T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: CŨNG ĐÀNH GIÓ LẠC MÙI HƯƠNG

XIN BẤM VÀO ĐÂY

CŨNG ĐÀNH GIÓ LẠC MÙI HƯƠNG

CŨNG ĐÀNH GIÓ LẠC MÙI HƯƠNG Trần Vấn Lệ
Dàn trang: Lê Nguyễn Minh Quân
Bìa: Lê Nguyễn Minh Quân
Biên tập: Nguyễn Thiên Nga
Nhân Ảnh Xuất Bản 2023 ISBN:
Copyright © 2023 by Tran Van Le

THAY LỜI TỰA

Một ngày có nắng mảnh như tơ sau những ngày dài mưa tầm tã, tôi lại nhẹ đưa bước chân vào vườn thơ quen thuộc của thi sĩ Trần Vấn Lệ theo mùi hương la đà, quyến rũ.

Cả vườn thơ của ông cứ ngào ngạt hương thơm của nắng gió ân cần; cả ngàn thông đang ngân reo bài hát muôn đời cùng mùi hương đặc biệt của nhựa, của lá non, của phấn vàng rắc đầy nỗi nhớ. Trong rừng xa, sườn đồi hay ven dốc mòn đỏ màu đất bazan, hoa dại muôn màu và những thảm cỏ nằm ngoan dưới chân cứ ngan ngát hương dịu dàng, tinh khiết…

Theo bước vui, chợt gặp: “Nàng Tiên đi bộ, đi thong thả, cả một vườn hoa nở đón nàng.”

 và lời tác giả dịu dàng: “Anh sẽ đón em bằng nhạc nhẹ, bằng lời thơ nhé, rất là thơm!”

                                                                  (Ngày Mai)

Tôi cảm thấy hồn bâng khuâng.

Đúng là Thi sĩ Trần Vấn Lệ đã đón bạn bè yêu thơ vào khu vườn của mình bằng những câu thơ rất thơm, một mùi thơm rất Đà Lạt.

Đầu tiên, tôi nghe gió đưa đến hương của phấn thông thơm nhẹ nhàng, trong suốt. Tôi nghĩ, không phải ai cũng có thể cảm nhận được mùi hương này bằng khứu giác. Phải yêu Đà Lạt, yêu ngàn thông xanh ngát bốn mùa lắm ta mới cảm được mùi hương tinh khiết này đang mơn man trên làn da, mái tóc; mới thấm được vào lòng và thốt lên như tác giả:

Nếu mà mình Thi Nhân, tập thơ mình… một Chữ, giống như Nguyễn Công Trứ… thả lòng thơm phấn thông…

                                                                  (Một Chữ Tình)

Một chữ Tình vương phấn thông thơm ngát.

Cả bài thơ Tình cũng thơm ngát phấn thông:

“Ôi rừng thông thơm ngo có bao giờ, bao giờ tôi nhặt từng chiếc lá kết dài đường muôn phương?”

                                                                   (Bài Thơ Tình Đẹp Nhất)

“Phấn thông vàng thơm ngát/ gió bay, áo, tóc bay…/ Em rất thơm mùi cỏ…cỏ hồng ở Thái Phiên!  Em là ngọn Lâm Viên / đời đời anh hướng tới…”

                                                                  (Áo Trắng Quần Đen)

Quê Hương đã cách xa nghìn trùng mà sao mãi hoài ngát thơm trong tâm tưởng tác giả cái mùi hương phấn thông gần gũi mà vô cùng quyến rũ ấy. 

Bao nhiêu hoàng hôn đã buông, bao nhiêu rèm chiều đã kéo, bước chân lang thang ông bỗng dừng lại khi ngắm trăng non nơi đầu non mà ngẩn ngơ, mà bồi hồi bởi mùi hương phấn thông lạc về theo cơn gió lạ … 


Đầy lòng tôi tiếng quê.  Quê Hương tôi, Đà Lạt, có ngàn thông xanh ngát, phấn thông vàng nắng Xuân!

                                              (Phấn Thông Vàng Đà Lạt Ơi)

Anh ra sân khép lại cánh cổng rào

Có con bướm trắng đậu trên hoa vàng em ạ!

Lát nữa mưa, ai che giùm nó, há?

Phấn bướm bay vàng như phấn thông không?

