T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thai Ly: THÁNG CHẠP XƯA 

Vười Hoa Xưa – Ảnh: Tác Giả

Xưa, là vì tôi đang muốn viết lại “Đoạn đời tự kể” cách nay cũng ngót 39 năm. Cũng đủ cho nửa đời người. Tháng Chạp năm Giáp Tý. 

            Từ năm 1982, vợ chồng tôi ra riêng. Nhà có mảnh vườn nhỏ, chú Huệ, người chủ cũ đã truyền cho vợ chồng nghề “trồng hoa” bán Tết. Ôi, chồng là dân cafe, ca nhạc, thơ thẩn… mơ và mộng. Vợ chánh hiệu dân “sách vở”, biết gì ngoài việc học hành? Vậy mà giờ “chuyển cấp tốc” làm nông dân. Nhưng để sinh tồn, để lo cho cuộc sống, nhất là cho… con cái và cả cái tương lai trước mặt nên cả hai đã tự thích nghi, dẫu quả là vất vả tưởng chừng quá sức chịu đựng. 

            Mua xong nhà, chẳng còn đồng vốn trong tay. Để gầy được vườn hoa bán Tết, tôi đã bán đi cả những vật kỷ niệm của mình, của con… để mua hạt giống, mua phân, mua cát… công thì vợ chồng cùng ra tay. Để có hạt giống chồng đã phải lên tận Đà Lạt, nhờ anh Hiền là bạn chí thân dẫn đường, nghe kể lại rằng: Cả hai anh em phải băng qua đồi, lội vào tận sâu trong làng, giữa  đêm sương lạnh giăng giăng, bốn bề tăm tối, chỉ có tiếng chó sủa xa, gần… đêm đen mù mịt, đi mà sợ và hoang mang lắm. Tôi ở nhà cũng phập phồng trông ngóng, bụng mang dạ chửa, thêm đứa con đầu lòng mới 3 tuổi… lo đủ phương. Lo người đi xa có an lành không? Lo ở nhà vườn rộng, chỉ mỗi 2 mẹ con, cháu lại đau ốm thường xuyên, đêm hôm tăm tối… Thật ngổn ngang trong dạ. 

             Người về… hạt giống theo về, nỗi vui mừng khôn xiết… nhưng, biết hạt giống sao đây? Lỡ mà gieo không lên mầm thì sao? Phải tính khít khao ngày gieo hạt, đánh lảnh… che nắng, chắn mưa… Hạt nẩy mầm, cây lên khoẻ… mừng lần 1. Mang cây cấy vào các lảnh, mừng lần 2. Mỗi chiều, có khi cả sáng (nếu mưa) chồng đều đặn tưới cây bằng bình hoa sen, hai tay, hai thùng, phất đều trên từng lảnh đất, lúc đầu còn lóng cóng dần dần cũng trở nên chuyên nghiệp. Cứ trải dài như vậy… , hôm thì dậm phân, bắt sâu, xới gốc…

                Tháng Chạp đến, vui lần 3, cây đã cao, nụ hoa lấm tấm… chiều nào cũng chồng tưới, vợ ngắm nghía, đếm thầm, ước tính số lượng cây hoa kịp bán Tết, rơi rớt, nở sớm thì sẽ bán Rằm tháng Chạp, đưa Ông Táo… các khoản lai rai này sẽ giải quyết việc mua sắm linh tinh. Năm ấy, vợ chồng vui lắm. Mừng khôn xiết. Niềm vui lần 4. Bởi vì theo ước tính trên vườn hoa, số hoa kịp Tết sẽ lên đến 3000 cây. Con số không nhỏ, với giá 5đ một cây thì trúng to rồi. Nhưng… làm sao bán? Chỉ có bán mão cho dân buôn thôi. Cầu được, ước thấy. Chị bạn dạy cùng trường có mẹ và em chuyên bán hoa chợ xa, xuống xem vườn, thật ưng ý, vì hoa năm nay đẹp lắm, cây chắc khoẻ, lại nhiều nụ, nở đúng vụ. Thú thật, tôi cũng không quen việc mua bán, nên khi có người muốn mua hết cả vườn thì mừng lắm. Họ ra giá 5đ một cây đúng như tôi dự tính nên không hề kèo nài thêm, gật đầu tại chỗ. Hẹn: Chiều 27 Tết, nhổ sẵn, bó gọn, tối họ sẽ đến nhận để bán chợ khuya. Vào nhà, chồng hỏi vợ: 

                    – Sao em không yêu cầu đặt tiền cọc?

  Tôi ngớ ra. Ừ đúng rồi. Sao mình lại dại dột vậy? Nhưng nghĩ lại và trả lời luôn: 

                   – Chỗ chị em, bè bạn, nói tiền bạc ngại lắm. Con gái bác ấy dạy cùng trường mà, xa lạ chi đâu?

           Vẻ mặt không vui, chồng thêm: 

                   – Thì tuỳ em.

