T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Sự lựa chọn bình an

clip_image002

Tôi mồ côi mẹ từ thuở lọt lòng. Cha tôi theo người đàn bà khác, bỏ đàn con thơ dại bơ vơ. Chị Hai tôi lúc đó mới 18 tuổi đã phải ra đời, tảo tần xuôi ngược để nuôi nấng, dạy dỗ ba đứa em bé bỏng mà tôi là út với sự giúp đỡ của các dì -em của mẹ tôi-. Vì thương tôi, một đứa trẻ bất hạnh, vừa mới chào đời đã thiếu vắng tình thương của mẹ,ï nên chị Hai rất cưng yêu, chìu chuộng tôi. Dù gia đình không khá giả nhưng tôi muốn gì là được nấy. Trong nhà không ai được nặng lời với tôi, cứ mỗi lần thấy tôi đứng ở góc nhà khóc tấm tức là anh Ba và chị Tư thể nào cũng bị lôi ra hỏi tội.

Khi đến tuổi trưởng thành tôi yêu Khoa. Vốn được cưng chìu từ thuở bé nên tính tình tôi rất ngang bướng, trái lại Khoa rất hiền lành. Lúc Khoa đến gặp chị Hai để nói chuyện cưới xin, chị Hai nửa đùa nửa thật:

-Yên mồ côi từ lúc mới ra đời nên các anh chị rất cưng chiều, cũng vì vậy mà nó hư lắm, không biết nấu nướng gì cả. Đã vậy còn hay giận dỗi, tự ái. Em nghĩ kỹ xem có thể chịu nổi một người vợ như vậy không?

Khoa cầm tay tôi cười hiền từ

-Yên không biết nấu thì em nấu, còn giận thì em mua kẹo về dỗ… chị Hai đừng lo, chị thương Yên bao nhiêu thì em thương Yên bấy nhiêu.

Lời thật thà của Khoa làm chị Hai cảm động và chúng tôi nên vợ chồng bằng một đám cưới thật đơn sơ, giản dị vì ba mẹ của Khoa đã sang Mỹ theo diện HO trước đó một năm. Phần Khoa, vì quá tuổi quy định nên không được đi cùng, đành phải chờ hồ sơ bảo lãnh của người chị -đi vượt biên từ trước- đã làm khá lâu.

Cuộc sống vợ chồng của chúng tôi rất êm đềm, hạnh phúc. Khoa luôn tỏ ra là một người chồng gương mẫu, anh gánh vác hết mọi nặng nhọc trong gia đình để tôi khỏi phải lo lắng vất vả. Kinh tế gia đình cũng tạm ổn định nhờ thỉnh thoảng nhận được tiếp tế của mẹ Khoa.

Hai năm sau, tôi cùng Khoa háo hức lên đường sang Mỹ cùng với 2 đứa con nhỏ, một trai 5 tuổi và một gái 3 tuổi, bỏ lại sau lưng người chị thương yêu đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để lo cho tương lai và hạnh phúc của em mình. Tôi biết lòng chị Hai nặng chùng vì đau đáu lo lắng cho đứa em gái bé bỏng -trong mắt chị- nơi xứ lạ quê người sẽ đơn độc trong gia đình chồng toàn những người xa lạ mà không biết sẽ hạnh phúc hay bất hạnh trong ngày tháng sắp tới.

Sau hai mươi mấy giờ bay mệt nhoài tưởng chừng không còn sức lực để đứng lên, trước khi bước xuống phi cơ bỗng Khoa quay sang tôi dặn dò :

-Sang đây rồi em phải làm mọi việc. Trong gia đình anh, đàn ông không ai làm việc nhà cả, vì mẹ anh nói đó là việc của đàn bà…

Tôi nhìn Khoa ngỡ ngàng. Lẫn trong sự ngỡ ngàng là nỗi lo âu đến lạnh người. Trong phút chốc, tôi cảm thấy mình bơ vơ quá và ao ước được mọc thêm đôi cánh để bay trở về nhà khóc với chị Hai.

Cũng may là chị Hai lo xa, nên trước khi đi khoảng hai tháng chị thường sang nhà để dạy tôi nấu ăn, và căn dặn những điều phải trái khi sống với gia đình chồng. Nhưng thật sự tôi không lường hết được cái gánh nặng của nàng dâu mà tôi phải vác lên vai. Thời gian đầu, chưa quen với công việc đi chợ, nấu nướng, giặt giũ và hàng chục việc không tên khác nên nhiều khi Khoa cũng giúp tôi, khi thì tắm con, khi thì gấp quần áo, nhưng nhìn vẻ mặt nặng như chì của mẹ chồng hay những lời nói xa nói gần của các cô em chồng “Anh Khoa vô hội sợ vợ hồi nào vậy há?” Khoa dần dần làm ngơ trước những bận bịu tất bật của tôi.