                                              (Một Cánh Thư Không Dán Tem)

Thật ra, mùi Đà Lạt trong thơ của Trần Vấn Lệ còn là sự tổng hòa hương thơm của nhựa thông, lá thôngquyện nhẹ với chút ẩm ướt của sương mù, cây cỏ buổi sớm se se lạnh. Buổi chiều, khi những làn gió lững thững đi ngang những khu rừng, những sườn đồi, vòng tay ôm hết hương hoa dại hồn nhiên nở bốn mùa; gió lại về bên Em – nàng Thơ cổ tích, ướp tất cả mùi hương nhẹ nhàng dễ thương ấy lên mái tóc đang bay tung theo mây trời lãng đãng.

Thi nhân ai mà không ước ao nương náu mái tóc thơm hương ấy. Niềm ước ao gửi trọn vào câu thật đẹp và thật thơm:

“Ngày của Tình Yêu qua mau. Ôm chặt, thời gian vẫn mất. May ghê còn hương tóc mật! May ghê còn bờ vai thon…

Vẫn là suối tóc thơm hương, vẫn là bờ vai muốn cắn. Thời gian là mưa là nắng, mất còn một thoáng mà thôi!

Người yêu tôi ngước mặt lên, tóc thơm, thơm lừng gió Tết…

                                                         (Cuối Ngày Valentine)


Bất cứ lúc nào, từ thuở thanh xuân cho tới khi thời gian rắc phấn lên mái đầu, vẫn cứ dịu dàng những khoảnh khắc thơm hương:

“Nhớ chứ chiều xưa trường Thủ Ðức, vơi đầy con mắt mặt hồ Thu, em chờ tôi áo còn in nếp, còn cả mùi thơm của giấc mơ…”

                                                         (Trời Trở Gió Rồi Thu Ðã Sang)

“Bởi tóc em thơm lừng gió. Em ơi có biết gì không? Anh ôm trọn mặt trời hồng đặt lên má em và ngắm.”

                                                         (Mở Ðầu Dòng Thơ Lãng Mạn)

Và cứ thế, “anh vuốt tay em, ngón nào không mướt? Anh vuốt tóc em có sợi nào không thơm?”

Nét đẹp của hoa dại kín đáo, tinh tế như thiếu nữ Đà Lạt; thật nhạy cảm lắm mới nhận ra mùi hương thầm của từng loài hoa nở ven suối vắng hay trên vách đá cheo leo kia. Chút hương nhẹ nhàng thoáng bay theo làn tóc người em phố núi mù sương để lòng ai mãi hoài nhớ thương:

“Anh yêu em, yêu với một lòng lãng mạn, anh làm thơ cho Đà Lạt dễ thương, làm thơ cho em dù anh biết anh không còn / cô bé học trò tóc thề thơm gió núi…

…không dừng lại bờ môi em chút! Người ta sống ở đời, người ta mơ Hạnh Phúc. Anh cảm ơn em, Đà Lạt thơm tho, từng sợi tóc em anh nhớ tự bao giờ, em Đà Lạt mà lòng em rất Huế!”

                                    (Ai Biểu Em Là Vầng Trăng Trước Ngõ)

Hương ấy, sắc ấy chính là linh hồn của Đà Lạt. Mỗi ngày qua đi, linh hồn thầm thì những lời yêu thương bất tận, rất thẳm sâu và rất chân thành.

“Hoa đào rụng trắng bàn tay tôi phấn/ Hoa đào thơm lừng má tiểu thơ/
Tôi nhớ sao Đà Lạt sương mờ/ Hai cây đào trước ngõ nhà em tôi đi qua đi lại.”

                                                                   (Mùa Hoa Đào)

“Nụ hoa quỳ đầu mùa của tháng Mười Đà Lạt tỏa hương thơm bát ngát, tôi hái tặng cho nàng…”

                                                        (Bài Thơ Này Chừng Đó)

“Trong một tháng Giêng thôi/ Ba lần hoa đào nở/ Trời thơm mùi nhung nhớ/ Đất thơm mùi chân sen…”

                                                        (Hai Bờ Đường Xanh Cỏ)


Có những mùi hương rất quen mà cũng rất lạ theo gió lạc về khiến tôi rưng rưng xúc động. Tôi gọi tên là mùi Quê Hương

Đó là chén cơm thơm mùi gạo mới:

“Buổi chiều. Mới đã hoàng hôn. Những con quạ đậu hoảng hồn bay đi. Chúng ta vừa nói chuyện gì? Hình như không có chuyện chi để buồn? Khói chiều thơm ngát chén cơm.”

