T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Người bỗng lại về

clip_image002

( Hình : Trương T Vinh )

Tiếng chuông đồng hồ thong thả gõ mười hai tiếng.

Tôi vẫn ngồi yên trong bóng đêm. Đã lâu lắm rồi. Cũng phải năm tiếng hơn. Trong khoảng gian im ắng đến lạnh lẽo tôi nghe rõ nhịp đập của trái tim mình và những tiếng nấc, dù không cố kềm chế nhưng sao nó cứ ằng ặt làm cổ họng tôi nghẹn cứng.

Xưa nay đầu óc tôi khá bén nhạy, bất cứ chuyện gì xảy ra tôi đều tìm được phương cách giải quyết rất nhanh chóng, nhưng hôm nay hình như nó bất động, cứ lờn vờn mãi một câu hỏi, tại sao? phải làm gì bây giờ? mà tôi không có câu trả lời dù rất đơn giản như một lời tự an ủi để cho nỗi buồn đau của mình lắng đọng lại.

Tôi nằm dài xuống giường, bàn tay đặt khẽ lên bụng. Cái cảm giác như có con lăn quăn bé tí búng nhè nhẹ ở phía trong làm lòng tôi dâng trào thứ tình cảm nao nao khó tả. Vậy đó… mà Tùng buộc tôi phải hủy nó đi.

Tôi và Tùng yêu nhau từ khi còn cắp sách đến trường. Mối tình học trò trong sáng, lãng mạng đã trở nên nồng nàn, thắm thiết khi chúng tôi thật sự trưởng thành và bắt đầu biết ước mơ một mái ấm gia đình. Nhưng tình yêu đó đã phải đối đầu với những thử thách cam go. Gia đình tôi đạo công giáo. Ba mẹ Tùng đạo phật. Ông bà phản đối quyết liệt khi ba tôi đòi hỏi Tùng phải học giáo lý, rửa tội, để trở nên con cái Chúa.

Đối với Tùng, việc đó không có gì phải suy nghĩ, chọn lựa, vì theo anh, tôn giáo nào cũng dạy con người những điều hay, lẽ tốt. Nhưng mẹ của Tùng thì phản đối gay gắt, xưa nay phong tục của người mình là vợ phải theo chồng, tại sao mày lại mê muội, để người ta xỏ mũi một cách dễ dàng như vậy. Kèm theo đó là những lời mắng chửi nặng nề và không ít xúc phạm đến gia đình tôi. Điều làm tổn thương Tùng hơn cả là bà vứt quần áo Tùng ra đường sau khi mắng mỏ, tao không muốn thấy mặt mày thêm một phút nào nữa, ra khỏi nhà tao ngay thằng con bất hiếu. Và Tùng đi thật.

Một tháng sau Tùng quyết định tổ chức lễ cưới. Tôi rất hài lòng với thái độ "tự lập" của anh, nhưng Ba mẹ tôi không đồng ý. Mẹ hỏi tôi, tại sao phải chọn con đường gai góc để đi? Tại sao phải chọn Tùng để chấp nhận một hôn lễ mà chú rể như kẻ mồ côi, không người thân thuộc. Tôi biết cái lý do thầm kín của sự phản đối là vì mẹ muốn gán ghép tôi cho anh chàng bác sĩ mới ra trường -con trai người bạn thân của mẹ từ thời tiểu học ở Việt Nam. Tùng bảo tôi, chúng mình có thể tự thành thân được mà. Tôi lưỡng lự, phân vân. Tùng đánh đòn tâm lý, em hãy chọn lựa giữa gia đình và tình yêu. Anh chỉ muốn nhắc em một điều, tình yêu đối với anh quan trọng hơn mọi thứ và yêu là chấp nhận, là hy sinh. Phải! yêu là chấp nhận, là hy sinh… nên tôi đã bỏ cha, bỏ mẹ để theo Tùng. Nhưng bây giờ, ở Tùng, tôi không thấy hai chữ hy sinh Tùng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, mà hình như anh đã nghĩ đến bản thân mình quá nhiều.

