T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: VUI BUỒN NGHỀ GIÁO  

Góc Kỷ Niệm – Tranh: MAI TÂM

Tuy đã hưu nhàn nhưng tôi vẫn nhớ những ngày khá là vất vả, không chỉ cuộc sống mà cả về tâm lý bất an! Khi mà, nhận Sự Vụ Lệnh tháng 11.1974 thì sang tháng 4.1975…, lý lịch tôi là Giáo viên lưu dung. Thật tình, tôi suy nghĩ mãi từ này, theo rền rỉ với thầy hiệu trưởng:

                  – Thầy, thầy có nghĩ họ in “thiếu dấu” không vậy? Chắc là “lưu dụng” chứ “lưu dung” nghe ớn ớn, sao sao ấy thầy!

                  – Ớn cũng phải chịu thôi! Tui thì cũng đáng, vì đã từng là Quân Nhân Biệt Phái, chứ như cô với cô Hạnh thì cũng… oan ức thiệt! 

                Vậy rồi, vào năm học mới, sau khi cả mùa hè, giáo viên các cấp đều qua khoá học chính trị và bồi dưỡng chuyên môn rất căng thẳng… Tôi được phân công dạy lớp 4. Điều thầy hiệu trưởng chú ý duy nhất là: phân lớp tôi dạy sát vách với phòng hội đồng, cũng có nghĩa là gần với phòng Ban Giám Hiệu. Tôi không muốn tí nào và cũng hơi vô lý, đây là phòng thường bố trí cho lớp 5 giờ sao tắt ngang vậy? Thầy mời lên, nói riêng:

                  – Cô thông cảm, nhận đi! Đây là tui “chọn mặt gửi vàng”! (Thật là quý hoá), rồi Thầy tự phân tích thêm: Phòng này, sát phòng tiếp khách, mà cô biết rồi đó, Cán Bộ Phòng Giáo Dục (PGD) toàn là “ngoải” vô không hà, tui là thân lính tráng… dù gì, cô cũng “sạch sẽ” hơn những cô khác, cô nào không cá nhân thì cũng gia đình đều có dính dáng với chế độ cũ… lỡ họ thăm trường thình lình, sơ xuất là chết cả nút! Cô còn “mới”, lại ứng xử nhạy bén… xem như cô giúp trường đi!

               Đã vậy thì thôi! Tôi còn biết nói gì? Tính cũng không thích tránh né, đùn đẩy! Nhưng, thiệt tình không đơn giản tí nào! Tôi “áp lực” kinh lắm! Khách bên PGD đúng là không hẹn trước, họ thăm trường bất kỳ, có khi đang chăm chú giảng bài, chột dạ, nhìn ra, đã thấy cán bộ chắp tay sau lưng…đứng nhìn lom lom! Phòng dạy, sát với đường làng, chẳng những vậy còn kề Ủy Ban Nhân Dân (UBND). Trời đất ơi! Bộ đội dập dìu qua lại, trong này, mình nói gì, họ nghe rõ mồn một! Vậy nên, có dám nói gì khác với sách giáo khoa đâu! Trung thực đến từng”con chữ”. Khó nói quá, thì thôi chọn cách đọc nguyên văn cho nó “lành”.

                     Hôm ấy nếu tôi nhớ không lầm, tôi dạy môn Đạo Đức. Thường có một câu chuyện, rồi từ đó đưa về ghi nhớ. Híc…Tôi đang say sưa cùng bài giảng về tấm gương Lê Thị Hồng Gấm: Trận chiến vô cùng ác liệt, đồng đội đã hy sinh hết; chỉ còn một mình, cô ôm khẩu súng trường, bắn rơi máy bay, hết đạn, cô bẻ gãy báng súng….Chưa dứt câu, từ dưới lớp vang lên câu nói rõ to, đủ để khiến tôi, đỏ mặt, bùng tai:

                   – Bà cô nói LÁO! 

                Thật lỡ khóc lỡ cười! 

                  Lần sau, sau nhiều sự cố tương tự. Hôm ấy, tôi dạy môn Lịch Sử. Bài dạy nói về chế độ VNCH đàn áp các phong trào yêu nước, lê máy chém đi khắp miền Nam… gì gì nữa, lâu quá cũng đã quên rồi. Nhưng ấn tượng nhất là thú thiệt, còn quá mới mẻ, nên “giảng” khó lắm, mà không giảng hoặc giảng “khác đi” cũng không thể, kẻ qua người lại sát bên cửa sổ kia mà! Tôi bèn chọn cách “đọc” cho “yên”. Nhưng có yên đâu! Đang đọc, đến từ “thằng Diệm- thằng Thiệu” chưa dứt câu, cũng từ cuối lớp vọng lên:

                       – Bà cô HỖN ghê, còn nhỏ mà kêu Tổng Thống bằng “thằng”!

