T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Thị Ngọc Thư: Hoa Nắng

Nữ Sinh – Tranh: HÀ HUỲNH MỸ

Câu chuyện sắp được kể trong những trang dưới đây gồm một số ký ức nhiều yêu thươngcủanhững ngày thángấm êm,ngọt ngào  ở Sài Gòn của Nụ, đứa bé di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn từ khi còn rất nhỏ. Vào Nam, Nụđã được ở Sài Gòn suốt những năm niên thiếu nhỏdại, trước khi lênh đênh xa xứ gần cả cuộc đời còn lại. Những năm ngắn ngủi được ở quê nhà là quãng thời giancónhiều cánh thơ bay, hoa nắng thơm hương, và giấc mơ nguyên xuânmượt mànhất của Nụ. Chuyện về Nụ được bắt đầu kể từ bài Hạt Mưa Ký Ức.

Trường Tiểu Học Phan Đình Phùng

Độ một tuần sau khi định cư ở Sài Gòn vào tháng 10 năm 1954, anh Cường bắt đầu vào lớp Năm ở trường tiểu học công thuộc khu Bàn Cờ. Mấy năm sau, lúc Nụ được nhận vào học thì trường chính thức được đặt tên là Phan Đình Phùng.

Thời đó, trườnglà căn nhà gạch một tầng, khá lớn,sân rộng, mái ngói nâu. Cổng trường có hai trụ đá xây cao, bêntrêntreo bảng tên trường. Qua cổng là một lối đi tráng nhưa, rộng rãi dẫn vào khuôn viên trường thoáng mát bóng cây. Đầu cổngvào là phòng ông hiệu trưởng, rồi đến phòng họp của giáo viên. Các lớp học nằm bao quanh một sân cỏ lớn. Giữa sân có cột cờ đặt trang trọng trên một bệ ciment nhỏ, nơi học trò các lớp phải tụ tập xếp hàng chào cờ hàng ngày. Gần cột cờ là cây hoa phượng xum xuê cành lá, vòmtỏa xanh mát, che rợp cả một khoảng sân rộng. Chung quanh gốc phượng là tụ điểm chơi đùa được ưa thích nhất của học trò vào mỗi giờ ra chơi. Lần nào nhìn cây phượng, Nụ cũng nhớ cây sung ở sân nhà ngày xưa, dù quả phượng dài dẹp, mầu nâu đen nhìn giống trái bồ kết của u già, không tròn đẹp, xinh xắn, nhiều mầu sắc như những quả sung. Nhưng hoa phượng khi vào hè lại nở từng chùm, đỏ thắm, vô cùng rực rỡ.

Từ khi anh Cường đi học, ngày ngày bố mẹ dù bận rộn thế nào cũng vẫn để ý xem xét tập vở của anh, kiểm tra nhắc nhở anh học bài mỗi buổi tối, và cũng luôn nhiệt tâm theo dõi sinh hoạt ở trường, hỏi han các thông tin về thầy giáo và bạn bè cùng lớp của anh. Những ngày ấy, Nụ thơ thẩn chơi một mình trên sân thượng ở mặt sau nhà, thuộc phần cuối của tầng hai nhìn xuống ngã ba có xưởng đúc, nơi thỉnh thoảng trong ngày có tiếng động cơ khá ồn ào của máy móc. Hàng ngày, bà ngoại dẫn anh Cường đi học, và bất cứ khi nào bà chuẩn bị rời nhà mà thấy Nụ đã đội sẵn mũ ngồi chờ, bà cũng luôn dẫn cả Nụ theo. Vì thế, dường như ngày nào Nụ cũng được theo bà và anh Cường đến trường. Chiều chiều, bà thường dẫn Nụ lên chùa Linh Chưởng thắp hương, lậy Phật. Bà luôn cung kính cắm hoa, sắp lễ cúng lên bàn thờ chánh điện, giúp chăm bón vườn cây, và khi rảnh rỗi, cũng chuyện vãn với các ni sư, bà vải. Bố Nụ làm công chức, ngày hai buổi đi về, mức lương ổn định có phụ cấp và trợ giúp y tế hào phóng mỗi khi người trong gia đình phải nhập viện chữa trị. Mẹ sinh thêm các em nhỏ. Cuộc sống bình lặng trôi. Nụ lớn dần.

Mấy năm sau Nụ bắt đầu đi học. Vào khoảng thời gian này mọi người trong nhà đều cố tình không gọi tên Nụ nữa. Nụ đã thành Thi hay chị Thi theo như người lớn và các em trong nhà gọi. Và khi Thi lên lớp tư thì cả nhà như đã quên hẳn cái tên Nụ, chỉ trừ bà ngoại, những khi lẩn thẩn xa vắng chìm trong thế-giới-ngày-xưa rất riêng của bà, vẫn luôn gọi Nụ cho đến ngày bà cháu phải xa nhau vĩnh viễn. Không được nghe ai kêu là Nụ nữa cũng làm Thi man mác buồn, nuối tiếc như bị mất một thứ gì rất quý, đã từng thân thiết gắn kết không rời.

Những năm ở trường tiểu học Phan Đình Phùng của Thi khá mờ nhạt. Đúngra thìhơn một nửa quãng thời gian này, Thi cũng phải sống xa xứ, nên ký ức về thời tiểu học ở Sài Gòn rất ít ỏi, không có gì đặc biệt, rồi loãng phai dần, chỉ còn phảng phất mơ hồ trong tâm trí. Có lẽ những ngày đó phẳng lặng bình yên quá nên Thi chỉ loáng thoáng nhớ sân trường có cây hoa phượng to lòa xòa bóng lá, nơi Thi hay nhẩy lò cò với hai bạn cùng bàn ở lớp là Thoa và Vân. Và Thi đã được học với hai cô giáo người Sài Gòn, cô Tâm dậy lớp tư và cô Hạnh dậy lớp nhất. Cả hai cô luôn nhỏ nhẹ dịu dàng gọi học trò là con, nghe thân thương, dịu ngọt vô cùng. Cô Hạnh, nghiêm và khó hơn, có cái roi mây, bề bảng bằng đầu chiếc đũa to dùng xào nấu đồ ăn và bề dài cỡ bằng cây chổi lông gà. Trò nào không thuộc bài hay làm toán sai đều bị cô khẻhai cái vào bàn tay trái.

Thời gian đó, Thi chưa bao giờ được nhận bảng danh dự, nhưng vẫn nhớ năm lớp nhất, Thi rất thích mỗi khi cô Hạnh cho làm “toán chạy”, một hình thức thi đua để xác định khả năng giải bài đúng và nhanh của học trò trong lớp, Thi đều đều được hạng nhì mỗi khi được thi như vậy, và thỉnh thoảng may mắn trúng tủ, cũng vơ được hạng nhất.Thi ít viết sai chính tả, nên có thể vì thế mà điểm tập làm văn của Thi cũng thường được trên trung bình. Tuy nhiên, Thi luôn bị ngắc ngứ, không thuộc hết bài, không thể đọc trôi chảy trơn tru như các bạn khác mỗi khi bị gọi lên bảng “trả” các bài Sử Ký, Địa Lý, Vệ Sinh Thường Thức, hay Công Dân Giáo Dục, nên hạng điểm tổng kết tất cả các môn học của Thi chỉ ở mức trung bình trong lớp. Sau này, Thi nhận ra có lẽ vì hơi khá toán và ít vướng lỗi chính tả khi làm luận văn nên Thi đã dễ dàng trúng tuyển kỳ thi vào đệ Thất của trường Trung hoc Gia Long, vì đề thi thời đó chỉ gồm một bài luận văn và hai bài toán đố.  

