T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Chỉ gọi là vợ…

 

clip_image001

(Ảnh : Internet)

Hôm thứ Bảy tuần trước, ở Dallas diễn ra buổi ca nhạc thính phòng với chủ đề “Tình ca Diệu Hương & Ngô Thụy Miên”. Trước đó cả tháng, tôi có thấy cái quảng cáo show ca nhạc trên tờ Người Việt Dallas, nên hỏi người Việt đa hệ, “Nguyên Khang với Diễm Liên về Dallas nè. Em có muốn đi nghe không, anh mua vé?”

“… Biết rồi! Tình ca Diệu Hương với Ngô Thụy Miên ở Granville Arts Center phải không?”

“Dạ. Bà Trùm…”

“Anh đã nói, hỏi người khác một cân khó trả lời là khiếm nhã! Anh cũng biết là em đi nghe nhạc thì đi chứ đi coi nhạc thì không…! Hì…”

“Biết rồi! Hỏi người khác một câu… tốn tiền mình – là anh. Hì!”

“…”

Tôi gọi ông trùm báo chí ở Dallas để đặt vé, may sao anh ấy nói, “Diệu Hương có mời em mà. Chừng nào cô ấy gởi vé thì anh ghé nhà đưa cho một cặp…”

“…”

Chuyện thường ngày ở Dallas khiến người ta khó dọn nhà đi đâu là vậy, chút tình lưu xứ không mang lại lợi lộc gì nhiều, nhưng đủ để vẫn thấy bên đời còn có nhau trong vũng lưu đày. Nhưng điều gì đó trong tôi vui hơn được hai vé đi xem ca nhạc không mất tiền.Có lẽ là niềm vui về người nữ ca nhạc sĩ nhớ lời cô đã nói từ lần đầu về làm show ca nhạc ở Dallas. “Từ nay Diệu Hương về Dallas, chỉ mong có đủ mặt anh chị em đã ủng hộ Diệu Hương bằng mọi cách để thực hiện show đầu tiên của Diệu Hương ở Dallas…”

Thôi thì cứ tin vào cái gì được free thường làm người ta mừng. Có lẽ vậy dễ tin hơn là mừng về một người nữ ca nhạc sĩ khả ái từ con người tới âm nhạc của cô, nay lại biết thêm cô là người có trí nhớ về những lời hứa của mình.

Buổi ca nhạc diễn ra ở rạp quen trong downtown Garland nên chẳng có gì quan tâm đến địa chỉ hay sự hoành tráng của rạp hát; cũng chẳng cần biết sẽ gặp ai trong buổi ca nhạc đó để chuẩn bị. Nhưng tôi cầm theo cái máy ảnh như thói quen. Và cũng không hoài công vì chụp được tấm ảnh đáng chụp trong đời vội vã vẫn có những người từ tốn trao nhau…

Giờ giải lao giữa buổi ca nhạc. Giờ ra ngoài gặp gỡ, thăm hỏi người quen kẻ biết. Cả đại sảnh đông người nói cười, đèn máy ảnh nháy tới nháy lui nhiều phía do bà con chụp ảnh với các ca sĩ, lẻ loi bà cụ nắm tay ông cụ kéo đi về phía restroom,

“Anh đi giải đã, rồi trở lại vui…”

“Vui quá! Vui quá…!” Ông cụ như đứa trẻ muốn vùng ra khỏi tay mẹ để vui với đám đông vui. Mặt ông phụng phịu dễ ghét, nhưng mắt cười hóm hỉnh, miệng làu bàu gì đó, chỉ nghe tiếng bà, “Ngoan nào. Đi giải đi, rồi trở lại chơi. Để không lát nữa vào xem phần hai. Nhỡ muốn đi giải thì em không thấy đường để dắt anh đi đâu. Trong ấy tối lắm…”

Tay ảnh của tôi tự dưng đưa máy lên bấm theo phản xạ của người thích chụp khoảnh khắc, chứ không phải tay ảnh chân dung hay ảnh nghệ thuật gì hết. Bởi tôi mang suy nghĩ đã đóng đinh trong đầu là nghệ thuật xuất phát từ cái nôi của nó là đời thường…

