T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: 20 năm bức tường ô nhục sụp đổ

Những quân cờ Domino làm bằng foam, mỗi quân cao 2.5 m, rộng 1.0m, dầy .40 m, nặng khỏang 20k, được trình bày dưới hình thức tác phẩm nghệ thuật dựng dọc theo lằn vết bức tường Berlin 20 năm trước.

Kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, 09-11-2009, đêm trước ngày lễ chính thức sẽ được tổ chức rầm rộ, hôm thứ Hai 08-11-2009, những nhân vật lịch sử đã tụ họp nhau lại tại địa điểm lịch sử 20 năm xưa: Cổng Brandenburger Tor. Những M. Gorbachov – nhân vật lừng danh của thời kỳ đổi mới chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, Lech Walesa – cựu thủ lãnh công đòan Ba lan, Helmut Kohl – vị thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất .

Nhưng có lẽ, sự có mặt của bà thủ tướng đương nhiệm của nước Đức Angela Merkel mang một ý nghĩa đặc biệt nhất. 20 năm trước, bà là 1 người trong dòng người đông đảo từ Đông Đức vượt qua bức tường Berlin, đặt chân lên mảnh đất tự do mới hôm qua chỉ cách một bức tường. Người phụ nữ Đông Đức ấy, sau bao nhiêu năm bị kềm kẹp trong guồng máy độc tài cộng sản, đã thốt lên “trước khi niềm vui tự do ập đến, đã có biết bao nhiêu con nguời chịu đau khổ “.

Bà là một trong những người đau khổ đó. Bức tường đã sụp đổ. Chế độ độc tài đã sụp đổ. 20 năm sau, đứng giữa mảnh đất lịch sử, ngổn ngang những hồi ức, người ta không thể không cảm hòai.

Thời gian 20 năm đâu đã đủ dài, thế mà bao nhiêu điều không thể xẩy ra, đã xẩy ra. Người phụ nữ trong đám đông 4 triệu người Đông Đức chỉ trong thời gian 72 tiếng đồng hồ của tháng 11 năm ấy từ Đông Đức lạc hậu bước chân qua viếng thăm Tây Đức tân tiến đã lặng người khi nhìn thấy sự phát triển vượt bực của một nửa đất nước “bị bọn tư bản kềm kẹp”. Có lẽ đó cũng là tâm trạng của nhiều người miền Bắc Việt Nam, sau khi chiến tranh chấm dứt, đã có dịp ghé thăm miền Nam sau hơn 20 năm “dưới sự thống trị của Mỹ Ngụy”.

Chỉ một năm sau, nước Đức đã thống nhất. Bức tường Berlin dài 155 kilômét đã bị hạ xuống hòan tòan. Thay thế vào đó, là bức tường lòng (Wall in the Mind ). Người Đông Đức cảm thấy mình bị xem là kẻ nhìn lên so sánh với người Tây Đức. Những tiện nghi bình thường trong đời sống hàng ngày của người Tây Đức lại là xa xỉ phẩm trong đời sống người Đông Đức. Nhiều người Đông Đức còn xem việc thống nhất nước Đức đơn giản là sự sát nhập Đông Đức vào Tây Đức. Người Tây Đức, sau niềm vui đòan tụ ban đầu, là một chuỗi những chia sẻ kiểu “miền Bắc nhận Hàng” của Việt nam (vế thứ hai trong câu đồng dao quen thuộc của Việt Nam sau 1975 “miền Nam nhận Họ, miền Bắc nhận Hàng”). Dần dà, sự chia sẻ biến niềm vui thành gánh nặng (cả tinh thần lẫn vật chất) cho người phía Tây.

Từ bấy đến nay, thời gian đã xuất sắc hòan thành nhiệm vụ. Cuộc sống ngày một thăng hoa, nhất là về vật chất, sự no đủ được chia đều cho mọi người qua một định chế chính trị tạo cơ hội cho mọi người cơ hội làm việc để tồn tại và đóng góp. Và nhất là cơ hội được vươn lên. The Wall of Mind tự nó đã dần dần tan biến đi. Người phụ nữ Đông Đức 20 năm trước, nay là vị Thủ Tướng của nước Đức thống nhất.

