T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thai Ly: LÊN ĐỜI

Gió Xoáy – Tranh: THANH CHÂU

LÊN ĐỜI LẦN 1 

        Chuyện cũng xa xưa rồi. Đã lên hai lần đời, nhưng lần đầu bao giờ cũng để lại ấn tượng “khó phai”. Tôi xin phép kể chuyện “LÊN ĐỜI 1” trước nha. 

        Nền tảng của câu chuyện là từ lần vợ chồng tôi mua nhà ra riêng. Phải nói thật là “vét hết vốn liếng” mà mua cái nhà, một điều không bao giờ tôi dám nghĩ đến. Trong suy tính của hai vợ chồng chỉ định mua căn nhà tầm 12000đ trở lại thôi. Còn lại để dành cho con, chớ cả hai vợ chồng đều là giáo viên, không cách chi dư nổi mà lo cho con cái; cuối cùng trong cơn “đau khổ, sốc tâm lý” cả hai cùng quyết định: có cái nhà đã, mọi chuyện tính sau. Dự định chỉ 12000đ, quất luôn lên 64000đ, chuyện phải đến là “bán xe”. Chiếc xe 67 đen, một thời vùng vẫy của ba cháu, với bao nhiêu là kỷ niệm, bao mối tình “đung đưa” trên ấy, xe còn mới lắm… Bàn tính, quyết định một cách dứt khoát nhưng khi làm xong giấy tờ, chủ mới đạp xe, rồ ga… chưa chạy ra khỏi sân nhà… khổ chủ nước mắt đã rưng rưng, tôi cũng xót dạ lắm nhưng phải biết chấp nhận: đời không thể trọn vẹn, được cái này tất phải mất cái kia. Tối, tôi cố an ủi: 

         – Chiếc PC của em có bán cũng không đủ để mua, chớ đủ thì không bán xe 67 đâu. Thôi, sau này, có khả năng sẽ mua lại chiếc khác, không chừng còn ưng ý hơn là đàng khác. 

        Sau mấy giây im lặng, ba cháu từ từ nói:

         – Lương như mình đủ còn chưa dám nói, lấy đâu mà dư, mà mua xe? Thôi, lúc ấy thấy tiếc, giờ thì qua rồi. Cái nhà cần thiết hơn.

        Tôi nói thêm:

        – Mua nhà là sạch vốn thiệt nhưng yên tâm, nhà mình mua là căn nhà “sống” chịu khó thì cũng sinh thu nhập, chắc không đến nỗi thiếu thốn đâu. Dư để dành mua lại xe cho anh. Hứa luôn đó.

         Lời hứa từ năm 1982, cho đến tận năm 1993 vẫn chưa động tịnh. Rồi tự nhiên, cô em họ của ba cháu, con của người cô ruột, xuống tận nhà, tự ngắm nghía, tự bóp thắng, đạp xe, rồ ga chiếc PC của tôi, tôi cảm thấy là lạ, chưa định hình được là “chuyện gì”?; xong cô gật gù như đã tính toán suy nghĩ kỹ rồi, cất tiếng nói như là đã quyết định xong chuyện, là chuyện chỉ của riêng mình:

          – Anh Ba (tên bên nội thường gọi ổng chứ bên ngoại là anh Hai), em thích xe này, em đi ít, PC nhẹ nhàng dễ đi hơn. Giờ, em đổi chiếc Cup cho anh, anh bù em 1,1 cây vàng; xem như chiếc xe em bán là 1.4 cây, người ta trả em rồi, là giá như vậy. 

          Có nghĩa là: cô ấy tự định giá, trả chiếc PC của tôi là 3 chỉ, mà chủ xe là tôi, chưa hề được hỏi qua, hay thông báo. Dù tôi đang ngời ngời hiện diện. 

         Tôi im lặng, nhưng “cười thầm” xem xem “chuyện như thế nào”, ba cháu chỉ qua tôi: 

          – PC là xe của chị Lý, hỏi chỉ chớ anh không biết. 

