T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Cộng đồng Việt và chính sách dân sinh Hoa Kỳ

Dân biểu Tyler Diệp. Nguồn: CalMatter
(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Nhã Duy

Trên số báo Cal Matters vào ngày 19/8/2019, dân biểu tiểu bang California Tyler Diệp thuộc đảng Cộng Hòa đã kể lại cùng ký giả Dan Morian rằng, “Tôi còn nhớ tấm chi phiếu trợ cấp cho chúng tôi là $800. $500 để trả tiền thuê nhà, $100 trả tiền vé máy bay và $200 tiền chợ. Tôi không nhớ có tem phiếu thực phẩm hay không nhưng có (nhận) trợ cấp xã hội và Medicare“.

Đến Mỹ năm 1991 lúc 8 tuổi, dân biểu Tyler Diệp trở thành Giám Đốc Sở Vệ Sinh thành phố Midway sau khi tốt nghiệp đại học, rồi nghị viên, Phó Thị Trưởng thành phố Westminster cho đến khi đắc cử vào Hạ Viện California năm 2018. Đó là một câu chuyện thăng tiến tiêu biểu khá phổ biến trong các gia đình tị nạn và di dân đến Mỹ trong vài thập niên qua, cách riêng là trong cộng đồng gốc Việt.

Nhắc đến câu chuyện của DB Tyler cùng vấn đề phúc lợi xã hội để thấy rằng, ông cùng gia đình cũng như phần lớn làn sóng người tị nạn gốc Việt cho đến các gia đình HO, ODP đến Mỹ, đã từng thụ hưởng những phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục trong những năm đầu tiên đến Mỹ rồi từng bước tạo dựng, đi lên và đạt được thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau ra sao.

Theo như bài báo có tựa “More Vietnamese Immigrants Reaching End of Benefits” trên tờ Los Angeles Times vào năm 2003 khi California thay đổi luật trợ cấp CalWORKs trước đó, thì có đến 80% số người trưởng thành nhận trợ cấp đã liên tục trên năm năm, thuộc cộng đồng Việt Nam, cho dù người Việt chỉ chiếm khoảng 5% tại Quận Cam lúc bấy giờ.

Các chương trình phúc lợi xã hội sau này có phần giới hạn với những ràng buộc khác nhau nhưng với riêng cộng đồng gốc Việt thì số gia đình vẫn còn đang nhận phúc lợi xã hội là khá cao so với tỉ lệ chung tại Mỹ.

Theo số liệu từ Cục Dân Số Hoa Kỳ, có khoảng 16% hay 60,949 gia đình gốc Việt (theo American Community Survey – ACS 2018) bị xem thuộc nhóm nghèo khó trên giấy tờ để có thể đủ tiêu chuẩn hưởng một phần hay toàn bộ các chương trình phúc lợi xã hội.

Bảo rằng trên giấy tờ vì bên cạnh nhóm người Việt cao niên đang được hưởng chương trình SSI cho người già hay tàn tật, thì trên thực tế cần ghi nhận rằng, một số gia đình có nghề nghiệp tự do hay cơ sở thương mại tư nhân không khai báo thu nhập đầy đủ và thật sự vẫn có thể được xem là “nghèo khó” để được nhận trợ cấp tiền mặt (TANF), thực phẩm (SNAP, WIC), chương trình gia cư (Section 8) hay y tế (Medicaid, CHIP hay Obamacare), giáo dục (Financial Aid – FAFSA). Đó là tình trạng khá phổ biến, dễ bắt gặp trong cộng đồng.

Chẳng những không phải đóng thuế thu nhập, hàng năm các gia đình này còn được cho thêm một khoảng tiền mặt khá lớn qua chương trình tín thuế EITC cho các gia đình có thu nhập thấp. Dù rằng, cộng đồng gốc Việt lại là nhóm sở hữu nhà với tỉ lệ 68%, cao nhất so với tỉ lệ chung, cũng như so với bất cứ sắc dân nào (theo ACS 2019).

Đến Mỹ khi các đạo luật về phúc lợi xã hội đã ra đời nên nhiều người từng hay đang thụ hưởng những phúc lợi nói trên có lẽ không chú ý chúng đã có ra sao, lúc nào và những ai đã tranh đấu để mình được thừa hưởng. Tìm hiểu về điều này không chỉ để nhìn lại hành trình của mình trên đất Mỹ mà còn hiểu hơn về các chính sách liên đới đến các tuyên truyền chính trị ra sao.

Luân phiên điều hành và bổ sung cho nhau trong các chính sách quốc gia, nhìn chung thì đường hướng của hai đảng phái chính trị chính tại Hoa Kỳ không giới hạn ở một vài điểm chính yếu có thể kể ra. Nếu đảng Cộng Hòa thường thiên về quốc phòng, đối ngoại và kinh tế thị trường thì đảng Dân Chủ chú tâm vào các vấn đề dân sinh, cải tổ y tế, giáo dục. Đó là lý do hầu hết các đạo luật về an sinh xã hội hay chương trình phúc lợi xã hội nói trên thường được các dân biểu cùng đảng Dân Chủ đề xướng.

