T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tác giả “Trăm Năm Cô Đơn” đã qua đời

clip_image002

Gabriel García Márquez, nhà văn người Colombia, tác giả “Trăm Năm Cô Đơn” đã qua đời hôm 17 tháng 4 năm 2014 tại thành phố Mexico City ở tuổi 87. Từ năm 1999, ông đã bị chẩn đóan mắc chứng bệnh ung thư bạch huyết cầu và từ năm 2012 thì ông đã hòan tòan trở nên mất trí nhớ , hầu như lú lẫn.

Márquez nhận giải thưởng Nobel về văn học năm 1982 với những thành tựu nổi bật nhất trong suốt hai trăm năm của văn học châu Mỹ La-tinh. Kể từ khi tác phẩm lừng danh nhất của ông “Trăm Năm Cô Đơn” ra đời năm 1967, thì tên tuổi của Gabriel García Márquez đã thống trị văn đàn thế giới, vượt qua nhiều nhà văn châu Âu đương thời. Nhà thơ người Chilê Pablo Peruda đã nhận xét “Trăm Năm Cô Đơn là tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha quan trọng nhất kể từ Don Quixote (của Miguel de Cervantes (1547-1616) một tác giả người Tây Ban Nha)”.Còn nhà văn, nhà phê bình văn học người Mỹ William Kennedy thì cho rằng Trăm Năm Cô Đơn phải là quyển sách thứ hai sau Cựu Ước mà cả lòai người phải đọc để suy ngẫm. Trăm Năm Cô Đơn đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, in hàng triệu bản và đã đem về cho Gabriel García Márquez khỏan tác quyền khổng lồ cùng với tột đỉnh danh vọng mà ít có nhà văn nào trên thế giới đạt tới. Trước sự thành công rực rỡ của Trăm Năm Cô Đơn, Gabriel García Márquez đã lo sợ rằng rồi đây những tác phẩm viết sau sẽ bị công chúng thờ ơ vì tầm vóc bao trùm của Trăm Năm Cô Đơn. Nhưng ông đã lầm. Cả 15 tác phẩm sau đó của ông gồm các tiểu thuyết, các tuyển tập truyện ngắn, các bài viết đều đã được các nhà phê bình văn học, và độc giả tiếp nhận một cách nồng hậu. Riêng ông đã có một cái nhìn rất sáng suốt khi từ chối lời đề nghị chuyển thể tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn thành phim. Theo ông, độc giả khi theo dõi những nhân vật huyền ảo trong tác phẩm sẽ tự hình dung ra những nhân vật ấy theo trí nhớ của riêng mình về những người thân trong gia đình. Một khi những nhân vật ấy xuất hiện bằng xương bằng thịt trên màn ảnh theo sự “tưởng tượng” của đạo diễn thì những “nhân vật của riêng họ (độc giả )” sẽ bị giết chết . Điều này rất đúng để diễn tả tâm trạng thất vọng của những người say mê truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung với những nhân vật huyền thọai như Kiều (Tiêu) Phong, Đòan Dự, Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến, A Châu, A Tử , Đòan Chính Thuần  v..v… khi ngồi xem những cuốn phim Hồng kông chuyển thể từ Thiên Long Bát Bộ, Ỷ Thiên Đồng Long Kiếm . . . Mỗi người đọc đều tự hình dung ra các nhân vật tác phẩm theo cảm quan riêng của mình. Thường thì sự tưởng tượng không bao giờ có biên giới, vì thế đa dạng hơn, huyền ảo hơn và hấp dẫn hơn. Trong khi trong thực tế, dù sử dụng tới bất cứ xảo thuật, kỹ thuật nào cũng khó thể theo kịp sự tưởng tượng. Đó là chưa kể tới cảm quan riêng từng người, kẻ thích đen, người thích đỏ, kẻ thích cương, người thích nhu v..v…