         Cô ấy đáp giữa trời, kiểu vô thưởng vô phạt mà vẫn theo chủ ý của mình: 

          – Dưới này có con cái, đi xe cup tiện hơn là PC. 

         Tôi lại cười thầm, không ý kiến bởi có ai hỏi ý mình đâu, nhưng thái độ đó khiến tôi thầm nghĩ: cô ấy là cô chồng tôi chứ không phải cô con tôi. Cô nói thêm:

          – Vậy nhen, có gì chiều mai trả lời em. Lên không gặp em thì nói với “bà má” cũng được. Em về. 

        Từ đầu đến cuối: Tôi như kẻ vô hình. 

          Phải nói, khi ấy, công việc bọn tôi bề bộn lắm. Ngoài việc đi dạy, tôi còn làm thêm trên nhà ngoại, hàng họ, mua bán, sổ sách thu chi các thứ, chiều là phải đi thu tiền, quãng đường đi cũng trên dưới 18-25km nên chuyện xe cộ chưa đả động đến, nhưng chắc chắn là có suy nghĩ, mỗi người mỗi cách. Cho đến tối, trong khi “tìm giấc ngủ” mới đem ra bàn. Ổng lên tiếng trước:

           – Em thấy sao?

           – Thấy gì? Đã ngủ đâu mà chiêm bao?

           – Anh nói chuyện đổi xe đó. 

          Tôi cười thầm, đúng là gãi đúng chỗ ngứa của Ổng rồi. Im sao được? Tôi nói:

           – Anh có muốn không? 

           – Muốn chớ sao không. Giờ xe Cup thịnh lắm, PC chạy hơi yếu, ăn thua có tiền hay không thôi chớ anh thích. 

        Phải thú thật tôi ức bụng từ chiều giờ mà không nói được nên “đá xéo”:

           – Tiền không mua được xe. Em anh nó chỉ ra giá là vàng thôi mà. 

        Ổng vốn thật thà, không biết tôi đang bực, giải thích thêm:

           – Thì tiền đi mua vàng, em xem được không thì đổi đi, xe nó cũng tốt lắm, anh biết rồi. 

           – Em thật sự tiếc chiếc PC lắm, không muốn đổi đâu. Để từ từ vài tháng nữa sẽ đủ tiền mua xe, mua liền với giá 1.4 cây thì thiếu tới 6 chỉ. Với lại, xe nó màu đen, em không thích. Chỉ thích màu rêu như chiếc PC thôi. 

         Ổng cố thuyết phục:

          – Xe Cup mua cho đàng hoàng không dễ đâu, nó toàn là mua đi bán lại, khó kiếm xe tốt lắm. Giờ biết xe nó tốt thì đổi cho rồi. Giấy tờ đã làm xong, mình khỏi lo, chỉ làm giấy tay sang tên, tiện hơn. Màu gì đâu có quan trọng, chất lượng xe mới quan trọng. 

        Hiểu rồi. Cái nết đã được cưng chiều quen rồi, muốn gì được nấy, quen rồi, chẳng qua “thế thời thời phải thế thôi”. Nghĩ lại: thôi, có đổi xe thì cũng người trong nhà, thỉnh thoảng mình vẫn thấy nó mà. Tôi thương chiếc xe như thương chính mình, thương quãng đời thiếu nữ với bao trò nghịch ngợm mà nó là kẻ đưa đường. Thương thì thương vậy nhưng “phải thực hiện lời hứa năm xưa” khi cơ hội đã đến. Tôi nói dứt khoát:

         – Vậy thì chiều mai, anh chở em đi thu tiền, gần nhà nó, trong khi chờ em, anh tạt qua bên đó, trả lời dứt khoát, và nhớ nhắc lại cho rõ cái giá 1.4 cây, mình chỉ chồng thêm 1.1 cây; không khéo lại ì xèo, phiền phức. 

