T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Lứa Đôi – Tranh: DIỄM HẠ

              Ngày ấy, ba tôi khó lắm. Cứ y như rằng “con gái” là phải “cổng cao, rào kín”, đi đâu dẫu đến nhà bà con vẫn phải “tiền hô hậu ủng”, vì vậy chuyện bè bạn, nhất là bạn trai tôi ngại vô cùng đôi khi có cảm giác đó là việc tội lỗi. 

       Thế nhưng, tránh cũng không khỏi. Năm 1968, tình cờ, một nam sinh gốc Phan Thiết rớt tú tài 1, buồn ý ra Phan Rang học lại, lại quen với nhà hàng xóm của tôi, hai nhà cách nhau một cái giếng; con gái nhà hàng xóm lại tài lanh, rủ rê em gái tôi ra “học hè” chuẩn bị vào lớp 6 cùng với em nó… Thế rồi cái lũ 3 đứa nó bắt luôn nhịp cầu, tôi và anh ấy (tôi học dưới một lớp) biết nhau, lần đụng mặt đầu tiên là do bài “Tôi Đưa Em Sang Sông”; khi vào một buổi chiều, tôi ra gọi em về thì kịp nghe tiếng đàn réo rắt và giọng hát khá hay: “Tôi đưa em sang sông bằng xe hoa hay con thuyền… “. Một tối… khó ngủ ngay đêm đó…

            Từ sau khi biết nhà hàng xóm có một thanh niên… ba tôi tăng cường cảnh giác. Tôi ngày ấy học cũng không giỏi, nên thỉnh thoảng có nhờ bài vở, cái con bé hàng xóm tài lanh mà không lanh, có hôm, ba tôi đang ngồi đó, nó đến ngang cửa í ới: “Chị Lý, anh Nghĩa gửi nè”, trên tay còn phe phẩy tờ giấy vở học trò như cánh bướm mà lúc ấy tôi thấy nó giống ong vò vẻ hơn, dẫu tôi biết chắc không phải thơ tình. Ba tôi có vẻ nhanh chân và nôn nóng hơn nhiều, cụ bước “một bước một” đã tới cửa, chân kia chưa chạm đất, tờ giấy đã nằm gọn trong tay… cụ mở ra còn chuyên nghiệp hơn, cụ đọc trong tâm trạng còn căng thẳng hơn tôi, lúc ấy chỉ thỏng tay, trơ mắt đứng nhìn mà tim thì muốn bay ra khỏi lồng ngực… rồi cụ ngẩng phắt lên, chìa nhanh tờ giấy cho tôi, hỏi: 

                   – Cái gì đây? 

             Ha… ha… vừa sợ, vừa buồn cười, cái nết “trả treo” nổi dậy, tôi đáp nhanh: 

                    – Ba đọc chớ con đâu có đọc mà hỏi. 

 Nhưng không thể không giải thích, tôi đáp rành rõ: 

                    – Đây là bài toán về Bản Mặt Song Song, con nhờ anh Nghĩa giải giùm. 

 Nhìn lên, thì ra ông già đang chăm chú nhìn tôi đầy nghi hoặc. Biết ông già đang “lấn cấn” với từ “Bản mặt song song” với cả hình vẽ và các “mũi tên” lằng nhằng như bùa như chú kia, tôi cố giải thích thêm cho cụ hiểu… Ui Trời, một phen hú vía…

                Vài tháng sau khi nhập học, anh ấy lại vào Sài Gòn vì thầy ở quê dạy không hay. Trước khi đi, hứa sẽ mua giúp cho tôi sách luyện thi tú tài 1. Sách được gửi về cũng nhờ cô bé hàng xóm đưa qua, lại la bài bãi từ ngoài giếng la vào, tôi ôm vội chồng sách, cũng trên 15 quyển, nhảy 2 bậc một bước lên lầu, vào phòng lật vội từng quyển chợt giật bắn người, thâu vội tờ giấy nhỏ cất vào một nơi, cũng vừa lúc ba tôi gọi to “đem hết xuống đây.” Hú vía, chiến trường đã được “thu gom”. Tôi ôm nguyên chồng sách xuống, lòng cực kỳ bực bội lẫn xấu hổ. Một cuộc “tầm soát” diễn ra đúng trình tự tôi đã làm. Hi… hi… còn gì mà “thâu” chứ, tôi, lòng đầy tự tin và hả dạ, hách dịch ôm sách lên lầu…

           Ở Sài Gòn, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn về chơi, cũng có đôi lần trò chuyện… Mỗi lần như vậy đều vào nhà đường đường chính chính, toàn nói chuyện học hành, bè bạn, ấy vậy mà ông già vẫn cử hai “tình báo” là em gái tôi, hai đứa lớn nhất với yêu cầu: “hai đứa nghe xem tụi nó nói gì?”.

