T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: NUÔI – TRỒNG / BẠC HÀ… CỨU ĐÓI  

Cây Bạc Hà (Nguồn ảnh: https://saigonhoa.com/)

NUÔI – TRỒNG

               Những mẩu chuyện chẳng đâu vào đâu nhưng sao vẫn cứ nhớ. Thôi thì, đã nhớ thì kể cho vui vậy. 

                 Năm 1982, vợ chồng tôi ra riêng, mua lại căn nhà vách đất, nhưng nền cao, lót gạch bông, mái ngói, vườn rộng tầm 700 m2. Có giếng nước ngọt, công- tơ điện, khi mà tôi không biết gánh nước, vườn rộng trồng trọt cần nước tưới, chủ nhà bán luôn cả mô- tơ, cả dây, cả ống tưới vườn thì quả là quá thuận tiện, tôi đỡ nỗi lo. Chú gợi ý: 

                   – Hai đứa tìm xin một con chó, đưa trước xuống đây, chú tập cho nó, còn con chó của chú, chú sẽ đem theo về Phan Thiết. 

                Thật lòng mà nói, tôi không thích nuôi chó hoặc mèo sau cái lần bị nó “táp” cho một cái. Nên dò ý:

                   – Chú, mà có thật sự cần nuôi chó không?

                Chú nghiêm giọng:

                   – Rất cần. Vườn rộng, mình trồng hoa màu, chó vừa giữ gà vừa giữ trộm. Mà nhớ, khi xin chỉ xin chó cái. Không nuôi chó đực. 

                Tôi nhìn chú, lấn cấn trong đầu với ý nghĩ “chó cái nó đẻ cho cả bầy rồi làm sao”? Chừng như chú đọc được ý nghĩ này nên chú giải thích luôn:

                    – Nuôi chó cái, nó ở yên trong nhà, mới giữ nhà. Ham nuôi chó đực, nó cứ đi tìm “cái” lấy đâu mà giữ nhà? Mấy đứa nuôi chó cái có khi nó dẫn cả chó đực về mình lợi thêm. 

                Khi ấy, tôi mới vỡ lẽ. Và cũng may mắn, người anh chú bác xin ở đâu đó về tặng cho vợ chồng con chó cái. Đem xuống gửi chú chủ nhà, chú tấm tắc khen: 

                    – Con chó này khôn lắm nè. 

             Con chó khôn thiệt. Lại siêng năng. Đuổi gà là đuổi tới bến luôn. Có hôm nó chụp chết một con gà. Chủ gà, xách con gà chết sang mắng vốn. Tôi phải xin lỗi, gợi ý “đền” nhưng chủ nhà không nhận. Te te xách gà về. Tôi giận quá, chủ gà vừa khuất bóng, quay qua “mắng” cho nó một trận. Nhìn nó “cúi đầu” hối lỗi với vẻ buồn hiu, tôi cũng thương. Nó làm tốt mà. Thôi, chỉ dặn “đuổi nhưng đừng chụp gà” nữa. Vậy mà nó nhớ. Từ sau, không hề tái phạm. Đúng là chỉ đuổi tới rào là dừng lại. Tình cảm giữa chó và chủ trở nên đằm thắm hơn.

