T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Về quận Cam…

 hoa đậu bắp

Hoa Đậu Bắp – Tranh: Mai Tâm

Nếu chịu khó nhớ lại thì có lẽ sẽ nhớ ra tôi đã đến quận Cam bao nhiêu lần. Nhưng thích dùng từ “về” khi nói đến quận Cam. Bởi đó là một trong ít ỏi những địa danh mà tôi đã đến và còn nhớ. Nhớ thời làm phóng sự báo chí, tôi đi rất nhiều nơi có cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Dĩ nhiên đến đâu cũng chỉ như người cỡi ngựa xem hoa, một đôi ngày làm sao biết hết địa dư, phong thổ, và lòng người. Gặp vài người làm sao quơ đũa cả nắm thành đặc tính của một cộng đồng cho được.

Nhưng người đàn ông tôi đã gặp cả chục năm hơn về trước. Nay vẫn nhớ tên anh là Hạnh. Một sáng tháng năm ở Hamburg – Đức. Tôi lái xe mất ngót ba tiếng để qua Đan Mạch, đi chơi thôi chứ chẳng có việc gì. Có quen biết ai đâu mà thăm hỏi. Thế là mấy người bạn chúng tôi loanh quanh phố sớm thưa người. Bỗng đâu xuất hiện người đàn ông Việt nhỏ nhoi trong sương mù, anh có nét rắn rỏi của người miền biển bên Việt nam. Anh tự đến với chúng tôi với lý do nghe chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Anh đến chỉ để hỏi chúng tôi có cần giúp đỡ gì không, vì thấy chúng tôi rõ là những người mới đến đây lần đầu.

Khi biết chúng tôi là những người du lịch từ Mỹ qua Anh, sang Đức, nay ghé Đan Mạch… xem sương mù. Anh thật lòng, thật tình mời chúng tôi về nhà anh dùng bữa cơm đạm bạc, “Em cũng là người mới sang định cư ở đây vài năm nay thôi. Nhưng xứ lạ quê người, nghe được tiếng mình nó ấm lòng lắm các anh chị ạ! Nhà em chỉ có ít cá khô bên quê nhà mới gởi qua cho. Các anh chị ngồi chơi chút là em thổi được nồi cơm…”

Anh làm cho lòng tôi ấm lên trong tâm tư biệt xứ. Tôi nhai lại con mắm linh sống trong ký ức, cắn trái ớt biết giòn, sau khi tót một chung rượu đế trên ghe thương hồ ở quê nhà lênh đênh sông trăng, rồi say khướt với Sơn Nam qua tiếng đàn vọng cổ, “từ bên này sông Tiền/ qua bên kia sông Hậu/ mang theo chiếc độc huyền/ với điệu Lục Vân tiên… kiến nghĩa bất vi vô dõng dã…” Trời ơi! Anh làm tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ thời mạt rệp của Tưởng Năng Tiến, diễn tả nỗi bơ vơ nơi xứ người của một kẻ tha hương mà ai cũng chỉ đọc qua một lần là nhớ mãi… “Excuse me/ I’m sorry nói mãi/ thèm một câu chửi thề…”

Bạn tưởng tượng đi. Bạn lang thang trên phố Lê Lợi ở Sài gòn với tâm khảm đang yêu… và sắp được yêu. Con chó đái ba chân ở gốc cây cũng đẹp trong tiếng chửi thề tèm lem của dân hè phố. Vậy mà chỉ cần mất nước là một phận người dạt trôi thèm tới tiếng chửi thề ở quê nhà cũng không có đâu! (Thương Tiến quá anh trai…)

Tôi nhớ mãi về anh Hạnh bên Đan Mạch sau khi chúng tôi không tiện ăn bữa cơm tình nghĩa với gia đình anh. (Thật ra gia đình anh đang sống trên một căn chung cư cao ngất ngưỡng. Anh nhìn xuống thấy mấy người đầu đen thấp thoáng trong sương sớm, vang vọng tiếng nước tôi… nên anh vội xuống thang máy để xem giúp được gì cho nhau không?) Chỉ ngần ấy đã đủ đau lòng con quốc quốc…

Anh cố nài nỉ chúng tôi sau khi từ chối bữa cơm đạm bạc. “Nếu các anh chị còn ở lại đây tới 4 giờ chiều. Thì Hạnh xin qúy anh chị vui lòng đến giáo xứ, (chỉ có mươi gia đình Việt nam thôi). Nhưng bốn giờ chiều nay giáo xứ chúng em sẽ có buổi lễ đón tiếp một gia đình Việt nam vừa được đến định cư ở Đan Mạch. Sự hiện diện của qúy anh chị…”

Tôi mất dạy bẩm sinh nên tiếp lời trong lặng lẽ, “… sẽ tăng thêm phần chật chội và tốn kém cho giáo xứ chúng tôi.”

