T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 7 và những cơn mưa Sài Gòn

clip_image002

. . . Mưa ngày nay, như lệ khóc phần đất quê hương tù đày. . .

(Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội – Phạm đình Chương)

1.

Tháng 7. Năm nay vùng tôi ở mưa hơi nhiều. Có lẽ phải nói quá nhiều. Lại nhớ Sài Gòn và những cơn mưa bất chợt. Mà dạo này, theo lời một người bạn vừa về thăm quê nhà, Sài gòn cũng ướt nhẹp. Tháng 7 của vùng khí hậu nhiệt đới là mùa mưa của một năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Mấy năm trước, tôi cũng đã có dịp về thăm nhà, cũng vào tháng 7 mùa mưa. Chiều nào, khi dắt chiếc xe ra khỏi nhà, cô em gái không quên dặn với theo anh nhớ mang theo áo mưa. Sài Gòn mùa này hay mưa bất chợt lắm. Câu nói mang âm vang của một thuở thanh xuân khóac chung với người bạn gái một chiếc áo mưa, cứ ngược xuôi xuôi ngược những con đường thành phố chỉ để cho hết buổi chiều, cho hết câu chuyện xoay quanh mùa thi sắp tới phải cố đạt cho được mảnh bằng tú tài, nếu không sẽ phải chia tay nhau cho chàng đi “vào nơi gió cát“, còn em gái hậu phương sẽ mỗi chiều nhìn mưa ngơ ngẩn “đêm trăng này (chàng) nghỉ mát phương nao” kể từ khi tiễn chàng “giã nhà đeo bức chiến bào, thét voi cầu Vị ào ào gió thu“.

Nhưng Sài Gòn tháng 7 năm nay, với những cơn mưa buổi chiều không làm cho tâm hồn lãng mạn của người bạn nhạc sĩ đã lâu không về thăm nhà rung động theo cái cái cách mà anh háo hức khi đặt chân xuống mặt đường nhiệt đới nóng bỏng. Đã có những hình ảnh khác, rất không bình thường của Sài Gòn, khiến anh tin rằng, mình không có quyền đắm chìm trong những hòai niệm quá khứ khi mà trước mặt, hiện tại đầy ắp những sự kiện nóng không thua cái nóng của trời đất Sài Gòn .

Đó là hình ảnh những người dân nông thôn lam lũ, chân lê đôi dép nhựa tái sinh, trên vai những chiếc áo bà ba bạc màu, lếch thếch kéo nhau từng đòan từ các tỉnh nghèo khó ở miền Tây về Sài Gòn để hòng gióng lên tiếng kêu cứu khẩn thiết đến các quan chức trung ương hãy dùng “đèn trời” soi rọi xuống những hành vi áp dụng luật rừng để cướp đất cướp ruộng nhân dân của bọn quan lại nha đầu địa phương. Hình ảnh từng đòan người, tay giương cao những biểu ngữ tố cáo viên chức chính quyền tỉnh này, cơ quan đảng ủy tỉnh kia, một nhóm quan sai quận nọ, ngang nhiên áp bức dân chúng dưới quyền cai trị bất chấp pháp luật để làm giàu cho gia đình là một hình ảnh rất mới mẻ của Sài Gòn sau 32 năm chính quyền cộng sản cai trị. Đối với người dân quê chất phác, ít học, thường họ dễ bề cam chịu thân phận bèo bọt của kẻ thấp cổ bé miệng. Kiện tụng, biểu tình, chống đối là những khái niệm cao xa, thường đem đến cho họ sự sợ hãi hơn là tò mò tìm hiểu. Nay hẳn là con giun xéo lắm cũng quằn. Đụng đến mảnh ruộng con, nguồn thu nhập duy nhất của họ, thì bảo sao không tức nước vỡ bờ. Và những con người quê mùa tội nghiệp ấy, đã không quản ngại đường xa, không quản ngại Sài Gòn tỉnh thành hoa lệ, và trên hết là không quản ngại những đòn thù bắt bớ của chính quyền, cương quyết và dõng dạc thách thức lương tri của một chính quyền thường rêu rao là chính quyền của nhân dân và vì dân mà tồn tại.