Sau khi bị chẩn đóan mắc bệnh ung thư bạch huyết cầu năm 1999, Márquez dành trọn thì giờ cho tác phẩm hồi ký của mình. Tuy nhiên, năm 2004, ông đã cho ra đời tác phẩm tiểu thuyết cuối cùng của mình “Hồi ức về cô gái điếm buồn” nói về mối tình của một ông già 90 tuổi và cô gái điếm 14 tuổi. Về tác phẩm này, nhà văn Khuất Đẩu đã có một bài viết rất thú vị (Khuất Đẩu : Yêu ở tuổi chín mươi ). Đến năm 2012 thì ông hòan tòan ngưng mọi chuyện viết lách vì đã trở nên “lú lẫn”.

Nói về bí quyết sự thành công của mình, ông bảo một nhà văn là người phải đọc nhiều những tác giả trước mình, cùng thời với mình. Ông đọc say mê Dickens, Tolstoy, Proust, Kafka, Virginia Woolf, Hemingway, Faulkner, Twain, Melville . . . “Tôi không thể tưởng tượng được có nhà văn  khi đặt bút viết tác phẩm của mình lại không hề có chút khái niệm dù mơ hồ nào về văn chương thế giới 10 ngàn năm trước”. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định “Tôi chưa bao giờ cố gắng bắt chước những tác giả mà tôi ngưỡng mộ. Ngược lại, tôi luôn cố hết sức mình tránh làm điều đó”. Điều này, nhà văn Mai Thảo trong thời kỳ chủ trương tạp chí Nghệ Thuật khỏang giữa thập niên 1960s ở Sài Gòn đã gọi những người viết trẻ rập khuôn theo văn phong của những tác giả mình ngưỡng mộ là “hiện tượng đồng phục trong văn chương”.

Về lối hành văn “lãng đãng sương mù, nửa tỉnh nửa mê ” của Marquez đã được ông giải thích như sau:

“Không khí mà tôi sử dụng để viết Trăm Năm Cô Đơn dựa trên cái cách mà bà tôi dùng để kể chuyện. Những câu chuyện kể của bà có hơi hướm siêu thực, lập dị nhưng được kể với một phong cách rất tự nhiên. Quan trọng hơn cả là sự biểu lộ trên mặt khi bà kể chuyện. Khuôn mặt bà hòan tòan bất động, không biểu lộ xúc cảm theo với dòng truyện. . . Trước đây, tôi cố tìm cách kể chuyện mà không tin một chút nào câu chuyện mình kể. Rồi từ tôi tôi khám phá được rằng, điều tôi phải làm là hãy tin vào chính câu chuyện tôi đang kể, và ghi chúng lại với cùng một cung cách mà bà tôi đã sử dụng: giữ một bộ mặt lạnh như tiền. . .”

Về quan điểm chính trị, xã hội, như rất nhiều những nhà văn của khu vực châu Mỹ La-tinh, ông là người có tư tưởng thiên tả và đã từng là bạn thân thiết của nhà độc tài Fidel Castro của Cuba. Nhưng mặt khác, ông còn là người gần gủi với một số chính trị gia phương Tây, điển hình là cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Vì quan điểm thiên tả, chính phủ Hoa Kỳ đã không cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ cho nhà văn người gốc Colombia này trong suốt thời gian gần ba thập kỷ với lý do ông đã từng là đảng viên đảng cộng sản Colombia vào những năm 1950s. Đến năm 1995 thì sự cấm đóan này được giải tỏa sau khi tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Bill Clinton mời Marquez đến dự tiệc ở Martha’s Vineyard.

Nhân cái chết của Gabriel García Márquez, thế giới chưa hề nghĩ tới sẽ có một vị tổng thống Hoa Kỳ  thực sự quan tâm tới sự qua đời của bất cứ nhà văn nào trong quá khứ. Nhưng với trường hợp của Gabriel García Márquez, đã có tới 2 vị tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng nhân cái chết của ông hôm 17 tháng 4 năm 2014 ở thành phố Mexico City nơi ông chọn làm quê nhà từ năm 1961.

