T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Thị Ngọc Thư: CÔ HÀNG HOA NGOÀI PHỐ

Những Cô Gái Bán Hoa – Tranh: HÀ HUỲNH MỸ

Từ hôm đến Hà Nội, sáng nào tôi cũng thức dậy thật sớm để đi dạo một mình quanh khu phố gần nhà trọ, khi trời vẫn còn mờ tối. Không gian hơi se lạnh, vắng vẻ của buổi sáng mùa đông ở đây mang cho tôi chút tĩnh lặng riêng. Tôi thích những khoảnh khắc được một mình âm thầm trong dòng trôi chậm bớt của thời gian như vậy. Bước đi thong dong, bồi hồi thả hồn tìm quá khứ của thế hệ gia đình đã thuộc từng vỉa hè, ngõ ngách trên khu phố vương bao nhân ảnh của nhiều thời bể dâu đã qua.

Nhiều lần tôi đã hiếu kỳ dò tìm những đường ngang, lối dọc, công viên, vườn cổ từng được ông bà, bố mẹ tôi trìu mến nhắc đến như những khung trời mang nhiều hình ảnh trữ tình, các kỷ niệm khó quên, bao xúc cảm thân ái trong tâm tư của họ. Nhưng đôi khi tôi cũng chỉ bước thật chậm để khứu giác vui thích phát hiện các mùi vị đặc trưng hay hương thơm dịu ngọt, lan tỏa từ các món ngon, đặc sản Hà Thành đang được chuẩn bị để bán mờ hàng. Và cũng có mấy lần, tôi loanh quanh không chủ đích, lơ đãng ghé vào chỗ bà cụ lọm khọm bán nước chè ở góc phố tối, nhẩn nha nhấp từng ngụm chè, nhìn làn hơi nóng nhẹ nhàng thoát bay vào các khoảng không vắng lặng giữa cảnh quan đìu hiu lạ lẫm như chưa từng biết, dù ngày nào cũng phải qua khu hàng phố đông đúc, nhộn nhịp này đề về nhà trọ. Phố Cổ giờ ấy đang mệt mỏi, cố nấn ná nốt thời khắc nghỉ ngắn ngủi còn lại, trước khi bắt đầu một ngày bận rộn mới.

Cũng có lúc tôi mơ màng thú vị với ý nghĩ được may mắn thảnh thơi đi dạo trên những góc phố xưa, qua các nhà cổ, nhìn đoàn tầu sớm vào ga, vòng lối đường cũ xem khu vườn ven hoàng thành. Thật mãn nguyện làm sao khi được lang thang những nơi mà tao nhân, mặc khách từng đi qua, từng lâng lâng dậy trào cảm hứng khi nhận biết vài sắc thái văn hóa đặc trưng hay ý thức được vẻ đẹp rất riêng của hàng phố, và đã xuất thần phóng bút thả đôi ba câu chữ, khúc nhạc, hay tranh vẽ, để lại những tác phẩm văn học độc đáo về Hà Nội như Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, Chuyện Cũ Hà Nội, Miếng Ngon Hà Nội, Thương Nhớ Mười Hai, Vang Bóng Một Thời*.

Và có một lần, đắm chìm trong bao bâng khuâng hoài niệm các câu chuyện về một thời đã qua của gia đình, ngay giữa đường phố nhiều sương đêm và gió lạnh, đang thong thả bước, tôi tưởng đã nghe vọng lại từ xa thẳm, tiếng những bước chân dạo phố mơ hồ của những người thân từ muôn năm cũ. Hà Nội có những giây phút bồi hồi mê ám lạ như thế.

Các ngõ đường quanh phố như vẫn còn ngủ yên. Phố vắng lặng, thỉnh thoảng mới có vài cô gái mặc áo len sậm mầu, chở đầy hoa trên những chiếc xe đạp cũ. Họ đạp xe chậm rãi, sương đêm hơi lấp loáng trên những nhánh hoa trong giỏ xe. Bóng họ nhập nhòa dưới ánh đèn yếu ớt trong không gian khô lạnh. Vẻ lam lũ tần tảo lặng lẽ của các cô hàng đã làm tôi nao lòng bâng khuâng nghĩ ngợi mãi sau khi phải từ giã Hà Nội đi thăm các nơi khác.

