T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Đọc tuyển tập thơ nhạc Tưởng của Lê Anh Dũng 

Sau 14 năm với tập truyện Giọt Nắng Xiên (Tháng 7 năm 2008), bước vào tuổi 80, nhà thơ Lê Anh Dũng ấn hành tuyển tập thơ nhạc Tưởng để kỷ niệm những quãng đời đã qua từ thời chinh chiến, trong chốn lao tù và tháng ngày tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Tuyển tập Tưởng dày 234 trang do Nhân Ảnh xuất bản vào Hè năm 2022. Về thơ, gồm 3 phần: Thơ Tình Yêu với 31 bài (từ trang 14 đến trang 74), Thơ Xã Hội Hội với 58 bài, (trang 76-173) và Thơ Hướng Đạo với 7 bài (175-185). Về Nhạc với 13 nhạc phẩm từ trang 221 đến 233.

Cuộc tình giữa Lê Anh Dũng và Mỹ Hiệp đến nay đã 54 năm, ngay từ thuở ban đầu:

“Anh từ Võ Tánh là thơ,

Gởi em Trường Nữ ngày xưa… bụi hồng

… Hẹn nhau vào mộng men say

Để con bướm vẫn có ngày vờn hoa…!”

(Em Khánh Hòa).

Khi bước chân vào quân ngũ, khi xa nhau với nỗi niềm:

“Rồi một chiều anh đi

Nét nhạc buồn chia biệt

Rồi từ đó phân ly

Ta ngậm ngùi đơn chiếc!”

(Quên)

Tuy mỗi người một phương nhưng trong tâm tưởng với hỉnh bóng người yêu:

“Ta bảo chỉ có em

Ừ! Chỉ có em

Đã đưa ta vào một trời thơ mộng

Và cũng lắm những cơn giông!…”

Làm vợ người lính thời chinh chiến, ít khi được gần gũi bên nhau qua những dòng thơ bộc bạch:

“Là vợ lính như con thuyền không bến

Nay Tam Quan mai Tân Cảnh, Pleiku

Chia cho nhau cơm sấy, lạnh, sương mù

“Mùa Hè Đỏ Lửa” đến tháng Tư mất nước!”

Sau biến cố tang thương của lịch sử vào tháng Tư năm 1975, cũng như hàng trăm nghìn chiến hữu khác bị bỏ rơi, đành bước chân vào chốn lao tù:

“Ta bới đào em mòn khô khốc,

Kiếp lưu đày qua các trại tù xa

Nào Z30 rồi chuyển đến Hồng Ca

Hoàng Liên Sơn, Tháp Bà, Vĩnh Phú!

Bóng dáng em theo anh mòn phố cũ

Sốt rét rừng suối Lệ Ngọc đướng xa

Anh cứ nhớ hồn run lên lạnh lẽo”

(Mắt Xích)

Năm 1990, thoát khỏi Quần Đảo Ngục Tù như tựa đề tác phẩm của nhà văn Nga Solzhenitsyn, anh cùng vợ con được tỵ nạn tại Hoa Kỳ theo diện H.O… nhưng trong lòng với nỗi niềm Hồn Lưu Vong!

“Một đời người bao nhiêu năm là đủ!

Nhưng tình yêu vẫn thiếu vẫn so đo.

Bóng thời gian như đùa giỡn hẹn hò

Như uất hận trải in tình cổ quái

Hơn nửa đời ta quay đầu nhìn lại

Quãng thơ ngây về quyện lấn hồn hoang

Thuở xuân xanh bị chà xát nát tan

Giờ nhớ lại còn bàng hoàng kinh hãi

Bỏ quê hương thoát bọn người vô lại

Có lẽ nào hồn ta mãi lưu vong!”

Trong ngày tháng sống trên xứ người, với anh vẫn là xứ tạm dung vì trong anh vẫn mãi mãi là người lính khi “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm) nhưng rất đau vì không gìn giữ được quê hương, nơi cố hương đó: Tam Quan, Bình Định

“Màu hoa trắng điểm mái tóc xưa

Nhớ quá xóm thôn nhớ rừng dừa

Nhớ Ngôi trường nhỏ thời tiểu học

Chân đất đến trường buổi sớm mưa!”

Vì vậy, người lính già chia sẻ với thế hệ con em như lời nhắn nhủ:

“Ta đã một thời lăn lóc qua

Cùng chung giữ nước quyết xông pha

Gươm rơi súng rụng trong tù ngục

Tỵ nạn tha hương mất quê nhà!”

