T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: VỜI VỢI (Tập Thơ)

Xin Bấm Vào Đây:

Trần Vấn Lệ: VỜI VỢI (Tập Thơ)

MỞ CỬA NHÌN THƠ

Một ngày, một ngày bình yên sau bao ngày giông bão.

Tôi lạc vào vườn của Nhà Thơ Trần Vấn Lệ, một khu vườn Cổ tích – vườn cổ tích dành cho người lớn, chỉ còn sót lại chút nắng cuối ngày và chiều lên mênh mang sương khói …

Lặng lẽ với thơ của anh, từ những bài có cấu trúc chặt chẽ, giàu tính nhạc đến những bài nhẹ nhàng như văn xuôi, tôi luôn tưởng tượng mình đang ngồi đối diện và lắng nghe anh kể, anh tỉ tê về tình yêu, mưa nắng, trăng sao và đặc biệt là về Đà Lạt, về Quê Hương yêu dấu …

Thơ anh nhẹ nhàng như hơi thở đều đều phả ra từ trái tim ấm nóng. Trái tim cứ như đập hụt đi một nhịp khi nhắc tới Quê Hương. Trái tim còn nồng nàn trong ánh chiều vời vợi …

Thơ anh vời vợi những niềm thương

Hình ảnh người mẹ Việt Nam tảo tần, lúc nào cũng thương con dù đang ở đâu và làm gì:

“Thế là biêng biếc xanh / thế là hun hút trắng! Bà Mẹ quê gánh nặng, gì trong gánh, nói đi?…/ Cảm ơn bạn! Tình Quê! Con cái về, chưa thấy, Mẹ vẫn nguồn suối chảy / trong veo cái tình người!”

(Có Hai Câu Thơ Đẹp)

Yêu cả nỗi buồn riêng anh hướng về người mẹ hiền lành, bao năm đợi con về:

“Em giống Má anh ngồi tựa cửa mười năm thằng Lệ vẫn chưa về. Mười năm nhang khói, mười năm biệt…Những nấm mồ hiu hắt nắng hoe…”

(Đôi Khi Mở Lại Chồng Thơ Cũ)

và thảng thốt với câu hỏi không lời đáp: “ơi Má nuôi hy vọng/ tại sao Má bỏ con rồi?/ Hồn Má có bay lên trời/ như bầy hải âu không vậy?”

(Má Tôi Không Còn Đọc Thơ Của Tôi Nữa)

Thương dáng ngoại lom khom thân thương trong vườn cau Nam Phổ …

“Mấy hôm nay đất trời với lòng tôi là một, với tiếng ve thảng thốt nhắc hoài tôi Quê Hương. Ngoại có lẽ trong vườn đang ngó chim nhành khế. Thương Ngoại tôi muốn kể từng bài thơ tháng Năm…”

(Tùy Bút)

Nhớ thương vời vợi một nhân ảnh, một dáng hình:

Đừng có qua sông nha em/ đừng có qua cầu/ em đổi áo, anh rầu rĩ đó!

Áo bà ba bay bay, gió gió/ nhẹ nhàng thôi cũng đủ bâng khuâng! /Anh ở xa xôi sáng đợi tối mừng/ em thấp thoáng trên cánh đồng bát ngát/ áo bà ba chứa Quê Hương ngào ngạt/ cái mùi thơm của lúa đang mùa/ cái mùi thơm của thơ rất thơ/ cái tình nghĩa cũng là mùi hương áo!”

(Áo Bà Ba Bay Qua Ruộng Lúa)

“Anh nhớ em tóc thề. Thế nào? Mưa chắc ướt? Anh nhớ em tóc mướt, bây giờ còn mướt không?”

(Mộng Dưới Hoa)

“Anh nhớ em mái tóc gió bay/ tóc em nằm ngủ trên vai anh hồi đó…”

(Mimosa)

“Em nhìn đi mùa Xuân đang về, tóc thề em chiều gió mân mê… Áo dài em màu bông lau nở, không nét nào làm mình chia ly…”

(Đà Lạt Ơi Muôn Năm Yêu Quý)

Nỗi nhớ vời vợi về người con gái mười bảy tuổi đã sang sông. Người yêu của anh không có tuổi, tình yêu không có tuổi.

“Ai có đợi chờ, ai biết khổ/ Biết đau, biết đớn, thế nào không? Ôi chao em đẹp năm mười bảy/ Nước lặng mây ngừng một bến sông!”