Những hôm Phố Cổ mờ ảo trong sương mù, lối đường dọc bờ đê sông Hồng từ ven đô vào lại càng như kỳ bí mê hoặc hơn. Vừa thoạt nghe tiếng đạp xe dè dặt, rất khẽ như ngại đánh thức hàng phố, thì thoắt cái, xe cùng giỏ hoa đã vút khỏi đoạn đường tù mù ánh đèn, chỉ để vang nhẹ lại nhịp xích khua cọc cạch khiến khách bộ hành phải hiếu kỳ ngó theo, vừa kịp thấy lẵng hoa di động biến hút vào khối sương đặc dầy phía trước. Trên đường, chỉ còn mơ hồ thấp thoáng phần sáng nhỏ trên chóp nón của cô hàng, ẩn hiện thêm vài chớp mắt, rồi mất hẳn, không còn dấu tích gì nữa. Vạn vật lại lặng lẽ chìm trong màn sương mù phủ che đặc dầy khắp nơi.

Tôi ngẫm nghĩ, giờ này đã lên đến trung tâm phố, có lẽ các cô hàng đã phải tất tả chuẩn bị cắt, chọn, phân chia, và gói từng bó hoa từ 3, 4 giờ sáng. Hôm trước, khi nói chuyện với một cô bán hoa ven khu Hồ Tây, tôi được biết phần lớn hoa bán lẻ của các cô đều trồng ở mấy làng ngoại thành, cách phố khoảng từ 5 đến 15 cây số. Hoa thu hoạch từ vườn nhà họ, vườn hàng xóm, hay được mua lại từ chợ phân phối hoa của làng. Nghe cô nói các làng hoa ven đô, mới êm đềm thơ mộng làm sao! Đã hai hôm rồi, tôi có ý tìm cô bé để nhờ dẫn đến thăm làng cho biết mà vẫn chưa gặp được. Có lẽ chiều nay tôi sẽ bỏ chuyến đi đã xếp đặt theo tour để đến Hồ Tây chờ cô thêm một buổi nữa vì sáng ngày kia tôi dự định lên thăm vùng đồi núi Tây Bắc, gần khu biên giới.

Cô hàng hoa ấy chỉ độ mười chín, hai mươi, có thể trẻ hơn, nhưng gương mặt phảng phất nét khắc khổ nên nhìn hơi chững tuổi hơn một chút. Mắt cô vẫn lấp lánh nét tinh nghịch học trò mỗi khi cười nói, lúc tôi hỏi mua hoa. Tôi cũng chẳng biết tại sao mình lại lân la trò chuyện với cô khi các khách du lịch cùng nhóm vui đùa tíu tít chụp ảnh quanh khu đền cổ hay trầm lặng ngắm nhìn phủ Tây Hồ. Có lẽ vì hình ảnh buổi chiều hôm ấy đẹp quá. Nắng hoàng hôn nhạt vàng lênh loang trải khắp hồ làm mặt nước, loãng xanh sắc cỏ úa cả khúc quanh ở lối cong đường bờ hồ, nơi cô gái đang dựng tạm chiếc xe đạp có hai giỏ hoa gồm nhiều nhánh cúc họa mi trắng xen lẫn vài loại hoa vàng, tím khác. Mái tóc cô xõa ngang vai, đôi mắt to đen, thấp thoáng nét đẹp nhu mì dưới vành chiếc nón lá quai tím. Tôi đã bị thu hút bởi khuôn mặt nhân hậu hiền lành luôn vui vẻ dịu dàng cười nói giữa những bó cúc họa mi trắng nhụy vàng, lác đác vài nhánh cỏ bướm tím. Bóng mát vòm cây rậm lá xanh. Không gian êm đềm trong buổi chiều ngày nước lên. Nước mênh mang sóng sánh đưa các khoảng trống lênh đênh về vô định. Đôi lúc, có khoảng lại ngược dòng loay hoay tìm mùa trôi tuổi thơ còn lách tách tiếng mưa làm bong bóng vỡ.

