T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Thị Ngọc Thư: NHƯ BÈO TRÔI SÔNG

Nước Ròng – Tranh: HÀ HUỲNH MỸ

Dì Liên chậm chạp đẩy chiếc walker có bánh xe, loại vừa giúp giữ thăng bằng cơ thể khi di chuyển, vừa có ngăn để đồ khi cần mua hàng ở chợ, và còn có thêm cái ghế xếp tiện dụng, có thể kéo ra ngồi nghỉ bất cứ chỗ nào. Đi đâu dì cũng mang trên vai cái túi xách đựng đồ lặt vặt của người già như chiếc khăn tay, lọ dầu gió, cái mũ len, thẻ đi xe bus, ví đựng tiền. Và luôn đẩy chiếc walker đặc biệt đó, có lẽ vì có thể dễ dàng xách lên xe bus hay xe điện.

Chiều hôm ấy, dì đang chọn mua hàng ở một tiệm bán thực phẩm của người Việt, một loại mini mart, trong khu thương mại Eden ở Virginia. Dì đã đẩy xe chậm chạp qua lại nhiều lần giữa mấy quầy hàng trong tiệm mà hình như chưa có ý định ra quầy tính tiền. Vẫn thong thả trong bước đi còn khá vững, dì đủng đỉnh di chuyển và luôn để ý xem các mặt hàng trưng bầy, gương mặt bình thản, chưa mảy may gợn bất cứ nét mệt mỏi nào. Thỉnh thoảng dì dừng xe, nhặt một gói hàng lên chăm chú xem, nhưng chỉ độ một, hai phút sau là bỏ trở lại chỗ cũ, đẩy xe đi, rồi lại tiếp tục dừng đâu đó để lật qua lật lại một món khác. Đôi lần, dì kéo cái kính lão, lủng lẳng trước ngực, đeo lên mắt, tẩn mẩn nhẩm đọc mấy hàng chữ tiếng Việt in phía sau gói hàng. Có khi dì hơi tủm tỉm cười một mình, đầu gật gù, lòa xòa mái tóc đã thưa và bạc trắng.

Dì loanh quanh trong tiệm gần hai giờ mà hình như vẫn chưa chọn xong các món cần mua. Trong cái ngăn chứa hàng trên walker của dì, loáng thoáng có mấy gói gia vị, một chai mắm nhỏ, một lọ chao, vài cái bánh ít. Bỗng nhiên dì đột ngột ngừng lại, tay sục sạo vào các món hàng trên xe, chừng như kiểm điểm, miệng lẩm nhẩm không biết đang đếm hàng hay tính nhẩm số tiền phải trả. Một lúc sau, như đã yên tâm, dì lại thong dong đẩy walker đi tiếp.

Vòng tới vòng lui, chừng như đã mỏi chân, dì loay hoay kéo cái đệm ghế tròn xếp đứng sau ngăn đựng hàng của walker, kéo hai chân ghế ngả đệm lên thành cái ghế nhỏ; Rồi ngồi xuống, điềm nhiên nghỉ tại một góc khuất xa khu thực phẩm, gần các keo thủy tinh đựng thuốc bắc. Ngồi một lúc, có lẽ thư thái dễ chịu với hương thơm của các loại thảo dược như cam thảo, bìm bìm, mã đề, dành dành, nhân sâm, nguyệt quế,… thoang thoảng trong không gian ở đó, dì bắt đầu thiu thiu ngủ, đầu hơi gục lên gục xuống trên ngăn để hàng của walker. Từ ngoài quầy, cô thâu ngân, có lẽ không hài lòng, khi nhìn thấy dì trong bộ điệu gà gật khó coi như thế, lên tiếng hỏi to xem dì đã muốn tính tiền chưa. Dì giật mình, tỉnh ngủ, nhìn cô giả lả cười, xua tay.

Nấn ná ngồi thêm vài phút, dì đứng dậy, xếp ghế gọn lại, rồi lững thững đẩy walker tiếp tục qua các kệ hàng. Đi như thế cả giờ nữa mà đồ hàng trong xe của dì cũng chẳng thêm được bao nhiêu. Cuối cùng, dì ra quầy, xếp hàng trả tiền bằng thẻ EBT [1], loại trợ cấp foodstamps, cẩn thận hỏi cô thâu ngân trong thẻ còn được bao nhiêu tiền trước khi rời đi.

Ra khỏi tiệm, dì lọc cọc đẩy walker đi khỏi khu thương mại, băng qua một ngã tư đường khá đông xe, rồi đến ngồi đợi ở một trạm xe bus. Bước đi trên đường xi măng bằng phẳng, và có sự trợ giúp của chiếc walker, mà dáng dấp dì vất vả xiêu vẹo như đang lom khom giữ thăng bằng khi gánh hàng nặng qua các cồn cát trơn trợt chạy dài ở Ninh Thuận, quê của dì. Khuôn mặt nhọc nhằn và bước chân lao chao của dì như vẫn hằn ánh nắng chói chang bỏng rát trêncác đồi cát lài nghiêng, dốc thấp của ngày xưa. Nơi đó, nhiều hôm gió miên man cuốn cát bay làm đảo lộn phương hướng, nên đi mãi vẫn như lạc trong không gian toàn cát, nắng lóa chói, không thấy phố, không thấy nhà. Bộ điệu ngơ ngác lạc loài của dì, khi đi đâu ngoài đường ở đây, vẫn đượm vẻ thất thểu, âu lo sợ hãi của kẻ đi trong tâm trạng “không thấy nhà” trên những đồi cát bay mênh mông ở quê cũ. Đó là quãng ngày còn con gái, dì thường xuyên phải gánh chiếu, gánh chổi lên thị xã bán. Bán được 3 cái chiếu hay 12 cây chổi mới đủ tiền lời đong gạo cho cả nhà ăn độ hai ngày. Chật vật khó khăn nhưng mẹ, dì, và các em dì còn líu ríu có nhau, có yêu thương chờ đợi, ai cũng mong tối được về nhà xum vầy chuyện trò, ăn cơm đói no cùng nhau. Ở đây phố xá dập dìu, có nhà đi về, nhưng lủi thủi úa héo, vò võ một mình, nhiều lúc dì buồn chảy nước mắt, nhói đau thắt ruột.

Ngồi giữa mấy người to lớn, có mầu da hơi sậm, đang ồn ào cười nói trong lúc đợi xe, nhìn dì như càng nhỏ bé hơn những lúc bình thường. Nét mặt dì thờ ơ, ánh mắt trôi lạc, lẻ loi vô cùng. Trên mấy lanes đường đông đúc ngay trước trạm xe, xe cộ vẫn dập dìu vội vã qua lại. Cuộc sống quanh dì bình thản trôi, bon chen, tất bật, xô đẩy.

Bấy giờ đã hơn hai giờ chiều, đang cuối mùa thu, nắng nhẹ, gió lao xao. Dì Liên ngồi chờ gần 15 phút thì lên được chuyến xe chạy về Washington DC. Từ đó, dì còn phải đi tiếp hai chuyến xe nữa mới về đến khu nhà trợ cấp dành cho người nghèo hay bị khuyết tật nhẹ ở Maryland. Tôi nghĩ, có lẽ dì sẽ về đến nhà khoảng 7 hay 8 giờ tối. Nhưng điều ấy không mảy may quan trọng đối với dì, vì đã từ lâu, dì vẫn đi về như bóng ma một thân một mình, không ai bận tâm, không người chờ đợi.