Khi bác sĩ cho biết đứa bé tôi đang mang trong bụng sẽ không được bình thường khi sinh ra và đề nghị giải pháp phá bỏ nếu tôi và Tùng muốn. Lòng tôi đau như cắt. Nhưng Tùng … sau vài phút suy nghĩ và không cần hỏi ý kiến của tôi anh gật đầu chấp thuận. Tôi mím chặt môi, lắc đầu phản đối. Cố gắng lắm nhưng tôi vẫn không ngăn được nước mắt. Những giọt nước mắt lúc này sao đắng chát hơn lần tôi rời bỏ gia đình để đi theo Tùng, mặc cho ba mẹ tôi giận dữ quát tháo, từ giờ phút này tao không có đứa gái con nào tên Kim Uyên nữa.

Trở về nhà, Tùng hậm hực với tôi :

-Sao em không nhìn xa một chút. Đã biết nó không bình thường thì sinh ra làm chi cho nó khổ, mà người khổ nhất là em và anh. Em có nghĩ rằng mọi người sẽ nhìn vào và dèm xẻm rằng gia đình mình ăn ở thất đức nên bị trừng phạt không?

Thì ra cái nguyên do sâu xa là ở đây. Cổ hũ và vô lý như vậy mà một người trẻ tuổi trong thời đại tân tiến như Tùng lại tin một cách cố chấp. Bằng cái nhìn khẩn nài tôi cố thuyết phục Tùng:

-Anh ơi! kết luận của bác sĩ cũng chưa hẳn là chính xác một trăm phần trăm. Nếu có sai sót thì có phải mình mang tội giết con không?

Tùng nhìn thẳng vào mắt tôi, nắm chặt hai bàn tay tôi xiết mạnh. Cái xiết tay đau điếng người đã cho tôi biết rằng Tùng đang bị kích động dữ dội:

-Chắc em không quên Tri, thằng em út của anh chứ? Nó ngơ ngơ, ngáo ngáo, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Mẹ thân sơ thất sở cũng vì nó. Biết bao tiền của bỏ ra để chữa trị mà chẳng đi đến đâu. Mẹ anh không có một ngày thảnh thơi, an bình để hưởng chút thú vui của cuộc đời. Nó là một gánh nặng oằn vai mà anh nghĩ có lẽ những lúc quá mệt mỏi mẹ anh cũng từng nghĩ đến chuyện vứt bỏ nó đi mà không biết làm sao. Đã thế còn nặng thêm nỗi lo lắng không biết mai này khi ba mẹ qua đời nó sẽ ra sao, ai là người chăm lo cho nó khi anh chị em ai cũng có một gia đình riêng với bao nhiêu trách nhiệm và bổn phận đối với vợ, với chồng, với con cái… Anh nói thật, anh quá hãi hùng với cái viễn ảnh đen tối đó. Anh xin em hãy thực tế một chút…

Tôi tha thiết :

-Tùng ơi! thương con là thiếu thực tế sao? Từ bao lâu nay, mỗi khi đi ngang nhà thờ, nhìn tấm bảng nhỏ trước cổng vào với hình ảnh người phụ nữ mang thai và đứa bé đang với tay về phía người mẹ cùng hàng chữ "Say yes to life" của tổ chức "phò sự sống" (chống phá thai) em thấy xót xa quá. Có lẽ con cũng đang nói với hai đứa mình câu nói "đừng bỏ con ba mẹ ơi!". Nếu thật sự đó là thánh giá, sao mình không can đảm để vác thánh giá Chúa đã trao…

-Em thật nông cạn. Anh đã nói hết lời mà em vẫn không chịu suy nghĩ. Mình còn trẻ, sợ gì không có con. Chỉ sợ sau này sinh đẻ nhiều quá không biết làm sao nuôi cho hết.

