T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Thêm một cơn bão dữ

 

Giữa cơn lốc tháng Tư- Tranh: Trần thanh Châu (Seattle)

1.

Tháng Tư là tháng độc ác nhất (April is the cruellest month)

(T.S. Eliot, The Wasteland)

Mới năm ngóai đây, giật mình thức giấc trong đêm vì những hột mưa to như những hột bắp khô rơi rào rào trên mái nhà, tôi nhận ra mình vừa thóat khỏi cơn thịnh nộ của đất trời (*). Một ngôi làng không xa lắm nơi tôi ở đêm hôm ấy đã thành bình địa. Nhiều người chết. Tất cả cư dân nơi ấy lâm cảnh màn trời chiếu đất. Đường đi của gió xóay ngang qua bầu trời phía trên căn nhà tôi ở, nhưng may mắn thay, nó không ngừng lại mà tiếp tục đi rồi đậu chân xuống ngôi làng tội nghiệp có tên Greensburg. Lúc ấy, cảm tưởng “hú hồn” còn ám ảnh, tôi viết được đôi điều. Một năm sau đọc lại, vẫn cái cảm gíac khó chịu ấy.

” . . . Tháng Năm. Tháng của những con bão hung dữ miền trung tây nước Mỹ. Tháng của những cuộc chia tay đột ngột giữa sống và chết, giữa dựng xây và hủy họai. Với tôi, cũng là tháng vừa vượt qua cơn bão dữ tháng Tư. Tháng Tư là tháng độc ác nhất (April is the cruellest month . . . T.S. Eliot, The Wasteland). Tháng của kẻ thù hành hạ kẻ thù và bạn bè hành hạ bạn bè. Tháng của những người chết đội mồ sống dậy và những nỗi đau vùi lấp từ lâu được đào lên để chúng đua nhau gào khóc. Tháng của những ngộ nhận và những lời chửi rủa của những anh em đã từng một thời đứng chung với nhau một chiến tuyến. Tôi đọc đâu đó có người viết rằng tháng Tư, cho dù khắc nghiệt, đã đi qua. Nhưng chiến tranh thì chưa.

Hình như chúng ta chưa sẵn sàng quên lãng những cuộc chiến của quá khứ mà những cuộc chiến của tương lai đã bắt đầu. Hay, như tôi trong đêm thứ sáu mùng 4 tháng 5 năm 2007, đã sống sót cơn bão dữ này chỉ để đối diện với những cơn bão dữ khác. Những bất trắc của đời sống ẩn hiện trên từng trang sách đời mở ra trước mặt. Cái bất trắc vừa kỳ thú vừa đe dọa. Cuộc sống muôn đời là thế: chúng ta (tôi) chỉ có việc đi tới (vì không có con đường đi lui). Đi cho đến khi nào không còn lối đi trước mặt.” (Cơn bão dữ tháng 5 và tôi. Tháng 5-2007).

Thời gian đã trôi đi, đời sống thêm bao lần bất trắc? Những bất trắc đến từ trời, đến từ người, đến từ kẻ thù, đến từ bạn bè. Hôm qua, các giới chức thành phố đã cho thử lại (Test) hệ thống báo động trong trường hợp có những biến cố bất thường về thời tiết. Nhìn tờ lịch đã thấy ngày đầu tiên của tháng 4. Phải rồi! Tháng Tư cũng là mùa Tornado của khu vực Trung Tây nước Mỹ. Dù được trang bị những máy móc tối tân nhất về dự báo thời tiết, có đôi khi một trận gío xóay với sức mạnh xóa sổ cả một ngôi làng cũng chỉ được biết trước vài tiếng đồng hồ. Vì thế, hệ thống báo động là vô cùng cần thiết, để ít nhất người ta có thì giờ chạy xuống hầm trú ẩn (shelter), chờ cơn thịnh nộ của đất trời đi qua.

Hầm trú ẩn? cái tên gợi đến cuộc chiến tranh đã chấm dứt cách đây 33 năm, cũng vào tháng 4. Cái tháng độc ác. Và tôi sực nhớ rằng mình cũng đã từng “hút chết” với cuộc chiến tranh ấy. Tháng 4 của 33 năm về trước tôi ở đâu? Hồi ức tôi thật bén nhạy. Bén nhạy đến tàn nhẫn.