Trời đã bắt đầu se lạnh, vài chiếc lá vàng lác đác bay, mây chiều chùng dần xuống. Ngày tháng phiêu bạt của dì tiếp tục buồn bã trôi.

***

Dì Liên đến Mỹ tháng 7 năm 1975. Chuyến di tản của dì hoàn toàn là một cuộc phân ly bất ngờ, đau lòng và vĩnh viễn, với mẹ và các em dì. Tháng 4 năm ấy, dì dẫn hai đứa con lang thang đi tìm chồng ở Sài Gòn trong những ngày thành phố vô cùng nhiễu nhương, náo loạn. Thấy thiên hạ ùa nhau chạy hướng nào, dì tơi tả gánh con chạy theo hướng đó. Cũng không ngờ lại được ai đó kéo lên một cái tầu nhỏ, ra hàngkhông mẫu hạm, rồi được chở đến Mỹ bằng máy bay. Lúc đầu gia đình dì ở trại tập trung Pendleton [2] ở California gần cả năm trước khi được một nhà thờ bảo lãnh ra ngoài định cư ở tiểu bang Maryland, miền Đông Bắc Mỹ.

Khi xuất trại tạm cư, vì hai đứa con còn quá nhỏ, dì ở nhà nhận tiền trợ cấp, nuôi con, cho đến lúc đứa con gái út, Yên, được 18 tuổi. Đoạn đời sống nhờ vào sự bố thí của xã hội được mấy năm yên ả, dù cũng lắm chua xót nghẹn ngào. Có những kỳ thị và phân biệt trong cách đối xử mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được mức độ cay đắng, tủi nhục, phũ phàng khi phải cắn răng, nuốt nước mắt nhận đồ ban phát hay đi mua hàng bằng thẻ trợ cấp.

Tui biết tụi Tây khi d mình chớ, mỗi khi tui tay bồng, tay dắt con xếp hàng lấy mấy bịch đồ ăn nhà thờ phát … mắt tụi nó khó chịu dòm ba mẹ con tui, nhục lắm cô ơi. 

Khi con Yên đã lớn, nhiều lần nó nhịn ăn trưa không dám xuống nhà ăn, vì bạn nó biết đồ ăn trường phát cho nó, là loại khác, mấy thứ không phải trả tiền. Con nhỏ lỳ lợm nhịn đói, có lần xỉu trong lớp học.

… Lúc trước tui đâu biết tiền foodstamps chỉ dùng được trong giờ nào đó ở cái siêu thị Tây gần nhà. Nhà không còn gì ăn, tui dắt con Yên tới đó quơ vài ổ bánh mì, mấy cái trứng…bị tụi đứng xếp hàng sau lưng nói chửi gì đó, tui không hiểu, nhưng con Yên lúc đó chừng 7-8 tuổi về nói lại, rồi nó không bao giờ chịu đi siêu thị với tui nữa. Mắc cỡ và tủi quá cô ơi. Thời ở Phan Rang, đói cách mấy, chị em tui cạp khoai ăn hoặc ăn lá xào dông[3]chớ không đi xin ai bao giờ.

Sau khi học xong Trung Học thì con trai lớn của dì, Phú, có dấu hiệu hơi bị trầm cảm, buồn vui thất thường, ăn nói mất tập trung. Thoạt đầu, hắn chỉ bị nhẹ, thỉnh thoảng đôi co lớn tiếng với người nhà và hay cười khóc bất chợt. Phú không làm gì tổn hại đến người chung quanh, nhưng vì cách hành xử đôi khi ngược ngạo, trái khoáy, thiếu kiểm soát, đã khiến hắn không thể tiếp tục đi học hoặc giữ được công việc lao động ở các tiệm trong khu thương mại nhỏ gần nhà. Thời gian này, dì làm việc dọn dẹp lau chùi, khoảng 20 giờ mỗi tuần, trong một motel có chủ là người gốc Ấn Độ, cách building dì ở mấy blocks đường. Yên cũng vừa đi học, vừa làm thêm ở cafeteria trong trường đại học cộng đồng ở gần nhà.

Anh em Phú không hạp nhau, khắc khẩu, thường xuyên gầm ghè, hục hặc, cãi vã. Một hôm, Phú bị em gái, trong một lần lời qua tiếng lại và xô xát nhẹ, trình báo cảnh sát và đặt chuyện vu vạ thêm, nên hắn bị đưa vào nhà thương quản lý những người bệnh tâm thần của tiểu bang, Spring Grove Hospital ở Baltimore, ở đó gần hai năm. Khi vào viện, Phú mới 22 tuổi.

“Con nhỏ tức bực, ghét thằng anh, luôn nghĩ tui cưng thằng Phú, để dành đồ ăn ngon và chia phần cho thằng Phú nhiều hơn. Ngày nào nócũng kiếm cớ gây lộn từ khi tụi nó mười mấy tuổi. Bữa đó, thằng Phú ăn tối xong, khi không cười nói như khùng; Con Yên khó chịu quăng đồ chọi thằng Phú trước, Phú cũng quăng lại, cãi vã, rồi nắm tóc con nhỏ. Con Yên vùng ra, vấp té, b chảy máu đầu gối. Nó khóc lóc, ồn ào la làng, rồi lấy phone kêu cảnh sát. Tui không biết nó nói gì khi 2 ông cảnh sát tới, hỏi chuyện nó một hồi, rồi còng tay kéo thằng Phú đi. Lúc đầu thằng Phú trì lại, không chịu đi, bị họ bẻ tay, còng lại.”

Tôi vẫn nhớ đó là nội dung câu chuyện dì kể khi tôi và chị Ngân giúp dẫn dì đi thăm Phú lần đầu tiên tại Spring Grove Hospital Center [4] mấy tuần sau thảm cảnh gia đình của dì.

***

Hôm ấy là một ngày gần cuối mùa Xuân năm 1995, chúng tôi đã dẫn dì Liên đến thăm Phú theo tuyến đường xe công cộng, để dì biết đường có thể tự đi thăm hắn, những khi thuận tiện. Khởi hành từ chung cư nhà dì từ 7 giờ sáng, chúng tôi đến nhà thương khoảng 10 giờ, vừa đúng lúc được bắt đầu vào thăm bệnh nhân.

Trung Tâm Trị Liệu Spring Grove là một quần thể y tế quy mô, chuyên điều trị và nghiên cứu về các loại bệnh tâm lý. Khuôn viên Trung Tâm trải rộng khoảng 200 acres, bao gồm 36 tòa nhà, 2 sân chơi bóng lớn, và 2 nghĩa trang rộng; Tất cả đều nằm rải rác khá gần nhau trong một khu biệt lập với các phố đông dân cư lân cận của thành phố Baltimore. TrongTrung Tâm luôn có một số lớn bác sĩ, y tá, và trợ lý luân phiên trực ngày đêm. Cơ sở hạ tầng của Trung Tâm bao gồm các tòa nhà trị liệu với trang bị y tế đầy đủ, hiện đại như nhà thương; khu vực nghiên cứu về trị liệu; khu văn phòng của bác sĩ, y tá; nhiều tòa nhà cho bệnh nhân nội trú; khu nhà nhân viên; khu nhà cho bệnh nhân làm việctrong các hợp đồng với các cơ quan hỗ trợ. Ngoài ra, Trung Tâm còn có nhà thờ riêng, các nhà ăn kiểu canteen, vườn trồng nông sản,tiệm bán đồ cũ, và một viện bảo tàng.