Lần cuối bố dẫn Thi vào trường Phan Đình Phùng chào từ giã thầy hiệu trưởng và các cô giáo, Thi đã rất hãnh diện khi cùng 2 bạn cùng lớp nữ và 5 bạn bên lớp nam, đều trúng tuyển vào các trường Trung Học Công Lập ở Sài Gòn niên khóa 1961-1962, được lên nhận quà từ ban giám hiệu, mỗi người một chồng sách thiếu nhi. Chồng sách của Thi gồm có những quyển truyện vô cùng đáng yêu mà Thi vẫn còn nhớ như Tâm Hồn Cao Thượng [1], Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, O Chuột, Chim Chích Lạc Rừng [2], vàTruyện Cổ Tích Việt Nam. Những câu truyện sôi động, hào hứng, thú vị trong các tập sách thiếu nhi đặc biệt này đã giúp Thi có được những ngàyhết sức êm ả, vui nhộn trong suốt thời gian hè nhàn hạ còn lại của năm cuối bậc Tiểu Học. Nhưng cũng có đôi ba truyện từng làm Thi buồn bực,cáu giận vì sự vô tâm, láu lỉnh, hay ngờ nghệch của các con thú đoảng như mụ Ngan hay em Chích Bông [3]. Thi đã nghiền ngẫm đọc đi, đọc lại nhiều lần tất cả mười mấy quyển sách và đã rất yêu thích, luôn cười, khóc theo những nhân vật trẻ con, chim chóc, ngan gà, chó mèo, giun dế trong các truyện về loài vật vô cùng hài hước và giàu tình cảm của nhà văn Tô Hoài. Tất cả những con vật ngộ nghĩnh hồn nhiên trong truyện, dù thật thà chăm chỉ, đáo để gian tham, hay mưu mô xảo quyệt, đã luôn lảng vảng rất trìu mến, thân thương trong tâm trí Thi bao năm tháng đầu ở bậc Trung Học.

Vườn Mai Ngậm Sương

Thi không sao quên được những ngày đầu tiên đi học ở trường Gia Long. Trời tháng 9, nắng hanh vương nhẹ trên nhiều đoạn đường rợp bóng cây dẫn về trường; Không gian dịu mát dễ chịu hơn bao ngày oi ả nóng nực của mùa hè thành phố. Buổi trưa ngày tựu trường, Thi được bố chở đi học bằng xe đạp. Ngồi trên porte-baggage đằng sau xe, ngượng nghịu trong chiếc áo dài trắng còn phảng phất hương lụa lanh thơm mát, Thi băn khoăn nghĩ ngợi về trường, lớp mới, và vừa lúng túng ôm cặp, vừa vụng về giữ tà áo không để bị bay cuốn vào bánh xe. Tâm tư Thi hơi bất an, lo ngại không gặp được bạn bè quen ở trường và cũng vu vơ sợ bị xếp vào lớp được dậy bởi thầy, cô khó tính. Như đoán được tâm trạng của Thi, bố huyên thuyên nói chuyện, dặn dò nhiều thứ, nhưng Thi chỉ dạ, vâng qua loa vì đang tự lự với bao âu lo, nghĩ ngợi. Đôi khi Thi cũng hơi bực mình vì hai tà áo như luôn tinh ranh đùa nghịch, nhúng nhắng rong bay ngược xuôi theo gió làm Thi phải để ý nắm giữ, không thoải mái như khi mặc áo ngắn. Thi không ngờ lần đầu tiên mặc áo dài lại hơi phiền hà như vậy, nhưng vẫn cố gắng cẩn thận ngồi thật yên trên xe để không gây khó khăn cho bố.

Bố chở Thi chầm chậm qua mấy đoạn phố quen gần nhà, qua ngã tư Lê Văn Duyêt rồi vào đường Phan Thanh Giản rợp bóng hai hàng cây sao rì rào tiếng gió, trước khi ngừng lại ở ngôi trường mái đỏ, rất lớn, thanh thoát nổi bật trong vẻ đẹp cổ điểngiữa bốn con đường nhiều cây cổ thụ xanh mướt. Khu phố tĩnh mịch, vắng xe qua lại. Nhìn từ bên ngoài, vẻ đẹp của trường như còn tiềm ẩn sự tự hào tiêu chuẩn, phong cách văn hóa, và vị thế uy tín của một cơ sở giáo dục công, tiêu biểu của miền Nam. Một trường học truyền thống mang trọng trách giáo dục để nâng cao trình độ văn hóa theo tiêu chí toàn mỹ các phẩm chất: thông tuệ, chính trực, đạo đức; Và chu toàn các phương châm: nhân bản, dân tộc, khai phóng [4] của đất nước. Sự khẳng định trang trọng này Thi đã đọc trên các văn bản của trường nhận được cùng tờ chứng chỉ trúng tuyển kỳ thi vào Đệ Thất. Đặc biệt hơn nữa là ngôi trường danh giá, nổi tiếng này chỉ dành cho nữ sinh; nên sự hiện diện của trường giữa trung tâm thành phố đã biểu hiệu phần nào ý thức bình đẳng giáo dục nam, nữ ở thời buổi mà nhân quyền của phụ nữ trong xã hội Việt Nam chưa được nhà nước thật sự lưu tâm.

Mặt tiền trường nằm sâu sau bờ tường rào thấp, bên trên có thêm hàng chấn song ngắn, thưa, nên nhìn từ ngoài, sân trước luôn thấp thoáng hàng hoa sứ trắng, cành dáng đài trang, dịu dàng thả hương; và xen kẽ là mấy bụi trắc bách diệp được chăm tỉa gọn gàng. Bên ngoài, các lối gạch quanh trường luôn miên man tiếng gió, thoảng baythanh âm những tiếng cười con gái trong trẻo, hồn nhiên. Bờ rào trường được cố định bằng các trụ gạch trang trí vuông, cách quãng đều nhau, vững chắc. Những thiết kế hình học thẳng, đều, vuông, kiên cố; đặt cùng cây cảnh thanh tao sắc mầu, nhìn như kiểu mẫu một mô hình giàu tiềm năng phát triển, dành cho thiếu niên, nơi mà nguyên tắc giáo dục và căn bản đạo đức luôn được duy trì nghiêm túc. Kiến trúc tổng thể bên ngoài của trường nhìn rất hài hòa, mỹ thuật.Nét đẹp trang trọng cổ điển cũng gợi cho người qua đường đôi phút bâng khuâng hiếu kỳ về các thông điệp ẩn sau những đường nét kỷ hà được khắc họa tinh tế trên vòm cổng, khung cửa sổ, và các bờ tường ở mặt trước của trường.