                                                                  (Buổi Chiều)

Hay là một món ăn thật quen thuộc:

“Khi bạn vào nhà, ôi quá thơm?  Cái gì em nhỉ, chẳng là cơm, anh nghe ngào ngạt hương Đà Nẽng,  nghe có cái gì thương quá thương!

 Vợ dắt chồng đi vào bếp,  ngó:  Một nồi mì Quảng, chịu chưa chàng? Khói bay thơm phức mùi tôm ruộng và thúng mì tươi vàng rất vàng.”

                                                                    (Mì Quảng Hàm Thụ)


Buồn dâng nhè nhẹ với chút hương cà phê hòa chung mùi thơm khói thuốc đang được thả từng vòng tròn vào khoảng không vô định:

“Ngồi một mình với ly cà phê.  Mùi thơm của khói thuốc không dè hòa chung với khói cà phê bốc thơm suốt hành lang một vỉa hè…”

                                              (Mỗi Một Người Đã Có Một Bơ Vơ)

Bằng giác quan nào đây, để tôi có thể cảm nhận đầy đủ nhất, tinh tế nhất về các mùi hương trong im lặng và để thấy hồn mình cũng ngát thơm, một mùi thơm thật gần gũi và đầy thương yêu:

 “Nhớ quá cái mùi mồ hôi của cha vương vương nếp áo. Nhớ quá mẹ chao cái chảo chiên con một cái hột gà…

(Lật Trang Cổ Tích)

hay:

“Một thoáng cái hơi người lính cũ/ Còn thơm lên cả chiếc béret”

                                                         (Tàu Cau Gió Thổi)

Cả niềm bâng khuâng khi “Nghe mùi cỏ, mùi hoa, mùi lá, nhớ làm sao mùi ngõ tre làng…

(Hôm Qua Mưa Hôm Nay Nắng)

*

Nhà Văn Hồ Đình Nghiêm đã nhận định như sau:

Giản dị trong phân trần, mộc mạc trong lý giải, dịu dàng trong phân bua. Đặc điểm thơ của Trần Vấn Lệ đều vậy cả…Em là nguyên cớ để lời thơ tìm đến, không đổi, dù Em có khi là một địa danh, một bến đò, một hàng cây, một khung cảnh, một chốn cũ. Và dĩ nhiên, Em còn đó là nàng thơ, là người tình duy nhất, một và chỉ một mà thôi.” 

 Vâng, “Em” hay đơn giản hơn chỉ viết “M”, thi sĩ cũng chỉ có một, để ông viết tặng những câu thơ dịu êm mà nồng nàn.

“Anh tặng em Tình Yêu, dang tay ra, ôm nhé.  Những bài thơ của Lệ một câu này, rất thơm…”

Câu cuối cùng trong bài “Những Bài Thơ Của Lệ”,được ông viết vào tháng 8. 2022 khiến người đọc bâng khuâng.

Anh tặng em Tình Yêu …”

“Em” trong thơ ông đặc biệt luôn thánh thiện, dễ thương và có lòng bao dung. Có lẽ vì vậy, chữ “Tình Yêu” ông đặc biệt viết hoa và cứ lan tỏa một mùi hương thơm ngát.

Em ơi mùa thơm hương phấn.  Em phấn hương mùa Thơ anh!  Anh xin làm chiếc lá xanh, em trăm năm là hoa nở.

 Em ơi mùa thơm hơi thở, em kề bên anh phải không?  Anh hỏi, hỏi trời mênh mông.  Anh hỏi, lòng anh xúc động!

 Em là hương hoa đời sống, anh còn sống được bao lâu?  Quê người cỏ lợt vì sao?  Đường xa chưa ngừng bước tới.

Phấn hương này không phải mới, từ ngàn kiếp trước có em, từ những bài Thơ rất duyên / anh làm cho người yêu quý.”

                                                         (Em Ơi Mùa Thơm Em Thơm)

Đúng vậy, phấn hương này không phải mới, mà đã có từ ngàn kiếp trước. Vì vậy mà từ những bài Thơ rất duyên cứ ngào ngạt thơm mùi tóc cũ, ngọt ngào thơm mùi cánh đồng lúa quê nhà, dạt dào thơm mùi gió mùi nắng… Hương thơm cứ tỏa lan, tỏa lan vào tâm hồn mỗi người yêu quý và đến với Thơ Trần Vấn Lệ.