Khi Phú nhập viện, Trung Tâm đã có hơn 400 bệnh nhân. Gần một phần ba số người này từng bị ra tòa vì phạm các tội nặng nhẹ khác nhau, trong đó lẫn lộn một số ít là dân nghiện ngập, đói thuốc, sống vất vưởng không nhà cửa, từng bị tạm giam. Mọi người trong nhóm tội phạm ở Trung Tâm đãđược chẩn đoán bởi nhân viên y tế là bị bệnh tâm thần hoặc bị rối loạn tâm lý trầm trọng, vì vậy khi ra tòa, họ được xử là không có trách nhiệm về các tội vạ họ gây ra; và vì thế, chỉ bị quản thúc và chữa trị ở các nhà thương có khu dành riêng cho họ. Từ năm 1967, các criminal insane asyluminsane asylum [5],nơi giam tội phạm tâm thần hoặc giữ bệnh nhân tâm thần, đã bắt đầu được bãi bỏ và thay bằng psychiatric hospital. Từ đó, một số nhà thương chuyên trị liệu bệnh tâm lý lớn như Trung Tâm Spring Grove đều có khu dành riêng để quản thúc và chữa trị các bệnh nhân tội phạm.

Bệnh nhân trong Trung Tâm Spring Grove được chia làm ba nhóm tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, và tình trạng tiền án của họ. Sự phân loại này dựa theo các chẩn đoán và nhận định của bác sĩ ở thời điểm bệnh nhân nhập viện; Tuyvậy, sau một thời gian theo dõi của bác sĩ, có người cũng được chuyển sang nhóm phù hợp hơn. Trên thực tế, còn có thêm một nhóm được chọn từ bệnh nhân thuộc ba nhóm trên, theo các tiêu chuẩn của bác sĩ hay các nhà nghiên cứu Tâm Lý. Nhóm bệnh nhân này được nội trú trong khu nghiên cứu của Trung Tâm, Tawes (Spring Grove Research Unit). Họ gồm khoảng hơn 30 bệnh nhân tham dự vào các chương trình kiểm định thuốc hay khảo sát và thử nghiệm phương cách chữa trị.

Trong khuôn viênTrung Tâm, các tòa nhà Red Brick Cottages1, 2, 3, 4, White building, Noyes building đều là nhà nội trú của bệnh nhân; Nam và nữ ở các nhà riêng. Mỗi Red Brickcottage nhận 38 bệnh nhân, Noyes buiding có 32 bệnh nhân, White building có chỗ cho100 bệnh nhân. Hai tòa nhà Mitchelle và Sullivan, mỗi nơi có 25 người tạm trú trước khi được xuất viện. Mỗi tòa nhà dành cho một nhóm bệnh nhân,theo sự phân loại khi nhập viện.

Bệnh nhân có tiền án phải ở trong tòa nhà chỉ định riêng cho họ và không được phép ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Người tội nặng, kẻ hung dữ, nguy hiểm đều bị biệt giam trong các phòng riêng (seclusion cell); Những năm đó, hình như có vài phòng biệt giam ở dưới tầng hầm của tòa nhà ở của bệnh nhân tội phạm.

Ở tòa nhà của người bệnh nặng, những người không hung hăng bạo động được phép đi lại ở các phòng tập thể. Nhà có một số phòng giam để nhốt tạm những bệnh nhân khi họ lên cơn hoảng loạn, đánh nhau, phá phách; hoặc bệnh nhân ở trạng thái tinh thần nguy hiểm có thể tự tửhay tự gây thương tích. Những người thường xuyên gây gổ, bạo động, dữ dằn luôn bị quản thúc trong các phòngriêng.

Bệnh nhân nhẹ, chỉ lẩn thẩn nói cười, hiền lành, ít bạo động không la hét làm mất trật tự, được ở các cottages có cách bài trí tựa như các chung cư có nhiều phòng, mỗi phòng dànhcho hai người, nhưng chỉ dùng để ngủ vào ban đêm. Trong nhà có phòng tập thể được sử dụng cho các sinh hoạt chung như họp nhóm, tập thể dục, tập yoga, học vẽ, học nấu ăn, hoặc xếp hàng uống thuốc ở các quầy do y tá quản lý. Những người bệnh nhẹ, ngoan ngoãn, chăm chỉ, khéo tay hoặc có khả năng đặc biệt có thể được thuê làm như nhân công ở các tòa nhà có phòng làm việc; Và họ được trả lương theo quy định của công ty thuê họ.

Tôi nghe loáng thoáng một nhân viên tạp vụ ở phòng hành chánh nói cảnh tượng bệnh nhân dữ dằn hay mang trọng án ở dưới tầng hầm luôn nhốn nháo, hỗn loạn không khác những hình ảnh đáng sợ chiếu trong phim The Silence of the Lambs [6], trong phân đoạn cô diễn viên Jodie Foster bị mấy người tù bệnh nhân phun nước bọt, quăng ném đồ, chửi mắng dọa nạt, khi cô đi qua hành lang ngục trên đường vào gặp tên bác sĩ tội phạm nguy hiểm Hannibal Lecter ở nơi giam hắn.

Ở khu bệnh nhân bạo lực hung dữ, y tá và bác sĩ thường xuyên bị đả thương vì tai nạn khi họ cố gắng ngăn chặn hay can thiệp các cuộc ẩu đả của bệnh nhân. Đôi khi, họ cũng bị tấn công bất ngờ khi đang thi hành nhiệm vụ. Bệnh nhân bạo hành lẫn nhau ở khu người bệnh nặng hay khu quản thúc tội phạm là những chuyện xảy ra gần như hàng ngày ở trong các tòa nhà nội trú. Vì thế, nhà nào cũng có 2, 3 người canh gác, vóc dáng to như vệ sĩ, thường xuyên đi tuần trong các phòng tập thể để có thể nhanh chóng giải quyết các cuộc bạo động, đánh nhau khi vừa bộc phát.

Nhà thương cho phép các người bệnh nhẹ, hiền lành, không ồn ào được ra các nơi công cộng như nhà thờ, sân chơi thể thao, vườn trồng nông sản, tiệm bán đồ cũ, hoặc nhà bảo tàng trong khuôn viên; Nhưng thường phải đi từng nhóm dưới sự giám hộ của nhân viên quản lý hay các sinh viên thực tập.

Phú thuộc nhóm người bệnh nhẹ. Trên đường về lại Maryland chiều hôm ấy, dì Liên cho biết hàng ngày sau bữa ăn sáng, Phú phải tụ tập cùng tất cả bệnh nhân trong nhà tại phòng tập thể ở tầng 1 của tòa nhà. Mọi người xếp hàng lần lượt nhận thuốc phải uống vào buổi sáng. Sau đó, cùng nhau tham dự tập thể dục hay hát hò dưới sự hướng dẫn của các nhân viên trị liệu. Khoảng giờ trưa, sau bữa ăn ở canteen dành cho bệnh nhân, họ lại xếp hàng uống thuốc. Buổi chiều, thường không có sinh hoạt nhóm, nên một số được hướng dẫn ra ngoài tham dự các công việc nhẹ như chăm sóc vườn cây, tưới nước, bón phân, gặt hái, …hoặc cũng có thể đi chơi lang thang vài nơi được cho phép.