Chiều hôm ấy và một số buổi chiều nắng đẹp sau này, dường như có những khoảnh khắc trên vách tường trống bên phải mặt tiền của trường đã bất chợt dấy lên một phiến nắng óng vàng trong vắt. Ở đó lung linh khúc xạ hình chiếc vòm cong bên trên cẩn hai cung ngói mầu trang trí từ cửa sổ một lớp học, thoáng nhìn như bóng một chiếc hồ bán nguyệt có bờ thành dát gốm đá xưa. Nhập nhòa hư thực trên phiến nắng, mặt nước sóng sánh của hồ còn dập dờn phản chiếu dải mây trắng lơ lửng giữa bầu trời xanh. Hình ảnh khơi gợi câu chuyện huyền thoại về cái hồ Tiên thoáng ẩn, thoáng hiện này, người nào trong nhóm bạn Thi, sau này, cũng đã được nghe, và đã bao lần những ánh mắt phượng ngây ngô của họ từng kín đáo mải mê tìm kiếm không chỉ cái hồ Tiên mà còn cả khu vườn Thúy trữ tình, được nghe kể trong giờ học thơ Kiều, khi đã lên lớp cao hơn. Nỗi tò mò càng tăng gấp bội vào những buổi trưa sân trường thấp thoáng những vạt nắng lạ, màu sắc trong hơn và hồng hơn, đẹp lạ kỳ. Mẩu chuyển hư ảo lắm nghi vấn này đã từng làm tâm trí bầy con gái lau hau tuổi 11, 12, 13 băn khoăn, mê mẩn bao năm tháng êm đẹp ở trường. Như biểu cảm sự đồng tình với câu chuyện ngộ nghĩnh trẻ con đó, những đốm nắng vàng trên lối gạch dưới chân Thi cũng đang hồn nhiên vui tươi nhảy múa. Chừng như, có làn gió lang thang lạc lối trong buổi tựu trường êm ả ngày hôm ấy, thỉnh thoảng đã la đà chậm lại, dò tìm âm hưởng khúc sáo trạng nguyên, thanh thoátmơ hồ thả từ ngày hội Chữ thuở trường thi còn dập dìu lều chõng.

Trước cổng trường đông vô kể học sính, ai cũng thướt tha tà áo trắng còn óng sắc tơ, thơm hương lụa mới. Nhìn mọi người, Thi bỗng hơi tủi thân, mắt ngân ngấn nước, tự ti quá nhỏ bé vì đang đứng trong nhóm học sinh Đệ Thất, lớp thấp nhất của trường. Hơi lạc lõng, Thi lơ đãng đưa mắt nhìn quanh, hướng nào cũng chấp chới những tà áo tung bay ngợp trắng cả hai, ba đoạn phố lân cận khuôn viên trường, nhưng nhiều và đông nhất là nhóm học trò mới đang háo hức chờ trước hai cánh cửa cao ở cổng chính của trường, vẫn còn đóng. Không gian mênh mang nắng vàng ấm áp.Tiếng chuyện trò vui tai của những người bạn cũ gặp lại nhau cứ râm ran rủ rỉ từ các nhóm học trò Đệ Lục hay Đệ Ngũ. Chẳng tìm thấy ai quen, Thi đành tiếp tục vơ vẩn nhìn quanh, bỗng nó ngỡ ngàng chú ý đến hai tà áo tơ bay quấn quít theo một chị, có mái tóc chấm vai thật đẹp, đang đi từ góc đường Đoàn Thị Điểm rực rỡ nắng về quãng nhiều bóng cây, nơi Thi đứng. Lạ vô cùng vì tà áo chị chơi vơi kỳ ảo như không thật, đang vừa như dải voan trong suốt, óng ả loáng ánh bạc chao lượn giữa nắng vàng, bất chợt lúc đến dưới bóng mát, đã như thành chiếc khăn san trắng, nhu mì dịu dàng buông lơi trong heo may của một mùa thu nào đã vời vợi xa. Cây lá lao xao, lối đường như còn vương nhẹ hương hoàng lan dịu quen từ tà áo lụa hay dải khăn san đangngập ngừng bối rối trên bờ vai cô nữ sinh Sài Gòn. Đẹp đến nỗi, trong thoáng chốc Thi quên cả việc dấm dẳng với hai tà áo bay lượn phiền hà của nó.

Đang vẩn vơ tìm thêm mây, gió trong các tà áo bên cạnh thì bố xoa đầu Thi, vẫy tay dặn dò lúc về phải đứng chờ bố đón ở góc đường bên chùa. Hồi trống mở cổng trường bắt đầu năm học mới vừa trang trọng vang lên. Thi nao nao ngơ ngẩn nhìn theo dáng bố dắt xe đi, rưng rưng nhớ đoạn thơ có câu thỉnh thoảng bố hay ngâm nga ở nhà, partir c’est mourir un peu,[5], lòng bâng khuâng ngổn ngang tâm trạng của ngày đầu tiên bước vào ngôi trường trung học quá lớn.

Nhóm học trò Đệ Thất được cô giám thị hướng dẫn đến xếp hàng ở khu dành riêng cho từng lớp trong nhóm. Niên khóa 1961-1962 có 14 lớp Đệ Thất, các lớp Thất 1 đến Thất 7 thuộc ban Anh Văn; Thất 8 đến Thất 14 thuộc ban Pháp văn. Thi vào hàng với các bạn cùng đệ Thất 6 năm ấy. Mọi người đều có chút e dè, ngỡ ngàng khi được cô giáo hướng dẫn chỉ định một ai đó vào xếp hàng cùng, nhưng đều thân thiện chúm chím cười làm quen ngay với người bạn mới.Thi được xếp hàng với Thủy, cả hai ngập ngừng cười chào nhau và tự giới thiệu tên. Như định mệnh, từ hôm đầu tiên ấy cho đến hết bốn năm trung học đệ nhất cấp, Thi đã luôn ngồi cạnh Thủy và từ tuần lễ thứ nhì năm Đệ Thất, cả hai và các bạn Thìn, Vinh ngồi bàn bên trái, ngày nào cũng đi học với nhau vì tất cả đều ở quanh quẩn xóm trên hay xóm dưới trong khu Bàn Cờ, và nhà này cách nhà kia chỉ vài blocks đường. Trong xóm còn có vài chị lớn hơn học cùng trường, bọn Thi thường đi theo họ, cả đoàn sáu, bẩy cô bé tung tăng như đàn bướm trắng, ríu rít chuyện trò cười nói. Bao đốm nắng vàng đã theo hóng chuyện đàn bướm khắp các hè phố quen dẫn về cổng trường những năm tháng vô tư êm đềm ấy.

