T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: NƠI MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

Ngọn Nến – Tranh: Mai Tâm

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một trong những người mà tôi yêu thương nhất. Bởi vì ngày mai, có thể chúng ta sẽ không có dịp gặp nhau nữa. Thật đấy, trong cõi đời này, chúng ta luôn luôn có cảm giác là sắp vĩnh biệt nhau, không biết tên bạn mình sẽ biến đi lúc nào và không biết mình cũng sẽ biến mất lúc nào. Dù là chúng ta đã nhiều phen cố gắng không tin vào cảm giác đó, nhưng cảm giác là cái gì chợt hiện, làm sao kiểm soát được…

Cảm ơn các bạn thật nhiều vì đã bảo bọc tôi trong nhiều ngày qua. Cùng một hoàn cảnh mà các bạn vẫn tìm được những cách để che chở tôi thì thật là kỳ lạ. Còn bây giờ thì nếu tôi đã mang ơn một người bạn nào đó, nhất định là tôi sẽ nhân món nợ đó lên năm mươi triệu lần để nhớ tới. Hãy giương buồm lên, và ơn trên sẽ đưa mình tới nơi nào để làm việc một cách tốt nhất cho cuộc đời.

Thời tiểu học của tôi đã trải qua trong một trường của các sư huynh dòng La San. Tôi không là một tín đồ Công giáo, như các bạn cũng biết. Dòng họ tôi là Phật tử sợ là có tới hơn một ngàn đời. Thế nhưng cha tôi lại tin vào các thầy dòng hơn tất cả các cơ sở giáo dục nào khác, và hơn cả những nhà sư mà cha có dịp quen biết.

Một lý do nữa, là một thầy giáo trong trường lại là bạn của cha tôi. Ông ta là một ông thầy cũng kỳ lạ như các ông thầy khác trong trường. Ông ta có vẻ thương tôi, như cha tôi có lần giải thích, nhưng luôn luôn theo dõi tôi một cách nghiêm ngặt từ một sợi giây giày lơi ra khi bước vào cổng trường, cho đến một nút quần quên cài vì lơ đãng.

Mỗi kỳ đi xe lửa về – vì cha tôi là nhân viên Hỏa xa – thế nào cha tôi cũng ôm một bó roi mây tới làm quà cho ông bạn cố tri này, và đôi khi là vài quả mít khổng lồ để cho trường đủ vỏ mít để hăm he đầu gối lũ nhỏ. Đó là một thế giới hạnh phúc như cổ tích, và họ là một thế hệ thực sự hạnh phúc, cũng như tôi và các bạn cũng đã trải qua một thời kỳ thực sự hạnh phúc. Tất cả mọi người đều rất ngây thơ, ít nhất cũng là trong thế giới tuổi thơ của tôi. Tất cả những khuôn mặt đó không còn là thịt da nữa, nhưng chính là pha lê.

Tôi đã sống trong ngôi trường nghiêm khắc đó tới 5 năm, không là một học sinh tồi nhưng cũng không là một học sinh giỏi. Tôi đã thuộc rất nhiều đoạn trong Kinh Thánh vì hồi đó cũng được xếp vào các bài học thuộc lòng mà bây giờ tôi đã gần như là quên sạch trừ vài đoạn trong bài giảng trên núi. Dĩ nhiên là thói quen dùng các chữ cổ của tôi cũng bắt nguồn từ các bài thơ xuôi đó. Và trong trí nhớ hỗn độn của tuổi thơ tôi, hình ảnh chúa Jesus cũng là một vị Phật nghiêm nghị giữa rất nhiều các vị Phật trên bàn thờ của mẹ tôi, ít nhất cũng là trong rất nhiều giấc mơ của tôi hồi nhỏ. Nói cách khác, là một vị Phật có tóc đang chơi giỡn giữa các vị Phật không để tóc.