Nhưng mang máng nhớ. Hiền nội đưa cho tôi miếng khăn giấy để chậm nước mắt khô.

Tôi chẳng còn nhớ sương mù bên Đan Mạch khác bên Anh thế nào. Phong cảnh Đan Mạch đẹp yên ả cũng chỉ loáng thoáng trong ký ức. Nhưng gương mặt rám nắng, giọng nói chân tình. Trái tim nằm ngoài lồng ngực của anh Hạnh trong tình đồng hương thì không thể nào quên.

…Như tôi nhớ ngoại ô Paris. Một sáng tờ mờ sương đêm còn lãng đãng giăng ngọn đèn vàng. Buồn hiu hắt tôi nhớ Ban Mê, nhớ cô gái người Thái trắng trắng như bông bưởi có còn buông xà rông coi chơi cho lóa mắt thằng cu thị thành.

Mẹ của con nhỏ bạn học với tôi thời con nít, lại chung xóm. Tôi gọi là cô. Cô không ngờ tôi thức sớm. Cô bảo tôi xách giỏ đi chợ với cô. Cô đi bộ với tôi đến nhà nuôi gà trong xóm mua ít trứng, ghé nhà kia mua pa-tê ngỗng, ghé nhà nọ mua dăm ổ bánh mì mới ra lò… Tôi không biết tiếng Pháp nhưng cứ phải lén cô quệt nước mắt nhớ làng xóm tôi xưa. Mẹ tôi với cô hay đi chợ chung; tôi với bạn lon ton, lẽo đẽo theo chân để vòi vĩnh tuổi thơ.

Tôi chết ngắc khi cô mua bơ xanh ở nhà nọ đang thồng thộc mùi phân bò trong gió sớm. Cô nói với tôi, “cái món thum thủm như mùi hột vịt ung này. Nhưng mẹ cháu thích lắm! Giá người còn thì cô cháu mình bây giờ gởi về cả cân không tiếc. Thời thế…!” Tôi đoán ra từ ấy thôi… từ tiếng thở dài của cô.

Cô thở dài tới đâu, nước mắt tôi ngập cống ngoại thành Paris tới đó cho một tình bạn đàn bà chung xóm với nhau mà tri kỷ như Bá Nha – Tử kỳ.

Thử hỏi đời phiêu bạt của người ký sự muôn phương. Tôi không nhớ một vùng ngoại ô Paris làm sao được?

Như. Nếu bạn đủ nhân ái, xin chịu khó chịu thương. Xin bạn đi qua vùng  Palo Pinto, không cách Dallas bao xa về hướng tây bắc. Nhưng nơi đó chỉ có đồng khô cỏ cháy, nhà thờ Tin lành nhỏ hơn nhà ở, cũ kỹ, vẹo xiêu với thời tiết khắc nghiệt. Nhưng bạn kiên nhẫn dừng chân không lâu. Những tín hữu Tin Lành rách rưới y phục bên ngoài nhưng lành lặn con tim sẽ đón tiếp, giúp đỡ bạn tới bạn thấy hoạn nạn phải dừng chân nơi đây là may mắn trong đời bạn! Bạn sẽ là một con người khác sau khi hết xăng, bể bánh xe qua đoạn Palo Pinto nắng cháy ở Texas vì bạn đã tự thấy hết xấu xa của mình!

Tôi đi mãi về phía những hàng cây vì đời này hiếm bóng mát. Thì quận Cam đã giang tay ôm tôi vào lòng với biết bao tha thứ, ân tình… cho thằng nghịch tử. Vì là nơi tôi không hề muốn đặt chân tới nữa vì tội lỗi riêng mang, nhưng vô tình lại không phải bạn tôi. Tôi đến đó lần đầu với tâm thức lập nghiệp hồi mới qua Mỹ. Nhưng người xe như nước áo quần như nêm ở quận Cam -không phải tôi. Tôi thuộc về dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Tôi sợ lạc mất mình trong đời ngắn ngủi này nên xa lánh quận Cam.