Tổng thống Obama nói “với sự qua đời của Gabriel García Márquez, thế giới đã mất đi một trong những nhà văn có tầm vóc vĩ đại nhất – cũng một trong những tác giả ưa thích nhất mà tôi đã đọc từ những ngày còn trai trẻ. Tác phẩm của ông sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc những thế hệ mai sau.”

Còn cựu tổng thống Clinton, người bạn thân thiết của Gabriel García Márquez, sau khi nghe tin ông mất, đã tuyên bố “kể từ lần đầu tiên cách đây hơn 40 năm, khi đọc tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn, tôi đã kinh ngạc trước khả năng tưởng tượng độc nhất vô nhị, sự trong sáng của tư tưởng và tính trung thực đến xúc động” của tác phẩm. “Gabriel García Márquez đã nắm giữ nỗi đau, niềm hạnh phúc của nhân lọai trong cả hai thế giới huyền ảo và thực tại. Tôi vinh dự được là thân hữu của ông và gần gủi với trái tim vĩ đại và tư tưởng sáng chói của ông từ 20 năm nay.

Theo ý của tác giả bài viết này, một nhà văn – dù vĩ đại đến cỡ nào – khi chết đi, chưa hẳn đã là sự mất mát lớn của nhân lọai. Ông không còn ở thế gian này nữa, nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn đó, vẫn còn là niềm hứng khởi cho rất nhiều người đọc, người viết của nhiều thế hệ mai sau. Trong trường hợp của Gabriel García Márquez, đã đến lúc để ông ra đi. Với tình trạng bệnh tật của mình, chết là một sự giải thóat . Vả chăng, tác phẩm lớn nhất của đời ông – Trăm Năm Cô Đơn – đã hòan tất và định vị được chỗ đứng trong lịch sử. Tất cả những gì ông viết sau Trăm Năm Cô Đơn, vẫn chỉ là Trăm Năm Cô Đơn mà thôi.

T.Vấn

Ngày 18 tháng 4 năm 2014

 

Viết thêm :

Một ngày sau khi cái tin tác giả “Trăm Năm Cô Đơn” qua đời được thông báo, phản ứng của dư luận thế giới về nhà văn lẫy lừng này của châu Mỹ La-tinh có vẻ lẫn lộn giữa lòng tiếc thương và  sự ghét bỏ. Nổi bật nhất là về phía những người đồng hương (cùng gốc gác châu Mỹ La-tinh) với nhà văn, liên quan đến mối quan hệ mật thiết giữa nhà văn và nhà độc tài Cuba Fidel Castro. Viên chủ tịch công ty phát thanh Latino Tony Hernandez cay đắng ghi trong trang Tweet của mình “hy vọng rằng Fidel Castro và Gabo (một cách gọi ngắn tên của Gabriel Garcia Marquez) sớm đòan tụ với nhau dưới suối vàng. Trong khi thế giới khóc cho một nhà văn vĩ đại, tôi thì lại nhớ đến một anh cộng sản đã ra sức biện hộ cho những tội ác không thể biện hộ được của Fidel Castro”. Còn viên xướng ngôn viên của đài truyền hình Univision là Jorge Ramos cũng viết trên trang Tweet “Điều khó hiểu nhất về Gabo là  tình bạn giữa ông ta và Fidel Castro”. Một cựu tù chính trị của chế độ Cuba là Israel Abreu thì nói rằng “Gabriel García Márquez đã chết nhưng tôi chả buồn chút nào cả. Nhiều người bảo ngày hôm nay cả châu Mỹ La-tinh đều u sầu. Nhưng tôi không thể hiểu được tại sao Marquez lại dùng tiếng tăm của mình để rêu rao khắp thế giới rằng chế độ độc tài của Castro là một chế độ nhân đạo trong khi hàng ngàn người bị xử tử, hàng trăm ngàn người bị tù đày vì chống đối chế độ và hàng triệu người dân phải lìa bỏ quê hương. Tôi không cho rằng những thành tựu đa dạng về văn học của Gabo có thể xóa đi được mối quan hệ giữa ông ta và chế độ độc tài khát máu ở Cuba”.