(Nói Với Tuổi Trẻ Việt)

Và, niềm ước vọng của người lính năm xưa đã bày tỏ cùng giới trẻ:

“Ta không thể ngồi nhìn phường bán nước

Không ngồi im mặc tổ quốc tiêu vong!

Ta, hải ngoại, sẽ về bừng mây trắng

Cùng anh em tay nắm chặt kết đoàn

Thế hệ trẻ về dựng xây tổ quốc

Đem vinh quang tân tiến ánh bình minh

Trăm triệu con tim tay nắm lặng nhìn

Cờ tổ quốc* tung bay mừng “thống nhất”

(*) Cờ Vàng Việt Nam Cộng Hòa

(Thống Nhất)

“Ta một thuở vang lừng Nam Á

Có thể nào hèn hạ tự trói mình!

Cùng ngàn năm nhân kiệt địa linh,

Hãy tuốt kiếm cùng nắm tay đứng dậy!”

(Tuốt Kiếm)

Lê Anh Dũng theo học các trường trung học Tăng Bạt Hổ, Bồng Sơn; Võ Tánh, Nha Trang; Petrus Ký, Sài Gòn và đại học Khoa Học – Văn Khoa, Sài Gòn. Tốt nghiệp Khóa 26 Sĩ Quan Thủ Đức và Khóa 9 Trung Cấp Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Cựu tù nhân chính trị, tỵ nạn tại Hoa Kỳ theo diện H.O.3 vào năm 1990.

Khi định cư tại Hoa Kỳ, anh tham gia trong Khu Hội Cựu Nhân Chính Trị Nam California, với bút hiệu Lê Tam Anh, chủ bút tuần báo Trách Nhiệm của Khu Hội (Trong những năm tôi đảm trách layout tờ báo TN, anh em có nhiều kỷ niệm với nhau vì người lính có cơ hội cùng nhau làm tờ báo lính. Trong bài viết feedback của anh, không muốn để tên chủ bút nên anh đặt bút hiệu Lê Tam Anh và từ đó gắn liền với bút hiệu nầy). Trong sinh hoạt cộng đồng, anh làm chủ bút Đặc San Tây Sơn Bình Định, chủ bút Đặc San Lại Giang. Tham gia trong phong trào Hướng Đạo Việt Nam, hình ảnh “Sóc Lanh Lợi” gắn liền với anh trong những thập niên qua. Và, bài thơ khai bút đầu Xuân năm Nhâm Dần (2022) với Con Số Tám:

“Tết này tám chục rồi nha!

Trong đầu tưởng trẻ nhưng là lão ông

Nói năng đi đứng còn ngông

Bạn bè Nam Bắc Tây Đông họp đoàn!

Già rồi văn bút đa đoan

Cù nhầy cù cứa xóm làng Trưởng Niên!

Mong ngày xum họp đoàn viên

Lũy tre xóm cũ ta về trăm năm (?)”

Về Nhạc, với 13 ca khúc: Đôi Bờ (thơ Vũ Ngọc Uyển, nhạc Lê Anh Dũng), Đôi Ngã (Lê Tam Anh), Đứng Dậy (thơ Lê Tam Anh, nhạc Mai Đằng), Hướng Đạo Trưởng Niên (nhạc và lời Lê Anh Dũng, Sóc Tương Lai), Lời Hứa (nhạc & lời Lê Anh Dũng), Mất Tích (thơ Lê Anh Dũng, nhạc Hạnh Cư), Ninh Hòa Họp Mặt, Nối Vòng Tay, Suối Nguồn Thẳng Tiến Mười Hai, Thoáng Qua, Về Đây Nối Vòng Tay, Với Cha (nhạc & lời Lê Anh Dũng).

Kể từ tác phẩm Giọt Nắng Xiên đến Tưởng, nhà thơ Lê Anh Dũng (Lê Tam Anh) đã góp mặt trong sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại qua thơ văn với nhiều mảng đời và khía cạnh trong cuộc sống. Điều đáng trân quý ở anh với tinh thần của người lính Việt Nam Cộng Hòa, với tấm lòng yêu nước, thiết tha với quê hương của một thời sinh trưởng với hoài bão như câu nói của Les Brown “Bạn không thể yếu đuối trên con đường theo đuổi giấc mơ. Hãy dám vượt qua các rào chắn để tìm con đường của riêng mình”, và E. Joseph Cossman “Bởi chúng ta không thể sống mãi mãi, hãy để lại cho hậu thế điều gì đó ghi dấu rằng ta đã sống”. Tôi rất tâm đắcvới bài thơ Nói Với Tuổi Trẻ Việt như câu nói của E. Joseph Cossman.

Little Saigon, September 24, 2022

Vương Trùng Dương

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search