Tay thoăn thoắt tỉa nhanh mấy cái lá đã hơi héo, tiếng cô gái đều đều như thủ thỉ với tôi “Cháu sinh ra đã thấy hoa cô ạ, hoa hôm nào bán không hết, bà hay mẹ cháu cắm vào chiếc độc bình cổ trên cái bàn duy nhất giữa nhà. Nhà sáng thêm vì có hoa. Trên trang thờ cao hơn, nơi luôn ấm hương đèn, ngày nào bà cũng bầy hoa ngâu, hoa ngọc lan hay hoa dành dành mới; mấy loại hoa thơm dịu này nhà cháu trồng riêng trên một góc vườn cao, chỉ để cúng.” Câu chuyện của cô làm tôi nao lòng nghĩ ngợi bâng quơ. Ừ, thì tôi sẽ mua bó hoa về cắm trong phòng mình đang ở, để không gian được sáng thêm, biết đâu cũng làm nguôi ngoai bớt những u uất của nỗi buồn vẫn nổi trôi ám ảnh tôi mấy năm vừa qua.

Ngay lúc này, tôi rất muốn gặp lại cô hàng để kể mỗi khi nhìn những bông cúc họa mi trinh khôi từ vườn nhà cô, tôi có cảm tưởng không gian trong căn phòng tạm của mình đã ấm áp hơn, khác hẳn những hôm vừa đến sau chuyến đi dài từ Huế ra, tâm tư tôi đã triền miên bị buồn bã ám ảnh bởi những đoạn đường heo hút còn hằn nhiều dấu vết khổ đau của thời lửa đạn, chiến tranh.

Đôi lần, nhìn những bông hoa tươi tắn, đẹp nhu mì trong lọ, tôi còn có cảm tưởng như nhìn thấy cả đôi bàn tay cần cù, chịu thương, chịu khó của bà, của mẹ cô hàng khi họ chăm chút xới bón những bụi cúc họa mi đặc dầy nụ, lá trong vườn. Đôi chân nứt nẻ của họ cứ uyển chuyển qua lại, kĩu kịt quảy các vò nước, nhẫn nại tưới bón vun bồi các luống hoa quanh năm, suốt tháng. Họ chăm chỉ giữ vườn cho không bao giờ bị héo hon khát thèm nước hay thiếu thốn dưỡng chất cần thiết. Khắp vườn, đâu đâu cũng là những khóm hoa xanh mởn, thân cành chắc khỏe, đọt lá xum xuê, nụ biếc mọng tròn, chín mẩy như sẵn sàng bung nở hồn hậu vào ngày thu hoạch. Những ánh mắt hân hoan vui mừng của mấy người phụ nữ đứng tuổi khi dõi theo bao lẵng hoa tươi mát hương sắc, rực rỡ vẻ đẹp bội thu được cô bé và các cô bạn cùng rong ruổi chở mang thành quả mùa làng vào phố thị. Cũng có lúc, buồn làm sao, tôi chỉ thấy các đôi mắt ngơ ngác, lạc thần, đau đớn trong ngày giông bão mịt mù hay khi nước lụt trào dâng. Cây ngã, cành bay xơ xác mà họ bất lực không thể bưng hoa vào nhà hay đưa chúng lên mái sơ tán khi biển nước lênh loang lút tràn khắp nơi. Nỗi nhọc nhằn của họ khi phải buồn thảm nhổ từng bụi hoa chưa trổ nụ đã úa chết sau vài ngày tai bay, gió vạ. Những nét mặt bơ phờ, hốc hác, hằn sâu nét ưu tư lo lắng khi trực diện nguy cơ mất mùa, đói kém. Tôi cũng không ngờ những đóa cúc họa mi mong manh ấy lại khiến tôi tưởng tượng và nghĩ ngợi lan man nhiều chuyện như vậy.

