T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Nhà Thơ Uyên Hà & Người Đứng Khóc Tay không

Uyên Hà (Lê Đình Ba) làm thơ từ ngày đi học Trường Trung Học Trần Quý Cáp nơi phố cổ Hội An vào những năm đầu của thập niên 1960s và đợi… cho đến Hè năm 2023, ở tuổi tám mươi mới ấn hành “đứa con đầu lòng”, thi phẩm Người Đứng Khóc Tay Không.

Trong tập thơ nầy, in bài viết của nhà văn Cung Tích Biền: Đọc Thơ Uyên Hà:

“Đến với cõi thơ Uyên Hà là đến với “suối nguồn xa vắng”. Một dòng chảy lặng lẻ, không ồn ào thác đổ, chỉ là  những mạch thầm nhỏ nhoi vần tụ, con suối bình yên ấy, một mạch nguồn tĩnh lại…”.

Và lời kết: “Theo dõi dòng thơ Uyên Hà, chúng ta có thể nhặt ra được những đoạn, những câu rót lóng, tóm tắt cái “Thế gian phận chịu” một cách tài tình.

Vì thế, thơ Uyên Hà tuy là một mảnh tình riêng, nhưng chỗ riêng ấy chính là một Tiếng nói chung, một Biểu tỏ đại đồng cho một thời đại. Đó là giá trị của một tác phẩm”.

Chiều Chủ Nhật, 16/7/2023, vợ chồng nhà văn Cung Tích Biền, nhà văn Phạm Quốc Bảo, nhà thơ Uyên Hà và tôi, gặp nhau ở quán cà phê Gypsy trong khu Catinat ở Little Saigon. Người bạn già tặng tôi tập thơ, trong lúc trò chuyện, tôi lướt qua cảm nhận của nhà văn Cung Tích Biền, cũng là huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử giữa thập niên 1950s ở quê nhà, tôi nghĩ không có chữ nghĩa để viết nữa như ngày xưa Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu đọc bài thơ của Thôi Hiệu.

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc

Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”

Trong một bài viết của tôi, đã khá lâu: Phố Cổ Trường Xưa & Bóng Dáng Nhà Thơ:

“Trong hai thập niên, vào giữa thập niên 50 đến giữa thập niên 70, nơi phố cổ Hội An, các cựu học sinh trường trung học Trần Quý Cáp, Diên Hồng yêu thi ca và đi vào con đường nầy từ ngày ở mái trường, đời quân ngũ… cho đến tháng ngày tha hương nơi xứ người. Sở dĩ, tôi dùng chữ “bóng dáng” vì có những khuôn mặt đã ấn hành nhiều thi phẩm như Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Lê Văn Trung, Trần Trung Đạo… Có người đã ra người thiên cổ được người thân ấn hành như Liên Thao và có người sau hơn sáu thập niên sau khi rời phố cổ, sống ở hải ngoại mới cho ra đời các thi phẩm… Tất cả khuôn mặt đó, hình ảnh cố hương và ngôi trường được gợi lại, thấp thoáng trong thơ.

Trong mảnh đất đó, dưới ngôi trường Trần Quý Cáp, Diên Hồng đã xuất hiện những nhà thơ: Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Nguyễn Thị Liên Phượng (Nguyễn Nho Sa Mạc), Hoàng Quy, Hoàng Lộc, Đinh Trầm Ca (Mạc Phụ), Phùng Minh Tiến, Lê Đình Phạm Phú, Uyên Hà, Liên Thao, Nguyễn Tịnh Đông, Nguyễn Nho Nhượn, Dư Mỹ, Lê Văn Trung, Hạ Đình Thao, Hồ Tuấn Nhã, Trần Trung Đạo, Lê Phi Điểu… của thế hệ chúng tôi…”.

Với Liên Thao (Trần Công Nghị 1944-2010), bạn cùng lớp với Uyên Hà, trước đó tôi “xúi” anh gom thơ lại để in nhưng anh nói vượt biên sang Canada vào cuối thập niên 1970s nên thơ cũ bị thất lạc và sáng tác mới chưa nhiều, nên đợi… Thật bất hạnh, tháng 9 năm 2010 anh ra người thiên cổ.

[Chị Trần Thị Kim Anh (hiền thê TCN) muốn có “đứa con tinh thần” lưu niệm cho ngày giỗ đầu nên sau đó chị ở Canada, Uyên Hà (Việt Nam) và tôi (Hoa Kỳ) đã liên lạc với thân hữu, gom góp thơ, văn, bài vở… tôi layout tuyển tập Trần Công Nghị, Thơ Văn – Gia Đình – Bằng Hữu.]

Với tình nghĩa đó, dù trong thi phẩm đã có nhà văn Cung Tích Biền cảm nhận “tại thượng đầu” nhưng cũng ghi lại đây những dòng cho trọn tình với nhà thơ phố cổ Hội An.

Mở đầu thi phẩm với Bài Ca Quê Hương:

“Em chối bỏ phố phường về đất Quảng

Quê hương nầy rơm rạ vốn thương nhau

Nối thân phận cỏ bèo nhưng ấm cúng

Nghe trong hồn nhiều mật ngọt tre cau…

Đến bao giờ núi sông đừng chia cách

Người gặp người bằng thông cảm sơ nguyên

Giữa cảnh huống hôm nay còn bi đát

Em quay về xin cuộc sống bình yên”. 

Năm tháng trôi qua, và với hình ảnh hiền thê:

“Em thiếu phụ năm con giờ lận đận

Lặn lội thăm chồng chẳng quản đường xa

Vắt cơm nóng nuôi tù chan nước mắt

Lòng ta đau, đau đáu một quê nhà”.

