T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: VÀI Ý NGHĨ VỀ THƠ VÀ BÌNH THƠ

Hoa Anh Túc – Tranh: Mai Tâm

VỀ THƠ

THƠ LÀ GÌ?

Ngài Bùi Giáng đã nói đại để như sau:

“Con cá thì ta biết nó lội, con chim thì ta biết nó bay, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết được”

Ngài nói chơi chứ biết quá đi thôi. Tính ngài ưa giỡn nên “lửng lơ con cá vàng” như vậy!

Thôi tôi đành nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc:

“Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy.”

Và ông giải thích thêm:

[ Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối “tương liên” giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những “tam bách dư niên hậu”. Lại nhớ đến Nguyễn Du.

 Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:

Dị đại tương liên không sái lệ

(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)

Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. “Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau”(Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).

Thơ xoá đi cái không gian trống giữa người với người. Để giậu mồng tơi xanh rờn không là nỗi phân ly. Để tam tứ núi, thập bát đèo không là điều cách biệt.

Thơ cũng xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa…](Nguyễn Hưng Quốc )

Tôi tâm đắc nhất ở đoạn này: “Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm”. Do đó theo tôi: Không có CẢM XÚC thì không có THƠ. Nói rõ ra: “Tức cánh sinh tình” – Cảm nhận đưa đến cảm xúc rồi từ đó đưa đến THƠ (tôi chỉ bàn về THƠ TÌNH, còn các loại thơ khác xin “viễn chỉ”, dành cho các cao nhân)

THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU?

Thì như trên tôi đã nói, THƠ (cảm xúc đi tìm một đồng cảm) đến từ TRÁI TIM, từ TÂM HỒN thi sĩ chứ đâu. Người thi sĩ như con tằm phải biết cách bắt lá dâu xanh biến thành tơ nõn. Chỉ có thi sĩ mới làm được điều đó và chỉ có thi sĩ mà thôi.

THƠ SẼ VỀ ĐÂU?

Theo tôi, không cần bận tâm quá. Nói theo nhà Phật là như nhiên, tùy duyên, cứ để nó tự nhiên như bốn mùa thay đổi: Xuân, hạ, thu, đông. Ta có thể nào thay đổi được trật tự luân chuyển này đâu? lo chi cho mệt trí!

Đến từ đâu hay sẽ về đâu không cần bận tâm; cái chuyện bận tâm, theo tôi là THƠ VIẾT CHO AI, PHỤC VỤ AI, viết làm sao cho thật lòng và làm sao viết cho HAY.

Theo tôi, thơ phải viết cho CON NGƯỜI, con người nói chung, “đa số” chứ không phải cho một “thiểu số đặc quyền”. Thơ không nên viết vì tư dục riêng mình. Thơ phải chân thật, cống hiến cái ĐẸP cho đời, nói lên những tâm tư, những khát khao của nhân loại… Nghĩa là thơ phải có tính NHÂN BẢN, không cổ động sự DỐI TRÁ, ÁC ĐỘC, DÃ TÂM XÂM LƯỢC.

THƠ HAY?

Trước khi bàn thế nào là thơ hay, ta thử xét CÁI TÔI.

  1. Lan Man Về Cái Tôi

Thông thường có ba loại CÁI TÔI (Phân tích theo gợi ý của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì ):

— CÁI TÔI VĂN HOÁ (Lý Trí): Tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Cũng có thể gọi là “Cái Tôi Phải Đạo”. Cái tôi nầy thường để ý đến sự hơn thua và thường đặt nặng về phần hơn.

Lý Trí là kẻ thù của thi sĩ trong lúc làm thơ. Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo, được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” –  “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả – thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” nhưng không có HỒN. Đơn cử như bài: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng /Thương mình thương một, thương Ông thương mười” (Đời đời nhớ Ông – “đại thi sĩ” – Tố Hữu)

— CÁI TÔI “TEO CHIM”: Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. [“hòa quá nhiều nước lã vào mực.” (Modern poets mix too much water with their ink – Goethe)  (Nghĩa là không chân thật, không lương thiện – Nguyên Lạc)]