Làm sao tôi có thể nghĩ như Tùng được. Mỗi đứa con là một báu vật. Đâu phải hễ có thêm một "đứa con mới" là người ta có thể cho đi "đứa con cũ" một cách dễ dàng. Tôi vẫn cương quyết lắc đầu. Tùng đẩy mạnh vai tôi, giận dỗi :

-Anh nói trước, nếu muốn giữ thì khi sinh nó ra em nuôi một mình đi, anh không có trách nhiệm đối với nó.

Câu nói như một gáo nước nóng tạt vào mặt, tôi gào lên :

-Em không cần anh. Đi đi, người cha vô lương tâm…

Tùng bước ra nhà xe bằng những bước chân hằn hộc, sau khi lạnh lùng hét vào mặt tôi:

-Em sẽ hối hận…

Tôi ném chiếc gối về phía Tùng :

-Không bao giờ có chuyện đó….

Tùng đi rồi, tôi ngã dài xuống sofa, bàn tay vân vê mãi cái bụng bầu chưa vun cao mà nghe thương quá đỗi cho một sinh linh vừa tượng hình đã bị từ khước bởi chính người cha tạo ra nó.

Khi cơn giận qua đi tôi tự trách mình sao không có được sự dịu dàng của một người vợ để thuyết phục Tùng. Tôi chợt rùng mình khi nhớ lại ngày xưa mẹ Tùng cũng đã từng hét vào mặt Tùng, đi đi. Và Tùng đã quay lưng bước đi không nuối tiếc. Bây giờ … là tình cờ hay định mệnh đẩy đưa, sao tôi cũng lập lại câu nói đó của mẹ Tùng và anh cũng bỏ đi một cách dứt khoát.

Hàng ngày, khi từ chỗ làm trở về nhà tôi vẫn ngồi nơi cánh cửa sổ để chờ Tùng. Bốn ngày dài thăm thẳm trôi qua. Tùng không một lần gọi điện thoại cho tôi. Tùng biết tôi đang bị cái thai hành hạ mà anh nỡ lòng quay lưng không chút xót xa. Còn tôi, lòng tự ái cao hơn nỗi ân hận, nên dù có đôi lần tôi cầm điện thoại lên bấm số của Tùng, nhưng chuông chưa kịp reo tôi đã dập máy. Ngày tiếp ngày, tôi vẫn thì thầm với chính tôi. Em xin lỗi Tùng. Trở về với em đi Tùng. Giọng nói khẽ khàng của tôi như lạc lõng giữa không gian im ắng không một tiếng vọng lại.

Một tuần trôi qua, bóng Tùng vẫn biệt tăm. Tôi giận Tùng không tả được. Xưa nay, Tùng đâu phải là người vô tâm, sao giờ đây, chỉ mới là một sự bất đồng quan điểm mà anh có thể rời bỏ tôi dễ dàng như thế? Chuyện xảy ra làm tôi chợt cảm nghiệm một điều… hình như mối tình Tùng dành cho tôi chưa thật sự là mối tình lớn để anh có thể chấp nhận và hy sinh như anh đã từng nói. Và tôi, tôi cũng không dẹp được lòng tự ái khi quyết định rời khỏi căn nhà yêu thương này… chỉ để thỏa mãn sự căm giận và cũng là muốn cho Tùng sẽ phải suốt đời ân hận vì những gì tệ bạc nhất anh đã đối xử với vợ con.

***

-… Có vợ chồng em Loan của chị từ miền bắc xuống thăm. Có hai đứa cháu của chị nữa, nên thằng KuKi vui lắm. Thỉnh thoảng nó hỏi Mami đâu, nhưng không khóc như những lần trước. Cứ chạy nhảy, cười đùa suốt thôi. Sáng mai, xuống phi trường em đến thẳng nhà chị ăn trưa nghe. Chị làm BBQ ngoài vườn để trông chừng mấy đứa nhỏ tắm hồ luôn. Bọn trẻ thích lắm.

