lương, nhưng người này không phục, người kia cho là không đáng, người nọ dèm pha… Bạn tôi dụng từ “tu chợ” để tỏ lòng mình không háo danh hám lợi vì có lợi ích gì đâu mà mong cầu. Bạn tôi nói “tu chợ” thấy thường nhưng khó hơn tu chùa, tu am, tu tại gia vì mũ ni che tai mà không phải mũ ni che tai nên khó…

   Tôi nắm bắt ý bạn mà suy ra, hiểu được người ăn chay vì không muốn sát sanh đã đáng nể phục lòng nhân của người dám hy sinh sự khoái khẩu trong tứ khoái trần gian. Đến người bỏ đời xuất gia đi tu là đoạn tuyệt tứ khoái chứ không phải một càng nể phục tấm lòng độ lượng của người xuất gia. Nhưng đi tu là vào chùa ở, xa lánh trần gian, lục dục tầm thường đã không dễ vì ai không thích hưởng lạc theo thú tính bản năng, nhưng dù sao tứ phía cũng là những người xuất gia như nhau, ăn chung mâm cơm đạm bạc chốn thiền môn, tụng chung bài kệ cứu nhân độ thế. Nói một cách khác là không có gì để so sánh thì lòng tham, ham muốn của bản năng ít trỗi dậy hơn, nhưng khi có chút hư danh hay mùi tiền thì ai cũng muốn.

   Tôi nghĩ vu vơ, giả sử hoàn cảnh đưa tôi với bạn vô tù, hai chén cơm tù như nhau nên tôi với bạn chia chung nghịch cảnh, khuyên nhủ, vỗ về nhau hãy cố nuốt đi bạn tù vì ngày mai của chúng ta đang đợi ngoài song sắt. Chúng ta đâu phải ở đây tới hết đời mà không cố gắng đợi ngày ra. Nhưng hai chén cơm tù khác nhau thì tôi với bạn đã không còn là bạn tù. Khi trong chùa có những mâm cơm khác nhau, chỗ ngủ khác nhau, việc làm khác nhau thì tu sĩ, tu sinh không thể nào hoà hợp. Tôi nhận lệnh sư phụ đi gánh nước từ sáng tới chiều về cho chùa xài, cho bạn tắm thoả thích vì bạn là tu sinh đặc biệt, phần ăn của bạn cũng đạm bạc nhưng theo nghĩa nhiều đạm nên tốn nhiều bạc hơn phần ăn của tôi vì bạn là tu sinh đặc biệt. Sự phân biệt đối xử ngoài đời bạn đã từng gặp nên mới thoát tục đi tu, tưởng sao vào chùa cũng không khác ngoài đời thì đi tu làm gì? Không biết bao nhiêu câu hỏi nảy sinh trong đầu bạn như những mũi kim ngày càng nhiều đến hôm nó lú đầu kim ra ngoài, một mũi kim lú ra được thì ngàn vạn mũi kim còn lại cũng lần lượt chui ra… Bạn bị đuổi khỏi chùa vì đi tu còn ganh tỵ hay chùa bị đóng cửa do phân biệt đối xử đều dễ dàng lùa vào cơ duyên của bạn và ngôi chùa mà bạn đã tu chọn.

   Người thường ai cũng tranh quyền đoạt lợi, không ăn được thì phá hỏng cho khỏi ai ăn luôn. Người thường ngoài đời nhiều vô kể, kẻ tu hành phật phật ma ma chốn thiền môn cũng nhiều. Hiếm hoi gặp được người tu chợ là người sống giữa chợ đời thị phi nhưng vẫn giữ được mình không nghiêng ngả bên nào, không nổi giận khi bị xem thường, không nổi hứng khi được tâng bốc… thì đúng là bác Năm bán gánh chè ngày xưa. Ai khinh bác nghèo bác cũng bình thường với cái nghèo của bác, ai khen bác có mái tóc đẹp, bạc đều, bác cũng bình thường với mái tóc trắng như mây. Ai nói bác dại, bác cũng để ngoài tai, kiên nhẫn gánh gánh chè đi bán để nuôi cháu nội vì con trai chết trận, con dâu bỏ nhà đi bác cũng không giận hờn. Hồi con dâu trở về nhà cho mẹ chồng lo chuyện sanh đẻ cho cô ấy, bác Năm vẫn bình thản lo cho đứa con dâu không may vì con trai bác chết sớm. Cả làng chửi bác ngu bác cũng bình thản làm việc nên làm. Mẹ tôi nói bác là người tu chợ từ khi tôi còn nhỏ xíu, nhưng cuối cùng tôi cũng hiểu ra tu chợ là gì? Sống thì ai cũng phải sống cho tới hết phận đời mình, người may mắn sống trong nhung lụa cũng một kiếp người. Người sống nghèo khổ cả đời cũng hết kiếp nhân sinh, bác Năm cho đứa nhỏ không tiền chén chè miễn phí không làm cho bác nghèo hơn mà làm cho đứa nhỏ nhớ suốt cuộc đời từ độ. Bác là người tu chợ, một loại người ngày càng hiếm trên đời.

Phan

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search