T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: BÀ TƯ CUNG NỮ

Hoa Tàn – Tranh: PHAN HÒA

(Nguồn: http://dcgallery.vn/)

Trong những ngày đông vui, rộn ràng lễ hội hay cận Tết, tôi thường nhớ lại thuở xưa, thuở còn là cô bé “lanh chanh, lí lắc”, vô công, rỗi việc chỉ đi lân la hàng xóm, bày chuyện nọ, vẽ chuyện kia…Ấy vậy mà… giờ nhớ lại thấy thương nhớ làm sao! Thương nhớ người xưa, chạnh lòng chuyện cũ…

…Ngày ấy, ngày mà tôi tầm 10-12 tuổi, xóm sau nhà Nội tôi là khu dân cư không lấy gì làm trù phú, là nơi có khá nhiều “cụ già” trú ngụ nhà cửa tuềnh toàng, hoặc không có nhà mà chỉ là phên vách lá buôn, che nhờ gác tạm, mượn vách của chủ nhà hảo tâm để trú nắng đụt mưa, tình làng nghĩa xóm thật chan hoà, ấm áp…Trong đó, tôi thân nhất là Bà Tư, và sau khi biết chuyện “đời” của bà tôi thêm cho mỹ từ “Cung Nữ” để phân biệt với hai Bà Tư khác là Bà Tư Khùng và Bà Tư Mù…

Bà sống neo đơn, buồn lắm! Nhà tôi là nơi bà thường đến chơi, chuyện trò và có khi nhận được những phần quà nho nhỏ, phụ bữa chợ bữa cơm do Bà Nội tôi biếu, hai bà thân gần với nhau như vậy vì ngoài việc ân huệ ra thì cũng là do sự gần gũi về “địa lý ” – Nội tôi gốc Quảng; bà gốc Bình Định. Tôi lại cứ thích lân la chỗ các cụ (bởi vốn là đệ tử ruột của bà Nội) nên nghe được khá nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” và  được biết trước kia bà vốn là một Cung Nữ được thải hồi (cũng không biết là được hay bị nữa). Mà thật là vậy! Chứ, tuy bà lam lũ, chật vật trong cảnh khổ nghèo nhưng thực tế bà đẹp lắm! Đẹp lắm luôn! Trong đôi mắt trẻ thơ ngày ấy, tôi có thể chưa biết thẩm định dung nhan một người đẹp, và đẹp đến “chim sa cá lặn” hoặc “nghiêng nước nghiêng thành” là sao, nhưng rõ ràng…ai cũng khen bà đẹp. Dáng người thanh mảnh, dịu dàng, một phong thái thật đài các! Trong từng động tác của bà thể hiện sự thanh bai, từ tốn, giọng nói thanh thao nhỏ nhẹ, lời lẽ khiêm cung, bà đẹp từ vóc dáng đến bàn tay, bàn chân… nước da trắng ngần, hồng nhuận, đôi mắt to, tròn sáng long lanh, chiếc mũi thanh tú, khuôn miệng tròn chúm chím với đôi môi đỏ thắm và nụ cười thật tươi,…và mãi sau này…răng mất dần nhưng nụ cười vẫn luôn duyên dáng, tôi chỉ tả sơ vậy thôi. Và điều tôi luôn thắc mắc “bà đẹp và sang vậy thì sao lại khổ” đến cùng cực?! Lạ thật, đẹp vậy mà lại sống cảnh chiếc bóng và cho đến ngày nhắm mắt bà vẫn là “một trinh nữ”. Chuyện đời bà: 

Gia đình  bà không thuộc hàng danh gia vọng tộc nhưng cũng có chút tiếng tăm ở Bình Định, tuổi 13-14 đã lắm mối đưa lời, đánh tiếng, nhưng vốn được cưng chiều, nên vẫn còn treo giá ngọc. Bỗng đâu có lệnh “Tiến Cung”! Điều mà thời ấy vẫn thường xảy ra, sau một hoặc đôi ba năm. Và lần ấy, bà có tên trong danh sách “Mỹ Nhân tiến cung”. Bà ra đi trong nỗi ngậm ngùi của cha mẹ, bởi vì tiến cung cũng có nghĩa là “một đi không trở lại”. Mấy ai vào cung mà được ân sủng chứ? Còn bà thì chưa lường hết bước đường mình đi sẽ ra sao? Chỉ canh cánh nỗi lòng nhớ thương cha mẹ, lờ mờ hiểu rằng: vĩnh viễn biệt ly, chuyện đoàn tụ xem như vô vọng! Vốn “nhập cung” của bà ít ỏi lắm, chỉ là những lời căn dặn phòng xa của cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Sau này cũng được các “quan” hướng dẫn ít nhiều những nghi thức cơ bản đơn thuần về phép tắc thôi.