Từ buổi học đầu tiên, các cô học trò Đệ Thất đã được nghe hướng dẫn vềý nghĩa hoa mai vàng, biểu tượng của trường. Tất cả đều được phát huy hiệu màu xanh trên có đóa mai vàng rất xinh, đặc biệt dành cài lên áo dài mầu xanh vào các ngày lễ phải tham dự diễn hành; thêm hai phù hiệu bằng vải nền trắng có thêu đóa mai xinh xắn cạnh tên trường bằng chỉ mầu đỏ và được dạy cặn kẽ cách đơm phù hiệu lên gò áo dài trắng, đồng phục mặc hàng ngày. Cô Huỳnh Thị Nữ, giáo sư hướng dẫn lớp Thi và cũng phụ trách môn Việt Văn, đã dạy hoa mai vàng là hình tượng cao quý ẩn dụ cho khả năng tiếp nhận chân lý của con người. Hoa mai còn tượng trưng cho đức trung thực, tính can đảm, lòng kiên trì, và sự phú quý nên học trò của trường sẽ được đào tạo thành những người có tâm, tài, đức, hữu ích cho đất nước, dân tộc.

Năm Đệ Lục, cô Thân Thị Tố Tâm, giáo sư Việt Văn người Huế, còn thỉnh thoảng trìu mến gọi học trò của cô là những nụ mai nhỏ trong vườn Hạnh, vườn Xuân. Và Cô đã giải thích vườn Hạnh là nơi chỉ có hạnh phúc, bình yên, thương yêu dành để ươm dạy, chăm chút những búp mai xinh đẹp. Hoặc diễn tả như cô Hiếu Hạnh, giáo sư hội họa khi nghe bọn Thi thú vị kể lại lời cô Tố Tâm, thì vườn Hạnh được cô họa sĩ phác họa là nơi rất bình yên, muôn thuở thì thào gió nhẹ, nắng hồng, lá rơi, mai chúm chím, tươi mát trong cõi vànglừng vang tiếng chim hót. Những câu nóiân cần ngọt ngào mang ý hướng xác định và đề cao năng lực học trò của các thầy cô giáo đã là các khích lệ lớn lao, tích cực giúp các cô gái nhỏ nảy nở sự tự tin,cố gắng hành xử theo khuôn phép, quan tâmtrau dồi đức hạnh, và phát triển tinh thần nhân ái để trở thành người hiểu biết, trân trọng lễ nghĩa, chuyên chú học tập, và thương quý thầy bạn.

Những nguyên tắc căn bản về sinh hoạt học đường được nghiêm túc chỉ dạy từ những ngày vừa vào trường và thường xuyên được nhắc nhở bởi các thầy, cô hướng dẫn lớp, vào mỗi đầu năm học mới hay sau khi tổng kết thành quả kỳ thi lục cá nguyệt của cả lớp. Thời ấy, học trò rất thương quý, nể trọng, vâng lời thầy cô, và rất chăm chỉ học hành, luôntích cực giúp đỡ bạn bè và tham dự những hoạt động từ thiện do trường tổ chức. Thêm vào đó, còn được huấn luyện để có ý thức trách nhiệm, tinh thần đồng đội nên học trò rất đoàn kết, nâng đỡ nhau tận tình mỗi khi được trường tuyển hay chỉ định tham dự các cuộc thi đua liên trường hay toàn quốc, như Văn Chương Phụ Nữ hay Nữ Công Gia Chánh. Học trò của trường thường xuyên đạt được những thành quả danh giá trong nhiều cuộc thi đua nổi tiếng của thành phố Sài Gòn thời bấy giờ.

Nhắc về trường mà không kể đến các gánh me, mâm cóc; các mẹt mía ghim, keo chùm ruột; hay các xe cóc có tủ kính bán đu đủ bò khô, bò bía, đậu đỏ bánh lọt, vàbao gánh rong quà vặt quanh trường là một thiếu sót khi diễn tả nếp sinh hoạt của những cô nữ sinh Sài Gòn tuổi 13, 17 lúc đó. Con đường nhỏ sát chùa Xá Lợi ở đối diện trường bên ngã đường Bà Huyện Thanh Quan là nơi tụ tập của các hàng quà vặt đáng yêu này. Các cô học trò  thích từ vợ chồng chú thím xẩm lai bán đậu đỏ, đậu xanh bánh lọt với tiếng đá bào loạt xoạt liên tục vừa vui tai, vừa tung rảibao hạt đá trong veo mát rượi như những hạt cườm thủy tinh lóng lánh lên tà áo của đàn bướm xúm xít ăn hàng; Thêm chú Ba lắc cắc tiếng múa kéo cắt bò khô thoăn thoắt thả vun lên mấy đĩa đu đủ sợigiònthơm vị ớt, kích thước mỗi đĩa chỉ cỡ lòng bàn tay người lớn; Nào bà Bẩy có thẫu me ngào óng lịm màu mật ong và những chiếc bánh phồng giòn rụm; Có chị Hai bán những xâu chùm ruột vàng ươm ngâm chua ngọt thơm lựng vị cam thảo, nhìn rất quyến rũ trong cái keo thủy tinh kềnh càng trong suốt mà có lẽ cả nhóm con gái ngồi quanh xúm lại cũng không thể xê dịch nổi. Nhưng trội nổi hơn cả là mâm cóc phủ phê đầy vun của thím Mười; Tất cả các quả cóc thơm, ửng hườm trên mâm đã được cẩn thận tỉa thành những búp hoa có cánh múp míp, và quanh mâm còn­ có những mảnh lá chuối rất nhỏ đã xếp sẵn thành hình phễu xinh xinh để đựng mắm ruốc hay muối ớt phụ kèm từng đóa cóc xanh giòn. Mâm luôn ăm ắp những búp hoa cóc mẩy căng năm, sáu cánh xanh mướt… Nhưng chỉ gần cuối năm, giữa mùa cóc, mới được thưởng thức những đóa cóc tươi giòn mê ly như thế thôi, lúc trái mùa thì thi thoảng lắm mới thấy thím Mười đến với hai keo cóc ngâm chua ngọt, nhưng toàn trái nhỏ, không thoảng hương the chua rất riêng, rất đặc biệt trong không gian dịu mát, hơi se lạnh của những ngày cuối năm.