— CÁI TÔI ĐÍCH THỰC: Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” (và “cái tôi teo chim”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Cái tôi này không để ý đến sự hơn thua, và thường chấp nhận sự thua thiệt vì lý trí bị phủ mờ. Người ta thường nói “tình yêu thường mù quáng” là do vậy. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ, nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa – sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ chọn được thể thơ thích hợp, tứ thơ sẽ chảy thành dòng, cảm xúc sẽ lớn mạnh, bài thơ sẽ CÓ HỒN, thông điệp của thi sĩ sẽ đi vào lòng độc giả một cách dễ dàng…]

Trong nhóm thi nhân đặt nặng CÁI TÔI LÝ TRÍ/VĂN HOÁ có loại thi nhân tôi “gắn vương miện” là “thi nhân dao kéo”, “thi nhân son phấn”. Giống như những “giai nhân” được tạo hình đẹp bằng thủ thuật giải phẫu, bằng son phấn trét bôi, đẹp thì có đẹp nhưng giống như bông hoa giả không hương. Những vần thơ loại này không có HỒN.

  1. Thơ hay

Qua trên, chúng ta thấy muốn làm THƠ HAY thì THƠ PHẢI CÓ HỒN, nghĩa là:“CÁI TÔI ĐÍCH THỰC” sẽ vùng dậy đẩy “CÁI TÔI VĂN HOÁ ” (và CÁI TÔI “TEO CHIM”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ.

— THƠ HAY là thơ đọc qua liền nghe lòng mình thổn thức, thuộc và nhớ rất lâu:  Như người nữ đẹp (giai nhân), gặp qua một lần là suốt đời không quên!

— “Thơ hay không cần phải nói nhiều, nói thêm; đôi khi nửa câu cũng đã đủ ý. Cái phần còn lại để dành cho độc giả tưởng tượng thêm. Cái tưởng tượng bao giờ cũng hay hơn cái có thật, cái chưa có bao giờ cũng hấp dẫn hơn cái đã có.

Thơ khác hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác về âm vận, tiết điệu. Cũng thời bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ nầy, bớt chữ kia, cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi lời phải xôn xao, nhảy múa, linh động… Từ cái tính chất xao xuyến, chơi vơi đó, nhà thơ dẫn dắt độc giả vào cõi mông lung của cảm giác, chuyện khó như nhảy xuống nước mò trăng”  (Võ Kỳ Điền – Vài nét lạ trong thơ Lưu Nguyễn)

— Trong một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: VẦN, NHẠC và HỌA. Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc điệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này thơ mới dễ đi vào hồn người, thiếu một trong ba thì không thể là THƠ HAY được

Đọc (cảm nhận) thơ như LÀM TÌNH, gặp được GIAI NHÂN (thơ hay) sẽ đạt tới thống khoái. THƠ không có vần, nhạc và họa cũng giống như BỘ XƯƠNG (thịt đã đã mất hết). Ai có thể ôm ấp, LÀM TÌNH với BỘ XƯƠNG?

— Người làm thơ dày dạn kinh nghiệm, kỹ thuật thơ cao thì thơ làm ra vẫn có thể “hay” , nhưng không có HỒN. Những người này là “nghệ nhân” chứ không phải là “nghệ sĩ “.

— Một bài thơ chữ nghĩa “hàn lâm” quá, nặng về trí tuệ, kỹ thuật sắp xếp từ ngữ quá có thể toàn bích như một bức tranh, một bức tượng giai nhân tuyệt vời; nhưng dù sao nó cũng là bức tranh, bức tượng “chết”, chỉ để ngắm nhìn thôi (Thơ chỉ có lý trí không cảm xúc); đâu bằng giai nhân đời thường, dù không hoàn toàn tuyệt bích, nhưng ta có thể ôm ấp, mân mê ve vuốt “cõi tồn sinh” (Thơ có hồn, đầy cảm xúc).

— Bài thơ hay phải là bài thơ mở để có được sự “đồng tham gia” của người đọc mà ta gọi là “Đồng tác giả”: Độc giả sẽ hứng khởi, thích thú thấy bài thơ hay hơn vì cảm thấy mình có thể dự phần, đặt tâm sự, kinh nghiệm riêng vào; thấy tác giả viết riêng cho tâm tư mình, thấy có mình trong đó.