. . . Đó là một ngày ảm đạm, ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Giữa dòng người hốt hỏang trên Quốc Lộ 4 nối liền thành phố Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Việt Nam, tôi đã cởi bộ quân phục mặc trên người, đủ bình tĩnh để xếp chúng lại thật ngay ngắn phẳng phiu, cẩn thận cột giây đôi giầy trận theo đúng quy cách quân trường, rồi đặt chúng nằm cạnh bộ quân phục. Tôi còn nhớ cái bóng của mình đã đứng thật nghiêm, bàn tay trái nắm chặt để ngón cái chạy xuôi theo đùi chân trái, tay phải đưa lên ngang tầm mắt, thật dõng dạc chào một lần cuối những thứ tôi vừa cởi bỏ trên người ở chân cầu Bến Lức khi giọt nắng cuối cùng vừa biến mất phía sau nhà lồng chợ quận.

Dòng người, như dòng đời, cuốn tôi mất hút trong đó. Tôi đi về một phía, và người tôi yêu đi về một phía. Bóng tôi xiêu đổ theo cả một nửa đất nước đổ xiêu cái ngày tháng 4 định mệnh ấy. Ngày ấy, với đôi chân trần rướm máu lê những bước mệt mỏi về lại thành phố Sài Gòn, tôi không biết rằng, rồi đây, cũng đôi chân trần ấy tôi sẽ bước những bước lưu đầy trên khắp miền đất nước: Trảng Lớn, Long Giao, Kà Tum, Suối Máu, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú, Xuân Lộc . . .

Đâu đó có người viết rằng tha thứ và tỉnh ngộ là bài học làm người. Nếu thế, bài học làm người quả là khó. Tha thứ ư? ai tha thứ? tha thứ cho ai? Tỉnh ngộ ư? ai lầm lạc mà nay tỉnh ngộ?

Tôi chỉ biết rằng đã 33 năm, tôi vẫn chưa thể tha thứ cho chính mình về cái ngày tháng 4 định mệnh ấy. Và vì thế, tôi hẳn là vẫn chưa tỉnh ngộ. Và thiên chức làm người hẳn còn vẫn rất xa tầm tay tôi với.

2.

Trong lúc tôi ngồi loay hoay với bài học về làm người ở một góc của khu vực Trung Tây Mỹ quốc, thì bão xóay đã lại tái hòanh hành ở một tiểu bang chia chung với thành phố của tôi một con sông Arkansas River. Vẫn những cảnh đổ nát quen thuộc: cây đổ, nhà sập, xe nằm chỏng gọng, người chết, kẻ bị thương. Có cả một chiếc máy bay lọai nhỏ lật nghiêng, đè lên mái một căn nhà kho.

Hôm sau, xem truyền hình, tôi lại thấy những khuôn mặt phờ phạc, mếu máo, đứng bên cạnh căn nhà đổ nát, cố moi trong đống gạch vụn đôi ba kỷ vật: khung hình, chiếc khăn mặt, bức tượng Chúa sứt mẻ v..v… Tất nhiên, sau đó rồi sẽ lại có những nỗ lực dọn dẹp, xây dựng, tái tạo. Như thành phố Greensburg gần nơi tôi ở, từ trận bão năm ngóai bị biến thành bình địa, nay đã dần dần khôi phục. Hệ thống nuớc điện đã cung cấp được cho tất cả các cư dân, khu vực thương mại chính đã mọc lên những tòa nhà cao tầng sẵn sàng cho ký hợp đồng. Các khu vườn, các thảm cỏ xanh đã từ từ phủ lên những đổ nát hoang tàn. Tòa tháp chuông Big Well hùng vĩ năm ngoái bị đốn gục, nay được thay thế bằng một tháp nước thậm chí còn cao hơn, dáng vẻ còn hùng vĩ hơn, biểu tượng cho một sức sống còn phong phú hơn. Chỉ mới chưa đầy một năm sau trận bão tàn phá khủng khiếp tưởng chừng như sẽ không bao giờ có cái tên Greensburg hiện hữu nữa, vậy mà cũng những con người trước đây đứng mếu máo, phờ phạc bên sự đổ nát nay đã cùng nhau làm cho Greensburg sống lại. Chương trình truyền hình tòan nước Mỹ Discovery đang thực hiện một cuốn phim tài liệu về công trình tái xây dựng thành phố, dự trù sẽ hòan tất năm nay và sẽ được dùng để giới thiệu một chương trình mới của họ có tên Planet Green, Hành tinh xanh.

Tôi sực nhớ đến cô gái trẻ đứng bên cạnh tôi cũng độ này năm ngóai trên một ngọn đồi gần Greensburg, nhìn xuống thành phố hoang tàn. Cô đã nhiều lần cố kìm những nỗi xúc động của mình khi kể cho tôi nghe về căn nhà nhỏ của cô chìm lẫn giữa sự hoang tàn đó. Tôi vẫn còn có thể hình dung ra được hình ảnh cô đưa tay lên quệt nước mắt và nói (bâng quơ). Dù sao thì cuộc sống vẫn cứ phải chảy về phía trước. Mình không thể cứ đứng ở đây mãi được. Rồi cô cương quyết bỏ đi đúng theo với nghĩa đen của câu nói. Nay hẳn trong số những đóng góp cho việc tái sinh thành phố ấy, phải có bàn tay của cô gái trẻ.