Thế rồi, hơn bốn mươi năm với đắng cay ngọt bùi trong tình nghĩa vợ chồng, chẳng may hiền thê của anh đã “bỏ” anh côi cút với năm con Yên Kha, Hoàng Thúy, Vi Thúy, Hồng Ngọc, Tĩnh Đông về cõi vĩnh hằng.

Trong bài viết của Kim Phượng ghi lại cuộc tình của nhà thơ: 

“Một ngày cuối xuân năm 1972, cô giáo Nguyễn Thị Sáu, trong trẻo, hồn nhiên trong tà áo dài trắng đến Sở Học Chánh ở đường Yên Bái, Đà Nẵng để xin thuyên chuyển nhiệm sở…

Thầy hiệu trưởng Lâm Sĩ Hồng của Trường Trung Học Đông Giang, đưa cô đến phòng Giám Đốc, rồi phòng nhân sự và các thủ tục thuyên chuyển được tiến hành ngay.

Vậy là từ một cô giáo trường làng, chị Nguyễn Thị Sáu, lúc ấy mới hai mươi bốn tuổi, trở thành nhân viên của Trường Trung Học Đông Giang…, gắn bó với ngôi trường ba mươi hai năm. (Đông Giang, phía Đông của dòng sông Hàn, quận Ba Đà Nẵng ngày xưa)

Sau ngày về hưu, chị tham gia các hoạt động từ thiện với nhóm ACE (Anh Chị Em) Thiện Văn. Từ những huyện, những xã vùng cao của Quảng Nam, Đà Nẵng như Đại Lãnh, Đại Cường, Hoà Bắc, Đông Giang, Tây Giang… cho đến những vùng sâu nghèo khó của Quảng Ngãi, Kon Tum như Sơn Cao, Sơn Tịnh, Măng Đen, Măng Cành,… nhiều nơi đã in dấu chân chị. Nụ cười hiền hậu của chị đã làm ấm lòng bao con người cơ cực, cùng khốn… Năm 2013, bị tai biến do có tiền sử cao huyết áp, chị không còn theo nhóm Thiện Văn đi đến những nơi xa xôi nhưng vẫn ủng hộ chồng – anh Lê Đình Ba – trong công tác từ thiện. Nhà chị là nơi tập trung hàng hoá, quần áo ấm. Chị nhận hàng, cùng anh chị em phân loại áo quần, đóng gói các phần quà, đến bệnh viện thăm hỏi, động viên các bệnh nhân được ACE hỗ trợ mổ tim, chữa bệnh.

Năm 2014, chị đột ngột qua đời, để lại bao niềm thương tiếc cho gia đình và bè bạn. Từ gợi ý của anh Huỳnh Bá Giả, một thân hữu của ACE Thiện Văn, gia đình đã quyết định đem khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của chị là 100 triệu đồng nhận được từ công ty bảo hiểm Prudensal gởi ngân hàng và lấy tiền lãi từ đó để làm Phần Thưởng Nguyễn Thị Sáu trước đây là Trường Trung Học Đông Giang, nơi chị đã làm việc suốt hơn ba mươi năm, từ khi còn là một cô giáo trẻ cho đến ngày nghỉ hưu.

Anh Lê Đình Ba đã ký biên bản thoả thuận với nhà trường tặng phần thưởng cho học sinh xuất sắc (nhất, nhì, ba) giá trị phần thưởng ít nhất là 10 triệu đồng trong vòng 10 năm, bắt đầu từ năm học 2014-2015…”

Nghĩa cử đẹp đó với vợ chồng nhà thơ Uyên Hà từ “vắt cơm nóng” trong hoàn cảnh khốn cùng đến 100 triệu đồng dành dụm một đời của nhà giáo với tiền bảo hiểm nhân thọ dành cho học sinh chăm học là điều hiếm có nơi cố hương.

Bài thơ Kết Cỏ Ngậm Vành của Uyên Hà viết tặng vợ năm năm 1983 với hai câu kết:

“Khi khanh tướng công hầu đều vứt hết

Ta yêu em, thề kết cỏ ngậm vành”

Bốn chữ nầy trong thơ thi hào Nguyễn Du

“Dám nhờ cốt nhục tử sinh,

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!”

Lời thề đó tuy không trọn vẹn với cuộc tình nhưng là món quá quý giá để đời với học sinh dưới ngôi trường Đông Giang.

Trong khi đó, bản thân của Uyên Hà:

 “Anh sẽ chi tiêu cho anh, không cần đủ

Những chắt chiu xin gởi trọn quê nhà

Cho năm đứa con thơ, cho Mẹ, cho Cha,

Sẽ ít lắm cho Em, Em yêu dấu!”

(Bài Thơ Viết Trên Vỏ Bao Thuốc Lá)

Nhà hiền triết La Mã Marcus Tullius Cicero cho rằng “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Trong bài Đôi Mắt của Uyên Hà về hình bóng xa xôi:

“Đò ai khua mấy giọt rời

Tưởng em cõi ấy cong vời mắt thương

Mai anh nằm chết sa trường

Tưởng em lần cuối mắt ươn ướt sầu”.

Với 49 bài thơ trong thi phẩm Người Đứng Khóc Tay Không mà câu thơ cuối của tập thơ “Tôi không khóc cũng ướt vừa trăm năm” để hình dung nỗi lòng tác giả trang trải qua những bài thơ mà thoạt đầu với tựa đề trong tác phẩm thật khó hiểu.

Little Saigon, July 16, 2023

Vương Trùng Dương

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search