T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: HƯƠNG XUÂN  & PHÁO

Xuân Tuổi Thơ – Tranh: Trần Như Việt Anh

(Nguồn: https://lotusgallery.vn/)

     HƯƠNG XUÂN

           Nói đến “Hương Xuân” thì nghĩa thật bao trùm. Đó là tinh tuý của đất trời hoà quyện cùng vạn vật cỏ cây hoa lá, với tình người, là biết bao hình ảnh, hương sắc của mùa Xuân. Tôi không có tham vọng, mà dẫu có cũng không thể thực hiện được cái điều quá lớn ấy, không khéo sẽ làm mọi người thất vọng, mà không chừng còn bị chê trách “đao to, búa lớn”. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến chút dư hương của những ngày này năm cũ còn đọng mãi đến giờ; để những khi khí trời trở lạnh, gió bấc tràn về, mưa phùn rắc giọt, thời tiết chuyển mùa sẽ gợi nhớ, gợi thương…

              “ ….Tết, tết, tết… đến rồi.…”. Rất gần trước ngõ, con bé con chộn rộn bên bà Nội để canh me thau mứt Tết. Tết ngày ấy thơm lừng hương gừng, hương cốm, thơm mùi mè, mùi đậu rang ửng vàng, béo ngậy nếu “lén thử một vài hạt”, mùi mứt Tết xâm lấn… Tiếng đóng cốm vang vang, tiếng giã gạo, cả tiếng pháo đì đùng khi xa, lúc gần. Đầy trong không gian là âm thanh của Tết. Trên đường phố, nhan nhãn các gánh hoa giấy đủ màu sặc sỡ, những giỏ nổ (nếp rang nở đều dùng làm cốm) đầy trước chợ; hàng đồ đồng với lư, chân đèn sáng choang, rộn rịp người mua kẻ bán. Những gánh hàng rong quảng cáo ầm ĩ… Chưa Tết mà vui lắm. Con nhỏ đó thích lượn lờ để ngắm nghía, đầy tò mò, thích thú… và cả những phiên chợ đêm thường đông vui vào những ngày áp Tết…  Mua, nó thích mua, không chỉ mua vài món mà là mua… tất cả. Chẳng biết để làm gì, nhưng nó thích lắm. Rồi buổi tối, nó theo chầu chực bên thau mứt của bà, khuya mấy cũng theo, bà đặt lò rim ở ngay trên nhà, sát cái giường ngủ, nó cứ chập chờn nửa tỉnh, nửa ngủ… bà rim gừng, dừa thì không sao nhưng món khoai rim thì mới hồi hộp. Mới đặt lên bếp, không sao nhưng khi đường bắt đầu “dính đũa” là hồi hộp lắm. Vì sao à? Vì cái mùi thơm đã lên đến đỉnh, vì bà khéo quá. Hai đầu đũa như múa trên những miếng khoai vàng tươi, bóng lộng, trong lòng nó chỉ mong… khoai “bể”, chỉ bể một miếng thôi cũng đủ thoả dạ; ừ, chỉ bể một miếng thôi là tôi có phần, nhưng bà khéo quá. Trong lòng con bé cứ hồi hộp, ước ao và cả cầu xin Ông Địa cho bà bể một miếng đi. Ôi, mứt sắp ra lò, nóng hổi, ngát hương, nếm vào vị ngọt béo, mềm mại trên đầu lưỡi mới thật là đê mê. Nó đu theo bà chỉ cầu mong có thế. Rồi cuối cùng thì được ôm luôn cái thau, sau khi bà đã đưa tất cả mứt lên “nia” chờ  sáng mai phơi, và hình như bà cũng rất tâm lý, khi nào cũng để lại cho cháu vài vụn khoai còn cho thêm một miếng ngon… Ôi, “mứt mới ra lò” ngon đáo để, hơn cả gừng, cả bí, cả dừa … những món này tôi chỉ chờ vét vụn, gói vào tờ giấy vở, sáng mai đến trường, cả nhóm bạn sẽ tíu tít reo vui chớ không kỳ công chờ đợi như món khoai… Nhớ quá, tuổi thơ chờ Tết…