Tôi tắt máy, nằm lăn ra giường. Nhớ đến Ku Ki tôi nghe lòng mình rộn rã và không quên thầm cám ơn chị Linh. Cứ mỗi lần đi công tác tôi lại gửi KuKi sang nhà chị Linh. Chị chăm sóc, nâng niu nó như đứa con ruột thịt của mình, dù nó ngờ nghệch, ngu ngơ với căn bệnh chậm phát triển. Hai vợ chồng chị không có con, công việc lại rảnh rang nên thường đến các trung tâm nuôi dạy các trẻ khuyết tật để tiếp tay với các thiện nguyện viên nơi đó. Chị Linh rất hiểu tâm lý của các trẻ em bất hạnh, vì thế khi KuKi gặp chị nó rất thích và nhanh chóng quấn quýt bên chị.

***

Tôi bước vào nhà khi chị Linh và em gái của chị đang loay hoay nướng thịt. Vừa mở cửa, chị Linh kéo tôi ra thẳng ngoài vườn:

-Loan ơi! Kim đây nè.

Quay sang tôi chị nói tiếp :

-Chị nói với Loan, em và Loan có nét hao hao giống nhau nên Loan nôn nóng được gặp em.

Loan chạy đến bên tôi xoắn xít :

– Chị Kim đẹp quá. Nếu giống chị Kim thiệt là em vui lắm đó.

Giọng nói liếng thoắng, cởi mở của Loan cho tôi cái cảm giác gần gũi, thân thiết ngay tức thì. KuKi từ phía bên kia hồ bơi tích toát chạy sang cùng hai đứa bé, một trai, một gái khoảng mười tuổi, hớn hở :

-Mami, Mami… KuKi nhớ Mami!!!

Tiếng phát âm không tròn chữ của KuKi nghe dễ yêu vô cùng. Tôi ôm con xiết trong cánh tay, hôn lên khuôn mặt tròn trĩnh ngây ngô, rồi quay sang chào bé Milan và Don bằng vài câu khôi hài. Hai đứa trẻ không trả lời, chỉ che miệng cười khúc khích.

Chị Linh vừa gắp miếng thịt cuối cùng trên lò nướng, vừa ngẩng đầu lên gọi:

-Thịt chín rồi…. Milan gọi Uncle và Daddy ra ăn mau để nguội.

-Daddy…

Con bé lười biếng đứng tại chỗ đưa hai bàn tay lên miệng làm loa gọi to :

-Tới ngay, tới ngay….

Tôi quay lại nhìn người đàn ông đang từ trong nhà tươi cười bước ra. Nụ cười tắt ngúm trên môi khi anh chạm phải ánh mắt tôi. Tim tôi như ngừng đập với câu hỏi thầm. Tùng! có thật là Tùng không?

Loan cất giọng đon đả :

-Anh Tùng, ông xã của Loan đó. Còn đây là mẹ của KuKi.

Chỉ thoáng vài giây bối rối với một chút cay nồng ở đầu mũi tôi đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Sáu năm qua nước mắt tôi đã khô cạn nên không còn một giọt nào để khóc cho cuộc hội ngộ ngang trái này. Sáu năm qua, tôi một mình vừa nuôi con, vừa phải đương đầu với những người đàn ông háo sắc nên cũng đã trở thành một người đàn bà gai góc. Tôi nhìn thẳng vào mắt Tùng bằng cái nhìn đầy thách thức :

-Hân hạnh được biết anh!!!

Tùng vẫn đứng chết sững ngay bậc thềm. Môi anh mấp máy không thành tiếng :

-Chào….

Chị Linh sửa giọng trang trọng :

-Xin trân trọng giới thiệu cô Đào Kim em nuôi của chị.

Tôi cười nhẹ, cố tình đọc tên mình rõ ràng :

-Dạ… tên họ đầy đủ của em là Đào Kim Uyên.

-Ồ! tên đẹp vậy mà chị cứ gọi Kim, bỏ mất chữ Uyên quý phái của người ta.