Các bài Kinh tôi cũng không còn nhớ một cách đầy đủ, dường như bây giờ cũng đã được đổi lời mới thì phải. Đoàn Hùng Tâm của tôi cũng chẳng chút chi giống với với Thiếu Nhi Thánh Thể bây giờ thì phải. Nghĩa là tôi hít thở một không khí rất là cổ kính. Điều đó cũng hoàn toàn thích hợp với năng khiếu bẩm sinh của tôi. Đến nỗi sau này chính các em tôi cũng đã phải thốt lên, thật sự anh là người của thế kỷ thứ 16. Nhưng chính người thầy năm lớp Nhất của tôi — bây giờ gọi là lớp Năm — đã mang chúng tôi về tận ngọn nguồn của một dòng suối còn cổ xưa hơn nữa. Và tôi không bao giờ có thể quên được ơn sâu đó.

Một buổi sáng, sau khi cả lớp đọc một bản kính Lạy Cha để bắt đầu buổi học, thầy đều dành ra mười lăm phút để giảng về một câu nào đó của Khổng Tử thật cặn kẽ. Chúng tôi đều biết rất rõ là giờ học này không nằm trong chương trình, nhưng chúng tôi đứa nào cũng thích cả. Có lẽ lý do đầu tiên là trong giờ này không có bài học nào phải trả hay bài làm nào phải lo, nghĩa là chẳng dính dáng gì đến cây roi mây ba tôi tặng đang nằm ngay ngắn trên bàn thầy. Vả lại càng chẳng dính dáng gì tới chiếc vỏ mít khổng lồ mà ông thầy bạn củng chẳng dính dáng gì tới chiếc vỏ mít khổng lồ mà ông thầy bạn của cha tôi trải vuông vắn trước cửa phòng giám thị, lúc thì trông như chiếc đệm quỳ của người võ sĩ đạo Nhật, lúc thì trông như bàn chông của một thầy phù thủy Fakir Ấn Độ.

Thầy đã giữ gìn chúng tôi thật kỹ lưỡng ngay đến một nếp gấp của trang giấy hoặc một đường kẻ trong vở cũng không được phép lệch ra khỏi con đường phải học của một Nho Sĩ. Mặc dù chúng tôi gần như hoàn toàn không biết về chữ Hán, nhưng cũng có thể hiểu được rõ ràng những lời thầy dạy. Không những vậy mà lại còn có thể hình dung một cách rõ ràng trong đôi mắt ngây thơ của chúng tôi một chiếc cổng tam quan cổ kính sơn son thiếp vàng và một lối đi bằng những vuông đá xanh rêu mọc đưa vào nhà Văn Miếu.

Khi thầy se sẽ lật nhẹ một cách cung kính từng tang Minh Tâm Bảo Giám hoặc Tam Tự Kinh, thì chúng tôi lại nhìn thấy từng đám bụi của quá khứ 2.000 năm trước nhẹ tung lên và trở thành những đám mưa mạt vàng tung lên khắp phòng học. Mỗi khi tiếng sột soạt của giấy vang lên, chúng tôi lại ngẩng mặt nhìn lên vì ngờ rằng đó là tiếng tà áo lất phất của các Hiền Thánh đến thăm chúng tôi. Và khi thầy gấp sách lại sau mười lăm phút trang trọng đó, chúng tôi lại bất chợt nhìn ra ngoài theo dài cho tới bãi cỏ xanh và tin đó là những đám rêu thời gian đang phủ lên những dấu chân Hiền Thánh. Tôi có thể nhớ thật chính xác những xác những hình ảnh đó mặc dù tôi đã trả lại cho thầy thật nhiều những chữ thầy dạy, và chỉ còn nhớ đủ chữ để có thể hù tụi con nít mới lớn sau này.

Cuối năm, sau khi thi Tiểu học xong, thầy vẫn tiếp tục dạy để chuẩn bị cho chúng tôi thi vào Đệ Thất, bây giờ là lớp sáu. Chương trình trở nên căng thẳng hơn, tuy nhiên, giờ học của các chú Nho Sinh với các vị Hiền Thánh vẫn được duy trì đều đặn và còn trân trọng hơn nữa vì chúng tôi đã sắp tới ngày xa nhau.

Bắt đầu khóa Luyện Thi Đệ Thất, lớp tôi được thêm một học sinh mới, đó là cô con gái của thầy. Đây là cô học trò duy nhất trong lớp và cũng là duy nhất trong trường bởi vì trường tôi chỉ dành cho các nam học sinh. Đó là một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn và dĩ nhiên là cũng nghiêm nghị như những khuôn mặt nghiêm nghị bé con của chúng tôi.