Tôi ước được đến thăm khu vườn nhỏ của gia đình cô hàng để có thể xem tận mắt công đoạn gặt hái tiêu biểu của một gia đình tiểu thương trong làng nghề trồng hoa; Nhất là vào thời điểm họ đang mừng vui được bội thu cúc họa mi và cúc chi vàng. Đi thăm làng còn được xem cả những khóm cúc sao băng của mùa thu còn lác đác sót lại. Những cái tên cúc họa mi, cúc chi vàng, cúc sao băng như góp phần làm tăng thêm âm hưởng êm ái bình yên, hạnh phúc của mùa vàng chín trong thiên nhiên đất trời. Hương sắc hoa mang mùa thu, đúng hơn là những nốt nhạc thu êm ả, theo các cô hàng làm ngẩn ngơ nao lòng khắp các ngõ phố Hà Nội.

Đặc biệt, theo cô bé ấy, dạo quanh làng vào lúc này còn được miên man tận hưởng những thời khắc sảng khoái, thư giãn vì không gian ngập tràn hương thơm quyến rũ, dễ chịu của chè thuốc hoa cúc, thức uống thanh tao, đang được phơi sấy thủ công khắp làng. Chè hoa làm từ cúc chi vàng, hay gọi cao quý hơn là chè cúc tiến vua, rất được ưa chuộng bởi dân làng. Loại chè quê mộc mạc này luôn đậm ngát tinh túy hoa đã được cẩn thận, khéo léo ủ quyện cùng nắng, sương trong lành của đất trời, chỉ để dành cho gia đình dùng quanh năm. Từ lâu, người làng hoa đều biết cúc là thảo mộc quý, có nhiều dược tính đặc biệt hổ trợ sức khỏe con người, nên họ luôn chăm chút hoa vườn nhà rất cẩn thận, tránh dùng hóa chất độc hại; vì, một phần số hoa thu hoạch sẽ được biến chế làm chè uống giải nhiệt hay được phơi khô để tinh tế trộn thêm như một dược chất trong các thang thuốc truyền thống.

Tôi còn nghĩ đi thăm làng cũng là cơ hội có thể tương tác với các nghệ nhân, người làng đã mưu sinh nhiều đời bằng cách nới rộng, phát triển kỹ nghệ trồng hoa nhà vườn, mà ban đầu chỉ là thú tiêu khiển tao nhã ươm trồng, uốn nắn cây cảnh vườn nhà. Trao đổi với họ, biết đâu sẽ có thêm gợi ý hay chút thấu suốt về quan điểm hạnh phúc, trạng thái cảm xúc trừu tượng, luôn mạnh mẽ chi phối đời sống của tha nhân … khi cố gắng giải mã những lấn cấn vì sao người làng hoa vẫn an nhiên duy trì và tiếp nối nếp sống thanh cảnh, không dư dả, của cha ông họ.

Miên man trong những suy tư, nghĩ ngợi về các câu chuyện mộc mạc, trong lành mà cô hàng đã kể đã làm tâm hồn tôi thư thái an nhiên như đang được vui thú dạo quanh làng hoa của cô. Ở đó, nhìn bất cứ hướng nào cũng ngút ngàn các thửa hoa phong phú sắc màu, không gian thanh thoảng hương thơm, nhà nhà trong xóm đầm ấm hơi ngọt dược thảo; rất khác biệt cuộc sống công nghệ máy móc tân tiến ở các đô thị lớn mà tôi từng ngụ cư nhiều năm qua.

