T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (15) – ONE DAY (Khúc hát thanh xuân), STRAUSS & HAMMERSTEIN

clip_image002

Trong bài kỳ này và kỳ tới, chúng tôi xin giới thiệu hai ca khúc nổi tiếng của thập niên 1930 – một thật vui, một rất buồn. Bản vui là One Day When We Were Young, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Khúc hát thanh xuân; bản buồn là Sombre Dimanche, được ông đặt tựa Chủ Nhật Buồn, và Nam Lộc với tựa Chủ Nhật Xám.

Trước hết nói về bản One Day When We Were Young. Như chúng tôi đã trình bày trước đây, theo sự phân chia của các nhà nhạc sử, thời kỳ hiện đại của âm nhạc tây phương nói chung, được bắt đầu cùng với thế kỷ 20. Trong lĩnh vực sáng tác ca khúc cũng thế, những ca khúc đầu tiên của nền nhạc hiện đại (modern songs), như các bản Serenata (Chiều tà), Torna a Surriento (Về mái nhà xưa), La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy)… đều được sáng tác vào những năm đầu thế kỷ thứ 20.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn bản La Paloma (Cánh buồm xa xưa), vốn được xem là ca khúc đầu tiên của nền nhạc hiện đại, đã được Sebastian Yradier viết vào năm 1863.

Bản One Day When We Were Young cũng là một trường hợp đặc biệt: phần nhạc của nó đã được viết vào năm 1885, tức là thời kỳ lãng mạn trong nền nhạc cổ điển. Vì thế, trong hồi ký của mình, Phạm Duy đã gọi One Day When We Were Young là nhạc cổ điển (có lẽ ý ông muốn nói tới nhạc chứ không kể tới lời hát).

clip_image004

Johann Strauss II

Cho tới nay, One Day When We Were Young vẫn được xem là một trong những ca khúc theo thể điệu valse quen thuộc và được ưa chuộng nhất thế giới. Điều đó cũng không có gì khó hiểu, bởi tác giả của bản One Day When We Were Young nguyên thủy không ai khác hơn là Johann Strauss II (đệ Nhị), “Ông vua điệu luân vũ thành Viên”, người đã để lại cho hậu thế bản valse bất hủ Le Beau Danube Bleu (Blue Danube – Dòng Sông Xanh).

One Day When We Were Young – thường được gọi tắt là “One Day” – nguyên là một khúc hát trong cảnh 2 của vở operetta (opera ngắn) số 10 của Johann Strauss II viết vào năm 1885; đó là vở Gypsy Baron (Vị nam tước bụi đời). Trong nguyên tác, khúc hát này có tựa là “Who tied the knot?” (Ai đã kết hôn?).

clip_image006

Như chúng tôi đã trình bày trong bài nói về bản Dòng Sông Xanh, giữa hai cha con cùng là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng nổi tiếng – tức Johann Strauss I và Johann Strauss II – có một sự xung khắc kịch liệt, nhất là của ông bố đối với con trai. Tình trạng này bắt nguồn từ việc ông bố chỉ muốn con trai trở thành trạng sư trong khi cậu lại say mê âm nhạc, tiếp theo là việc ông bố bỏ vợ con để xây tổ ấm với một cô đào trẻ.

Về sau, khi ông con Johann Strauss II đã nổi tiếng, sự kình chống càng trở nên gay gắt vì cạnh tranh nghề nghiệp. Hí viện nào đã từng mời ông con trình diễn thì ông bố không bao giờ thèm đặt chân tới. Sự kình chống giữa hai cha con Johann Strauss đã trở thành giai thoại thú vị trong làng nhạc đương thời cũng như đám hậu sinh. Bước sang thế kỷ thứ 20, một nhóm nhà soạn nhạc và ca kịch của Áo đã dựa vào giai thoại này cùng với các sáng tác Johann Strauss II để thực hiện một vở ca nhạc kịch có tựa đề Waltzer aus Wien (Waltzes from Vienna – Những bản luân vũ thành Viên), trình diễn ra mắt tại hí viện Stadttheater ngày 30 tháng 10 năm 1930.