         Phải nói ba cháu tươi tắn nguyên ngày, hình như chỉ chờ… hoàng hôn. Như đã hẹn, đến nơi, tôi qua đại lý thu tiền… Tiền vừa cầm tay, bước ra, đã thấy Ổng đứng chờ, sắc mặt đã không vui mà còn bừng bừng lửa giận. Sao vậy cà? Mua xe, không kèo nhèo thêm bớt, có gì mà tức tối chứ? Tôi bước vội ra, vừa leo lên xe vừa hỏi:

          – Ủa, sao vậy? Giờ không chịu đổi hở? Không thì thôi, từ từ kiếm xe khác mua, mất công thôi chớ lo gì. Chỉ sợ không tiền chứ có tiền thì không thiếu xe đâu. Biết chừng chờ thêm vài tháng sẽ không phải bán chiếc PC đâu, em còn thích nữa. 

         – Không đổi thì thôi, tự nó xuống đề nghị chứ đâu phải do mình đâu chớ. Điều anh ghét “thái độ” thôi.

        Tôi bắt đầu nóng theo, bởi từ “thái độ”, thái độ gì, mình không đi xin, không khất nợ thì thái độ gì? Tôi hỏi nhanh:

        – Thái độ ai? Nhà có hai mẹ con. 

        – Cô…

        – Tả lại đi. 

        – Anh qua, nói y như con… đã tính với mình. Em biết không? Nóng máu chớ. Bả không thèm nhìn anh, nghiêng mặt ra đường, tay ngoáy lia trong miệng rồi lôi cục thuốc ăn trầu ra, quăng cái “xạch” nói: 

         – Một cây bảy. Mà không thèm nhìn mình, nét mặt y như rằng “mày làm gì mua được” mà qua hỏi vậy. 

        Tôi bắt đầu nóng theo, hỏi nhanh:

        – Anh trả lời sao?

        – Anh rồ xe chạy qua đón em luôn. 

      Ha..ha….đúng chất là Lão. Chợt tôi nóng rang mặt. Tuyên bố ngay khi còn ngồi trên xe:

       – Dẹp, không cần. Trong vòng 3 hôm, kể từ hôm nay, anh ra trước nhà (có chỗ chuyên mua bán xe) đặt họ mua về, giá như đã nói 1.4 cây là nhận xe… Tốt xấu gì gì là phần anh, em lo tiền. Lỡ có hơn chút mà xứng đáng em cũng xoay được. 

       Ổng như không tin, hỏi lại:

       – Thiệt không? Em nói thiệt không? 

       Tôi trả lời chắc nịch: 

       – Thiệt, đó giờ có hứa lèo với anh bao giờ chưa?

    Từ đó đến tối, “chồng” cứ nhìn mặt “vợ” đầy dò xét. Tôi tảng lờ… tối nói chuyện sau. Giờ lo sổ sách, dặn dò công chuyện ngày mai, chuyện nhà về nhà bàn tiếp. Tối đó, tôi lật bài ngửa: 

        – Em hơi kẹt thiệt, nhưng mình sống có danh dự mà. Xe, con xuống tận nhà người ta, tự ra giá, tự đòi đổi; giờ mẹ lại nói tới nói lui, mà thái độ vậy nên em dứt khoát mua là mua, mua xong, lạng qua một vòng “thăm hỏi” hihi… Sáng mai anh lo đi hỏi xe, chiều mai mình ra nhà chị bạn, em thiếu tới 6 chỉ lận. Hỏi chỉ chắc chắn có, thà nhờ người dưng. 

       Sáng mai, lên nhà, toàn là em út, tôi “trút bầu tâm sự”. Cậu em rể thật tình: 

        – Nếu vậy, chị để chiếc PC lại cho em đi. Em mua cho Ông Già. Giá cả thì tuỳ anh chị. Cũng muốn lâu rồi nhưng không dám hỏi. 

       Nghĩ cũng phải, cái phong cách “thầy giáo” có khác, trong nhà, ngày nào cũng gặp mà chú ấy còn lịch sự đến vậy. Tôi dứt dạt luôn:

       – Ừ, vậy là 3 chỉ nghe. Bán cho trong nhà thương nhưng không tiếc. Mà nói trước: cho nhận vàng trước để tìm được xe có mà trả, khi nào có xe đi thì giao xe sau nghe. 