HỆ QUY CHIẾU

Có thể giải thích thêm ở đây: — Đọc thơ, thưởng thức thơ còn tuỳ thuộc vào “Hệ quy chiếu” của mỗi người. Những Hệ quy chiếu này hoàn toàn khác nhau, do đó cách đọc và cảm nhận cũng khác nhau. Không thể đứng ở Hệ quy chiếu này mà phê bình, áp đặt Hệ quy chiếu khác, cho rằng mình là đúng và người sai. Ngay ở một người, hai cái đọc ở hai thời điểm khác nhau, với những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, tác phẩm cũng có thể có những diện mạo khác nhau.

VỀ BÌNH THƠ

  1. NHÀ BÌNH THƠ

Tôi xin góp vài ý về phê bình thơ:

Ngoại trừ các nhà phê bình thực sự, có thủ pháp riêng, trình độ thẩm thơ tuyệt vời; phần tay mơ còn lại, theo tôi, chỉ làm rắc rối thêm cho người thưởng lãm. Một bài thơ bình dị, rõ ràng, sáng sủa sẽ trở nên rắc rối, mù mờ và tối tăm qua tay các nhà bình thơ loại này.

Tôi nhớ câu chuyện này, từ người bạn tôi kể lại:

“Nhà thơ Jacque Prevert đi vào câu lạc bộ bình thơ của Pháp tại Paris. Gặp lúc các nhà bình thơ đem thơ ông ra mổ xẻ đủ loại, đủ điều Nhưng chả có ai chú ý đến một người vô danh mới vào và chăm chú theo dõi cuộc bình thơ. Hết cuộc bình thơ, người khách lạ bước lên sân khấu bắt tay các diễn giả và nói rằng: “Xin chân thành cảm ơn tất cả các ngài đã đem thơ tôi bình luận. Thật sự tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã có những ý nghĩ lạ lùng cao xa ấy trong thơ mình và tôi cũng không ngờ thơ tôi lại hay như vậy. Cảm ơn các ngài.

Nói xong, người khách lặng lẽ bước ra. Người khách lạ ấy chính là Jacque Prevert.”

  1. THƯỞNG LÃM THƠ

Thưởng lãm thơ cũng như ăn uống: Đói ăn, khát uống.

– Đang đói gần chết, có thức ăn mừng quá định ăn, thì có người chặn lại bảo phải ăn cách như vầy, ăn thức nầy, chất này; không nên ăn thức này, chất này… và rồi giảng cho bài học về dinh dưỡng v.v. thì chết con người ta rồi.

– Cũng giống vậy, đang khát gần chết, có nước uống mừng quá định uống, thì lại bị chặn lại giảng dạy giống như trên thì chán mớ đời. Chết sướng hơn.

Các nhà bình thơ xin nhớ lại “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao doạ giết

Cũng không nói ghét thành yêu…

Hay của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!

Hãy thật lòng mình, đừng bẻ cong ngòi bút vì tư lợi, ý đồ, phe cánh hoặc vì tiếng tăm người khác gắn cho thi nhân, nào là “nữ hoàng”, nào là “vua thơ” v.v… mà vội vàng hít hà khen thưởng, không thẩm định kỹ. Nên nhớ rằng, khen “quá lố” có khi làm hại người được khen.*

Nguyên Lạc

_______________________________________________

 

*VỀ MỘT BÀI BÌNH THƠ GẮN VƯƠNG MIỆN

Xin được vài hàng về một bài bình thơ gắn “vương miện” gần đây của “Một nhà thơ trong đương đại thuộc hàng bậc cha anh… cũng xin ngả mũ chào em – Nàng thi sĩ” (sic). “Nhà” này cũng thường hay “tự sướng” thơ mình.

Ghê chưa? Câu khen này chắc phải đúng vì được phát xuất từ miệng “Một nhà thơ trong đương đại”. “Nhà” này đã khen nữ thi nhân “tiếng tăm vang dội tận thủ đô“.

Thấy lời khen “quá dữ” tôi vội ghé vào đọc thử những lời “có cánh” xem sao .

Tôi xin được tạm dấu tên thi nhân – chỉ gọi XYZ – để trân trọng “tiếng tăm” vì:  “Thơ XYZ đã được giới thiệu nhiều trên báo, tiếng tăm về thơ hay XYZ cũng lan khá rộng, ra tận thủ đô được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát”. Và dấu tên nhà binh thơ đương đại nầy vì yêu cầu lịch sự.