Thi không hiểu tại sao chỉ những năm học buổi chiều, thời còn thuộc ba cấp lớp nhỏ nhất của bậc Trung học: Thất, Lục, Ngũ, thì những món quà vặt mới có vị ngon đặc biệt như thế. Khi lớn hơn, học buổi sáng, tự nhiên cả bọn ít dám thường xuyên ngồi lê ăn quà quanh trường nữa, chỉ thỉnh thoảng góp tiền, bốc thăm chỉ định một, hai bạn trong nhóm mua đem vào sân trường, rồi cùng chia nhau nhâm nhi trên mấy băng ghế đá hay nơi gốc phượng ở sân thể thao góc sau trường. Nhiều lần trong những lúc đó, cả bọn đều ngơ ngẩn nhớ những buổi chiều nắng mật vàng ong, vừa ngậm me hay nhai cóc, vừa quan sát mầu sắc của mấy loại mận trong thúng này hay các nhánh chùm ruột tươi vàng ở mẹt kia, và bên tai luôn vang vang nhiều tiếng nói, đằm thắm nhỏ nhẹ của người bán, kẻ mua, rất quen. Bao giờ những âm thanh rộn rã trong trẻo đó cũng hòa trộn nhiều tiếng cười vui nhộn và lấp lánh những giọt nắng hồng của ký ức ăm ắp hạnh phúc. Trải nghiệm yên bình, dễ chịu như khoảnh khắc được nhìn muôn vàn mảnh kim tuyến lung linh theo nhau rơi phủ khắp không gian, lay tỉnh toàn cảnh vật đã êm ái ngủ yên trongquả cầu trang trí bằng pha lê. Những ngày thơ dại đẹp như trong truyện cổ tích; Và ở đó, bạn bè, thầy cô, trường lớp, hàng hoa sứ, lối gạch quanh trường, vòm phượng rực rỡ vào hè … dù không còn là một thực thể để được trở về trải nghiệm thêm nữa, nhưng vẫn âm thầm quyến luyến, nhẹ nhàng ru êm, bâng quơ ẩn hiện; lúc rộn rã vang động, khi nhẹ nhàng bông bênh, trong bầu sáng ấm áp bao dung, che chở, rất yên bình.

Năm lên đệ Tứ, để chuẩn bị thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, Thi theo Thủy, Thìn, Vinh và vài bạn nữa ghi danh học luyện thi về Toán, Lý, Hóa. Từ đó, buổi sáng học ở Gia Long, và ba buổi chiều trong tuần, phải đi học thêm, mỗi buổi khoảng 2 giờ, ở trường Nguyễn Huệ, một trường tư ở trên đường Công Lý. Trường luyện thi này được dạy bởi giáo sư Bùi Hữu Đột và con trai của thầy là giáo sư Bùi Hữu Chỉnh. Nhiều học sinh trung học ở Sài Gòn thời đó đều biết thầy Bùi Hữu Đột là giáo sư dậy toán rất nổi tiếng. Trường Nguyễn Huệ ở khá gần phố Lê Lợi thuộc khu trung tâm Sài Gòn, gần chợ Bến Thành.Cả bọn Thi đều rất thích các buổi học thêm này, vì không khí lớp học không bị nhiều áp lực, không phải cố gắng để đạt điểm trung bình hoặc khá hơn trong các bài tập, không phải thi lục cá nguyệt.Và có lẽ vì tinh thần được thoải mái, nên bài vở ở lớp học thêm của bọn Thi lại luôn có kết quả khá hơn so với điểm số ở lớp học chính, nơi luôn phải cố gắng để giữ được thứ hạng cao trong lớp.Những buổi học này còn tạo cơ hội được rong chơi vui nhộn cùng bạn bè, rất thú vị. Lớp học thêm tan vào 4 giờ chiều, nắng vẫn lưa thưa vàng dưới hai hàng cây nhiều bóng mát. Cả nhóm nhẩn nha rủ nhau đi bộ từ trường Nguyễn Huệ về trung tâm phố và hay ngừng lại khá lâu ở ngã tư rẽ vào đường Lê Lợi, nơi có nhiều sạpbình dânnhỏbán báo và những kiosque đẹp bán sách, trưng bày mỹ thuật thu hút hơn.

Các bạn của Thi thích la cà ở khu này để xem bìa những quyển sáchbầy trên kệ và những tờ nhạc nhiều mầu sắc. Ngắm nhìn những khuông nhạc với bao nốt dặt dìu bay nhẩy lên xuống, mà tưởng như được nghe âm điệu thánh thót của những bài tình ca đã được nhà văn Nguyễn đình Toàn trau chuốt diễn giải trên chương trình Nhạc Chủ Đề vào những tối Thứ Năm. Đại khái, theo nhà văn, dó là những khúc hát bao gồm sự phối hợp tuyệt diệu của lời (thơ) thể hiện xúc cảm trữ tình và nốt nhạc đan lượn thanh âm trầm bổng.

Những bản nhạc dịu êm, lời ca mượt mà đã tích cực giúp đời sống tinh thần của những cô gái nhỏ được phong phú, thi vị hơn.Bìa các tờ nhạc luôn có tranh minh họa mỹ thuật vừa lạ mắt, vừa sắc sảo, màu sắc đẹp trang nhã. Bấy giờ, dù rất thích, nhưng chẳng ai có tiền để tiêu pha cho món hàng xa xỉ đáng yêu này, bọn Thi chỉ có vài đồng mẹ cho vừa đủ mua me, mua cóc nên chưa bao giờ có khả năng mua bán bất cứ thứ gì mỗi khi lên phố rong chơi như vậy. Nhưng các dì, các chú chủ gian hàng luôn ân cần chào đón bầy thiếu nữ có những đôi mắt sáng như sao này, có lẽ vì nghe họ láu táu phê bình hay đành hanh so sánh tờ này, tờ kia cũng vui tai; Và rồi thể nào cũng có vài khách tre trẻ, bộ điệu nghiêm trang người lớn hơn họ cùng dừng chân chọn nhạc, báo, sách và lân la bắt chuyện với Thủy vì cô nàng xinh như một nàng thơ nhỏ. Tà áo mảnh mai nối cao chiếc cổ thanh như cuống hoa mềm mại nâng gương mặt búp sen tươi mát của Thủy vừa tinh khôi hé nở dưới vầng nắng hồng.Nhánh sen đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng tỏa hương làm những con sóng hồn phiêu bồng ngơ ngẩn không biết đang ngao du vườn sen hay lạc trôi trongbóng rằm ngày hội mùa trăng.

Thi cũng phải sững sờ ngạc nhiên vô cùng, vì tuy luôn rất thân thiết, ngày ngày cùng đi học với Thủy, mà không hề biết, từ bao giờ, Thủy đã thần kỳ hóathânthành nàng thơ quá yêu kiều,xinh đẹp như vậy nữa. Quả là thiên nga của vườn mai ngậm sương.

Mùa chớm sen hồng
Em chớm nguyệt
Tình chớm quỳnh hương
Em chớm rằm
Con chim nào múa trên cành phượng
Lá chớp hàng mi mắt lá răm

(Trích từ “Phượng Hồng”, thơ Lê Văn Trung)

Thi chỉ mê mẩn các tờ nhạc, nhất là bài hát nào đã từng yêu thích khi nghe qua chương trình ca nhac của đài phát thanh. Thi tẩn mẩn xem những bức tranh lạ và đẹp trên bìa tờ nhạc, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa họa sĩ muốn gửi cùng bài hát; Nếu nghĩ không ra, Thi tưởng tượng một mẩu chuyện nào đó để liên kết bức vẽ với nội dung bài hát hay lời một, hai câu trong bài mà Thi thích nhất, rồi vòng vo kể lại câu chuyện hư cấu đầu ngô, mình sở cho Thủy, Thìn, Vinh để thíchthú thấy mắt mấy cô bạn tròn xoe thán phục. Nhớ làm sao những góc phố cũ, bao ngã đường hoa thơm nắng Sài Gòn, phố nhộn nhịp tiếng xe, những quầy hoa lung linh màu sắc, tiếng cười đùa nhưkhông bao giờ dứt của những ngày tháng thơ dại.