            Liền sau đó, rồi sáng sớm ngày mai, có vài người đến kêu giá 6đ, rồi 6,5đ; nhưng đã hứa rồi nên thôi, dù rằng họ đòi nhổ liền tại chỗ. Hai vợ chồng cũng tiếc lắm. Bán ngay tại chỗ, “tiền trao tay”, lại được giá cao, nhưng “chữ tín làm đầu”, tôi không quen tráo trở, mất lòng bè bạn, vả lại tôi đã hứa với mẹ bạn, cũng như với người trên, có nhiều mấy cũng thôi, không tiếc nữa.

                Rồi chiều 27 cũng đến, vợ chồng phân vân nghi hoặc, một linh tính nào đó, làm cho tôi cảm thấy bất an, “nhổ- không nhổ”… Trời tối rất nhanh, tôi cũng quyết định rất nhanh, thôi, không nhổ. Có gì chong đèn nhổ vậy. Ôi Trời. Họ thất hứa. Đất Trời sụp đổ. Sao đây? Làm sao đây? 3000 cây hoa. Tôi lại không quen mua bán, đang bụng bầu 6 tháng. Đêm ấy, vợ chồng ôm nhau mà “khóc”. Ôi! Mưa tháng Chạp. Chồng khóc vì sao, tôi không biết. Nhưng tôi thì chắc chắn khóc vì đau, đau lắm. Đau buốt tâm can. Giờ đây, nhắc lại cái đau buốt ấy vẫn vẹn nguyên. Tôi đau vì cái trách nhiệm nặng nề, mua bán mà không cẩn trọng, thương sự lao nhọc của chồng từ khi mua hạt cho đến chăm bón từng ngày, tôi cũng khổ nhưng “bụng làm dạ chịu”. Thương con gái, khổ theo cha mẹ. Tháng Chạp, xứ tôi, gió buốt thấu xương, nhà không ai, chiều nào phải xới gốc, tưới phân thì tôi mặc cho cháu 2 lớp áo ấm, đội nón len, quàng khăn, rồi cho ra ngồi trên thềm cao của cái nhà xí, cho một cây đèn dầu, một que tre… kèm lời dặn: 

                    – Có gió thì tay này con che đèn, để tay xa không sẽ bị nóng; tay kia cầm que tre, thỉnh thoảng con gõ xuống nền, tạo âm thanh chứ không mẹ sợ con rắn lắm. 

              Dặn dò con xong, còn hai vợ chồng thì kẻ soi đèn người xới gốc, tưới phân. Vật vã, gian nan, công sức của cả nhà; giờ đây chỉ vì cái dại của mình mà ra nông nỗi… Còn việc mua sắm Tết nữa, ơn nghĩa một năm, cúng kính ông bà… tất cả đều trông vào vụ hoa này… Ôi. Tất cả là do mình…

              Nhưng rồi, tất cả cũng sẽ qua. Qua như thế nào thì cũng sẽ qua. Sáng sớm, tôi đến trường với đôi mắt đỏ hoe, sưng húp… mọi người biết chuyện. Bạn bè trấn an: 

                    – Tụi tui bán cho, lo gì! 

Trong đó có cả chị bạn con của bác mua hoa rồi… bỏ. Bạn thân mà cũng gần như chị kết nghĩa vào bán giúp. Giáo viên trường chồng cũng không quản ngại, gia nhập đội ngũ, vợ chồng tôi chỉ làm mỗi việc: vận chuyển hoa lên chợ. Vậy là tôi có 6 “gian hàng” giữa ồn ào, náo nhiệt của chợ Tết. Oai chưa? Không biết năm đó tôi “xúi quẩy” hay không có tay mua bán mà sao cứ hàng nào đắt khách, tôi sang phụ thì hầu như khách bỏ đi hết… cứ vậy, đến nỗi chị em “đuổi” luôn: 

                    – Thôi về nghỉ ngơi đi. Hết hoa Nghĩa về chở lên, để tụi tui bán cho. 

               Thu nhập khả quan, hoa bán cũng hết số 3000 cây, có điều “theo chợ” lúc đầu cao giá, sau thì… kiểu gì cũng bán. Nghĩ lại, tôi thật lòng nhớ ơn các bạn. Tấm lòng bè bạn thật quý hơn châu ngọc. 

                 Chuyện xưa giờ kể lại, lòng luống ngậm ngùi. Tâm trạng chờ đón Xuân về giờ khác xưa rồi. Vợ chồng tôi không tất tả ngược xuôi, không chong đèn bắt sâu, xới đất nữa. Cứ an nhiên dạo chợ, xem hoa…  Nhưng chuyện xưa vẫn canh cánh bên lòng. Và hình như Tết bây giờ con cái lo cho mình tươm tất, chảnh choẹ hơn ngày trước mình lo cho chúng nó. Cũng thoáng chút bâng khuâng. Thôi thì xem như bọn mình được hưởng “phước trời lộc con” vậy. 

           Thai Ly.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search