Trong thời gian chờ dì Liên vào phòng khách chuyện trò với Phú, chúng tôi đi quanh mấy tòa nhà lân cận với cô sinh viên Luật, Kate, đang học ở Georgetown Law School, Washington DC. Một nhân viên ở phòng hành chánh đã giới thiệu Kate và nhờ cô dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên nhà thương. Đây là đặc ân dành riêng, chỉ một lần, cho thân nhân của người bệnh mới nhập viện. Kate đang thực tập một số giờ tronghọc trình của môn Criminology; Ngoài Kate, Trung Tâm cũng có một số sinh viên chuyên khoa về Behavioral Science đang thực tập trong viện nghiên cứu của Trung Tâm.

Kate dẫn tôi qua khu có vài tòa nhà nội trú của bệnh nhân. Tình cờ đã tới Red Brick Cottage 3, dành cho nam bệnh nhân thuộc nhóm bị bệnh nặng. Như mọi tòa nhà có bệnh nhân nội trú, tất cả cửa của Red Brick Cottage này đều có nhiều chấn song kiên cố, ngang dọc kín các khung cửa sau lớp kính dầy bên ngoài. Sau hàng chấn song của một số cửa, ở tầng dưới nhà hoặc trên tầng 3, còn có thêm lớp lưới mắt cáo bằngthép. Nhìn các cửa sổ bưng bít, che bọc chắc chắn, mà tôi có cảm tưởng như đang ở trong không gian của một khu tù hãm, kìm kẹp, rất ngột ngạt. Theo Kate, tầng dưới cùng của tòa nhà được dành làm phòng sinh hoạt tập thể của bệnh nhân, nơi họ bắt buộc phải tụ tập hàng ngày, sau khi thức dậy và dùng xong bữa ăn sáng. Bệnh nhân không được phép ở một mình trong phòng vào ban ngày. Hành lang vào các phòng ngủ của họ luôn bị khóa sau hồi chuông tập hợp buổi sáng ở tầng 1.

Tôi bước thật chậm theo Kate, dè dặt nhìn qua các khung cửa sổ, lòng vừa bất an sợ hãi vừa trĩu nặng trắc ẩn khi thoáng thấy vài cảnh tượng đang diễn ra sau các ô chấn song cửa. Lúc đó, phòng tập thể có khoảng hơn 10 bệnh nhân, tóc tai rũ rượi, đứng ngồi nhốn nháo. Họ gần như chẳng mặc gì ngoài cái quần lót, có cái cũng đã tơi tả rách bươm. Kate cho biết quần áo có thể trở thành công cụ nguy hiểm khi vào tay những người bệnh không còn ý thức. Họ có thể dùng quần áo để lôi kéo, ghì siết tự thắt cổ hay dằng co trùm phủ làm nghẹt thở người họ tấn công, những khi bị hoảng loạn. Ở một góc phòng, có người đang múa máy như một con công. Chúng tôi cũng thấy có hai người bị xiềng chân vào cái ghế đá xây cố định trên nền nhà, hình như cả hai cùng tham dự một sinh hoạt gì đó với mấy bệnh nhân đi lại lộn xộn quanh một vị quản giáo, người đang cầm chiếc loa. Tôi được biết những bệnh nhân thường xuyên lên cơn hung dữ, bạo động luôn bị xích chân như vậy vào ban ngày.

Bỗng nhiên, mấy hồi còi báo động nối tiếp nhau, dồn dập hú lên kinh hoàng, và cùng lúc, hơn cả chục bóng đèn sáng choang trong tầng dưới của tòa nhà cũng nháy chớp liên tục. Kate giải thích đó là báo động “Code Grey”, nghĩa là đang xảy ra một vụ xô xát trong nhà. Các y tá và trợ lý vội vã bỏ dở công việc họ đang làm ở các văn phòng lân cận, nháo nhào chạy đến tòa nhà đang chớp đèn. Có vẻ như, bên trong hai nhân viên đang cố gắng vật một người đàn ông xuống sàn, giữ nằm yên, để một bác sĩ tiêm thuốc an thần cho anh ta. Khi hắn thiếp đi, họ khiêng để lên tấm đệm trong phòng biệt giam và khóa cửa lại. Hai nhân viên khác dùng khăn trải giường trói tay và chân của bệnh nhân còn lại trong vụ xô xát vào một băng ghế đá, mặc cho anh ta vùng vẫy la hét. Và một lúc sau, tự nhiên anh ta phá lên cười ngặt nghẽo.

Phòng tập thể của Red Brick cottage 3 chỉ là căn phòng trống với bốn bức tường gạch lạnh lẽo. Phòng không có đồ trang trí nào khác ngoài hai cái ghế sofa gỗ khá dài để sát một vách tường. Trên ghế, 2 bệnh nhân đang bất động vô hồn như các pho tượng sáp, chừng như họ đã ngồi như vậy rất lâu với đôi mắt chỉ nhìn chằm chằm vào màn ảnh Tivi treo khá cao trên tường, hay cũng có thể họ đang bị mê hoặc với các khoảng không trước mặt họ. Vài người ngơ ngáo nằm trên nền nhà lót đá hoa, hoặc cuộn mình lờ đờ, lặng lẽ ở một góc trong phòng.

Đi qua một tòa nhà của phụ nữ bị bệnh nhẹ, tôi thấy trong phòng tập thể đang có nhiều người ăn mặc lôi thôi, đầu tóc xõa xượi, đứng nối nhau kẻ trước người sau như xếp hàng. Vài người mặc áo poncho có sọc mầu xám rất lạ; Trong cái áo lúp xúp trùm gần kín cơ thể, nhìn họ giống như đang đi ngoài mưa to gió lớn. Kate giải thích, loại poncho đặc biệt được làm bằng vải rất chắc, không thể xé rách hoặc kéo ra khỏi người nếu đã được cột cẩn thận. Một cô y tá cầm loa như đang điểm danh vì những người phụ nữ trong hàng lần lượt giơ tay lên cao. Thì ra, bệnh nhân đang chờ đến phiên được phát thuốc uống ngay tại quầy.

Hàng ngày, phần lớn mọi người ở đây đều phải dùng các loại thuốc an thần như Haldol, Lithium, hay Thorazine [7]. Thuốc giúp họ ổn định tinh thần, điều hòa cảm xúc, bớt lo lắng sợ hãi, tỉnh trí hơn, bớt hiếu động để có thể sinh hoạt bình thường. Những loại thuốc này thường phải uống định kỳ mỗi 6 hay 8 giờ.

Đang nói chuyện về các loại thuốc được dùng để chữa trị và sinh hoạt bình thường hàng ngày của bệnh nhân thì nghe từ bên trong tòa nhà đối diện vọng ra một tiếng hú, đúng hơn là tiếng tru, thanh âm nghe u uất kinh hoàng, cực kỳ đau đớn, vút xé lên cao, rồi rền vọng thảm thiết.  Chúng tôi đã đi xa cả block đường mà vọng âm tiếng rú hoang dại, vời vợi như từ cõi nào vọng về, vẫn vấn vít trên vòm các cây cổ thụ trên đường, chơi vơi trên không, khi ư ử rên rỉ, lúc the thé đe dọa, rất ma quái thê lương. Tôi bước đi mà cảm thấy chân mình như bị tiếng tru bi thiết, thảm khốc, não ruột đó lào khào kéo giữ. Tim tôi hơi nghẹn đau, khó thở, phải dừng lại tự trấn tĩnh một lúc. Tiếng vọng rít trầm thống vẫn như còn vang trong tuyệt lộ bi thảm khôn cùng.

