T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: NHỮNG BÀI THƠ THÁNG 11 (2)

Rước Hoa Vào Nhà – Ảnh: NTN

BÂY GIỜ MÙA HOA GIẤY NỞ

Bây giờ

Mùa hoa giấy nở

Tháng Mười Âm Lịch rồi em

Mỗi hoa giấy hình ba trái tim

có ba nhụy hoa ở giữa

mà không có mùi để hôn!

.

Cổng nhà giống như cổng Xuân

thấp thoáng ra vào ai đó

Nếu hoa giấy nở màu đỏ

tưởng là nắng nở theo hoa…

Màu tím mà nhìn xa xa

tưởng ai áo dài…bỗng nhớ!

.

Áo dài tím trên đồng cỏ

có em cô bé tóc thề

hỏi ai lòng không thương quê?

không nhớ gió vườn cau Ngoại…

cô cháu gái đi như chạy

đuổi con bướm lạc vườn chiều…

.

Hoa giấy nở anh buồn hiu

nhớ Quê Hương gần tháng Chạp

nhớ mặt sông chiều bát ngát

bến đò…em thuở sang ngang

hoa giấy nở theo, màu vàng

hoa giấy nở theo, màu trắng…

.

Trưa nay anh ngồi yên lặng

nhìn hoa giấy nở rưng rưng.

Hoa nào em cũng nói bông

cặp bông tai em lấp lánh…

Năm mươi năm rồi đặc quánh

nước non mình đã thái bình?

.

Có những bài thơ không xếp đặt

anh làm chơi để nhớ em!

Ít nhiều ai biết lòng bao nặng

cho mặt cân chao chữ Nỗi Niềm!

MINH À ANH CÓ KHÓC THƯƠNG EM CHIỀU HÔM QUA

Bạn tôi sống ở Đức / than:  “Lạnh quá anh à”.  Bạn tôi, Canada: “Lạnh rồi, chưa lạnh lắm”.

California nắng, lạnh ở đây chưa nhiều.  Buổi sáng, nửa buổi chiều, trọn buổi tối mới lạnh.

Tha hương lạnh, hiu quạnh / dù ai ở nơi đâu…cũng là Bắc Bán Cầu, cũng đều chung cảnh ngộ!

Thế hệ tiếp, tuổi nhỏ…hình như chúng đã quen?  Chúng không biết Quê Hương của chúng… mưa mà nóng!

Người đi với hy vọng / đem cái ấm cái nồng / về khoe với núi sông…mà thôi!  Coi đã lỡ!

Hàng ngày, tờ báo mở:  Bắc, Trung, Nam mưa hoài.  Nhiều ngôi nhà lũ trôi, trâu, bò, người nước cuốn!

Bạn Việt Nam sống muộn, nửa Thế Kỷ tàn hơi… Sống không trọn một đời!  Thác, thây vùi đất lạnh!

Bài thơ này lấp lánh những ngôi sao lang thang…

Tôi thắp một cây nhang thổi về mù Cố Quận.  Nguyễn Công Minh cái bóng bạn tôi kìa bóng mây!

Tôi gửi gắm gì đây?  Cái vòng tay lỏng lẻo?  Cái miệng cười đã méo?  Cái lạnh…chưa cuối năm?

Rót ly rượu sùi tăm thấy nước mắt sủi bọt!  Minh à, anh có khóc thương em chiều hôm qua…

ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN

Tưởng đi tới thấy mặt trời,

nào hay Thánh Giá sáng ngời mặt trăng!

Ánh vàng ở dưới bước chân,

tưởng là lá rụng nên chần chờ thôi…

Em à lục bát lên ngôi, 

bâng khuâng ai biểu em thời Thiên Thu?

.

Một cơn gió lá vù vù

em bay hay hạc trắng mù thiên thanh?

