T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: “Tôi Đã Đánh Mất Mình”

clip_image001

Biết rằng cố quên là sẽ nhớ

Nên dặn lòng cố nhớ … để đừng quên

(Vô danh Thị)

Cách đây hơn 100 năm, ở thành phố Frankfurt, Đức quốc, có một người phụ nữ, chỉ được biết đến với cái tên là Mrs. Auguste D. Ở tuổi 51, bà bỗng nhiên quên hết mọi việc đã xẩy ra của 51 năm làm người, thậm chí bà không nhớ đến cả cái tên của mình. Tại Viện an dưỡng tâm thần của thành phố Frankfurt, bà được một nhà Tâm lý học trị liệu trẻ tuổi, tên là Alois Alzheimer, chăm sóc . Trong lúc cố gắng tìm cách hồi phục trí nhớ của bà, Alzheimer đã liên tục hỏi tên bà là gì. Người đàn bà tội nghiệp 51 tuổi cố hết sức để nhớ lại tên của mình, nhưng bà chỉ có thể thốt lên chữ “Mrs.”, rồi ngừng tại đó. Lần cuối cùng, bà đã buồn bã nói “Tôi đã đánh mất mình rồi!” (I have lost myself!).

5 năm sau đó, “Mrs. Auguste D.” qua đời. Nhà Tâm Lý Học Trị Liệu Alzheimer, quá bị ám ảnh bởi trường hợp mất trí nhớ khác thường của bệnh nhân mà ông chăm sóc, đã xin được nghiên cứu bộ não của bà sau khi bà mất. Khám phá của ông được trình bày vào năm 1907 về chứng bệnh mất trí nhớ do tuổi gìa gây ra được đặt theo tên ông: Alzheimer.

Từ đó, thế giới biết đến chứng bệnh Alzheimer. Cũng từ đó, câu nói của bệnh nhân được phát hiện đầu tiên về căn bệnh mất trí nhớ được ghi nhận như một “tuyên ngôn triết học”: tôi đã đánh mất mình rồi!

Mất trí nhớ quả là một điều đáng sợ hãi. Điều gì xẩy ra nếu một buổi sáng thức dậy, bỗng nhiên mình không còn nhớ được một chút gì của ngày hôm qua, không còn nhớ gì về nguyên nhân sự có mặt của mình trên cõi đời này, không còn nhận biết được những người thân yêu, không còn nhớ đến cả tên tuổi của mình, như người phụ nữ Đức ở thành phố Frankfurt hơn 100 năm trước.

Nhẹ hơn một chút là những khỏanh khắc “senior moments” (để đâu quên đó) làm cho nhiều lúc phải bực mình vì những trở ngại trong sinh họat hàng ngày. Thí dụ như đến giờ đi làm rồi mà không nhớ được đã bỏ quên chìa khóa xe ở đâu, cái bóp trong đó có bằng lái xe để ở đâu v..v..

Có khi lại là sự bất lực trong việc cố moi trí nhớ để nhận biết một cái tên vừa nghe nói đến, một khuôn mặt vừa gặp ngòai đường, một sự kiện xẩy vào cái lúc, cái nơi mà mình phải biết, phải nhớ, không nhiều thì ít. Vậy mà trong đầu chỉ là một cái hố sâu đen ngòm, không có gì hết ngòai những dấu hỏi to tướng.

Thế nhưng vẫn có những trường hợp ngược lại. Thí dụ như câu chuyện về một người có trí nhớ “siêu đẳng” trích dẫn sau đây:

Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương.
Về tới “nhà”, Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đã mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi. (Trích : WWW.24×7)

Lịch sử Danh nhân Việt nam cũng đã ghi nhận trường hợp Lê Quý Đôn, nhà văn hóa lỗi lạc, một bộ óc thông minh phi thường và một trí nhớ siêu phàm. Tương truyền rằng, năm 14 tuổi, ông đã làu thông Ngũ Kinh, hoặc một quyển sách vừa đọc qua một lần ông đã có thể kể lại vanh vách không sai một chi tiết.