Gió cuối mùa Xuân se sắt trong không gian quạnh vắng, trầm mặc giữa những bức tường đá xám hay gạch đỏ bên ngoài các tòa nhà được xây từ rất lâu. Không biết những vách đá nhiều tuổi kia có giữ lại thanh âm bao tiếng kêu rú tột độ bi thiết của con người trong trạng thái cô đơn mất ý thức và những câu chuyện thảm thương của họ? Dù các diễn đạt đau đớn này xảy ra đằng sau hay bên dưới bề mặt của nhận thức có ý thức, nhưng chúng được cho là có tương quan với các hành vi và tư duy có ý thức.  Dưới bất cứ giả thuyết hay diễn giải nào thì điều bệnh nhân trải qua trong vô thức, khi bật tiếng thét, nhất định là một trải nghiệm vô cùng khủng hoảng và sự tột cùng bi thảm đó đã, có thể nào, làm phần tâm trí có ý thức còn lại của họ càng thêm mất cân bằng, và rối loạn hơn?

Ý nghĩ này theo đuổi, ám ảnh, và làm tôi sợ hãi. Từ lâu, thế giới của người khỏe mạnh bình thường đã bị chi phối bởi khá nhiều định kiến không công bằng về người mang bệnh rối loạn tâm trí. Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng né tránh việc tìm hiểu ngọn ngành của sự khổ đau đã đè nén hoặc nguyên nhân gây nên những suy nhược tinh thần người bệnh, làm ảnh hưởng đến sự yên bình của tâm trí họ. Và đồng thời, cũng lơ là hay chối bỏ mọi học hỏi từ những câu chuyện thảm thương của bệnh nhân để hiểu biết và hướng dẫn bản thân một cách nghiêm túc, mà có thể hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe tinh thần của người bệnh, của bản thân, của gia đình, và có thể của cả người trong cộng đồng. Thiếu sót sự thấu hiểu, thương cảm không thể nảy sinh, các chăm sóc thường thiếu tận tình, và nỗ lực chữa trị khó tiến triển hiệu quả.

Đi tiếp một lúc, chúng tôi băng qua một khu vườn lớn, nằm khuất vắng sau những cây hoa lê cằn cỗi nhiều tuổi. Khu vườn chìm dưới lớp lớp lá khô còn lại của những mùa đã qua. Mênh mông sắc vàng nâu khô úa. Kate cho biết đó là nghĩa trang của Trung Tâm, nơi yên nghỉ của hầu hết bệnh nhân vô thừa nhận hay các nhân viên không còn thân nhân hay gia đình nữa. Ở đây có hai bãi an táng như vậy, mỗi bãi khoảng 500 mộ, hầu hết đều đã chôn từ trước thập niên 1960. Trên vòng ngoài của khu vườn nghĩa trang bát ngát, họa hoằn lắm mới thấp thoáng lộ ra một, hai tấm bia xi măng bạc mầu hay đã nứt vỡ, ghi tên và ngày tháng mất của người quá vãng. Nhìn từ xa, nghĩa trang như một thảo nguyên lá ngút ngàn, nhiều nơi muôn vàn lớp lá của bao mùa thu ảm đạm, có lẽ từ sau lễ chôn cất cuối cùng gần nửa thế kỷ trước, đã âm thầm phủ che, ấp ủ các phận đời bất hạnh, vĩnh viễn gắn kết với khuôn viên buồn bã này từ độ họ ngây dại thả trôi hết phù hoa của kiếp nhân sinh. Sau lễ tang cuối cùng ở nghĩa trang, phần lớn người chết được hỏa táng hoặc chôn tập thể ở một khu ngoài khuôn viên Trung Tâm.

Nai rừng thỉnh thoảng xuất hiện sau các hàng cây, bờ rừng gần mấy tòa nhà Red Brick, cũng chạy xào xạc trên lá vàng khô. Hoàng hôn ngập ngừng rơi chậm trên những hàng thông vàng hoang hoải. Mùa Xuân lãng đãng tiếng giao hưởng yên bình của âm lá nhẹ reo. Những lối đi bộ dịu dàng dưới hàng cây mướt xanh. Vài tòa nhà có bề mặt bằng đá xưa, mang lối kiến trúc thanh lịch của thế kỷ trước, nằm rải rác trên khuôn viên rất ít người qua lại. Đâu đâu cũng những con đường vắng, êm ả, nhiều bóng cây. Nhưng lòng tôi không sao dịu bớt chút giao động bất an nào. Quanh tôi vẫn mơ hồ nhiều hình bóng chờn vờn qua lại bên trong các tòa nhà có tường bằng gạch đỏ. Chỉ tình cờ thoáng thấy đôi ba phút ngắn ngủi trong cuộc sống hàng ngày của họ, mà tôi đã choáng ngợp trong bao dằn vặt khổ sở vì tâm trí bị giao động mạnh trước hiện thực quá bi đát, xót xa, buồn tủi của kiếp sống con ngưới. Do đâu nên nỗi những đoạn trường khổ đau thảm thương như vậy?

Những bệnh nhân lầm lũi như các hồn ma bóng quế, nét mặt dại ngây, nhưng bộ dạng thất thểu mệt mỏi như mang cả thập giá trầm luân, khổ ải của bao người trên thân xác họ. Và, tuy dật dờ lêu bêu trước mắt tôi, nhưng phần hồn của họ đã lãng du ở chốn xa vời vợi. Họ như không còn duy trì bất cứ kết nối có nghĩa nào nữa với cuộc sống quanh đây. Họ cũng không còn nữa với cộng đồng xã hội. Vì, chỉ đến đây tôi mới ý thức có họ nhập nhoạng trong những chiếc bóng như khói, như sương ở cõi nhân gian. Nhân viên Trung Tâm cố gắng giúp cho sự hiện diện của họ được trật tự, theo nề nếp của cõi giới này; Nhưng họ đang cố vẫy vùng để thoát khỏi những khuôn mẫu trật tự đó.

Ngậm ngùi làm sao, Phú đang bị đẩy vào làm thành viên trong thế giới của những người bất hạnh đáng thương này.

Và từ đó, theo chị Ngân kể, mỗi hai tuần dì Liên đi xe lửa từ thủ đô Washington DC lên Baltimore rồi lại đi thêm chuyến xe bus và một chặng đường đi bộ khá dài mới thăm được Phú. Tôi cũng nghe nói, bệnh của Phú dần dà như có phần nặng hơn. Hắn mụ mị đi, ít nói cười, luôn lầm lỳ và lờ đờ say thuốc vì phải uống rất nhiều thuốc mỗi ngày.

***

Một thời gian sau, có lẽ quỹ trợ giúp y tế của tiểu bang bị cắt giảm, Trung tâm Spring Grove phải chuyển bớt người bệnh nhẹ ra các group homes. Phú được đưa ra một căn nhà tập thể tương đối gần nhà dì Liên, dù bệnh của hắn có vẻ như nặng hơn lúc bị bắt vào nhà thương hai năm trước đó. Từ đó, hắn ở trong một ngôi nhà hai tầng có 8 phòng ngủ với 13 người cùng thuộc loại bệnh nhẹ, nhưng vẫn phải dùng thuốc hàng ngày, và đi khám bác sĩ tâm lý định kỳ.

