T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: LẠC GIỮA ĐƯỜNG TRĂNG

 .

           Tôi chọn tiêu đề này để viết lời cám ơn gửi đến Thi Sĩ Trần Vấn Lệ và Thiên Nga, người là tác giả tập thơ, người là Biên Tập Viên xuất sắc, đầy đặn một chữ Tâm và tình yêu thơ nồng đượm để những người yêu thơ và tôi có được Tập thơ TỪ KHI EM LÀ NGUYỆT.

            Nói về TRĂNG, tôi vốn rất yêu Trăng, ngày còn thiếu nữ vẫn thích một mình, lặng lẽ ngắm ánh trăng, khi sớm, khi khuya có khi Trăng còn đàng Tây mà đàng Đông mặt trời đã thấp thoáng ánh vàng. Ngày tôi có mái nhà riêng, nơi một miền quê yên tĩnh, chúng tôi cũng vẫn nhìn Trăng, ngắm Trăng trong niềm mơ ước về một tương lai “sáng trong, vằng vặc như Trăng Rằm, như Trăng mười sáu”… 

          Nhưng hôm nay, khi “đi hết Đường Trăng” của tập thơ Từ Khi Em Là Nguyệt sao Trăng lại hoàn toàn khác lạ! Và tôi như bị lạc, lạc giữa ánh Trăng mà theo tác giả, không chỉ Trăng Khuya, không chỉ Trăng 15, 16 mà… muôn trùng Trăng: Trăng Đêm, Trăng Ngày, Trăng Chiều, Trăng Sáng còn cả Trăng Chiêm Bao, Trăng Bình Minh, Trăng Thế Kỷ , cả Trăng Vĩnh Cửu, bất luận Trăng Rằm, mười sáu, mười bảy, mười tám, thậm chí mùng bảy, mùng mười, thượng tuần, hạ huyền… và Trăng luôn đẹp, luôn Thơ, luôn là nỗi nhớ, là tình yêu tha thiết, thẳm sâu, là nhịp tim rung, là hơi thở mỏng, mỏng hơn ánh Trăng chờ lặn chờ tan trong nắng sớm, hay bị khuất lấp bởi đám mây chiều, mưa tối! Trăng trong thơ như chất chứa nỗi niềm thầm lặng, nhói đau của ngày xưa, ngày “một thuở yêu người”, ngày là người “lính trận” ngắm Trăng đầu núi, ngày của người “lính bại” ngắm Trăng trong nỗi ngậm ngùi, ngậm ngùi và đau xót không chỉ phận mình và đồng đội đang cảnh gieo neo, khổ nhục mà cho cả Đất Nước, cho cả Dân Tộc nhưng lòng vẫn đầy vị tha: 

     “Chưa gặp em chưa gặp cũng buồn tàn binh và cuối kiếp tha hương oán thù trút bỏ theo gươm súng còn lại trong lòng mỗi nhớ thương! 

      Mỗi nhớ thương là một ngậm ngùi chưa hề nghĩ tới lúc quân lui biết rằng đi tới lên rừng núi cầm bóng trăng và biết hổ ngươi!”

                          (Chưa Gặp Em Mà Trong Chiêm Bao- Trang 67).

         Trăng Giai Nhân, Trăng Thế Kỷ và cả Trăng Chiêm Bao:

         “Tôi vẽ lòng tôi vẽ bóng trăng, trong vòng tay tôi trăng giai nhân. Yêu trăng không biết làm sao tỏ, dệt mấy vần thơ phơi lụa trăng…

                              (Buổi Sáng Nào Tôi Cũng Ngẩn Ngơ- Trang 51).

          “Nàng thơ ấy là Vầng Trăng Thế Kỷ, mặt trời không lên tôi vẫn có Bình Minh! Tôi đưa nàng đi đến trước một ngôi Đình… để cho nàng đếm ngói – đếm tình tôi vô tận! 

                             (Chuyện Tình Yêu- Trang 64).

   Còn cả Trăng Chiêm Bao nữa chớ:

       “Em ơi trăng đang lên

        Và… màn đêm buông xuống

        Tại sao mình gặp muộn

        Để trăng chìm trong mây?

        …

        Hỡi vầng trăng chiêm bao

        Em là lòng xa lộ

        Xe anh chạy trên đó 

        Gặp em cuối chân trời…

                   (Lẽ Nào Đời Là Giấc Mơ- Trang 82-83).