      Chú ấy vui vẻ ngay, hẹn ngay ngày mai… nộp vàng. Ôi, thật là hả hê, vui vẻ. Tôi cũng nhẹ lòng. Hỏi mượn 3 chỉ dễ hơn 6 chỉ. Giá mà mình đừng tự ái, để vài tháng nữa mua thì chỉ có thêm mà không mất. Ôi, tự ái cao mà. Với lại, thấy sắc giận của người “lành tính” thể hiện thì không thể diên trì được. Thật là “cầu được ước thấy” Trời như chiều lòng người; đúng 3 ngày, chồng tiền, nhận xe, chiếc Cup 78 màu xanh rêu, xe rất tốt, còn mới, máy chạy “bốc” lắm (là theo cách nói của mấy ảnh chớ tôi có biết gì) Vậy kể như toại nguyện. Khi ấy, nhìn chủ gia mới hả hê làm sao, và tôi cũng mừng vì đã hoàn thành lời hứa sau 11 năm.

        Lên rồi, lên đời rồi, niềm vui chưa thoả thì nỗi lo kéo đến. Ba cháu đi làm giấy xe không được. Công An không chịu cấp, hẹn tới, hẹn lui, dù đã có nhiều chỗ quen nhờ cậy, xem ra mất trắng như chơi. Trời ơi, đồng tiền đâu dễ kiếm nhất là vợ chồng nhà giáo. Đã vậy còn bán cả chiếc PC rồi. Ổng chạy ngược chạy xuôi, người ta hướng dẫn chỉ còn cách lên thẳng “trưởng Công An thị xã thì may ra”. Nước cuối rồi, cũng phải đi thôi, vợ chồng lại đôn đáo chở nhau đi. Trước khi đi, tôi van vái Ơn Trên cả Người Khuất, rằng: 

         – Thương giùm vợ chồng con. Tụi con khổ lắm mới mua được chiếc xe, vẫn đang còn thiếu nợ, chẳng qua vì chữ “tự trọng và danh dự” nên có vội vàng, xin miễn thứ và gia hộ giùm vợ chồng con đi lần này được việc…

           Suốt chặng đường cũng hơn 5km, ngồi sau xe, tôi vẫn lâm râm cầu khấn. Đến nơi, vào nhà mà trong bụng đánh lô tô, không biết sẽ “may hay rủi”? Ôi, đúng là Công An, ổng nồ cho một hồi, vợ chồng thất điên bát đảo, tai nổ lụp bụp, mắt tối sầm, lạnh cả sống lưng, ra về như đi trong sa mù, sương khói mông lung, đường dài chừng như vô định. Vì thấy mất trắng rồi. Đã vậy, khả năng dính tới pháp luật, tù tội như chơi. Lời rằng: 

         – Cứ thi nhau mà mua Cup. Loại xe này họ trao đi, bán về, giấy tờ hầu hết là giả; chưa thể cấp giấy được vì Công An phải kiểm tra, cần là cả điều tra về lai lịch chiếc xe. Xe mua bán qua đường biên giới mà, không dễ đâu. Này nhé: nhỡ xe không rõ nguồn gốc, truy ra là xe trộm xem như phải trả về chủ cũ, người mua cũng liên luỵ vì mua bán đồ gian. Đấy, đấy là trường hợp nhẹ nhất và nhiều nhất nhé. Thế còn, nếu đây là xe đi cướp nhé, nếu có gây án, giết người chẳng hạn ở biên giới thì liên luỵ còn khiếp tợn. Cũng có thể xe này của người chủ có tham gia vào các vụ án, buôn lậu, ma tuý trong đường dây xuyên quốc gia giờ muốn phi tang tang vật gây án thì thầy cô tính sao? Giáo viên mà dính dáng đến mấy chuyện đại loại thế thì … hỏng to. 