Vậy mà mẹ Khoa vẫn chưa vừa lòng, bà nặng nhẹ tôi đủ điều. Vốn bướng bỉnh từ thuở bé, nhưng không biết từ bao giờ tôi trở nên ngoan ngoãn và chịu đựng đến đáng thương. Biết bao nhiêu sự bất công tôi phải gánh chịu từ mẹ chồng và các cô em chồng đanh đá. Khoa là người con rất có hiếu, nên không bao giờ anh dám lên tiếng bênh vực tôi, dù biết những điều xảy ra thật sự vượt sức chịu đựng của tôi, một con bé xưa nay chỉ quen vòi vĩnh và nhõng nhẽo. Những lúc quá buồn tủi tôi lên tiếng than thở, Khoa không những đã không an ủi và thông cảm mà còn trách móc sao tôi dám “nói động” tới mẹ anh. Nỗi chán chường đôi lúc làm tôi chỉ muốn đem hai đứa con trở về Việt nam để được sống với chị Hai. Nhưng tôi không làm được điều đó vì con tôi rất thương yêu bố và chúng cũng cần ở lại đất nước tự do nhiều cơ hội này để xây dựng một tương lai tốt đẹp.

Cơ may đã đến với tôi khi cô em gái thứ sáu của Khoa kết hôn. Sợ con gái mình sẽ bị chồng hiếp đáp nên mẹ chồng nhất quyết bắt rể. Nhờ thế mà chúng tôi có cơ hội ra riêng. Tôi sung sướng như chưa từng bao giờ sung sướng như thế khi liên tưởng đến một gia đình ấm áp … rồi hạnh phúc lại trở về như những ngày chúng tôi còn ở Việt Nam.

Vợ chồng vui vẻ chưa được bao lâu thì Khoa lại bắt đầu đam mê nhậu nhẹt. Anh kết bạn với những người làm cùng hãng, ngoài giờ làm việc chỉ biết tụm năm tụm bảy để chén thù chén tạc. Những tiệc nhậu cuối tuần làm cho tâm hồn Khoa phơi phới thì mẹ con tôi héo hắt trong nỗi đợi chờ. Mỗi lần tôi trách móc thì Khoa lại đập bàn, đập ghế, gay gắt với tôi. Lúc trước Khoa sợ các cô em nhạo báng anh “sợ vợ”, còn bây giờ anh ngượng ngùng khi bạn bè trêu chọc anh “thờ bà”. Cuối cùng tôi vẫn là người ở giữa để nhận chịu thiệt thòi. Nhiều đêm thức trắng, lặng lẽ nhìn Khoa đang say sưa trong giấc ngủ, tôi hỏi thầm, đâu rồi Khoa ngày xưa của tôi mà nước mắt chảy quanh. Cái cảm giác xa lạ với chính người chồng thương yêu của mình làm tim tôi đau nhói. Tôi ôm ấp nỗi đau riêng thầm. Miệng cười cười, nói nói mỗi khi gọi điện thoại về chị Hai “tụi em rất hạnh phúc. Khoa vẫn thương yêu và lo lắng cho em như ngày xưa”. Chị Hai nhỏ nhẹ nhắc nhở “em cũng phải chăm sóc Khoa với hai đứa nhỏ, đừng có ngang ngang bướng như hồi ở với chị Hai nghe”. Nước mắt tôi chực ứa “xin lỗi chị Hai, em đúng là cái thứ khôn nhà dại chợ”. Giọng chị Hai như nghẹn lại “nói bậy không hà, lo cho chồng là dại sao? Khoa thương yêu quý trọng em như vậy thì dù có hy sinh mấy cũng đáng em à!!!?”

Tôi buông máy xuống lòng tự hỏi lòng sao tự dưng mình phải tập tành nói dối. Nếu chị Hai nghe được những gì Khoa nói với bạn bè không biết chị sẽ thất vọng đến chừng nào “Đàn ông bây giờ có giá rồi chứ không phải đứng hàng thứ tư như hồi trước đâu. Vợ mà lộn xộn hả? Ly dị!!! Bộ về Việt Nam cưới vợ 18, 19 tuổi không ngon hơn con vợ già ở nhà sao”. Giọng cười ha hả của Khoa hòa lẫn trong tiếng la hét tán dương của đám đàn ông đang say líu lưỡi làm tôi bàng hoàng đến lợm giọng.