Nhưng gay gắt nhất có lẽ là những phát biểu của một nhà văn người Pê-ru, Mario Vargas Llosa. Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Daily Beast hồi năm ngóai, khi được yêu cầu bình luận về Marquez, Vargas Llosa đã nói “Các ông hẳn còn nhớ (Albert) Camus đã viết rằng một người rất trí thức trong một số lãnh vực nào đó có thể là tên ngu đần ở vài lãnh vực khác. Riêng trong lãnh vực chính trị, các nhà trí thức thường tỏ ra hết sức ngu độn trong nhiều trường hợp. Trí thức không ưa thích sự tầm thường. Nhưng dân chủ chính là dấu chỉ của sự tầm thường. Chấp nhận dân chủ chính là chấp nhận rằng không thể có sự tòan bích trong thực tại chính trị.”

Để biện hộ cho mình, Marquez nói rằng ông đã ở trong bóng tối vận động chính phủ Cuba trả tự do cho các nhà họat động đối kháng bị chế độ giam giữ và đã đóng vai trò trung gian giữa Castro và Clinton. (T.Vấn)

©T.Vấn 2014

Phụ Lục :

T.Vấn : Trăm năm cô đơn -Gabriel G. Marquez

clip_image004

Theo lịch những ngày lễ trong năm của liên bang (Hoa Kỳ), hôm nay, 15 tháng 9, là ngày bắt đầu cho những họat động kéo dài trong một tháng để kỷ niệm, vinh danh những thành tựu, những danh nhân mang trong mình dòng máu ít nhiều có liên quan đến sắc tộc Hispanic trong cộng đồng đa chủng, đa tộc của Hiệp chủng quốc (Hoa Kỳ).

Sở dĩ tôi “am tường” như vậy là vì cơ quan nơi tôi làm việc, Bưu Điện Hoa Kỳ, như bất cứ một công sở liên bang nào, đều ít nhiều mang bệnh “hình thức”, thứ căn bệnh trầm kha của mọi guồng máy chính quyền, dù đó là chính quyền nước Mỹ, một quốc gia dân chủ nhất thế giới. Cái căn bệnh hình thức mà tôi nói đến, là sự hiện hữu của một ủy ban “chuyên trị ” về các vấn đề  “sắc tộc”, tức những nhóm người được cho là thiểu số (so với đa số da trắng) trong các nhóm người được cho là hình thành nên dân số nước Mỹ. Tôi là người châu Á, tương đối “tuổi tác”, nên được mời vào ủy ban đó với tư cách đại diện cho nhóm sắc tộc châu Á (người Mỹ gốc Á). Ủy ban còn có một người da đen (người Mỹ gốc Phi châu, African – American ), một người gốc Hispanic (tiếng gọi chung những người Mỹ có gốc gác từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ Latinh, chứ không riêng gì người Mễ Tây Cơ, dù người Mễ chiếm tỉ lệ cao nhất trong sắc tộc này) và tất nhiên, có một hoặc hai người Mỹ trắng. Họat động của ủy ban cũng như tên gọi của nó, rất “hình thức”. Thí dụ như từ giữa tháng 9 (ngày 15 ) đến giữa tháng 10 hàng năm, được gọi là tháng Hispanic. Đúng ngày này, chúng tôi có một buổi họp . . . long trọng, để phát động. Vì thế, trưa nay, ủy viên người Hispanic (đó là một anh bạn gìa người Mễ Tây Cơ Jesse Montonegro sắp về hưu của tôi) phân phát cho chúng tôi mỗi người một xấp tài liệu đủ thứ nói về Hispanic ở Mỹ, những danh nhân, những con tem của Bưu Điện đã phát hành vinh danh các danh nhân gốc Hispanic. Ngòai ra, còn có những Celebrities của Holywood, chẳng hạn như nữ minh tinh có cặp môi nhìn chỉ muốn ở tù Cameron Diaz người gốc Cuba (của Fidel Castro) hoặc tài tử Martin Sheen (tên thật là Ramon Estevez người gốc Nam Mỹ la tinh). Thực ra, những thứ này chúng tôi đã chất đầy văn phòng làm việc từ nhiều năm nay rồi (năm nào mà chả nói đến Hispanic). Anh bạn Mễ của tôi cũng thừa biết như thế, làm công việc vừa tốn giấy, tốn mực, vừa mất công vất đi, trong khi Bưu Điện Hoa Kỳ đang than lỗ mỗi giây (second) là 11 ngàn 500 đô la Mỹ, nhưng anh cũng chẳng biết làm gì để kỷ niệm tháng Hispanic cho khỏang gần 55 ngàn gốc Hispanic trong tổng số 600 trăm ngàn nhân viên trên tòan quốc của Bưu Điện Hoa Kỳ. Tôi bảo anh bạn sao không tổ chức một buổi giới thiệu những tác phẩm lừng danh thế giới của người Hispanic, như nhà văn đọat giải Nobel Văn Chương Gabriel Garcia Marquez người gốc Columbia chẳng hạn. Anh cười cười bảo maybe next year! Tôi hiểu đó là một cách thóai thác dễ chịu, vì anh bạn sẽ về hưu vào cuối năm nay.