              Trời ơi, vợ chồng chở nhau về mà ngổn ngang trăm mối, thiệt tình, trong bụng ổng sao không biết chớ còn tôi thì “chẳng còn biết mình muốn gì”? Và nên cầu xin cái gì đây? Nếu cầu qua được nạn tai không vướng vào các kiểu kia, thì xem như “bỏ của chạy lấy người”. Nếu chỉ xin không mất xe thì hoá ra mình lo của hơn người; cầu cho được người được của, hoá ra mình quá tham lam, đỏi hỏi nhiều ở bề trên… Ôi thôi chết chắc rồi. Lâu, lâu lắm mới có người lên tiếng, người ấy chỉ là tôi, bởi tôi không thể “im lặng” lâu được:

          – Giờ tính sao? 

          – Anh biết sao đâu. Mà ổng nói cũng có cái đúng. Xe mua từ biên giới thiệt, mình mới có giấy tờ hải quan thôi, chưa có giấy nhập vào Việt Nam. Anh mua của tay bộ đội đem về thiệt. Mệt ghê.

         Tôi chột dạ thật, cố núm níu tí hy vọng mong manh:

          – Anh mua của ai, như thế nào em đâu có biết, chỉ biết lo xoay tiền thôi nhưng  anh có nhớ ổng hẹn mình: có gì thì phải hết tuần này, đầu tuần sau họp giao ban rồi mới biết. Cũng còn hy vọng, giờ quen ai anh cứ tiếp tục nhờ, tối thứ ba mình đi lên hỏi tiếp. Thiệt tình, đau tim quá. Có cũng khổ mà không có cũng khổ. Nghĩ cũng tại mình, tự ái, sân si quá nên mới ra cớ sự, phải để từ từ thì đâu đến nỗi; giờ xem như ngồi trên lưng cọp rồi. 

               Đêm ấy, và liền mấy đêm sau, thực sự là những đêm không ngủ. Lo lắng, bồn chồn lắm, vừa lo mất của, vừa sợ dính líu đến chuyện hình sự, phạm pháp lại còn bị “quê độ” nữa. Chỉ vái mỗi từ: “Cứu con, cứu con” mà không dám kể lể “cứu chuyện gì”? À, hay là mình cứ tâm niệm, cầu xin: cho vợ chồng con tai qua nạn khỏi, lo giấy tờ được suôn sẻ. Vậy đi, ngắn gọn cho Ơn Trên dễ nhớ, chứ một khắc trôi qua, biết bao người van vái cầu xin, biết bao nhiêu là chuyện, vái “dài” quá người trên cũng không nhớ nổi đâu. Ngắn cho chắc. Y như rằng: đến tuần sau, đi làm về, ba cháu tươi như hoa, nhìn thần thái từ xa, tôi đã thấy điều “kỳ diệu”, vào sân, chưa bước xuống xe đã cười tươi, ti toe khoe:

                – Em ơi, xong rồi, có giấy báo rồi, chiều anh đi nhận giấy tờ đây. 

            Ôi, tôi thở phào nhẹ nhõm, may mà trời thương. Bài học “ở đời” có ngay sau đó, lòng tự dặn lòng “từ đây giảm bớt sân si, có gì cũng từ từ giải quyết, sự nóng vội dễ dẫn đến cái…chết” quá. Lần này, Ơn Trên cũng “giơ cao đánh khẽ” chắc cũng là cách giúp mình tu tâm dưỡng tánh hiệu quả nhất. Lên đời lần một, đau tim là vậy. Tưởng đâu “thiên hạ ngán”; ấy vậy mà vẫn muốn “lên đời lần hai”. Lần nào cũng thiếu điều tim nhảy ra khỏi lồng ngực cả. Thiệt tình đâu dễ “Lên đời”. Vậy mà vẫn có Lần 2. 