      Không chỉ từng đó Trăng, Thi Sĩ còn có cả Trăng Bay: 

    “Đêm. Cuộn mình trong chăn nhìn trăng bay theo tuyết. Nhớ em không nói hết, gửi theo trăng tình xa…

     Tuyết bay trên mái nhà. Trăng cũng bay trên đó. Anh ghét những ngọn gió làm trăng cuối năm bay…

     Trăng bay trên ngọn cây, nhiều cây xanh còn lá. Nhiều loài cây ngộ quá, lá xanh mãi bốn mùa…”

                             (Đêm Đông- Trang 148). 

       Và đây, từ Trăng Chạng Vạng đến Trăng Đêm rồi cả Trăng Bình Minh:

     “Thơ anh có nhiều chiều bắt đầu từ buổi sáng, từ lúc trăng… chạng vạng một đời anh hoàng hôn! Em ơi em chắc buồn, anh nói trăng- chạng- vạng? Anh hay thơ lãng mạn? Thơ hay anh lan man? 

                            (Ơi Con Mắt Em Hai Mí- Trang 105).

     Có lẽ hỏi chỉ là để hỏi, hỏi chính lòng mình chứ… có thấy ai trả lời đâu? Rồi tự than:

      “Rồi phấn bay đi, hương nhạt nhoà … Trời ơi em giữa cuộc phong ba, em đơn độc giống như tôi đơn độc, và một vầng trăng mấy xót xa? 

                             (Rồi Phấn Bay Đi Hương Nhạt Nhoà- Trang 107).

       Tuy… buồn vậy, nhưng với Thi Sĩ, cái nhìn sẽ khác, nhất là những khi nóng bức, lại có thơ rằng:

       “Cái nóng hôm nay hứa hẹn rằng: trời đêm nay sẽ một trời trăng…

        Trăng là Hạnh Phúc người ta nghĩ, là cảnh yên bình rất dễ thương…

                              (Tiếng Lòng- Trang 110).

       Rồi thì:

         “Anh nhớ em, anh đợi trăng chiều

          Anh yêu em, anh cài trăng buổi sáng

          Người ta có thể đập nát từng hòn đá tảng

          Nhưng trái tim người vĩnh viễn là trăng! 

                              (Trái Tim Người Vĩnh Viễn Là Trăng- Trang 113). 

     Đã vậy thì thôi! Kết luận vậy thì: 

Trăng ơi, trăng mãi theo người- Vui buồn và cả những thổn thức, những trầm bổng reo vui và cả những điều u ẩn Trăng phải chung cùng, bởi vì Thi Sĩ đã nói lời ký gửi thắm đẫm tình: 

        “Tên em, anh viết T và chấm, em cứ đọc giùm: chữ đó Trăng. Đã sắp Trung Thu, em biết đó trái tim anh đó, Bóng Trăng Rằm! 

        …

           Di điểu bay đi di điểu về, người đi ai trở ngược đường quê? Em ơi đừng đợi sông không bến, đã mỏi mòn thôi ánh nguyệt kia…”

                               (T. Tên Em- Trang 196- 197).

     Trăng cuối cùng là Cố Nhân, là niềm an ủi của Thi Nhân: 

       “Tôi biết tôi không còn Tổ Quốc, tôi còn trăng thôi, tôi còn trăng! 

         Trăng không biên giới nào ngăn cản, tôi lại mỏi mòn hai gót chân! 

          …

         Em ơi em à trăng đêm Rằm, hôm nay tuổi Chúa mấy ngàn năm, tuổi em chắc cũng ngàn năm nhỉ? Ôi tuổi Tình Yêu tuổi Cố Nhân! 

                                (Tuổi Tình Yêu- Trang 202-203).

       Và rồi:

           “Em ơi em đẹp như trăng nhé

            Anh cúi đầu hôn trăng ở đây

            Trăng ở đầu non, em có ngắm 

            Xa vời cuối biển. Bóng mây bay…

                            (Hải Giác Thiên Nhai- Trang 219).

      Lại còn có cả chút “Tình Buồn” khi nói về Trăng 16-17, có lẽ là vết thương lòng sâu đậm, bởi vì, thỉnh thoảng đâu đó ta vẫn thấy Thi Sĩ nhắc mãi về người tình sang ngang khi vừa mười bảy tuổi. Đó là đây: 

      “… Nhớ em mười sáu trăng như nụ

           Mười bảy Trời ơi… anh mất em! 

           Đêm nay, nghĩ tới đêm mười sáu

           Trăng vẫn tròn trong chiếc nón thơ

           Em ở vườn cau sau bước Ngoại

           Rồi sau, sau mãi bóng con đò…

           Đêm nay, nghĩ tới đêm mười bảy 

           Em lấy chồng rồi, tiếc lắm sao! 

