T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Trở lại thành phố Xanh

clip_image001

Lối vào thành phố Greenburg

 Hỏi rằng người ở quê đâu ?

 Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

( Bùi Giáng )

1.

Với tôi, thành phố như con người. Nó có sự sống của riêng nó. Một thành phố, dù lớn, dù nhỏ, dù làng quê hay đô thị, dù nguy nga tráng lệ hay nghèo nàn xơ xác, cái hồn của nó vẫn phảng phất trên từng góc đường, từng căn nhà, từng ngọn cây, từng thảm cỏ. Cảm thức nhớ nhung của kẻ đi xa hướng về thành phố thân quen chính là nhờ cái hồn ấy. Cũng một con đường, mà mỗi thành phố mỗi khác. Cũng một sân ga, mỗi nơi gợi những cảm thức không bao giờ trùng hợp. Cũng một quán cà phê có tên gọi giống nhau, có cùng một kiểu kiến trúc, một cách bầy biện bên trong, mà mỗi nơi có một dáng vẻ khác, không lẫn vào nhau đuợc.

Tôi đã từng nhiều lần được đặt chân đến những thành phố nhỏ – có thể gọi là tỉnh lẻ – của nước Mỹ. Những thành phố còn mang dáng dấp của cái thời mà vào buổi chiều, người ta có thể ngồi trước hiên nhà thưởng thức không khí tịch mịch êm ả của một ngày sắp hết mà không sợ bị quấy nhiễu bởi tiếng xe cộ gầm rú, mùi khói xăng khét nghẹt và những khuôn mặt lầm lì thiếu thân thiện. Thời ấy chưa xa lắm, mà sao tưởng chừng như tôi chỉ biết đến nhờ thích đọc chuyện cổ tích.

Đó cũng là cảm gíac hụt hẫng của tôi khi trở lại thăm một thành phố mà 2 năm trước đây, đã bị gío xóay san thành bình địa chỉ trong khỏanh khắc của vài phút giây ngắn ngủi. Hai năm sau, thành phố chỉ mới tạm hòan tất khu vực trung tâm thành phố. Nhìn trong đồ án, những con đường mới sẽ thẳng tắp, mặt nhựa phẳng như mặt thớt. Ở mọi góc đường, những cột điện ngòai chức năng truyền điện còn làm nhiệm vụ trang trí nên chúng sẽ được chăm chút kỹ lưỡng từ kiểu dáng đến màu sắc. Nhà cửa, khi xây dựng,  các vật liệu phải hội đủ 3 yếu tố: bền, không ảnh hưởng đến sức khỏe người ở, và phải được tận dụng tối đa những chức năng của chúng. Và đặc biệt là những thảm cỏ xanh và những cây xanh phải là màu chủ đạo, theo đúng ý nghĩa nguyên thủy của cái tên (Greensburg), cũng như đường hướng “phát triển xanh” nhằm mục đích đi tiên phong trong những nỗ lực bảo vệ môi trường và khát vọng về một “hành tinh xanh” (Planet Green ) cho các thế hệ tương lai.

Sau cơn thịnh nộ của đất trời tháng 5 năm 2007, thành phố còn sót lại duy nhất tòa nhà cổ vốn trước đây được dùng làm trụ sở tòa án. Tòa nhà được xây cất từ năm 1915 với những tường gạch đôi đỏ sậm, tượng trưng cho lịch sử thành phố. Cũng vì vậy, tư tưởng chủ đạo – ngòai tiêu chuẩn xanh – trong đề án xây dựng lại thành phố được những người có trách nhiệm đặt nền trên tòa nhà cổ còn sống sót ấy. Tính lịch sử, tính hiện đại, ước vọng cho tương lai, tưởng nhớ quá khứ . Tất cả những yếu tố ấy phải được biểu hiện trong mô hình tương lai. Nhưng còn quá sớm để có thể nói đến sự thành công trong việc thực hiện đề án xây dựng ấy. Thành phố mới chỉ đi được những bước đầu trên con đường còn rất dài. Phác họa và ra sức thực hiện là một chuyện. Còn có đạt được hay không, lại là một chuyện khác. Như công việc tạc tượng. Bức tượng có thể trọn vẹn giống như phác họa trước khi bắt tay làm việc của người nghệ sĩ. Nhưng khi hòan tất, tổng thể tác phẩm được cảm thụ bởi người xem lại có khi truyền đạt một nội dung khác hẳn với ý đồ của người nghệ sĩ.