Tầng dưới của group home, ngoài phòng khách thoáng đãng còn có phòng giải trí và phòng hành chánh. Giữa nhà là khu bếp rộng để bộ bàn ăn tròn gồm 16 ghế. Rồi đến 3 phòng ngủ dành cho 6 nữ bệnh nhân. Phòng hành chánh là nơi duy nhất trong nhà phải dùng access card mới vào được. Đây là nơi để dụng cụ văn phòng, hồ sơ bệnh nhân, một số thiết bị y tế, và tủ thuốc.

Tầng trên có 4 phòng ngủ dành cho 8 nam bệnh nhân; một góc chung có bàn ngồi đọc báo giữa hai chậu cây đinh lăng khá lớn. Không gian chung thoải mái, thư giãn dưới ánh nắng nhẹ từ hai cửa sổ kính đặt trên mái. Nơi này cũng như phòng giải trí ở dưới nhà luôn có tiếng nhạc nhẹ êm phát từ hệ thống intercom.

Group home được quản lý bởi một nhóm nurse assistants luân phiên nhau trực, 8 giờ một ca. Ban ngày luôn có hai người trực mỗi ca, ban đêm chỉ một người. Thêm vào đó, còn có một social worker đến thăm định kỳ 2 lần mỗi tháng. Trong trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân có thể được đưa vào phòng cấp cứu ở bệnh viện Tin Lành lớn, cách nhà một block đường. Nhà cũng có một nhân viên tạp vụ, ở phòng riêng trong khu vườn sau, lo cắt cỏ tỉa cây, sửa chữa vặt vãnh, và lau quét, dọn dẹp hàng ngày.

Bệnh nhân được sắp đặt thời khóa biểu để tự giặt sấy quần áo ở các máy giặt, máy sấy đặt ở tầng hầm trong nhà. Họ được chở đi khám bác sĩ hoặc đến tham dự các lớp huấn luyện, định kỳ, theo các chỉ thị của bác sĩ.  Mỗi tuần, những bệnh nhân khỏe mạnh, tinh tường thường được đưa đi chợ một lần, và thỉnh thoảng có dịp, cũng được đưa đi dự các buổi hòa nhạc, xem kịch, hay các hội chợ nhỏ tổ chức trong quận. Họ có thể tự nấu ăn hay đặt đồ ăn tháng, nếu quá lớn tuổi, qua chương trình từ thiện meals on wheels. 

Phú đã ở nhà này hơn 25 năm, cũng là thành viên ngụ cư lâu dài nhất, so với mọi người khác trong nhà.

***

Từ nhiều năm qua, dì Liên ở cùng chung cư với người chị họ của tôi, Ngân, đã về hưu, nên tôi biết khá rõ về tình cảnh đáng thương của dì. Dì là người Phan Rang, hiền lành, chất phác, chân quê. Trước khi nhập cư vào đây, dì chỉ biết phụ gia đình làm ruộng hay gánh chiếu, gánh chổi, đan chằm thủ công ở nhà, băng qua các cồn cát cháy nắng, lên thị xã bán. Dì đã học hết lớp ba trường làng nên cũng vỏ vẻ đọc được chữ quốc ngữ. Định cư ở đây đã nhiều năm mà dì chỉ hiểu sơ sơ vài từ tiếng Anh đơn giản. Những năm đầu khi con dì còn nhỏ, thỉnh thoảng social worker người Việt cũng ghé hỏi thăm hay chỉ dẫn điền đơn từ xin trợ cấp qua loa. Dần dà, không ai đến nữa, dì lân la nhờ chị Ngân giúp đỡ việc viết check trả hóa đơn hay điền các thứ giấy tờ khác khi Phú và Yên chưa đủ khả năng giúp dì.

Từ ngày đến Mỹ, dì Liên chẳng bao giờ hội nhập được vào đời sống ở đây. Dì luôn lủi thủi một mình trong nhà, thường chỉ lặng lẽ nấu nướng trong bếp. Không nói được tiếng Anh nên cuộc sống của dì đã bị thu hẹp, cô lập nhiều năm qua. Dì lại càng lẻ loi, lạc lõng, tội nghiệp hơn từ khi đứa con gái bỏ đi, qua bờ Tây đã hơn 15 năm, nghe như đã lấy chồng, và chưa bao giờ có ý định về thăm gia đình còn lại ở đây. Dì rất ít giao tiếp với người ngoài gia đình, không bao giờ nói chuyện với mấy gia đình hàng xóm ở quanh nhà, dù ở cùng chung cư rất nhiều năm qua. Vì thế, khi ra ngoài dì cũng chỉ đơn côi lầm lũi trên các chuyến xe bus đường dài để đi thăm người con trai tàn tật. Nếu không thăm con, thỉnh thoảng dì cũng lên các khu buôn bán nhiều người Á đông, lẩn quẩn tìm mua thực phẩm bán giảm giá.

Đôi khi để đến được một cái chợ nhỏ yêu thích, dì phải ngồi xe bus gần ba giờ, qua vài tuyến đường khác nhau, rồi lại đi bộ thêm, và cũng thường phải ngồi chờ rất lâu ở các trạm xe chuyển nối, khá vắng người vào mùa Đông. Đến chợ, dì chỉ mua qua loa vài gói rau thơm hay các lọ gia vị nhỏ để đem về bầy hàng cặm cụi nấu các món quen thuộc, ăn một mình, nhớ về một thời đã xa, chẳng có món nào ngon như ngày xưa được ăn ở quê cả. Thường thường mỗi khi đi mua bán như thế, dì luôn ở trong chợ cả buổi, tỉ mỉ xem thật kỹ từng món hàng trưng bầy. Chừng như dì cũng thích đi đi, lại lại giữa các món hàng xén không bao giờ thấy ở chợ Mỹ, nghe khách hàng nói chuyện bằng tiếng Việt, nghe những bài vọng cổ luôn được mở khá ồn ào như để thu hút sự chú ý người qua lại, suốt thời gian tiệm mở cửa. Hoặc có thể là dì yêu thích cái không gian tanh tanh mùi tôm cá quen thuộc và luôn bề bộn, lủng lẳng thúng mủng ở các chợ này. Đi trong tiệm mà dì luôn vu vơ cười một mình. Nhưng dáng đi của dì mới cô đơn lạc loài làm sao, những nụ cười héo hắt trên khuôn mặt hằn nhiều đau đớn chịu đựng, ánh mắt luôn ngơ ngác như, không còn hay chưa bao giờ thực sự, kết nối được với mọi người quanh dì. 