           …

           Tôi làm bài thơ tạo cái hình

           Từ vầng trăng sáng giữa mông mênh

            Biết mình hư ảo đời hư ảo

            Ai cấm lòng tôi thương nhớ Em?”

                           (Một Bài Thơ Tân Hình Thức- Trang 222-223).

      Ai đã từng đọc qua thơ của ông thảy đều thấy đâu đó nỗi buồn sâu lắng, không chỉ là buồn thoáng qua mà có cả nước mắt, bạn thơ của ông vẫn đùa: nước mắt đã gắn với tên ông rồi, cái tên Trần Vấn Lệ, thật không hiểu Lệ là đẹp hay là nước mắt? Ai mà biết? Ai biểu tên Lệ chi giờ … buồn suốt năm canh, sáng lẫn chiều? Vì vậy, tôi cố tìm, cố thử xem cả một thi phẩm dày 251 trang, gồm 141 bài thơ, lẽ nào, lẽ nào không có một lời vui?!  Và có rồi đây dù chỉ thoáng qua: 

      “Anh rời em buổi trưa, cây dã quỳ bịn rịn. Anh không còn là lính nhưng còn tính… hào hoa… “

                     (Màu Hoa Quỳ Vàng Đậm Trăng Cũng Vàng Như Hoa- Trang 221).

         Ôi, thật quá tự tin! Và còn xíu nữa đây:

    “Sáng nay em đẹp thiệt… mặc áo tím dễ thương, anh gọi em Hoàng Hôn… là muốn hôn Hoàng Hậu! 

     … 

     Ôi mai vàng Tết sẽ rực rỡ nước non mình, em — Hoàng Hậu Bình Minh, vầng trăng mai nạm ngọc…

                       (Sáng Nay Em Đẹp Thiệt- Trang 226).

      Và tác giả cũng thật là thoả mãn khi có lời rằng:

         “Em mãi mãi con gái mãi mãi là vầng trăng

           soi sáng cõi thế gian, mượt mà tà áo lụa… “.

    Thưa tác giả và các bạn, ngay từ đầu, tôi cũng sợ: mình sẽ Lạc Giữa Đường Trăng, bởi vì tôi lỡ đọc hết thi phẩm này, đọc và bị lún sâu! Những gì tôi viết ở trên đã phần nào chứng minh điều ấy, và tôi xin dừng. Bởi tự thấy mình chẳng phải người của Văn Chương, chỉ cảm nhận thơ bằng trực giác, nói giữa cái mênh mông của Trăng thì… ôi, khó hình dung quá, tôi chẳng biết rồi sẽ đi đâu, về đâu?! Sau cùng, tôi xin chép lên đây trọn vẹn một bài thơ, chứ cứ “trích đoạn” mãi thì quả là ức chế! Đề đọc đủ 141 bài thơ thì chỉ còn bằng cách nào đó có thể để bạn sở hữu Thi Phẩm TỪ KHI EM LÀ NGUYỆT của Thi Sĩ TRẦN VẤN LỆ; do Nguyễn Thiên Nga biên tập, Nhân Ảnh xuất bản năm 2023. 

          NÓI CHUYỆN CÙNG TRĂNG

      Đêm nay đêm trăng mồng Mười, mặt trăng chưa giống mặt người tôi mong. Lại buồn thêm nữa đêm Đông, người xa không biết đang sông biển nào? Sông thì im? Biển thì gào? Tôi nghe có tiếng thì thào, gió chăng? Hay là tiếng vỡ của băng, của những tảng tuyết đang nằm trên non? Tôi nghe có cả tiếng buồn, tiếng sương nhỏ giọt trăng chờn vờn rơi…

     Trăng à trăng ạ trăng ơi, trăng tròn như mặt một người, Rằm nha! 

     Năm hôm nữa, dưới hiên nhà, tôi treo đèn đợi, kết hoa, trăng về…

     Nhìn trăng chải mái tóc thề, nhìn trăng nhẹ bước trên lề cỏ xanh…            

    Trăng là vàng, ngọc, long lanh… Trăng là yêu quý Trời dành cho tôi!     

     Lòng tôi tha thiết, nói hoài, chẳng riêng trong một mồng Mười đêm nay. Trăng có khi khuyết, khi đầy, tình tôi một trái tim này, thưa Em! 

                            (Trích trong Thi phẩm Từ Khi Em Là Nguyệt- Trang 95). 

       Cuối cùng tôi xin kính chúc tác giả, người Thi Sĩ Hạnh Phúc và cô biên tập viên tài năng dễ thương nhiều sức khỏe để có thêm nhiều tập thơ mới! Trân trọng kính chào. 

   ThaiLy

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search