Thằng KuKi bỗng xuất hiện kịp thời để cứu người đàn ông đang "chết đứng" trước mặt tôi. Nó níu lấy cánh tay của Tùng, áp má vào hông Tùng đớt đát gọi :

-Daddy, Daddy…

Giữa buổi trưa nắng chang chang mà tôi nghe rõ một luồng khí lạnh chạy từ trên đầu xuống tận bàn chân. Bây giờ người đang "chết đứng" là tôi. Nỗi đau cố đè nén chợt hiển hiện nguyên hình. Tôi mím chặt bờ môi, hai bàn tay bấu vào nhau, "đừng khóc, đừng bao giờ khóc trước mặt người đàn ông này…!!!". Tôi quỳ xuống, kéo mạnh tay KuKi :

-Không phải Daddy… là chú… chú… con nghe rõ chưa???

Tôi nói với con hay nói với chính mình mà sao giọng nói của tôi như lạc đi. Thằng KuKi sợ hãi khóc thét. Chị Linh ôm nó vào lòng, nhăn mặt trách móc :

-Thì … có sao đâu mà em làm cho nó sợ. KuKi bắt chước Milan và Don đó mà. Người ta gọi Daddy hai ngày nay rồi chứ có phải lần đầu tiên đâu. Kim không nghe tiếng Daddy của nó ngọt sớt mà rõ ràng hơn bất cứ chữ nào nó nói từ trước đến giờ sao?

Tôi bế xốc thằng KuKi, đưa tay lên môi nó để ngăn chận câu hỏi nó thường hỏi, sao Mami khóc? Tội nghiệp con tôi, không biết đầu óc khờ khạo của nó có cảm nhận được điều gì hay không mà tự dưng nó đứa hai bàn tay nhỏ xíu ôm lấy khuôn mặt tôi vỗ nhè nhẹ như tôi vẫn làm thế mỗi khi nó khóc với câu vỗ về, nín đi, mẹ thương KuKi mà!!!

Tùng vẫn đứng đó. Từ nãy đến giờ anh không hề nói một lời nhưng đôi mắt anh và cái nhìn sâu thẳm hình như đang nói nhiều lắm…

Hai người đàn bà đang lăng xăng bên bàn ăn không hề biết trước mặt họ đang diễn ra một màn kịch câm với hai diễn viên đang "thừa đôi tay, dư làn môi… nên quên hết tiếng người.." (*)

Lấy thức ăn cho ba đứa trẻ và Tùng cùng ông Smith xong, Loan xua tay bảo họ đi về phía tàng cây bên góc trái của hồ bơi. Tôi ngồi xuống bậc tam cấp mà nghe lòng mình chìm trong nỗi đau rã rời. Định mệnh tàn nhẫn vẫn cợt đùa trên số phận nghiệt ngã của tôi. Tôi muốn quên. Quên hết những buồn đau trong quá khứ nhưng rồi "tình ngỡ đã quên đi nhưng người bỗng lại về" (*) cho kỷ niệm buồn đau nhức nhối như sống lại….

***

Rời khỏi nhà tôi bay sang New Mexico, nơi hãng tôi làm việc vừa thành lập chi nhánh mới. Ở nơi xa lạ này tôi không có một người thân lại bị cái thai hành vật vã. Một ngày, tôi đến phòng mạch bác sĩ, nhìn thấy tôi gầy gò, xanh mướt, ụa mửa liên tục, bà thư ký già ái ngại chạy ra thăm hỏi. Khi biết tôi đơn độc một mình bà nói :

-Tôi có quen một phụ nữ Việt Nam, bà này rất sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn. Cô có muốn tôi giới thiệu cho cô không?

Tôi mừng rỡ lấy giấy bút ghi số điện thoại và cám ơn bà rối rít.

