T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Sống và Chết

clip_image002

Sống và Chết là hai khái niệm thật đơn giản. Chúng chỉ sự hiện hữu và mất đi của một sinh vật. Riêng ở sinh vật người, con đường đi từ Sống đến Chết lại không đơn giản như lẽ ra nó phải như thế. Bằng vào một thứ ý thức luận về sự đối kháng vật thể, thì Chết là đối nghịch của Sống. Nhưng các triết gia của chúng ta đã rối rắm hóa điều đơn giản ấy khi cho rằng, Chết chính là một phần không thể tách rời của Sống. Nói cách khác, Sống là khởi đầu của Chết. Cái chết đã hiện hữu ngay khi sự sống nẩy mầm.

Các nhà văn của chúng ta cũng hào hiệp không kém khi tìm cách tiếp tay rối rắm hóa hai khái niệm Sống và Chết, như thể những hỏa mù của các triết gia chưa gây đủ cơn chóng mặt cần thiết. Nào là Sống chỉ là để đợi Chết. Nào là không ai muốn sống cả, chỉ lỡ sống rồi thì phải sống cho hết đời mà thôi v..v…

Các niềm tin tôn giáo còn đi xa hơn nữa, rao giảng về một đời sống sau khi chết, và cổ vũ cho việc sống hôm nay phải nhằm mục đích tiến đến, đạt đến sự sống đời sau ấy, với lòng xác tín rằng chỉ có sự sống đời sau ấy là đáng sống, vì sự Sống ấy không mang trong mình cái mầm của sự Chết. Nói cách khác, đó là sự Sống đời đời, vĩnh cửu và không mang những thuộc tính trầm luân, bể khổ như cõi đời ta đang sống hiện nay.

Bất kể sự rối rắm của những trang sách về cuộc đời được viết bởi nhiều nhãn quan khác nhau, bất kể những bi quan về ý nghĩa tồn tại của con người) ở đời, từ hàng ngàn năm nay (từ mấy chục ngàn năm nay) người ta vẫn phải sống, phải ăn, phải ngủ, phải làm tình, phải sinh con đẻ cái, phải đánh nhau để tranh giành sự tồn tại. Và khi có sự đe dọa đến sự Sống (tức sự xuất hiện của cái Chết), người ta tìm mọi cách để ngăn chận, hoặc ít nhất làm chậm lại bước chân của Tử Thần.

Con mắt người trần chúng ta sẽ chỉ nhìn sự Sống ở hai khía cạnh thông thường nhất: chất lượng sống (vui buồn, no đói, đủ thiếu) và số lượng thời gian có để sống (sống lâu hay chết trẻ v..v.).

Không ai chối cãi những niềm vui trần thế là có thật: được ăn no và ngon, được yêu thương và biết yêu thương, được tôn trọng bởi đồng lọai, được tự do làm, nói, nghĩ điều mình muốn và cho là đúng, được sống thỏai mái – cả tinh thần lẫn vật chất – theo tiêu chuẩn cao nhất mà thời đại cho phép.

Và điều mong ước lớn nhất ở đời sống này: mạnh khỏe để Sống và cao hơn nữa: Sống Lâu.

Nhờ những sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật, ngày nay tuổi thọ của con người đã gia tăng đáng kể. Câu cổ ngữ “thất thập cổ lai hy “ (xưa nay ít ai sống thọ tới 70 tuổi) đã tỏ ra lỗi thời.

Từ khi đặt chân được đến ngưỡng cửa 60 tuổi, ý thức được rằng mình đang bắt đầu sống bằng thời gian bonus (tức thời gian ân sủng, được bao nhiêu mừng và tạ ơn trên bấy nhiêu), tôi bắt đầu chú ý xem người ta (những người chung quanh) sống thọ bao lâu. Thế là, mỗi buổi sáng đọc tờ báo hàng ngày của địa phương, ngòai những mục tin tức thời sự, văn hóa, đời sống khác, tôi không bao giờ tiếc thì giờ ghé mắt qua trang Cáo Phó với mục đích xem người ta chết ở tuổi bao nhiêu. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi số tuổi của người chết, tính trung bình, thường ở độ 70 trở lên chiếm đa số. Thành phố nơi tôi ở tương đối hiền hòa, ít tội phạm, mức tăng trưởng kinh tế tuy không có những đột phá nhưng đều đặn, và sự ô nhiễm môi trường cũng ở mức có thể chịu đựng được.