               Những ngày đầu lập nghiệp, chú chủ nhà để lại cho vườn bạc hà (loại cây dùng nấu chua), nghề trồng hoa bán Tết, phải nói, tôi thật thương đám bạc hà. Thường gọi là “Bạc Hà cứu đói”, vụ này là câu chuyện “bi thảm”. Nhưng đến khi bạc hà tàn rồi thì phải trồng giống cây khác để thay đổi. Vợ chồng bàn nhau: Cây diếp cá, có giá nhất trong các loại rau thơm, vậy mình trồng loại rau này. Hai vợ chồng, kẻ chăng dây, người đánh luống, bón phân, chạy nước, bỏ ải… trong thời gian đó, lo đi tìm nguồn giống. Nhưng thật khó mà có. Mua họ không bán, chỉ cho nhúm mớ thôi. Gầy lâu lắm mà chưa được một luống. Xảy đâu, ông xã vào một ngôi Chùa hỏi cầu may, sư không có diếp cá, nhưng lại có giống hoa huệ. Chùa cho thì cũng nhận luôn. Về, bàn nhau, thôi, nhiều khi cơ duyên mình đến với “huệ”. Hoa huệ bán cũng có giá. Vậy là cắm riêng một lảnh chăm sóc, tưới bón… rỉ rả rồi thì cũng có hoa để cắm bàn thờ, bụi hoa phát triển, xanh dầy, lá hoa che kín đất trồng, chiều chiều ra ngắm, nhìn mảng xanh êm ái, dịu dàng, thích lắm. Rồi những dé hoa bắt đầu xuất hiện cao dần lên, gió chiều hây hẩy thổi, những nụ hoa chớm nhú ra, xanh non, rồi chuyển trắng, mỗi chiều vợ chồng cùng ngắm nghía, vừa là phút thư thái nhất trong cảnh lo toan bộn bề cho cuộc sống, vừa ươm mầm hy vọng khi đến lứa, sẽ cắt, sẽ bó sẽ đưa lên chợ, mà khi ấy, tôi có quen với cô hàng hoa, chuyên về hoa huệ và cũng có lời hẹn sẽ bao tiêu cho hoa nhà. Niềm hy vọng trong câu chuyện râm ran mỗi tối, trong ánh mắt chứa chan hy vọng khi xem trăng lên, khi chờ hoa nở. Hy vọng đi vào giấc ngủ với nụ cười mãn nguyện trên môi… Cho đến một sáng nọ… 

                  Tôi nào biết đâu, chó cũng có “mùa yêu”. Mà cho dù biết thì cũng có liên quan gì đến mình? Nhưng, chuyện đời bất trắc, ai có ngờ đâu: Đêm qua, tụi nó “động tình”, lựa ngay “thảm hoa” xanh mởn, ngạt ngào hương hoa mà hú hí cùng nhau. Ôi, sao tụi nó có số hưởng đến vậy? Vợ chồng tôi lặn lội kiếm giống, gầy cây, chăm bón nâng niu, cây thành, hoa chớm thì bọn nó kéo đến làm chỗ “tân hôn” là sao? Trời đất ơi! Thật không dám tin vào mắt mình. Cả lảnh hoa đổ rạp, lá dập tơi bời, từ đầu cho đến cuối lảnh, chẳng còn một dé hoa nào chịu đứng, nó ép sát đất hết rồi. Hai vợ chồng, 6 con mắt nhìn nhau… nghẹn ngào tê tái, tay chân bủn rủn, thõng thượt, không nói nên lời… Ôi, một đám cưới tập thể trên vườn huệ khá viên mãn. 

              Ôi, chú Huệ ơi! (Tên chú chủ nhà) Giờ nếu có chú, chú sẽ khuyên bọn cháu nên nuôi chó đực hay chó cái đây? Nuôi chó đực sợ nó theo cái giờ nuôi chó cái, nó dẫn “trai” về quậy nát vườn hoa??? Nhớ câu chú kết luận: Nuôi chó cái, nó dẫn chó đực về thêm, mấy đứa lợi thêm thì có. Chú ơi. Giờ thì thấy lợi rồi đây, “lợi thì có lợi mà răng không còn”…

         BẠC HÀ… CỨU ĐÓI

                 Nói đến cây bạc hà chắc các bạn chẳng lạ lùng gì, ngoài cách gọi trên, ở một số nơi nó có tên là Dọc Mùng. Nó lại là loại cây đã một thời gắn bó với vợ chồng tôi. Ngày về nhà mới, người chủ cũ có lưu ý vợ chồng hai thứ: 

                 – Đây là đậu xanh, khi chín thì hái nghe, tụi mày tách vỏ, nấu chè…, muốn để dành thì phải phơi…(Món này ngay trước nhà)- Kia là lảnh bạc hà, theo quê chú gọi là dọc mùng; tụi mày cứ vô nước nó sẽ lớn nhanh lắm…(Món này ở hông nhà).