Thời xuân mộng của bà đem dâng hết cho cung Vua, trong vai trò “cung nữ “, lặng lẽ, âm thầm, qua nhiều người “đào tạo” bà biết dần và thành thạo các nghi thức: đi đứng, nói cười, nằm ngồi, cúi chào, phủ phục tung hô, kể cả ca múa, nhưng sau đó thì chỉ được làm mỗi một việc chăm lo chuyện quét dọn một khu vực của cung và tối đến thì hầu đèn! Thời gian qua cũng có những chuyển đổi, nhưng vẫn là cung nữ. Ân Vua chẳng đến, rồi nhân duyên đưa đẩy bà lọt vào tầm mắt của một Cung Phi, bà được chọn là cung nữ riêng của vị ấy. Theo bà, đây là giai đoạn tạm gọi là vui và sướng nhất của đời cung nữ, và rồi sau đó, vị cung phi này bị thất sủng. Những ưu ái không còn, quyền lợi, bổng lộc cũng mất theo và thế là bà lại khổ…

Thời gian bà ở trong cung khá lâu, nhưng tựu trung cũng chỉ thấy được mũi và gót “ủng” của Vua thôi. Bởi vì phận cung nữ thì lúc nào cũng cúi đầu, không phủ phục cũng chỉ chờ mà lạy. Rồi trong cung có vấn đề gì đó, ở hàng thấp kém, bà chỉ biết và nhớ là họ gọi tên rất nhiều cung nữ, cho phép về quê, trong đó có bà. Với gói hành trang trên vai cùng số vốn còm cõi, bà tất tả về quê… Nhưng đường đi đâu phải như giờ và khi về đến quê nhà thì nhà hoang vườn trống chẳng tìm được người thân! Theo dòng người xuôi ngược bà trôi dạt về phương Nam, theo chân một số đồng hương nhận quàng trên đường thiên lý. Rồi, chỗ dừng chân tuỳ chọn. Bà ở lại đất Phan Rang. Tuổi già bà trải qua tại nơi này, sau khi di chuyển nhiều nơi và có lẽ điểm cuối cùng của bà là cái “xóm” nhỏ, có nhiều bạn già gần như đồng cảnh neo đơn, cơ nhỡ và nghèo khó như nhau. Bà nói trong niềm xúc cảm: 

– Tui ở đây luôn bà Năm à! Quanh mình ai cũng nghèo như nhau, mà tôi là nghèo nhất! Được cái ai cũng thương, cũng giúp nhất là bà, chắc tui chết cũng ở đây bà Năm à.

Lời bà thật thiết tha. Tự dưng, sau hôm ấy tôi thương bà vô kể, cứ lân la nghe bà kể lể, hoặc hỏi chuyện bà đủ thứ. Bà có vẻ cũng mến tôi lắm. Cho đến một hôm… 

Trời ơi! Cái con nhỏ nó tài lanh không chịu nổi. Đã thương ai, thì nhất định bao tròn. Không dám nói “tại nhà”, nó lân la xuống tận cái chái bà che tạm rù rì: 

– Bà Tư, bà muốn có tiền không? 

Bà trả lời rất nhanh:

– Muốn chớ con, bà cũng muốn có để dưỡng già chớ! Nhưng giờ bữa ăn còn chưa có thì…

Tôi nhanh nhảu : 

– Thì bà Tư bán bánh mì đi, sẽ có tiền mà!

Bà cười ngất mà nước mắt tuôn dài, lâu sau bà mới nói: 

– Bán phải có vốn con à. Mà phải biết làm nữa, phải có người ăn nữa. Bà không có gì hết!

Như đã “rắp tâm” từ trước, tôi nói một hơi không ngừng nghỉ: 

– Bà Tư bán đi, bánh mì dễ lắm, xíu mại, Nội con làm ngon lắm. Nước chan cũng dễ, chả lụa thì lấy của nhà con, chỉ cần Nội con chỉ là bà làm được thôi! Thịt thì nhờ Nội con lấy giùm cho, nhà con có mối mà. Bà mượn tiền Nội con mua đồ nghề, ra ngồi trên thềm nhà người ta. Bà Tư thấy không, hàng bánh mì bà Tàu Hánh bán đắt lắm, tụi con chờ lâu quá, có khi trễ học, giờ bà làm ngon vậy đi, con rủ bạn con mua rồi tụi khác cũng mua…Nói đến đây, cho tôi “mở ngoặc tí”! Bánh mì bà Tàu Hánh ngon lắm. Giờ nhắc tôi vẫn còn thèm! Chỉ năm cắc là có nửa ổ bánh vàng ươm nóng giòn, thơm lựng bà chan cho tí nước hơi đo đỏ thêm rẻo da heo không hơn đầu ngón tay út, rải thêm vài cọng đu đủ chua…mà sao nó ngon lạ lùng, cái vị mặn mặn, ngọt ngọt, beo béo đặc trưng… Bánh mì Tàu Hánh không thể nào quên!