Trong suốt 3 tuần lễ đòan người dân quê ấy can đảm bám trụ lấy Sài Gòn, bất chấp nắng mưa, bất chấp việc thiếu thốn các phương tiện vệ sinh, ăn uống, và bất chấp cả những lời dụ dỗ ngon ngọt, những sự đe dọa của chính quyền. Sự uất ức đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Khi người ta bị dồn đến đường cùng, thì chỉ còn có một phản ứng duy nhất là vùng lên.

2.

Người bạn ở Sài Gòn, trong cơn cảm xúc, đã nhận xét rằng chính những người dân quê ít học ấy đã nêu một tấm gương về ý thức công dân cho người Sài Gòn, vốn có một truyền thống không chịu khuất phục từ lâu. Theo anh, hình như vừa có một luồng gió mới thổi qua “khí hậu” Sài Gòn, mà người mang luồng gió mới ấy lại chính là đòan người lam lũ chân tay nứt nẻ vì nước phèn kia. Điều mỉa mai ấy đã khiến hàng trăm tờ báo lớn nhất Sài Gòn, không tờ báo nào can đảm viết một dòng về sự kiện mới mẻ nhất từ 32 năm nay của một Sài Gòn “bất khuất”. Trong suốt thời gian ấy, anh bạn tôi đi dạo hầu khắp các sạp báo, mua những số báo mới nhất trong ngày, không thấy hình ảnh, tin tức về “đòan biểu tình” ở một góc nhỏ xíu nào, kể cả những tờ báo nổi tiếng “cấp tiến” như Tuổi Trẻ hay Thanh Niên. Họ xấu hổ vì bị những kẻ “thất học quê mùa” kia dậy cho bài học về ý thức dân chủ chăng? theo anh bạn tôi, cái không khí ngột ngạt của Sài Gòn khiến anh tin rằng “các nhà báo tự do chân chính” của Sài Gòn đã không dám cãi lệnh cấp trên trong việc đối phó với những tin tức “nhậy cảm” như thế này. Dù sao, cái “tự do báo chí” dưới chế độ tòan trị cộng sản vẫn khác xa rất nhiều so với tự do báo chí thực sự ở những quốc gia dân chủ.

Còn người dân Sài Gòn thì sao? anh bạn tôi cho biết, ban đầu, người ta (kể cả anh) chú ý đến “đòan nông dân biểu tình” vì hiếu kỳ. Dần dà, trước sự kiên trì đáng khâm phục của họ, người Sài Gòn bắt đầu bàn tán, truyền tai nhau những câu chuyện áp bức mà các viên chức, cán bộ tỉnh đã khiến họ uất ức liều mạng phản đối, rồi đến những sự giúp đỡ tự phát của những người dân ở khu vực chung quanh nơi bám trụ của đòan biểu tình (khu Phú Nhuận, trụ sở Quốc Hội 2). Thức ăn khô (bánh mì, mì gói), cơm hộp, nước uống được người dân Sài Gòn hào hiệp tiếp tế. Thậm chí, có cả những nhóm người phối hợp tổ chức việc yểm trợ, nhằm giúp họ đủ sức bám trụ cho đến lúc đạt được mục tiêu.

Nhiều hôm, đứng từ xa quan sát những người dân quê “liều lĩnh” ấy, anh bạn tôi tự hỏi mình: Họ đã đứng được hơn 3 tuần lễ rồi, và sẽ còn đứng được bao lâu nữa, trước khi họ kiệt sức? bằng cái nhậy bén quen thuộc của một người gốc Sài Gòn chính tông, anh bạn đã tỏ ra nghi ngờ thiện chí giải quyết vấn đề một cách rốt ráo của chính quyền trung ương, mà người dân bị áp bức đang đặt hết niềm tin vào đó. Họ không tin chính quyền địa phương, nên nhờ tới chính quyền trung ương ra tay giúp đỡ. Nhưng nếu ngay cả chính quyền trung ương cũng là cá bè một lứa với chính quyền địa phương thì họ sẽ nhờ cậy tới ai nữa?