Tôi biết, tôi tin ông có nhiều tri âm. Bởi Thơ ông dễ đọc, dễ thấm và dễ thương. Khi đã thương Thơ, người ta sẽ tìm thấy sự đồng điệu. Khi đã có sự rung động tinh tế, chân thành và trong sáng, người ta còn có thể lắng nghe trái tim mình nói – nói những lời thơm tho, đẹp đẽ.

                                                                  Dalat, 10/2022

                                                                  Nguyễn Thiên Nga

B   Ạ   T  

Tôi lại có thêm tập thơ mới nữa!

Tập thơ này dễ thương như những tập trước.  Tôi tin vậy vì tôi đã đọc lại thấy Thơ vẫn là Thơ và là Thơ thì Thơ bao giờ, ở đâu, cũng dễ thương!

Không ai làm thơ mà nói Thơ Mình Dở.  Sống phải khiêm tốn là sống có đạo nghĩa nhưng khiêm tốn với tác phẩm của mình là kỳ lắm.  Không Cha Mẹ nào sinh con ra mà không bồng không ẵm, không hôn, hay nói “không thương”!  Với tôi, sự sống của tôi là Thơ.  Nghĩa là nó là hơi thở.  Hết thở thì mình chết, hồi đó là bao giờ?  Không ai có Ngày Mai.  Ngày mai là điều hứa hẹn cho “qua biền” nhưng nó cũng là sự che đậy của tội lỗi.  Là người dân một nước vĩ đại, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, tôi từng thắc mắc với các ông Thầy dạy tôi học:  “Tại sao chúng ta cứ nghe nói “chúng tôi là dân nước nhược tiểu”?  Tôi đã “bị” ném vào cô đơn.  May mà tôi ngã xuống cánh-đồng-thơ, tôi qua biết bao nhiêu cánh đồng dưới đôi cánh của một loài chim đầy tình bác ái…Thơ tôi làm cho những cánh đồng xanh mướt, khi lúa chín thì nó cúi đầu chào hết thảy bà con…Thơ tôi dễ thương phải không?

Tôi biết có nhiều người làm thơ, tôi không thấy ai dễ ghét.  Ai ghét ai chi cho nó phiền nhỉ?  Tôi có qua thời chiến tranh – cuộc chiến thật buồn, không có gì vinh dự dù nó rất nên thơ…Nhưng thơ trong chiến tranh là thơ bị lừa phỉnh.  Nguyễn Bính đã thảng thốt mà đẫm lệ:  “Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng, ta biết tìm đâu một mái nhà?”.  Nguyễn Bính ôm thơ, ngã quỵ xuống với thơ và chết.  Thơ dễ thương đấy chứ?  Tôi nhắc đến Nguyễn Bính vì Nguyễn Bính giản dị, giản dị như hai câu này:  “Anh đi hả?  Anh đi đâu?  Cánh buồm nâu!  Cánh buồm nâu!  Cánh buồm!”.  Trần Huyền Trân cũng từng nói thắm thiết:  “Xa nhau gió ít lạnh nhiều, lửa khuya tàn chậm mưa chiều đổ nhanh!”.  Cuộc chiến ở Quê Hương mình, của Quê Hương mình có cho tôi vài tấm huy chương, vài cái bằng khen…nhiều nhất là nước mắt (ngọc ngà châu báu của núi sông!). Nó qua rồi.  Tất cả lúa chín đều cúi đầu…Thưa, đó là Thơ!

Tôi biết ơn Thiên Nga đã lưu giữ, tập hợp được nhiều bài của tôi.  Thiên Nga sắp xếp giùm tôi cái trật tự của sự hồn nhiên, hồn nhiên như những con sông trôi ngang trên Đất Nước mình…Đến núi cũng nằm ngang, Trời ạ.  Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Dại Dung Thân!  Duy nhất một con sông chảy ngược:  dòng Dabbla trên Kontum!

Có ngang thì cũng có ngược!

*

Có một lần tôi hỏi Thiên Nga:  “Tại sao Thiên Nga đổ mồ hôi cho thơ tôi?”.  Thiên Nga đáp thật hồn nhiên:  “Vì Thơ mà có, bởi thơ mà làm, cho thơ tất cả!”.  Tôi nói rất xa xăm:  “Công trình của Khổng Tử là ba bộ Kinh, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ.  Tôi đa tạ Thiên Nga.

Trần Vấn Lệ

Cali, tháng 11.2022

Bài Mới Nhất
Search