Bốn mươi cậu bé chúng tôi cùng nhìn về cô bé một cách nghiêm nghị và lạnh nhạt như ông Huyện Thanh Quan nhìn về bà Huyện Thanh Quan ngày đầu mới gặp. Nhưng thật sự chúng tôi đều biết rằng đây là một cô bé đẹp nhất trên thế giới. Tôi không thể nào nhớ chính xác về cô bé, nhưng đúng là vậy. Chúng tôi đã rất hạnh phúc và thực sự là hạnh phúc vì có một người bạn đồng môn nhỏ nhắn và xinh xắn và cũng nghiêm nghị nữa cùng bước vào cửa Khổng song song bên cạnh chúng tôi trong bộ “robe” hồng của trường Thiên Phước.

Chắc chắn là các vị học trò của thầy Khổng Tử đã không hề được chia sẻ niềm vui này của chúng tôi,vì chúng tôi biết rất tường tận rằng trong 72 vị Đại Đệ Tử của Ngài và 3.000 Nho sinh theo học không hề có một ai là con gái cả. Điều duy nhất mà tôi nhớ rõ nhất là cô bé không bao giờ cười, dù là mỉm một nụ cười nhẹ, khi ngồi trong lớp. Nhưng  tất cả những quả tim của chúng tôi – tôi tin là tất cả – đều cùng mở ra một thế giới kỳ lạ, thế giới của những cậu bé Nho sinh đứng thập thò bên mái hiên Nhà Văn Miếu chờ đợi những cụ già nghiêm nghị trong những bộ phẩm phục uy nghi xưa cổ với mũ cánh chuồn trên đầu và những bộ râu bạc dài chấm bụng bước ra vuốt đầu chúng tôi, nhưng người bước ra từ ngôi nhà sơn son thếp vàng ấy lại là một nàng Tiên bé nhỏ và dĩ nhiên là nàng không vuốt đầu chúng tôi.

Cô bé được ngồi bàn đầu của dãy giữa, và tất nhiên là ngồi một mình. Bàn thứ nhì kế tiếp, thầy bắt bỏ trống. Thật ra, nếu tôi được ngồi bàn sau nàng, tôi cũng không bao giờ dám nghĩ tới việc tìm một trò chơi nào phá phách chỉ vì sợ cô bé tan ra thành khói trước khi trò chơi kết thúc.

Ngày đầu tiên cô bé vào học, thầy dạy chúng tôi câu “Nam nữ thụ thụ bất thân.” Nhưng làm sao những cậu bé Nho sinh như chúng tôi lại có thể dám nghĩ đến việc thân với nàng được nhỉ, bởi vì chúng tôi đều tin rằng nàng là hóa thân của những hạt bụi vàng bay lên từ những trang giấy Minh Tâm Bảo Giám.

Một đôi khi, chúng tôi lại sợ là nàng có thể có cảm giác đã đi lạc vào một sa mạc của 40 tên cướp bé con. Điều này có thể xảy ra lắm chứ, vì trong thư viện nhỏ của trường La San chúng tôi, có tới 3 bộ sách Nghìn Lẻ Một Đêm và nàng thì ưa đọc sách. Vả lại chúng tôi cũng lo ngại là bốn mươi khuôn mặt bé con của chúng tôi dường như không chứng tỏ mình có điều gì khác với bốn mươi mặt mũi của bọn cướp Ả Rập kia đâu. Chúng tôi sợ là nàng sẽ nghĩ, lúc bọn cướp còn nhỏ chắc cũng có những khuôn mặt y chang như vậy. Những lúc đó, chúng tôi lại càng ra vẻ nghiêm nghị hơn nữa, cho có vẻ là những Nho sinh quân tử sẵn sàng bảo vệ nàng dù là chống lại với bốn triệu trên cướp của một đảng lớn hơn chứ nói gì tới bốn mươi tên cướp chui ra từ thế giới của Ali Baba.