Câu thơ Lục Bát đó đành

treo đây để bốn mùa tình nở hoa…

RỒI SẼ CÓ MỘT NGÀY

Rồi sẽ có một ngày hồ Xuân Hương bình địa,  Điều đó được giải nghĩa: “Mở rộng Đà Lạt mà!”.

Cầu Ông Đạo, đường qua, qua Nhà Thờ, qua chợ.  Nó sẽ thành con phố, một bờ hồ mới thôi!

Ấp Ánh Sáng dọn rồi, hồ mới nằm chỗ đó. Người ta mở thành phố theo cái ý người ta! 

Xưa nay, sau can qua thì biết bao thay đổi.  Làm cái gì có lợi cho “xã tắc” thì làm.

Nước TA là Việt Nam, cái tên Tàu đã đặt, cái giá trả tuy đắt nhưng TA mãi mãi còn…

Hãy nghĩ TA là con phải kính yêu Cha Mẹ.  Nước Tàu có cái bể – Bể Đông trong ca dao!

Ai ơi nghĩ thế nào khi nhắc câu tình nghĩa:  “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn!”

Nguyễn Du nói không chán:  “Hồn quê dõi bóng Mây Tần xa xa”.  Thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ nữa… cái bút danh tuyệt vời!

Nước Tần nước Tần ơi, “cột đồng Đông Hán” vững… Bao nhiêu người chết đứng, Nguyễn Văn Trỗi là gương…

Nhắc lại hồ Xuân Hương, mai này là chuyện nhỏ.  Bây giờ Đồi Cù ngó…thấy nó còn-cái-chi?

Không lẽ nói Củ Chi?  Chỉ Con Cu nói Củ?

Cái cột cờ Thủ Ngữ đã mọc cánh bay xa…

Hồ Chí Minh là Cha, Vị Cha Già Dân Tộc!  Cấm ai mà nói khác:  Bố Già Của Nhân Dân!

Ngó thêm…Vịnh Hạ Long, người TA đang lấp biển…Đá vẫn trơ gan dù đau điếng, nước đành cau mặt…chút đau thôi!

Rồi…bên lở bên bồi, núi sông đất nước vây…”Trăm năm dòng nước chảy không ngoài cõi nhân gian!” (*)

 (*) Thơ Nguyễn Du…ai cũng thuộc:  “Trải qua một cuộc biển dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng!”.

VÌ MÙA ĐÔNG CHẲNG PHẢI MÙA THU

Bây giờ đang giữa mùa Đông / em không biết hả, cứ bồng mùa Thu?  Thương em nhớ Mạ ầu ơ, ôm em mong ấm để chờ mùa Xuân…

Ngày nào em như vầng trăng, Ba hôn Mạ sợ cắn lầm phải em… Ngày nào em ngủ, ngủ quên, Mạ Ba nằm cạnh, cái mền thêu hoa…

Em ơi thương lắm em mà, lá rơi kệ lá vì hoa chưa tàn.  Xuân, Thu hay Hạ lang thang, ầu ơ Mạ hát tình chan chứa tình…

Anh nhìn em anh cứ nhìn, má em hồng phấn anh gìn giữ sương, mai anh có ở chiến trường,  Quê Hương, Đất Nước mãi còn uy nghi!

Mùa Thu sống thác có ghi / từng trang sử để mình đi tới bờ / biên cương Tổ Quốc là Thơ, anh yêu em chẳng bao giờ hết yêu!

Mùa Thu không chết, một chiều, em chưng hửng nói sáo diều vi vu…vì mùa Đông chẳng phải Thu…mà mùa Xuân sẽ tới từ môi em!

NƯỚC MẮT MÌNH CÓ CHẢY THƯƠNG BẠN MÌNH… NGÀY XƯA

Không có cái gì cả!  Không ai hỏi thăm mình!  Mình có Good Morning, có Bonjour ai chớ…

Mặt trời lên.  Hoa nở.  Cỏ đang vẫy tay chào.  Những chiếc xe qua mau.  Con đường rồi cũng vắng!