                 Thiệt tình, một bàn thua trông thấy! 

                   Chuyện vui là vậy nhưng không phải không có chuyện kinh tâm. Năm học 1976-1977-78… tôi đổi sang trường Khánh Hải, lớp dạy chung dãy với anh tổ trưởng, vốn hiền hậu, ít nói. Hai phòng liền kề nhau. Hôm ấy, đang dạy, bỗng anh chạy qua, gọi lớn, giọng hốt hoảng, sắc mặt tái xanh đầy nét hãi hùng, nhác thấy bộ dạng, tôi cũng kinh tâm vội chạy ra, anh chỉ kịp nói nhanh, vừa nói, vừa dợm chân… chạy. Rằng:

                    – Em, em… anh khẻ tay thằng T, không ngờ, cây thước bị gãy, văng xuống, trúng đầu em S ngồi phía trên, nó ôm đầu máu chạy về nhà, thế nào nhà nó cũng lên… em giải quyết giùm anh…

              Câu nói vừa dứt, anh đã đi quá lớp tôi rồi. Nhìn hướng đi, tôi biết anh định xuống văn phòng. Tôi vội nói với theo: 

                      – Đừng xuống văn phòng, ra sau vườn trường đi! 

              Ôi! Họ nhanh không tưởng được. Tôi dặn lớp tôi ngồi yên, bước vội sang lớp bạn, củng cố “niềm tin” khi hỏi lớp: 

                      – Thầy có đánh bạn S không?

                Cả lớp nhao nhao tranh nói:

                      – Không đâu cô! Đánh trò T đó cô; tại thước văng ra mới trúng trò S! Nhà trỏ lên kìa cô! 

               Tôi…run khan, bởi khi vừa nhìn ra hướng cổng đã thấy lô nhô, nhí nhố không dưới 10 người mà phải nói “cả tá” người, kẻ có áo, người trần trùng trục, chỉ đồng phục… tất cả mặc quần xà lỏn, có người còn cầm theo cả cây “đòn gánh”. Giờ thì, có sợ mấy đi nữa, tôi cũng phải “đối mặt”. Tôi chuẩn bị một thái độ bình tĩnh nhất kèm theo một nụ cười duyên dáng và thân thiện nhất… có thể, tôi đón họ ở bậc tam cấp. Thật mềm mỏng, tôi chủ động:                  

                     – Chào gia đình! Tôi dạy lớp bên cạnh. Nhận lời thầy C nhờ gặp gia đình giải thích giúp thầy. Cháu S ngoan hiền, chăm học lắm, thầy giáo chưa hề phiền trách. Hôm nay, là chuyện rủi ro, thầy khẻ tay em khác, chẳng may thước gãy, văng xuống trúng cháu S thôi! Thật tội cháu và phiền gia đình! Nếu chưa tin, xin mời người nhà cứ vào lớp hỏi học sinh cho rõ! Thật phiền cho gia đình quá! Thầy C gửi lời xin lỗi gia đình và em S! 

             Chẳng qua tôi lỡ lên lưng cọp thôi, chớ run lắm. Bực mình nữa. Mình đang phân trần, mà ở phía sau, người nhà cứ chồm chồm chực lao lên ăn thua đủ. Sợ thiệt là sợ! May sao rồi cũng xong. Họ chào và kéo nhau ra về. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Khách vừa khuất, thầy C hình như cũng xuất hiện đồng thời. Đưa tay vỗ ngực, chỗ trái tim đang “chực bay ra”,miệng nói:

                 – Trời ơi, cám ơn em nhen! Không có em chắc anh… trốn luôn quá! 

                   Mà thật vậy! Không trốn ngay, nhưng chỉ hết năm học, xong hè là anh cũng xin thôi việc, về làm nghề tự do, thỉnh thoảng gặp nhau anh mừng lắm. Không biết, đến ngày nhà giáo anh có nhớ kỷ niệm này không? Riêng tôi, sau vụ việc của thầy, ngay trưa hôm ấy, tôi nhờ người quen vốn là thợ mộc làm cho cây thước bằng cẩm lai, dài nửa mét, dày dặn và đẹp lắm! Dượng còn đùa:

                 – Cây thước này con xài tới về hưu chưa suy suyển! 

              Và đúng là như vậy! Đồng nghiệp nào cũng khen nó và tận đến giờ, gần nửa thế kỷ tôi vẫn còn lưu giữ!!! 

                ThaiLy.

Bài Mới Nhất
Search