Những khi nàng cúi xuống cặm cụi với những con số bí mật của một bài toán, thì chúng tôi lại cho rằng nàng Tiên bé bỏng của chúng tôi đang đo lại những khoảng cách của những ngôi sao trong thế giới mà nàng đang ngự trị. Và chúng tôi chỉ mong là có một lúc nào đó nàng sẽ tính nhầm về các đường bay của các tình hệ đê rồi nàng sẽ không bao giờ có thể bay trở về thế giới kỳ lạ đó. Và chúng tôi thì sẵn sàng cả đời ngồi sau lưng nàng chỉ để chiêm ngưỡng cô bé nghiêm nghị học trò của Khổng Tử đó. Có bao giờ nàng bỏ quên đôi cánh ở một nơi nào đó của trần gian và không thể tìm lại được rồi phải ở mãi với chúng tôi không nhỉ.

Mỗi khi thầy quay lên bảng để chép bài thì tôi cùng các bạn tôi lại bỏ bút xuống và chống tay lên cằm nhìn về cô bé cho kịp giờ kẻo tiếng trống tan trường có thể làm nàng hoảng sợ và chui trở lại vào những trang giấy. Và khi thầy quay xuống, chúng tôi lại cầm bút và tiếp tục trên bài viết. Những tiếng động bỏ bút xuống và cầm bút lên cứ đều đặn vang khẽ trong suốt những giờ học.

Và nếu có khi nào cô bé rụt rè khẽ cất tiếng hỏi thầy vê một vài điều gì đó thì tất cả chúng tôi gần như nín thở để nghe một cách trân trọng từng tín hiệu từ một thế giới bên kia dãy Ngân hà. Nhưng không bao giờ chúng tôi có thể hiểu được ô bé đã hỏi những điều gì, bởi vì trong những giây phút đó chúng tôi hoàn toàn biến mất khỏi thế gian này. Nói một cách chính xác hơn như người lớn mình có thể nói, là chúng tôi đã bị những tín hiệu bí mật kia làm hư-vô-hóa đi. Đó là những giây phút im lặng thiêng liêng của toàn bộ chúng tôi, dù là cô bé đang đứng giữa lớp nói lên những ngôn ngữ rõ ràng không phải là ngôn ngữ của chúng tôi. Nếu có tên nào bất chợt ho lên một tiếng hay ách-xì gì đó, thì toàn bộ chúng tôi – trừ nàng Tiên bé bỏng kia – đều quay lại nhìn kẻ bất bình kia đang bối rối ân hận, mà ngạc nhiên là tại sao người ta lại có thể gây nên những tiếng động trần gian giữa lúc đang nghe những tiếng vọng về của thượng lưu sông Hoàng Hà thuở cách đây hai ngàn năm. Nhưng nàng vẫn đứng đó, nghiêm trang và trân trọng nói lên những tiếng nói kỳ lạ ấy, dù bao nhiêu biến động của trần gian. Bao giờ thì chúng tôi có thể hiêu được những tín hiệu thiêng liêng ấy nhỉ.

Vào những giờ ra chơi, tất cả chúng tôi đều ra khỏi lớp vì đó là luật chung của nhà trường. Dĩ nhiên là nàng vẫn ngồi trong lớp bởi vì hình như tất cả mọi người – không riêng gì bốn mươi cậu học trò chúng tôi – đều cùng tin rằng nàng ở ngoài sự chi phối của tất cả các định luật trong thế giới này. Rất nhiều người bạn của tôi tìm cách giả vờ đi qua trước cửa lớp để có thể nhìn vội nhìn vàng vào cô bé đang cúi đầu vẽ nguệch ngoạc những hình kỷ hà khó hiểu lên những trang giấy nháp. Có nhiều lần, tôi đã chờ cho cả lớp đi về, rồi tôi làm như thud ọn giấy tờ sách vở, mới tới chỗ nàng thò tay vào hộc bàn lấy những tờ ấy ra xem, thì đúng là những đường nét không htể nào hiểu được, hay phải chăng đó là những đồ bàn chỉ đường vào một cung điện bí mất nào đó của nàng Tiên nhỏ của chúng tôi.