Cái vắng như cái đắng khi mình cắn khổ qua.  Nhẹ đỡ nhánh cam sà vài lá già mai  rụng…

Em… cái hình cái bóng chân mây mờ mịt mây.  Có cái gì hôm nay sao mình không “cảm tưởng”?

Hay là mình đã lớn xa những bài học xưa?  Sao mình vẫn còn thơ để nối dài âm vận?

Những ông Thầy tóc trắng cầm tấm giấy về hưu.  Học trò chỉ ngó theo… đôi giày Thầy mòn đế…

Mình cũng đâu còn trẻ!  Học trò ơi!  Các em!  Trường xưa không cao thêm.  Ngói lợp trường chắc lợt…

Gió mùa Đông phơn phớt, lạnh tê điếng không ngờ!  Tất cả nằm trong mơ, mình ngồi cũng…lạc lõng!

Quê Hương!  Niềm Hy Vọng bao giờ mới hồi hương?  Những nấm mộ bên đường, nhang tàn tình thắp tạ.

Nhớ Kiều Thệ Thủy (*) quá, bốn câu buồn mênh mang:

“Hôm trước về thăm lại mộ nàng,

con tàu Phan Thiết đỗ Sông Phan…

Chàng trai đứng lặng trong nhang khói

tắt ngúm từ lâu dưới cỏ vàng…”

Có lần hỏi Võ Phiến: “Bác nghe có hay không?”.  Ông đáp, nghe. đau lòng:  “Kiều Thệ Thủy ai vậy?”.

Nước mắt mình có chảy thương-bạn-mình-lính-trơn…

 (*). Kiều Thệ Thủy, bút danh của Nguyễn Văn Ánh, học trước tôi một lớp, thi rớt nên đi quân dịch, giải ngũ rồi tái ngũ sau Tết Mậu Thân 1968, không giải ngũ nữa.  Ở Mỹ, tôi gặp Chị Cao Mỵ Nhân, nhà thơ, Thiếu Tá Nữ Trợ Tá, hỏi thăm; câu đáp:  “Biết, anh ấy mất sau 4-1975 tại Sài Gòn”.  Tôi nhớ hai câu của anh ấy thật ngộ:  “Tôi thất tình đi hôn lá hoa, bước lang thang giữa xứ sương nhòa…”.

HÔM NAY HÔM NAY BÀI THƠ NÀY VẬY ĐÓ

Hôm nay tôi ngủ nán.  Quá sáng, chưa mặt trời.  Chim như đã đi chơi.  Tịnh yên.  Không có tiếng,,,

Hôm nay tôi lười biếng, không mở laptop ra.  Tôi không muốn nhìn hoa nở trên màn hình nhỏ…

Hôm nay trời không gió, êm ả đến lạ thường. Mở cửa nhìn ra vườn, không sương… mà không đẹp!

Hôm nay hoa không liếc cho tôi một cái nhìn.  Tôi không Good Morning… vì hàng xóm chưa dậy!

Hôm nay cầm muỗng khuấy tách cà phê tan ngay…Tôi hít khói bay bay.  Hít cả hương trà ngát…

Hôm nay thương Đà Lạt trong tôi như hôm qua…Trong tôi tới khi già.  Trong tôi tới khi chết!

Hôm nay còn tha thiết một câu đó cũng thơ!  Tôi thật chưa hững hờ với lòng tôi, bạn nhỉ?

*

Hôm nay… tôi ở Mỹ ba mươi lăm năm rồi.  Nhớ Đà Lạt lắm thôi – những con đường lên dốc…

Hôm nay tiếng guốc mộc tôi nghe vang xa xa…đó là tiếng sơn hà…đó là lời non nước…

Hôm nay lòng thẳng đuột thèm ơi chỗ tựa đầu. Nắng chưa lên mái lầu, bồ câu cũng không có…

THỜI GIAN ĐI ĐÃ TỚI

Ngày mùa Đông thứ nhất: ngủ nán (*),

trời chưa sáng, lạ ghê!