Những ngày sau đó là thử thách lớn, không chỉ cho đòan người biểu tình đến từ các tỉnh miền Tây, mà còn cho chính những người dân Sài Gòn mang dòng máu Lục Vân Tiên “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Đối với đòan biểu tình là thử thách về ý chí kiên trì của họ bất chấp hậu quả xấu nhất có thể xẩy ra. Đối với người dân Sài Gòn là thử thách vượt lên trên sự sợ hãi mà chế độ đã gieo rắc trong từng mạch máu thớ thịt suốt 32 năm vừa qua.

3.

Ngày 19 tháng 7, các viên chức chính quyền Sài Gòn đã ra tay dọn dẹp “những cái gai” trên đường phố. Nhưng, dù cố gắng dọn dẹp một cách hết sức âm thầm, âm vang cuộc “đàn áp” đã để lại nhiều điều suy ngẫm. Cũng ngày này, lần đầu tiên tôi đọc được đôi điều liên quan đến cuộc biểu tình của những người nông dân miền Tây viết từ trong nước. Đó là một bài viết thật hiếm hoi của nhà văn Nguyễn Viện trên diễn đàn Talawas. Ông cay đắng thú nhận mình đã hèn, không dám tiếp tế nước uống, thực phẩm cho đòan biểu tình vì sợ bị bắt. Nhưng ông không quên nhắc đến: “Các mẹ, các chị “Bàn Cờ” năm xưa, các anh “tranh đấu” thuở nọ dường như chết cả. Các bác cũng đừng trách các nhà báo thiếu lương tâm nghề nghiệp, vì có đưa tin cũng chẳng sếp nào dám cho đăng. . .” , rồi ông tự hỏi: “việc làm của các bác đặt cho tôi một câu hỏi: đứng trước sự đau khổ của con người, nhà văn có thể làm gì? “.

Đây quả thật là một câu hỏi khó trả lời, ít nhất cho những người viết ở trong nước. Lại một thách đố nữa cho những người cầm bút, nhất là những người đã từng làm mưa làm gió làng báo Sài Gòn thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa trước 75, nay vẫn còn sống và vẫn còn tiếp tục cầm bút ở Sài Gòn.

4.

Dân nào, chính quyền đó. Một nhà văn phản kháng từ trong nước đã viết như thế khi nói về sự kềm kẹp của chính quyền Việt Nam hiện nay. Theo bà, sở dĩ bọn cầm quyền dám hung hăng lớn lối là vì tập thể nhân dân đã cúi đầu cam chịu sự thống trị vô luật lệ của chúng. Tất nhiên, mỗi hòan cảnh lịch sử của đất nước đều là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều khi nằm ngòai vòng tầm tay của ngay chính người dân nước đó. Lịch sử Việt Nam cận đại có thể cần đến nhiều thời gian và cố gắng hơn nữa trước khi người ta có thể có được một cái nhìn đúng đắn và tòan diện, nhưng điều mà mọi người dễ dàng đi đến đồng thuận là cái cách cuộc chiến năm 75 kết thúc và sự ngự trị độc tôn của chế độ cộng sản trên tòan lãnh thổ từ Nam chí Bắc có nguyên nhân sâu xa nằm ở ngòai đất nước. Kế đó là bàn tay sắt của kẻ cầm quyền tự tung tự tác trong thời gian nhiều năm, chúng chỉ tạm nới lỏng kể từ thời kỳ đổi mới những năm 90s. Sự nới lỏng ấy có một phần nguyên nhân nằm ở sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt sống ngòai đất nước, với con số gần 3 triệu người và số ngọai tệ gần 4 tỷ đô la Mỹ hàng năm gởi về giúp đỡ thân nhân ruột thịt còn sinh sống trong nước. Cùng với một bối cảnh thế giới tòan cầu hóa trên mọi lãnh vực nhờ vào sự phát triển của khoa học, đặc biệt khoa học thông tin, những yếu tố ấy đã tác động trở lại hòan cảnh lịch sử của đất nước và người dân trong nước đã thay đổi, cả về đời sống lẫn lề thói suy nghĩ. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền tôn trọng tự do, dân chủ, quyền được sống bình đẳng cho nhân dân. Và tất nhiên, họ cũng bị bắt bớ, cầm tù. Phản ứng của nhà cầm quyền càng thô bạo, càng kích thích sự phản kháng. Và hệ quả, tác dụng gây sợ hãi của bàn tay sắt cầm quyền đã không còn được như xưa nữa. Trường hợp những đòan dân chúng biểu tình từ khắp các miền đất nước, kể cả ở miền Bắc (cái nôi của chủ nghĩa xã hội) đòi hỏi chính quyền mở rộng tự do dân chủ, trả lại tài sản đất đai bị tước đọat trái phép cho người dân thấp cổ bé miệng v..v.. là kết quả không thể tránh khỏi của tiến trình lịch sử mà đất nước đang trải qua.