                   Mãi sau này, tôi ra riêng, những ngày giáp Tết không còn vô tư nữa, mà là nỗi lo canh cánh, cũng bắt chước bà, lo vài món mứt, nhưng điểm khác là: vì đã biết vị ngon của “mứt mới ra lò”, nỗi thèm thuồng khao khát được nếm vị ngon, nên xong món nào, tôi chọn ngay những miếng nguyên ngon, để riêng gọi là “để cúng Ông Bà”, còn lại… giải tán tại chỗ cho các nhóc nhà mình, chứ thiệt tình món gì cũng chờ Tết, Tết đến nó “no con mắt” có ăn đâu. Nhà mình lại ở “xóm quê” nên nhớ nhất là tiếng thợ thiếc gõ đều, vang xa, càng khuya càng rõ mồn một… ngày ấy hơi bực mình, khó chịu vì thật khó ngủ nhưng sao giờ… nhớ quá, nhớ cả tiếng bước chân rậm rịch ngoài rào, nhớ luôn tiếng gọi í ới ngoài ngõ, bất kể sáng chiều khi người ta cần mua dừa, hái me của nhà tôi; một món thu nho nhỏ trang trải cho ngày Tết, có khi là áo quần mới cho con, có khi là đường, là nếp, đậu…

                  Mùa Xuân năm nay như ở đâu xa lắm. Tít tận trời cao hay sao ấy. Chỉ thấy mưa gió sụt sùi. Trời tối tăm mù mịt. Cả quyển lịch cũng vậy. Sao tôi chẳng đọc thấy “lịch tiết” trên ấy, để còn biết “đại hàn, tiểu hàn… nhất là ngày lập Xuân” để chờ mong những giọt mưa Xuân lất phất. Thiếu nhiều quá. Hương sắc mùa Xuân hình như quá nhạt nhoà, cảnh Xuân mất hẳn màu tươi, lòng Xuân không còn phơi phới… đôi tay lam lũ như không còn đủ sức dang rộng ôm lấy trời Xuân, khí trời thiếu sự ấm áp, cái nắng cũng không hanh vàng rực rỡ như xưa. Có phải chăng lòng mình đang già cỗi, hay là mãi ngóng đợi những thứ đã thật sự xa vời, đã rời khỏi tầm tay… Cũng không biết nữa. 

                  Thôi thì, hãy tự an ủi, lòng tự dặn lòng: cố vui, cố giữ niềm hy vọng. Hãy thôi, “đừng bới tìm dĩ vãng” để tìm chút dư hương. Tất cả đã trở thành kỷ niệm. Tuổi đời chồng chất, vui với cháu con. Hương vị mùa Xuân sẽ ngát thơm, toả ngời từ tấm lòng con cháu vậy. Hãy đón nhận như đón “lộc Trời” ban phát bằng tất cả sự hân hoan. Hương Xuân giờ có khác. 

       PHÁO

        Ở gần người Thi Sĩ nghĩ cũng là hạnh phúc. Mới mở miệng nhắc:

       “Còn ba, bốn tuần nữa là Tết chớ mấy, như ngày xưa giờ này tiếng pháo đã râm ran rồi hơ? Vui ghê…”. Tôi chưa dứt câu đã nghe bạn chung nhà TVN ứng khẩu, ngân nga: 

      “Mơ đâu tiếng pháo giòn giã nổ

       Nhớ Tết quê nhà nay đã xa” 

là ai xa, chớ tôi đâu có xa, nhưng điều gây cảm xúc cho tôi chính là từ “Pháo”, chỉ với từ này đã đưa tôi đi mấy dậm trường… Trở lại thuở “Pháo” là một trong những niềm vui ngày Tết, là món không thể thiếu của Tết xưa, xưa chứ nay có còn đâu nữa.

         Chuẩn bị đón Tết đã rộn ràng lắm rồi, nghe pháo nổ càng không làm gì được. Nhất là giai đoạn này, nhiều khi tôi muốn quăng hết công việc chứ làm sao được nữa mà làm. Tưởng chỉ mình mình hoá ra cả ba cháu cũng vậy, cả em út tôi cũng vậy. Khi ấy, còn làm ăn chung, cả chín gia đình cùng tề tựu trên nhà ngoại, cả nam, phụ, lão, ấu cùng bàn tán xôn xao; chuyện cứ xoay quanh mỗi: pháo nào nổ tốt nhất? Nên xài loại nào? Ngày ấy, loại nào được bình chọn là hùa nhau đi mua…, cho đến khi có lời giới thiệu: pháo Hà Nam Ninh là nổ ngon lành nhất, diễn giải: dây pháo dài, có kèm pháo tống, nổ giòn, to nữa, hết phong mà không vấp tiếng nào, hết dây cấm đứa nào tìm ra viên pháo lép. Đó là ba các cháu “tung hô” sau khi từ Cơ quan về và chắc chắn là nghe “ai đó” quảng cáo. Ở nhà, tôi rối tung với công việc, nghe cung cách giới thiệu tôi thừa hiểu: không thể dừng lại niềm đam mê này. Tôi nói ngay (để còn lo buôn bán, chứ không thì… chẳng tính toán được gì với ổng): 