         LÊN ĐỜI LẦN 2

   Hình như vào năm 2000 thì phải. Trước đó vài năm, phong trào “Giấc mơ- Dream” đang ở đỉnh cao, và dù chiếc Cúp Cánh Én đã từng là nỗi khát khao cả “khủng hoảng” của vợ chồng tôi cũng đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho “Dream”. Tôi, thú thật cùng mơ, tôi cũng thích xe lắm, nếu không vậy thì sao từ năm còn học lớp 9, tôi đã dám vét hết tiền mới, chắt chiu từ nhỏ cho đến khi ấy để tự mua chiếc PC chứ? Chỉ có điều tôi không “thắt ngặt” như ba các cháu; ngày đêm, ra vào thở than, rền rỉ, đến độ tôi bực bội hỏi thẳng:

           – Anh nói xem, chiếc ấy giá bao nhiêu?

          Câu trả lời rất nhanh: 

           – Khoảng 6 cây, đập thùng luôn. 

           – Anh nhắm xem….vợ anh giá mấy cây?

      Hơi ngần ngừ, vì không hiểu tôi định nói gì? Rồi cũng có câu trả lời:

           – Em giá ngàn vàng. 

     Tôi cười đắc thắng mà rằng: 

           – Vậy anh còn “ước mơ” chi chiếc xe giá chỉ 6 cây vàng trong khi anh sở hữu chiếc xe cả ngàn vàng chớ? 

      Im lặng. Tôi tiếp:

           – Anh tin đi. Cái gì vợ anh không muốn thì không có, cái gì đã ước, đã muốn thì chỉ sớm hay muộn mà thôi. Từ từ sẽ có, khi có, hứa chắc với anh “đập thùng” không có chuyện lo giấy tờ đau tim như chiếc trước. Biết đợi đi, đừng nôn nóng. 

        Quả là như ý nguyện. Chuyện đời đưa đẩy, năm 2000 vợ chồng “đập thùng” chiếc Dream, sau khi đẩy luôn chiếc cúp cánh én; kể ra đúng là cơ duyên. Để mua xe mới, tôi thiếu đúng 8,3 triệu- người tìm mua xe đến gặp vợ chồng tôi cũng nói thiệt:

           – Con chỉ có 8.3 triệu. Cô thầy bán thì con có xe làm ăn, còn không con thua. Nghe mấy chú kia nói xe thầy tốt nên con rất thích; cô thầy bán rẻ cho con đi, con cám ơn. 

        Cậu ấy ở tận dưới Tân An, mua xe về chở mắm đi bán. Thương cậu ấy, thương cả chiếc xe, đang ở phố phường, chỉ đến trường và cơ quan; giờ vượt đường cát nóng, xa xôi chở nặng; cuối cùng cũng đồng ý, nhìn cậu ấy lái xe đi thoáng chút ngậm ngùi, “số mày khổ” rồi xe ơi. 

        Mua được xe mới, suốt tháng trời, tôi cứ tưởng đó mới là “vợ của ba các con tôi”. Đi về cứ kỳ mài, xoăn xuýt, nói là “rô- đa” gì đó, tôi chẳng biết. Xe không hạt bụi. Trước khi dắt xe, mở toang các cửa, chắc sợ bị trầy bị cấn, đau lòng. Và rồi, vợ chồng có chuyến đi xa, về Phan Thiết thăm bà Nội cháu đang bệnh. Đường trường vi vút, người hùng “rộng cánh khuỳnh tay” luôn miệng suýt xoa “xe bốc” quá em. Đã quá em. Đúng là Dream, đúng là tiền nào của nấy… vân vân và vân vân. Xe qua Cà Ná, con đường uốn lượn theo ven biển, cảm giác khoan khoái, lâng lâng dâng tràn, tôi vẫn vậy, dân miền biển, phỏng có lạ gì nhưng ngang qua biển là niềm vui, là sự thích thú bất tận dâng cao. Tôi thả hồn cùng gió biển mênh mang, sóng biển dạt dào. Qua đoạn xa nữa, xe hơi lên dốc, xuất hiện một chiếc honda chạy cùng chiều, trên xe là hai chàng trai, người cầm lái một tay bó bột, tôi quan sát kỹ vì họ chạy gần như song song với xe tôi, chỉ hơi lùi phía sau khoảng nửa bánh xe; chợt, họ vụt nhanh lên, chỉ vào dưới xe tôi, nói gì đó, không nghe được, gió bạt mạnh quá. Rồi họ lại chạy chậm hơn, lại vụt lên, lại chỉ, lại nói, cứ vậy đến lần thứ ba. Chột dạ, tôi nói với ba cháu:

           – Nè, sao hai người kia chỉ vào sau xe của mình, nói gì đó mấy lần rồi, liệu xe có vấn đề gì không? 

          – Anh cũng không biết nữa. Trước khi đi, anh xem kỹ rồi mà, xe mới có gì đâu? 

        Hơi phân vân. Đi thêm đoạn nữa, ngược chiều lại có xe honda khác, cũng đi hai người, họ đi qua, rồi quanh lại, cặp sát xe, chạy song song ra vẻ ân cần, lo lắng nói thật to: 

         – Chú, chú coi lại xe đi. Khói ra nhiều quá, không chừng có vấn đề đó. Con thấy bất thường mới quay lại nói chú biết đó. 

        Nói đoạn, họ quay xe đi thẳng. Nghi ngại quá, ba cháu mới dừng xe ở đỉnh dốc, vào bên trong có bóng cây mát mẻ để xem lại xe. Khi ấy, cặp thanh niên kia quay lại, cùng vào. Miệng nói: 

          – Con định đi luôn, nhưng thấy cô chú lớn tuổi nên lo, trở lại xem xe có vấn đề gì thì giúp. 

         Nói xong, cậu ta xuống xe; ba cháu còn loay hoay chưa biết làm sao thì anh chàng “bó bột” một tay ngồi xổm xuống, nhanh tay mở…ba cháu ngồi cạnh. Tôi chợt cảnh giác, tuy biết mình chẳng làm nên tích sự gì nếu quả thật có sự cố. Tôi đứng ngay sau lưng hai người kia, đảo mắt tìm một vật gì đó như khúc cây, cục đá…hầu tự vệ và tiếp ứng từ đàng sau. Cậu ta mở máy khá chuyên nghiệp, lấy ra một vòng tròn mỏng nhưng đã gãy đôi. Miệng nói:

            – Trời ơi, gãy rồi nè chú. Hên nhen, nếu đi ráng, thắng gấp sẽ nguy lắm đó. 

       Tôi hoang mang, giờ lấy đâu mà thay vào? Không lẽ cả xe và người cùng bắt xe đi tiếp hoặc quay về…Giữa khi ấy, cái cặp đôi khi nãy từ đâu xuất hiện, vào nhìn “hiện trường- hiện vật” buột miệng thêm: 

            – Trời ơi, mạng cô chú lớn thật. Mới hôm trước đây, một cặp vợ chồng cũng bị kiểu này, thắng gấp té, đập đầu chấn thương sọ não luôn đó nhen. 

        Giờ thì tôi “bán tín bán nghi” rồi, hai người này đang trên đường đi “ra” giờ sao lại quay “vào” đúng lúc vậy?. Ba cháu đang nài nỉ với anh chàng mở máy có tay đang bó bột:

             – Giờ chú không biết mua ở đâu, có gì hai cháu mua giúp thay giùm, chú ơn nghĩa tụi cháu. 

          Tay đó nhanh nhảu: 

            – May quá, con có dư đây, để con thay cho chú. 

           Tôi không còn “bán tín bán nghi” nữa mà tất cả đã về chỗ “nghi” rồi. Vừa nói, cậu ta vừa lấy từ chiếc túi bên hông ra cái “ron” mới thay vào. Tôi hỏi thẳng: 

             – Sao con có sẵn hay vậy?. 

          Cậu ta đáp tỉnh bơ: 

             – Con ở trong đội “bảo trì bảo dưỡng” xe máy nên những phụ tùng dễ hư đều có sẵn. 