Tôi cũng được biết, hầu hết hoa bán trong phố đã đến từ các làng hoa truyền thống, đôi khi cũng từ những thảm hoa dại ngút ngàn vùng trung du, hay các cánh đồng hoa thương mại bất tận ở các tỉnh xa. Dù không được muôn mầu, đa sắc, hay ngoại cỡ như hoa được sản xuất đại trà trên các cánh đồng đã được cơ giới hóa, hoa đến từ các làng hoa truyền thống quanh phố như Phú Thượng, Tứ Liên, Quảng Bá,… vẫn là hoa được rất yêu chuộng và kén chọn đặt mua bởi nhiều nghệ nhân cắm hoa chuyên nghiệp.

Người Hà Nội cổ cũng thích mua hoa làng để thắp hương những ngày mùng một hay ngày rằm theo chu trình các tuần trăng. Hoa từ làng, tươi lâu và hương đậm thơm hơn, có lẽ vì được vun trồng kiểu thủ công vườn nhà, dinh dưỡng bằng tinh túy đất quê, bón xới theo các lề lối được cẩn thận truyền giữ, và được chăm chút bằng những nâng niu, thương yêu của gia đình chủ vườn. Có thể nói, mỗi đóa hoa trong làng, dù phù du mong manh hay mặn mà khuê các, lúc mãn khai, đều hiển lộ hương sắc hoàn hảo do những kết hợp hài hòa của thiên nhiên kỳ diệu và công sức cần mẫn chăm bón từ những đôi bàn tay khéo léo của người làng hoa.

Truyền thống ươm trồng, uốn nắn nhẹ nhàng để tạo các giỏ hoa cành lá tao nhã, thi vị ở các làng hoa cổ của một thời vang bóng như làng Ngọc Hà hay làng Hữu Tiệp, vẫn luôn được nhắc nhở với nhiều ngậm ngùi tiếc nuối trong tâm khảm người Hà Nội của thế hệ ông bà tôi. Thuở còn đi học, mấy ai trong nhóm nữ sinh chúng tôi không yêu thích và thương cảm Liên, cô hàng hoa đẹp nhân hậu, vị tha, tần tảo, và cũng đa đoan của làng hoa Hữu Tiệp trong tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” của Khái Hưng và Nhất Linh. Và cũng thú vị làm sao, tự bao giờ, hai làng hoa truyền thống này đã ngẫu nhiên đi vào các trang sách văn học được lưu truyền mãi.

Chuyện về làng hoa còn rất nhiều mà cô hàng ấy chưa kịp nhớ hết thôi. Ở không gian luôn thoang thoảng hương thơm và tràn ngập hoa tươi, mấy ai không có lúc bị thôi thúc muốn tìm hiểu về truyền thuyết của những đóa Vô Ưu (Vàng Anh – Saraca Acosa) luôn vươn cao an nhiên thoát tục trên vòm cây xanh ánh ngọc trong sân chùa, hay của các chùm hoa Bỉ Ngạn (Lycoris Radiata) rực rỡ, chỉ kỳ bí bung tỏa trên đầu các ngọn cây trơ trụi không còn lá. Vì sao có loại hoa, khi cơ duyên thuận hợp, có thể thần bí mang đến trạng thái yên bình vô lượng cho tha nhân, giúp họ dễ thăng hoa vào cảnh giới thiền tĩnh yên bình. Dân dã hơn, các loại hoa mang ý nghĩa như Hướng Dương thủy chung hay Tử Đằng thắm thiết đều được kể lại như đã xuất phát từ các truyền thuyết đề cao tình người. Qua thời gian, truyền thuyết được chiết xuất, gạn lọc, rồi giữ lại như các trầm tích căn bản trong sự hình thành văn hóa dân gian.

Trong không gian trùng trùng sắc không mờ ảo hương khói ngày lễ ở các đình chùa, tượng đài, hay lăng miếu, thì hương hoa cúng được trân trọng như mạch nối tâm linh dẫn truyền giao cảm giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi hư vô, nơi có ông bà tổ tiên, và có thể, vãng lai đến cả cõi giới tâm linh bao la, vô hình của trời đất.

