T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: Tản mạn về Huế

clip_image002

Thành phố Huế nhìn từ cầu Trường Tiền – Ảnh: Bùi Oanh

Huế là nơi người ta yêu cái đẹp, trau chuốt cho mọi thứ trở nên kiều mị. Nếu ở Sài Gòn, mọi người đã quen với những địa danh dân dã như Bà Hom, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Ông Tạ, ông Lãnh, Chú Ía… thì điều đó khó tìm thấy ở Huế. Từ Hội An, tôi đến Huế bằng xe đò và được chỉ cho đến ngụ ở một khách sạn có cái tên rất thơ mộng là Quỳnh Xưa nằm trên đường Hàn Mặc Tử… Khách sạn nhỏ thôi nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, thuộc phường Vỹ Dạ. Đứng trên ban công, tôi có thể ngắm cầu Tràng Tiền và có thể đi đò qua chợ Đông Ba nếu không muốn tản bộ qua cầu…
Tôi rất hài lòng với một nơi chốn yên tĩnh và có phong cảnh tuyệt đẹp như Quỳnh Xưa.

clip_image003
Lối vào lăng Khải Định
nguồn: nghiengvietnam.net

Ba giờ chiều, khách sạn cho người chở tôi đi thăm lăng Khải Định. Đây là lần đầu tôi đến Huế và lần đầu thăm viếng mộ một ông vua và tôi khá thất vọng. Mộ của vua Khải Định nói lên trình độ mỹ thuật không có gì đặc sắc của người Việt. Có lẽ ngày xưa người thợ xây không ai là kỹ sư, là kiến trúc sư. Họ chỉ là thợ khéo cho nên với tôi lăng Khải Định là một ngôi mộ đồ sộ và không làm tôi xúc động như khi tôi đứng trước một tháp Chàm.

Tạm biệt ngôi mộ nửa Tây nửa Ta của vua Khải Định, tôi được chở đi thăm lăng Tự Đức. Lăng Tự Đức rộng và “ buồn ơi hiu hắt mênh mông là buồn”. Nhìn ngắm những hồ sen sâu và rộng mênh mông, những thành lũy kiên cố tôi nghĩ tới hàng ngàn dân công đã cực khổ, kiệt sức trên công trình này. Biết bao tiền của đã hao tốn để xây một hoàng cung u buồn dành cho một người ở cõi âm.

Xem lăng chỉ thấy lòng không vui. Xem thế đủ rồi. Ngày mai sẽ không đi xem lăng nữa.

clip_image004
Lăng Tự Đức
nguồn: skydoor.net

Buổi tối, đi bộ ra cuối đường Hàn Mặc Tử, qua một cây cầu, vào một quán cà phê nằm trên một cồn đất giữa sông Hương. Gió trên sông Hương dịu ngọt tràn về. Nhà hàng thông báo sẽ có chương trình ca nhạc. Một lát sau tôi thấy năm bảy cô áo dài tím Huế, tha thướt bước vào, theo sau có mấy nhạc công mang đàn thập lục, đàn cò, đàn nguyệt…

Ca nhạc cổ ư!!! Tôi không chờ mong điều này. Nhưng thôi, cũng xem cho biết. May quá một lát sau các cô tím Huế cùng đàn cò, đàn nguyệt bước ra bến sông rồi trèo lên một chiếc thuyền rồng từ từ đi đâu mất hút.

Khách đến quán khá đông. Tôi rất vui nhìn các vị khách lớn tuổi, ăn mặc đẹp đến ngồi trò chuyện rủ rỉ bằng giọng Huế sang trọng bên tách trà, tách cà phê bốc khói.

Sân khấu sáng đèn. Một ban nhạc gồm bốn thành viên trẻ bắt đầu dạo khúc Serenade của Schubert. Một đêm ở Huế khá dễ thương.

Sáng thức dậy mới thấy trời Huế đã vào thu, tôi háo hức đi bộ dọc sông Hương. Lang thang qua vườn tượng. Một vài người tập thể dục đang ngồi trên các ghế đá nhâm nhi ly cà phê nóng. Một “gánh” cà phê dã chiến nằm lấp ló sau một hàng rào ven sông. Tôi tò mò chọn một ghế đá gọi một ly cà phê. Chỉ năm ngàn một ly đen, sáu ngàn một ly cà phê sữa. Rẻ bất ngờ. Nhưng có lẽ họ chỉ bán nhanh, phục vụ khách đi bộ buổi sáng rồi giải tán trước khi cảnh sát đến nên mươi phút sau, gánh cà phê đã biến mất khỏi công viên.