Nỗi bất hạnh tưởng chỉ dừng lại ở đó, không ngờ một lần Khoa về nhà nửa khuya, nhằm lúc tôi đang bị cảm nặng nên rất mệt mỏi, vậy mà Khoa không cần hỏi han tôi nửa lời, nhào lên giường ôm chặt lấy tôi, sờ soạng khắp người. Tôi đẩy nhẹ Khoa ra “em đang bệnh, anh cho em ngủ một chút được không?”. Khoa cười hố hố, giọng cười nghe man rợ lạ lùng. Tôi bỗng sợ hãi xô Khoa thật mạnh. Bất ngờ vì thái độ quyết liệt của tôi, Khoa nổi giận, anh kéo cổ áo tôi lên giật mạnh “cô làm cái trò gì vậy?” Cái cổ đau điếng khiến tôi mất bình tĩnh “vậy anh có biết là anh đang làm trò gì không?” Khoa đẩy tôi nằm xuống cười gằn “tôi sẽ cho cô biết là tôi đang làm trò gì?”. Tôi không chống chọi nổi với Khoa nên đành nằm yên chịu đựng, tưởng chừng người đàn ông đang ôm xiết lấy mình để tìm sự thỏa mãn không phải là chồng mình mà là một kẻ hung hãn điên cuồng vì dục vọng khiến tôi ghê tởm. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bị tổn thương như thế. Tôi khóc nấc lên vì uất hận, vì đau đớn, tủi nhục. Khoa như sực tỉnh, anh buông tôi ra, bước xuống giường, nhìn tôi rất lâu rồi nói khẽ “anh xin lỗi” trước khi bước ra khỏi phòng.

Từ sau đêm hãi hùng đó tôi gần như kẻ mất hồn. Mỗi tối, khi các con say vùi trong giấc ngủ tôi ra sân sau, ngồi bó gối trên chiếc ghế lạnh lẽo nhìn vào khoảng không tăm tối như nhìn hạnh phúc gia đình đang đi dần vào tử huyệt. Bao nhiêu lời xin lỗi của Khoa cũng không lấp đầy được khoảng trống mênh mông trong tâm hồn tôi. Không biết vì tôi cố chấp hay vì tình yêu xưa chỉ còn là những cọng cỏ lắt lay trong cơn giông bão.

Thái độ lạnh lùng của tôi cuối cùng lại đẩy Khoa trở lại con đường cũ, anh cứ nhậu nhẹt say sưa, rồi trở về với những trận cãi vã kịch liệt. Con cái ngác ngơ sợ hãi, nụ cười trẻ thơ đã biến mất tự bao giờ. Cuộc sống gia đình chẳng khác nào địa ngục trần gian. Tôi không biết mình sống ra sao nữa. Ý nghĩ ly dị đã đến với tôi nhưng nghĩ đến cảnh con mình không có cha tôi lại không đành.

Chỉ cái tật nhậu nhẹt của Khoa cũng đủ làm cho tôi khốn khổ, đâu ngờ anh lại lao vào những trận đỏ đen. Khi đến ngân hàng lấy tiền để gửi về chị Hai chữa bệnh tôi mới biết bao nhiêu tiền dành dụm Khoa đã đốt sạch trong những canh bạc. Tôi trở về nhà với cơn giận ngùn ngụt lửa.

-Tại sao anh nhẫn tâm như vậy. Chị Hai đang đau thập tử nhất sinh. Tôi đang cần tiền, anh là một người chồng tán tận lương tâm, chỉ biết sống cho mình.

Giữa đám bạn bè đang đông đủ trên bàn nhậu, Khoa lừ mắt nhìn tôi

-Ê! vậy mà có đứa cũng đã từng mê đắm cái thằng tán tận lương tâm này đó.