(Mùi Gió Cũ)

Em ơi anh nhớ em nhiều lắm, con gái đời em mơ ước nhiều… mười bảy em xa nhà của Mạ, xa Ba không phải bởi Tình Yêu. (Tạ Ơn Tình Rất Đỗi Mong Manh)

“Cảm ơn em vẫn em mười bảy, vẫn mái tóc thề trong ảnh xưa, vẫn áo dài bay, bay dưới phố, vẫn hình dung đó, dáng kiều mơ…”

(Anh Chờ Anh Đợi Mây Huyền Thoại Tưởng Khói Lam Chiều Xanh Khói Bay)

Mãi mãi nàng Thơ tuổi mười bảy hiện hữu. Thời gian cũng như ngừng lại, để rồi khoảng trời Quê Hương anh nhớ về luôn là những gì rất thân thuộc của nhiều năm trước: hương bồ kết, hàng cau, bậc thềm tam cấp, tiếng còi tàu vào ga, …

Đôi khi chỉ thoảng qua mùi gió cũ, một vạt nắng ấm cũng nâng nỗi nhớ cao vời vợi:

Cái mùi gió cũ mùa Thu cũ

Bay ở tầng ba xuống lộ phường Một phiến lụa ngà trăm phía gió Cuối cùng là một phía yêu thương!

(Mùi Gió Cũ)

“Em ơi em là nắng. Anh hôn nắng hôm nay…”

(Em Ơi Em Là Nắng)

Nhà xưa còn bậc thềm… Nhà xưa còn cái cấp…

Em như còn ôm cặp… Cô nữ sinh ngày xưa…

(Gửi Về Chừng Đó)

Rất nhiều khi, em cũng trở nên hư ảo và em vời vợi xa …

Không biết nói gì thêm với gió Sợ mà mưa theo gió bay về… Sợ mà em chẳng là em thật Cũng sợ vô cùng cuộc biệt ly!

(Mùi Gió Cũ)

Tình yêu vời vợi dành cho Quê Hương

Đọc thơ của Nhà Thơ Trần Vấn Lệ, “Em” là chủ thể trong tất cả những bài thơ. “Em” là tình yêu bất diệt. Bởi “Em” là QUÊ HƯƠNG

“Ai nói với anh, em-áo-trắng/ em là vầng trăng em dễ thương!/ em là Tổ Quốc anh yêu dấu/ hồn anh bay đâu cũng vấn vương!”

“Tôi nhớ em từng ngõ ngách tâm hồn. Em nhớ tôi từng lối mòn đất nước…”

“Cảm ơn em nụ cười, em là Quê Hương, đó!

Anh thở ra cùng gió thổi tà áo em bay…”

(Nụ Bạch Hường)

Quê Hương với những kỷ niệm gắn liền với nơi anh sinh ra; buồn não nùng với màu hoa gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm ngày thơ bé:

Hè rồi… Phan Thiết đỏ hoa vông, tôi ở xa

xôi nhớ quá chừng! Nhớ chỗ mình sinh, mình được lớn, một thời thơ dại vượt con sông.”

Rồi nghẹn ngào …

Từ nay hỡi nhánh hoa vông cũ, có nhớ gì ai Phan Thiết xưa? Một chặng thời gian không cắm mốc, tình Quê Hương lấy thước nào đo?”

(Mùa Vông Phan Thiết Cũ)

Rời phố biển, lên với xứ sở sương mù Đà Lạt,  anh  Trần Vấn  Lệ đã  kịp gắn  bó với  thiên đường của kỷ niệm, của hạnh phúc này suốt hơn 30 năm. Thơ là hơi thở, là sự sống của anh và anh đã hít thở mỗi ngày không khí trong lành của bầu trời Đà Lạt xưa cũ. Mỗi hơi thở của anh ướp đầy hương đất đỏ bazan vương gót giày anh đến lớp, thoảng hương phấn thông vàng vương trên tóc ai mà thương thương quá đỗi …

Vâng, Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã đọng lại trong anh niềm thương nhớ đến tận cùng.

Anh nhớ miên man về nơi mình từng dạy học: “Bùi Thị Xuân trường một thuở xưa/ trên đồi Đalat nở vàng hoa/ những cây khuynh diệp run trong gió/ đang lạnh lòng người vạn dặm xa”

(Bùi Thị Xuân Ơi Trường Rất Nhớ)

“Tự dưng tôi nhớ trường xưa quá, trưa thẳm hành lang thẳm thẳm buồn, cô giáo ra hiên nhìn nắng rụng bên thềm mấy giọt nắng vương vương…”

(Tùy Bút Trưa)

và học sinh “có em thơm như ngo/ có em hiền như liễu…”

(Nói trước dẫu muộn màng)

Nhìn đâu anh cũng thấy thương Đà Lạt – nhớ thương vời vợi, từ thềm sân ga cũ với những đóa Cẩm Tú Cầu xinh xắn: “Bây giờ Đà Lạt cuối mùa Đông. Nhớ hoa Cẩm – thềm ga quá…”

(Đôi Khi Mở Lại Chồng Thơ Cũ)

đến những con dốc dài đặc trưng của thành phố vừa đi đã mỏi, có cái tên gần gũi nghe thân thương lạ lùng …

“Đà Lạt, dễ thương, ngay giữa phố: có con đường nhỏ – Dốc Nhà Làng. Đường không xe cộ, người đi bộ, cấp đá, không ai bước vội vàng…/… “Đà Lạt, dễ thương con hẻm phố, ngày về tôi xé trái tim phơi…”

(Kỷ niệm Đà Lạt)

“Dốc Nhà Thờ tản mát những mù sương năm xưa… Thương em không bến bờ. Thương em… thơ, hay gió?”