Nhớ lại:  mùa Đông về 

từ lúc hai giờ sáng!

.

Ngày thứ hai, không ngủ nán

trời vẫn còn mờ mờ.

Nhìn lên mặt đồng hồ:

5 giờ!  Còn tối quá…

.

Cái lạnh nghe là lạ,

hình như nó nhiều nhiều?

Muốn ngủ thêm đến chiều

… bởi cái đồng hồ cho phép!

.

Ai ai cũng tội nghiệp,

ngay cả ông Thầy Chùa,

ngày mới mà ngơ ngơ:

Cái Mõ Chưa Thức Dậy?

.

Phòng chú Tiểu động đậy:

“tụi nó đã thức rồi!”

Vài tiếng trống đổ hồi,

vài tiếng chuông õng ẹo…

.

Nhà Thờ, ông Cha kéo 

sợi dây chuông, oang oang…

tiếng chuông Chùa, boong boong…

Good Morning Ngày Mới!

.

Thời gian đi, đã tới!

Nó tới trong bài thơ!

Những con sông cũng vừa

chảy tràn từng huyết quản…

NGÀY THỨ NHẤT MÙA ĐÔNG

Ngày mới giờ mùa Đông, ít lạnh nhờ có nắng!  Nắng lên từ hửng sáng.  Nắng tắt chưa tàn chiều…

Bắt đầu thấy buồn hiu… khi hết ngày Chúa Nhật.  Đường phố đêm vắng ngắt.  May mà không gió mưa!

Chuông ngân từ Nhà Thờ, từ Nhà Chùa… buồn thiệt!  Chưa ai than thời tiết, chỉ bâng khuâng bâng khuâng!

Nhà Sư già run run ra hiên Chùa ngó nắng.  Chắc ông thương, thương lắm ai mùa Đông bơ vơ?

Tôi nhìn Ông thấy thơ của tôi như cảm lạnh… nghĩ quê nhà trong cảnh những cơn mưa cuối mùa…

Nghĩ những người Lính thua tuổi cũng vừa nhang khói.  Bốn chín năm chờ đợi chưa ai nói hợp hòa!

Nghĩ những tiếng bông rua, tiếng hao du xào xạo… Thương chớ bầy chim sáo sổ lồng bay qua sông…

Ngày thứ nhất mùa Đông hôm nay buồn muốn khóc!

TRỜI TRỞ RỒI LẠNH THIỆT

Trời trở rồi, lạnh thiệt!  Mới nửa đêm qua thôi.  Tôi không mở cửa mời sao lạnh vào nhà nhỉ?

Hôm qua là ngày Lễ Halloween hàng năm…Những gói kẹo trên mâm, trẻ con tới lấy hết!

Lạnh đuổi theo chắc mệt nên ở lại với tôi?

*

Câu hỏi không trả lời.  Chỉ nghe tiếng gió lộng  dưới vầng trăng, cái bóng ngập tràn sương hạ huyền…

Tôi nhắm mắt muốn quên cải thời mình nhỏ dại biết bây giờ xa ngái vẫn đăm chiêu ngọn đèn!

Những viên kẹo lên men cái dư thừa tiếc nuối!  Hai chân tôi hết duỗi mà co chặt gối ôm…

Thêm cái mền đắp thêm!  Cái lạnh thành cái gối!  Tôi sợ đi lạc lối, thôi nằm ngó ánh trăng…

.

Ánh trăng vàng mơn man.

Hương dạ lý thoang thoảng.

Người Trung Đông hốt hoảng:  Lạnh ở đó:  Chiến Tranh!