Cuộc sống sẽ vô hồn loãng nhạt làm sao khi không gian lễ hội không còn nồng nàn hương thơm và lung linh sắc mầu của hoa tươi. Hoa không thể nào thiếu vắng trong tất cả các dịp hỷ, lễ, hiếu, tang của cuộc sống như Tết nhất, hội làng, đám cưới, ngày giỗ, đám tang… Và lòng tôn trọng cội nguồn, tổ tiên đã hướng dẫn chúng ta chọn hoa có hương thơm tinh khiết và sắc mầu thanh cao làm hoa nền trong các lẵng cây hay các vòng hoa cúng lễ. Hoa nền luôn được cẩn thận cắm tỉa, đơm kết hài hòa cùng với vài loại hoa lá phụ có mầu sắc trầm nhạt hơn, mang ý nghĩa an lạc, theo phong cách trang trọng cổ điển của từng lễ hội.

Những cô hàng hoa đã đi qua. Họ luôn là những hàng bán rong đến phố sớm nhất. Bóng tối vẫn thầm lặng bao trùm mọi nơi. Tôi bước chầm chậm qua những hàng quán còn đóng cửa nằm xen kẽ giữa các ngõ hẹp hút sâu. Và, thật ngạc nhiên kỳ thú làm sao, một phụ nữ còn khá trẻ, dáng dấp như cô Liên từ trang sách Gánh Hàng Hoa đang dịu dàng bước ra; chị chít khăn len mầu hạt dẻ, gánh hai thúng hoa cải vàng đang nhịp nhàng uyển chuyển bước về hướng chợ Đồng Xuân. Lẫn trong thúng hàng của chị còn lác đác vài chùm cẩm tú cầu mầu cốm xanh và hồng cánh sen. Gánh hàng hoa đong đưa qua lại khoan thai theo từng nhịp bước của chị, đều đều, nhẹ như đang lướt trong điệu múa ngày mùa của các cô thôn nữ. Trong chốc lát, thúng hoa vàng cũng chìm tan dần vào màn sương mù trước mặt, chỉ còn thoảng lại hương hoa cải dịu nồng và chút hư thực thơm mát của vị hoa nhài.

Nhất định trong thúng hàng của chị phải có mấy gói hoa nhài! Các gánh hàng hoa, theo mùa, đôi khi còn có vài gói hoa nhài, hoa ngâu, hay hoa bưởi để người ở phố mua về ướp mía, ướp thạch, hay ướp chè. Các chùm hoa thơm, ngắn cành được gói trong lá chuối, lá sen, hay hai, ba chiếc lá bàng chập lại, thành những gói hoa theo các cô hàng nhẹ nhàng thả hương quanh phố … Đại khái, cô bé hàng hoa bên hồ Tây đã nói với tôi như vậy. Câu nói gợi lại bao bồi hồi, xúc động về những ngày thơ êm đềm xa xưa của tôi. Cô làm tôi cay mờ mắt vì bỗng nhớ bà ngoại vô cùng.

Trong buổi chiều nhạt nắng bên hồ Tây hôm ấy, tôi tưởng như đã lại được thấy bà tôi đang cười nói, hít hà hương hoa thơm, tay nhẹ nhàng chọn mua gói hoa nhài mà cô hàng vừa kể. Tôi không sao quên được hình bóng bà nhu nhã, hiền dịu trong tấm áo dài nâu lác đác hoa văn chữ thọ, tóc vấn khăn nhung đen, chân mang đôi dép quai nỉ đơm nhiều hạt cườm ánh kim. Dáng điệu bà luôn thong thả khoan thai, từ tốn mỗi khi ra chợ chỉ để chọn mua hoa và trái cây cúng.