Tôi đứng nhìn theo bà cụ dắt ông cụ đi giải. Lòng tôi cầu nguyện cho bà được minh mẫn, và khoẻ mạnh tới cuối cùng của một tình yêu vì nhìn kỹ ra ông cụ đã yếu lắm; còn bà cũng chẳng khoẻ hơn được bao nhiêu…

Rồi ông cụ xong việc phiền phức của con người. Bà cụ đưa ông ra ngồi băng ghế, dặn dò “ngồi yên đây nhé! Em đi giải, ra ngay. Anh đừng đi đâu nhé! Nhỡ người ta đông quá, nhỡ đụng anh thì ngã đấy!…”

Bà cụ đi về phía trước là restroom, nhưng hai mắt cứ ở sau lưng cụ để trông chừng ông. Trong khi đứa bé trai sống lâu năm vẫn còn ngỗ nghịch. Bà cụ vừa khuất vào cửa restroom là cụ ông đã nhổm đứng dậy, vì cố muốn nhanh nên càng chậm. Đến ông cụ đứng lên được một mình thì bàn tay khô khốc của cụ bà cũng vừa kịp nắm lấy tay ông, “…Vui quá hả anh? Bảo đợi em chút cũng đợi không nổi à? Muốn đi đâu nào…?”

“Đi chụp hình với Diệu Hương…”

Lời yêu cầu của bản năng phái tính chỉ được đáp ứng với cái liếc tình tứ từ đôi mắt già nua; văng vẳng lời trách yêu không có tuổi nên mắt môi bà cụ dễ thương ơi! Ông cụ cười nhận lỗi như đứa trẻ bị mẹ bắt quả tang ăn vụng kẹo…

Tôi vừa tính lôi chị Diệu Hương lại chụp chung với ông bà cụ một tấm ảnh cho hả dạ cái không bao giờ thay đồi trong lòng người đàn ông là ái mỹ. Và tôi tự tin là chị Diệu Hương không từ chối tôi vì chị vừa vẫy tay chào tôi khi nãy, chỉ là bận rộn nên chưa trò chuyện gì.

Nhưng một tên mày râu nhẫn nhụi nào đó đã đon đả đứng sát vào Diệu Hương, đưa cái điện thoại cho một người không quen biết, nhờ chụp hộ tấm ảnh. Tôi lạ gì nụ cười miễn cưỡng của Diệu Hương khi chị không vui trong lòng, nhưng gái Huế khéo quá – làm cho nụ cười của người đàn ông càng phô…

Mặc xác người vô duyên ngày càng nhiều trong đời sống. Tôi chỉ dõi mắt theo đôi tình nhân từng bước, từng bước… đi qua đời hững hờ. Bà cụ dìu ông cụ đi tiếp hành trình may mắn của người đàn ông đã sắp tới đích – vẫn chưa chụp được tấm ảnh nào với Diệu Hương.

Tôi thấy tâm thân mình bỗng mỏi, thèm một bàn tay nâng đỡ muộn phiền.

Tiếng cô bạn đi chung với vợ chồng tôi, hỏi: “Ông có muốn mua CD gì không, tôi mua cho…” đã đưa tôi về thực tại. Tôi cảm ơn cô bạn. Và nhớ tới cái tin nhắn lúc còn trong rạp của nhà báo Đinh Yên Thảo, “giải lao gặp ông chút, ngoài cửa nha…” Tôi ra cửa gặp bạn bè nhưng hình ảnh ông bà cụ chiếm hết tâm tư, cảm xúc đầy cảm động còn chưa tan kịp đã tới giờ vô lại thính phòng.

Phần hai của buổi ca nhạc là dòng nhạc Ngô Thụy Miên. Ngoài bài song ca của hai tay chấp thiên hạ chiều cao là Diễm Liên-Nguyên Khang. Những tiếng hát có tuổi nhưng chưa có tên, họ hát không sai nhịp, trật lời… nhưng không chuyên chở được cái hồn của nhạc Ngô Thụy Miên; không thể hiện được tính đặc trưng trong nhạc Ngô Thụy Miên là sự kiêu sa trong từng câu, chữ của dòng nhạc và tác giả vang bóng một thời…

Chắc má xấp nhỏ cũng nghĩ vậy nên muốn về. Tôi thì ngồi bấm máy xem lại ảnh cụ bà đưa cụ ông đi giải. Hình ảnh khiến tôi hình dung ra sự có mặt của hai người hoàn toàn không có khả năng tự lái xe đến đây. Nhưng họ còn may mắn là con cháu mua cho cặp vé, chở đến, và hẹn giờ rước về. Trong thời buổi nhạc thính phòng ngày càng được kể là nhạc của người già.