Đây là những câu thơ “đập” vào đầu tôi và được ngài “nhà thơ trong đương đại thuộc hàng bậc cha anh” hết lòng ca ngợi:

Kỷ niệm “quật mồ” lao trở về mai mỉa tiếng thời gian

Tình thu “cướp” nỗi nhớ trong ta chỉ để lại chiếc lá vàng

“Tranh thủ” đứng lên nhặt tình Thu xâu kết tặng cho đời

Quật mồ, cướp, tranh thủ … đọc tới những chữ nầy sao tôi thấy “rợn tóc gáy”.

Tác giả là người sáng tạo, có toàn quyền dùng từ nào mình thích, nhưng ít nhất cũng nhớ là viết cho AI, vậy nên chú ý dùng từ sao cho êm dịu, thanh thoát, không gây chia rẽ, buồn lòng người. Thi nhân thì tôi không đặt nặng nhưng quan trọng là ở “người bình thơ”, người “ca tụng” thơ. Theo tôi, đây là những từ dùng trong văn nói hoặc trong văn viết thì cũng tạm được, nhưng trong thơ thì … nên cẩn trọng. Nhà bình thơ “đương đại” phải giải thích rõ cho độc giả hiểu tại sao các câu thơ có những từ này là hay, là tuyệt?

Chúng là ngôn ngữ tuyệt vời của thơ thật sao?

Chúng gợi nhớ đến những cụm từ: cướp chính quyền, quật mồ người chết … và nhất là cụm từ “tranh thủ” nhập từ Đại Hán: — Tranh thủ để chiếm đoạt? “Xin các đồng chí tranh thủ, khẩn trương” …

Những từ chưa hoàn toàn đồng thuận này vẫn còn đang tranh cãi, đang gây chia rẽ “bên thắng / bên thua cuộc” và đâu có thanh thoát gì? Sao “nhà bình thơ” không giải thích rõ tại sao mình khen? Hay là “ngài bình thơ” tự cho là nó tuyệt vì thi nhân đã có “tiếng tăm”? Này nhé: – “Thơ XYZ đã được giới thiệu nhiều trên báo, tiếng tăm về thơ hay TXYZ cũng lan khá rộng, ra tận thủ đô được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát“?

Cái “tiếng tăm” thật giả thì chưa rõ, nhưng theo tôi đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, trong các “Hội” ở Việt Nam “đương đại”, nhất là “Hội nhà văn” ai cũng biết. Làm sao lọt qua được “bộ lọc””định hướng”, tôi gọi là “Sổ đoạn trường”, để được in ấn, công bố tâm huyết mình nếu không phải là “phe ta”, nếu không “có ô dù” ?.

Hay nhà binh thơ hiểu các từ trên là “tuyệt vời” vì ảnh hưởng nền giáo dục “mới”  , nền giáo dục chú trọng “hồng hơn chuyên” “đỉnh cao” XHCN? Nếu thế thì tôi không trách nhà bình thơ, mà trách nền giáo dục này: Nền giáo dục tạo ra “Con người mới” luôn đặt nặng thắng/thua, ta/địch – Ta nhất định thắng / địch nhất định thua; ngược với nền giáo dục của tiền nhân, hay các nền giáo dục nhân bản khác chỉ dạy con người trân trọng và yêu thương nhau.

Xin được mở ngoặc ghi thêm về cách hành xử ở đời:

— Nên đối xử nhau bằng “Tình đáp tình”, đừng xem nhau ta / địch. Vì trao tha nhân ân tình thì sẽ nhận lại được ân tình. Giống như quả bóng ném vào bức tường sẽ dội ngược lại, ném mạnh thì dội mạnh. Ném sân si vào “bức tường đời” thì nhận lại được sân si thôi!,  nhân nào quả nấy như nhà Phật đã nói. Trân trọng yêu thương cuộc đời thì đời sẽ trân trọng yêu thương lại ta.

Tha thứ cho tôi, không thể nào tiếp tục cảm nhận thêm những lời bình thơ “tuyệt vời” mà nhà bình thơ “gắn vương miện” cho thi nhân được nữa, những lời có cánh: “hòa quá nhiều nước lã vào mực.” (Modern poets mix too much water with their ink – Goethe).

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search