Đi đâu ra ngoài, chẳng bao giờ bà quên mua về một thứ quà nào đó cho đàn cháu háu ăn. Tôi nhớ rất nhiều lần bà đã mua vài gióng mía vỏ vàng hơi ánh sắc lá xanh, làm quà chợ cho chúng tôi. Khi nào mua được mía bà cũng mua thêm vài xâu hoa nhài. Người Sài Gòn gọi là hoa lài, hoa bán ở chợ thời đó được xỏ chỉ thành từng xâu, vài ba xâu thường được cột chung với nhau để treo bán. Tôi thường được bà giao cho việc tước hoa ra khỏi các vòng chỉ, rửa nhẹ bằng nước lọc, rồi hong thật khô. Trong khi ấy, bà cẩn thận róc vỏ, chi li cắt mía thành từng khúc nhỏ đều đặn, rồi lại tẩn mẩn chẻ mỗi khúc làm tư hay làm sáu thành những miếng chỉ độ bằng lóng tay trẻ con. Sau đó, tất cả những miếng mía được bà sao nhanh trong một cái nồi gang đã hơ qua lửa vừa nóng độ năm, bảy phút. Mía hơi tươm mật, ngậy thơm thì bà thả nắm hoa nhài đã khô vào, đảo nhẹ một vòng, rồi để thêm tờ giấy bản hờ hững trên mặt mía, trước khi đậy nắp ủ một lúc.

Thường sau giấc ngủ trưa ngắn của những hôm ấy, ngay khi thức dậy, tất cả chúng tôi đều rất vui mừng khi ngửi được mùi mật mía ngào ngạt khắp không gian, vị ngọt quyến rũ ấy hòa trộn hài hòa cùng hương hoa nhài dịu thơm, luôn nhẹ nhàng lan tỏa từ những miếng mía xinh xắn trong các ly thủy tinh được xếp trên bàn. Mỗi ly còn có sẵn cái ghim bà đã khéo léo tỉa từ khúc vỏ mía cứng. Đàn cháu xúm xít quây quần quanh bà, vừa nhâm nha nhai từng miếng mía thơm ngọt, vừa say mê hóng nghe những câu chuyện bà kể. Phần lớn vẫn luôn chỉ là các chuyện về vườn cây nhà hay chuyện lễ lạc, giỗ tết thời xa xưa ở ngôi làng khoa bảng vang tiếng, Đông Ngạc** ở huyện Từ Liêm, quê của bà. Tôi thích nhất câu chuyện về hoa bưởi của bà.

Biết bao buổi chiều hè ở Sài Gòn, nắng ngoài hiên nhà dịu dần theo vị ngọt mát của từng miếng mía thơm, giọng bà tôi êm đềm xa vắng:

Bao giờ cũng vậy, qua Tết là gần đến mùa hoa bưởi. Đầu tháng 3, thỉnh thoảng có hôm trời oi nồng, ban đêm hai chị em bà thích để hé cửa sổ phòng ngủ cho thoáng. Hương hoa bưởi ngạt ngào len vào khắp phòng, thơm như đang được ngủ dưới gốc bưởi ngoài vườn, thư thái vô cùng. Suốt hai, ba tuần trong mùa hoa, hai chị em ngày nào cũng được giao cho việc hái những chùm hoa bưởi trắng muốt, thơm lừng từ hơn mười cây bưởi trong vườn. Những chùm đẹp nhất, nhiều hoa và đủ cành lá, sẽ để riêng thắp hương trên bàn thờ. Hoa nào nguyên vẹn nhưng không còn cành lá thì một phần nhỏ để ướp chè, ướp mía, ướp trái cây, hay rải lác đác trên lớp bột sắn trong suốt của những chén chè hạt sen, phần còn lại để chưng cất thành nước hoa hoặc ngấu với đường làm mật hoa, để dành dùng quanh năm. Hoa để ướp chè chỉ tay con gái vườn nhà được chạm vào thôi, tránh nhạt vị chè xuân. Những hoa hơi héo dập hay không còn đủ cánh thì hai bà gom lại, thả thêm môt hai trái bồ kết đã được âm ỉ vùi trấu qua đêm, để nấu nước gội đầu. Hai chị em gội đầu lẫn cho nhau. Hoa bưởi cứ thơm mãi cả tóc chị, tóc em …”

Kể đến đấy, tiếng bà luôn nghẹn lại một lúc, rồi lại thờ thẫn tiếp “chẳng biết mấy cây bưởi trong vườn bây giờ có còn không nữa?