Qua khỏi cầu Tràng Tiền, có mùi sả thoang thoảng từ một quán bún bò “bệt”. Đó là một gánh bún ven đường mà thực khách sẽ được ngồi trên một ghế nhựa thấp. Nồi nước bằng gang tròn như cái bồn nuôi cá vàng, bốc khói, nổi một màu váng đỏ bắt mắt. Tôi sà xuống thưởng thức tô bún bình dân trong cái lạnh se se đầu thu. Ngon thật! Ngon và rẻ so với tô bún nhạt nhẽo mà tôi ăn trong một tiệm sang trọng ngày hôm qua.
– Chị bán lâu chưa.?
– 50 năm rồi.
Đây mới là bún bò Huế thật. Còn hôm qua, bún trong tiệm sang trọng là bún giả.
Chị bán bún bò niềm nở giới thiệu một bác xích lô chở tôi đi thăm Thành Nội.

Đi Huế, Hội An lần này tôi không chọn cách đi theo tour, dù đi theo tour có xe chở cả đoàn đi đây đó, rất thuận tiện. Tôi thích một mình lang thang tìm hiểu và khám phá. Cung đình triều Nguyễn nhỏ bé và tiêu điều với sự đơn điệu của một màu kiến trúc,… Đến một ngôi đền thờ, tôi thấy có một nhóm người đang đứng im lặng, chăm chú lắng nghe một người đang thuyết giảng. Nếu anh ta không mặc quần híp-hóp tôi đã tưởng anh ta là một mục sư. Nhập vào đoàn người đứng dưới tôi nghe anh hướng dẫn viên du lịch nói: “Đây là Thế Tổ Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Trong số 13 vị vua triều Nguyễn có ba ông không có bàn thờ ở đây. Đó là vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Bảo Đại. Vua Bảo Đại tự giao ấn kiếm thoái vị nên bị truất quyền thi đấu. Xin lỗi, bị mất ngôi vị trong hoàng tộc. Bây giờ mời cả nhà ta sang bên đây…”

Chờ cho nhóm “nhà ta” đi xa tôi tần ngần đứng trước bài vị vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Hàm Nghi, ông rất xứng đáng để lớp trẻ noi theo, rất tiếc người ta ít khi đặt tên trường là Hàm Nghi trên đất nước rất cần lòng yêu nước này. Nghe nói ở Huế có một ngôi trường tên Hàm Nghi nhưng nó đã bị giải tán sau năm 1975 và rồi đã được tái sinh sau 30 năm biến mất. Thành Thái, cám ơn những tư tưởng tiến bộ và bất khuất của ông với thực dân Pháp. Duy Tân, ông thật dũng cảm khi dám từ bỏ vàng son của vương quyền để hướng về một giá trị đích thực của một người dân Việt yêu nước.

Được có lần đứng trước bàn thờ và nói lời tôn kính với ba vị vua yêu nước tôi thật sự xúc động…

Tôi rời hoàng cung qua những lối đi có bóng mát của những cội sứ già trăm năm. Buổi chiều cuối cùng ở Huế tôi dành cho chùa Thiên Mụ. Tôi chọn bác xe ôm lớn tuổi, mong rằng bác chạy xe cẩn thận. Đường lên chùa Thiên Mụ chạy ven bờ sông Hương đẹp quá. Nước sông không bao giờ cạn, không bao giờ đục và không bao giờ ngừng chảy. Tôi dám nói như thế vì không có một mảng bèo lục bình nào trôi trên sông. Không có nhà ổ chuột quay lưng ra sông, không có bao ny-lông, rác rến trôi lềnh bềnh. Cám ơn người dân Huế đã giữ gìn cho dòng sông trở thành biểu tượng cho nét đẹp xứ Huế.

Càng lên thượng nguồn, sông Hương càng đẹp. Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi cao. Tôi dặn bác xe ôm đứng chờ còn tôi ráng trèo lên những bậc cấp dẫn lên chùa. Chùa không có gì hay hơn các lăng tẩm nhưng thật thú vị được ngắm nhìn sông Hương từ tầm cao của chùa Thiên Mụ.