Tôi ngồi không, nên nhớ tới đôi vợ chồng già khác. Hôm đó, tôi với nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, và anh bạn người Việt nhưng làm vua nước Nhật (bất đắc dĩ) vì anh tên là Nhật Hoàng. Ba chúng tôi đáp chuyến bay từ Dallas đi North Carolina để dự buổi ra mắt sách của nhà văn Trà Nguyễn.

Vì anh bạn Việt nam, nhưng cha mẹ anh cứ muốn cho con mình làm vua nước Nhật nên đi đâu phải gởi hành lý chứ không đơn giản như nhà báo, nhà thơ… Tôi để mắt tới đôi vợ chồng già như ông bà cụ mà tôi vừa gặp. Cụ bà, tay kéo va li như kéo vật mất-còn gì cũng được; chả sao cả. Vì hành lý quan trọng nhất của cụ là cụ ông. Bà dìu ông từng bước, từng bước… đi về phía con người.

Đặt cụ ông ngồi xuống băng ghế an toàn, dặn dò, tay cụ bà sửa lại áo sống cho ông thẳng thớm rồi cụ mới đi gởi hành lý. Hai mắt không rời “cục cưng” của bà, ngồi không yên trên băng ghế trong phi trường. Ông cụ chỉ muốn đứng dậy, nhưng một mình không xuể.

Không ngờ họ đi chung chuyến bay với chúng tôi. Từng bước, từng bước… bà cụ lại dìu ông đi restroom trước khi lên phi cơ. Lo cho ông như đứa con nhỏ của người mẹ trẻ cũng đi chung chuyến bay. Bà cụ sau khi cất hành lý lên trần máy bay, trở lại ghế ngồi, thắt dây an toàn cho ông cụ đang muốn hết hơi vì ông cũng đã cố gắng nhiều sau khi vượt qua lối đi khá xa để lên được máy bay. Ông đòi cởi áo thì bà không cho, tôi ghe được vì tôi ngồi ngay sau lưng họ. Bà cụ nhỏ nhẹ bảo chồng, “em cởi khuy áo ra cho anh thôi nhá! Chút nữa máy bay bay, sợ anh bị lạnh.”

Ông cụ ngoan ngoãn hơn cụ ông mà tôi vừa gặp. Chỉ có điều ông cụ này dễ bị sợ vì sự hoảng sợ luôn để lộ ra trong mắt ông và những cử chỉ, hành động, của người yếu bóng vía!

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đang nói cho tôi nghe về công trình ý nghĩa, công phu, nhưng cũng trùng trùng khó khăn mà chỉ có nhà văn Trần Hoài Thư mới đủ kiên nhẫn và tấm lòng để thực hiện. Tôi nao lòng mong cho bay sớm, tới liền, tôi cũng đang muốn gặp anh Trần Hoài Thư để hỏi vài việc (không tiện viết điện thư). Tôi cũng muốn gặp ngay nhà thơ Trần Phù Thế để hết thắc mắc về người tình không chân dung trong thơ anh, vì tôi tin anh đã yêu một người không chân dung, vô điều kiện, và suốt đời… cái người tình đó cũng dễ thương như chính anh, thơ anh – chính là quê hương anh. Thật lạ cho một nhà thơ tơi tả với đời lính và tù đày sau chiến tranh nhưng tình yêu quê hương vẫn nồng nàn như yêu một người tình.

Máy bay hiểu được tôi nên khởi động, nó được đẩy ra khỏi terminal, rồi tự chạy tàn tàn ra đường băng… Tiếng nhà thơ đều đều bên tai tôi về Văn học hải ngoại đi về đâu, công lao của anh Trần Hoài Thư đáng kể dường nào… Tôi ít khi bỏ sót những tâm tình của văn hữu lớn tuổi vì biết hôm nào họ bỏ cuộc chơi, rồi ai nói cho mình nghe những gì xảy ra từ khi mình còn chưa ra đời.