Bốn năm sau (1934), vở này kịch này được dựng lại tại Nhà hát Trung ương ở Broadway, thủ đô kịch nghệ của Hoa Kỳ, với tựa tiếng Anh The Great Waltz – Bản luân vũ để đời.

“Bản luân vũ để đời” ở đây chính là bản “Who tied the knot?” trong vở “Gypsy Baron’” của Johann Strauss II đã nói tới ở đoạn trên.

Vở The Great Waltz đã đạt thành công rực rỡ với 289 xuất diễn liên tục. Năm 1938, vở ca kịch này đã được hãng phim MGM đưa lên màn bạc, giữ nguyên tựa The Great Waltz nhưng với lời hát mới do Oscar Hammerstein II đặt.

Tới năm 1949, hai nhà soạn nhạc nổi tiếng của Mỹ là Robert Wright và George Forrest đã phóng tác nhạc và lời hát trong vở operetta “Gypsy Baron” nguyên thủy của Johann Strauss II thành một vở The Great Waltz khác, để diễn tại nhà hát Los Angeles Civic Light Opera.

Vở này đã được đưa lên sân khấu West End ở Luân-đôn năm 1970 với 605 xuất diễn liên tục. Năm 1972, vở The Great Waltz thứ hai này cũng được đưa lên màn bạc.

Như vậy, chỉ tính lời hát bằng tiếng Anh, bản “Who tied the knot?” trong vở “Gypsy Baron” nguyên thủy của Johann Strauss II đã có ba lời hát khác nhau, và lời hát hiện nay chúng ta thường nghe qua băng, đĩa hát – One Day When We Were Young – là lời hát do Oscar Hammerstein II soạn cho cuốn phim The Great Waltz năm 1938.

One day when we were young

That wonderful morning in May

You told me you loved me

When we were young one day

 

Sweet songs of spring were sung

And music was never so gay

You told me you loved me

When we were young one day

 

You told me you loved me

And held me close to your heart

We laughed then, we cried then

Then came the ti-ime to part

 

When songs of spring are sung

Remember that morning in May

Remember you loved me

When we were young one day

 

We laughed then, we cried then

Then came the ti-ime to par-art

When songs of spring are sung

Remember that morning in May

Remember you loved me

When we were young one day…

clip_image008

Oscar Hammerstein II (1895-1960)

  Oscar Hammerstein II (1895-1960) là nhà sản xuất kịch nghệ, đạo diễn sân khấu và nhà viết lời hát hàng đầu của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian trải dài 40 năm từ sau thế chiến thứ nhất cho tới cuối thập niên 1950.

Ông đã đoạt 8 giải Tony (kịch nghệ) và 2 giải Oscar (cho ca khúc viết cho phim). Tổng cộng, ông đã viết lời cho 850 ca khúc, trong đó ngoài bản One Day… không thể không nhắc tới các khúc hát trong vở The Sound of Music (do Richard Rodgers viết nhạc), trình diễn ra mắt trên sân khấu Broadway năm 1959 (9 tháng trước khi ông qua đời vì ung thư), và trở thành vở ca nhạc kịch (musical) được diễn đi diễn lại nhiều lần nhất trong lịch sử.

Năm 1965, The Sound of Music được hãng 20thCentury Fox đưa lên màn bạc với nữ diễn viên Anh (Dame) Julie Andrews thủ vai nữ chính. Cuốn phim đã đoạt 5 giải thưởng Oscar, trong đó có Oscar cho phim hay nhất trong năm (Best Picture) và đã “hạ bệ” phim Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind) để trở thành cuốn phim có số thu cao nhất lịch sử điện ảnh. Hiện nay, The Sound of Music vẫn còn đứng hạng 5 trong danh sách.