Có lẽ vì vậy mà tôi mang cái tâm trạng hụt hẫng của một người đi xa, trở về mong tìm lại chút hồn thân quen cũ, những chỉ thấy những hình ảnh lạ lẫm, tưởng chừng như mình đã lạc vào một nơi chốn không hề có chỗ đứng trong mớ quá khứ hỗn độn đấy ứ những hòai niệm. Khung cảnh cũ đã bị tàn phá bởi thiên tai. Những phác họa cho cái mới đang còn trong giai đọan định hình. Cái hồn một địa danh được cảm thụ không phải chỉ do nghe thấy, ngửi thấy, mà còn phải nhìn thấy được.

2.

Buổi sáng tháng 5. Không khí tươi mát sau một trận mưa nhẹ đủ làm ướt những mầm xanh của cây cỏ. Vạn vật quanh tôi như đang háo hức đón những ngày hè rộn rã lại sắp trở về. Đã tháng 5, mà những trận rét vẫn chưa chịu dứt khóat ra đi. Dù vậy, những cơn bão xóay vẫn cứ “đến hẹn lại lên”. Từ hôm cuối tháng 4, còi báo động thành phố đã phải hụ inh ỏi ít nhất là hai lần. Kèm theo đó là những cơn mưa tuy không lớn nhưng kéo dài. Cả hai lần đều là vào chiều ngày chủ nhật. Thế là cha con chồng vợ lại có dịp cùng nhau “tìm nơi trú ẩn” (take shelter) nơi tầng hầm của căn nhà cùng với tiếng thúc giục hối hả của người phát ngôn viên tin tức phát ra từ máy truyền hình nằm ở góc nhà. Mỗi lần “chạy bão” như vậy, tôi lại không thể không nhớ tới những ngày cuối tháng 4 năm 1975 chạy  xuống hầm trốn pháo kích Việt Cộng.

Nhớ đến cái trận bão “hút chết” hai năm trước đây, tôi dùng một ngày nghỉ làm việc của mình để thăm viếng thành phố kỷ niệm. Tôi dừng chân lại ngay vị trí một ngọn đồi thấp mà hai năm trước, một buổi sáng tháng 5, tôi đã đứng để nhìn thành phố đổ nát hoang tàn chỉ sau một đêm đất trời thịnh nộ. Bên cạnh tôi, không còn cô gái Mỹ năm xưa đưa tay lau nước mắt, miệng nói (bâng quơ): “Dù sao thì cuộc sống vẫn cứ phải chảy về phía trước. Mình không thể cứ đứng ở đây mãi được”  và rồi cô quày quả bỏ đi theo đúng với nghĩa đen của câu nói. Hai năm đã trôi qua, đứng ngay trên đỉnh đồi cũ, tôi như vẫn nghe câu nói của cô văng vẳng bên tai. Ừ nhỉ! Cuộc sống như dòng sông. Nó chỉ chảy về phía trước. Dù cho con người có muốn đứng lại, nó cũng vẫn cứ chảy liên lỉ. Vì thế, cô gái Mỹ trẻ tuổi đã dứt khóat “live on” với đời mình. Nếu tôi là cô gái ấy, chưa hẳn tôi đã có đủ nghị lực để có quyết định dứt khóat như cô. Bốn ngàn năm lịch sử đất nước tôi nặng quá. Nó đè lên vai tôi như một định mệnh. Còn cô gái kia chỉ mới gần ba trăm năm đi khai khẩn đất hoang nên cô dễ dàng hất nó xuống đất mà “quày quả bỏ đi”. Cùng lắm thì cô lại đi đến một vùng đất mới nữa để vỡ hoang, khai khẩn. Gỉa như tôi vẫn cứ đứng trên ngọn đồi này từ hai năm trước đây mà than khóc, thành phố tan hoang dưới kia vẫn cứ mỗi ngày hồi sinh. Giây phút này đây, tôi cay đắng hiểu hơn bao giờ hết cái nặng nề của quá khứ trên vai dân tộc mình. Chẳng trách gì hơn 30 năm sau chiến tranh, công cuộc tái xây dựng vẫn cứ ì ạch như con trâu già mệt mỏi lê chiếc cày thô sơ trên mảnh ruộng nhỏ hơn cả một bàn tay.

