T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: NHỮNG BÀI THƠ THÁNG HAI (3)

Ảnh: NTN

VŨ TRUNG TÙY BÚT

Hôm nay ngày thứ tư, mưa còn mưa chưa dứt.  Ngày còn tối như mực.  Đời nửa thực nửa hư…

Hư, đó là hư vô.  Thực là cái thực tại.  Nó giống như trai gái, gặp nhau rồi bâng khuâng…

Hôm nay còn mùa Xuân, còn gần nguyên ba tháng.  Nhưng bắt đầu thấy chán:  Mưa chi mãi mưa hoài…

Từng giọt mưa vắn dài, tóc ai bay ngoài cửa?  Ai làm thơ không nhớ ít nhiều bài ca dao?

Ngày vẫn ngày, không mau… chỉ khác màu sáng, tối.  Tranh, bức họa không nói, nhìn tranh nghe tiếng lòng!

Có đôi lúc mênh mông… như dòng sông trước mặt.  Có nhiều khi ẩn khuất một hình bóng nhớ thương!

Có thể là Quê Hương mưa phùn bay trong phố?  Có thể là cổ độ không tiếng đò, đò ơi… (*)

Chỉ có tiếng ếch thôi, thơ Tú Xương Sông Lấp.  Kinh Tế Mới tấp nập, đi và về phù vân!

Đi và về, ăn năn, đi vào Chùa Sám Hối.  Ngồi, xếp bằng đầu gối:  “Mình làm Sếp hồi nào?”.

Tiếng chuông Chùa không lau nên sáng mờ mê tỉnh?  Sa trường đầy xác lính…

“Đường ra trận gió ù ù thổi, mặt chinh phu trăng dõi dõi theo…” (**).  Bao nhiêu chịnh phụ Thúy Kiều, bao nhiêu cầu thệ thủy trăng soi nước chảy?

Mưa mưa ơi tôi thấy đường mưa bay bay những âm hồn!

 (*) Thơ Trần Tế Xương trước năm 1907:

Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô, khoai.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò!

Nguyễn Khuyến đọc và buông:  “Kế Dư Chi Hậu Kỳ Xương Hồ?”.

(**) Thơ Đặng Trần Côn / Đoàn Thị Điểm trích từ Chinh Phụ Ngâm Khúc.

BA NGÀY RỒI MƯA SA BÀI THƠ TÔI NHƯ THẾ

Đã sang ngày thứ ba mà còn mưa, lạ quá!  Quê mình ai cấy mạ chắc lúa đã lên xanh?  Những con cò trắng quên mất đường về, dám lắm? Những người ra biển thẳm chắc cũng quên quê nhà?

Bốn mươi chín năm qua một cái vèo, ứa lệ!  Ừ thì còn chút để… mình nhìn mưa, mưa rơi!  Tôi biết ai mỉm cười môi ràn rụa nước mắt.  Ba mươi lăm năm đất khách, tôi hay nhìn mưa bay…

Ba ngày rồi, hôm nay tại sao mưa chưa dứt?  Nghĩ tới bầy ong mật, mưa chúng sống làm sao?  Không lẽ chúng nghẹn ngào, hoa đâu cho chúng nhụy?  Tại sao mình là Ngụy thương cả loài côn trùng?

Bất chợt nhìn qua sông, mưa cũng mờ bên đó.  Thiên lý chưa tương ngộ, ba mươi lăm năm tha hương…

*

Trong lòng tôi vương vương cái chữ buồn, ai biểu?  Quán cà phê có thiếu tôi buổi sáng này không? Tôi nhìn xa, mênh mông.  Tôi nhìn xa, mênh mông.  Hai dòng.  Một nỗi nhớ.  Bạn bè còn bao nữa, nỡ lòng nào cũng xa?

Còn sống, về, đã già.  Mẹ cha tàn nhang tạ… Ba ngày rồi thật lạ, mưa tháng Giêng lê thê… Tôi nhớ quá bờ tre mưa đè từng chiếc lá, xanh xanh màu đám mạ hôm nào mưa bóng mây…

Ai biểu em thơ ngây, anh muốn hôn con mắt!  Ai biểu em Tổ Quốc, đời anh…đời cuối đời!  Em có mỉm môi cười, cho anh xin ràn rụa.  Cho anh xin ngọn cỏ gió đùa em bà ba…

Ba ngày rồi mưa sa, bài thơ tôi như thế!

CHỈ LÀ MỘT BÀI TẬP LÀM VĂN

Tin thời tiết báo bão, không nói bão tên gì…Bão bắt đầu bước đi từ Los Angeles…

Người không nhà lê lết chạy tìm chỗ trú thân. Cõi dương hóa cõi âm ngày cuối tuần, Chúa Nhật.

Bão đi không lật đật (có lẽ phố nhiều đường?).  Gió và mưa dễ thương rất bình thường mưa gió…

Khi qua những thảm cỏ, khi chạm mặt vườn hoa… bão giống như bầy gà bị đàn chó xua, đuổi!