Hình như có ai đang đứng sau lưng. Tôi quay lại. Bác xe ôm đã leo lên tháp từ hồi nào.
Bác lễ phép:
– Thưa cô, tôi muốn chỉ cho cô chỗ để chiếc xe hơi đã chở Hòa Thượng Thích Quảng Đức đi tự thiêu.
Bác xe ôm dẫn tôi ra sau chùa để ngắm nhìn chiếc xe màu xanh được cất giữ cẩn thận như một vật chứng lịch sử.
Giữa đường trở về, bác xe ôm bỗng dừng xe. Bác lôi trong giỏ xe ra một chai nước trà:
– Mời cô uống nước.
Ngụm nước mát của bác xe ôm thật ngon. Cám ơn những người Huế chơn chất.

Đi ngang nhà trưng bày tranh Lê Bá Đảng, tôi nhờ bác tài xế dừng lại để tôi vào xem tranh. Nơi triển lãm là một biệt thự màu trắng nằm trên đường Lê Lợi, ven bờ sông Hương. Không gian nội thất tĩnh lặng với rất nhiều tác phẩm nửa như tranh, nửa như phù điêu. Không hiểu nhiều về hội họa tôi vẫn thích thú với cách trưng bày vô cùng sang trọng, vô cùng quý phái ở bảo tàng Lê Bá Đảng.

clip_image005
Đường Trịnh Công Sơn ở Huế
(nguồn: http://news.zing.vn)

Bỗng dưng, tôi nhớ đến Trịnh Công Sơn và tôi xin bác xe ôm chở tôi qua cầu Gia Hội để thăm con đường Trịnh Công Sơn.

Cũng giống như đường Hàn Mặc tử được ưu ái nằm trên bờ sông Như Ý, đường Trịnh Công Sơn là một con đường thơ mộng nhìn ra một dòng sông lộng gió.
Tôi trả tiền xe và nói với bác xe ôm:
– Tôi sẽ tìm một quán cà phê và ngồi nghỉ ở đây khá lâu, cám ơn bác, bác có thể về được rồi.
Chắc sẽ có nhiều quán cà phê trên con đường này… Chắc sẽ có những sân vườn xanh mát để bạn bè và những người yêu nhạc ngồi lặng ngắm sông nước, mây trời nghe lại những ca khúc quen thuộc:

“Chiều trên quê hương tôi
Nắng phơi trên màu ngói non tươi
Gió sẽ mang một mùa sẽ tới
Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài”.

(TCS)

Nhưng quá là thất vọng. Ở đây toàn là quán nhậu. Một dãy hàng quán tạm bợ vắng tanh vào ban ngày nhưng chắc chắn sẽ vô cùng ầm ĩ vào buổi tối… Mấy ông chủ mặc quần xà lỏn đang nằm ngủ trưa trên bàn, dưới đất chai thùng, lăn lóc. Chợt thấy tấm bảng “Diễm Xưa”. Hỡi ơi! dưới hai chữ Diễm Xưa có hình đầu con cọp nhe răng và hàng chữ Biere Larue.

Đi gần hết con đường mà chẳng tìm đâu ra một chỗ ngồi nghe nhạc, tôi đành tìm một gốc cây ngồi nhìn ra bờ sông lô xô mấy chiếc thuyền rồng.

Đặt tên đường Trịnh Công Sơn là quá sớm chăng? Không cho phép phổ biến ca khúc Da Vàng mà lấy tên ông đặt cho một con đường thì thật là mỉa mai.
Dường như có ai đứng sau lưng. Tôi quay lại. Bác xe ôm lễ phép:
– Thưa cô, tôi chờ chở cô về.
Lần này tôi thấy bác lấy trong túi ra một cái ống trợ thính.
– Tôi bị nặng tai cô à.
Trời ơi, hóa ra cả một buổi chiều tôi đã ngồi sau lưng một bác tài khiếm thính!!!

Nhưng bác hiền lành, tử tế quá. Bác xe ôm, chị bán bún bò, cô chủ khách sạn Quỳnh Xưa… đã cho tôi những cảm tình đẹp về người Huế.

clip_image006
Tác giả tại Ngọ Môn Quan

Tôi rất hài lòng với chuyến thăm Huế. Sẽ đáng tiếc nếu tôi không được một lần trong đời nhìn ngắm dòng sông Hương, những đồi thông tuyệt đep ở thượng nguồn và những “đường phượng bay mù không lối vào”.

Nhớ câu thơ của Bùi Giáng:

“Thưa rằng xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Huyền Chiêu

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search