Trở về câu chuyện Bà Tư, sau khi nghe tôi nói bà có vẻ suy nghĩ lung lắm. Tôi thôi thúc: 

– Bà Tư bán đi! Nhớ mua cái giỏ nho nhỏ bằng tre để giữ bánh mì luôn luôn nóng, nó mới giòn, mới ngon, bà giả đò đến hàng bà Tàu Hánh xem sẽ biết. Con về hỏi Bà Nội con cho. 

Vậy là tôi về nịnh nọt, ve vãn bà Nội cho đến tận tối, đi ngủ, tôi vốn chuyên ngủ với bà. Bắt đầu tỉ tê tâm sự, tôi có cả buổi chiều để chuẩn bị, Nội vốn hay giúp đỡ mọi người, từ áo quần đến tiền bạc tôi vẫn thấy bà hay cho mọi người nên tôi đã thuyết phục được bà. Tôi vào giấc ngủ khá dễ dàng và trưa hôm sau ra khỏi lớp, tôi không xếp hàng mà chuồn ra ngõ sau leo rào, qua nhà bà Tư báo tin! 

Chỉ mất một tuần, hè phố trước rạp Thanh Bình đã mọc lên hàng bánh mì mới. Tôi là khách hàng không chỉ thân thiết mà còn dẫn mối cho bà, dần dần bạn học lớp tôi đến ủng hộ bà khá đông và thêm nhiều người khác; hàng bà Tàu Hánh đỡ cảnh chen chúc, nhưng vẫn đông mà, có gì đâu! Dầu vậy, con gái bà vốn học lớp tôi tìm tôi gây sự, lý do: 

– Ê, Sao mày dụ khách của má tao qua hàng bà Tư? 

Phải nói là tôi run lắm! Nó cao hơn tôi cả cái đầu. Hậu thuẫn nó là thằng em mập ú, học lớp dưới cùng trường…Nhưng “con trâu chết cái  sừng còn nhọn”, tôi làm cứng: 

– Cả xóm tao đều mua của bà Tư, mày có nói với cả xóm tao không, tao kêu? 

Nó trừng mắt nhìn tôi đầy đe doạ rồi hầm hầm bỏ đi. Tôi lau mồ hôi trán, về nhà  báo cáo “hoả tốc” với cô Bảy vì cô luôn bênh vực tôi nhưng rồi mọi chuyện sau đó cũng êm. 

Kể từ đó, bà Tư yên ổn với hàng bánh mì cho đến  nhiều năm sau, và khi tôi trở thành thiếu nữ, lên trung học tôi ít có dịp lân la, thỉnh thoảng gặp, bà vui lắm, nụ cười móm mém trên môi nhưng bà vẫn còn đẹp lắm, mỗi khi gặp là dặn: 

– Chừng nào lấy chồng cho Bà Tư ăn trầu nghe! – kèm theo câu nói là tràng cười sảng khoái. 

Và rồi khi tôi đi học Đại học trong lần về thăm nhà tôi được tin “Bà Tư đã mất! Bà mất trong sự cô đơn, chỉ một mình! Lúc nào, không ai xác định được”. Chỉ biết rằng bà bệnh khá lâu, cũng còn đi ra, đi vào, để rồi cả ngày hôm sau và hôm sau nữa im lìm, chiếc cửa bằng phên khép hờ được đẩy ra…Hàng xóm và chính quyền là những người lo hậu sự cho bà! 

***

Vậy là xong một kiếp người! Một giai nhân. Một cung nữ. Một người phụ nữ vẫn trinh nguyên! Một lão bà cô đơn cho tận ngày mãn số! Hôm nay, tự dưng nhớ đến bà. Thôi thì, xem như chút duyên xưa. Con nhỏ lí lắc ngày ấy giờ cũng sắp cổ lai hy, xin gửi đến bà chút lòng thành kính mong bà phiêu diêu miền cực lạc!

ThaiLy

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search