Trong tâm trạng cảm hoài những người đi trước không còn nữa như bỗng nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp nhắc tới anh Giang Hữu Tuyên đã không còn nữa, chân dung một tiền bối tận tụy với đam mê và nghịch cảnh chỉ còn lại cho đời mấy câu thơ xót xa, “mười mấy năm làm tên phát báo/ lòng buồn theo thành quách xa xưa/ đường ngã năm rồi năm bảy ngã/ con đường nào cũng mưa và mưa thôi…”

Sự xót xa rồi sẽ đến trong đời, nhưng mấy cuộc đời biết tận hưởng niềm hạnh phúc khi còn trong tầm tay, nên bà cụ trước mắt tôi đang nắm tay ông cụ để trấn an nỗi sợ của ông khi máy bay chuyển bánh, “anh đừng sợ, chút nữa, máy bay cất cánh sẽ làm cho anh thấy mệt trong người. Nhưng chỉ chút thôi. Khi máy bay bình phi lại thì… như ngồi ở nhà. Đừng sợ. Đừng sợ nhé! Có em…”

Dòng thỏ thẻ du dương mà người đàn ông nào cũng thèm khát được nghe suốt đời, sự khẳng khiu của đôi bàn tay người tình đã già năm tháng, nhưng ấm áp biết dường nào cho ông cụ sắp bỏ cuộc chơi – không biết ông đã sống những năm tháng còn trẻ ra sao mà tình nồng ý đẹp của bà bất tận với thời gian…

Máy bay tăng tốc để cất cánh thì mặt ông cụ xanh lè trong vòng tay bà cụ. “Đừng sợ. Đừng sợ. Có em đây mà…” Tôi không bị khó chịu khi máy bay cất cánh nhưng choáng váng cảm xúc, sự kính nể kiến thức của bà cụ khi nghe cụ dùng hai chữ “bình phi” để trấn án cụ ông; sự kính ngưỡng lòng tận tụy, tình yêu thương vô bờ của bà dành cho ông làm tôi xúc động…

Khi máy bay đã thực sự bình phi như cụ bà nói, nhà thơ chú Thiệp phiêu diêu với mây trắng bay ngoài khung cửa nhỏ. Tôi nhắm mắt dưỡng thần để lấy sức tối nay đại hội ở nhà anh Trà Nguyễn – một đêm họp mặt anh chị em văn thơ hữu ở hải ngoại bao la nhưng không khó đến; chỉ là những người muôn năm cũ nên gặp họ lần này đừng tham lam hẹn gặp lần sau…

Tôi mắt nhắm mắt mở vì bà cụ lại thôi miên tôi, bà ru ông ngon giấc với mười ngón xuân nồng của nửa thế kỷ trước. Khi, Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi thì cụ ông sẽ ra sao? Bà cụ đã xin cái mền từ hồi nào, đắp cho ông cụ như báu vật cửa đời bà. Rồi bà thiêm thiếp, lim dim, tận hưởng cảm giác tay trong tay giữa đời lạc mất…

Màn hai cảnh một lại lập lại khi máy bay chuẩn bị đáp, bà cụ lại trấn an ông cụ bằng những lời lẽ êm ái, bằng đôi tay truyền cảm muôn đời, bằng lòng biết ơn tạo hoá…

Bà lại đưa ông đi giải khi đã rời máy bay, đi lấy hành lý, đi… qua cuộc đời đã tách họ ra khỏi sự quan tâm của thế nhân vì chẳng ai để mắt tới hai người già lụ khụ. Nhưng họ không cô đơn như tài tử ciné nổi tiếng, nghị sĩ thượng viện, người mẫu siêu sao…, vừa xuống máy bay đã có nhiều nhà báo săn đón, người thường chụp hình hú hoạ bằng điện thoại… cũng chẳng ai biết những người ấy cô đơn đến nỗi họ có thể sẽ tự tử đêm nay trong hotel! Và ai hiểu sự quan tâm, sự chăm sóc nhỏ nhoi của bà cụ sẽ đưa hai người bị đời bỏ quên đến thế giới tốt đẹp hơn thế giới họ hằng sống…

Dòng nhạc tắt, sân khấu sáng đèn. Tiếng nói êm ái của nữ ca nhạc sĩ Diệu Hương đang cảm ơn thính giả… Buổi ca nhạc đã kết thúc vừa ý. Chỉ còn chút tình riêng trong tôi, nhưng không thấy ông bà cụ đâu nữa trong rừng người tuôn ra khỏi rạp hát.