Nhớ nhiều, luôn luôn là một điều tốt. Khi ấy, bộ óc là một quyển sách lưu trữ những gì được ghi chép qua mọi sự kiện xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày. Ngày nay, người ta còn tìm tòi các phương pháp để giúp mau nhớ, hoặc giữ cho trí nhớ tồn tại được lâu.

Nhưng, nhớ nhiều, nhớ dai, đôi khi lại là một kinh nghiệm không lấy gì làm thú vị, thậm chí, là một tai họa. Đời người ai cũng có những kỷ niệm vui và những kỷ niệm buồn. Kỷ niệm vui, muốn nhớ đã đành. Nhưng không ai muốn nhớ những kỷ niệm buồn (như lời một bài hát: Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm . . .).

Câu chuyện một người phụ nữ tên Jill Price, 42 tuổi, sống ở Los Angeles, Hoa Kỳ, là một thí dụ sống về “tai họa của trí nhớ”:

. . . Sau khi người ta đưa ra một ngày bất kỳ trong quá khứ, Jill Price sẽ nói ngay những sự kiện mà bà đã trải qua, nhìn thấy hay nghe được trong ngày đó. Bà nhớ rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, phần lớn những ngày từ lúc 9 đến 15 tuổi, và sau đó ký ức của bà không hề có một chỗ trống. “Từ ngày 5/2/1980 tôi nhớ được tất cả. Đó là một ngày thứ ba.”

Jill nhớ cả những sự kiện được giới truyền thông tường thuật lại nếu bà từng nghe được chúng trong quá khứ. Bà có thể trả lời mà không cần suy nghĩ, từ ngày tháng, con số đến cả một câu chuyện về các sự kiện như chiếc máy bay Concorde của Pháp rơi lúc nào và ở đâu, O.J. Simpson bị bắt vào ngày nào hay chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ lúc nào.

“Người ta nói với tôi rằng, cô thật là tuyệt vời, có một trí nhớ hoàn hảo thật là tuyệt. Nhưng nó cũng đáng sợ lắm, vì mỗi từ xấu, lỗi lầm, thất vọng, tất cả sợ hãi và đau đớn vẫn hiện diện ở hiện tại một cách tàn nhẫn”, bà cười.

Với Jill, thời gian không làm lành được những vết thương. “Tôi không nhìn lại quá khứ qua một khoảng cách. Nó có thể gợi lên cùng những xúc cảm giống nhau vào mọi thời điểm, giống như một bộ phim lẫn lộn lung tung không bao giờ chấm dứt, có thể xâm chiếm tôi hoàn toàn. Và nó không có một nút tắt.”

Những mảnh vỡ ký ức cứ trào dâng không ngừng, tự động và không thể kiểm soát được, giống như một vòng vô hạn trong đầu. Thỉnh thoảng nó được một cái gì đó khởi động, như mùi vị, bài hát, từ ngữ. Nhưng ký ức cũng thường tự ập đến. Vô số hình ảnh từ quá khứ – từ tươi đẹp tới đáng sợ, từ quan trọng tới tầm thường – đuổi bắt nhau một cách lộn xộn trong “màn hình nội tâm” của bà và thỉnh thoảng còn xua đuổi hoàn toàn hiện tại.

“Tất cả những cái đó gây mệt mỏi đến mức không thể tưởng tượng được”, bà tâm sự. Trong cuộc đời Jill cũng có nhiều tai họa như xung đột gia đình, căn bệnh ung thư của người mẹ hay cái chết đột ngột của người chồng. Những ký ức buồn thảm cứ theo đuổi bà liên tục. (trích: VnEpress).

Chính Jill cũng phải thú nhận rằng sở hữu một trí nhớ tuyệt vời vừa là một ân sủng đến từ Thượng đế, vừa là một sự nguyền rủa khó lòng chịu đựng. Để đối phó với những ẩn ức hàng ngày, bà viện dẫn đến những hồi ức tươi đẹp trong quá khứ từ những ngày ấu thơ, những ngày sống êm đềm bên người chồng yêu dấu. Mặt khác, mỗi một lầm lẫn , dù nhỏ nhặt trong hiện tại đều nhắc nhở bà đến những sai lầm khó tha thứ trong quá khứ. Mỗi lần như vậy, bà cảm thấy kiệt sức tưởng như không thể đứng dậy nổi.