           – Anh đi một vòng là có ý mới. Giờ là 26 Tết rồi. Anh tính xem: đã tích luỹ bao nhiêu phong rồi? Mấy dài, mấy ngắn? Nếu dưới 5 phong thì mua, trên 5 phong thì dừng…

        Tôi chưa dứt câu, ổng đã cắt ngang: 

          – Mấy phong dài 2-3 tấc tính chi em. Giờ tính “khoanh” thôi. 

        Trời à, phong ngắn hay khoanh dài cũng ổng mua, chứ tôi có để ý gì đâu chứ; thôi, cũng phải cho qua để lo sản xuất, vì ổng cũng nằm trong “dây chuyền” này mà: 

          – Vậy mấy khoanh rồi? 

          – Mới 3 khoanh à, mà chưa có Hà Nam Ninh. 

       Ôi, nhẩm lại là 7 phong dài có ngắn có. Tôi tổng kết: 

          – Vậy đủ rồi. 3 khoanh đốt 3 mùng. Mấy phong ngắn kết lại với nhau sẽ thành dài…

    Tôi chưa hết ý, ổng đã cắt ngang: 

         – Tính vậy sao được? Lẻ đốt lẻ, năm nay chơi luôn 4 mùng đi. Mua cuộn HNN đốt Giao Thừa cho nó “xôm”. 

     Nói là nói vậy thôi chứ tôi cũng thích pháo lắm, mà dù thích hay không  ổng đã muốn thì bằng mọi giá… phải có, dù muộn chút cũng được. Vậy là ngay hôm sau đã tươi như hoa khi chàng về ôm theo hộp pháo. Rồi thì… mỗi hộ trong đại gia đình nhà nào cũng ôm về một khoanh HNN… nôn nao chờ Tết, ngày nào cũng đem pháo ra phơi… 

      Chiều 30, tôi lo chuyện trong nhà; ba cha con lúi húi ngoài sân, xem ra có vẻ “hoà bình” lắm chứ thường ngày hai đứa con tranh cãi ì xèo, ông cha la lối các kiểu. Hoá ra, ba người đang “cột cây nối sào”, tôi thấy lạ vì phần bông trái đã xong, đâu có đơm đặt gì mà lo sào dài hái vú sữa? Chừng biết ra, thì chẳng biết nói sao luôn: ba cháu nối cây dài để Giao Thừa đốt pháo??? Nói tới “đốt pháo đón Giao Thừa” là chạm vào chỗ “hiểm”. Tôi quan niệm: thà không đốt pháo, còn đã đốt thì phải nổ to, giòn, liên tục và dứt điểm. Vậy cả năm mới thông suốt, việc làm ăn mới trôi chảy. Nên mấy hôm nay, việc “phơi pháo” đã trở nên cấp thiết, không chỉ nhà tôi mà cả trên nhà ngoại, vì đó là nơi làm ăn chính, mà bà già cũng… mê đốt pháo luôn. Cứ mỗi: nắng, bưng mâm pháo ra, trời âm u lại bưng vào, sợ pháo bị ẩm… phiền phức lắm nhưng xem ra ai cũng vui cả. 

Lo cho nhiều pháo, mua cho được pháo HNN, sắp tới giờ đốt pháo ba cháu lại: 

           – Mình chuẩn bị vậy là ngon lành rồi, nhưng anh sợ “đốt” lắm; lỡ chạy không kịp, pháo nổ nguy hiểm em à. (Ổng nói mà không nhìn mặt tôi, nếu nhìn sẽ thấy tôi như người từ cung trăng rớt xuống. Ai đòi mua pháo nổ tốt, nổ to, nổ mạnh vậy chớ?). Anh phải nối cây dài, rồi từ xa anh đốt cho chắc ăn. 

         Ôi trời ơi, vô cùng sáng tạo “đốt pháo bằng sào”. Nghe và kịp hiểu cũng kịp hình dung ra cảnh ấy; tôi hơi chột dạ, bước đến kiểm tra “cây sào”. Thiệt tình, chẳng khác “răng bà già”, các mối cột không chắc, đưa lên là nó “quẹo” tứ tung thành 3 đường gấp khúc…Tôi đưa ra ý kiến, liền bị ổng dũa: 

            – Em hay chê quá. Mắc mớ gì không được, chỉ châm lửa vào dây tiêm thôi, có phải hái trái đâu mà cần chặt?