Một xế trưa gần vào hè, trong lần cuối đến lớp học thêm trước khi nghỉ chờ ngày thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, cả bọn đã khám phá ra một cây muồng hoàng yến, cổ thụ, hoa vàng rũ từng chùm sáng rực như những lồng đèn treo lơ lửng đong đưa ở các ngày hội. Cây ở trước một biệt thự trên đường Phan Thanh Giản, đoạn gần rẽ vào Công Lý.Thật ra, ở con ngõ gần chùa Xá Lợi cũng có một cây như thế, nhưng vẫn còn nhỏ, chưa bao giờ trổ hoa, nên cả bọn không ai biết hoa hoàng yến khi vào mùa lại quá đỗi rực rỡ mỹ miều như vây. Các bạn và Thi đã thay phiên nhau đứng dưới những chùm hoa hoàng yến, nghiêng bóng nắng đợi gió lay, chờ dây hoa vàng vơ vẩn sa nhẹ lêntóc, rải vương tà áo, để tưởng tượng như đang cùng những nụ hoa vàng ngày Xuân chơi vơi trong khúc nhạc múa nhẹ êm. Từng dây hoa dịu dàng lướt quay theo tà áo óng ngà sắc tơ,chấp chới quyện vòng cácdải nắng thủy tinh trong veo. Buổi chiều êm ả nhịp luân vũ tuổi chanh, tuổi hồng vẫn thỉnh thoảng nhẹ nhàng, vơ vẩn trong tâm trí Thi.

Ở những năm đệ nhất cấp, Thi và các bạn không những được dậy dỗ để mở mang, phát triển kiến thức khoa học, văn chương mà còn được các cô giáo chuyên về âm nhac, hội họa, nữ công, gia chánh, hướng dẫn các nguyên lý đọc viết nốt nhạc, giữ tiết nhịp khi ca hát, cách phác họa hình thể, tô vẽ màu sắc, và may vá thêu thùa, nấu nướng. Những hiểu biết thực dụng về nữ công, gia chánh giúp cả bọn tháo vát hơn khi phải đỡ đần công việc nhà cho bố mẹ; Và những khái niệm về nghệ thuật đã góp phần khơi mở làm tươi mát tâm hồn, giúp các cô nữ sinh nhỏ thêm dịu dàng, đằm thắm.

Thú vị hơn tất cả là những giờ Việt Văn, môn học đặc biệt luôn được sự tập trung lắng nghe hết sức say mê của các cô học trò. Trong những buổi học nhẹ nhàng thoải mái đó, cả bọn chỉ phải để ý nhớ một số quy luật căn bản về cú pháp, viết văn, làm thơ, hoặc phương cách nhận định giá trị của một số tác phẩm văn học. Phần lớn thời giờ còn lại, học trò được nghe những lời giảng giải hay phân tích thiết thực, hào hứng, và cặn kẽ về nội dung nhiều trích đoạn nổi bật trong các tác phẩm văn học; Và cũng không ít lần, họ được thưởng thức giọng diễn ngâm chan chứa tình cảm khi các cô giáo ngẫu hứng nhấn nhá những đoạn thơ trữ tình hay nỉ non các khúc ngâm da diết nỗi niềm. Văn chương, thi phú bình luận trong giờ học bao giờ cũng phong phú ý tưởng cao đẹp, cảm xúc chân thật, ngôn ngữ sáng tạo, nhịp điệu dịu êm, và những câu chuyện về các điển tích cổ hay lời khai mở bao ẩn dụ từ vựng thâm thúy. Nội dung của phần lớn những tác phẩm trong chương trình học đều sâu sắc đề cao các giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Và những thông điệp tích cực này đã được các thầy cô tinh tế chuyển tải, hướng dẫn để học trò dễ dàng thấm nhuần mọi tư tưởng đạo đức, nhân văn tiềm ẩn, ngoài các lý thuyết căn bản về ngữ văn.

Ngẫm nghĩ lại, Thi không sao quên được cảm giác bồi hồi, tự hào khi được học về những bài thơ Nôm chọn lọc từ Quỳnh Uyển Cửu Ca Thi Tập của vua Lê Thánh Tông và các thi nhân trong hội Tao Đàn do vua lập ra từ thế kỷ thứ 15. Nhớ vô cùng những lời ca tụng của cô Phạm Quỵ [6], giáo sư dậy Việt Văn năm đệ Ngũ, đã ví von hội tao đàn của vua là một bứt phá văn học lịch sử quan trọng của đất nước. Còn hình ảnh nào cao đẹp, yên bình, và diễm lệ hơn cảnh vua quan, quần thần hài hòa thù tạc thanh tao trong các buổi xướng họa thi phú, diễn giải lịch sử, thảo luận về đạo học, về chính sự của đất nước. Những chương trình luận bàn quốc sự hay nhã nhạc tiêu khiển đậm sắc văn hóa nghê thuật đã được thường xuyên tổ chức gần như suốt khoảng thời gian trị vì của đức vua tài ba; Người cũng được xưng tụng là bậc nguyên súy của trào lưu văn học cung đình cao quý.

Trên tất cả, đất nước ta thời đó đã phát triển vượt bực nhờ tài năng và đức độ lớn lao của vị minh quân, Lê Thánh Tông. Chẳng thế mà Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca đã ghi vềNgài như sau “Vua là đại diện của sự ấm no và an lành, của thái bình và thịnh trị. Nhắc đến Ngài là nhắc đến một dòng suối mát phủ lấy trang sử xanh của dân tộc.”.Và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bầy tỏ sự tôn kính công đức của Ngài qua dòng “Triệu dân vỗ yên, trăm việc chấn chỉnh, văn giáo rộng ban, vũ công đại định”. Vua Lê Thánh Tông là một bậcanh tài vàlà một vị vua suốt đời vì dân.

Ngoài các đề mục chính của môn học, các bạn và Thi còn rất yêu thích mỗi khi được nghe kể thêm những giai thoại kỳ thú về tác giả hay những nhân vật trongtác phẩm, về nếp sống xã hội của thời đã qua, về các tư duy, định kiến hay thành kiến, của con người trong bối cảnh cuộc sống của họ từ các tác phẩm cùng thời hay các nguồn thông tin văn nghệ khác. Những câu chuyện hư thực trong phần phụ bản, hoặc ngoại truyện, đã giúp môn học thêm thú vị, đa sắc, gần gũi với cuộc sống hiện thực của xã hội hơn. Trong các buổi học, không gian lớp học thường rất cởi mở sống động, luôn phảng phất hình bóng của một quá khứ tuy đã lùi xa, nhưng vẫn có tình thân ái kết nối trong dòng chảy xuôi an bình từ thế hệ tiền bối, và lãng đãng tiếng đồng vọng tha thiếttình tự quê hương. Những năm trung học nhỏ dại đó, nhất là những giờ được hoc văn chương thâm thúy, nghiền ngẫm tư tưởng về đạo đức làm người, và tiếp cận với nghệ thuật của ngôn từcó lẽ là trạm dừng an nhiên kỳ thú nhấtcủa chuyến tầu cuộc đời mà sau này các bạn và Thi đều phải qua rất nhiều bến gập ghềnh, gian nan, mệt mỏi. 