Bà thủ tướng Đức Angela Merkel đang ký chữ ký kỷ niệm trên một mảnh còn lại của bức tường nhân lễ kỷ niệm 20 năm

Năm 1975, nước Việt Nam thống nhất. Con sông Bến Hải ngăn chia 2 miền Nam Bắc tuy không bị lấp đầy, nhưng ai cũng hiểu sẽ không còn cách chia dân tộc nữa. Nhưng bức tường lòng ngăn chia kẻ Nam người Bắc lại sừng sững xuất hiện, với khỏang cách ngày chỉ rộng thêm chứ không hẹp lại. 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, với nguyên tắc chia đều sự nghèo khó, cả nước đi giật lùi. Chỉ đến khi Đảng cầm quyền giật mình nhìn lại, ý thức rằng phải đổi mới hay mất quyền lãnh đạo, đất nước mới tạm không đi giật lùi.

Chỉ một thời gian ngắn thóat khỏi ách Cộng sản, người dân Đông Đức đã chễm chệ ngồi đằng sau tay lái chiếc BMW bóng lộn, thay cho chiếc Trabant xấu xí ạch đụi (Good-bye Trabant *, Hello BMW).

Sau 20 năm cả nước Việt Nam tròng vai đeo vào ách Cộng sản, bữa cơm gạo trắng có cá có thịt đã nhường chỗ cho Bo Bo với nước muối. Những chiếc xe gắn máy đủ kiểu đã biến mất, thay vào đó là những chiếc xe đạp đủ lọai thô sơ.

Ngày nay, 20 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, 35 năm sau ngày Việt nam thống nhất, nhiều bài học đã được rút ra. Chủ nghĩa cộng sản hết đường tồn tại. Nhưng vẫn còn những quốc gia bất hạnh. Trong đó, Việt Nam là một. Thực ra, ở những quốc gia còn tự nhận mình đi theo con đường Cộng sản thì đó cũng là thứ cộng sản chỉ còn cái tên giả hình. Nó đã vất đi những điều tốt đẹp nhất (nếu có) của chủ nghĩa Cộng sản nguyên thủy để giữ lại  những điều tệ hại nhất pha trộn với chủ nghĩa tư bản sơ khai, mà mục đích đầu tiên là củng cố sự độc quyền lãnh đạo, sau đó mới đến phúc lợi của tòan dân.

Với một thế hệ người dân Đức, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ 20 năm trước đã là sự kiện lớn nhất trong lịch sử mà họ sẽ không bao giờ quên. Với thế giới, nhất là những quốc gia cựu cộng sản Đông Âu, sự kiện bức tường Berlin cũng mang một ý nghĩa trọng đại không kém. Sự sụp đổ của bức tường là sự sụp đổ của một quân bài Domino, sau đó sẽ là một lọat những quân bài Domino khác. Những gì xẩy ra sau đó chỉ là sự đương nhiên.

Ông Lech Walesa, cựu thủ lãnh Công Đòan Đòan Kết Ba Lan đang xô ngã quân bài Domino đầu tiên trong số 1000 quân bài tượng trưng trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ (Ảnh:  talawas)

20 năm, nhìn lại sự kiện bức tường Berlin để xót xa cho thân phận đất nước Việt Nam.

Hãy xem những bức hình đối chiếu sau đây, để thấy 20 năm, chỉ 20 năm thôi, người Đức đã bước những bước nhẩy vọt như thế nào.

Lối vào cổng Brandenburg Gate – Trên: June 6, 1989; Dưới: 10-2009

Trên: Trạm kiểm sóat Charlie tháng 6-1968, phân chia ranh giới Đông (khu vực Xô-Viết)- Tây (khu vực Hoa Kỳ)

Dưới: ngày nay

Invalidenstrasse, Trên: November 9, 1989,

Dưới: July 21, 2009

Trên: người dân Tây Bá Linh chào đón dân Đông Bá Linh vượt bức tường và trạm kiểm sóat ngày 9-11-1989.

Dưới: cùng vị trí ấy ngày nay

_________________________________

*

Trabant là tên chiếc xe được chế tạo ở Đông Đức từ năm 1957. Năm 1991, Trabant được chính thức khai tử. Sau biến cố bức tường Berlin tháng 11 năm 1989, chiếc xe Trabant được coi là biểu tượng cho sự sụp đổ của nhà nước cộng sản Đông Đức và của cả hệ thống các nước cộng sản trên thế giới, chỉ vì nhiều người dân Đông Đức đã lái chiếc xe này qua thăm Tây Đức .

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search