Như việc trợ cấp thực phẩm qua chương trình tem phiếu thực phẩm là do dân biểu Leonor Sullivan thuộc đảng Dân Chủ trình dự luật (H.R. 10222) và được Quốc hội thông qua, ký thành sắc luật năm 1964 (Food Stamp Act on 1964) và hiện nay được gọi là SNAP.

Năm 1965, chương trình trợ cấp y tế quan trọng nhất cho đến nay là Medicare và Medicaid ra đời, do dân biểu Wilbur Mills của đảng Dân Chủ trình dự luật (H.R. 6675). Hiện có khoảng 31.8% người gốc Việt đang có bảo hiểm y tế các loại từ các chương trình chính phủ (theo ACS 2019).

Chương trình trợ cấp tiền mặt và y tế SSI (Supplemental Security Income) cho người già trên 65 tuổi hay người tàn tật được Tổng Trưởng Sở An Sinh Xã Hội Robert M. Ball thuộc đảng Dân Chủ soạn thảo và trình Quốc hội thông qua và ký thành luật vào năm 1972 (Public Law 92-603). Không có phúc lợi SSI này thì chắc chắn giới cao niên gốc Việt sẽ rất khó khăn khi không có thu nhập lẫn bảo hiểm y tế miễn phí cho tuổi già nhiều bịnh tật.

Về trợ giúp giáo dục thì những người đã quay lại trường lớp khi đến Mỹ, ắt không quên chương trình hỗ trợ tài chính Pell Grant, được đặt theo tên Thượng Nghị Sĩ Claiborne Pell của đảng Dân Chủ đưa ra năm 1975 (S.2657). Đây là một trong những trợ giúp quan trọng bậc nhất để giúp những người tị nạn gốc Việt cùng con em mình có được thành công hôm nay thông qua con đường học vấn. Hiện nay chương trình này vẫn đang giúp cho vô số gia đình gốc Việt tiếp tục xin tiền học cho con cái mình dựa theo tình trạng thu nhập gia đình.

Một số chương trình quen thuộc và có nhiều người Việt thụ hưởng như TANF tiền mặt (hay CalWORKs tại California), CHIP, WIC… cũng đã ra đời dưới thời tổng thống Bill Clinton hoặc do các dân biểu đảng Dân Chủ đệ trình.

Kể từ sau chương trình cải tổ y tế Obamacare ra đời 10 năm trước, cùng các ý định về miễn phí giáo dục bậc đại học cộng đồng hai năm thì phía đảng Cộng Hòa bắt đầu chỉ trích và gán đặt đảng Dân Chủ là đang muốn đưa nước Mỹ vào con đường “xã hội chủ nghĩa”.  Điều này ngày càng mạnh mẽ hơn trong bốn năm qua dưới thời tổng thống Donald Trump cùng chiến dịch tranh cử hiện nay.

Bởi đơn giản rằng, với đường hướng kinh tế thị trường và biện pháp cắt giảm ngân sách nhắm vào các chương trình dân sinh, việc miễn phí y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội… là bị xem là đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa, một hệ thống dân sinh mà Canada, Úc… cùng một số nước châu Âu giàu có đang thực hiện cho người dân mình.

Đây là vấn đề dân sinh, xã hội hơn là đường hướng chính trị như nhiều người được nghe hay hiểu lầm. Nhưng đáng tiếc là một số người gốc Việt dù đã từng hay vẫn còn đang nhận các phúc lợi xã hội này lại tin theo để tấn công ngược lại đảng Dân Chủ đã đang bảo vệ quyền lợi cho chính họ.

Chính vì vậy, điểm lại một số chương trình dân sinh này là điều cần thiết và để thấy rằng hành trình phát triển của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ đã có được, bên cạnh sự cố gắng thì một phần cũng nhờ vào các chính sách, sự trợ giúp bước đầu từ nhiều đời tổng thống tiền nhiệm khác nhau trong suốt 45 năm qua.

Hãy thật lòng trả lời rằng, nếu cộng đồng gốc Việt đến Mỹ và khởi dựng lại từ đầu ngay vào thời điểm từ bốn năm qua với vô số những chính sách kỳ thị di dân và cắt giảm quyền lợi dân sinh, thì liệu họ có tạo dựng được những gì như đang có hiện nay?

Những câu chuyện lịch sử cần được kể lại và lắng nghe để không biến chúng ta thành những kẻ vô ơn. Từ những trải nghiệm được đánh đổi bằng máu và nước mắt, từ những vòng tay đón chào và cưu mang đầy tình người trên xứ lạ, cho đến sự thành công hôm nay, cộng đồng Việt đã có cơ hội để thể hiện sự công bằng và bác ái hơn so với dăm thái độ đang xảy ra trên đất Mỹ hiện nay.

Bài Mới Nhất
Search