Trở lại với cuốn phim The Great Waltz năm 1938, bản One Day… trong phim đã được đệ nhất nữ danh ca soprano đương thời kiêm diễn viên Miliza Korjus trình bày (video: One Day When We Were Young – The Great Waltz – YouTube)

clip_image010

 Miliza Korjus (1909-1980)

Miliza Korjus (1909-1980) xuất thân dòng dõi quý tộc mang ba dòng máu Estonia + Lithuania + Ba-lan. Sau khi kết hôn với một bác sĩ người Đức, Miliza Korjus được Nhà hát Opera Quốc gia Bá-linh (Berlin State Opera) mời cộng tác, và từ đó đã được xưng tụng là Con họa mi thành Bá-linh (Berlin Nightingale) và nổi tiếng khắp Âu châu. Năm 1938, Miliza Korjus được mời sang kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng để thủ một vai phụ (và hát bản One Day…) trong phim The Great Waltz, và đã được xướng danh tranh giải Oscar cho nữ diễn viên vai phụ xuất sắc nhất.

Cùng thời gian, hãng đĩa hát RCA Victor của Mỹ đã cho phát  hành đĩa One Day… do Miliza Korjus hát trọn bài dài 3 phút rưỡi (trong phim, cảnh Miliza Korjus hát dài chưa đầy 2 phút), tuy nhiên chất lượng âm thanh và độ trung thực (fidelity) của đĩa hát này bị chê là quá kém.

Một năm sau, One Day… đã được nữ danh ca Anh (Dame) Gracie Fileds (1898 – 1979) trình bày, và rất được người Anh ưa chuộng, nhất là tại các đơn vị quân đội Hoàng gia Anh nơi bà tới trình diễn trong thời gian Đệ nhị Thế chiến.

clip_image011

Rất tiếc, vì những rối loạn do chiến tranh gây ra, bản chính (master) do Gracie Fileds hát, lưu giữ trong phòng thu âm đã bị thất lạc, cho nên sau này người ta phải “copy từ copy”, cho nên chất lượng âm thanh và độ trung thực cũng không khá gì hơn đĩa của Miliza Korjus (video: Gracie Fileds – One Day When We Were Young 1939 – YouTube)

Trong số những bản One Day… hiện đang được phổ biến “free” trên Internet, được ưa thích nhất là bản trình bày dưới hình thức song ca nữ của trang mạng beemp3.com. Độc giả nào thường download nhạc từ Internet có lẽ cũng biết beemp3.com  là một trang mạng uy tín, thế nhưng riêng trong trường hợp của bản One Day… này, chỉ thấy ghi nguồn cung cấp chứ không thấy ghi tên ca sĩ trình bày.

Nghe phần nhạc đệm, chúng tôi tin rằng bản này được thu đĩa vào khoảng thập niên 1950, hoặc sớm hơn.

Phụ lục (1): One Day When We Were Young (song ca nữ – khuyết danh)

01-OneDay-1

Trong số những danh ca thuộc thế hệ mới nhất hát bản One Day…, có thể nói đĩa hát của nữ ca sĩ gốc Hoa Jane Zhang (tiếng Hoa: Zhang Liangying, phiên âm Hán Việt là Trương Lương Dĩnh) hiện đang được ưa chuộng nhất.

Jane Zhang sinh năm 1984 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2005, cô tham dự cuộc thi Super Girl, là cuộc thi ca nhạc thường niên lớn nhất ở Trung Quốc, do hệ thống truyền hình vệ tinh Hồ Nam (Hunan Satelite Television) tổ chức. Tuy chỉ đứng hạng ba, nhưng Jane Zhang lại được khán thính giả ái mộ nhất, bởi vì cô không chỉ có khuôn mặt xinh đẹp khả ái, thân hình lý tưởng, đôi mắt thu hút, có khả năng hát bằng tiếng Quảng Đông, Quan Thoại, tiếng Anh và Tây-ban-nha (Jane Zhang tốt nghiệp khoa ngoại ngữ tại Đại học Tứ Xuyên) mà còn có một giọng soprano cao vút, được truyền thông Hoa ngữ xưng tụng là “giọng hát thiên thần”.

clip_image013

Jane Zhang

Giọng hát của Jane Zhang đạt tới bậc cao nhất mà con người có thể đạt được, mà từ chuyên môn trong âm nhạc gọi là “whistle register”.