Tôi đi bộ dọc theo con đường nhỏ dẫn vào cửa thành phố. Tháp Big Well năm xưa (mà tôi đã từng so sánh với lũy tre xanh đầu làng quê tôi ở Việt Nam) nay được thay bằng một trụ cao sừng sững mang hình dáng cái bồn nước với tên thành phố màu xanh, từ ở xa hàng dặm đường đã có thể trông thấy nó. Dưới chân cột, vẫn ngổn ngang gạch ngói xây dựng. Dù vậy, màu xanh của cây cối chung quanh vẫn át đi vẻ tiêu điều. Bước qua một công trình xây dựng còn dở dang, nhìn bảng tên đường, tôi hình dung ra vị trí của quán cà phê “cũ kỹ luộm thuộm” hai năm trước đây tôi ghé vào mua ly cà phê (mà tôi đã từng ví von như quán cóc đầu làng). Đường phố buổi sáng vắng tanh. Không có những người thuộc lứa  tuổi về hưu nhàn nhã tay cầm ly cà phê, chân dạo bước nhẹ nhàng trên con đường (làng) quen thuộc, có gặp ai thì cũng đều là người quen với đôi câu chào hỏi thăm nhau buổi sáng, kể cả gã đàn ông châu Á lạ mặt là tôi cũng được hưởng cùng một sự đối xử. Bất giác, tôi nhớ hai câu thơ cũ của Vũ Đình Liên. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ.

Từ vị trí quán cà phê cũ, nhìn xéo qua bên kia đường, tôi cố hình dung ra đọan lề đường lồi lõm, đã làm tôi súyt ngã xõng xòai khi mải đưa mắt chào và né bước nhường đường một ông gìa chậm chạp đi ngược chiều. Tôi vẫn nhớ như in đôi mắt hỏang hốt của ông khi nhìn tôi lọang chọang như sắp ngã, và câu hỏi dồn dập “ông có sao không?”  làm tôi vừa bối rối, vừa cảm động.Lúc ấy, không hiểu sao tôi bỗng nhớ đến thành phố quê hương mình một cách thật quay quắt. Giờ đây, hồi tưởng lại, tôi như còn sờ được cái cảm thức lạ lùng năm xưa. Có lẽ, vì vậy mà trong ghi chép của mình hai năm trước, tôi đọc được “Kẻ lưu vong đã bắt gặp lại quê hương trên miền đất xa lạ, dù cái mang theo trong hồn chỉ là những mảnh vụn vỡ của một quê hương không còn nguyên vẹn”..

Tấn bi kịch của một người gìa. Đứng ở bất cứ vị trí nào cũng chỉ thấy quá khứ. Đặt chân lên bất cứ mảnh đất xa lạ nào cũng chỉ thấy quê hương. Thở ra bất cứ mối cảm hòai nào cũng chỉ tòan những điều bất như ý.

3.

Đất nước và con người. Tôi đã sống quá lâu trên mảnh đất quê nhà để mỗi bước chân lãng du là một bước nhớ về căn nhà xưa, nhớ về thành phố xưa, nhớ về mảnh hồn xưa cứ bàng bạc trong từng hồi ức mong manh. Những thành phố tôi đã đi qua, đã quay lại, một lần, nhiều lần, kể cả thành phố bị gió xóay hủy họai và đang trên đường hồi phục này cũng chỉ làm tôi thêm nhớ nhung những thành phố quê hương tôi đã gắn bó do những đưa đẩy của định mệnh. Sài Gòn. Đà Lạt. Huế. Quảng Ngãi. Đà Nẵng. Long An. Sa Đéc. Và chuyến đi ngang ngọai ô thành phố Hà Nội trên chiếc xe vận tải chở tù từ hướng Vĩnh Phú tiến về ga xe lửa Bình Lục (?), tỉnh Nam Định một ngày tháng 5 năm 1981. Lại tháng 5. Những tháng 5 hằn sâu trong ký ức. Những tháng 5 sống sót sau những tháng 4 ác nghiệt (của người) để chỉ sẵn sàng đối diện với sự ác nghiệt khác (của trời).

Tháng 5-2009

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search