Cũng có đôi lần, tôi bắt gặp được những trang giấy phép phạt của nàng, không, làm sao mà giấy chép phạt được nhỉ, đó là những trang giấy chép đi chép lại những câu nói, những mệnh lệnh thiêng liêng của Khổng Tử mà thầy đã dạy để nàng có thể học thuộc lòng, không, nàng có cần gì phải học nữa vì nó đã chính là máu tủy của nàng rồi mà, hẳn là để cho tôi có thể nhặt lên và nhớ lấy. Nhưng điều mà tôi nhớ nhất, không phải là những mệnh lệnh thiêng liêng đó, mà chính là những dòng chữ thơ dại vụng về đẹp nhất trong lịch sử. Thư pháp ấy. Riêng tôi, trong những giờ ra chơi ấy, thì tìm một gốc cây xa hơn để đứng và nhìn qua cửa sổ để có thể bắt gặp một lúc nào đó nàng sẽ bay lên khỏi mặt đất.

Một đôi khi, chúng tôi lại nhìn thấy thầy trở thành một vị Thần uy nghiêm đứng trên những bệ cao bằng vàng khối và chiếc roi mây trong những bó mà cha tôi đã trang trọng tặng cho nhà trường cũng đã biến thành chiếc gậy bằng ngọc. Những lúc đó, chúng tôi đều tin rằng nàng Tiên bé nhỏ của chúng tôi chỉ là một trò chơi mà vị Thần uy nghiêm đó đã cho hiện ra từ chiếc gậy thần tinh quái đó. Và chỉ cần Thầy bẻ gẫy cây gậy thần tinh quái đó, nàng sẽ từ từ thu nhỏ lại giữa một màn sương khói và biến mất đi. Và những lời dạy của thầy cũng chính là những mệnh lệnh thiêng liêng được ban ra từ thế giới của những vị Thần nghiêm nghị trong những bộ phẩm phục uy nghi với mũ cánh chuồn và chòm râu bạc.

Tất cả chúng tôi đều tin rằng chỉ cần hoàn tất những mệnh lệnh thiêng liêng đó dành cho những Nho sinh quân tử — cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ — chúng tôi cũng sẽ biến thành những vị Thần uy nghiêm bay vào thế giới kỳ diệu trên, và mới có thể hiểu được những tín hiệu bí mật của nàng Tiên bé bỏng của chúng tôi.

Rất nhiều khi, giọng nói từ tốn sang sảng của thầy vang lên làn cho khắp người chúng tôi run rẩy nhìn thấy những hình ảnh dần hiện ra trong không gian lung linh mơ hồ ấy, từ một chàng thư sinh ngồi bên cửa sổ dùi mài kinh sử binh pháp mặc cho hoa bay gió thổi ngoài trời hết bao nhiêu mùa trăng tròn lại khuyết, rồi tới lúc giặc đến biên thùy chàng lại khoác áo chiến bào lên ngựa ra đi, khi giặc tan lại vỗ về khắp cõi an dân, rồi lại cởi sạch áo mũ nhà quan trở về dòng sông thơ dại ca hát nghêu ngao đùa với trẻ bên đường hóng gió mát ban chiều. Làm sao chúng tôi có thể trước cái lo của người và vui sau cái vui của người nhỉ. Chúng tôi kính sợ uống từng câu nói và nghe những lời, “uy vũ bất năng khuất” ngấm dần vào máu tủy mình…

Vào ngày cuối khóa, tôi được chọn đứng lên nói lời tạ ơn thầy – ngày xưa ở Việt Nan vẫn còn tục lệ tốt đẹp đó – đơn giản vì tôi là Trưởng lớp. Tôi gần như quên hết tất cả những lời đã ghi sẵn và chỉ lắp bắp được một đôi lời mà bây giờ tôi còn nhớ loáng thoáng:

“Thưa Thầy… chúng con cảm ơn Thầy về tất cả những lời Thầy dạy, đặc biệt là cảm ơn Thầy mỗi ngày đã đưa dần chúng con vào một thế giới kỳ lạ mà nơi đó mọi người đã trở thành ánh sáng…”