Ngày hôm sau, chị Linh cùng chồng là một người Mỹ luống tuổi rất vui tính và hiền lành đến thăm tôi. Chị hỏi thăm sức khỏe, công việc và những khó khăn trong đời sống, nhưng tuyệt nhiên không hề thắc mắc, vì sao tôi -một phụ nữ mới hai mươi lăm tuổi- lại đơn thân độc mã đến cái thành phố xa lạ hiếm hoi người Việt này với cái bào thai bốn tháng. Từ đó, chị Linh đã trở thành người chị thân thương, luôn lo lắng và chăm sóc cho hai mẹ con tôi bằng cả tấm lòng. Sáu năm tôi làm người mẹ đơn độc cũng là sáu năm chị Linh hoàn thành xuất sắc vai trò người chị và cũng là người mẹ thứ hai của KuKi. Ta ơn Chúa, trong lao đao của cuộc sống tôi đã tìm được tình thương ấm cúng như một an ủi ngọt ngào cho phần đời bất hạnh của mình.

***

-Xem kià thằng KuKi nhõng nhẽo với Daddy ghê chưa?

Tôi ngước lên. Thằng KuKi đang úp mặt vào ngực Tùng trong khi anh xoa nhẹ trên lưng nó. Có bao nhiêu "sunblock creme" đâu mà anh thoa mãi không ngừng. Bàn tay anh như mân mê từng vuông da thịt mỏng manh bằng tất cả sự thận trọng và… yêu thương. Tôi khép nhẹ đôi mắt, quay đi để khỏi nghe lòng mình quặn đau giữa tiếng cười khúc khích hạnh phúc trên khuôn mặt ngây ngô và đôi mắt khờ khạo của đứa con nhỏ nhoi bệnh tật. Chị Linh xuýt xoa như ăn miếng xoài chua :

-Ui…ui!!! thấy thằng Tùng thương trẻ con mà bắt ham. Sao Loan không sinh cho nó một đứa con?

Loan khẽ thở dài :

-Em cũng muốn lắm nhưng anh Tùng không muốn. Em nghĩ, chắc ảnh sợ có thêm con thì lại sinh chuyện con riêng, con chung.

-Chị chưa thấy ai như thằng Tùng. Em thật có phước… phải đối xử tốt với nó nghe Loan.

Loan cởi mở, không chút dấu diếm chuyện riêng tư :

-Bởi vậy, em đâu dám thắc mắc quá khứ của ảnh. Em biết ảnh còn nhớ người vợ cũ nhưng em không bao giờ ghen tương.

Chị Linh lo lắng :

– Vợ cũ của nó ở đâu? Hai người ly dị hả? Có khi nào nó trở lại với vợ cũ không?

-Chuyện đó chỉ trông vào số mạng thôi! Nhiều lúc thấy ảnh ngồi hút thuốc cả đêm ngoài patio, điếu này tiếp điếu kia, lặng lẽ và buồn thiu, em không dám nói một câu, chỉ biết ngồi trong phòng khách nhìn ra. Đôi khi tủi thân vì thấy mình giống như một cái bóng. Nhưng nhìn lại cuộc đời em với bao nhiêu sóng gió đã trải qua được thế này là hạnh phúc lắm rồi còn dám đòi hỏi gì nữa. Sau lưng em và Tùng, ai cũng có một quá khứ buồn bã… Có lần Tùng nói với em rằng, ảnh phạm một lỗi lầm lớn, chỉ vì tự ái nông nổi, tư tưởng bảo thủ mà vợ chồng đi đến chuyện tan vỡ. Hình như ảnh cũng tìm kiếm vợ con khắp nơi mà không gặp. Không hiểu sao, một người tốt như ảnh mà cũng không giữ được hạnh phúc gia đình…

Rồi Loan bật cười hóm hỉnh :

-Nhưng nhờ vậy mà em được hưởng "sái".

Chị Linh ngã người ra ghế :

-Vậy là em tốt số rồi. Còn Kim… mai này có bước thêm bước nữa ráng tìm một người như Tùng để hưởng phước nha!

Tôi cố cười thật tươi :

-Bộ chị tưởng ai cũng may mắn như Loan sao? Em là người xui xẻo, hễ đánh bài cào bao giờ cũng bù, giỏi lắm cũng chỉ một nút mà thôi, nên em không dám bước lui, bước tới gì hết, cứ dậm chân tại chỗ cho chắc ăn.