(Thương Em Bài Thơ Gió)

Nỗi nhớ về một Đà Lạt sao êm đềm, thơ mộng quá!

Những ngày Đà Lạt nắng, những ngày Đà Lạt mưa/ Nắng mưa Đà Lạt đều xanh mướt/ Như tóc người yêu thuở ngẩn ngơ…/Rừng thông nằm thấp, núi Bà cao…/ Hoa hướng dương vàng quanh núi phố…”

(Những Tấm Hình Đà Lạt)

“Em ơi em là gió! Em ơi em là hương! Em ơi em nhớ thương! Giọt sương anh uống ngọt! / Tôi đang nhớ Đà Lạt…Tôi nhớ đường Bà Trưng…Tôi đang lên Lạc Dương nhìn Dran, Đức Trọng…

(Năm Bắt Đầu Tân Niên)

Quê Hương là Tổ Quốc, nhà thơ Trần Vấn Lệ đã khẳng định như vậy. Làm sao đo đếm được khi nỗi nhớ Quê Hương của anh ngày càng thật đầy, thật dài

…Từng nhớ thương ngàn năm mây bay…/ ôi thương như thế chưa là đủ/ mà phải rừng cây bao nhiêu cây?”

(Chắc Có Một Ngày)

Tôi tưởng tượng, anh cứ đưa bàn tay ra, cả năm ngón đều chạm vào nỗi nhớ thương vời vợi. Những câu thơ nhớ nhà vang lên đều đều, buồn buồn, khắc khoải

“Hồn lênh đênh mãi ở quê xa. Gợi câu sông núi mà tê tái, ngày tháng vô tình cứ lướt qua…”

(Hồn Lênh Đênh Mãi Ở Quê Xa)

“Con rất thèm nhìn lại nắng Quê Hương, nhưng lúc đó hai mắt mòn, con khép…”

(Cúi Lậy Trời Cao)

“Quê Hương cứ là quê  ngát  hương  hoa  cau nhỉ? Em ơi anh chung thủy bởi em là Quê Hương.”

(Mộng Dưới Hoa)

“Tôi nhớ quá Quê Hương! Quê Hương tôi

Đẹp Nhất!

Tôi viết chữ Hạnh Phúc / nạm vàng để muôn năm!”

(Quê Hương Là Tổ Quốc)

Một chiều mưa hay nhiều chiều mưa thật buồn nơi xứ người, lắng nghe bản nhạc “Chiều” quen thuộc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh, điếu thuốc gắn trên môi và thả từng vòng khói lên không gian hiu quạnh, anh đã đi đến tận cùng nỗi nhớ phải không anh, hỡi người lữ khách (?)

“Quê Hương mình chỗ nào / không bến bờ, vô tận! /… Điếu thuốc mình hút tàn / vẫn còn vương vấn khói! Nhớ nhà không chịu nổi! Nhà ơi là nhà ơi!”

“… Gọi nhiều lúc khản lời / cứ tưởng mình khan tiếng. Nhiều lúc sờ lên miệng / thấy buồn buồn nao nao…”

(Nhớ Nhà Châm Điếu Thuốc Khói Huyền Bay Lên Cây)

Anh ước ao mình sẽ trở về Quê Hương, những việc đầu tiên anh sẽ làm sao quá bình dị, đáng yêu:

“… Anh sẽ về mặc áo cho em/ mình đi thăm hết bà con quen/ mình cũng đi thăm thêm bà con lạ …

Anh sẽ dẫn em qua cầu/ mình đi ngang sông nhìn sông nước chảy”

(Áo Bà Ba Bay Qua Ruộng Lúa)

Đường về nhà rất xa nhưng cũng thật gần.

Anh sẽ về. Tôi tin như vậy.

*

Vườn Thơ anh mênh mông, vời vợi…

Mỗi loại hoa trong vườn không lạ nhưng hương sắc khác biệt dưới bàn tay chăm sóc của anh.

Tôi choáng ngợp. Đi hết cuộc đời, có lẽ tôi không thể đọc và hiểu hết thơ anh. Ý tứ tưởng đơn giản mà không hề vậy, đọc tới lui mới thấm được điều anh muốn giãi bày, gửi gắm. Những lúc ấy, hồn tôi lan toả niềm sung sướng, hạnh phúc.

Ngày, từng ngày lại qua. Mỗi ngày anh có thêm nhiều bài thơ mới.

Ngồi bên hiên thời gian, tôi say sưa đọc và chợt nhận ra: Thơ anh như một Tôn Giáo và tôi là một trong những tín đồ.

Mỗi ngày tôi lại thầm thì những câu kinh nhật tụng, ngắm trời xanh cao và nghe dấu yêu đong đầy.

Xin “Cảm Ơn Đời Bốn Phía Thơ”…

Nguyễn Thiên Nga

Bài Mới Nhất
Search