Chắc chắn là tôi đã không nói đúng như vậy vì tôi đã hết sức bối rối và bất chợt nói đến cái gì như là một vị thần uy nghiêm nào đó, hay một nàng Tiên bé bỏng hiện thân của ánh sáng gì đó hoặc là một cái gì đó đại loại như ngôi nhà mái cong rêu phủ phảng phất màu trắng bạc râu nào đó. Nghĩa là tôi đã bối rối nói lên một bài diễn văn ứng khẩu hết sức vụng về, không đầu không đuôi, câu chẳng ra câu, lời chẳng ra lời, mà toàn là những hình ảnh chập chờn ẩn hiện trong trí nhớ thơ ngây của tôi. Và đôi mắt của thầy đã chứng tỏ là thầy chẳng hiểu gì cả. Tuy nhiên, tôi tin rằng tất cả những cậu bé nghiêm nghị kia và nàng Tiên bé nhỏ đó đều hiểu rõ ràng và sợ còn hiểu rõ ràng hơn cả tôi nữa. Chúng tôi hoàn toàn không có một chút vui vẻ nào trong giờ chia tay này, dù là thầy đã cố làm cho chúng tôi vui bằng cách làm đủ trò, kể chuyện, ca hát và bắt chúng tôi nhảy múa với thầy nữa.

Tôi đã nhìn thấy những giọt lệ long lanh trong đôi mắt của bốn mươi tên cướp bé con kia hình ảnh nhạt nhòa của một nàng Tiên sắp biến mất. Tôi chỉ cúi mặt xuống và nhủ thầm: “Vĩnh biệt người Thầy yêu quí của con. Vĩnh biệt nàng Tiên bé bỏng đến từ một thế giới ba ngàn mặt trời kia, em chính là tinh chất của một dòng suối chữ nghĩa tuyệt diệu nhất. Rồi chúng ta sẽ gặp lại.”

Nhưng, nhiều năm sau, tôi vẫn không hề có dịp được gặp lại. Thực sự, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ tới việc bước vào nhà thăm thầy và nàng Tiên bé bỏng đó một cách nghiêm nghị như những người lớn thường làm. Bởi vì tôi luôn luôn tin rằng thầy và nàng đang ở trong một ngôi nhà bí mật với mái cong rêu phủ,với cổng tam quan đồ sộ và lối vào bằng những vuông đá xanh khổng lồ, dọc theo hai bên là ba ngàn pho tượng của những của những Nho gia hai ngàn năm trước.

Sau năm 75 vài năm, tôi được tin là thầy đã bị bắt vì một lý do nào đó. Bạn cũng biết là ở nước mình, người ta có thể ở tù không vì một lý do nào cả. Dễ lắm, chỉ cần một trận cười không kềm hãm được buông ra giữa quán cà phê trong lúc đài phát thanh đang oang oang bài diễn văn nào đó, hoặc tiếng thở dài không đúng chỗ. Và một người quân tử chân thực như thầy không còn một chỗ nào khác dễ ở hơn. Còn nàng Tiên bé nhỏ của chúng tôi đang là giáo viên khoa Sử của một trường trung học. Tôi không hiểu tại sao nàng lại chọn một môn dạy khó nhai như vậy. Hay phải chăng vì lòng từ tâm, nàng muốn chịu nhiều đau khổ hơn để có cách nào làm vơi đi những lầm lạc của trần gian. Tôi hiểu được tình cảm này lắm, nàng thuộc loại người sẵn sàng bước lên giàn hỏa thiêu để làm sáng hơn những vẻ đẹp của trần gian. Tôi tin là nàng đang rất đau khổ. Bởi vì khi dạy về những kỷ niệm của một dân tộc những chiến thắng và những thất bại của các vị anh hùng, những hạnh phúc và khổ đau của một giống nòi, nàng Tiên bé nhỏ của chúng tôi trong những mệnh lệnh thiêng liêng từ thế giới kỳ diệu của ánh sáng không được phép nói sai sự thật. Bởi vì chính thịt da nàng cũng đã từ sự thật mà ra. Tôi không hiểu lũ học trò của nàng có nếm được giữa những lời giảng của nàng là vị mặn của nước mắt hay không.

Và có bao giờ kể lại chuyện này một lần nữa, hẳn là tôi sẽ bắt đầu rằng: “Ngày xửa, ngày xưa, có một nàng Tiên bé nhỏ của một thế giới ánh sáng vĩnh cửu đã bị đày xuống trần gian đau khổ, cho đến ngày…”.

Phan Tấn Hải

(Trích tập: Cậu Bé và Hoa Mai)

Bài Mới Nhất
Search