Loan nghiêng đầu nhìn tôi :

-Chị Kim có duyên ghê, nếu là đàn ông em mê chị liền!

Tiếng cười của chị Linh vang lên, sảng khoái hơn bao giờ nhưng vẫn không xóa tan được nỗi ngậm ngùi đang đè nặng trong lòng tôi…

Buổi chiều, khi tôi chuẩn bị ra về thì thằng KuKi đang ngủ vùi trên chiếc ghế mây, Loan bảo tôi ở lại chơi đến tối hẳn về cho thằng bé được ngủ thẳng giấc. Tôi viện cớ sáng mai phải đi làm sớm để đứng dậy. Chị Linh bảo Tùng mang vali ra xe cho tôi. Anh đi nhanh ra cửa rồi quay trở lại bế xốc KuKi. Thằng bé giật mình tỉnh giấc, ngước mắt nhìn Tùng toét miệng cười vô tư. Khi ra xe, chị Linh đưa tay để bế nó đặt lên car seat, thằng bé ôm chặt lấy Tùng, lắc đầu nguầy nguậy "no, no..". Tôi nhìn KuKi nghiêm khắc :

-KuKi! mình về nhà… tối rồi.

Thằng bé dụi tay vào mắt lia lịa. Một thái độ phản kháng khi nó không muốn làm việc mà tôi buộc nó phải làm. Tùng ôm xiết lấy nó, giọng dịu dàng :

-Ngày mai Daddy sẽ đến thăm con.

Rồi Tùng nhìn thẳng vào mắt tôi, anh nói từng chữ từng câu rõ ràng :

-Chắc chắn Daddy sẽ đến thăm con, ngày mai.

Loan chồm tới vuốt tóc KuKi, dỗ dành :

-Đúng rồi… ngày mai Daddy, cô Loan, chị Milan và anh Don sẽ đến thăm KuKi nha.

… Chiếc xe chạy ra đến đầu ngõ, nhìn trong kính chiếu hậu tôi vẫn thấy dáng Tùng đứng tần ngần nhìn theo. Lẻ loi. Đơn độc. Như ngày xưa tôi một mình đứng ở phi trường chờ chuyến bay để làm một cuộc chia ly vĩnh viễn.

***

Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại cho chị Linh thật sớm cho biết gia đình có chuyện quan trọng tôi phải về thăm mẹ. Thật tình tôi sợ cái ngày mai mà Tùng đã hai lần nói với KuKi. Tôi tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra… khi tình cờ nhìn thấy Tùng hí hoáy ghi địa chỉ của tôi trên tấm tag của hãng máy bay gắn ở vali chiều hôm qua.

Tôi không biết Tùng sẽ làm gì?

Một lời xin lỗi?

Không cần thiết. Nếu nó xảy ra sáu năm về trước thì sẽ không có chuyện ngày hôm nay: tôi và Tùng phải gặp lại nhau trong cảnh ngộ ngỡ ngàng.

Một lời giải thích?

Để làm gì?… Chỉ thêm ray rứt và hối tiếc cho người trong cuộc!

Thôi đi Tùng. Bây giờ không phải là lúc phán xét ai đúng, ai sai, ai có lỗi? Chỉ tiếc một điều, nếu… ngày đó mình đừng quá nông nổi, tự ái và độc đoán bảo vệ quan điểm của mình thì thằng bé KuKi đâu phải khao khát một tiếng gọi Daddy. Và em, giờ phút này đâu ngồi đây kể lể một chuyện tình dang dở.

"Không phải tại anh cũng không phải tại em, tại trời ngăn cách nên chúng mình xa nhau". Em đành cười buồn để nghêu ngao câu hát mà người xưa hai đứa mình vẫn nói "sến ơi là sến" nhưng bây giờ nó như một lời an ủi để em bình tâm chấp nhận hai chữ định mệnh.

Ngân Bình

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search