Người ta không thể thay đổi quá khứ. Nó đã xẩy ra và sự xẩy ra đã hòan tất. Nhớ đến quá khứ như sự nhắc nhở về một lỗi lầm cần được tránh trong tương lai là một điều cần nhớ, nên nhớ. Nhưng nhớ đến quá khứ với một khả năng ghi chép chính xác như một đọan băng được thu lại thì ở nhiều trường hợp, như bà Jill, là tai họa của trí nhớ, thứ tai họa khiến người ta có thể phát điên hoặc đưa đến những chứng bệnh tâm thần khác. Điều này giải thích tỉ lệ khá cao mắc bệnh trầm cảm của những cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt nam (trước đây) hay chiến trường Iraq (hiện nay). Đã có một thời báo chí Mỹ thường xuyên nhắc đến “Hội chứng Việt Nam” khi đưa tin về những trường hợp tâm lý bất ổn của cựu binh Mỹ sau chiến tranh Việt nam.

Trông người lại nghĩ đến ta. Ký ức hơn 30 năm chiến tranh, ký ức những ngày tháng sống dưới sự kìm kẹp của chính quyền Cộng sản Việt nam, ký ức về những ngày lênh đênh trên biển cả vừa đói, vừa khát, vừa sợ lọt vào tay hải tặc, chỉ biết trông mong vào phép lạ đến từ trời vẫn không chịu phai nhòa trong tâm thức người Việt hải ngọai. Thứ trí nhớ ấy đã hành hạ chúng ta mỗi khi đối diện với một con số ngày tháng quen thuộc (30 tháng 4), với một hình ảnh tượng trưng cho chế độ (lá cờ) hoặc đôi khi chỉ vì những nhắc nhở bâng quơ. Từ đó, chúng ta bị lệ thuộc vào những cảm tính được biểu lộ bằng những hình thức khó tạo được sự thông cảm nơi những người chưa từng kinh qua những hòan cảnh mà chúng ta đã kinh qua.

Đắng cay về những đau khổ cũ có lẽ chỉ là một cách nói văn vẻ, trừu tượng về một tâm thức luôn bị dằn vặt bởi những gì đã xẩy ra trong quá khứ , tâm thức không thể quên được quá khứ, không muốn quên đi quá khứ. Nói cách khác, đó là thứ tâm thức bị khống chế bởi chính hồi ức mà một thời nó đã góp phần tạo ra.

Từ câu chuyện người phụ nữ thành Frankfurt nước Đức với câu nói buồn bã “Tôi đã đánh mất mình” đến câu chuyện những “tù nhân của quá khứ ” như người đàn bà trung niên của thành Los Angeles nước Mỹ cách nhau cả trăm năm đã chỉ nổi bật lên được cái tên Alzheimer, nay đã trở thành quen thuộc với cả thế giới vì người ta sợ “đánh mất mình” chứ không (hay chưa) sợ làm “tù nhân của quá khứ ” .

Tôi, một người Việt Nam chẳng may thuộc về cái thế hệ sống trong thời đại nhiễu nhương nhất của lịch sử, hiện đang bước vào ngưỡng cửa của nguy cơ “đánh mất mình” (với những triệu chứng rất thuyết phục của bệnh mất trí nhớ Alzheimer) lại không nhìn thấy cái tên Alzheimer là đáng sợ mà lại ngao ngán nhìn bóng tối của quá khứ cứ ngày một dầy đặc thêm.

Tôi trộm nghĩ, thà rằng tôi “đánh mất mình” vì mất trí nhớ còn hơn là “tự giam mình” trong nhà tù kiên cố của qúa khứ. Đằng nào cũng “mất mình” thì mất mà không biết mình mất vẫn dễ chịu hơn “còn mình” mà kể như đã mất trong “ngục tù của đau thương“.

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search