Chính vì thế, Jane Zhang đã thành công rực rỡ khi trình bày những ca khúc đòi hỏi chất giọng cao vút của Mariah Carey, Christina Aguilera, như Hero, I Still Believe, Beautiful…, và cả bản Don’t Cry for Me Argentina bất hủ trong vở ca nhạc kịch Evita. Jane Zhang cũng là nữ ca sĩ Á đông duy nhất được mời lên talk-show của Oprah Winfrey.

Phụ lục (2): One Day When We Were Young, Jane Zhang

02-OneDayWhenWeWereYoung

One Day When We Were Young được Phạm Duy đặt lời Việt vào năm 1942 với tựa Khúc Hát Thanh Xuân. Trong hồi ký của mình, ông viết:

… Tôi khởi sự soạn lời ca tiếng Việt để hát với nhạc Âu Mỹ khi tôi vừa bước vào tuổi 15, 20. Khi đó, ở Việt Nam, phong trào cải lương, cải cách trong văn học nghệ thuật đã ra đời. Thơ Mới đã có mặt với những thi phẩm của Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu v.v…, đồng thời Cải Lương Nam Kỳ cũng đang dần dà xâm chiếm sân khấu của Chèo Cổ, Tuồng Cổ… Về Âm Nhạc, để thay thế cho nhạc cổ, qua những bài ta theo điệu Tây của các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi… một nền nhạc mới đang trong thời kỳ chuẩn bị (Nhạc Cải Cách) để sẽ tiến tới thời kỳ thành hình (Tân Nhạc)…

Trong khi các nghệ sĩ kể trên chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời thì tôi chọn nhạc cổ điển Âu Tây để ca hát. Loại nhạc valse của Johann Strauss tuy là nhạc cổ điển nhưng có bài được phổ biến dưới hình thức ca khúc phổ thông. Ngoài bài valse bất hủ là LE BEAU DANUBE BLEU, Johann Strauss có một bài valse khác cũng được nhiều người biết đến là bài WHEN WE WERE YOUNG. Tôi soạn lời ca tiếng Việt để hát chơi trong đám bạn bè. Ðây cũng là lúc tôi phổ nhạc bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính tại Hưng Yên sau khi thôi học tại Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội…

(Cô Hái Mơ là sáng tác đầu tay của Phạm Duy – chú thích của Hoài Nam)

KHÚC HÁT THANH XUÂN

Ngày ấy khi Xuân ra đời

Một trời bình minh có lũ chim vui

Có lứa đôi, yêu nhau rồi

Hẹn rằng còn mãi không nguôi

Nhạc lắng hương xuân bồi hồi

Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi

Nói với nhau, yêu nhau rồi

Một ngày còn mới tươi môi.

Rồi nắm tay cùng nói vui

Những câu êm êm không rời vai.

Rồi lả lơi, hình dáng ai

Khuất xa biến vào nẻo khơi.

Từ đó khi xuân tái hồi

Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.

Nhớ tới câu thương yêu người

Một ngày tuổi mới đôi mươi.

So sánh bản lời Việt của Phạm Duy với bản lời Anh của Oscar Hammerstein II, tuy không thể gọi là một bản dịch, chúng ta thấy nội dung cũng tương tự, đó là những hoài niệm về tuổi thanh xuân, ngày hai người yêu nhau, thề hứa, rồi chia tay, nhưng vẫn mãi mãi là những kỷ niệm đẹp của đời người.

Trước và sau năm 1975, Khúc Hát Thanh Xuân đã được rất nhiều ca sĩ trình bày, như Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao, Thanh Lan, Thái Hiền, Hương Lan, Phương Hồng Quế, Ái Vân, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Ngọc Hạ, Thu Phương…

Sau đây chúng tôi xin gửi tới độc giả hai bản điển hình nhất do các tiếng hát của Thái Hiền (hát theo thể điệu valse nguyên thủy) và Trần Thu Hà (theo thể nhạc Blues).

– Phụ lục (3): Khúc Hát Thanh Xuân, Thái Hiền

03-khuc hat thanh xuan – TH

Phụ lục (4): Khúc Hát Thanh Xuân, Trần Thu Hà

04-KhucHatThanhXuan-TranThuHa

Hòai Nam

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search