           Cho đến một lần, anh về cùng người bạn ở bên nhà hàng xóm, tôi tình cờ ra chơi, gặp và nói chuyện, chưa được 10 phút, bên nhà có chuyện gì không biết, ông già la ầm ĩ, tôi chưa kịp đứng lên, thì cũng cái con bé hàng xóm tài lanh, la ầm lên, giọng hớt hãi lại còn cà lăm: 

                    – Anh… anh Nghĩa, chạy… chạy mau đi, bác Tư đang kiếm búa qua đánh anh kìa… 

                Trời ơi, chẳng ai hiểu chuyện gì, phản ứng đầu tiên là tôi lao vội về nhà, anh ấy và bạn lao vội ra cửa, may nhà nó có 2 cửa, hai người chạy bỏ cả dép, quên cả chiếc xe 67 để ngoài sân… Sau này, cứ nghe cụm từ “chạy mất dép” là tôi không nhịn được cười, vui chi lạ. Về nhà mới biết chuyện ầm ĩ kia chẳng liên quan gì đến chuyện “đi chơi hàng xóm” của tôi, và cũng từ đó anh ấy cũng ít về Phan Rang, tôi cũng không lưu tâm nữa… Không biết như vậy có phải là “mối tình đầu hay mối tình học trò” của tôi không?

             Thời gian trôi qua, tôi theo học ở Viện Đại Học Đà Lạt, đến năm 3, vì lý do tế nhị, tôi về xin đi dạy và học hàm thụ, cũng có đôi lần gặp lại anh nhưng cả hai chẳng tình ý gì. Rồi đến khúc quanh Lịch Sử, tôi vẫn tiếp tục đi dạy và anh lúc ấy cũng dạy ở Bảo Lộc, thời gian ấy, ai cũng có những mối tình, anh cũng có nơi định ước, tôi cũng có chỗ hẹn hò… Không ai nghĩ rằng… sẽ còn “Có thể”. Thậm chí có lần tôi đang hò hẹn, đang nói đến chuyện cưới xin, chợt trong đầu hiện ra cảnh đám cưới, nhưng hình ảnh chú rể hiện ra không phải là đối tượng đang nói, đang sờ sờ trước mắt mà lại chính là anh, rõ “mồn một “và cũng trong “tích tắc” ấy, một vì sao băng loé lên ngang trời; tôi suy nghĩ nhiều về điều này, vì nhớ có đọc hoặc nghe đâu đó rằng “đang nghĩ hay ước điều gì mà cùng lúc thấy sao xẹt ngang là điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra dù tốt hay xấu.”. Vậy có lẽ nào… người ở tận đâu đâu, lại không hề hò hẹn? 

               Thế rồi, năm 1978 anh xin chuyển về quê, quê Phan Thiết không về lại về Ninh Thuận (lúc ấy PT và NT chung là tỉnh Thuận Hải), lúc này ba tôi cũng đã mất, là chỗ quen (từ nhà hàng xóm) anh cứ qua nhà chơi, chơi với các em và cả … bà Nội tôi nữa dù không có tôi ở nhà (tôi đang dạy ở Khánh Hải, một tuần mới về), rồi từ lúc nào không biết, bà Nội thành bà Mai, anh thổ lộ tâm tình với bà, tôi về bà nói lại, tôi trả lời, bà cũng nói với anh, lạ một điều khi tôi về anh lại không nói gì. Cho đến một hôm, bà Nội tôi chơi “bài ngửa” nói thẳng rằng: 

                         – Thôi con, tao thấy nó cũng tốt, hiền hậu, tại ba mày khó quá chớ lẽ ra tụi mày ưng lâu rồi. Con lấy nó đi. 

                    A ha, bà đang ở phe nào vậy trời? Tôi cũng nói thật: 

                         – Con không định lấy chồng phiền phức, rắc rối. 

                  Vậy rồi, tuần sau tôi về, bà lại: 

                         – Nó hỏi mày chê nó điều gì mà không ưng nó, nói cho nó sửa.           

                  Tôi lại: 

                         – Con không chê gì, chỉ là con đau yếu luôn, có chồng sinh con khó khăn, lỡ có gì rắc rối rồi lại oán trách tại mình mà họ không hạnh phúc. 

                Rồi tuần sau tôi về, bà lại: 

                         – Tao nói với nó rồi, là mày không chê gì nó mà tại mày đau bệnh luôn nên không lấy nó. 

               Nó nói:

                        – Bà Nội nói đừng lo, Sống con Nuôi, Chết con Chôn. 

               Tôi buồn cười quá. Nói vậy mà cũng nói, nhưng hay ở chỗ “nói vậy mà lại được vợ”… 

                 Vậy là bọn tôi thành đôi. Ngày cưới, mưa tầm tã nhưng đến giờ đưa dâu trời quang mây tạnh. Bà Nội chúc phúc vợ chồng tôi bằng lời tiên tri: 

                      – Vậy là Trời thương tụi bây, đám cưới mà Trời mưa sẽ mau con và làm ăn khấm khá lắm. 

                 Tôi cũng mang niềm hy vọng nhưng nghĩ thầm “cả hai đều là Giáo Viên, không thiếu đói là may làm sao mà khá được”. Lời tiên tri của bà đúng một nửa, cưới năm 1980 sang 1981 chúng tôi đã có cháu đầu lòng. Không giàu có, nhưng cuộc sống của vợ chồng tôi ngày càng sáng sủa. Giờ các con đã lớn, đã thành gia thất, vợ chồng tôi đã có một cháu ngoại, cuộc sống an nhàn, tôi thật sự cám ơn số phận và cám ơn cả Bà Nội đã cầu phúc cho hai chúng tôi bằng cả tấm lòng.

        Thai Ly

Bài Mới Nhất
Search