          Khi cậu ta hoàn thành xong công việc, tôi hỏi luôn: 

            – Vậy phụ tùng này, cả công xá của con tổng cộng bao nhiêu?

            – Bốn trăm. 

          Ôi, không thể tin được, chỉ một miếng ron nhỏ, mỏng teo như cái “long đền” mà từng ấy tiền? Liếc nhìn quanh, đang giữa đồng không mông quạnh, họ, giờ biết là cùng bè phái đến 4 người, toàn sức trẻ, mình, hai vợ chồng, xem ra không phải “trói gà” mà cột “con chim” cũng không được thì sao đây? Bốn trăm…không phải nhỏ. Số tiền đó đang ở trong túi ba các cháu, tôi đưa ông giữ vì “sẽ không dùng tới, chỉ khi nào vào đến Phan Thiết sẽ tặng cho Bà Nội cháu dưỡng bệnh”; trong túi tôi chỉ hơn 200 để đi đường tiêu pha. Tôi lân la hỏi chuyện, tìm kế hoãn binh:

           – Nếu con làm trong đội này thì chắc có chỗ làm ổn định chớ?

           – Dạ có, chỗ làm cháu ở Phan Thiết. 

      Tôi mở cờ trong bụng, có lý do rồi:

           – Vậy con cho cô địa chỉ cửa hàng của con đi, cô chú cũng vào Phan Thiết đây. Nói thiệt, cô chú vào thăm nội các cháu, tiền bạc không mang theo nhiều, giờ cô gửi trước cháu 150000đ, vào đến nơi, cô mượn tiền người nhà mang qua trả đủ cho cháu. Đi đường, cô chỉ mang theo từng đó, chỉ giữ lại vài chục lẻ thôi; cháu yên tâm, cô chú sẽ tìm đến tận nơi trả đủ trong trưa nay, chậm lắm là 2g chiều vì cô chú còn về Phan Rang nữa. 

       Cậu ta hơi ngần ngừ, rồi cũng gật đầu chấp nhận, nhưng, ba các cháu quá nhanh, quá thật và chừng như không nghe câu chuyện giữa tôi và cậu ấy, nên một tay cho vào túi, miệng nói: 

          – Đây đây, chú có đủ đây, trả con luôn nè. 

      Mô Phật, lão “cận nặng” trời ạ. Khi lão vừa cho tay vào túi, tôi chẳng thể lên tiếng mà chỉ nháy mắt ra hiệu…và vô hiệu. Mất toi 400000đ. Nhóm kia, vui vẻ cáo từ… 

       Lên xe, tôi nghẹn cứng, nói không nổi luôn. Mình biết chắc là bị lừa. Nhưng không thể bội ước. Vẫn trả tiền, 150000đ cho công lừa đảo cũng là nhiều và phần thiệt đã ở bên mình. Hỏi cửa hàng của cậu ta, cậu ta không nói được, là đã rõ rồi, cớ sao lại “nhanh nhẹn” vậy chứ? Xem ra, số mình gặp “đại hao” rồi. Vào đến Phan Thiết, ai nghe chuyện cũng biết vợ chồng bị mắc lừa, nhưng về đến Phan Rang điều ấy mới được khẳng định, ba cháu hỏi người quen chuyên sửa xe, cậu ấy cười ngất: 

          – Bài này cũ rồi, sao anh còn để bị lừa vậy? Tụi nó, trong quá trình mở ra, đã tráo đồ gãy vào chớ miếng ấy sao mà gãy được? Cho dù có gãy cũng chỉ đáng đồng bạc, có khi quen người ta tặng không cho anh luôn. 

       Vậy đó. Lần lên đời thứ hai đã cho chúng tôi thêm bài học “cảnh giác”. Thiệt tình, có gì thì khổ nấy, “ai nên khôn mà chẳng khốn một lần”, có điều lần sau lại chẳng giống lần trước nên học hoài mà chẳng nên khôn. 

       Thai Ly

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search