Tôi thèm thuồng và ganh tị cái sức bật của tuổi trẻ. Tuổi trẻ của cô gái người Mỹ biết cương quyết lau nước mắt, bắt tay làm lại tất cả từ đầu. Tuổi trẻ của nước Mỹ vài trăm năm lập quốc, không bị sức nặng của lịch sử hơn 4 ngàn năm gọi là văn hiến trì kéo, không bị những bóng ma của chiến tranh ám ảnh, không bị những ân óan lưu cửu làm thui chột tâm hồn, không bị những ông chính ủy và những nhà độc quyền chống cộng phun nọc độc vào không khí, vào chữ nghĩa, không có nỗi ám ảnh tháng 4 theo cái nghĩa “Tháng của kẻ thù hành hạ kẻ thù và bạn bè hành hạ bạn bè. Tháng của những người chết đội mồ sống dậy và những nỗi đau vùi lấp từ lâu được đào lên để chúng đua nhau gào khóc. Tháng của những ngộ nhận và những lời chửi rủa của những anh em đã từng một thời đứng chung với nhau một chiến tuyến . . .”.

Tất nhiên, cũng có những bất trắc đến từ trời. Như những trận bão lốc và gió xóay. Nhưng thiên nhiên tuy độc ác, nhưng không cố ý. Ý tưởng ấy khiến tôi dễ dàng chấp nhận chịu đựng cái khó chịu khi phải thức dậy lúc nửa đêm chui xuống hầm trú ẩn khi nghe còi báo động nổi lên inh ỏi.

Có lẽ vì vậy mà bài học làm người là tha thứ và tỉnh ngộ tôi vẫn chưa thuộc. Hay là vì cái đầu già nua không còn chỗ cho bất cứ thứ gì khác ngòai quá khứ?

3.

Tháng Tư. Bao lâu chúng ta còn nhắc đến tháng Tư, có nghĩa là chúng ta chưa sẵn sàng quên những cuộc chiến của quá khứ và những cuộc chiến tương lai vẫn sẽ còn chờ đợi trước mặt. Vết thương mấy chục năm chưa kéo da non. Hơn cả một vết thương, đó là khối u ác tính của ung thư, càng để lâu càng lở lóet, đau đớn cho đến khi chết đi. Thuốc chữa thời gian đã vô hiệu. Không biết đã đến lúc tôi nên dẹp ước vọng làm người qua một bên (quá muộn?) mà rộng lượng tha thứ cho chính mình (chưa chắc đã dễ dàng hơn là tha thứ cho kẻ thù cũ!) chưa? May ra, nhờ vậy tôi tỉnh ngộ, biết rằng mấy chục năm nay mình chơi một trò chơi điên rồ (nói theo cách nói của một nhà văn nữ trẻ tuổi), nay đã đến lúc nên chấm dứt nó đi, để thảnh thơi dọn mình sám hối (?), thảnh thơi đón nhận những bất trắc khác đến từ trời (tuy độc ác nhưng không cố ý), đến từ người (bao giờ cũng đầy ác ý) chăng?

Ai chẳng biết tháng Tư là tháng độc ác nhất! Ai chẳng biết rằng, ở miền Trung Tây nước Mỹ, tháng Tư là tháng bắt đầu cho những trận gió xóay sát nhân!

Ai chẳng biết rằng tháng Tư là tháng mà người Việt (nước trong cũng như nước ngòai) bắt đầu kể lể, than khóc, cười hể hả về tháng Tư!

Thêm một lần tôi “hút chết” chăng?

T.Vấn

Tháng 4- 2008

*Ghi chú : Nói ” màn trời chiếu đất ” chỉ là để cho dễ hình dung mà thôi, chứ trong thực tế, những người dân gặp nạn ấy vẫn có nơi tạm trú với đầy đủ các phương tiện vệ sinh cần thiết. Đó là chưa kể các công ty bảo hiểm về nhà cửa phải chi trả cho thân chủ bị nạn của mình mọi chi phí về thuê muớn chỗ ở trong lúc chờ thẩm định sự hư hại của căn nhà. Chỉ tội nghiệp cho người dân ở những nước nghèo, như Việt nam chẳng hạn, trong trường hợp đó thì ” màn trời chiếu đất” là những từ chính xác nhất.

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search