                Chú dặn vậy có lẽ thấy hai vợ chồng tôi thuộc dân “đường nhựa”. Sau đó, chú chỉ dẫn chúng tôi khá nhiều về nông nghiệp. Ba các cháu cứ theo vậy mà làm. Khi về nhà mới, tôi được bà Nội hướng dẫn khá tỉ mỉ về các nghi thức; chuẩn bị thật chu đáo nếu không nói là vô cùng nghiêm cẩn để mong hai chữ bình an và no ấm. Tuy nhiên, chuyện đời đâu phải mình tính là được. Cũng suýt đói thật. Bởi vì ngày ấy, lương hè thì rất thất thường, có lẽ họ nghĩ “giáo viên” hè không làm việc, lương có trễ cũng không sao. Xui cho tụi tôi, tiền bạc chuẩn bị khá ổn, nhưng do một sự cố từ trên trời rơi xuống, tôi phải tiêu hao. Con gái 17 tháng ốm đau quặt quẹo, dẫn đến cảnh: tiền bạc nhẵn nhụi, ngày mai, phải, ngay ngày mai thôi, không biết xoay sở đâu ra cho bữa chợ? 

               Tiền không có, lại tự ái cao. Mình thì không sao, nhưng con gái ăn gì? Đây là bài toán khó. Một ngày trăn trở nghĩ suy, lo, buồn, tủi thân, thương con sau đó là sự uất ức dâng trào. Tại sao lại vậy? Vợ chồng đều có ăn có học, có công ăn việc làm, có nhà cửa mà sao lại lâm cảnh khốn cùng này? Đêm ấy, tôi tính với ba cháu: 

                – Thôi, không lo nữa. Ngày mai, mình chở con lên ngoại chơi, cho con ăn cơm ở đó. Còn mình thì cứ hái rau càng cua vào… là xong chớ gì. Chỉ lo cho nó thôi, mình kiểu gì chẳng được. 

            Ba cháu chậm rãi lên tiếng:

               – Ừ, vậy đi. Nhưng ngày kia và sau nữa thì sao? 

            Tôi trả lời nhanh, chừng như đã có chủ định:

               – “Nóng đâu phủi đó đi”, ngày kia… mai tính, sau nữa… mốt tính. Nhu yếu phẩm còn thì không lo. (Bởi vì ngày ấy có chế độ tem phiếu nên nguồn dự trữ ít nhiều gì vẫn có, đỡ một mối lo).

             Tính là tính vậy nhưng cả đêm không cách gì yên giấc. Chừng trời tờ mờ sáng, tiếng gọi í ới ngoài cổng vang vào: 

               – Giáo, giáo. Cô giáo ơi! Cô, cô ơi…

            Tôi tỉnh hẳn. Gọi với qua bên kia:

               – Anh, anh ra xem, hình như có ai gọi mình. 

             Trong thâm tâm tôi nghĩ “có lẽ hàng xóm cần xin thuốc cứu, củ xả” gì đó… nhưng không phải. Tiếng chân đi vào sân hơi gấp. Cả tiếng nói chuyện râm ran…Tôi bước vội ra, cũng kịp nghe tiếng ba cháu kêu:

              – Em, em ra thím Tư hỏi gì nè!

            Thấy tôi, thím vồn vã nói một thôi một hồi, chừng như sợ tôi từ chối: 

             – Cô giáo à! Bạc hà cô có bán cho ai chưa? Hồi đó giờ, chú Huệ (chủ cũ) bán cho tui không hà. Giờ cô bán cho tui luôn nhen. Người ta mua bao nhiêu, tui trả cô bấy nhiêu. 