Theo dì Liên, Phú đã trải qua những ngày thơ ấu trong triền miên sợ hãi, kinh hoàng vì bom đạn luôn loạn cuồng nổ đâu đó quanh khu làng dì ở Phan Rang. Tháng 3 năm 1975, dì gánh con theo bao người cùng làng xô bồ quảy đồ, gồng hàng bấn loạn chạy về hướng thành phố Sài Gòn. Khi đó Phú được 2 tuổi và Yên chưa được 1 tuổi. Trong làng rất nhiều người chạy như vậy, nhất là những gia đình có chồng con đi lính quốc gia. Mọi người đồn giặc sắp vô đốt nhà, nên dì hoảng sợ, tháo chạy theo họ thôi, dì cũng chẳng hiểu chuyện gì đang thật sự xảy ra. Nhiều ngày hoảng loạn sợ hãi, đói khổ nheo nhóc bờ rừng, hốc núi, rồi mẹ con dì cũng đến được Sài Gòn. Ở nơi dập dìu người và xe đó, nghe đâu có trại lính, dì cũng bồng dắt con dò dẫm tìm đến để hỏi thăm tin chồng. Đến đâu được hai, ba chỗ, dì chỉ thấy toàn trại trống, kho hoang, nhà không. Hình như có nơi dì còn thấy một ít quân trang vương vãi trên mặt đất. Nhưng tuyệt nhiên không gặp ai, ngoài vài người đàn bà, cũng từ quê ra như dì, đang đi tìm người thân. Đôi khi lếch thếch chạy trên phố hay vào tạm trú ở một khu nhà kho nào đó, dì nhặt được ít đồ hộp, cố cấtgiấu trong thúng, dè sẻn mở dần cho con ăn. Mấy mẹ con lao đao tơi tả vài ngày, rồi tình cờ đã ra đến hàng không mẫu hạm, như đã kể.

Sau khi Phú dọn về group home, rất nhiều lần, dì đã rầu rầu đau xót kể lể với chúng tôi: “thằng Phú bị bệnh nặng như thế là do con Yên hung dữ, cố tình đặt điều nói thêm để thằng anh bị cảnh sát bắt nhốt vào nhà thương điên. Cô tính, nó vóc dáng còi nhỏ, mà bị đánh, có khi b quăng bởi tụi điên to con gấp 3, 4 lần trong đó thì làm gì không bệnh, không khùng điên.” Tiếng nói của dì nặng trĩu âm chua xót, hờn giận.

Một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, dì co ro trong chiếc áo len cũ quá khổ màu đen bạc, đã giãn chảy thõng thượt. Nhìn bộ dạng dì lúc đó không khác một con vật già nua bệnh hoạn trong bộ lông xơ xác, sức tàn lực kiệt, nhưng vẫn cố thều thào nhắc lại mấy câu trách móc đau lòng đó. Tôi đã rợn người lặng đi vì cái âm giọng rin rít, oán thán của dì nghe quá thê thảm. Tiếng rền rĩ tội nghiệp của dì như khơi gợi lại trong tôi vọng âm của tiếng tru kinh hoàng năm xưa đã từng nghe ở Trung Tâm Spring Grove.

Dường như bao giờ về vùng này thăm gia đình người em, cũng là bạn đồng nghiệp cũ của chị Ngân, tôi cũng luôn gặp dì, nếu không ở chung cư nhà dì thì cũng đâu đó tại khu buôn bán có nhiều hàng quán người Việt. Chúng tôi như mắc nợ nhau từ kiếp nào, thỉnh thoảng phải gặp để nghe thêm một ít diễn tiến chuyện đời, buồn nhiều hơn vui, của nhau.

Có lần, trong một công viên nhỏ ở gần nhà ga xe lửa, xe bus ở Washington DC, hai chị em tôi thấy dì ngồi trên một ghế đá rải bánh mì vụn cho đàn vịt hoang ở lối đường vắng gần một cái hồ nước. Dì không thấy chúng tôi, nhưng tôi nghe tiếng dì, rất vui, lảnh lót gọi mấy lần “bé Ba, bé Tư ơi, mau lại ăn đi em”. Tưởng dì gọi mấy em nhỏ nào ở gần đó, tôi dáo dác quay tìm, nhưng chẳng có ai quanh mấy cái băng đá trống gần đó. Hình như, dì đang gọi mấy con vịt nào đó là bé Ba, bé Tư thì phải. Rồi dì còn nói thêm vài câu gì nữa, mà tôi nghe không rõ, với bé Ba, bé Tư của dì. Thật quá ngạc nhiên, dì rất kiệm lời, ít nói, không giao du với ai ở gần nhà nhưng lại lên tận đây tâm sự, chuyện trò với vịt. Có lẽ nào dì nghĩ những con vịt ngờ nghệch vô tư này có thể thông cảm, thấu hiểu dì hơn nên dì đã nỉ non, chia sẻ với chúng?

Như bọt, như bèo đã lênh đênh dạt trôi hơn hai phần ba cuộc đời, thế mà ở đâu đó tận cùng trong lòng, dì vẫn đau đáu nhớ quê, và đã thổ lộ nỗi nhớ tiếng mẹ, nhớ bé Ba, bé Tư khi bất chợt buột miệng nói những câu ngọt ngào trìu mến với mấy con vịt. Cuộc đời của mấy mẹ con dì hẩm hiu không khác thân phận bềnh bồng của loài hoa trôi lục bình. Long đong vô định xuôi sông cả dề, nhưng không gắn kết chặt chẽ, mong manh nổi trôi, rồi tan tác phân ly sau cơn mưa mùa.

“Tui ở đây buồn lắm cô ơi, nhớ làng, nhớ cha mẹ, nhớ cây ổi, nhớ mấy con gà sau sân nhà, mà không biết nói với ai. Con Yên bỏ tui luôn rồi, còn thằng Phú thôi, mà không chừng mai mốt thằng này cũng hết nhìn ra tui, nó lờ đờ sao sao đó. Từ khi ở nhà thương điên về nó hết nói được tiếng mình, mà cũng không muốn nói chuyện với tui nữa… Ừa mà quên, cũng còn thằng chồng của tui nữa chớ. Cô biết không, mấy lần tui thấy nó ở khu Eden. Nó đi với con vợ khác và mấy đứa con, một bầu đoàn luôn. Thấy tui, nó ngó lơ. Tui cũng giả đò như chưa từng quen biết. Mà làm sao tui quên được cái mặt có cái thẹo dài từ đuôi mày xuống tới má bên phải đó. Cái thẹo từ vết thương uýnh lộn lần nó kiếm chuyện lúc nhậu say trong xóm… Nó đành đoạn bỏ mẹ con tui như vậy đó cô…”

Câu chuyện trái ngang, đớn đau mà giọng dì ráo hoảnh như đã nhẫn nhục chấp nhận mọi an bài của định mệnh. Nhưng sâu thẳm trong mắt dì lúc đó, tôi nhìn thấy toàn các rãnh khô khốc nhiều sỏi đá hay muối thô đã đóng tảng.

***

Gần đây, có lần tôi theo dì đến thăm Phú ở group home của hắn. Phú đã gần bước vào tuổi 50, được chẩn đoán trên hồ sơ là bị tâm thần phân liệt. Về thể xác, Phú khá béo nhưng nhìn bệu rệu bệnh hoạn, đi lại hơi khó khăn, cũng tương đối tươm tất sạch sẽ.

Hôm ấy, mẹ con dì nói chuyện với nhau ở ghế sofa trong phòng khách nhà tập thể, tôi ngồi ở phòng giải trí, nơi có bàn chơi các loại cờ hay các trò như monopoly, scrabble.

Dì nói tiếng Việt, giọng Quảng Nam, hỏi han đủ chuyện. Phú trả lời bằng tiếng Anh, cộc lốc, lạnh lùng. Đại khái:

– Con sao rồi, khỏe không?

– Fine.

– Con uống thuốc đủ chớ?

– Yes.

