T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Thịt da ai cũng là người

clip_image002

Người lính trẻ, mới 25 tuổi, là cha của hai đứa con gái xinh đẹp, 1 tuổi và 5 tuổi. Anh bước vào trận địa Iraq với niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ sống còn để trở về sau khi làm tròn nhiệm vụ. Cuối cùng, khi nhiệm kỳ phục vụ đã mãn, tay cầm tờ giấy quyết định cho trở về quê nhà , anh lại phải đối đầu với một tình huống khó khăn khác. Một người bạn đồng ngũ cùng đơn vị, cũng sắp hết nhiệm kỳ phục vụ, ước mong mình được rời chiến trường Iraq sớm hơn để có thể cùng với người vợ trẻ ở nhà kỷ niệm đúng 1 năm ngày hai người thành hôn. Nghe câu chuyện của bạn, anh lính trẻ quyết định nhanh chóng. Anh để cho người bạn đồng ngũ thế chỗ của mình,về nhà trước. Còn anh sẽ ở lại thay cho người bạn và sẽ về theo lịch trình đáo hạn của người này.

Một hôm, anh lính trẻ cùng với các bạn, sau chuyến tuần tra như thường lệ, lên chiếc Humvee trở về căn cứ đóng trong thành phố Bagdad. Chiếc Humvee cán trúng mìn gài sẵn trên đường. Chiếc xe bật tung lên, rồi rơi xuống trên vệ đường. Những người lính, kẻ chết, người bị thương. Riêng anh lính trẻ, sau một lúc ngất đi đã tỉnh dậy, thấy mình nằm lọt thỏm dưới 1 hố đất khá sâu gây nên bởi tiếng nổ. Anh cố sức ngoi người lên khỏi miệng hố, khi ấy, cảm gíac đau nhói từ cánh tay trái và hai chân khiến anh chợt nhìn xuống và chỉ thấy những đống thịt bầy nhầy ở chỗ trước đây là tay và chân của mình . Trong khỏanh khắc, anh cho rằng mình sắp chết. Nhưng hình ảnh người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ hiện ra trong đầu khiến anh bừng tỉnh, và quả quyết mình phải sống bằng bất cứ gía nào. Cố nén cơn đau, mặc cho máu trào ra ở những vết thương, anh trườn mình như đứa bé mới biết bò lên trên miệng hố, vì chỉ ở đó, may ra tóan cứu thương mới nhìn thấy anh dễ dàng. Hòan tòan kiệt sức khi bò lên tới miệng hố, với cảm gíac trong cơ thể mình không còn chút máu nào, anh lính trẻ mơ hồ ngửi thấy mùi quen thuộc của Bagdad : mùi vỏ xe bị đốt cháy, mùi cống rãnh tù đọng và các thứ rác rưởi nồng nặc hôi hám dưới anh nắng mặt trời. Trước khi ngất đi một lần nữa, người lính trẻ còn kịp nhìn thấy bóng dáng người vợ trẻ tay dắt , tay bồng 2 đứa con nhỏ đi về phía chân trời. Anh cố sức gọi to tên của họ, nhưng chỉ thấy bóng những người lính cứu thương chạy lại. Lúc ấy, anh tin rằng mình sẽ không chết.

Một chuyến bay khẩn cấp đưa người lính trẻ từ Bagdad về bệnh viện cấp cứu ở Đức, rồi vài ngày sau , anh được đưa trở về Mỹ, mảnh đất quê nhà lẽ ra anh đã có mặt từ trước đó với thân thể lành lặn.

Khi hòan tòan tỉnh táo để có thể nhận biết được sự sống chung quanh, anh không hề có cảm gíac tuyệt vọng là mình đã trở thành người tàn phế. Cánh tay trái bị cưa lên tới khủyu tay. Hai chân cũng bị cưa lên tới đầu gối. Cánh tay phải lành lặn phải tập làm công việc của cánh tay trái bị mất và cả hai chân nữa. Phương tiện giúp anh di chuyển đây đó trong khuôn viên khu bệnh viện phục hồi là chiếc xe lăn, với cần điều khiển nằm bên tay phải. Anh vui vì biết mình còn sống. Với anh, đó là một ân sủng, vì nhiều đồng đội của anh đã không còn sống để trở về. Khi người ta đến chúc tụng anh là một anh hùng, anh tỏ vẻ khó chịu. Anh tin mình chỉ là một người lính bình thường làm nhiệm vụ đất nước giao phó . Nay anh đã xong nhiệm vụ, dù phải để lại chiến trường khốc liệt ấy 1 cánh tay và hai chân. Với anh, chính những đồng đội của anh còn đang chiến đấu nơi đó mới là những anh hùng. Nhờ họ, anh đã được sống còn. Và ngày nay, nơi trung tâm phục hồi với những thương phế binh chiến hữu của anh, họ cũng là những anh hùng đã giúp anh đủ nghị lực để bắt đầu cuộc sống mới với chỉ một cánh tay lành lặn, nhưng bù lại, anh được bao nhiêu những cánh tay đồng đội khác vươn ra giúp anh đứng vững trên đôi chân . . . gỉa của mình.