Sau chớp mắt, lầy lội :  Bão đúng là hung thần!  Ngói lật mình tung tung, xe chôn chân rung lắc.

Tin thời tiết tin thật… người hớt hãi muộn màng!  Tôi như người sang ngang lỡ làng không bờ bến… 

Tự nhủ:  Đi đã Đến…không từ đâu, đến đâu!  Bão… như lai, không cầu, mình… như lai là Phật?

*

Tôi ngủ.  Tôi không thức.  Sáng dậy… nhìn:  tan hoang.  Cái gì mất – không còn!  Cái gì còn – xiêu vẹo!

Phố xá buồn, thiêu thiếu những chiếc xe băng băng…Đường sá thì ngổn ngang rác trần gian trần trụi!

Đời không gì gần gũi!  Đời mù tăm.  Xa xôi…

EM MÃI LÀ CÔ GÁI MƯỜI BẢY TUỔI NGÀY XƯA

Sao hôm nay không nắng?  Chiều hôm nay sẽ mưa?  Tôi đã ngồi tới trưa… lạnh từ vừa đến lạnh!

“Trốn trời đâu khỏi nắng?”.  Tôi nhắc, nghe buồn buồn.  Giờ này ở Quê Hương, nắng mưa… chuyện thường bữa!

Không cách nào hết nhớ!  Quê Hương từng tiếng chim… Ở đây, ngày vắng tênh, chim bay đâu hết cả?

Ném bánh mì cho quạ… Quạ không thấy bay về!  Ở đây không phải quê, nhớ ơi đồng bát ngát…

Nhớ ơi tiếng ai hát bài Tình Xa Tình Xa…

*

Chỉ biết ngày hôm qua, em bắt chuyến xe lửa, em đi về ngoài nớ, em thăm Tết bà con…

Những chuyến xe Sài Gòn, tiếng còi và lửa, khói…lâu nay không ai nói sân ga buồn thế nào!

Anh thấy em… chiêm bao.  Anh thấy trào nước mắt.  Em.  Quê Hương.  Tổ Quốc, bốn chín năm đổi cờ…

Mới hôm qua mà xưa… giống ngày mờ không nắng!  Tóc em sợi dài, vắn, trăm năm là trăm năm!

Chao ôi buồn thâm thâm, chao ôi buồn thẳm thẳm.  Ống sơn nào đen sậm, anh vẽ buồn bức tranh…

Đường ra xứ Huế quanh quanh non xanh nước biếc như tranh họa đồ!  Anh nhớ chớ Lăng Cô, nhớ Nhà Thờ chuông vọng…

Biển mùa này gió, sóng.  Biển muôn đời mênh mông!  Tóc em quấn hay buông… Chao ôi mây Thành Nội!

Sao không là Thành Ngoại?  Con nhớ Ngoại quá chừng, nhớ em đi sau bưng cái rổ cau cho Ngoại…

Em mãi là cô gái mười bảy tuổi hồi xưa…

CÚNG TẠ ÔNG BÀ

Tết, thời này ba bữa,

Ông Bà về chơi với con cháu ba ngày.

Coi như là hiện diện tron vẹn với cháu con…

Tàn ba tuần nhang là đủ!

.

Chuyện đó, nghĩ là có,

mà nghĩ cũng là không.

Có, là có, không phải là có thể,

Không thì chắc gì không?

.

Tàn nhang rớt như nước mắt

là con cháu sống còn nghèo.

Tàn nhang cong vòng vèo,

Ông Bà có nghĩ ngợi?

.

Trái tim cháu con nóng hổi

nhờ mặc nhiều áo chăng?

Cháu con đều điểm trang

tại vẫn là con cháu…

.

Nhiều người mình có Đạo

thì đi Chùa, Nhà Thờ.

Nhiều người cũng hành hương

xúng xính như hồi nhỏ…

.

Ngày Tết, ngày bày tỏ

Lòng Hiếu và Lòng Thành

Ông Bà Mẹ Cha đã là Thánh

càng tin sinh tử đáng tự hào…

.

Không có gì, không sao!

Có gì thì san sẻ

Không có Cha Mẹ nào không thương con!

Không Ông Bà nào không hôn cháu mình một miếng! (*)

.

Dám lắm trong năm nay

có nhiều nhà mới dựng!

Dám lắm vài năm nữa có cháu là Kỹ Sư!

Ba ngày Tết không là góp cái tàn dư mà ba ngày Tết ăn ba đời không hết!

.

Ba ngày Tết thật đẹp,

kéo dài thêm không thừa!

Khói nhang ngày tiễn đưa

mắt không khô, thật ngộ…

.

Hoa đào, hoa mai nở,

cỏ bụi bờ cũng mượt mà,

mỗi bước Ông Bà xa

mây qua từng ngọn núi!

.