Khoa cười ha hả, cả đám bạn cười theo. Cơn giận lên tột độ, tôi không còn kiểm soát được hành động của mình, vói tay gạt hết những chén ly ngổn ngang trên bàn. Bạn bè của Khoa đứng lên, phóng nhanh ra cửa, tiếng cười nhạo “thằng Khoa gặp bà chằng thứ thiệt” còn vang lại. Một tiếng bốp vang lên, những mảnh vỏ chai từ trên đầu tôi rơi xuống mang theo giòng máu đỏ tươi. Hai đứa con tội nghiệp của tôi lui vào góc nhà khóc thét. Tôi ôm đầu gọi con trong cơn đau buốt “gọi cảnh sát, gọi cảnh sát cho mẹ mau”. Đứa con gái đỡ lấy tôi mếu máo “đừng mẹ ơi! con không muốn cảnh sát bắt bố đâu”. Ánh mắt tuyệt vọng, van lơn của nó làm tôi không cầm được nước mắt. Trời ơi! sao con tôi lại khổ thế này. Khoa đứng đó, bàn tay cầm điện thoại run rẩy, lâu lắm tôi mới nghe tiếng anh yếu ớt vang lên “Tiên ơi sang đây gấp chị Yên bị thương ở đầu”.

Tin chị Hai qua đời như nhát dao cuối cùng cắt lià tình nghĩa vợ chồng vốn đã mong manh giữa tôi và Khoa. Khoa đã quỳ gối suốt đêm bên giường để cầu xin tôi tha thứ. Tôi lặng im nhìn lên trần nhà có cánh quạt quay đều, đếm từng tiếng tách tách nhè nhẹ, cố tìm ra điểm đi và điểm về của nó nhưng cuối cùng hai mắt tôi hoa lên, đầu óc tôi bị quay mòng mòng. Có phải cuộc sống của tôi vào Khoa rồi sẽ như thế nếu chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình này cho đến cuối đời. Thôi thì mình hãy buông tay nhau ra đi Khoa. Nếu không thể tìm thấy hạnh phúc bên nhau thì đừng vin vào lý do vì con cái mà giết chết đời nhau trong buồn đau, bất hạnh. Em thật tình không muốn con mình thêm một lần nữa nhìn thấy cha mẹ nó như hai võ sĩ lên võ đài thi đấu, ăn thua quyết liệt không chút nương tay, không chút xót thương đối thủ của mình. Một hình ảnh thật kinh hoàng mà ngày xưa chưa một lần em nghĩ đến. Tôi xuống giường bước ra khỏi phòng, khép nhẹ cánh cửa lại. Có tiếng Khoa gọi, Yên, Yên ơi! Tiếng gọi này từng đã lặp đi lặp lại hàng triệu lần mà sao bây giờ ngượng ngịu quá, xa lạ quá.

***

Bốn năm trôi qua. Giữa tôi và Khoa tờ hôn thú vẫn còn -theo ý muốn của hai con- nhưng cuộc sống là một tách biệt riêng rẽ. Đau buồn cũ giờ thuộc về quá khứ. Tôi đã có những ngày tháng rất cô đơn nhưng cũng rất an bình. Điều bất ngờ khiến tâm hồn tôi được thư thái, nhẹ nhàng, đó là Mẹ và các cô em của Khoa, sau nhiều biến cố xảy ra đã dành cho tôi một tình cảm rất đặc biệt. Mẹ Khoa nói với tôi nhiều lần câu hối tiếc và biểu tỏ sự mong muốn ngày tôi trở lại với Khoa.

Tôi không dám nói trước chuyện ngày mai, nhưng hơn ai hết tôi hiểu rằng từ cái chết của chị Hai giữa tôi và Khoa đã một khoảng cách -Giá như ngày đó Khoa đừng lấy hết số tiền tôi dành dụm được thì tôi đã có thể giúp chị Hai chạy chữa đến nơi đến chốn- Cái khoảng cách ấy đối với tôi thật cần thiết. Bởi nó đã đẩy Khoa dạt về một phía, dù không xa nhưng cũng chẳng gần. Tuy mỗi người một đời sống riêng tư nhưng hạnh phúc vẫn tựu về một điểm chung là hai đứa con yêu quý. Chính nhờ cái khoảng cách ấy mà tôi đã nhìn thấy lại một Khoa hiền lành, tế nhị của ngày xưa.

Và trong những giấc mơ hằng đêm tôi thường thấy Khoa chạy băng qua cánh đồng vàng hái tặng tôi những đóa hoa màu rực rỡ cùng với nụ hôn đẫm ngọt tình yêu. Tôi sung sướng với niềm hạnh phúc ảo đó vì tôi sợ thực tế, cái thực tế đầy nước mắt -mà tôi đã trải qua- nếu thêm một lần tái diễn, mãi mãi không bao giờ tôi có thể đứng lên được nữa.

Và tôi bằng lòng với sự lựa chọn bình an ấy[]

Ngân Bình

(Theo thư kể chuyện của L.T)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search