              Nói xong, thím nhìn tôi chờ đợi. Chừng như sợ tôi không bán, thím thêm: 

             – Tui không trả rẻ cô đâu, cô đừng lo, tui ở xóm dưới đây mà. 

              Sở dĩ, tôi chưa trả lời thím vì đang lấn cấn trong đầu hai nỗi: mừng vì đã có tiền, ít nhiều gì thì chưa biết- có là may rồi. Lo vì không biết mua bán theo kiểu gì? Tôi thì sợ rắn lắm, sao dám chui vào bụi cây rậm rạp kia mà cắt, mà bán? Còn ba cháu cận nặng sao dám để ổng vào? Mặt trời còn chưa có, chỉ mỗi bóng đèn nơi góc sân. Tôi vừa cười trấn an, vừa hỏi: 

                    – Thím mua theo cách nào?

             Vừa bỏ đôi quang gánh xuống khỏi vai thím vừa nói: 

                    – Cô bán thì tui ra cắt, đếm cây xong tui trả tiền. Trước giờ là như vậy, tui không trả rẻ đâu.

                  Tôi thở phào nhẹ nhõm, gật nhanh đầu: 

                    – Dạ, vậy thím cắt đi. 

                  Dịch vụ mua bán đầu tiên của tôi khá thành công. Cũng khá lâu, thím Tư xuất hiện, rê hai chiếc thúng lớn; trong đó, những cọng bạc hà to, khoẻ, xanh mượt được thím dựng đứng lên khá đẹp mắt. Thím lần trong túi ra, rút đưa cho tôi tờ 50đ. Tôi thót tim khi nghĩ “có đồng nào đâu mà thối”? Nhưng tôi không phải nghĩ lâu, thím vừa nói, vừa dặn:

                  – Mỗi lứa cắt là 50đ, lên xuống theo chợ nhưng thôi, cứ tính vậy đi mình là hàng xóm mà. Cô dặn chú chiều vô phân, chạy nước, tới lứa tui qua cắt, cứ tuần cắt lần. 

               Tôi cầm tiền. Thím quày quả ra về cho kịp buổi chợ sớm. Thật tình, mất khá nhiều thời gian tôi mới “ra khỏi cơn mê”. Khi mà: mỗi lứa bạc hà những 50đ, bằng với lương một tháng của ba cháu, chứ tôi thì chỉ 45đ. Mỗi tuần cắt một lần, vị chi mỗi tháng vợ chồng tôi có thêm …4 tháng lương. Ôi, tôi có mơ chăng? Vậy là no ấm thảnh thơi, vậy là đời thêm hy vọng, vậy là… không thể nào tả xiết sự vui mừng, lần đầu tiên từ khi về nhà mới vợ chồng mới vững niềm tin cho tương lai: mua căn nhà là vét sạch vốn liếng, nhưng bây giờ đây là “căn nhà SỐNG”, chỉ cần mình bỏ sức cần lao.

                 Xin mở thêm dấu ngoặc. Khi trời sáng hẳn, tôi mới ra sân, đập vào mắt là mớ bạc hà “kém chất lượng”, cọng nhỏ, khá nhiều. Bạc hà là món tôi rất thích, khi nấu canh chua tôi bỏ nhiều lắm; giờ nó ngổn ngang trên sân nhà, có nấu canh cũng không cách gì hết được. “Biến hoá” một tí, mình sẽ có món ngon. Tôi mang rửa sạch, chạy lên nhà, học bà Nội cách “bỏ chua”. Vậy là ngoài rau càng cua tôi có thêm món dưa bạc hà. Có lẽ, các bạn cũng mừng cho vợ chồng tôi qua cơn bỉ cực, cuộc sống tạm ổn, nhưng… thật sự là chưa.

                         Thai Ly.

Bài Mới Nhất
Search