Sáng dậy, tôi nhìn quanh, cái lạnh nằm trong ngực!  Tôi thổi bay sợi tóc của tôi đêm qua rơi…

TRONG KHI HONG NẮNG TÔI THẦM NGHĨ TÓC CỐ NHÂN DÀI TRONG GIÓ BAY

Buổi sáng ra sân tìm chỗ nắng, tôi ngồi, tôi ngó cảnh mùa Đông:  Người đi thể dục run từng bước, cây lạnh rùng mình nhánh nhánh run…

Tôi không thể dục, không ham sống.  Tôi muốn tôi mau chết để về.  Bốn chín năm rồi không đất nước, đêm ngày dờn dợn chút tình quê…(*).

Tôi đã thành dân của xứ người, là người mà tuổi đã bay hơi!  Hỏi sao không nhớ anh em lính?  Nhớ học trò thương những nụ cười!

Hỏi sao không nhớ rừng mưa gió, những thớt lưng người bọc lớp da?  Những lán, lều trong thời Cải Tạo, những đám dã quỳ nắng nở hoa…

Những tiếng chim rừng “cô trói cột”, buồn ơi thê thiết tiếng chim rừng!  Đường tàn binh mở trăm đường núi, sương phủ từng chiều những dấu chân…

Người đi thể dục chào tôi sáng, tôi cũng “morning” đáp tạ người…Tôi biết hổ ngươi ngồi hóng nắng…nhưng đời tôi vậy cũng đang trôi!

Sáng nắng là qua một tối mù.  Ngày nào cũng thế… cũng Thiên Thu!  Mùa Đông dài lắm, dài vô tận, sau Tết mới nhìn thấy cỏ lau!

Trước Tết, đẹp sao vài tấm thiếp mình cầm bút viết gửi cho ai… Trong khi hong nắng tôi thầm nhủ tóc cố nhân dài trong gió bay…

 (*) Thơ Huy Cận:  “Lòng quê dờn dợn vời con nước, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà…”.

Tượng Thờ Làm Bằng Thơ

Lịch sử của nước TA,  tôi “thích” Trần Bình Trọng và tôi luôn hy vọng Ông có Tượng để thờ!

Dân TA thật có thờ…thờ ơ Trần Bình Trọng!  Ông không hình, không bóng, may chút đường có tên!

Bao nhiêu triều đại quên!  Mấy nhiêu người có nhớ?  Chúng TA không có nợ gì với tiền nhân sao?

Tướng TA bị quân Tàu / bắt sống, chúng dỗ ngọt:  “Tao cho mày chút đất và phong mày chức Vương!” .

AI chắc đã sướng rên?  Trần Bình Trọng không vậy! Ba quân có nghe thấy / Ông đáp trả câu này:

“Tao thà chết ở đây / không làm Vương đất Bắc!  Thà làm quỷ Nam Quốc, Tao có đồng bào Tao!”.

.

Một nhát gươm, đổ, ào!

Thần Tượng không ai tạc!

*

Tôi đang ứa nước mắt!  Gần trăm tuổi đời người, thơ chỉ là trò chơi nào có ai ngó tới?

Đời Lính tôi đã lội bao đám ruộng máu trào… Người xưa và người sau… chiêm bao may mới gặp?

Trần Bình Trọng!  Tổ Quốc?  Trần Bình Trọng Quê Hương? Tôi có đứng bên đường Trần Bình Trọng, Chợ Quán!  (*)

Ôi Sài Gòn một sáng cuối tháng Tư đổi thay!

Trần Vấn Lệ   

(*) Chợ Quán thuộc Quận 5, Sài Gòn, nơi được nhớ nhiều vì có đường tên Trần Bình Trọng, nơi có Nhà Thờ Chợ Quán, Nhà Thương Điên Chợ Quán, Trung Tâm Học Liệu Việt Nam!  Nhà của Giáo Sư Doãn Quốc Sĩ đối diện với Trung Tâm Học Liệu, trong đường hẻm khu vực ngả tư Thành Thái / Trần Bình Trọng… 

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search