Chúng tôi cũng rơm rơm nước mắt thương những cây bưởi côi cút bị bỏ lại khi cả hai chị em bà lần lượt rời làng theo chồng vào hoàng thành Thăng Long định cư. Dù làng chỉ ở ngay ven thành, nhưng vào khoảng thập niên cuối của thế kỷ 19, ngoài việc đi lại phải dùng đường bộ băng rừng khó khăn, phụ nữ xuất giá thời phong kiến gần như chẳng được phép đi đâu xa khỏi nhà chồng, nên hai chị em bà cũng an phận không dám nghĩ đến việc về thăm quê nữa. Dần dà hai cậu em nhỏ của bà, như phần lớn các trượng phu khác trong làng Đông Ngạc, đều thành đạt ở trường thi rồi được bổ làm thương tá, tham tán phục vụ trong cơ sở của chính quyền thuộc khuôn viên hoàng thành. Từ đấy, tất cả bốn chị em của bà lập nghiệp luôn ở kinh đô, trở thành người Hà Nội hơn một nửa thế kỷ. Sau đó bà lại bỏ tất cả, kể cả chị và hai em, cùng bố mẹ tôi di cư vào Nam khi đất nước phải ngậm ngùi tuân theo các điều lệ quy định bởi bản hiệp định Genève được ký kết năm 1954.

Nhiều năm đã qua, bà tôi bây giờ chỉ còn là các hình bóng mông lung nhập nhòa xa vợi trong phần ký ức cũng đã đục mờ dần của tôi. Nhưng mỗi khi tình cờ nhìn thấy hoa bưởi hay bỗng chợt nghĩ đến bà, tôi vẫn tưởng như có làn hương bưởi tháng 3 ngày xưa đang quấn quít gần gũi bên tôi. Những lúc ấy, nhiều lần tôi nhắm mắt lại, từ từ hít một hơi dài, như tận hường túy hương dịu ngọt của hoa bưởi đã ngậm no sương đêm, hòa trộn thanh tao tinh tế cùng vị bồ kết nướng thơm, nhẹ nhàng thanh khiết, thoang thoảng từ suối tóc con gái óng mềm của bà thuở vừa có những bâng khuâng xao động vu vơ đầu đời.

VŨ THỊ NGỌC THƯ

Chú Thích:

*“Hà Nội Băm Sáu Phố Phường” là tập bút ký của nhà văn Thạch Lam, xuất bản năm 1943, viết về các món ăn và sự gắn bó của nghệ thuật ẩm thực với đời sống văn hóa-xã hội của Người Hà Nội.

“Vang Bóng Một Thời” là tập truyện ngắn và các bài tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1940. Truyên viết về nề nếp sinh hoạt thời phong kiến với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ.

“Chuyện Cũ Hà Nội” là tập ký sự đặc sắc mang nhiều dư âm lịch sử của Hà Nội được sâu sắc, trân trọng kể lại qua lời văn tinh tế, chắt lọc, yêu thương của nhà văn Tô Hoài. Xuất bản lần đầu năm 1986.

“Miếng Ngon Hà Nội” là tập tùy bút của nhà văn Vũ Bằng. Xuất bản lần đầu năm 1960.

“Thương Nhớ Mười Hai” là tập tùy bút của nhà văn Vũ Bằng. Xuất bản lần đầu năm 1972.

**Làng Đông Ngạc hay làng Kẻ Vẽ, thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội từ năm 1948. Thời phong kiến làng có gần 90 người đỗ từ bảng nhãn đến cử nhân. Làng Đông Ngạc là một làng khoa bảng nhất nước về đại khoa với 9 vị tiến sĩ phó bảng và nhì cả nước về số đậu cử nhân (42 vị) dưới triều Nguyễn. (theo Bùi Duy Tâm trong bài Làng Đông Ngạc Kẻ Vẽ trên http://buiduytam.com/lang-dong-ngac-ke-ve/)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search