        Tôi nói dứt một câu cuối cùng để còn vào nhà lo tiếp việc của mình (phân công rồi): 

            – Được, không nói nữa, chuyện của anh; nhưng đầu năm không để “quặt quẹo”, không chậm trễ quá giờ Giao Thừa, không cãi nhau…

         Giờ Giao Thừa cũng đến, thiệt ra là chưa đến đâu, mà tại cái nhà hàng xóm, ngay trước cửa ngõ nhà tôi, năm nay làm ăn phát đạt lắm sao á, mà họ đốt liên tu bất tận, khói pháo mịt mù… tiếng pháo thôi thúc làm dạ nao nao… Giờ tới phiên nhà tôi cùng đốt, pháo HNN khai trương, cho giòn, cho “bá cháy bồ chét”. Chẳng biết pháo nổ ra sao, nhưng nghe ổng ca tụng quá nên tôi sợ, kéo hai đứa nhỏ vào nhà, ba mẹ con ló đầu nhìn qua cửa sổ xem đốt pháo. Ôi, đây mới là giờ phút thử thách sự gan dạ của ổng và lòng kiên nhẫn của tôi với hoạt cảnh: Đốt Pháo Bằng Sào. 

         Châm lửa vào cây bạch lạp được cột ở đầu sào, đầu sào được đưa đến đầu dây pháo, y như rằng các chỗ nối bắt đầu vũ điệu “ru mình theo gió” nó ẹo tự do, đâu có chạm vào dây pháo đâu mà cháy với nổ… Đã vậy, gió khá mạnh, lửa ở đầu ngọn nến tắt, mồi lửa, lại tắt…, gió cũng làm dây pháo đung đưa. Cũng “tại gió” mà cây sào “ẹo” miết, tưởng tượng cũng đủ thấy “vã mồ hôi” chưa chắc đốt được. Vậy rồi ba mẹ con trong cửa sổ lấp ló… điều khiển: đưa sang trái, lố rồi, qua phải 2 tấc; sai rồi, qua trái lại chừng gang tay… lên lên chút… Trời ơi, tháo mồ hôi hột luôn, có những lần chỉ quá xíu xiu, không tới đốt ngón tay, tiếng ba mẹ con đầy tiếc nuối: uổng ghê. Sự háo hức đã lên cao trào, nhiều tích tắc, nhiều lần ý chừng nếu không sợ, mình ra đốt chắc ngon lành rồi… Trong khi ấy, tiếng pháo nhà hàng xóm vẫn nổ giòn; dạ nôn nao càng làm cánh tay “vụng về”. Ổng buông sào:

           – Mỏi tay quá, nghỉ chút đã. Anh cận mà, xa quá đâu có thấy gì đâu. 

        Trời ơi, giờ Giao Thừa sắp hết… Tôi đơ người, hỏng lẽ “tôi đốt cho tốt đôi”? Tôi bèn phi ra sân, kiểm tra và cột lại các mối cho cứng hơn xíu, rồi trở về điệp khúc… lên chút, xuống tí nữa, qua phải… 2cm, qua trái… chừng  gang tay. Giờ là lúc tôi đã cầu cứu tới Ông Địa rồi, chứ cây nhang cúng Ông Bà đã sắp hết. Cuối cùng Pháo cũng nổ, vất vả thật nhưng khi đã nổ thì thật hả hê, to, giòn, xuyên suốt… hên hồn. 

       Hai đứa nhỏ ngủ, mà cha mẹ không ngủ, cùng uống cà phê và tổng kết năm vừa qua, kể như thành công. Cho đến lúc này, nhà hàng xóm vẫn không dừng tiếng pháo, chừng như khó lòng nín nhịn, ổng vào đem ra đốt tiếp…, có thể sẽ còn đốt nữa, nhưng tôi kịp lên tiếng: 

        – Anh không cạnh tranh được với thím Bốn đâu (nhà hàng xóm), đốt cũng chừa lại 1 phong đốt hạ niêu nghe. 

      Cũng sắp Tết rồi, còn tháng nữa chớ nhiêu đâu. Nghĩ đến cũng “rộn lòng” lắm; tuy đã ngoài Thất Thập nhưng Tết mà thiếu tiếng pháo kể cũng buồn… Chợt chạnh lòng, thương lũ trẻ ngày nay chẳng được như mình ngày xưa: Tết là tràn ngập niềm vui…

       Thai Ly.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search