clip_image006

Sáng nay, trên đường đi work-out, tôi ghé qua thư viện để mượn mấy quyển sách cho đứa con gái lớn tham khảo việc nộp đơn học đại học, thấy chễm chệ ngay lối ra vào một cái bàn nhỏ, trên đó trưng bày tòan những sách của các tác gỉa Hispanic. Thư viện cũng bắt đầu kỷ niệm tháng Hispanic trong năm. Đập vào mắt tôi là mấy tác phẩm đình đám của Gabriel G.Marquez: Trăm năm cô đơn (One hundred years of solitude), Tình yêu trong thời thổ tả (Love in the time of cholera), Sống để kể chuyện (Living to tell the tale) . . . Tôi tiện tay quơ hết mấy quyển sách ra quầy check-out mà không biết mình có thì giờ để ngồi đọc hết chúng không và dù tôi cũng đã từng đọc những quyển ấy qua bản dịch tiếng Việt của mấy dịch gỉa trong nước.

clip_image007clip_image008

Có lẽ tôi vẫn còn bị “lơ mơ nửa tỉnh nửa mê ” với quyển Trăm năm cô đơn, mà khỏang năm 1986, 87 ở Sài Gòn tôi đã được đọc qua bản tiếng Việt của Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng. Dạo ấy, đọc Marquez là một thứ thời thượng. Quyển tiếng Anh, in giấy mỏng gần 500 trang đã nặng tay, quyển tiếng Việt gần 700 trang, in giấy dầy và xấu, cầm đến mỏi cả tay, nhưng . . . khóai. Lúc ấy, tôi chỉ có một thứ đem lại niềm vui là đọc sách, nhất là thứ sách viết bằng lối văn “nửa hư nửa thực ” của Marquez. Trong thế giới nửa hư nửa thực ấy, tôi quên hết thực tại đói khổ, tương lai mù mịt của một anh tù “Ngụy” vừa được tha ra khỏi trại cải tạo. Sau này, cũng có một hai nhà văn trong nước viết bằng lối văn như thế, như Nguyễn đình Chính với Đêm Thánh Nhân, Nguyễn Bình Phương với Những đứa trẻ chết già.

clip_image009clip_image010

Cũng không nên vội cho rằng các nhà văn Việt Nam đã bắt chước Marquez. Vì từ khi ra đời, lối viết kết hợp thật tự nhiên giữa cuộc sống đời thường hàng ngày với những sự kiện có tính cách phóng đại, thần thọai, qua lăng kính tâm lý siêu thực, bay bổng, Marquez đã gây một ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nhà văn trên khắp thế giới.