Đối với những người đã từng là lính, đã từng tham gia trận địa, thì câu chuyện ở trên sẽ gợi cho họ nhiều hình ảnh, nhiều tình huống quen thuộc. Việc anh lính trẻ sẵn sàng ở lại chiến đấu thay cho người bạn mình cần về với vợ trong ngày lễ kỷ niệm ngày cưới đầu tiên là câu chuyện thật bình thường với những người đã từng sát cánh bên nhau trong những giây phút vào sinh ra tử. Bình thường là vì họ đã từng chia sẻ với nhau những thứ “ghê gớm” hơn, quý gía hơn, đó là mạng sống. Anh lính trẻ khi tỉnh lại, biết chắc một điều là nếu không có những chiến hữu của mình, bất chấp những lằn đạn phục kích, những quả mìn gài quanh quẩn đâu đó, đã quên mình lao vào chỗ chết hòng cứu sống những đồng đội còn nằm thoi thóp với vết thương khủng khiếp trên người, thì hẳn anh không còn ngồi đây để nhận những lời chúc tụng. Thế nên anh đã không thể nhận danh hiệu anh hùng mà người ta gọi anh. Xét cho cùng, những danh hiệu dù cao quý cũng chỉ là những danh hiệu. Chúng không thể so sánh được với thứ tình cảm có thật, thứ tình cảm thiêng liêng của những người mặc chung mầu áo xả thân vì lý tưởng, vì nhiệm vụ đất nước giao phó. Những giọt nước mắt đổ trên thi thể đồng đội, một điếu thuốc truyền tay trong đêm nằm dưới lô cốt chờ giờ giao chiến và lời dặn dò nhau nếu sau trận chiến có đứa không trở về, không phải là hiếm hoi trong những câu chuyện về những người lính. Chiến tranh nào cũng tàn ác và vô nhân. Nhưng trong cái tàn ác, vô nhân của chiến tranh người ta vẫn thấy nở ra những bông hoa nhân hậu tuyệt đẹp, bông hoa của tình bằng hữu, mà vì cùng chiến đấu chung một mầu cờ, một lý tưởng, người ta còn gọi đó là tình chiến hữu.

Người lính trẻ, trong cuộc chiến riêng của mình sau khi những vết thương đã lành lặn, dù biết rằng còn sống đã là một ân sủng, cũng vẫn phải trải qua nhiều ngày tháng u uất, chán nản. Nhìn hai chân cụt lên đến đầu gối, một cánh tay trơ trụi, anh nghĩ đến tương lai của mình, của gia đình và những cực nhọc mà người vợ trẻ phải chịu đựng, phải chia sẻ với anh. Anh sợ mình sẽ là một gánh nặng cho những người thân yêu nhất. Một cánh tay còn lại không đủ dài để ôm trọn cả ba con người trong một gia đình nhỏ. Chưa kể đến những nhu cầu khác rất người của người vợ trẻ mà đã là người thường khó ai có thể không nghĩ đến. Cũng những ngày tháng của cuộc chiến còn khốc liệt hơn cuộc chiến trên bãi chiến trường, cuộc chiến chống lại những chán chường tuyệt vọng nhất đến tự chính mình, anh lính trẻ lại tìm thấy được sự trợ lực từ những chiến hữu năm xưa, nay cũng cùng trên một trận địa với anh, cũng với những thân thể không lành lặn, cũng với những băn khoăn, những trăn trở nhức buốt: Liệu vợ tôi có còn yêu thương tôi như ngày xưa? Người ta có nhìn tôi với ánh mắt thương hại hay không? Tôi có sẽ được sống hạnh phúc như một người lành lặn hay không? những đứa con của tôi có buồn tủi trước sự bất hạnh của người cha hay không? v..v..

clip_image003

Ở đây, một lần nữa nổi bật lên ý nghĩa thiêng liêng của tình chiến hữu. Ở một nghĩa rộng lớn hơn, đó là tình cảm gắn bó giữa những người có chung một nếp nghĩ, chung một ý hướng cho tương lai, chung một mục tiêu cao quý trong thân phận làm người. Cuộc sống vốn là một trường tranh đấu, chống lại điều ác, chống lại những thế lực đen tối, những quyền lực phi nhân, chống cả những ganh ghét, đố kỵ, ti tiện của lòng người. Không ai có thể đơn độc một mình trong những cuộc chiến ấy. Dù đó là người có đầy đủ một thân thể lành lặn, một trí óc minh mẫn hay người thương tật phải bước đi với sự nâng đỡ của người khác.

Nhìn số phận người lính trẻ bị cắt đứt hai chân, một cánh tay, tôi nghĩ đến bao nhiêu người thương binh tội nghiệp của cả hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 32 năm xưa. Thời gian, nếu nó có thể bào mòn đi những nỗi đau, thì cùng lúc, nó cũng đủ sức làm người ta quên hết đi bao nhiêu điều cần nhớ, cần giữ, cần trân trọng. Những kẻ may mắn như tôi, sống sót sau bao gian lao khổ cực, vượt thóat được nhiều những thăng trầm của cuộc đời, hẳn phải nhớ và nghĩ đến những chiến hữu năm xưa, những con người không may phải sống nốt chuỗi ngày còn lại với thân thể đầy thương tật, có người còn chịu đựng thêm những thương tật trong tâm hồn. Họ, cũng như người lính trẻ 25 tuổi thương binh tàn phế của cuộc chiến tranh Iraq hôm nay, cần đến cánh tay chìa ra đỡ họ đứng dậy của những chiến hữu năm xưa.

Bởi vì, thịt da ai cũng là người (Nguyễn Du).

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search