Thương Ông Bà lủi thủi

cầm cây mía đo đường…

Con cháu ngó theo thương

Con cháu ngó theo thương… (**)

(*) Ngày 21 tháng 8 năm 1963, tại Sài Gòn nhân vụ “hốt” Chùa Xá Lợi, nhiều người tỏ ý trách Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người Thiên Chua Giáo nên đàn áp Phật Giáo. Tổng Thống Ngô Đình Diệm không trả lời mà phân bua: “Tôi là Công Giáo nhưng năm nào đêm Giao Thừa, Mẹ tôi cũng dẫn tôi đi Chùa.  Tôi đàn áp Phật Giáo sao được?  Tôi đàn áp Phật Giáo để chi?”.

(**) Trên bàn thờ Tết cúng đón Ông Bà thường có để một hay vài khúc mía dài như cây gậy, ý là để Ông Bà chống đi cho vững bước.  Tượng trưng mà, thương lắm chớ?

BỐN MƯƠI CHÍN NĂM TÔI XA ĐÀ LẠT

Bốn mươi chín năm, từng đêm, giấc ngủ, tôi chiêm bao, Đà Lạt tôi về… Hơn nửa đời người mãi mãi một quê, tôi còn sống để nói còn yêu quý!

Tôi gặp bạn bè biết bao điều thủ thỉ:  Đà Lạt dễ thương nhờ con dốc Nhà Làng!  Con đường lát đá thôi, người xưa mở đi ngang / cái lưng núi và leo lên ngọn núi… lên khu Hòa Bình nhìn sương mù trôi nổi / từ Lang Bian về tới Cam Ly…

Đà Lạt ít chỗ bằng để đậu cái xe… nên xe đậu cứ gối đầu sườn núi, yên tâm nằm ngàn năm không có bụi / chỉ phấn thông vàng thơm ngát bay bay…

Đà Lạt có vườn Bích Câu, có rừng Bồng Lai, có thác Goughga, có thác Pongour, có thác Ankroet… có Suối Vàng… có Lạc Dương… dễ thương từng tên gọi, cái nghĩa của từng địa danh không trong sách vở!

Thí dụ Suối Vàng… bạn đi tới đó, bạn đãi được vàng chớ chẳng phải chết nha!  Rồi bạn lên Lạc Dương đứng lại ngà ngà, bạn hít thở khí trời thơm ngát…

Nhiều người nói Đà Lạt xưa là Xã Lát / điểm khởi đầu của một bản Tình Ca… có một người đàn ông từ bé đến già yêu chỉ một người Tiên trong giấc mộng…

Người con gái đó, nàng Tiên, còn sống trong thơ tôi mỗi tối hiện thành hoa… Cẩm Tú Cầu người ta trồng ở Ga / cùng hoa huệ mượt mà ấp Hồng Lạc!

Mình đi xuống Datangla ngồi bên bờ thác, bạn với tôi, mình thắp nhé lò hương, gọi tên ông Nguyễn Du bày tỏ nhớ thương, vầy lửa cũ và tôi nghe bạn hát…

Bài Tình Xa…bạn tiễn tôi đi!  Bốn mươi chín năm tôi vẫn nhớ về / tóc của bạn tóc thề tóc nguyện / sóng lòng tôi đầy biển bọc năm Châu…

 (*) Thơ Nguyễn Du:  “Mai sau dẫu có bao giờ, đốt lò hương ấy so tơ phím này.”

MỘT NGÀY KHÔNG CÓ THƠ

Một ngày không có thơ… tôi làm sao thế nhỉ?  Tôi có là không khí khi tôi không thấy tôi?

Tôi nói chuyện “trời ơi” với ai đây?  Vô ảnh?  Tôi biết mà, trời lạnh, nắng ngập tràn mặt sân!

Sân đâu phải con sông sao nắng lại nổi sóng?  Tôi, con thuyền vô vọng trôi trên sóng nhấp nhô.

Gió lạnh và gió khô.  Gió không báo hiệu mưa vì Cali không mùa nào như Âm Lịch nói…

Cali có nhiều núi, nhưng núi không có rừng.  Những cây thông, cây tùng… người ta trồng làm cảnh.  

Cali sông như rảnh.  Ít mưa nên lóng lánh.  những khe nước kề cạnh chảy ra biển, đại dương.

Cali rất dễ thương mà thường thường dễ ghét! Như… hôm nay tôi mệt, không có một dòng thơ…

*

Nếu mai này trời mưa (dù cơn mưa bất chợt), sông sẽ đầy tràn nước!  Nước mắt những vì sao?

Tôi nghe nước mắt trào xuống phần mềm sống mũi.  Bàn tay tôi nắng rọi xuống mặt gạch long lanh…

Mai ngày Valentine, thơ tôi vẫn chưa có.  Thương quá người em nhỏ không thấy chữ tôi bay…

Tóc em mái tóc dài, suối khô, luồng gió cạn!  Nắng như hồi Ghềnh Ráng tôi gọi ai… An Khê!

Quê Hương tôi cái quê khói thơm mùi rất nhớ.  Pleiku nắng đổ bộ, áo nhà binh bạc màu…

Trần Vấn Lệ 

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search