Có lần tôi đứng hàng giờ ở Phước lộc thọ. Một mình. Hình như tôi nghĩ ở đây tất cả phụ nữ quê tôi đều là bà Bích Ngọc. Bởi ai cũng sửa sắc đẹp theo khuôn mẫu của bà chủ thầm mỹ viện danh tiếng một thời.

Nên chẳng ai nhặt trái tin quê mùa vừa rớt rụng. Cuộc sống nhanh, vội ở thủ phủ tỵ nạn chỉ làm tôi nghẹt thở. Thằng bạn chó cắn ở quê nhà, lái cái xe trị giá cả trăm ngàn đô la ra phi trường đón tôi. Tưởng nó đưa tôi về lâu đài tình ái của nó cũng cỡ bạc triệu. Ai dè, con vợ quê mùa cũng không có tiền cưới nổi, bạn xa về thăm còn phải chỉ nó cái món đỡ lòng nửa đêm là mì gói xào hotdog trong căn phòng share mà nó ở share phòng.

Dù sao tôi cũng vẫn giữ được niềm tin, nếu kiên nhẫn đọc hết cuốn sách dở, ít nhất cũng đọc được một câu văn hay. Dần dà tôi có nhiều kỷ niệm với Bolsa hơn. Những người muôn năm cũ ở đó như Khánh Ly, Nam Lộc, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Kiều Chinh… Nếu không có biến cố 75 thì tôi không có cơ hội được diện kiến họ. Trong mất mát của người này sẽ đẻ ra cơ hội cho người khác. Nhưng ai nghĩ tới bù đắp?!

Dường như ở quận Cam, thủ phủ của bảo tồn đủ thứ nhưng lại loãng mảng tiền nhân. Chỉ những hậu thế khờ khờ dại dại như chữ o tròn, nhưng còn biết những tiền bối đến lúc nào, về bao giờ. Ôi Cam quận đã thuộc về quá khứ khi những người muôn năm cũ không còn nữa.

Vài mươi năm qua như giấc chiêm bao, quận Cam còn chút gì để nhớ để quên. Lần trước tôi về quận Cam, còn ngồi trò chuyện với chị Quỳnh Giao. Lần này về, anh Nguyễn Xuân Nghĩa khoanh tay, lủi thủi một mình theo hành lang… bước lên sân khấu! Nụ cười trong héo ngoài tươi của anh là món quà không tặng – sao tôi lại đem về tuyệt tình cốc này để nhớ mãi quận Cam? Nơi bạn không còn hiện diện trên sân khấu sẽ thế nào?

Đêm Bolsa đã xa, còn lại cái bóng tôi dưới ngọn đèn vàng. Những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ, mà trong đó tôi cũng được kể là một bởi vui buồn với Bolsa còn đó trong tôi.

Nhưng rồi ai cũng cần một nơi để về. Tôi biết về đâu ngoài nơi bạn bè giang tay, ký ức khép lại ánh đèn vàng nửa đêm ngoài phố Bolsa.. Cảm ơn hết anh chị ở Bolsa năm nay đã welcome cowboy Texas. Tạ ơn em phục sinh.

Lần này về quận Cam, nóng như con gà trống vừa đạp mái. Đó là câu ngạn ngữ của dân quê Texas. Nhưng làng văn với nhau lắng đọng chân tình ở quận Cam. Và. Cuộc vui nào cũng tàn để sớm mai còn dư hương. Tôi quá giang xe một người bạn để đưa hai người bạn ra xe đò Hoàng. Dù chỉ là gã chăn bò bên Texas. Nhưng ăn, nói, cười, hít thở với một phần công sức của em tôi đến từ San Jose. Xách giỏ ra xe cho em không bù đắp nổi bồi hồi chia xa. Tạ ơn em lòng lành.

Người giang xe đời này, xin nhớ mãi những tầm lòng từ quận Cam. Chỉ cầu nguyện ơn trên khi tôi về lại nhà – là cảm giác mới nhất hiện hữu trong tôi – về quận Cam như về lại nhà khi trái tim đã để lại quê nhà.

Đứa con, em rong ruổi một đời…

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search