Cũng không có gì ngạc nhiên lắm khi mới đây viện nghiên cứu Pew (một tổ chức tư nhân không vụ lợi ở Mỹ) công bố kết quả một công trình khảo sát công luận về khả năng gia tăng tuổi thọ con người (Mỹ). Công trình khảo sát công luận này dựa trên kết quả nghiên cứu cho rằng trung bình người ta có thể sống tới 120 tuổi vào năm 2050.

Nhưng điều ngạc nhiên là công luận tỏ ra không mấy “hồ hởi phấn khởi” với tin tức về khả năng sống lâu hơn của con người. 56 phần trăm những người được hỏi nếu họ có lựa chọn để nhận được sự chăm sóc đặc biệt của y khoa hầu giúp họ sống đến 120 tuổi đã trả lời KHÔNG. Hơn một nửa trong số những người thẳng tay từ chối sống lâu ấy cho rằng sống lâu như vậy chỉ có hại cho xã hội mà thôi. Họ ám chỉ đến nạn nhân mãn mà các giới khoa học thường nhắc đến. Số còn lại, có người thì lo âu đến phương tiện sinh sống (tiền bạc) vì sống lâu đâu phải để làm việc kiếm tiền, mà dẫu có một núi của mà ngồi không ăn mãi thì rồi cũng hết,  có người thì sợ mình sẽ là một gánh nặng cho con cháu, có người sợ đêm dài lắm mộng, sống càng lâu càng đẻ thêm nhiều vấn đề riêng khó lường.

Mặt khác, sự gia tăng tuổi thọ buộc người ta phải xem xét lại những khái niệm về Trẻ, Già, Trung niên. Về mặt xã hội, phải tái định nghĩa tuổi về hưu, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động v.v..v

Trong số những người không tỏ ra “mặn mà” lắm với tuổi thọ cao, tất nhiên có những người thuộc về những tôn giáo chủ trương sống ở đời này là nhắm đến một sự sống sau khi chết. 69 phần trăm trong số này cho rằng cái Chết không phải là điều mà con người có thể từ chối hay trì hõan, bởi vì chỉ khi chết thì người ta mới có thể bắt đầu sự sống vĩnh cửu.

Cựu Giáo Hòang Benedict XVI hồi năm 2010 khi nói về triển vọng sống lâu hơn nữa của lòai người, đã bày tỏ quan ngại về một thế giới quá lão hóa, không có chỗ cho sự phát triển, cải tiến và đích danh gọi sự sống qúa lâu ấy “không phải là thiên đàng, nếu không muốn nói đó là một sự kết án”.

Hôm cuối tuần rồi, tôi dự đám tang của một thanh niên trẻ mới 27 tuổi. Không khí thương tiếc người bạc mệnh vắn số tràn ngập ngôi giáo đường đầy ắp người dự lễ. Tiếng khóc rấm rứt không chỉ phát ra từ những người trong tang quyến, mà còn cả ở những người chưa một lần gặp mặt người chết lúc anh ta còn sống. Chỉ vì cái chết quá trẻ, ở độ tuổi lẽ ra chỉ mới bắt đầu của sự sống. Tôi cũng mang tâm trạng bùi ngùi khi nhìn cha mẹ của người chết ủ rũ đứng bên cạnh quan tài. Cái thảm trạng nước mắt của lá vàng khóc lá xanh.

Người ta thương tiếc cho một sự sống vừa mất đi quá sớm. Và chúng ta hiểu được một điều rằng cái gì vượt quá giới hạn bình thường đều không phải là sự mong đợi chung. Độ tuổi 27 được coi là quá sớm ở thời hiện tại, khi trung bình con người chỉ sống hơn 70 tuổi. Nhưng khi tuổi thọ trung bình là 120 tuổi, thì bao nhiêu tuổi là quá sớm? có lẽ khi ấy người qua đời ở độ tuổi 60 sẽ phải được thương tiếc như hôm nay người ta thương tiếc chàng trai 27 tuổi vắn số chăng?

Nói cách khác, 60 tuổi lúc ấy chỉ mới là lúc bắt đầu của sự sống?

Quả là một sự kiện thật mới mẻ cho những kẻ lúc nào cũng tưởng mình quá già để bắt tay vào làm bất cứ việc gì cần phải làm như tôi.

T.Vấn

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search