Đêm hè vẫn nóng ở Dallas, nhà tôi và cô bạn sôi nổi bình phẩm về buổi ca nhạc ở băng sau xe. Tôi cảm ơn vợ chồng Đinh Yên Thảo gọi điện thoại mời chúng tôi đi ăn tối vì đã quá khuya.

Đường về đêm nay cũng như những đêm đi chơi khuya trong đời, sao hình ảnh cụ bà đưa cụ ông đi giải cứ chiếm trọn tâm tư. Không biết hai cụ mà tôi đã gặp vài năm trước trong chuyến bay chung với chú Thiệp có còn không? Nhưng cho dù họ đã đến thế giới tốt đẹp hơn thì tình yêu, sự quan hoài trong tình yêu của họ vẫn còn lưu lại đời này chút băn khoăn về tình yêu, cuộc sống, hạnh phúc, hôn nhân… sự cho đi và sự nhận lại.

Tôi về nhà viết lại cảm xúc, cảm nghĩ sau một đêm đi nghe nhạc lại chẳng dính dáng gì tới nhạc. Trong khi ký ức lại moi ra anh trưởng lớp hồi tôi còn đi học. Trong cái lớp quậy có tiếng toàn trường với đám ăn mày chữ chúng tôi thì anh trưởng lớp là người đã có vợ con. Chúng tôi tới chơi nhà anh, nghe anh gọi vợ bằng “mẹ”. Tôi tự hiểu là anh gọi cho những đứa con nhỏ của anh bắt chước. Nhưng một đêm phiêu bạt giang hồ với anh và mấy thằng bạn chung lớp. Mấy anh em dừng bước giang hồ trong tửu quán miệt vườn để qua đêm, vì hết sức về lại Sài gòn sau cả ngày vất vả dọn bãi vượt biên. Thằng bạn tôi hỏi anh, “sao anh gọi vợ anh là mẹ?”

Tôi thấy mình nông cạn khi nghe anh trả lời thằng bạn tôi, “… thì anh gọi cho con anh bắt chước. Nhưng khi con nhỏ lớn của anh nói rành rồi thì anh lại có con nhỏ kế, anh gọi tiếp cho con anh bắt chước. Điều anh nghĩ, cho dù bây giờ nói ra thì tụi bay cũng không hiểu vì tụi bay chưa có gia đình.”

Câu chuyện nửa đêm hôm đó còn văng vẳng bên tôi đã nửa đời, vì anh lớp trưởng nói tiếp, “… cái tiêu chuẩn hai con làm khó anh vì anh là con trai trưởng. Trong khi anh chỉ có hai đứa con gái. Vợ anh bất chấp bị giáng chức, cắt tiên tiến, thậm chí sa thải… âm thầm đẻ cho anh thằng con trai. Anh lại tiếp tục gọi vợ là mẹ cho con trai anh bắt chước. Nhưng lần này khác hơn hai đứa con gái, là anh nghĩ về thằng con trai sao quan trọng dữ vậy?! Con trai thì sao chứ, khác gì với con gái. Thằng nào cũng dứt sữa mẹ đã biết bóp vú người khác. Rồi từ chén cơm qua bữa, tới bộ đồ mặc trên người; từ viên thuốc cảm tới chai rượu bốc đồng đàn ông… thảy thảy, khi mẹ không lo nữa thì vợ lo. Giả sử không có người vợ sau khi thằng con trai bị mẹ bỏ rơi thì mấy thằng nên hồn… Nên sau khi thằng con trai anh đã biết nói rành rẽ, anh quyết định gọi vợ anh bằng mẹ tới chết luôn. Vì thực sự vợ anh là mẹ anh chứ gì nữa…”

Không lẽ trở lại mấy chục năm trước, anh trưởng lớp của tôi đã nhìn thấy ông bà cụ mà tôi gặp tối nay; ông bà cụ mà tôi gặp mấy năm trước ở phi trường. Và có lẽ là anh trưởng lớp bụi đời của tôi cũng đang được vợ nắm tay dẫn đi giải ở một phi trường nào đó trên hành tinh này; không chừng anh chị đã hay đang đáp chuyến bay sang thế giới tốt đẹp hơn vì đã quá lâu không gặp…

Ôi! Những người mẹ thiệt thòi vì đời chỉ gọi là vợ.

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search