Hoa Nắng

Mùa hè sau năm Đệ Tứ, tất cả các cô học trò trong nhóm Thi đều đỗ bằng trung học Đệ Nhất Cấp một cách dễ dàng. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên vì tỉ lệ học sinh của trường thi đỗ các kỳ thi căn bản ấn định bởi bộ Giáo Dục đều luôn rất cao. Hãnh diện hơn nữa là gần phân nửa số người đỗ đạt đã trúng tuyển có hạng như Ưu, Bình, hay Bình Thứ. Thi nhớ trong năm cuối ở trường, có một bạn đã đỗ hạng Tối Ưu kỳ thi Tú Tài 2. Hình như năm đó toàn quốc chỉ ba học sinh đạt được số điểm để được xếp vào hạng bậc danh giá này. Ngày đó, nhiều bạn của Thi học rất chăm, rất giỏi, nhưng cũng mơ mộng thả thơ, viết văn, gọi mây, vơ nắng, suốt những năm dưới mái trường yêu dấu. Vài nụ thơ học trò mà Thi còn nhớ:

Hoa sao lấm tấm trên bờ tóc

Cỏ biếc nằm nghe tiếng guốc khua

Hồ điệp theo vào trong lớp học

Mơ màng nhìn giọt nắng đong đưa

(Trích từ “Đường Phan Thanh Giản”, Quỳnh Châu, GL 1965)

Xin trả cho tôi nắng Sài Gòn

Thênh thang đường phố lụa Hà Đông

Xin trả cho tôi mưa ngày ấy

Và trả cho tôi cả cuộc tình…

Hoàng Lan Chi (GL 67)

Chiều rơi nhẹ vào mắt

Trời chớm đông lạnh ngắt

Gió lay nhẹ hàng cây

Dáng em mờ trên mây

(Trên tờ bích báo đệ Nhất A1 năm 1968, không có tên tác giả)

Những nụ thơ mềm mại trên có thể đã hình thành từ bao buổi chiều trời xanh mây trắng lãng đãng trên sân trường ngày nào. Thời đó, đã biết bao lần các bạn và Thi tranh nhau đuổi nhặt những bông hoa nắng được gió miên man rải từng vạt vương vãi dưới các bóng cây trong khuôn viên trường. Vui nhất là những bước nhảy chân sáo dưới hàng cây lòa xòa bóng lá dẫn từ vòm cổng chính đến khu có phòng Hiệu Đoàn ríu rít tiếng học trò ăn quà. Những giờ ra chơi mải mê tìm đếm từng cánh hoa pha lê nhấp nháy ẩn, hiện trên các lối đi nhiều bóng nắng, đặc biệt là trên lối đường có hai hàng cây luôn rì rào tiếng lá reo được rất yêu thích bởi các cô học trò. Lối đường đó bao giờ cũng vang tiếng nhiều bước guốc nhỏ qua lại, và đôi khi để ý kỹ, còn như có cả những âm guốc mơ hồ vọng về từ một thời xa vắng nào đó.

Bao giờ vào cuộc chơi, những cánh hoa trên đường cũng lao xao như sợ bị guốc các cô đùa giẫm lên. Vì thế, chúng thường nhanh chóng bay lên tà áo của một ai đó trong nhóm, nhấp nháy vài giây, rồi nhanh nhẹn chuyền qua mái tóc hay bờ vai một bạn khác. Cứ thế, hoa như theo mọi người chạy quanh, áo và tóc người nào cũng lấp lánh vài cánh hoa nắng, kẻ nhiều người ít, ai cũng thích thú vì được tha hồ ngắm những nụ hoa như bướm pha lê hay đom đóm lập lòe trên áo nhau. Cao điểm cuộc chơi là những so đo, lý sự, chí chóe, khen chê các mẫu hoa được cài trên từng tà áo; Nhất là lúc tranh nhau hối hả đếm những cánh hoa, vốn có hiện hữu chẳng bao giờ phân minh, còn luôn tinh quái chập chờn: lúc sáng, lúc mất. Những tiếng đếm 1, 2, 3, … dứt khoát vội vàng. Rồi bỗng bất chợt, ai đó bật ra một, hai tiếng khúc khích nhỏ, rồi vài tiếng cười bắt chước, dần dần nhiều tiếng cười theo nhau ồn ã hơn, và chẳng mấy lúc đã òa vỡ thành từng chuỗi cười liên tục, không dứt được.

Đôi khi đang tập trung kiểm số hoa để quyết định ai nhặt được nhiều, thì nắng bỗng dưng nhạt hẳn, và chỉ trong chớp mắt, áo ai cũng trơn trắng bình thường, hệt nhau, không còn hoa lá nữa. Cả bọn đều ngớ ra ngẩn ngơ vì ngần ấy cánh hoa đang nháy chớp như múa, đã đột ngột tan mất hết. Nhưng chỉ một thoáng sau, nắng bừng lên, đám hoa nghịch ngợm lại bất ngờ xuất hiện, nhưng chấp chờn sáng như các đốm đèn trang trí trên thân cây, không đậu trên bất cứ tà áo ai.

Cũng nhiều lần, trưa đổ vàng như tô, như vẽ trên vòm cây xanh thẳm, trời vắng gió, hoa nắng trên lối đi nằm lặng yên không chớp, tựa như đã được in tạc vào mặt đường nhựa và càng lúc càng nổi rõ nét, óng đẹp hơn dưới vạt nắng say nồng. Thế mà bọn Thi cũng vẫn bị lạc mất vài bông đã đếm, cáu bực đến nỗi phải ngẩng mặt lườm đe hai con nỡm sáo [7] phá đám đã khua lá làm bay hết hoa, còn nhăn nhở huýt gió nhạo đùa khi vút bay trốn về tháp chuông bên chùa. Thật chẳng ngoa khi bọn sáo đoảng này đã luôn bị mắng trong mấy bài học về ca dao thành ngữ:

Con chim sáo sậu

Ăn cơm nhà cậu

Uống nước nhà cô

Đánh vỡ bát ngô

Bà cô phải đền

Những ngày gần đến hè năm đó mọi người trong lớp Thi đều bận rộn lo lắng, không còn nhởn nhơ chào đón phượng nở, ve vang như các mùa hè trước. Ai cũng nghiêm túc chăm chỉ học bài chuẩn bị cho kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Bộn bề, nhưng lòng họ cũng ngổn ngang nhiều ưu tư khi biết hai chị bạn lớn tuổi ngồi bàn cuối lớp, sẽ thôi học luôn để lấy chồng. Nhưng hoang mang chạnh lòng nhất là chuyện ba cô bạn hiền lành, không bao giờ nghich ngợm hay to tiếng, cũng rời trường sau khi thi xong, tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Những giờ học cuối của năm 1965 trôi qua thật buồn.