Sự kiện đòan biểu tình “dân oan” bám trụ gần 3 tuần lễ ở Sài Gòn (và nhiều nơi khác trên tòan quốc, trong đó có Hà Nội, nơi dân chúng tụ tập đòi hỏi công lý đã nhiều năm nay) hẳn nhiên là một dấu hiệu cho thấy chính sách công an trị của nhà cầm quyền đã không còn hiệu lực như trước nữa. Anh bạn của tôi lúc ấy có mặt ở Sài Gòn, căn cứ vào không khí rất “Sài Gòn” của người dân thành thị, cùng với những điều tai nghe mắt thấy khác, đã tiên đóan rằng nhà cầm quyền trong nước không dám thẳng tay đàn áp những sự chống đối hiện nay, mặc dù họ biết đó là những mồi lửa đáng sợ cho một cuộc cháy rừng, mà một khi ngọn lửa bùng lện, “ngọn gió mới” ấy sẽ có khả năng đưa ngọn lửa nhanh chóng thiêu hủy mọi thành trì của chế độ. Dầu vậy, con mắt tuy tinh tế nhưng không kém phần lãng mạn nghệ sĩ của anh cũng ngăn không cho anh nói những điều lạc quan quá mức, dù là chỉ với riêng cho người bạn. Cuộc “cháy rừng” chưa thể xảy ra vào lúc này, ít nhất, trong tương lai gần. Để rũ bỏ nỗi sợ hãi đè nặng trong buồng ngực từ 32 năm nay, người Sài Gòn cần thêm một thời gian nữa, ngắn hay dài thì có thể tiên đóan được bằng cách nhìn vào sự thử thách hiện đang đối diện với người Sài Gòn.

5.

Trong bức điện thư cuối cùng gởi cho tôi trước khi anh bạn chuẩn bị làm những cuộc thăm viếng lần cuối thân nhân của mình để quay lại nước Mỹ, anh bỗng nhiên bộc lộ cái cảm hòai cố hữu của mình. Anh nói về những trận mưa chiều tháng 7 Sài Gòn, những chiếc dù xanh đỏ, những chiếc áo mưa đủ màu đủ kiểu của nam thanh nữ tú Sài Gòn, những hàng hiên chật ních người đứng trú mưa (vì bỏ quên áo mưa ở nhà, vì muốn kéo dài buổi chiều hẹn hò bên nhau của những cặp tình nhân trẻ tuổi, hay trăm thứ lý do khác). Cuối cùng, bằng một cách chuyển đọan rất tự nhiên như sự việc nó vốn phải như thế, anh bạn tôi nhắc đến hình ảnh những người biểu tình đứng co ro bên hông một trụ sở chính quyền nào đó, môi tím ngắt vì lạnh (và đói), nhưng những tấm biểu ngữ đủ màu xanh, đó, trắng vẫn giương cao, như ngòai kia người Sài Gòn giương cao những chiếc dù.

Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội. Tháng 7 thì ở Sài Gòn, khi ra đường người ta không thể không mang theo áo mưa. Còn ở Hà Nội thì sao, có mưa giống như Sài Gòn không khi ở ngòai đó cũng có nhiều người dân quê can đảm giương lên những tấm biểu ngữ từ nhiều tháng nay?

T.Vấn

Tháng 7 – 2007

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search