– Tuần rồi, con gặp bà Pat mấy lần?  (Pat là nhà trị liệu tâm lý)

– (Phú ra dấu bằng 2 ngón tay)

– Ăn bún chả giò ngon không?

– Good

– Ai hớt tóc con?

– Ken

– Con trả nó bao nhiêu?

– (Phú dơ hai bàn tay lên)

– Con còn tiền không?

Phú móc túi, rút ra một tờ 5 đô. Dì dúi cho hắn một tờ 20 đô. Nhanh nhẹn cất ngay vào túi, hắn làu bàu:

– Thank you.

Dì giải thích với tôi, tiền chỉ để Phú bỏ túi mua đồ ăn vặt ở vending machine thôi, mọi chi phí ăn ở chính phủ lo hết. Mỗi tháng Phú được phát thêm 16 dollars. Chẳng biết Phú có hiểu những gì mẹ hắn nói không. Mặt hắn không biểu lộ cảm xúc, luôn thờ ơ nhìn bâng quơ qua cửa kính, không mảy may tò mò nhìn đến tôi, người mà mẹ hắn đang thỉnh thoảng cùng chuyện trò.

Vẫn tiếp tục đàm thoại với ngôn từ ù cạc, ngúc ngắc như thế, hai mẹ con trao đổi thêm vài câu nữa. Sau đó, dì theo Phú lên phòng của hắn ở tầng 2, nói cần giúp Phú dọn xếp đồ chi đó.

Tôi vẫn chờ dì ở bàn chơi game. Một người phụ nữ mặc chiếc sari nhiều màu sắc, đến chỗ tôi, nói rất nhiều bằng tiếng Hindi thì phải. Bộ điệu bà ta tức giận như đang phân trần hay cãi nhau, luôn vung tay la mắng như xua đuổi tôi. Tôi im lặng, đứng dậy, mở cửa bước ra khu vườn nhỏ có mấy băng ghế đá đặt giữa những bụi thông vàng trồng thành hàng rào ở sân sau nhà.

Một bà người Việt, có lẽ cũng hơn 70 tuổi đang ngồi lần tràng hạt trên một chiếc ghế đá. Bà nói giọng Huế, dáng vẻ quý phái, đã có lần tự nhận là giáo sư một trường Trung Học nào đó ở Đà Nẵng. Tay lần tràng hạt nhưng miệng bà ngân nga:

Ơ hờ…
Gi
ó vầm vập mưa lưng chừng nơi bể Bắc,
Hạt mưa rơi tinh tang t
ích tắc rỉ rắc trước hàng hiên.
Mu
ốn lơ đi mà ngủ, e sợ ngủ không yên,
S
ợ mai kia mưa già nước ngập không biết dựa con thuyền vào đâu.

(Khuyết danh)

Một điệu hò mái nhì da diết, tình tứ, u buồn mang âm hưởng ngân vọng, chậm rãi, khoan thai của nhịp chèo đang lẻ loi lướt êm trên nước. Người xướng đã ngưng lại, thẫn thờ chờ mãi mà không có tiếng hò họa hay hò xô từ mạn sông nước ấm tiếng người của những ngày xưa. Nghe câu hò chơi vơi mà thấy lòng lênh đênh những rong ruổi vô định của con thuyền.

Người không tỉnh trí, như bà giáo sư dạy Việt Văn này, cũng có khoảnh khắc tâm hồn tĩnh yên lắng đọng, cũng có giây phút chìm trong hoài niệm những ngày cũ êm đềm, hay nhớ đến một bóng hình xưa yêu mến. Giọng hò của bà ấm áp, nỉ non như kể lể than van tâm sự của người lẻ bầy, thiếu bạn. Nỗi bất hạnh tình cảm có thể làm người yếu lòng hoang mang mất cân bằng, rồi triền miên ủ ê sầu đau.

Dì Liên và tôi rời nhà Phú khi trời đã chập choạng gần tối. Qua một block đường hơi dốc, chúng tôi đến dưới tàn cây bạch quả, chờ xe về. Gió se lạnh. Khuất xa, trên vòm cây cao ở phương Tây, thấp thoáng vẫn còn mờ sáng bóng sao Hôm đang tha thẩn lặn dần, thong thả vượt trôi bầu trời vô tận, chờ mặt trời gần thức giấc, hóa thân thành sao Mai bừng chiếu rực rỡ phương Đông. Tôi tự hỏi, ở trong cõi bể dâu, bao giờ có được một bình minh khi ngôi sao Mai hiện ra như một ngôi sao mới, chói sáng và lấp lánh mừng vui như nụ cười giác ng[8]?    

Vũ Thị Ngọc Thư

Chú Thích

[1] Electronic Benefits Transfer (EBT) Access Card làthẻ dùng mua thực phẩm ở chợ, dành cho người nghèo được trợ cấp từ chương trình food stamps của chính phủ. Thẻ này có công dụng như debit card; Tiền trong account trên thẻ do chính phủ chuyển vào hàng tháng, dựa theo số tiền trợ cấp được chấp thuận.

[2]  Pendleton Refugee Camp là một trại tạm cư lớn ở San Diego được thiết lập năm 1975. Trại Pendleton đã cung cấp nơi trú ẩn cho hàng chục ngàn người tị nạn Việt Nam, trong những năm 1975-1976

https://www.cbs8.com/article/news/local/zevely-zone/san-diego-vietnam-refugees-camp-pendletons-tent-city-45-years-later/509-c957a545-9862-4b4f-aa8c-2482db6d7f87

[3] Lá xào dông hay lá cây ngọc ngũ sắc là lá của một loại cây rừng, chịu hạn rất khỏe, dễ sống, mọc hoang khắp nơi ở Ninh Thuận

https://hvnclc.vn/cay-xao-dong/

[4] Spring Grove Hospital Center là Trung Tâm trị liệu và nghiên cứu về bệnh tâm lý rất lớn ở Baltimore, Maryland:

https://en.wikipedia.org/wiki/Spring_Grove_Hospital_Center

Hình ảnh trong khuôn viên Spring Grove Hospital Center:

[5] Criminal Insnane Asylum là viện giữ tội phạm mắc bệnh tâm thần không có sự đồng ý của họ. Năm 1967,Thống Đốc Ronald Reagan ký một sắc lệnh, the Lanterman-Petris-Short Act,bãi bỏ việc bắt nhập viện các tội phạm bị rối loạn tâm trí.

https://en.wikipedia.org/wiki/Lanterman%E2%80%93Petris%E2%80%93Short_Act

[6] The Silence of the Lambs là một bộ phim tâm lý kinh dị năm 1991 do Jonathan Demme đạo diễn và Ted Tally viết kịch bản, chuyển thể từ tiểu thuyết năm 1988 của Thomas Harris. Phim có sự tham gia của tài tử Jodie Foster và Anthony Hopkins. Theo link:

https://en.wikipedia.org/wiki/The_Silence_of_the_Lambs_(film)

[7] Haddol, Lithium, và Thorazine là các loại thuốc làm ổn định tinh thần, giúp bệnh nhân điều hòa cảm xúc, đỡ căng thẳng lo lắng, giúp họ có thể dự phần trong các sinh hoạt bình thường của cuộc sống.

[8] Lời trích từ Chương 18: Sao Mai Đã Mọc, sách “Đường Xưa Mây Trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/duong-xua-may-trang/chuong-18-sao-mai-da-moc/

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search