Không gian lớp học càng lúc càng căng thẳng bất an hơn, gương mặt mọi người đều lộ vẻ lo lắng bồn chồn khi ngày thi cận kề. Những bạn sắp phải rời xa trường luôn thẫn thờ, buồn bã, đôi khi còn tủi thân thút thít ở một góc nào đó ngoài sân trường. Lưu bút chuyền tay nhau như bươm bướm. Tự nhiên, các cô nhỏ như dạt dào xúc cảm và phong phú thơ văn hơn hẳn những năm học trước. Tuy Thi cũng áy náy, buồn xót thương mấy bạn phải thôi học, nhưng vô tâm mải chơi, nên không nghĩ ngợi nhiều, có lẽ vì quanh Thi vẫn luôn còn đông đủ Thủy, Thìn, và Vinh. Sau này, khi đã lên lớp trên và phải học cùng vài người bạn mới quen từ các trường khác chuyển đến, Thi đã rất nhớ ba cô bạn kém may mắn trong lớp học xưa, cũng đã không ít lần ân hận tự trách quá thờ ơ vô tình, không quan tâm nhiều đến hoàn cảnh các bạn.

Hôm liên hoan bãi trường, mọi người đều mải miết viết lưu bút. Thi cũng bắt chước các bạn nắn nót 4 câu thơ con cóc, ngụ ý tả hoa nắng, gửi vào lưu bút tặng Thủy. Thơ dở quá nên Thủy suy nghĩ mãi mà vẫn ngơ ngác, bối rối không hiểu Thi định ba hoa chuyện gì khi viết mấy câu như bài vè bán thuốc rong đó. Ngu ngơ hiền lành như chim chích lạc rừng, [8] thì làm sao Thủy biết được:

Người về hoa nắng trên tay

Cầm câu thơ thấy nắng đầy trong thơ

(Trích từ “Hoa Nắng” – thơ Lê Văn Trung)

Qua mùa thi, các bạn và Thi đều vui mừng háo hức chờ ngày khai giảng năm học mới. Đôi lúc cả bọn cũng ngậm ngùi nhắc đến các bạn bị hoàn cảnh đẩy đưa, bắt buộc phải lớn lên, bước vào đời quá sớm. Chạnh lòng làm sao mỗi khi nghĩ đến lúc trở lại trường, sân vẫn ngập hoa nắng, nhiều tiếng cười; Nhưng không bao giờ còn được gặp những gương mặt thân quen, hiền hòa đã cùng là bạn học từ những ngày đầu tiên vào trường. Có những ngày cả bọn Thi nhớ 3 cô bạn nhỏ vô cùng.

Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa

Em cũng không đến trường cả mùa thu năm sau

Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa

Nghe mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu.

(Trích từ “Xa Lắc Mùa Thu”, thơ Trương Nam Hương)

Thú đam mê tìm nhặt hoa nắng trong sân trường có lẽ đã làm nảy sinh ý hướng cố gắng tìm kiếm những điểm sáng trên các lối đi, ngã rẽ của đường đời sau này. Trò chơi thơ dại ngày ấy cũng giúp các bạn và Thi mơ hồ cảm nhận những gì được định giá là hào quang rực rỡ của cuộc sống, cũng chỉ hiện hữu rất mong manh vô thường, dễ có dễ mất; nhưng có thể giúp làm một phân đoạn cuộc sống thêm sinh động, nhiều sắc màu.

Vũ Thị Ngọc Thư

Chú Thích

[1] Tâm Hồn Cao Thượng, được chuyển ngữ từ bản dịch qua tiếng Pháp: Les Grands Coeurs by Edmond De Amicis, bởi nhà văn Hà Mai Anh).

Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: Cuore) là một cuốn tiểu thuyết về trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Truyện dùng bối cảnh lúc nước Ý được thống nhất, nội dung đề cao tinh thần yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên vào ngày 18 tháng 10, năm 1886, ngày khai trường ở Ý, và ngay lập tức trở thành một hiện tượng sách được nhiều người ái mộ, liên tục tái xuất bản rất nhiều lần.

[2] Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Tô Hoài (1955); O chuột, Tô Hoài (1937); Chim Chích Lạc Rừng, Tô Hoài (1949) là những truyện ngắn về loài vật đã được phát hành trong các thập niên 1950, 1960 ở Sài Gòn như những tập truyện nhỏ. Mỗi truyện được in thành một tập chỉ độ 5-10, trang. Nhiều năm sau, một số truyện về loài vât, trẻ em được tập hợp thành các tuyển tập truyện ngắn như tập truyện “Chim Chích Lạc Rừng” hay tập truyện “O Chuột”.

[3] Mụ Ngan là một truyện ngắn của Tô Hoài, sau này được in trong tâp truyện ngắn Chim Chích Lạc Rừng. Chích Bông là một trong hai nhân vật chính trong truyện ngắn Chim Chích Lạc Rừng của Tô Hoài (1949)

[4] Phương châm, chỉ tiêu của nền Giáo Dục Miền Nam nhân bản, dân tộc, khai phóng được viết trong bài “Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến”, Huỳnh Minh Tú. Nguồn: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/e-f-g-h/huynh-minh-tu/nhin-lai-nen-giao-duc-vnch-su-tiec-nuoi-vo-bo-ben

[5] Partir c’est mourir un peu là câu đầu của bài thơ Rondel de l’adieu (Vĩnh Biệt Ca) của Edmond Haraucourt, dựa theo tài liệu trên:

https://www.thivien.net/Edmond-Haraucourt/V%C4%A9nh-bi%E1%BB%87t-ca/poem-jqsX7owLcsd2UFHUQYbwSQ

[6] Giáo sư Phạm Quỵ, khuê danh Trần Thị Thương Thương, day Việt Văn Trung Học Đệ Nhất Cấp ở trường Gia Long thập niên 1960, 1970. Bà được nhiều học sinh biết đến như một nàng thơ nhó trong mộng của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Huyền thoại này cũng được kể trong bài “Thương Thương, Nàng Là Ai?”, được đăng tại: https://phanxipang.wordpress.com/2012/10/06/bi-mat-han-mac-tu-xiv/

[7] Đôi sáo chùa Xá Lợi. Khoảng năm 1963-1964 có vài con sáo hay đến đậu, hót trên mấy cây cổ thụ trong sân trường Gia Long. Học trò đồn có một gia đình sáo làm tổ trên cây bên chùa Xá Lợi, chiều chiều chúng thường bay sang sân trường chơi.

[8] “Ngớ ngẩn như chim chích lạc rừng” là câu thành ngữ trêu chọc, bỡn cợt những người khờ dại, dễ tin.

Bài Mới Nhất
Search