Lối hành văn “lãng đãng sương mù, nửa tỉnh nửa mê ” ấy của Marquez đã được ông giải thích như sau:

“Không khí mà tôi sử dụng để viết Trăm Năm Cô Đơn dựa trên cái cách mà bà tôi dùng để kể chuyện. Những câu chuyện kể của bà có hơi hướm siêu thực, lập dị nhưng được kể với một phong cách rất tự nhiên. Quan trọng hơn cả là sự biểu lộ trên mặt khi bà kể chuyện. Khuôn mặt bà hòan tòan bất động, không biểu lộ xúc cảm theo với dòng truyện. . . Trước đây, tôi cố tìm cách kể chuyện mà không tin một chút nào câu chuyện mình kể. Rồi từ tôi tôi khám phá được rằng, điều tôi phải làm là hãy tin vào chính câu chuyện tôi đang kể, và ghi chúng lại với cùng một cung cách mà bà tôi đã sử dụng: giữ một bộ mặt lạnh như tiền. . .”

clip_image012

Tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn là tác phẩm đầu tiên và cũng đóng vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp của Marquez. Xuất bản lần đầu năm 1967 bằng tiếng Tây ban Nha. Năm 1970 được dịch sang tiếng Anh bởi dịch giả lão luyện Gregory Rabassa, xuất bản cùng lúc ở Mỹ và Anh, ngay lập tức được cả thế giới chú ý. Đây là tác phẩm đầu tiên của một tác gỉa châu Mỹ Latin có số bán kỷ lục: 20 triệu ấn bản trên tòan thế giới và được xem như là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất thế kỷ (20). Tác phẩm cũng đọat nhiều giải thưởng quốc tế, mà quan trọng nhất là giải Nobel Văn Học năm 1982.

Làm nhà văn, tức chấp nhận cô đơn. Nhưng một trăm năm cô đơn quả là quá nhiều để đạt được những thành tựu, dù là thành tựu trong lãnh vực văn học, vì thành tựu ấy sẽ tồn tại mãi mãi kể cả sau khi người tạo ra nó lìa đời. Từ hơn 20 năm nay, sau Trăm Năm Cô Đơn, những tác phẩm của Marquez tiếp tục được chào đón nồng nhiệt và đánh giá cao bởi hầu hết độc gỉa trên thế giới. Tuy vậy, nhà văn vẫn không thể sống ở quê nhà, tức Columbia, nơi ông chào đời ngày 6 tháng 3 năm 1928. Năm 28 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống rày đây mai đó qua Mễ Tây Cơ, qua các quốc gia trong khu vực. Cuối tháng 2 năm 1997, vài ngày trước lễ sinh nhật thứ 70, ông chính thức tuyên bố sẽ sống lưu vong ở Mexico City, thủ đô nước Mễ. Quê nhà Columbia của ông, như ông nói, quá khó khăn, quá bất ổn, quá rắc rối cho ông tồn tại với tư cách nhà văn.

clip_image014

Như một định mệnh, ông phải sống đủ trăm năm cô đơn trước khi trở thành bất tử. Và anh bạn già gốc Mễ của tôi, cuối năm nay về hưu, tuy không có mặt để kỷ niệm tháng Hispanic năm tới với Bưu Điện Hoa Kỳ (và giới thiệu Gabriel G. Marquez như tôi đề nghị), nhưng hẳn anh sẽ có dịp về thăm cố quốc, và biết đâu sẽ có dịp đối diện Gabriel G. Marquez bằng xương bằng thịt trong một căn phòng khách nào đó của Mexico City và kể với ông câu chuyện một anh chàng châu Á đến từ xứ sở Việt Nam đã từng say mê những trang sách nửa mê nửa tỉnh của Trăm Năm Cô Đơn và cũng nhờ anh chàng châu Á mọt sách đó mà anh biết đến một nhà văn Hispanic đọat giải Nobel Văn Học cao quý là Gabriel Garcia Marquez.

T.Vấn

15 tháng 9 năm 2010

T.Vấn© 2010

Bài Mới Nhất
Search